Nhà Hậu Lê (Hán-Nôm: 家後黎・後黎朝, nhà Hậu Lê • Hậu Lê triều; 1427-1789) là một triều đại phong kiến Việt Nam, tồn tại sau thời Bắc thuộc lần 4 và đồng thời với nhà Mạc, nhà Tây Sơn trong một thời gian, trước nhà Nguyễn.
Nhà Hậu Lê do Lê Thái Tổ lập ra, được phân biệt với nhà Tiền Lê (980-1009) do Lê Đại Hành lập ra cuối thế kỷ 10. Nhà Hậu Lê gồm có 2 giai đoạn:
- Nhà Lê sơ (黎初; 1428-1527): kéo dài 100 năm, bắt đầu từ khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi gạt bỏ vua bù nhìn Trần Cảo, tự làm vua, lập ra triều đại mới và kết thúc khi quyền thần Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê Cung Hoàng lập ra nhà Mạc.
- Nhà Lê trung hưng(黎中興; 1533-1789): kéo dài 256 năm, bắt đầu từ khi Thượng tướng quân Nguyễn Kim lập tông thất Lê Duy Ninh lên ngôi, tức Lê Trang Tông tại Ai Lao để khôi phục nhà Hậu Lê; kết thúc khi Lê Chiêu Thống chạy sang lưu vong tại Trung Quốc dưới thời Thanh Cao Tông.
Cách gọi nhà Hậu Lê bao gồm cả hai giai đoạn Lê sơ và Lê trung hưng. Đặc biệt, thời Lê Trung hưng tuy kéo dài nhưng các Hoàng đế nhà Lê mất thực quyền, chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Thời kỳ đầu gọi là Nam Bắc triều, nhà Lê và nhà Mạc chia đôi nước Đại Việt.
Khi nhà Mạc bị đánh bại phải chạy lên Cao Bằng (1592, tới năm 1677) thì công thần có công đánh Mạc là họ Trịnh đã nắm hết quyền hành. Công thần họ Nguyễn không thần phục họ Trịnh, ly khai ở phía nam, do đó phần lớn hậu kỳ thời Lê trung hưng, nước Đại Việt lại bị chia cắt bởi chúa Trịnh và chúa Nguyễn, gọi là Trịnh Nguyễn phân tranh.
Lịch sử nhà Hậu Lê được đề cập chi tiết tại 2 bài nhà Lê sơ, nhà Lê trung hưng.
Xem thêm
- Nhà Lê (định hướng)
- Nhà Mạc
- Nam-Bắc triều (Việt Nam)
- Chúa Trịnh
- Chúa Nguyễn
- Chúa Bầu
- Trịnh Nguyễn phân tranh
- Nhà Tây Sơn
Tham khảo
(Nguồn: Wikipedia)