Hưng Yên
Tỉnh
Văn miếu Xích Đằng 02.JPG
Văn miếu Xích Đằng
Địa lý
Tọa độ: 20°51′16″B 106°00′58″Đ / 20,85432°B 106,016006°ĐTọa độ: 20°51′16″B 106°00′58″Đ / 20,85432°B 106,016006°Đ
Diện tích 926,0 km²
Dân số (2016)  
 Tổng cộng 1.380.000 người1
 Mật độ 1.476 người/km²
Dân tộc Việt, Hoa
Hành chính
Quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Vùng Đồng bằng sông Hồng
Tỉnh lỵ Thành phố Hưng Yên
 Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phóng
 Chủ tịch HĐND Đỗ Xuân Tuyên
 Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ
Phân chia hành chính 1 thành phố, 9 huyện
Mã hành chính VN-66
Mã bưu chính 16xxxx
Mã điện thoại 221
Biển số xe 89
Website http://www.hungyen.gov.vn/

Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng Việt Nam. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hưng Yên nằm cách thủ đô Hà Nội 64 km về phía đông nam, cách thành phố Hải Dương 50 km về phía tây nam. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía tây và tây bắc giáp thủ đô Hà Nội, phía nam giáp tỉnh Thái Bình và phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Trong quy hoạch xây dựng, tỉnh này thuộc vùng thủ đô Hà Nội

Hành chính

Tỉnh Hưng Yên được phân chia thành 10 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố và 9 huyện:

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hưng Yên
Tên Dân số (người)2009 Hành chính
Thành phố (1)
Hưng Yên 156.275 7 phường, 10 xã
Huyện (9)
Ân Thi 125.500 1 thị trấn, 20 xã
Khoái Châu 179.200 1 thị trấn, 24 xã
Kim Động 111.417 1 thị trấn, 16 xã
Tên Dân số (người)2009 Hành chính
Mỹ Hào 81.200 1 thị trấn, 12 xã
Phù Cừ 100.000 1 thị trấn, 13 xã
Tiên Lữ 104.072 1 thị trấn, 14 xã
Văn Giang 104.397 1 thị trấn, 10 xã
Văn Lâm 96.900 1 thị trấn, 10 xã
Yên Mỹ 130.000 1 thị trấn, 16 xã

Tỉnh Hưng Yên có 161 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 145 xã, 7 phường và 9 thị trấn.

Lịch sử

Tỉnh Hưng Yên nguyên thuộc thừa tuyên Sơn Nam đặt vào năm Quang Thuận thứ 10 đời Lê (1469). Đến năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) thì chia thành Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Đời nhà Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Sơn Nam Thượng được đổi thành trấn Sơn Nam còn Sơn Nam Hạ thì gọi là trấn Nam Định. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Thiên Thi, Tiên Lữ, Phù Dung của trấn Sơn Nam và Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định (các huyện Thần Khê, Duyên Hà và Hưng Nhân sau bị cắt vào tỉnh Thái Bình mới thành lập).2

Tuy là tỉnh "mới" chỉ non 200 năm, vùng đất Hưng Yên đã nổi danh từ thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh trước đó với Phố Hiến, vốn là thương cảng đô hội quan trọng bậc nhất ở Đàng Ngoài. Thuyền bè ngược sông Hồng lên Thăng Long "Kẻ Chợ" đều phải dừng ở Phố Hiến đợi giấy phép nên Phố Hiến trở thành tụ điểm sầm uất. Người Tàu, người Nhật và người Tây phương đều đến đấy buôn bán. Do vậy dân gian đã có câu: "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến".

Ngày 27 tháng 1 năm 1968, Hưng Yên được hợp nhất với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng.

Ngày 11 tháng 3 năm 1977, hợp nhất 2 huyện Phù Cừ và Tiên Lữ thành huyện Phù Tiên; hợp nhất 2 huyện Văn Giang và Yên Mỹ thành huyện Văn Yên; hợp nhất 2 huyện Văn Lâm và Mỹ Hào thành huyện Văn Mỹ.3

Ngày 24 tháng 2 năm 1979, hợp nhất 2 huyện Kim Động và Ân Thi thành huyện Kim Thi; hợp nhất huyện Văn Mỹ và một phần huyện Văn Yên thành huyện Mỹ Văn; hợp nhất phần còn lại của huyện Văn Yên và huyện Khoái Châu thành huyện Châu Giang.4

Ngày 27 tháng 1 năm 1996, chia huyện Kim Thi thành 2 huyện: Kim Động và Ân Thi.5

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tái lập tỉnh Hưng Yên từ tỉnh Hải Hưng. Khi tách ra, tỉnh Hưng Yên có 6 đơn vị hành chính gồm thị xã Hưng Yên và 5 huyện: Ân Thi, Châu Giang, Kim Động, Mỹ Văn, Phù Tiên.6

Ngày 24 tháng 2 năm 1997, chia huyện Phù Tiên thành 2 huyện: Phù Cừ và Tiên Lữ.7

Ngày 24 tháng 7 năm 1999, chia huyện Châu Giang thành 2 huyện: Khoái Châu và Văn Giang; chia huyện Mỹ Văn thành 3 huyện: Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ.8

Ngày 19 tháng 1 năm 2009, chuyển thị xã Hưng Yên thành thành phố Hưng Yên.9

Điều kiện tự nhiên

Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ giữa ba thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, là một trong hai tỉnh Bắc bộ có địa hình hoàn toàn đồng bằng, không có rừng, núi. Hưng Yên không giáp biển. Độ cao đất đai gần như đồng đều, địa hình rất thuận lợi.

Điểm trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ nằm ở thôn Dung (Thiên Xuân), xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ.10

Hưng Yên nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Mùa mưa kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Lượng mưa trong mùa mưa chiếm tới 70% tổng lượng mưa cả năm.

