Tỉnh Hà Nội là một tỉnh cũ của Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 19. Năm 1831, vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội. Đây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ.

Lịch sử hành chính

Thời thuộc Hán Tùy là quận Giao Chỉ; thuộc nhà Đường là phủ An Nam đô hộ, phủ trị đóng ở thành Tống Bình, thường gọi là thành Đại La (trước khi Trương Bá Nghi đắp sửa La Thành năm 767).

Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi chỉ đóng đô ở Hoa Lư mấy tháng, đến đầu năm Thuận Thiên 1 (1010) xuống chiếu chọn thành Đại La đặt Kinh đô mới, đổi tên là thành Thăng Long; đặt phủ Ứng Thiên thống nhiếp các vùng phụ trách Hoàng thành. Năm 1010 đổi phủ Ứng Thiên làm Nam Kinh.

Đời nhà Trần đổi làm phủ Đông Đô, thuộc lộ Đông Đô (gồm phủ Đông Đô và huyện Từ Liêm).

Thời thuộc nhà Minh hay Bắc thuộc lần 4 (1407 - 1427) là đất huyện Đông Quan (và các vùng lân cận).

Đời Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) đổi Đông Quan làm Đông Kinh, còn gọi là Trung Đô.

Đời Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (1469) chia vùng phụ trách hoàng thành gồm 36 phường làm 2 huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức thuộc phủ Phụng Thiên.

Thời Tây Sơn, Quang Trung dự tính xây Kinh đô mới ở Nghệ An, gọi Thăng Long là Bắc Thành.

Triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 1 (1802) đặt chức Bắc Thành tổng trấn, cai quản cả 11 trấn ở miền Bắc. Năm thứ 4 (1805) đổi huyện Quảng Đức làm Vĩnh Thuận, đổi phủ Phụng Thiên làm phủ Hoài Đức (gồm 2 huyện) thuộc Bắc Thành.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) tách huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai nhập vào phủ Hoài Đức; lại tách các phủ Ứng Hòa (tức phủ Ứng Thiên, đổi tên năm 1814), Lý Nhân và Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam, gộp vào phủ Hoài Đức thành một tỉnh gọi là tỉnh Hà Nội (gồm 4 phủ, 15 huyện) như khi mới thành lập.

Tỉnh Hà Nội thời Đồng Khánh gồm phần phía nam thành phố Hà Nội, thị xã Hà Đông và các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ ĐỨc, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên tỉnh Hà Tây cũ và toàn bộ tỉnh Hà Nam hiện nay.

Tỉnh Hà Nội lúc đó có tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ, gồm có 4 phủ:

  • Phủ Hoài Đức: kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây),
  • Phủ Ứng Hòa: có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai.
  • Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm.
  • Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc.

Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

Vào thời kỳ 1838-1840, phủ Hoài Đức gồm 2 huyện: Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Huyện Thọ Xương có 8 tổng, 116 phường thôn. Huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng, 27 phường thôn. Số dân là 52.335 người.

Sau hiệp ước Patenôtre, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội, ngày 1 tháng 10 năm 1888, vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng hẳn cho Pháp thành Hà Nội. Ngày 26 tháng 12 năm 1896 tỉnh Hà Nội (phần còn lại) chuyển tỉnh lỵ về Cầu Đơ (nay là thị xã Hà Đông) và đến ngày 3 tháng 5 năm 1902 thì đổi tên thành tỉnh Cầu Đơ, đổi huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận làm huyện Hoàn Long. Năm 1904 tỉnh Cầu Đơ đổi tên thành tỉnh Hà Đông.

Năm 1890, phủ Lý Nhân của tỉnh Hà Nội được tách ra để lập tỉnh Hà Nam.

Dân cư

Theo Đồng Khánh dư địa chí, tỉnh Hà Nội có 56.748 dân đinh1 , trong đó binh đinh2 là 5.822 người. Cũng theo Đồng Khánh dư địa chí thì:

Địa giới

Phía đông giáp giang phận Nhị Hà qua hai huyện Đông Yên và Kim Động thuộc tỉnh Hưng Yên. Phía tây giáp địa phận ba huyện Đan Phượng, Yên Sơn, Mỹ Lương tỉnh Sơn Tây. Tổng diện tích đất ruộng là 393.914 mẫu có lẻ. Phía nam giáp địa phận bốn huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Thượng Nguyên tỉnh Nam Định và phủ Nho Quan tỉnh Ninh Bình. Phía bắc giáp huyện Yên Lãng tỉnh Sơn Tây và giang phận Nhị Hà qua ba huyện Đông Ngàn, Gia Lâm và Văn Giang của tỉnh Bắc Ninh.

Đông-Tây cách nhau hơn 90 dặm, Nam-Bắc cách nhau 113 dặm 120 trượng.

Chú thích

  1. ^ Dân đinh: đàn ông trưởng thành, khoẻ mạnh chịu sai dịch; lệ triều Nguyễn theo chiếu chỉ năm Minh Mệnh 18 (1819) quy định từ 18 đến 59 tuổi; không tính các hạng miễn sai dịch như quan viên chức sắc, người có học từ Tú tài trở lên
  2. ^ Binh đinh: quân lính tại ngũ.
  3. ^ Lương, từ đương thời chỉ người không theo Thiên Chúa giáo, quen gọi là đi lương (phân biệt với đi đạo).

Tham khảo

  • Đồng Khánh dư địa chí.

(Nguồn: Wikipedia)