Hà Tĩnh
Tỉnh
Sông Ngàn Sâu, đoạn qua Vũ Quang, Hà Tĩnh.JPG
Sông Ngàn Sâu, đoạn qua Vũ Quang
Địa lý
Tọa độ: 18°20′28″B 105°54′26″Đ / 18,341002°B 105,907345°ĐTọa độ: 18°20′28″B 105°54′26″Đ / 18,341002°B 105,907345°Đ
Diện tích 5.997,3 km²
Dân số (2013)  
 Tổng cộng 1.242.700 người1
 Mật độ 207 người/km²
Dân tộc 31 dân tộc, chủ yếu là Việt, Thái, Lào, Mường
Hành chính
Quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Vùng Bắc Trung Bộ
Tỉnh lỵ Thành phố Hà Tĩnh
 Chủ tịch UBND Đặng Quốc Khánh
 Chủ tịch HĐND Lê Đình Sơn
 Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn
Phân chia hành chính 1 thành phố, 2 thị xã, 10 huyện
Mã hành chính VN-23
Mã bưu chính 48xxxx
Mã điện thoại 239
Biển số xe 38
Website http://www.hatinh.gov.vn/

Hà Tĩnh là một tỉnh của Việt Nam, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ. Trước đây, Hà Tĩnh cùng với Nghệ An là một miền đất có cùng tên chung là Hoan Châu (thời Bắc thuộc), Nghệ An châu (thời Lý, Trần), xứ Nghệ (năm 1490, đời vua Lê Thánh Tông), rồi trấn Nghệ An. Năm 1831, vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành hai tỉnh: Nghệ An (bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (nam sông Lam).

Năm 1976, Hà Tĩnh sáp nhập với Nghệ An, lấy tên là Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Quốc hội Việt Nam khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh2 3 4 .

Địa lý

Vị trí

Hà Tĩnh trải dài từ 17°54’ đến 18°37’ vĩ Bắc và từ 106°30’ đến 105°07’ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp hai tỉnh Borikhamxay và Khammuane của Lào, phía Đông giáp Biển Đông5 .

Bãi biển Thiên Cầm
Cánh đồng ở Hồng Lĩnh

Địa hình

Hà Tĩnh nằm cách thủ đô Hà Nội 340 km về phía nam, ở phía đông dãy Trường Sơn với địa hình hẹp, dốc và nghiêng từ tây sang đông, độ dốc trung bình 1,2%, có nơi 1,8%6 . Lãnh thổ chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam và bị chia cắt mạnh bởi các sông suối nhỏ của dãy Trường Sơn với nhiều dạng địa hình chuyển tiếp, xen kẻ lẫn nhau. Sườn Đông của dãy Trường Sơn nằm ở phía tây, có độ cao trung bình 1500 mét, đỉnh Rào Cọ 2.235 mét, phía dưới là vùng đồi thấp giống bát úp, tiếp nữa là dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy ra biển có độ cao trung bình 5 mét và sau cùng là dãy cát ven biển bị nhiều cửa lạch chia cắt. Tỉnh Hà Tĩnh được chia làm bốn loại địa hình cơ bản gồm6 :

  • Vùng núi cao nằm ở phía Đông của dãy Trường Sơn, địa hình dốc bị chia cắt mạnh, tạo nên thành những thung lũng nhỏ hẹp chạy dọc theo các triền sông lớn của hệ thống sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu và Rào Trổ.
  • Vùng trung du và bán sơn địa là vùng chuyển từ vùng núi cao xuống vùng đồng bằng, chạy dọc phía tây nam đường Hồ Chí Minh, địa hình có dạng xen lẫn giữa các đồi trung bình và thấp với đất ruộng.
  • Vùng đồng bằng chạy dọc hai bên Quốc lộ 1A theo chân núi Trà Sơn và dải ven biển với địa hình tương đối bằng phẳng do quá trình bồi tụ phù sa của các sông, phù sa biển trên các vỏ phong hoá Feralit hay trầm tích biển.
  • Vùng ven biển nằm ở phía Đông đường Quốc lộ 1A, địa hình vùng này được tạo bởi những đụn cát, ở những vùng trũng được lấp đầy bởi những trầm tích, đầm phá hay phù sa. Ngoài ra, vùng này còn xuất hiện các dãy đồi núi sót chạy dọc ven biển và nhiều bãi ngập mặn được tạo ra từ nhiều cửa sông6 .

