Hà Giang
Tỉnh
Cotcolungcu3.jpg
Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (2007)
Địa lý
Tọa độ: 22°49′00″B 104°58′51″Đ / 22,8168°B 104,980738°ĐTọa độ: 22°49′00″B 104°58′51″Đ / 22,8168°B 104,980738°Đ
Diện tích 7.914,9 km²
Dân số (2013)  
 Tổng cộng 771.200 người2
 Mật độ 97 người/km²
Dân tộc Mông, Tày, Dao,
Việt, Nùng3
Hành chính
Quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Tỉnh lỵ Thành phố Hà Giang
 Chủ tịch UBND Đàm Văn Bông
 Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh
 Trụ sở UBND Số 517 đường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang
Phân chia hành chính 1 thành phố
10 huyện
Mã hành chính VN-03
Mã bưu chính 31xxxx
Mã điện thoại 219
Biển số xe 23
Website http://www.hagiang.gov.vn/

Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam 4 5 .

Tỉnh Hà Giang phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Về phía bắc, Hà Giang giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và địa cấp thị Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 4 .

Vị trí địa lý

Hà Giang nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối 5 .

Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp.Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và Thành phố Hà Giang.

Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m) là cao nhất. Về thực vật, Hà Giang có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu. Động vật có hổ, công, trĩ, tê tê [note 1], và nhiều loại chim thú phong phú khác.

Dân số

Dân số tỉnh Hà Giang theo điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 2009 là 724.537 người. Trong đó, dân số thành thị là 84.338 người3

Các dân tộc: Mông (chiếm 32,0% tổng dân số toàn tỉnh), Tày (23,3 %), Dao (15,1 %), Việt (13,3 %), Nùng (9,9 %)...3

Lịch sử

Cột mốc số 0 tại thành phố Hà Giang

Đất Hà Giang xưa thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Về sau, Hà Giang nằm trong phạm vi thế lực của ba Tộc tướng xứ Thái. Trong giai đoạn Minh thuộc đầu thế kỷ 15, được gọi là huyện Bình Nguyên, đổi thành châu Bình Nguyên từ năm 1473, sau lại đổi tên thành châu Vị Xuyên.

Vào cuối thế kỷ 17, tộc trưởng người Thái dâng đất cho Trung Hoa, đến năm 1728, Trung Hoa trả lại cho Đại Việt một phần đất từ vùng mỏ Tụ Long đến sông Lô. Năm 1895, ranh giới Hà Giang được ấn định lại như trên bản đồ ngày nay.

Sau năm 1954, tỉnh Hà Giang có tỉnh lị là thị xã Hà Giang và 4 huyện: Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên.

Ngày 15 tháng 12 năm 1962, chia huyện Đồng Văn thành 3 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh; chia huyện Vị Xuyên thành 2 huyện: Vị Xuyên và Quản Bạ.

Ngày 1 tháng 4 năm 1965, chia huyện Hoàng Su Phì thành 2 huyện: Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Trước năm 1975, Hà Giang có các huyện Đồng Văn, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Bắc Quang và Quản Bạ.

Sau năm 1975, Hà Giang được hợp nhất với tỉnh Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên.

Ngày 18 tháng 11 năm 1983, 8 huyện được điều chỉnh lại diện tích và nhân khẩu. Cùng năm này, huyện Bắc Mê được thành lập trên cơ sở nhận 10 xã của huyện Vị Xuyên.1

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tái lập tỉnh Hà Giang từ tỉnh Hà Tuyên. Khi tách ra, tỉnh Hà Giang có 10 đơn vị hành chính gồm thị xã Hà Giang (tỉnh lị) và 9 huyện: Bắc Mê, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh.

