- Bài này nói về một tỉnh cũ của Việt Nam. Xem các nghĩa khác tại Hà Đông (định hướng)
Hà Đông là một tỉnh cũ của Việt Nam. Tên gọi tỉnh Hà Đông thay thế cho tên gọi cũ là tỉnh Cầu Đơ vào ngày 6 tháng 12 năm 1904. Địa bàn tỉnh Cầu Đơ nguyên là tỉnh Hà Nội, được đổi tên sau khi cắt phần thành Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa và tỉnh lỵ chuyển về Cầu Đơ.
Đơn vị này tồn tại từ năm 1904 đến 1965 thì xóa tên.
Vị trí địa lý
Hà Đông là một tỉnh đồng bằng thấp trũng, nếu không có đê thì sẽ thường ngập lụt, phía tây bắc giáp tỉnh Sơn Tây, phía tây nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía nam giáp tỉnh Hà Nam, phía đông nam giáp tỉnh Hưng Yên, đông bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía bắc giáp tỉnh Phúc Yên. Trừ phần phía tây nam nơi thuộc phủ Mỹ Đức là có đồi núi (bao gồm cả vùng Hương Sơn), đều bắt nguồn từ mạn Đà Giang chạy xuống. Sông ngòi phần nhiều làm giới hạn tỉnh như: sông Hồng (ranh giới phía đông), sông Đáy tức Hát Giang (ranh giới phía tây với Sơn Tây), phía nam có sông Giè (tức sông Giẽ hay Màn Giang), giữa có sông Nhuệ (Nhuệ Giang) chảy qua tỉnh lỵ. Diện tích Hà Đông khoảng 1250 km2.1
Vào đầu thế kỷ 20 (những năm 1920) dân số tỉnh Hà Đông ước chừng 786000 người, trong đó đa phần là người Kinh, cùng với khoảng 4500 người Mường ở vùng Chợ Bến phủ Mỹ Đức.
Thương mại
Vào thời Pháp thuộc Hà Đông là tỉnh nổi tiếng với nhiều sản vật nông nghiệp, lại nhiều làng nghề thủ công nghiệp (công nghệ phát đạt), nên thương mại cũng rất phát triển. Toàn tỉnh có hơn 150 chợ, to nhất là chợ Đơ (nay là chợ Hà Đông), thứ đến là các chợ: chợ Bằng ở phủ Thường Tín, chợ Canh (làng Vân Canh), chợ Mỗ (làng Đại Mỗ), chợ Chuông thuộc làng Chuông ở phía Nam làng Đôn Thư, chợ Đình làng Phương Đình, chợ Bến phủ Mỹ Đức (giáp Hòa Bình), chợ Gôi, chợ Mơ (làng Hoàng Mai), chợ Sét.2 Chợ Chuông (thuộc thôn Chung Chính, ở giữa làng Chuông) chợ Chuông họp mỗi tháng 6 phiên chính vào các ngày 4,10,14,20,24,30 âm lịch, nếu vào tháng thiếu thì họp vào ngày mồng 1 thuộc tháng tiếp theo. Chợ Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai. Chợ Chuông có Bia lập thị từ thời cổ,
Phân chia hành chính
Tỉnh Hà Đông gồm 4 phủ: Hoài Đức (có thêm huyện Đan Phượng của tỉnh Sơn Tây nhập vào), Phủ Mỹ Đức, Phủ Thường Tín và Phủ Ứng Hòa.
Tỉnh lỵ tỉnh Hà Đông là thị xã Hà Đông, mà tên gọi cũ là Cầu Đơ. Công sứ Pháp đầu tiên là Duranton (1904 - 1906)3
Năm 1915, Khu vực ngoại thành Hà Nội của thành phố Hà Nội đổi thành huyện Hoàn Long trực thuộc tỉnh Hà Đông.
Năm 1961, huyện Thanh Trì và một phần xã Kiến Hưng được chuyển về thành phố Hà Nội; 5 xã thuộc huyện Đan Phượng là Tân Dân (Thượng Cát), Tân Tiến (Liên Mạc), Trần Phú (Phú Diễn), Trung Kiên (Tây Tựu), Minh Khai và 3 xã: Hữu Hưng (Tây Mỗ và Đại Mỗ), Kiên Cương (Trung Văn), Xuân Phương, một phần các xã Vân Canh, Di Trạch thuộc huyện Hoài Đức cùng với một phần xã Vạn Phúc thuộc thị xã Hà Đông, được cắt chuyển về huyện Từ Liêm mới được thành lập.
Trước khi sáp nhập, tỉnh Hà Đông có tỉnh lị là thị xã Hà Đông và 8 huyện: Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa.
Ngày 1 tháng 7 năm 1965, hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Tây. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình sáp nhập thành tỉnh Hà Sơn Bình, để rồi đến năm 1991 lại tách ra thành tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Ngày 1 tháng 8 năm 2008, Hà Đông cùng với Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội.
Chú thích và trích dẫn
- ^ Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, Ngô Vi Liễn, năm 1924, trang 577.
- ^ Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, Ngô Vi Liễn, năm 1924, trang 580.
- ^ Các viên công sứ Pháp kế nhiệm Duranton ở tỉnh Hà Đông: Maurice le Gallen (27/7/1906 - 7/3/1907), Eugene Francois Duvillier (8/3/1907 - 7/8/1908), Jules Bosc (8/8/1908 - 13/5/1910), Jules Joseph Bride (24/5 - 18/7/1910), Georges Henri Maire (19/7 - 21/10/1910), Maurice le Gallen (9/11/1910 - 6/4/1912), Raoul Marie Buffel du Vaure (7/4/1912 - 22/12/1913), Pierre Emmerich (5/3/1913 - 9/3/1914), Charles Garid (10/3/1914 - 16/6/1918)
Tham khảo
- Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, Ngô Vi Liễn, năm 1924.
(Nguồn: Wikipedia)