Khí hậu

Hà Tĩnh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc; nên thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt. Hàng năm, Hà Tĩnh có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa hè7 :

  • Mùa hè: Từ tháng 4 đến tháng 10, đây là mùa nắng gắt, khô hạn kéo dài kèm theo nhiều đợt gió phơn Tây Nam (gió Lào) khô nóng, nhiệt độ có thể lên tới hơn 40oC, khoảng cuối tháng 7 đến tháng 10 thường có nhiều đợt bão kèm theo mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi, lượng mưa lớn nhất 500 mm/ngày đêm.
  • Mùa đông: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa này chủ yếu có gió mùa Đông Bắc kéo theo gió lạnh và mưa phùn, nhiệt độ có thể xuống tới 7oC7 .
Sông Ngàn Sâu, đoạn qua Vũ Quang, Hà Tĩnh

Tài nguyên thiên nhiên

Hà Tĩnh hiện có 276.003 ha rừng, gồm 199.847 ha rừng tự nhiên và 76.156 ha rừng trồng, với độ che phủ của rừng đạt 45 %. Rừng tự nhiên thường gặp là kiểu rừng nhiệt đới, vùng núi cao có thể gặp các loại rừng lá kim á nhiệt đới. Rừng trồng phần lớn là thông nhựa. Hà Tĩnh có thảm thực vật rừng đa dạng với hơn 86 họ và 500 loài cây gỗ, gồm nhiều loại gỗ quý như lim xanh, sến, táu, đinh, gụ, pơmu... và nhiều loài thú quý hiếm như hổ, báo, hươu đen, dê sừng thẳng, trĩ, gà lôi và các loài bò sát khác8 .

Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km với nhiều cửa sông lớn với khoảng 267 loài cá, thuộc 90 họ, trong đó có 60 loài có giá trị kinh tế cao, 20 loài tôm, nhuyễn thể như sò, mực,...9 . Về khoáng sản, tỉnh có trữ lượng khoáng sản nằm rải rác ở hầu khắp các huyện gồm than đá, sắt, thiếc, phosphorit, than bùn, kaolin, cát thuỷ tinh, thạch anh10 .

Hà Tĩnh có nhiều sông nhỏ và bé chảy qua, con sông lớn nhất là sông La và sông Lam, ngoài ra có con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi, Rào Cái, Tổng chiều dài các con sông khoảng 400 km, tổng sức chứa 13 tỷ m³. còn hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác, hồ Cửa Thờ Trại Tiểu, Đập Đồng Quốc Cổ Đạm... ước 600 triệu m³11 .

Hành chính

Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện, trong đó có với 262 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 11 thị trấn, 21 phường và 230 xã:12

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh13
Tên Dân số (người)2009 Hành chính
Thành phố (1)
Hà Tĩnh 117.546 10 phường, 6 xã
Thị xã (2)
Hồng Lĩnh 40.805 5 phường 1 xã
Kỳ Anh 85.500 6 phường 6 xã
Huyện (10)
Cẩm Xuyên 141.216 2 thị trấn, 25 xã
Can Lộc 127.515 1 thị trấn, 22 xã
Tên Dân số (người)2009 Hành chính
Đức Thọ 104.536 1 thị trấn, 27 xã
Hương Khê 100.212 1 thị trấn, 21 xã
Hương Sơn 117.167 2 thị trấn, 30 xã
Kỳ Anh 120.518 21 xã
Lộc Hà 78.802 13 xã
Nghi Xuân 97.830 2 thị trấn, 17 xã
Thạch Hà 132.377 1 thị trấn, 30 xã
Vũ Quang 30.989 1 thị trấn,11 xã
Đền thờ Bùi Cầm Hổ, Hồng Lĩnh

