Khoái Châu
Huyện
NNU HuyệnKhoáichâu HưngYên.gif
Bản đồ hành chính huyện Khoái Châu
Địa lý
Tọa độ: 20°52′16″B 105°58′59″Đ / 20,871003°B 105,983047°ĐTọa độ: 20°52′16″B 105°58′59″Đ / 20,871003°B 105,983047°Đ
Diện tích 130,86 km²1
Dân số  
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
Tỉnh Hưng Yên
Huyện lỵ thị trấn Khoái Châu
 Chủ tịch UBND Phạm Huy Bình
 Chủ tịch HĐND Vũ Đức Sơn
 Bí thư Huyện ủy Vũ Đức Sơn
Website hungyen.gov.vn/vi-vn/khoaichau

Khoái Châu là một huyện phía tây tỉnh Hưng Yên, Việt Nam.

Lịch sử

Thời Cổ đại

Thời Hùng Vương (2879-258 trước Công nguyên), Văn Lang được chia thành 15 bộ, Khoái Châu thuộc bộ Giao Chỉ.

Thời Bắc thuộc

Dưới thời nhà Tần (từ 214-204) trước Công nguyên, Khoái Châu thuộc Tượng Quận.

Nhà Triệu (từ 207-111 trước Công nguyên) chia lãnh thổ Việt Nam khi đó làm hai quận, Khoái Châu thuộc huyện Chu Diên (朱鳶縣), quận Giao Chỉ.

Thời Tây Hán và Đông Hán (từ 111 trước Công nguyên - 40 Công nguyên), nhà Hán chia lãnh thổ Việt Nam khi đó thành 9 quận, Khoái Châu thuộc quận Giao Chỉ.

Thời Đông Ngô (216 - 265 Công nguyên), nhà Ngô tách cả nước ra làm hai châu gồm Quảng Châu và Giao Châu, Khoái Châu thuộc quận Giao Châu.

Thời Tùy Đường (603 - 939), quận Giao Châu được chia thành 3 quận, Khoái Châu thuộc quận Giao Chỉ, đến năm 679 lại chia Giao Châu thành 12 châu, 59 huyện, Khoái Châu thuộc Vũ Bình - Giao Châu.

Thời kỳ Quân-chủ Chuyên-chế Việt Nam

Thời Nhà Ngô (939-968), Khoái Châu được gọi là Đằng Châu.

Nhà Đinh (968-980) chia cả nước ra thành 10 đạo, Khoái Châu thuộc Đằng Đạo.

Năm 1002 nhà Lê đổi 10 đạo thành lộ, phủ và châu; Khoái Châu thuộc Đằng Châu. Năm 1005 đổi Đằng Châu ra phủ Thái Bình.

Năm 1010 nhà Lý đổi 10 đạo thành 24 lộ. Năm 1222 vẫn giữ 24 lộ, Khoái Châu thuộc lộ Khoái Châu gọi là Khoái Lộ.

Năm 1229 nhà Trần đổi 24 lộ thời Lý thành 12 lộ, Khoái Châu thuộc Khoái Lộ.

Tháng 4 năm 1297, nhà Trần lại tiếp tục đổi các lộ, phủ, thành, trấn; vùng đất Khoái Châu thuộc Thiên Trường phủ lộ.

Sau khi xâm lược An Nam, tháng 6 năm 1407, nhà Minh đổi An Nam thành Giao Chỉ, lập thành 17 phủ, vùng Khoái Châu thuộc phủ Kiến Xương.

Năm 1426, khi tiến quân ra Đông Đô, Lê Lợi chia cả nước làm 4 đạo, Khoái Châu thuộc Nam đạo.

Tháng 6/1466 (tức năm Quang Thuận thứ 7), Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên, Khoái Châu thuộc thừa tuyên Thiên Trường.

Tháng 3/1469 (tức năm Quang Thuận thứ 10), năm đầu tiên nhà nước định bản đồ, Thiên Trường lại đổi là Sơn Nam quản 11 phủ, 42 huyện, phủ Khoái Châu quản 5 huyện gồm Đông Yên, Tiên Lữ, Kim Động, Phù Dung, Thiên Thi; phủ Tiên Hưng quản 4 huyện gồm Ngự Thiên, Duyên Hà, Thần Khê, Thanh Lan. Tháng 4/1490 (năm Hồng Đức thứ 21), cả nước được chia làm 13 xứ, Khoái Châu thuộc xứ Sơn Nam.