Ngày 1 tháng 12 năm 2003, huyện Quang Bình được thành lập trên cơ sở tách 12 xã thuộc huyện Bắc Quang, 2 xã thuộc huyện Hoàng Su Phì và 1 xã thuộc huyện Xín Mần.6

Ngày 27 tháng 9 năm 2010, chuyển thị xã Hà Giang thành thành phố Hà Giang.7

Hành chính

Tỉnh Hà Giang bao gồm 1 thành phố và 10 huyện và 195 đơn vị cấp xã bao gồm 5 phường, 13 thị trấn và 177 xã

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Giang
Tên Dân số (người)2003 Hành chính
Huyện (10)
Bắc Mê 40.822 1 thị trấn, 12 xã
Bắc Quang 103.064 2 thị trấn, 21 xã
Đồng Văn 57.715 2 thị trấn, 17 xã
Hoàng Su Phì 53.937 1 thị trấn, 24 xã
Mèo Vạc 58.944 1 thị trấn, 17 xã
Tên Dân số (người)2003 Hành chính
Quản Bạ 39.821 1 thị trấn, 12 xã
Quang Bình 53.160 1 thị trấn, 14 xã
Vị Xuyên 87.164 2 thị trấn, 22 xã
Xín Mần 50.307 1 thị trấn, 18 xã
Yên Minh 67.736 1 thị trấn, 17 xã
Nguồn: Districts of Vietnam

Đến năm 2012, tỉnh Hà Giang có 2.069 thôn, tổ dân phố.8

Thắng cảnh và Di tích

Đèo Mã Pì Lèng
  • Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu vào năm 2010. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa như các dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao. Cao nguyên đá cũng là nơi có nhiều di tích danh thắng quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, núi Đôi Quản Bạ9 . v.v..Đồng Văn còn nổi tiếng về các loại hoa quả: đào, mận, lê, táo, hồng... về dược liệu: tam thất, thục địa, hồi, quế...
  • Hệ thống các hang động:Hang Phương Thiện: cách thành phố Hà Giang 7 km (4,38 dặm) xuôi về phía nam. Đây là nơi có nhiều phong cảnh, nhiều hang động tự nhiên.Động Tiên và Suối Tiên nằm cách thành phố Hà Giang 2 km (1.25 dặm). Nhân dân quanh vùng vẫn thường đến Động Tiên lấy nước và cầu may mắn vào lúc giao thừa.10 . Hang Chui: cách thành phố Hà Giang 7 km (4,38 dặm) về phía nam. Hang ăn sâu vào lòng núi khoảng 100 m (300 ft). Cửa hang hẹp phải lách người mới qua được. Vào trong lòng hang mở rộng, vòm hang cao vút, nhiều nhũ đá. Hang có nhiều dơi, có dòng suối dâng cao đổ xuống thành thác.
  • Dinh thự họ Vương thuộc xã Sà Phìn là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993. Đường dẫn vào dinh được lát bằng những phiến đá lớn vuông vức, phẳng lỳ. Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc11 .Dinh thự được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh, gỗ pơ-mu, ngói đất nung già, các chi tiết được chạm trổ tỉ mỉ, công phu, đẹp mắt với các hình chủ đạo là rồng, phượng, dơi,… tượng trưng cho quyền quý và hưng thịnh. Dinh thự mang vẻ đẹp bề thế, uy nghi với kiến trúc hình chữ "vương", tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa. Đây là một điển hình về sự giao thoa nghệ thuật kiến trúc của người Mông và người Hán ở khu vực biên giới Việt – Trung.
  • Chợ tình Khau Vai họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc. Bắt nguồn từ 1 câu chuyện tình, Khâu Vai trở thành nơi hò hẹn chung cho tất cả những người yêu nhau trong vùng. Chợ Khâu Vai ban đầu họp không có người mua, không có người bán. Khoảng mười năm trở lại đây, do nhu cầu cuộc sống nên ngày chợ họp ngoài việc hò hẹn, gặp gỡ, người ta mang cả hàng hóa đến bán ở chợ. Do vậy đến chợ Khâu Vai, người ta cũng có thể mua, bán, trao đổi những sản vật vùng cao10 .
  • Tiểu khu Trọng Con Cách đường quốc lộ số 2, 20 km về phía đông nam, cách Thành phố Hà Giang khoảng 60 km về phía bắc ở tại Xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, Tỉnh Hà Giang (đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử năm 1996). Đây được xem là cái nôi của phong trào cách mạng ở Hà Giang 12 .
  • Chùa Sùng Khánh cách Thành phố Hà Giang 9 km về phía nam thuộc thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên,được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử nghệ thuật năm 1993. Chùa được xây dựng thời Triệu Phong (1356), do thời gian, chùa bị hư hại, đến năm 1989 được nhân dân xây dựng trên nền chùa cũ. Ở đây còn lưu giữ hai di vật: Bia đá thời Trần (1367) ghi lại công lao của người sáng lập ra chùa và một quả Chuông cao 0.90 m, đường k ính 0.67 m, được đúc thời Hậu Lê (1705). Nghệ thuật khắc trên đá, trên Chuông đồng và kỹ thuật đúc Chuông là một bằng cứ nói lên bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân vùng biên giới phía bắc này, và từ đó biết thêm lịch sử phát triển thời Trần và Lê tới tận vùng biên ải Hà Giang12 .
  • Chùa Bình Lâm thuộc địa phận thôn Tông Mường xã Phú Linh, Thành phố Hà Giang. Chùa còn có tên gọi chữ Hán là "Bình Lâm Tự". Nhân dân ở đây còn lưu giữ một quả chuông thời Trần được đúc vào tháng 3 năm Ất Mùi (1295) chuông có chiều cao 103 cm, đường kính miệng 65 cm, quai được cấu tạo bởi hai hình rồng, trên chuông có khắc bài Minh bằng chữ Hán gồm 309 chữ năm Bính Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 4 (1296). Trên quả chuông ta bắt gặp tiêu bản rồng nổi trên chất liệu đồng (thế kỷ 13). Cùng với quả chuông, tại chùa Bình Lâm còn phát hiện được một số di vật như Tháp đất nung, mái ngói có hoạ tiết hoa chanh....là những nét quen thuộc và tiêu biểu của văn hoá thời Trần12 .