Lịch sử

  • Trước thời các vua Hùng dựng nước, Hà Tĩnh cùng với Nghệ An là nước Việt Thường.
  • Thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang liên bộ lạc, theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức
  • Thời nhà Hán (Bắc thuộc), đất Hà Tĩnh ngày nay thuộc huyện Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân
  • Thời nhà Ngô (thời độc lập tự chủ), thuộc Cửu Đức
  • Thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê: gọi là Hoan Châu, vùng địa đầu phía Nam của nước Đại Cồ Việt, tiếp giáp với nước Chiêm Thành và nước Ai Lao.
  • Thời Lý-Trần, từ năm 1030, bắt đầu gọi là châu Nghệ An. Vào đầu thời kỳ này (đầu thời nhà Lý), đất Hà Tĩnh (phía Bắc đèo Ngang) vẫn là vùng đất biên cương của Đại Việt với Chiêm Thành.
  • Thời nhà Hậu Lê, từ năm Hồng Đức thứ 20 (1490) vua Lê Thánh Tông đặt ra thừa tuyên Nghệ An, nhưng vùng đất Nghệ An-Hà Tĩnh ngày nay cũng còn được gọi là xứ Nghệ An, phần đất thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay là đất thuộc 2 phủ Đức Quang (tức phủ Đức Thọ sau này) và phủ Hà Hoa (sau còn gọi là phủ Hà Thanh). Phủ Hà Hoa gồm 2 huyện: Thạch Hà và Kỳ Hoa (tức Kỳ Anh và Hoa Xuyên sau này). Phủ Đức Quang gồm 6 huyện: Thiên Lộc (tức Can Lộc), La Sơn (tức Đức Thọ ngày nay), Hương Sơn, Nghi Xuân, Chân Phúc (tức Nghi Lộc Nghệ An), Thanh Chương (Nghệ An).14
  • Thời Tây Sơn, vùng đất Nghệ An-Hà Tĩnh được gọi chung là Nghĩa An trấn
  • Nhà Nguyễn năm Gia Long nguyên niên (1802) lại đặt làm Nghệ An trấn
  • Năm 1831, vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An (phía Bắc sông Lam); Hà Tĩnh (phía nam sông Lam). Tỉnh Hà Tĩnh được thành lập với 2 phủ Đức Thọ và Hà Hoa của trấn Nghệ An trước đó. Năm Minh Mạng 17 (1838) lập thêm huyện Hoa Xuyên thuộc phủ Hà Hoa (Hoa Xuyên tức là Cẩm Xuyên ngày nay). Năm Minh Mạng 21 (1840), 2 huyện (trước của vương quốc Viêng Chăn bị diệt vong bởi Xiêm La và đất châu Trịnh Cao) là: Cam Cát (tức Khamkheuth tỉnh Borikhamxay) và Cam Môn (tức vùng các huyện Hương Khê, Vũ Quang và phia Đông Bắc tỉnh Khammuane ngày nay), từng nhập vào phủ Trấn Định (tức Ngọc Ma) thuộc xứ Nghệ của Đại Nam, đến lúc đó Minh Mạng cho nhập vào phủ Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đổi phủ Hà Hoa thành phủ Hà Thanh (do kỵ húy), đồng thời Thiệu Trị lấy cả ba phủ Trấn Định, Trấn Tĩnh, Lạc Biên (trước thuộc Nghệ An) nhập vào tỉnh Hà Tĩnh.15
  • Năm Tự Đức thứ 6 (năm 1853) đổi tỉnh Hà Tĩnh làm đạo, hợp vào Nghệ An thành An Tĩnh.
  • Năm Tự Đức thứ 29 (năm 1876) lại đặt tỉnh Hà Tĩnh như cũ.
  • Thời Pháp thuộc tỉnh Hà Tĩnh thuộc xứ Trung Kỳ nằm trong Liên bang Đông Dương của Pháp. Các phủ huyện là đất (các tỉnh Khammuane, Borikhamxay) thuộc Lào ngày nay (tức là đất các phủ Trấn Định, Trấn Tĩnh, Lạc Biên) bị cắt về xứ Lào thuộc Pháp, và từ đó không thuộc Việt Nam nữa.
Vòng xoay ở khu vực đường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh
  • Thời nước Việt Nam độc lập (sau 1945), tỉnh Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc vùng Trung Bộ Việt Nam. Sau năm 1954, Hà Tĩnh thuộc Bắc Việt (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).
  • Từ sau khi Việt Nam thống nhất (Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), giai đoạn 1976-1991, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhập làm một tỉnh và được gọi là tỉnh Nghệ Tĩnh
  • Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay. Khi tách ra, tỉnh Hà Tĩnh có 9 đơn vị hành chính gồm thị xã Hà Tĩnh và 8 huyện: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà.
  • Ngày 2 tháng 3 năm 1992, thành lập thị xã Hồng Lĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở tách thị trấn Hồng Lĩnh; 2 xã: Đức Thuận, Trung Lương; một phần xã Đức Thịnh thuộc huyện Đức Thọ và 2 xã: Đậu Liêu và Thuận Lộc thuộc huyện Can Lộc.16
  • Ngày 4 tháng 8 năm 2000, huyện Vũ Quang được thành lập trên cơ sở tách 6 xã: Đức Lĩnh, Đức Giang, Đức Liên, Ân Phú, Đức Hương, Đức Bồng thuộc huyện Đức Thọ, 5 xã: Hương Thọ, Hương Minh, Hương Đại, Hương Điền, Hương Quang, Hương Trạch, thuộc huyện Hương Khê và xã Sơn Thọ thuộc huyện Hương Sơn.17
  • Ngày 7 tháng 2 năm 2007, huyện Lộc Hà được thành lập trên cơ sở tách 7 xã ven biển: Ích Hậu, Hồng Lộc, Phù Lưu, Bình Lộc, Tân Lộc, An Lộc, Thịnh Lộc thuộc huyện Can Lộc và 6 xã ven biển: Thạch Kim, Thạch Bằng, Thạch Châu, Mai Phụ, Hộ Độ, Thạch Mỹ thuộc huyện Thạch Hà.18
  • Ngày 28 tháng 5 năm 2007, chuyển thị xã Hà Tĩnh thành thành phố Hà Tĩnh.19
  • Ngày 6 tháng 4 năm 2015, thị xã Kỳ Anh được thành lập trên cơ sở tách thị trấn Kỳ Anh và 11 xã: Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Nam, Kỳ Hưng, Kỳ Hoa thuộc huyện Kỳ Anh.