  • Diện tích: 923,09 km² (rộng hơn Hà Nam, Bắc Ninh).10
  • Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.450 – 1.650 mm
  • Nhiệt độ trung bình: 23,2 °C
  • Số giờ nắng trong năm: 1.519 giờ
  • Độ ẩm tương đối trung bình: 85 – 87%

Tọa độ

  • Vĩ độ: 20°36′-21°01′ Bắc
  • Kinh độ: 105°53′-106°17′ Đông

Dân số

Theo điều tra dân số 01/04/2013 Hưng Yên có 1.200.000 người với mật độ dân số 1.296 người/km².

Thành phần dân số

Tỷ lệ dân số làm nông nghiệp rất cao, ước tính 50-55%. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ này thay đổi một cách nhanh chóng do tốc độ phát triển của công nghiệp, dịch vụ có xu hướng tăng nhanh hơn. Tỷ lệ dân số làm nông nghiệp năm 2008 ước tính còn 40-45%, công nghiệp 45%, dịch vụ 13%. 32% dân số sống ở đô thị và 68% dân số sống ở nông thôn.

Kinh tế

Vì có điều kiện địa lý thuận lợi có quốc lộ số 5 chạy qua, nối Hà Nội - Hải Phòng, nằm trong khu vực trọng điểm tam giác kinh tế Bắc bộ nên Hưng Yên có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Năm 2009, mặc dù khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng GDP của Hưng Yên tăng 7,01%.

Hưng Yên là một tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và mạnh của miền Bắc. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều các khu công nghiệp lớn như Phố Nối A, Phố Nối B (khu công nghiệp dệt may), khu công nghiệp Thăng Long II (Mitsutomo Nhật Bản), khu công nghiệp Như Quỳnh, khu công nghiệp Minh Đức, khu công nghiệp nhỏ Kim Động, khu công nghiệp Quán Đỏ..... Sản phẩm công nghiệp của tỉnh là dệt may, giày da, ô tô, xe máy, công nghiệp thực phẩm... Cơ cấu theo hướng phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ đang là chủ đạo.

Nhưng phân hoá kinh tế không đồng đều giữa các khu vực trong tỉnh đang gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh cũng như cho những vùng, khu vực kinh tế còn chậm phát triển trong tỉnh. Tình hình đó sẽ được cải thiện khi quốc lộ 5B (Con đường rộng 8 làn hiện đại bậc nhất Việt Nam, xuất phát từ cầu Thanh Trì đến thành phố cảng Hải Phòng. Nó chạy qua các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Ân Thi với tổng chiều dài 29 km); tỉnh lộ 200 (chạy song song với quốc lộ 39A chạy qua Tiên Lữ, Ân Thi, Yên Mỹ); quốc lộ 38B (nối từ chợ Gạo đi qua Tiên Lữ, Phù Cừ sang Hải Dương); đường chạy theo đê sông Hồng bắt đầu từ thành phố Hưng Yên tới Văn Giang và đường nối cao tốc Hà Nội Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình sẽ làm cân bằng kinh tế giữa các vùng trong tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều các khu đô thị mới xây dựng với quy hoạch rất hiện đại và văn minh như: khu đô thị Ecopark (Văn Giang), khu đô thị Phố Nối B, khu Việt kiều, khu đô thị đại học Phố Hiến (thành phố Hưng Yênhuyện Tiên Lữ)...

Khu Phố Nối (Thị trấn Bần Yên Nhân) huyện Mỹ Hào là một khu vực kinh tế phát triển, là trung tâm thương mại tài chính ngân hàng, công nghiệp của tỉnh Hưng Yên. Tại đây các trung tâm thương mại, mua sắm, khu giải trí đang được xây dựng nhiều đang dần biến nơi đây thành trung tâm giải trí chính của vùng. Đây cũng là nơi tập trung một số cơ sở giáo dục lớn như trường đại học như trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (cơ sở II), trường Đại học Chu Văn An (cơ sở II) (dân lập), trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên, trường Cao đẳng Bách Khoa Hưng Yên (dân lập)

Giao thông

Các tuyến giao thông

Khánh thành cầu Yên Lệnh ở thành phố Hưng Yên

Trên địa bàn Hưng Yên có các quốc lộ sau chạy qua:

  • Quốc lộ 5A: Như Quỳnh - Minh Đức
  • Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Dài 29 Km còn gọi là quốc lộ 5B
  • Quốc lộ 39A: Phố Nối - Triều Dương
  • Quốc lộ 38: Cống Tranh - Trương Xá, thành phố Hưng Yên - cầu Yên Lệnh. Quốc lộ 38B: Hải Dương - Hưng Yên - Nam Định- Ninh Bình

Tỉnh lộ:

  • 386: Minh Tân - La Tiến (chạy dọc Huyện Phù Cừ qua phà La Tiến sang Tỉnh Thái Bình). Đang có dự án kêu gọi đầu tư cầu La Tiến từ nay đến 2020
  • 200: Triều Dương - Cầu Hầu.
  • 203: Đoàn Đào - Lệ Xá - Trung Dũng - Thụy Lôi - Hải Triều - Cầu Triều Dương (Nối QL 38B với QL 39A)
  • 195: Chạy dọc đê sông Hồng từ thành phố Hưng Yên tới Bát Tràng, Gia Lâm.
  • Đường nối đường 5B và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình(điểm đầu tại nút giao thông Lực Điền chạy song song với QL39 qua TP.Hưng Yên, vượt sông Hồng sang Lý Nhân - Hà Nam, giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại nút giao Liêm Tuyền). Tỉnh Lộ 396 (điểm đầu ngã tư Trần Cao - ngã tư Nhật Quang qua cầu Dao sang tt Ninh Giang

Đường sắt: tuyến Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua địa phận Hưng Yên 17 km, từ Như Quỳnh tới Lương Tài.

Đường thủy: Sông Hồng là ranh giới của Hưng Yên với các tỉnh, thành phía tây, dài 57 km. Sông Luộc là ranh giới với tỉnh Thái Bình dài 25 km. Sông Luộc và sông Hồng giao nhau tại địa phận thành phố Hưng Yên. Ngoài ra còn các sông nhỏ khác như: sông Sặt (sông Kẻ Sặt), sông Chanh, sông Cửu An (sông Cửu Yên), sông Tam Đô, sông Điện Biên, v.v. Hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp tỉnh này.

