Lê Anh Tông 黎英宗 | |
---|---|
Vua Việt Nam (chi tiết...) | |
Hoàng đế Đại Việt | |
Tại vị | 1556 - 1573 |
Tiền nhiệm | Lê Trung Tông |
Kế nhiệm | Lê Thế Tông |
Thông tin chung | |
Tên thật | Lê Duy Bang (黎維邦) |
Niên hiệu |
|
Thụy hiệu | Tuấn Hoàng đế (峻皇帝) |
Miếu hiệu | Anh Tông (英宗) |
Triều đại | Nhà Lê trung hưng |
Sinh | 1532 |
Mất | 22 tháng 1, 1573 (40–41 tuổi) Đại Việt |
An táng | Bố Vệ lăng hay Thổ Lăng (土陵) |
Lê Anh Tông (chữ Hán: 黎英宗; 1532 - 22 tháng 1, 1573), tên húy là Lê Duy Bang (黎維邦), là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Lê trung hưng và thứ 14 của nhà Hậu Lê. Ông trị vì từ năm 1556 đến năm 1572, tổng cộng 16 năm.
Anh Tông hoàng đế xuất thân từ dòng dõi xa của hoàng thất, đến khi hoàng thất không còn hậu duệ thì ngai vàng đến dòng dõi của ông. Khi ấy nhà Lê vừa mới trung hưng, chính sự đều còn non nớt, nhưng Thái sư Trịnh Kiểm hết lòng phò tá, tiếp tục dựng nên cơ nghiệp. Song sự nghiệp trung hưng chưa thành mà lòng vua lại nghi hoặc nghe lời gièm pha của gian thần mà mưu việc phế trừ Trịnh Tùng, dẫn đến kết cuộc chết nơi đất khách bên ngoài.
Thân thế
Đại Việt Sử ký Toàn thư viết:
- ... anh thứ hai của Thái Tổ là Trừ (tặng Lam quốc công, nay tôn phong là Hoằng Dụ Vương). Trừ sinh ra Khang (tặng Quỳ quốc công, nay tôn phong là Hiển Công Vương). Khang sinh ra Thọ (nay tôn phong là Quang Nghiệp Vương), Thọ sinh Duy Thiệu (nay tôn phong là Trang Giản Vương), Duy Thiệu sinh Duy Khoáng (nay tôn phong là Hiếu Tông Nhân Hoàng Đế), Duy Khoáng lấy vợ người hương Bố Vệ, huyện Động Sơn, sinh ra vua. Bấy giờ, Trung Tông băng, không có con nối, Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm và các đại thần đón lập lên...
Như vậy, về vai vế trong dòng họ các vua Lê, Anh Tông ở hàng ông của Lê Trung Tông.
Lên ngôi
Năm 1556, Lê Trung Tông (Duy Huyên) mất không có con nối. Dòng đích của Lê Thái Tổ không còn người kế vị. Phụ chính nhà Hậu Lê là Trịnh Kiểm bèn chọn Lê Duy Bang lên ngôi, tức là Lê Anh Tông.
Thời kỳ Lê Anh Tông làm vua, nhà Lê chỉ kiểm soát địa bàn từ Thanh Hóa trở vào nam. Phía bắc là vùng đất thuộc nhà Mạc kiểm soát.
Bị giết
Khác với hai vua đầu thời Lê trung hưng thường ủy thác toàn bộ việc chiến sự cho Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, Lê Anh Tông đã có những lần tự cầm quân ra mặt trận chống nhà Mạc. Một tướng họ Lê khác là Lê Cập Đệ nhiều lần ra trận lập được công, được phong làm thái phó.
Trong thời kỳ này, quyền hành của các chúa Trịnh tăng lên rất nhiều. Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh giành quyền bính. Trịnh Cối thất bại phải sang hàng nhà Mạc.
Năm 1572, thấy quyền hành Trịnh Tùng lớn quá, Lê Cập Đệ bàn mưu với Lê Anh Tông mưu trừ khử Tùng để lấy lại quyền bính cho nhà Lê.
Sau khi bố trí đâu vào đấy, Lê Anh Tông cùng Cập Đệ hẹn nhau: hễ đêm đến, nghe thấy tiếng pháo nổ một tiếng thì nhà vua qua sông để cử sự. Mưu cơ bị lộ, Trịnh Tùng biết rõ chuyện ấy, nhưng bề ngoài vẫn cứ biếu Cập Đệ nhiều vàng bạc. Khi Cập Đệ đến tạ ơn thì Tùng cho tên đao phủ mai phục sẵn, xông ra giết chết.
Nghe tin Cập Đệ bị giết, Lê Anh Tông biết mưu cơ đã lộ bèn bỏ hành cung chạy ra ngoài cùng 4 người con trai lớn ra Nghệ An.
Ngày 1 tháng 1 năm 1573, Trịnh Tùng đưa con trai thứ năm còn nhỏ tuổi của ông là Lê Duy Đàm lên ngôi vua.
Sau đó Trịnh Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu đem quân đến Nghệ An bắt Anh Tông. Nhà vua lánh ra ruộng mía. Hữu Liêu đến lạy mời:
- Xin bệ hạ mau mau vào cung để cho tôi con trong nước được thỏa ý mong muốn. Chúng tôi chẳng ai dám có ý gì khác.
Anh Tông đành phải quay về. Trịnh Tùng sai Tống Đức Vị ngày đêm hầu ở bên nhà vua để giám sát. Ngày 22 tháng 1 năm 1573, Anh Tông đi đến Lôi Dương. Đức Vị ngầm bức bách giết chết nhà vua, rồi nói phao lên rằng nhà vua tự thắt cổ chết.
Anh Tông chết khi 42 tuổi, được táng ở lăng Bố Vệ.
Xem thêm
- Trịnh Kiểm
- Trịnh Tùng
Tham khảo
- Đại Việt sử ký toàn thư
- Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục
- Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2001), Các triều đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên
(Nguồn: Wikipedia)