Dân cư & Tôn giáo

Lịch sử phát triển
dân số
Năm Dân số
1995 1.247.700
1996 1.253.200
1997 1.258.600
1998 1.264.400
1999 1.271.100
2000 1.268.400
2001 1.265.100
2002 1.260.800
2003 1.256.300
2004 1.252.200
2005 1.247.800
2006 1.243.600
2007 1.239.000
2008 1.234.000
2009 1.227.800
2010 1.228.200
2011 1.229.300
Nguồn:20

Dân cư

Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh Hà Tĩnh đạt gần 1.229.300 người, mật độ dân số đạt 205 người/km²21 Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 196.800 người, chiếm 25% dân số toàn tỉnh22 , dân số sống tại nông thôn đạt 1.032.500 người, chiếm 75%23 . Dân số nam đạt 607.600 người24 , trong khi đó nữ đạt 621.700 người25 . Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 4.8 ‰26 .

Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, trên địa bàn toàn tỉnh có 31 dân tộc cùng 1 người nước ngoài sinh sống. Trong đó dân tộc kinh là đông nhất với 1.224.869 người, xếp ở vị trí thứ hai là người Mường với 549 người, người Thái đứng ở vị trí thứ 3 với 500 người, thứ 4 là người Lào với 433 người.13 Ngoài ra, Tỉnh còn có một số dân tộc ít người khác gồm: Tày, Khmer, Hoa, Nùng, Mông, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Cơ Ho, Xơ Đăng, Sán Dìu, Hrê, Raglay, Mnông, Thổ, Khơ Mú, Tà Ôi, Mạ, Giẻ - Triêng, La Chí, Chứt, Lô Lô, Cơ Lao, Cống13 .

Tôn giáo

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 8 Tôn giáo khác nhau chiếm 132.961 người. Trong đó, nhiều nhất là Công giáo có 131.972 người, thứ 2 là Phật giáo có 935 người và các tôn giáo khác là Phật giáo Hòa Hảo 7 người, Hồi giáo Việt Nam 6 người, Minh Lý Đạo 4 người, Tin Lành 18 người, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa 1 người, Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương 5 người13 .

Riêng đạo Công giáo, Hà Tĩnh là một trong 15 tỉnh, thành phố có số lượng tín đồ đạo Công giáo đông nhất toàn quốc, hiện nay có 6 giáo hạt, 58 giáo xứ, 231 họ đạo, 3 tu viện thuộc dòng Mến Thánh giá Vinh, ngoài ra còn  một số cơ sở, nhóm nữ tu Dòng Mến Thánh giá, Dòng Bác ái. Hiện nay toàn tỉnh có 56 linh mục và hơn 150 nữ tu ở các cơ sở dòng, nhóm nữ tu, có 149.273 giáo dân, chiếm 11,5% dân số, có 131/262 xã, phường, thị trấn có đông giáo dân và có 461 khu dân cư vùng giáo, trong đó 114 vùng giáo toàn tòng.27

Kinh tế

Hà Tĩnh có Khu kinh tế Vũng Áng được xem là khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, với sản phẩm công nghiệp chủ lực là thép (22,5 triệu tấn), nhiệt điện (7.000MW) và dịch vụ cảng nước sâu với 59 cầu cảng cho tàu từ 5 vạn đến 30 vạn tấn cập bến28 .