Giáo dục - Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Năm 2003, theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên, Hưng Yên có 95.160 học sinh tiểu học, 98.240 học sinh trung học cơ sở và 39.459 học sinh trung học. Số trường học tương ứng theo ba cấp là 168, 166 và 27.

Danh sách các trường cao đẳng - đại học tại tỉnh Hưng Yên:

1.Đại Học Sư Phạm Kỹ thuật Hưng Yên

2.Đại Học Tài chính QT Kinh doanh

3.Đại Học Chu Văn An

4.Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam

5.Đại Học Anh Quốc Việt Nam

6.Đại Học Y Khoa Vinmec

7.Đại Học Mở Hà Nội cơ sở 2

8.Đại Học Hải Quan Việt Nam

9.Đại Học Kỹ thuật Hậu cần Công An

10.Đại Học Công Đoàn cơ sở 2

11.Đại học Nội vụ cơ sở 2

12.Đại học Thuỷ Lợi cơ sở 2

13.Đại Học Giao thông vận tải

14.Đại Học Ngoại Thương cơ sở 3

15.Học viện Y dược cơ sở 2

16.Học viện Golf EPGA Việt Nam

17.Cao đẳng ASEAN

18.Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên

19.Cao đẳng Bách Khoa Hưng Yên

20.Cao đẳng Hàng Không

21.Cao đẳng kỹ thuật Lod

22. Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Tô Hiệu

23.Cao đẳng Cơ Điện Thuỷ Lợi

24.Cao đẳng Sư Phạm Hưng Yên

25. Cao đẳng giao thông hưng yên

26. Cao đẳng văn hoá nghệ thuật

27. Cao đẳng cảnh sát nhân dân 6

28. Cao đẳng Y tế Hưng Yên

29. Cao đẳng kinh tế kỹ nghệ

Cư dân Hưng Yên chủ yếu là nông dân, lúa nước là cây trồng chính gắn với sự chinh phục châu thổ sông Hồng nên văn minh, văn hóa Hưng Yên là văn minh, văn hóa lúa nước, văn minh, văn hóa sông Hồng.

Về văn học dân gian, ngoài cái chung của văn học dân gian đồng bằng Bắc Bộ, còn có những cái riêng mà chỉ Hưng Yên mới có, chẳng hạn như lời của các bài hát trống quân - một lối hát phổ biến ở Hưng Yên xưa kia, hiện nay vẫn còn giữ được.

  • Hưng Yên là vùng đất Địa Linh Nhân Kiệt, luôn đóng góp bậc hiền tài cho đất nước ở môi thời đại. Tỉnh có 4 trạng nguyên trên tổng số 53 trạng nguyên của cả nước. Hiện tại Văn miếu Xích Đằng còn lưu trên bia đá tên hàng trăm tiến sĩ khoa bảng của tỉnh trong các thời kỳ phong kiến.

Một số câu ca dao tiêu biểu cho địa phương trong tỉnh:

  • Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến.
  • Dù ai buôn bắc bán đông,

Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên

  • Oai oái như phủ Khoái xin ăn
  • Chè Yên Thái, gái Tiên Lữ
  • Nát như tương Bần

... Ngoài ra còn có các thể loại hát chèo, hát ả đào,....10

Danh nhân

Nguyễn Chấn (1852 - 1911)

Hưng Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi sinh ra nhiều người đỗ đạt, nhiều nhân vật tài giỏi được sử sách ca ngợi, nhân dân truyền tụng.

Di tích lịch sử

Hưng Yên có các di tích lịch sử tiêu biểu sau:

  • Xã Thuần Hưng huyện Khoái Châu được xác định là địa danh Đại Mang Bộ là địa danh gần sông Hồng thuộc xã Thuần Hưng và các xã xung quanh thuộc tổng Đại Quan theo tên cũ. Nơi đây là linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông là Tổng hành dinh của Vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, từ đây đưa ra những quyết sách quan trọng để Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo quân và dân Đại Việt Tổng tấn công chiến thắng quân Nguyên Mông giữ yên và mở mang bờ cõi Việt Nam 13
  • Cây đa Sài Thị thuộc thôn Sài Thị - xã Thuần Hưng là nơi thành lập chi bộ đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Hưng Yên.14
  • Sông Giàn - Thuần Hưng là Đầu nguồn của Sông Cửu An tiếp giáp với Sông Hồng là di tích lịch sử về tinh thần xây dựng và phát triển đất nước của người Việt. Hình ảnh sông Giàn được các vua Nhà Nguyễn khắc vào Cửu Đỉnh đặt tại Cố Đô Huế 13
  • Quần thể di tích Phố Hiến: Văn Miếu Xích Đằng, đền Trần Hưng Yên, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, Đông Đô Quảng Hội, Võ Miếu, chùa Chuông, chùa Phố, chùa Hiến, chùa Nễ Châu, đền Mây, Phố Hiến xưa, hội ả đào. hồ bán nguyệt...
  • Di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung: (đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch, các di tích liên quan đến Triệu Việt Vương)
  • Khu di tích đình Bến ở Văn Giang thờ sứ quân Lã Đường thời 12 sứ quân.
  • Làng Nôm là ngôi làng cổ của Hưng yên thuộc xã Đại Đồng huyện Văn Lâm. Đây là ngôi làng cổ đặc trưng có vùng đồng bằng Bắc Bộ.
  • Nhà tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông.
  • Cụm di tích Phù Ủng (Ân Thi) liên quan đến danh tướng Phạm Ngũ Lão, di tích Tống Trân Cúc Hoa (Phù Cừ)
  • Đền thờ bà Hoàng Thị Loan - Mẹ chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Khu lưu niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
  • Chùa Khúc Lộng - Vĩnh Khúc, Văn Giang
  • Chùa Ông Khổng hay còn gọi là Chùa Công Luận (Công Luận 1 - TT Văn Giang). Hàng năm vào các ngày từ 4-5 âm lịch diễn ra lễ hội Vật cổ truyền.
  • Đền Bà (còn gọi là Chùa Bà) tọa lạc tại thôn Tân An, xã Nhật Quang, huyện Phù Cừ, thờ Nguyên Phi Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu triều nhà Lý, có phong cảnh đẹp và giá trị kiến trúc nghệ thuật cao,gia trị lịch sử lâu đời, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hàng năm mở hội từ ngày 20-25/7âm lịch)
  • Đền Vĩnh Phúc hay Đền thờ Bà Chúa Mụa (Trần Thị Ngọc Am, vợ của Chúa Trịnh Tráng hiện đền ở thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá huyện Kim Động. Hiện nay con cháu họ Trần Của Bà Trần Thị Ngọc Am đang thờ phụng. Bà Trần Thị Ngọc Am – Vương phí thứ hai của chúa Trịnh Tráng, sau được ban quốc tính họ Trịnh (Trịnh Thị Ngọc Am). Nhân dân địa phương quen gọi bà là bà chúa Mụa.
  • Viện Nghiên cứu Hán Nôm là trung tâm tàng trữ thư tịch và tài liệu Hán - Nôm lớn nhất nước ta hiện nay, với 5038 đầu sách và khoảng 30.000 đơn vị tư liệu(1). Kho sách này là nguồn tư liệu quý hiếm, đang được bảo quản đặc biệt. Đây là nguồn thư tịch cổ, chứa đựng lượng thông tin phong phú, đa dạng, rất đáng tin cậy về các vấn đề địa lý, lịch sử, văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật của dân tộc trong lịch sử. Tiếp cận nguồn tư liệu này, có thể đáp ứng nhu cầu khai thác tư liệu, thu thập thông tin nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và tìm hiểu về các địa phương. Căn cứ vào những thông tin trong sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (Bổ di I, quyển Thượng)(2) chúng tôi xin cung cấp những tư liệu Hán Nôm thể loại do Viện Nghiên cứu Hán Nôm có liên quan tới Hưng Yên như sau:
  • 1- Thần sắc: Là những đạo sắc do các triều đại nhà nước phong kiến, đứng đầu là vua, ban cấp cho các xã thôn trong việc phụng thờ thần ở địa phương. Mỗi đạo sắc thường ghi các yếu tố như: Nơi thờ thần (làng, xã), tên gọi của thần (thần hiệu, duệ hiệu, mỹ tự), lý do thần được phong hiệu (bao phong) hoặc nâng phẩm trật (hạ, trung, thượng đẳng thần), trách nhiệm của thần đối với nhân dân sở tại (phù hộ, che chở), nhiệm vụ của nhân dân địa phương đối với thần (tôn vinh, thờ tự), ngày ban sắc… Trong số 658 đạo sắc phong thần được chép lại của Hưng Yên còn lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán phân bố như sau: - Văn Giang: 37 đạo - Văn Lâm: 290 đạo - Ân Thi: 08 đạo - Yên Mỹ: 255 đạo - Đông An (Yên): 35 đạo - Kim Động: 33 đạo. Đạo sắc có niên đại cổ nhất của Hưng Yên do Lê Thánh Tông (1460 - 1497) ban sắc cho Đại đô Lỗ Trâu Canh đại vương (xã Cốc Phong, huyện Đông An, phủ Khoái Châu); và đạo sắc của đời vua Lê Anh Tông (1557 - 1573) cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và mẹ là Thiên uy Thái trưởng Công chúa (xã Hoàng Cầu, huyện Đông An). Xã có nhiều sắc phong nhất là xã Tráng Vũ, tổng Đồng Than, huyện Yên Mỹ: tổng cộng có 50 đạo sắc, do nhà vua ban cho Diệu Vận đại vương, Tả Hoàng hậu Thiện Tiên đại vương, Hữu Phi nhân Nội Trạch đại vương (trong đó: đời Vĩnh Tộ 03 đạo, Đức Long 07 đạo, Dương Hòa 09 đạo, Thịnh Đức 02 đạo, Vĩnh Thọ 02 đạo, Cảnh Trị 03 đạo, Dương Đức 03 đạo, Chính Hòa 03 đạo, Vĩnh Thịnh 03 đạo, Vĩnh Khánh 03 đạo, Cảnh Hưng 09 đạo, Chiêu Thống 03 đạo); xã Đại Hạnh, tổng Hòa Bình, huyện Yên Mỹ có 43 đạo sắc phong; tiếp đến là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm có 41 đạo. Niên hiệu Cảnh Hưng, đời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) phong sắc nhiều nhất, hầu như làng xã nào của Hưng Yên cũng có sắc phong, trong đó xã Lạc Đạo có 21 lần được vua Cảnh Hưng ban đạo sắc thần.
