Hoàng Đức Lương (黃德梁, ? - ?) là văn thần và là nhà thơ Việt Nam thời Lê sơ. Ông là người biên soạn bộ Trích diễm thi tập có tiếng trong lịch sử thơ ca Việt Nam 1 .

Tiểu sử

Hoàng Đức Lương là người làng Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; sau dời về ở làng Ngọ Kiều, huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc; nay thuộc ngoại thành Hà Nội.

Không rõ thân thế, chỉ biết ông đỗ Nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất (1478) dưới triều vua Lê Thánh Tông, được bổ chức quan, làm đến Tham nghị.

Năm 1489 2 , ghi là ông được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc giao thiệp với nhà Minh; trở về được thăng Tả thị lang bộ Hộ.

Hoàng Đức Lương mất năm nào không rõ.

Tác phẩm

Ngoài sáng tác của ông, hiện còn 25 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lụcHoàng Việt thi tuyển; ông còn biên soạn bộ Trích diễm thi tập (Tập thơ tuyển chọn những bài thơ đẹp), gồm 15 quyển (theo Lê Quý Đôn, nhưng hiện chỉ còn 6 quyển). Đây là tập hợp tuyển thơ của các nhà thơ có tiếng đời Trần và các danh gia đời Lê sơ 3 .

Nhìn chung, thơ của ông "khá thâm trầm, ý nhị" 4 , "đẹp một cách kín đáo và giản dị. Nhưng để có những câu tưởng chừng đạm nhã và thoát sáo đó, ngòi bút của tác giả đã phải dụng công rất nhiều (Tự trào)" 5 .

Giới thiệu thơ

Giới thiệu ba bài:

Phiên âm:
Tự trào
Tính tích thù kham tiếu,
Ngâm đa diệc bất công.
Dạ thâm tài đắc cú,
Mãnh khỉ cấp hô đồng.
Dịch nghĩa:
Tự cười minh
Buồn cười cho tính ngông của mình,
Cứ ngâm nga nhiều mà thơ chẳng hay.
Có lúc đêm khuya nghĩ được một câu,
Đã vùng dậy gọi vội tiểu đồng.
Phiên âm:
Thôn cư
Tang ám tằm chính miên,
Thiềm đê yến sơ nhũ.
Lực quyện hạ sừ qui,
Trú vĩnh cưu thanh ngọ.
Dịch nghĩa:
Ở làng quê
Dâu xanh tốt chính là lúc tằm ngủ,
Ngoài hiên thấp, chim én đang nớm cho con.
Mệt mỏi, thì vác cuốc về nghỉ,
Ngày dài, chim cưu kêu lúc bóng tròn.
Phiên âm:
Hoàng Đường hạ bạc
Giang thượng cô chu khách dạ trì,
Nhất ban tâm sự thiểu nhân tri.
Vô đoan thụy khởi bằng cao chẩm,
Nguyệt đạm phong khinh tế tế xuy.
Dịch nghĩa:
Bến sông Hoàng 6 ban đêm
Chiếc thuyền lẻ loi trên sông, đêm đất khách qua chậm,
Bầu tâm sự của khách ít người thấu hiểu.
Bổng dưng thức giấc ngồi tựa gối cao,
Bên ngoài, trăng mờ gió nhè nhẹ thổi.

Xem thêm

  • Trích diễm thi tập

Sách tham khảo

  • Nguyễn Huệ Chi, mục từ "Hoàng Đức Lương" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003.
  • Trần Thị Băng Thanh (chủ biên), Văn học thế kỷ XV-XVII, mục từ: " Hoàng Đức Lương ". Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2004.
  • Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ: " Hoàng Đức Lương". Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.

Chú thích

  1. ^ Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, Từ điển văn học (bộ mới), tr. 613.
  2. ^ Chép theo Từ điển văn học (bộ mới. tr. 613) và Văn học thế kỷ XV-XVII (tr. 499). Tuy nhiên tra trong Đại Việt sử ký toàn thư (Quyển II, bản dịch do Nhà xuất bản Khoa học xã hôi ấn hành 1985, tr. 507), thì rất thể Hoàng Đức Lương đi trong đoàn sứ bộ của Đàm Văn Lễ vào năm Hồng Đức thứ 19 (1488).
  3. ^ Theo Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (phần "Văn tịch chí"), và Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tr. 805 và 812.
  4. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 237.
  5. ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới), tr. 614.
  6. ^ Bến sông Hoàng tức là bến đò trên bờ Hoàng Giang, một khúc sông xưa kia chảy qua Gia Lâm đổ vào Nhị Hà (sông Hồng), nhưng nay đã lấp (theo Văn học thế kỷ XV-XVII, tr. 501).

(Nguồn: Wikipedia)