Văn hóa

Xứ Nghệ là tên chung của vùng Hoan Châu cũ (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) từ thời nhà Hậu Lê. Hai tỉnh này cùng chung một vùng văn hóa gọi là văn hóa Lam Hồng, có chung biểu tượng là núi Hồng - sông Lam. Hai tỉnh này có cùng phương ngữ- tiếng Nghệ, cùng kho tàng văn hóa dân gian, cùng ca câu hò ví dặm, cùng uống chung dòng nước sông Lam.

Hà Tĩnh là một vùng đất nằm trên dải đất miền Trung, phía nam sông Lam, thiên nhiên không mấy ưu đãi, nhưng lại được coi là nơi "địa linh nhân kiệt"[1]. Nhiều làng quê ở Hà Tĩnh nổi tiếng văn chương, khoa bảng và kiên cường. Nhiều anh hùng, danh nhân Việt Nam xuất thân từ Hà Tĩnh.

Thành phố Hà Tĩnh, năm 2010

Núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn cùng sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu và sông La, sông Lam là nguồn cảm hứng cho các thế hệ thi nhân, nhạc sĩ. Núi Hồng Lĩnh là một trong số các địa danh được khắc vào Bách khoa thư cửu đỉnh hiện đang đặt tại cố đô Huế.

Phía đông Hồng Lĩnh là làng Tiên Điền của đại thi hào Nguyễn Du, tác giả của Truyện Kiều. Phía tây nam núi Hồng lĩnh là làng "Bát cảnh Trường Lưu" của dòng họ Nguyễn Huy. Hai làng văn hiến ở hai sườn đông và tây núi Hồng Lĩnh ấy đã tạo nên một Hồng Sơn văn phái với những tác phẩm tiêu biểu như Hoa tiên (của Nguyễn Huy Tự), Mai Đình mộng ký (của Nguyễn Huy Hổ), Truyện Kiều.

Các làng Thu Hoạch, Trường Lưu, Tiên Điền, Uy Viễn, Đông Thái, Yên Hội, Gôi Mỹ, Thần Đầu, Trung Lễ, Bùi Xá, Ích Hậu, Trung Lương, Ân Phú... nổi danh về truyền thống học hành, khoa bảng và văn chương

Hà Tĩnh còn có nhiều làng văn nghệ nổi tiếng trong vùng như: làng hát ca trù Cổ Đạm, chèo Kiều Xuân Liên, hát ví phường vải Trương Lưu, hò ví dặm Đan Du, Phong Phú... Nhiều làng nền nếp, phong lưu có nhiều lễ hội, hương ước, phong tục như: Kim Chùy, Hội Thống, Đan Trường, Kim Đôi, Phù Lưu Thượng... Các làng truyền thống với những giọng hò nổi tiếng quanh núi Hồng Lĩnh, ven dòng sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố đã để lại nhiều thơ văn và trước tác.

Giao thông

Hà Tĩnh là tuyến giao thông huyết mạch, có đường Quốc lộ 1A đi qua với chiều dài 127,3 km (xếp thứ 3 trong các tỉnh có Quốc lộ 1A đi qua), 87 km đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc theo hướng Bắc Nam với chiều dài 70 km. Ngoài ra, tỉnh còn có đường Quốc lộ 8A chạy sang Lào qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo với chiều dài 85 km, Quốc lộ 12 dài 55 km đi từ cảng Vũng Áng qua Quảng Bình đến cửa khẩu Cha Lo sang Lào và Đông Bắc Thái Lan29 . Hà Tĩnh còn có 137 km bờ biển với nhiều cảng và cửa sông lớn.