Tháng 6 năm 1527, nhà Mạc (Đăng Dung) đem các lộ của Khoái Châu thuộc vào Hải Dương.

Nhà Lê lại đổi lại như cũ.

Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) tháng giêng: Nhà Lê chia Sơn Nam thành 2 lộ Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ, phủ Khoái Châu thuộc lộ Sơn Nam thượng, phủ Tiên Hưng thuộc Sơn Nam hạ.

Hai phủ Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ được đổi lại làm 2 trấn Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ.

Năm Gia Long thứ nhất (1802) lấy 2 trấn thượng và hạ lệ thuộc vào Bắc thành (Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương là 5 nội trấn của Bắc thành).

Năm Minh Mạng thứ ba 1822, trấn Sơn Nam thượng đổi là trấn Sơn Nam, trấn Sơn Nam hạ đổi là trấn Nam Định.

Năm Minh Mạng thứ 12 (tháng 10/1831): Minh Mạng tiến hành một cuộc cải cách hành chính địa phương, xóa bỏ các tổng trấn, đổi các dinh trấn thành tỉnh, chia cả nước thành 30 tỉnh, trong đó có tỉnh Hưng Yên. Các trấn phía Bắc được đổi thành 18 tỉnh, dưới tỉnh là phủ, huyện, châu và tổng, xã. Tỉnh Hưng Yên có phủ Khoái Châu và 5 huyện (Đông An, Kim Động, Thiên Thi, Phù Dung, Tiên Lữ). Cải tổ lại hệ thống các quan lại đứng đầu tỉnh, bỏ các chức cũ mà đặt mới như Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát, Lãnh binh ở các tỉnh. Huyện Đông An gồm các tổng: Bái, Mễ, Đại Quan, Phú Khê, Bình Dân, Yên Lạc, Yên Lịch, Yên Vĩnh, Yên Cảnh, Ninh Tập, Yên Phú, Tử Dương.

Sau nhiều lần thay đổi, mỗi triều đại đều có cải cách, canh tân bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và thuận bề cho việc cai trị, điều hành.

Thời kỳ hiện đại

Ngày 24/7/1999: Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 60- NĐ/CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính và chia các huyện Mỹ Văn thành 3 huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm. Chia huyện Châu Giang thành 2 huyện Khoái Châu và Văn Giang, đồng thời chuyển 5 xã: Hoàn Long, Minh Châu, Việt Cường, Yên Hòa, Yên Phú về huyện Yên Mỹ quản lý: Huyện Khoái Châu có diện tích tự nhiên là 13.073,1 ha với 184.079 nhân khẩu gồm 24 xã: An Vĩ, Bình Kiều, Bình Minh, Chí Tân, Dạ Trạch, Đại Hưng, Đại Tập, Dân Tiến, Đông Kết, Đông Ninh, Đông Tảo, Đồng Tiến, Hàm Tử, Hồng Tiến, Liên Khê, Nhuế Dương, Ông Đình, Phùng Hưng, Tân Châu, Tân Dân, Thành Công, Thuần Hưng, Tứ Dân, Việt Hòa và thị trấn Khoái Châu (thành lập ngày 24-9-1997 trên cơ sở xã Kim Ngưu cũ và 10,13 ha diện tích tự nhiên của xã An Vĩ).

Địa lý

Khoái Châu là huyện đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên bờ tả ngạn của sông Hồng, phía Nam và Đông Nam giáp các xã Thọ Vinh, Đồng Thanh, Vĩnh Xá, Toàn Thắng của huyện Kim Động, góc phía Đông giáp xã Xuân Trúc của huyện Ân Thi, phía Đông Bắc và Bắc giáp các xã Minh Châu, Yên Hoà, Hoàn Long, Yên Phú, Lý Thường Kiệt của huyện Yên Mỹ, phía Tây Bắc giáp Mễ Sở, Tân Tiến, Liên Nghĩa của huyện Văn Giang. Phía Tây giáp các xã nằm trong các huyện của Hà Nội: xã Tự Nhiên, Thống Nhất, Vạn Điểm, Lê Lợi của huyện Thường Tín (ở chính phía tây) và Văn Nhân, Thuỵ Phú, Hồng Thái của huyện Phú Xuyên (ở phía Tây Nam), ranh giới là sông Hồng.