Lễ hội

Hà Giang là nơi có nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc từ truyền thống lâu đời của hơn 20 dân tộc, một địa danh du lịch đáng nhớ bởi cảnh quan thiên nhiên và con người ở đây. Không giống với bất kỳ một nơi du lịch nào ở Việt Nam, đến Hà Giang, du khách có thể thấy được những sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hóa độc đáo của người miền núi, đó là các loại khăn thêu, túi vải, áo váy với các loại hoa văn rực rỡ. Du khách sẽ tham dự những phiên chợ vùng cao đầy thơ mộng.

Lễ mừng nhà mới dân tộc Lô Lô: Lễ mừng nhà mới kéo dài khoảng 2 ngày 2 đêm ở ngôi nhà mới của người dân tộc Lô Lô. Cả bản kéo tới ăn mừng cho ngôi nhà mới. Thầy cúng đi hát, sau đó cùng ăn uống vui chơi, hòa tấu kèn sáo và hát giao duyên nam nữ.

Lễ hội mùa xuân: Đây là lễ hội vui xuân của dân tộc H'mông và dân tộc Dao, thường được tổ chức vào những ngày sau Tết Nguyên Đán và kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Lễ hội mang tính chất tổng hợp mừng công, cầu mưa, cầu con trai. Lễ hội có thi bắn nỏ, hát giao duyên, ném pa páo, uống rượu, mở tiệc đãi khách.

Lễ hội vỗ mông của dân tộc Mông: Ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán hằng năm, cái chàng trai, cô gái đổ về Mèo Vạc nhằm tìm cho mình vợ (chồng). Khi tham gia lễ hội, các chàng trai, cô gái tìm đối tượng mà họ cảm thấy phù hợp với mình rồi vỗ mông đối tượng và chờ "đối phương" đáp lại. Đáng buồn, tục lệ tảo hôn vẫn tiếp diễn trong lễ hội này.

Kinh tế

Hà giang là vùng miền núi nên dân số ít, mật độ dân số thấp, người Mông chiếm đa số, còn lại là các sắc dân gồm Thổ, La Chí, Tày, Dao, Mán, Nùng, Giáy và Lô Lô... Phần đông đều thờ cúng tổ tiên, thần linh; và đều có những sắc thái văn hóa đặc thù.