  • 2- Thần tích: Là những bộ sưu tập về sự tích các thần được thờ ở thôn, xã (từ Nghệ An trở ra Bắc) mà phần lớn đã được triều đình cho người biên chép, chỉnh lý và lưu trữ bản gốc tại bộ Lễ dưới hình thức chung là Ngọc phả. Mỗi bản thần tích được biên soạn theo một mẫu chung: Gốc các vị thần (đời vua, cha mẹ, quê quán), công lao của thần lúc sống cũng như khi mất (cứu dân, cứu nước, hiển linh,…), các danh hiệu được phong tặng, nơi thờ tự… Những vị thần sớm nhất được thờ tự ở Hưng Yên là từ thuở Hùng Vương dựng nước và muộn nhất là thời Nguyễn. Những vị thần, có thể là nhiên thần: tục thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ở Văn Lâm và Yên Mỹ), thờ Thạch Quang Vương Phật (hòn Đá phát sáng)…; thiên thần (Tiên Thiên, Địa Tiên, Ngũ Lão Tiên Ông, Đế Thích, Ngọc Hoàng…); có thể là các nhân thần như: (Chử Đồng Tử - Nhị vị phu nhân, Lạc Long Quân - Âu Cơ…), (Phạm Ngũ Lão, Phạm Bạch Hổ, Đoàn Thượng…). Hưng Yên còn có những người nước ngoài, được thờ cúng tôn sùng như bà Dương Quý Phi - Dương Thái Hậu (đền Mẫu), thần Hàng hải Lâm Tức Mặc - Thượng Thiên Thánh Mẫu (đền Thiên Hậu), hay Quan Công (đền Võ Miếu)… (gắn bó với người Hoa sinh sống và buôn bán ở Phố Hiến thế kỷ XVI - XVIII). Hiện tại, Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ 189 bản thần tích của Hưng Yên, cụ thể: - Ân Thi: 18 bản - Phù Cừ: 11 bản - Văn Giang: 03 bản - Kim Động: 20 bản - Đông Yên: 29 bản - Văn Lâm: 47 bản. - Yên Mỹ có nhiều nhất với 61 bản. Thần tích cổ nhất của Hưng Yên được biết đến là: - Xã Đào Xá, huyện Kim Động, do Lê Văn Bích soạn năm Hồng Đức thứ nhất (1470), chép về sự tích ba vị thần thời nhà Đinh: Đôn Thiện Sùng Tín đại vương, Đông Chinh Thiên Môn đại vương và Tây Chính Địa Phủ đại vương. - Thôn Long Vĩ, xã Đông Xá, tổng Tử Dương, huyện Yên Mỹ: do Lê Tung soạn năm 1470, gồm sự tích về Lý Hải triều nhà Lý, Phục Quý công Hiển Ứng đại vương (Nguyễn Văn Phục thời Lê). Đặc biệt, tại đây còn lưu trữ bản thần tích xã Đằng Man, huyện Kim Động do Hoàng Cao Khải soạn năm 1893, ghi chép về việc Thánh Mẫu đã có công báo mộng âm, phù giúp cho mình thoát hiểm. Đa số những bản thần tích khác đều do Hàn lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm 1572 hoặc Quản giáp bách thần tri điện, Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền sao y lại vào những năm 1735 - 1736.
  • 3- Tục lệ: Là những bản quy ước của làng xã, bao gồm: Lệ (lệ bạ, điều lệ, thông lệ, điểm lệ, giáp lệ, xóm lệ, hương lệ), tục lệ, khoán (cổ khoán, khoán bạ, khoán từ), khoán lệ, ước (ước từ, giao ước, hương ước), khoán ước… Mỗi bản khoán ước, tục lệ thường có các yếu tố như: các điều khoản phải thi hành, đối tượng thực hiện, ngày lập bản khoán ước…Viện nghiên cứu Hán Nôm mới chỉ thu thập và bảo quản tục lệ của hai huyện Văn Lâm và Yên Mỹ nhưng đã có tới 144 khoán ước, tục lệ, khoán lệ… khác nhau (Văn Lâm có 69 tục lệ, Yên Mỹ có 75 tục lệ). Quy ước cổ nhất của Hưng Yên được biết đến là của thôn Tử Cầu, xã Lạc Cầu, tổng Đồng Than, huyện Yên Mỹ lập năm Đức Nguyên nguyên niên (1674) và tục lệ xã An Xuyên, Ngọ Cầu, tổng Như Quỳnh, huyện Văn Lâm được soạn năm Chính Hòa thứ 5 (1684). Trong những bản tục lệ hay quy ước này chứa đựng rất nhiều thông tin lịch sử - văn hoá phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về một địa phương. Ví dụ bản Hưng Yên tỉnh, Yên Mỹ huyện, Liêu Xá tổng, Liêu Xá xã, Văn Xá - Vũ Xá nhị thôn tục lệ bao gồm các văn bản sau: - Công nhị thôn Tư văn chính hội điều lệ bạ gồm 18 điều, sao ngày 6 tháng 3 năm Thành Thái thứ 3 (1891), có ghi chép tước hiệu, tên thụy, tên hiệu của các bậc tiên hiền hai thôn; - Bản đình đệ niên nhập tịch ước thúc mục lục văn, gồm những bài văn tế dùng khi nhập tịch tại đình và các câu đối trong và ngoài nội điện; các lễ giỗ kỵ từng tháng trong năm; - Bản đình chu niên tự sự các tiết tế văn tả bản, gồm các bài văn tế dùng vào các tiết trong năm tại đình; - Văn Hảo nhị thôn trung hậu tộc phụng sự tiên hiền lệ bạ, gồm 12 điều, lập ngày 21 tháng 1 năm Tự Đức thứ 26 (1873); - Văn Xá thôn Đoài Nhất giáp tục lệ bạ bản, có 21 điều, không ghi ngày tháng lập; - Văn Xá thôn Đông Nhất giáp tục lệ bạ, có 22 điều, lập ngày 4 tháng 1 năm Tự Đức thứ 31 (1878) và 2 điều bổ sung vào ngày 16 tháng 1 năm Tự Đức thứ 34 (1881); - Công xã hương ước khoán điều lệ bạ, gồm 19 điều, lập ngày 15 tháng 12 năm Tự Đức thứ 23 (1870); - Liêu Xá tổng Văn Hội điều bạ, gồm 27 điều, ghi danh các vị tiên hiền của bản tổng; - Văn thôn Họa Tranh thị khoán lệ bạ, gồm 22 điều quy định của chợ Họa Tranh vào ngày 15 tháng 8 năm Tự Đức thứ 32 (1879); - Bản tổng Văn Hội điều lệ sách bạ, có 9 điều, ghi một số bài phụ tế tại hội Tư văn; - Văn Xá thôn Lê tộc điều lệ bạ, có 1 điều của dòng họ Lê, lập năm Tự Đức thứ 19 (1866), kê khai về số ruộng của họ này tại các xứ sở; - Văn Xá thôn Đông Tam giáp điều lệ bạ, gồm 11 điều, lập năm Thành Thái thứ nhất (1889); - Văn Xá thôn Xuân Áng tộc tự tiên hiền lệ bạ, gồm 12 điều, lập ngày 15 tháng 10 năm 1890, quy định về số ruộng, thể thức bài văn khấn và các vị tiên hiền của họ này phụng thờ; - Văn Xá thôn hậu thần tự điển liệt bạ, gồm 7 điều (trích ở từ đường các dòng họ lớn) ghi danh sách các vị hậu thần được phối thờ tại đình; - Công xã Hương lão hội lệ bạ, gồm 2 điều, lập năm Thành Thái thứ 18 (1906). - Công xã hưu ban Tư văn hội lệ khoán bạ, có 17 điều, lập năm Khải Định thứ 2 (1918); - Đông Nhị giáp điều lệ bạ, lập ngày 1 tháng 9 năm Khải Định thứ 4 (1919); - Công xã cải lương tân lệ bạ, có 21 khoản, lập ngày 3 tháng 12 năm Khải Định thứ 4 (1919). - Văn thôn tập thiện hội điều lệ bạ, gồm 3 điều… Đây là nguồn tư liệu rất giá trị và phong phú, bổ sung cho sự thiếu hụt về tư liệu thành văn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về phong tục tập quán cũng như những sinh hoạt của nhân dân tại các làng xã trong tỉnh.