Trên địa bàn huyện còn có sông Bần chảy xuôi từ Bần Yên Nhân, qua Yên Mỹ, Khoái Châu, sang Kim Động. Đầm Dạ Trạch, nằm tại các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, Tứ Dân, Đông Kết, đây vốn là một khúc của sông Hồng trước kia, nay do đổi dòng sang hướng tây mà tạo thành.

Huyện Khoái Châu có diện tích là 130,9 km².

Dân cư

  • Dân tộc: Kinh.
  • Dân số: 179200 người.
  • Mật độ: 1369 người/km2.

Tính đến cuối năm 2003 dân số trung bình của Khoái Châu có 184.848 người, trong đó dân số nông nghiệp là 168.680 người chiếm 91,25%. Số người trong độ tuổi lao động của huyện có 91.419 người, chiếm 49,46% dân số toàn huyện. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 88.458 người, chiếm 96,76% lao động trong độ tuổi. Lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ chủ yếu (trên 80%), còn lại là lao động trong các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - du lịch.

Hành chính

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Khoái Châu

Huyện Khoái Châu bao gồm huyện lị là thị trấn Khoái Châu và 24 xã. Danh sách và diện tích hành chính của các xã và thị trấn Khoái Châu:

  • Thị trấn Khoái Châu: 4,36 km² bao gồm các thôn: Phố Phủ, Vinh Quang, Thông Quan Thượng, Thông Quan Hạ.
  • Xã Đông Tảo: 5,35 km² bao gồm các thôn: Đông Kim, Đông Tảo Nam, Đông Tảo Đông.
  • Xã Bình Minh: 5,92 km² bao gồm các thôn: Đa Hòa, Thiết Trụ, Bằng Nha.
  • Xã Dạ Trạch: 3,72 km² bao gồm các thôn: Yên Vĩnh, Đức Nhuận.
  • Xã Hàm Tử: 4,46 km² bao gồm các thôn: An Cảnh, Xuân Đình, Hàm Tải.
  • Xã Ông Đình: 3,13 km² bao gồm các thôn: Thống Nhất, Hòa Bình, Ba Hàng.
  • Xã Tân Dân: 10,63 km² bao gồm các thôn: Bình Dân, Thọ Bình, An Dân, Bãi Sậy 1, Bãi Sậy 2, Bãi Sậy 3, Dương Trạch.
  • Xã Tứ Dân: 6,10 km² bao gồm các thôn: Mạn Xuyên, Toàn Thắng, Năm Mẫu, Phương Trù, Phương Đường, Mạn Đường.
  • Xã An Vĩ: 5,03 km² bao gồm các thôn: Hạ, Trung, Thượng, An Thái.
  • Xã Đông Kết: 6,37 km² bao gồm các thôn: Trung Châu, Lạc Thủy, Đông Kết
  • Xã Bình Kiều: 4,14 km² bao gồm các thôn: An Cảnh, Ninh Vũ, Phú Hòa, Bình Kiều.
  • Xã Dân Tiến: 4,47 km² bao gồm các thôn: Yên Lịch, An Bình, Đào Viên, Vân Trì, Mậu Lâm.
  • Xã Đồng Tiến: 3,65 km² bao gồm các thôn: An Lạc, Kim Tháp, Thổ Khối
  • Xã Hồng Tiến: 5,61 km² bao gồm các thôn: Cao Quán,Bô Thời, Vân Ngoại, Vân Nội, Vân Cầu, Đỗ Xá.
  • Xã Tân Châu: 6,11 km² bao gồm các thôn: Hợp Hòa, Mãn Hòa, Hồng Châu, Kiến Châu.
  • Xã Liên Khê: 5,03 km² bao gồm các thôn: Bối Khê, Cẩm Khê, Kênh Thượng, Kênh Hạ, Cẩm Bối.
  • Xã Phùng Hưng: 9,26 km² bao gồm các thôn: Ngọc Nha Thượng, Ngọc nha Hạ, Kim Quan, Tiểu Quan.
  • Xã Việt Hòa: 6,45 km² bao gồm các thôn: Yên Khê, Yên Trung, Lôi Cầu, Vân Trì.
  • Xã Đông Ninh: 4,03 km² bao gồm các thôn: Phú Mỹ, Tử Lý, Nhân Lý, Nội Doanh.
  • Xã Đại Tập: 5,96 km² bao gồm các thôn: Lãnh Điển, Minh Khai, Chi Lăng, Ninh Tập.
  • Xã Chí Tân: 4,14 km² bao gồm các thôn: Nghi Xuyên, Cốc Phong, Tân Hưng.
  • Xã Đại Hưng: 3,70 km² bao gồm các thôn: Đại Quan, 1, 2, 3.
  • Xã Thuần Hưng: 5,00 km² bao gồm các thôn: Sài Thị, Thuần Lễ.
  • Xã Nhuế Dương: 3,73 km² bao gồm các thôn: Tiền Phong, Quang Trung, Lê Lợi, Thành Công, Phú Cường và Lan Đình.Nhuế Dương là xã có tổng số có 6/6 làng đạt danh hiệu Làng Văn hóa đạt 100%.
  • Thành Công: 4,33 km² bao gồm các thôn: Hương Quất, Sài Quất, Quan Xuyên.