Di tích

  • Khu di tích lich sử Ngã ba Đồng Lộc
  • Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du
  • Di tích cách mạng 1930 Đình Hoa Vân Hải
  • Khu di tích đại danh y Hải Thượng Lãn Ông
  • Đền thờ Nguyễn Biểu:
  • Đền thờ Song Trạng
  • Mộ Song Trạng ở Ân Phú
  • Đền thờ Bùi Cầm Hổ
  • Mộ Phan Đình Phùng thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ
  • Nhà thờ Phan Đình Phùng thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ
  • Nhà thờ Đào Hữu Ích (xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn)
  • Khu lưu niệm Trần Phú thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ
  • Khu lưu niệm Tổng bí thư Hà Huy Tập
  • Nhà thờ và mộ Lê Bôi thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ
  • Đền thờ Lê Quảng Ý và Lê Quảng Chí
  • Nhà thờ Nguyễn Công Trứ
  • Đình Hội Thống
  • Đền Chiêu Trưng
  • Đền Củi: thờ Đức Hoàng Mười
  • Chùa Am thuộc xã Đức Hoà, huyện Đức Thọ
  • Điện thờ Lê Triều Hoàng Hậu ở Ân Phú với 7 sắc phong
  • Đền Võ Miếu
  • Đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu thuộc xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh
  • Đền thờ và Lăng Mộ Trương Quốc Dụng xã Thạch Khê huyện Thạch Hà
  • Lễ hội văn hóa Tiên Sơn
  • Lễ hội Đền cả Dinh Đô Quan Hoàng Mười
  • Khu di tích lịch sử Quốc gia, Trường cấp 2 Hương Phúc thuộc xã Hương Trạch, huyện Hương Khê

Chú thích

  1. ^ “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2013 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015. 
  2. ^ Lịch sử Trường chính trị Hà Tĩnh, 1945-2002. Nhà xuá̂t bản Chính trị quó̂c gia. tr. 13. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2016. 
  3. ^ Thê ́Anh Nguyêñ, Alain Forest Guerre et paix en Asie du Sud-Est Page 110 1998 "... the regional way of speaking in the southern part of Thanh Nghệ, the so-called Nghệ Tĩnh (Nghệ An and Hà Tĩnh) dialect,..."
  4. ^ Jonathan D. London Education in Vietnam 2011 Page 186 "A teacher from Hà Tĩnh Province acknowledged this issue, quipping that his distinctive and “heavy” Hà Tĩnh accent would be tough even for most Việt teachers, let alone students."
  5. ^ “Vị trí địa lý tỉnh Hà Tĩnh”. Cổng Thông tin điện tử Hà Tĩnh. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2016. 
  6. ^ a ă â “Đặc điểm địa hình của tỉnh Hà Tĩnh”. Cổng Thông tin điện tử Hà Tĩnh. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2016. 
  7. ^ a ă “Đặc điểm khí hậu tỉnh Hà Tĩnh”. Cổng Thông tin điện tử Hà Tĩnh. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2016. 
  8. ^ “Tài nguyên rừng và động, thực vật”. Cổng Thông tin điện tử Hà Tĩnh. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2016. 
  9. ^ “Tài nguyên Biển tỉnh Hà Tĩnh”. Cổng Thông tin điện tử Hà Tĩnh. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2016. 
  10. ^ “Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Hà Tĩnh”. Cổng Thông tin điện tử Hà Tĩnh. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2016. 
  11. ^ “Tài nguyên nước”. Cổng Thông tin điện tử Hà Tĩnh. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2016. 
  12. ^ Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Kỳ Anh
  13. ^ a ă â b Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, Tổng cục Thống kê Việt Nam.
  14. ^ Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, tập 1, dư đia chí, trang 63, 75.
  15. ^ Cuốn Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu, trang 232-233.
  16. ^ Quyết định 67-HĐBT năm 1992 về việc thành lập thị xã Hồng Lĩnh
  17. ^ Nghị định 27/2000/NĐ-CP về việc thành lập huyện Vũ Quang
  18. ^ Nghị định 20/2007/NĐ-CP về việc thành lập huyện Lộc Hà
  19. ^ Nghị định 89/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hà Tĩnh
  20. ^ Dân số trung bình phân theo địa phương qua các năm, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  21. ^ Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  22. ^ Dân số thành thị trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  23. ^ Dân số nông thôn trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  24. ^ Dân số nam trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  25. ^ Dân số nữ trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  26. ^ Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  27. ^ “Người Công giáo Hà Tĩnh luôn đồng hành cùng quê hương, đất nước”. 
  28. ^ “Hà Tĩnh tiến ngoạn mục vào top đầu kinh tế cả nước”. Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2016. 
  29. ^ “Giao thông tỉnh Hà Tĩnh”. Cổng Thông tin điện tử Hà Tĩnh. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2016. 

(Nguồn: Wikipedia)