  • 4- Địa bạ: Là bản kê khai về ruộng đất (địa tịch) của các xã, thôn được thực hiện một phần từ thời nhà Lê và phần lớn dưới thời Nguyễn, với mục đích làm căn cứ để thu thuế nông nghiệp. Mỗi bản kê khai thường cung cấp những thông tin như: Tổng số ruộng đất ở địa phương, số ruộng đất công, tư, ruộng thần từ phật tự, thổ trạch viên trì, tha ma gò đống, quan lộ, quan đê, ruộng học điền… Hiện tại, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ địa bạ 3 xã; Đồng Xuyên, Mậu Duyệt (tổng Lương Tài), Thanh Khê (tổng Thái Lạc); hai thôn: Đông Nghệ, Xuân Lôi (xã Ngải Dương) của huyện Văn Lâm và 37 xã, 18 thôn của huyện Yên Mỹ. Theo thống kê sơ bộ, bản địa bạ sớm nhất của Hưng Yên được điều tra thời Gia Long thứ 4 (1805); xã có diện tích nhiều nhất là Hoàng Đôi (tổng Đồng Than, huyện Yên Mỹ): 965 mẫu (chia làm 3 hạng ruộng, 3 hạng đất) và xã Đồng Than (tổng Đồng Than): 843 mẫu. Ngoài ra, một số địa bạ còn có bản đồ minh họa, tờ bẩm về tình hình ruộng đất…
  • 5- Cổ chỉ: Là một tập hợp những sách vở, giấy tờ được viết bằng lối chữ cổ (chữ Hán hoặc Nôm, để phân biệt với lối chữ mới, tức chữ cái Latinh) bao gồm: công văn, tài liệu các loại như lệnh chỉ, thượng, dụ, khải tấu, đinh bạ, điền bạ, thuế khóa, gia phả, sách mo, các khoa cúng, bí quyết tu hành của nhà Phật…, sưu tầm được tại một số xã thuộc 5 tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Sơn Tây, Lạng Sơn và Phúc Yên. Đối với Hưng Yên, ba tổng còn tài liệu cổ chỉ là Liêu Xá, Yên Phú và Đồng Than của huyện Yên Mỹ. Bản Hưng Yên tỉnh, Yên Mỹ huyện, Liêu Xá tổng, Liêu Trung xã cổ tự chỉ, ghi chép về: + Doãn Thị thực lục, ghi chép về dòng họ Doãn, một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt, làm quan như Thượng thư bộ Lễ Doãn Thành Huệ và Doãn Mậu Khôi, Doãn Tư… + Lưu gia phát tích phả thuyết, ghi chép về dòng họ Lưu như Lưu Đình Tá và một số người khác được phong thờ tự… + Nguyễn tộc nguyên lưu phả hệ lược thuyết, có liệt kê tên, hiệu, quan tước, ngày kỵ húy, giỗ chạp… của họ Nguyễn. + Lịch đại thiền sư phù luyện bí quyết, do nhà sư trụ trì chùa Liêu Trung là Pháp Chiếu soạn năm Gia Long thứ 6 (1807). + Bản quốc Thiền tông lịch đại tổ sư điển tích ký lục, do sư Pháp Định soạn năm Tự Đức thứ 13 (1860), ghi chép về tên tuổi, quê quán và sự tích của 9 vị tổ sư, từ đệ nhất đến đệ cửu, của bản chùa. Ngoài ra, còn nhiều bài văn bia, như: Trùng tu Pháp Vân tự bi ký (soạn năm Chính Hòa thứ 16 - 1695), Phụng biên bản tộc Lệ Trung hầu tướng công bảo hậu Phật chi văn (soạn năm Cảnh Hưng thứ 17 - 1756), Bản xã tôn trí hậu thần ước văn... - Hưng Yên tỉnh, Yên Mỹ huyện, Yên Phú tổng, Giai Phạm xã, Trung Phú thôn, có: + Lê hoàng ngọc phả do chính vua Lê Hiển Tông ngự chế vào năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780), ghi chép về 27 vị hoàng đế, 25 vị Hoàng Thái hậu của Hoàng tộc nhà Lê. + Đoàn thị thực lục ghi chép về gia phả họ Đoàn, di văn của Hồng Hà nữ sĩ - tức Đoàn Thị Điểm (câu đối, tế văn, trướng văn, thi văn…), Hồng Hà phu nhân nghiêm phụ thần đạo bi ký… Ngoài ra, còn có những sách như: Thắng minh tự ngoại tu luyện diện quyết, Lão tẩu dã đàm ca, Thơ chiêm nghiệm
  • 6- Xã chí: là những bản điều tra về địa chí của một số làng, xã, thôn trong tỉnh do Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội tổ chức. Đây là tư liệu ghi bằng chữ Quốc ngữ, chữ Pháp nên rất tiện cho việc tra cứu. Nội dung của những bản điều tra tập trung vào 11 mục chính: bia, thần sắc, thần tích, cổ chỉ, tục lệ, đình chùa, tượng và đồ thờ, lễ hội, cổ tích, địa đồ, công nghệ và thổ sản. Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu trữ Xã chí của hai huyện là Phù Cừ và Tiên Lữ. - Huyện Phù Cừ: gồm 52 xã của 6 tổng (Ba Đông, Cát Dương, Kim Phương, Võng Phan, Hoàng Tranh, Viên Quang), điều tra năm 1942. - Huyện Tiên Lữ: gồm 32 xã của 5 tổng (Hải Yến, Tiên Phương, Tiên Châu, Phương Trà, Canh Hoạch), điều tra năm 1943 - 1944. Qua những thống kê trên, chúng tôi nhận thấy: - Đây là một nguồn di sản văn hóa thành văn rất có giá trị. Những tư liệu hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm là tài liệu quý giúp ích chúng ta rất nhiều trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về Hưng Yên nói riêng, về các địa phương khác trong cả nước nói chung. Chính vì thế, chúng ta phải tiếp cận nguồn tư liệu này. - Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện, cả tiền của lẫn công sức, để sao chép, chụp, dịch thuật nguồn tư liệu trên nhằm lưu trữ tại Thư viện tỉnh, phục vụ cho công tác nghiên cứu, thu thập thông tin, nâng cao hiểu biết về quê hương và nhiều vấn đề trong lịch sử của từng địa phương.