Đặc điểm địa hình

Khoái Châu có địa hình khá phức tạp, cao thấp xen kẽ nhau. Vùng ngoài bãi có địa hình bán lòng chảo dốc dần từ dải cao ven bối xuồng vùng trũng ven đê. Vùng nội đồng nhìn chung có hướng dốc từ bắc xuống nam và từ tây sang đông.

Khí hậu

Khoái Châu có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, đặc trưng là nóng ẩm mưa nhiều. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau thường lạnh, đầu mùa khí hậu tương đối khô, nửa cuối ẩm ướt và có mưa phùn, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 230C, cao nhất 38 - 39oC, thấp nhất không dưới 5oC.

Tài nguyên thiên nhiên

+ Tài nguyên đất: Khoái Châu có diện tích đất tự nhiên là 130,86km2, trong đó đất nông nghiệp có 8.779 ha chiếm 67,09% (đất canh tác là 7.280,9 ha chiếm 82,94% đất nông nghiệp), đất chuyên dùng 2.526,3 ha chiếm 19,31% đất ở có 1.046,9 ha chiếm 8%, đất chưa sử dụng 733,83 ha chiếm 5,61%.

+ Tài nguyên khoáng sản: Khoáng sản chính của Khoái Châu chỉ có nguồn cát ven sông Hồng và một số đất sét sản xuất gạch ngói có thể phát triển khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng. Theo các tài liệu thăm dò địa chất, tại vùng đồng bằng sông Hồng trong đó có Khoái Châu tồn tại trong lòng đất một mỏ than nâu rất lớn nằm trong lớp trầm tích Nioxen với trữ lượng dự báo hàng trăm tỷ tấn, nhưng ở độ sâu 300 - 1.700m.

+ Nguồn nước: Khoái Châu nằm trong hệ thống sông Hồng là hệ thống sông lớn nhất ở miền Bắc, do có nguồn nước phù sa bồi đắp đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế và dân sinh của huyện. Từ độ sâu 50 - 110m, huyện có nguồn nước ngầm khá tốt.

Kinh tế - Kết cấu hạ tầng

+ Cấp điện: Toàn huyện có 87 biến áp với dụng lượng 21.830 KVA, trong đó có 32 máy với dụng lượng 8.530 KVA cung cấp cho các trạm bơm, còn có 55 máy với tổng dung lượng 13.300 KVA cung cấp điện cho các hoạt động dân sinh kinh tế khác.

+ Cấp nước: Thị trấn Khoái Châu và thị tứ Bô Thời (xã Hồng Tiến) được đầu tư 2 công trình nước sạch cơ bản đã hoàn thành đi vào hoạt động phục vụ 10.000 dân. Trên 90% dân số trong huyện dùng nguồn nước sạch từ giếng khoan.

+ Giao thông: Khoái Châu có 964,5 km đường bộ, trong đó 53,3 km đường tỉnh và quốc lộ; 19,3 km đường tỉnh uỷ thác cho huyện quản lý; 34,9 km đường huyện; 857 km đường do xã, thôn quản lý. 100% số xã có đường rải bằng vật liệu cứng đảm bảo ô tô đi vào trung tâm xã.

+ Thông tin liên lạc: Khoái Châu có 01 bưu điện tổng và 25 bưu điện văn hóa xã được trang bị máy móc thiết bị tiên tiến và phủ sóng toàn huyện. Hiện nay 100% số xã trong huyện đã có điện thoại, bình quân 3 máy/100 dân.