Cũng vì địa thế toàn rừng núi nên kinh tế Hà Giang tương đối kém phát triển. Lâm sản chính là vài loại gỗ quý như lát hoa, lát da đồng; và các loại gỗ cứng như lim, sến, trai, táu, đinh. Củ nâu, vầu, nứa ở đâu cũng có. Nông sản gồm lúa, ngô, khoai và các loại đậu đỗ. Vùng chân núi Tây Côn Lĩnh trồng nhiều trà. Dân chúng cũng trồng cây ăn trái, mận và lê ở vùng Đồng Văn, Hoàng Su Phì rất nổi tiếng. Nghề nuôi ong lấy mật khá thịnh hành. Rừng Hà Giang có nhiều động vật hoang dã như phượng hoàng, trăn, rắn, công, trĩ...

Khoáng sản có mỏ chì, đồng, thủy ngân và cát trộn vàng. Sông Năng và Bảo Lạc có các kỹ nghệ lọc vàng nhưng vẫn còn thô sơ, ngoài ra chỉ toàn những tiểu công nghệ sản xuất vật dụng hàng ngày. Nền thương mại Hà Giang chỉ giới hạn ở sự trao đổi lâm sản với miền xuôi và với Trung Quốc.

Các vùng núi thấp như Vị Xuyên, Bắc Quang có kinh tế phát triển hơn vùng núi. Dựa vào sông Lô và lượng mưa lớn, các ngành nông nghiệp ở khu vực này rất phát triển, không kém gì vùng núi trung du. Nơi đây có vùng trồng cam sành nổi tiếng, những cánh đồng phì nhiêu...

Rải rác từ Vĩnh Tuy lên đến Vị Xuyên là các nhà máy sản xuất trà, đặc sản của Hà Giang có trà Shan tuyết cổ thụ (xã Cao Bồ)13 . Đặc điểm trà Shan Tuyết là sạch sẽ, không có thuốc trừ sâu và thuốc kích thích, các nhà máy sản xuất trà hiện nay còn khuyến khích nhân dân trong vùng trồng xen kẽ cây gừng giữa các luống trà. Trà Shan tuyết cổ thụ của Hà Giang thường được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và một số nước Tây Âu14 , chưa thịnh hành trong thị trường nội địa như trà Tân Cương - Thái Nguyên.

Các hình ảnh

Chỉ dẫn

  1. ^ Thực tế năm 2000 thì thú rừng, đặc biệt là hổ, đã bị săn bắt hết.

Chú thích

  1. ^ “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2013 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015. 
  2. ^ a ă â Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Trang 149-150. Hà Nội, 6/2010.
  3. ^ a ă Bản đồ Hành chính Việt Nam. Nhà xuất bản Bản đồ, 2004.
  4. ^ a ă Bản đồ tỷ lệ 1:500.000 tờ F-48A Lào Cai và F-48B Cao Bằng. Cục Đo đạc và Bản đồ, 2004.
  5. ^ Quyết định 136-HĐBT năm 1983 thành lập huyện Bắc Mê
  6. ^ Nghị định 146/2003/NĐ-CP về việc thành lập huyện Quang Bình
  7. ^ Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2010 thành lập thành phố Hà Giang
  8. ^ Quyết định số 2121/QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Giang về chia tách, thành lập thôn, tổ dân phố.
  9. ^ http://www.dongvangeopark.com/Pages/NewsDetails.aspx?id=343 Trang web chính thức của Ban quản lý công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
  10. ^ a ă “Điểm tham quan Hà Giang”. Tổng cục Du lịch Việt Nam. 
  11. ^ “Dinh Họ Vương”. Cổng thông tin điện tử Tỉnh Hà Giang. 
  12. ^ a ă â “Di tích lịch sử Hà Giang”. Cổng thông tin điện tử Hà Giang. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2013. 
  13. ^ Trồng chè hữu cơ, hướng đi mới ở Cao Bồ
  14. ^ Chè Shan Hà Giang chinh phục thị trường thế giới

(Nguồn: Wikipedia)