Du lịch

Cụm di tích Bến Đại Mang Bộ là Tổng hành dinh của Quân đội Nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2; Cây đa Sài Thị là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên; Sông Giàn - Thuần Hưng là Đầu nguồn của Sông Cửu An tiếp giáp với Sông Hồng là di tích lịch sử về tinh thần xây dựng và phát triển đất nước của người Việt. Hình ảnh sông Giàn được các vua Nhà Nguyễn khắc vào Cửu Đỉnh đặt tại Cố Đô Huế (http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/dung-quay-lung-voi-nhung-dong-song-n20170329062828961.htm).

Phố Hiến Bao gồm các di tích ở thành phố Hưng Yên và một phần các huyện Tiên Lữ, Kim Động.Nay đã được xếp hạng là khu di tích cấp quốc gia,một địa danh nổi tiếng của Hưng Yên. Cụm di tích này nằm bên bờ sông Hồng, nơi đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Hưng Yên xưa và nay. Với cảnh quan đẹp, sự đa dạng của các di tích, lịch sử văn hóa Phố Hiến được hình thành bởi sự phong phú về phong tục tập quán của người Hoa, người Nhật và người châu Âu. Phố Hiến xưa đã cổ nay lại càng nổi tiếng hơn khi nhắc đến Văn Miếu, chùa Phố, chùa Chuông, đền Trần, đền Mẫu và đền Mây. Tiêu biểu của kiến trúc đình chùa trong cụm di tích Phố Hiến có thể nhắc đến các chùa:

Chùa Hiến (thời Trần): Tại chùa có cây nhãn tổ, truyền rằng ngày xưa quả của cây nhãn này được hái để dâng Đức Phật, cúng Thần hoàng và để quan lại mang tiến vua chúa, nó cũng được xem như là biểu tượng của đất Hưng Yên.

Toàn cảnh chùa Chuông Chùa Chuông: Nằm tại thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Di vật đặc biệt của chùa phải kể đến tấm bia đá cao 165 cm, rộng 110 cm dựng vào năm Tân Mão, được trang trí hình rồng chầu mặt trời.

Đền Mẫu: Được coi là một danh lam thắng cảnh đẹp nhất của Phố Hiến, trước đền là hồ Bán Nguyệt cây xanh râm mát, một bên là phố Nguyệt Hồ, một bên là đê Đại Hà không gian thoáng đãng, nó nổi tiếng bởi có cây sanh, si, đa cổ thụ có tuổi thọ ngót 800 năm ở phía trước cửa đền, nơi đây hàng năm thu hút hàng vạn khách tới thăm. user posted image

Văn Miếu Xích Đằng Văn Miếu: Là Văn Miếu hàng tỉnh và còn gọi là Văn Miếu Xích Đằng, toạ trên một khu đất cao, rộng gần 4000m2 thuộc thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn. Hiện vật quý nhất của Văn Miếu là 9 tấm bia có ghi danh các nhà khoa bảng. Văn Miếu là di tích minh chứng cho truyền thồng hiếu học của người Hưng Yên.

Trải qua những thăng trầm, biến đổi, Phố Hiến xưa chỉ còn lại trong lưu truyền và một số những di tích. Nếu Phố Hiến được đầu tư, tôn tạo thì nơi đây sẽ trở thành khu du lịch văn hóa lịch sử có sức cuốn hút mạnh mẽ trong và ngoài nước theo các tour du lịch cả bằng đường bộ, đường thủy để tham quan, dự lễ hội và nghiên cứu...

Cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch, Hàm Tử - Bãi Sậy

Phần lớn các điểm du lịch khu vực này nằm cạnh sông Hồng, có cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành.. Gắn liền với cụm di tích này là truyền thuyết và lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã được nhà nước xếp hạng, là một trong những di tích lịch sử văn hóa quan trọng quốc gia. Từ đây khách du lịch có thể thăm cảnh quan sinh thái đồng quê - bãi sông Hồng, làng vườn, làng nghề gốm sứ Xuân Quan.

Cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông - Phố Nối

Điển hình của cụm này là khu di tích đại danh y Lê Hữu Trác và nhiều chùa đình có kiến trúc độc đáo như chùa Lãng (chùa Lạng) thôn Như Lãng, Minh Hải, Văn Lâm; chùa Thái Lạc ở thôn Thái Lạc, Lạc Hồng, huyện Văn Lâm; đền thờ danh tướng Lý Thường Kiệt thuộc huyện Yên Mỹ; đền Ủng huyện Ân Thi; đình Đa Ngưu huyện Văn Giang và khu tưởng niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Đây là cụm di tích nằm kề cận với Thủ đô Hà Nội, trên đường quốc lộ 5, nối trung tâm du lịch Hà Nội - Phố Nối - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ngoài các sản phẩm du lịch chính của cụm này, tham quan các đình, chùa khách còn được tham quan làng nghề đúc đồng, chạm bạc, cây dược liệu, tương Bần...

Đền Ủng

Đền Ủng tại làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Ông là một danh tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, có công lớn trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, chống giặc phương Nam và Ai Lao.