Tiềm năng du lịch

Tiềm năng du lịch của Khoái Châu khá phong phú cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Toàn huyện có 22 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó đáng chú ý nhất là quần thể Đền Đa Hòa - Bình Minh, Đền Hóa - Dạ Trạch gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung nằm trong tuyến du lịch chính trên sông Hồng (Hà Nội - Phố Hiến). Đền Dạ Trạch gắn với các địa danh lịch sử oai hùng của Triệu Quang Phục chống giặc nhà Lương.

Di tích lịch sử

Huyện Khoái Châu trước là một phần của huyện Châu Giang (do nhập hai huyện Khoái Châu với Văn Giang, từ năm 1979). Huyện Khoái Châu có nhiều địa danh nổi tiếng:

  • Đầm Dạ Trạch gắn với danh nhân Triệu Việt Vương trong cuộc chiến đánh đuổi quân nhà Lương, bảo vệ nước Vạn Xuân.
  • Hàm Tử (xã Hàm Tử) và Tây Kết (xã Tứ Dân nơi diễn ra các trận thắng trong kháng chiến chống quân Nguyên của nhà Trần
  • Bãi Sậy 2 (thuộc xã Tân Dân, giáp với huyện Yên Mỹ) gắn liền với khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật.
  • Đình, Đền Nội Dương, chùa Viên Quang Tự, Đền Mỹ Giang Công chúa tọa lạc tại bế đò Vườn Chuối Sông Hồng thuộc xã Nhuế Dương Huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên
  • Đền Đa Hòa thuộc xã Bình Minh và đền hóa Dạ Trạch thuộc xã Dạ Trạch là đền thờ đức thánh Chử Đồng Tử (một trong tứ bất tử) và công chúa Tiên Dung.
  • Đình thờ danh tướng Nguyễn Mục nằm trong quần thể Khu di tích đình chùa Bối Khê đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Chùa Bối Khê là một ngôi chùa cổ kính của vùng Kinh Bắc với hàng trăm tượng phật và nơi đây đã từng là nơi tu hành của nhiều vị sư nổi tiếng và ngày nay những vị sư này đang tu tại chùa Xã Đàn, Hà Nội.
  • Tại cây đa Sài Thị thuộc thôn Sài Thị - xã Thuần Hưng là nơi thành lập chi bộ đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Hưng Yên.

Giáo dục và Đào tạo

  • Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Khoái Châu (thị trấn Khoái Châu)
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (xã Dân Tiến)
  • Trường Cao đẳng Cơ Điện và Thuỷ lợi (xã Dân Tiến)
  • TrườngCao đẳng nghề kinh tế kỹ thuật Tô Hiệu(xã Dân Tiến)
  • 6 Trường Trung hoc phổ thông: THPT Khoái Châu (thị trấn Khoái Châu), THPT Nguyễn Siêu (xã Đông Kết), THPT Trần Quang Khải (xã Dạ Trạch),THPT Nam Khoái Châu (xã Đại Hưng),THPT Phùng Hưng (xã Phùng Hưng), Bổ túc văn hoá(thị trấn Khoái châu và xã An Vĩ).
  • Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thiện Thuật (thị trấn Khoái Châu)
  • Trên 25 Trường tiểu học và trung học cơ sở

Tham khảo

  1. ^ “Vị trí địa lý” (Thông cáo báo chí). VP UBND huyện. 7 tháng 10 năm 2011. Truy cập 30/8/2011.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |accessdate= (trợ giúp)
  2. ^ Địa danh Bãi Sậy này trước kia là một vùng lau sậy um tùm và rộng lớn, lan sang cả địa bàn các huyện lân cận: Văn Giang và Yên Mỹ. Bãi Sậy nằm bên bờ sông Hồng và đầm Dạ Trạch, thuận lợi cho việc đánh du kích của nghĩa quân Bãi Sậy. Ở phía đông huyện Ân Thi, cách xa vùng căn cứ Bãi Sậy này, cũng có xã mang tên Bãi Sậy, nhưng không phải là căn cứ kháng chiến đầu tiên của nghĩa quân Bãi Sậy. Xem "Thực dân Pháp đánh chiếm thành Hưng Yên và cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy"


(Nguồn: Wikipedia)