Đền được xây dựng trên nền nhà cũ của gia đình ông. Đáng tiếc ngôi đền đã bị thực dân Pháp phá hoại năm 1948, chỉ còn lại dấu vết nền móng xưa và hai cột đồng trụ ở hai bên. Từ năm 1990, phục hồi lại ngôi đền, kiến trúc gồm năm gian tiền bái, ba gian hậu cung.

Trong quần thể di tích có lăng Phạm Tiên Công (thân sinh Phạm Ngũ Lão), đền Nhũ Mẫu (mẹ nuôi Phạm Ngũ Lão), đền Tĩnh Huệ công chúa (con gái Phạm Ngũ Lão), kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài ra còn có lăng Vũ Hồng Lượng (quan dưới triều Lê), kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá thời Hậu Lê (thế kỷ 17).

Các lễ hội truyền thống

Là một tỉnh đồng bằng gắn liền với nền văn minh lúa nước, Hưng Yên có nhiều lễ hội phản ảnh khá rõ nét con người, truyền thống, phong tục mà thông qua đó bày tỏ lời cảm ơn của mình đối với trời đất, thần nước và cầu mong có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cảm ơn những người có công đức, tưởng nhớ tới các vị anh hùng. Nét độc đáo của nhiều lễ hội truyền thống ở Hưng Yên là các lễ rước thường gắn liền với sông Hồng như lễ hội Đền Mẫu, Đền Dạ Trạch, Đền Đa Hòa...

Lễ hội đền Hóa Dạ Trạch

Lễ hội diễn ra vào ngày 10/2 đến ngày 12/2 âm lịch. Hành trình của đám rước: Bắt đầu đi từ cửa đền Hóa Dạ Trạch đến bờ sông bến Vĩnh, lấy nước giữa dòng, xong quay lại đền. Trong lễ hội còn có rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: Chọi gà, đấu vật, đu bay, bịt mắt bắt dê, cầu kiều, đập liêu... Cùng với các loại hình nghệ thuật cổ truyền như: Ca trù, Ả đào, Hát giao duyên/ Hát đối, Hát văn, Quan họ, đội múa rồng, múa lân..

Hội đền Ủng:

Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Phù Ủng (Ân Thi) nói riêng và của người dân xứ nhãn lồng nói chung. Qua bao thăng trầm của lịch sử, đền thờ đã được nhân dân huyện nhà và khách thập phương gìn giữ, tu bổ. Năm 1988, đền Phù Ủng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng hàng năm được tổ chức trang trọng, được nhân dân hết sức ngưỡng mộ. Năm 2013, lễ hội được tổ chức để tưởng niệm 738 năm ngày Tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc giữ nước.(http://baohungyen.vn/dat-va-nguoi-xu-nhan/201302/Le-hoi-den-Phu-ung-172065/)

Đặc sản Hưng Yên có những đặc sản nổi tiếng như: Nhãn lồng Phố Hiến, gà Đông Tảo (Đông Cảo) (Đông Tảo-Khoái Châu), sen Nễ Châu, tương Bần, bún thang Thế Kỷ (thành phố Hưng Yên), Bánh Cuốn Nóng làng Sài Thị (Thuần Hưng, Khoái Châu), ếch om Phượng Tường (Tiên Lữ), bánh dày làng Gàu (Cửu Cao - Văn Giang), chả gà Tiểu Quan; Điểm trung tâm của đồng bằng sông Hồng là ở Hưng Yên

  • -Chả gà Tiểu quan (thuộc huyện Khoái châu) là món ăn rất đặc biệt có từ lâu đời,tuy nhiên từ sau Cải cách ruộng đất,tình hình xã hội biến đổi,kinh tế khó khăn triền miên nên món này gần như đã thất truyền,hơn 60 năm nay hầu như không mấy ai còn để ý nữa.
Bình tuyển nhãn lồng tỉnh Hưng Yên năm 2013
Thông tin về mô hình trồng nhãn xuất khẩu tại xã Hồng Nam, TP Hưng Yên quảng bá tại thị trường Mỹ năm 2015
  1. ^ “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2013 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015. 
  2. ^ Đào Duy Anh. Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời. Huế: Thuận Hóa, 1995.
  3. ^ Quyết định 58-CP năm 1977 về việc hợp nhất một số huyện thuộc tỉnh Hải Hưng do Hội đồng Chính phủ ban hành
  4. ^ Quyết định 70-CP năm 1979 về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Hải Hưng do Hội đồng Chính phủ ban hành
  5. ^ Nghị định 05-CP năm 1996 về việc chia các huyện Tứ Lộc, Ninh Thanh, Kim Thi thuộc tỉnh Hải Hưng
  6. ^ Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh do Quốc hội ban hành
  7. ^ Nghị định 17-CP năm 1997 về việc chia huyện Phù Tiên, thành lập một số phường, thị trấn thuộc thị xã Hưng Yên và huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên
  8. ^ Nghị định 60/1999/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính và chia các huyện Mỹ Văn và Châu Giang, tỉnh Hưng Yên
  9. ^ Nghị định 04/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên thuộc tỉnh Hưng Yên
  10. ^ a ă â Sở Văn hóa thông tin Hưng Yên. Hưng Yên 170 năm. Hưng Yên, 2001.
  11. ^ Sở Văn hóa thông tin Hưng Yên. Hưng Yên 170 năm. Hưng Yên, 2001
  12. ^ Sở Văn hóa thông tin Hưng Yên. Danh nhân Hưng Yên, Hưng Yên, 2001.
  13. ^ a ă Đừng quay lưng với dòng sông
  14. ^ Giao lưu nhân chứng lịch sử chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hưng Yên

Tham khảo

http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/dung-quay-lung-voi-nhung-dong-song-n20170329062828961.htm

http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/hung-yen-giao-luu-nhan-chung-lich-su-chi-bo-dang-dau-tien-cua-tinh-399059.html

http://www.hungyentv.vn/92/55153/Chinh-tri-xa-hoi/Bi-thu-Tinh-uy-Hung-Yen-dang-hoa-tai-cac-di-tich-lich-su-cach-mang.htm

(Nguồn: Wikipedia)