Tiên Hoàng Đế

Họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng1 con của Thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ, dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế, ở ngôi 12 năm [968-979], bị nội nhân là Đỗ Thích giết, thọ 56 tuổi [924-979], tán ở sơn lăng Trường Yên.

Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, tiếp nối quốc thống của Triệu Vũ [Đế], song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời, tiếc thay!

Xưa, cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn được giữ chức cũ, rồi mất. Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, [1b] cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan2 , cầu gãy, vua rơi xuống bùn, [2a] người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.

Bấy giờ Mười hai sứ quân đều tự xưng hùng trưởng, cát cứ đất đai. Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều, Ngô Nhật Khánh chiếm Đường Lâm, Kiểu Tam Chế chiếm Phong Châu, Nguyễn Thái Bình chiếm Nguyễn Gia Loan, Đỗ Cảnh Thạc chiếm miền sông Đỗ Động, Nguyễn Lệnh Công3 chiếm Tây Phù Liệt, Tế Giang thì có Lữ Tá Đường, Tiên Du có Nguyễn Thủ Tiệp, Siêu Loại có Lý Lãng Công, Hồi Hồ có Kiểu Lệnh Công, Đằng Châu có Phạm Phòng Át, Bố Hải có Trần Minh Công4 . Vua một phen cất quân là dẹp yên, bèn tự lập làm đế. Chọn được chỗ đất đẹp ở Đàm thôn, vua muốn dựng [2b] đô ở đó, nhưng vì thế đất chật hẹp lại không có lợi về việc đặt hiểm, nên vẫn đóng đô ở Hoa Lư5 (nay là phủ Trường Yên).

Mậu Thìn, năm thứ 1 [968], (Tống Bảo năm thứ 1). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.

Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm.

Lê Văn Hưu nói: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu [3a] quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?

Kỷ Tỵ, năm thứ 2 [969], (Tống Khai Bảo năm thứ 2) . Tháng 5 nhuận, phong con trưởng là Liễn làm Nam Việt Vương.

Canh Ngọ, Thái Bình năm thứ 1 [970] , (Tống Khai Bảo năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, đặt niên hiệu. (Sử cũ nói rằng nước Việt ta có niên hiệu bắt đầu từ đây. Nhưng Lý Nam Đế [trước đó] đã đặt niên hiệu là Thiên Đức [544-548]. Sai sứ sang nhà Tống giao hảo. Bấy giờ nhà Tống sai Đại tướng Phan Mỹ dẹp yên Lĩnh Nam (chỉ Lưu Xưởng6 ), cho nên mới có mệnh ấy.

Lập 5 hoàng hậu (một là Đan Gia, hai là Trinh Minh, ba là Kiểu Quốc, bốn là Cồ Quốc, năm là Ca Ông).

Lê Văn Hưu nói: Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng chiếu soi, mới sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài, cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể [3b] đứng đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập [hoàng hậu] một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nổi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậụ Sau đến 2 triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy.

Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 [971] , (Tống Khai Bảo năm thứ 4). Bắt đầu quy định cấp bật văn võ, tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư253, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân7 , Tăng thống8 , Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục9 , Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi10 .

[4a] Nhâm Thân, [Thái Bình] năm thứ 3 [972] , (Tống Khai Bảo năm thứ 5). Sai Nam Liệt Vương Liễn sang sứ thăm nhà Tống.

Quý Dậu, [Thái Bình] năm thứ 4 [973] , (Tống Khai Bảo năm thứ 6). Nam Việt Vương Liễn đi sứ về. Nhà Tống ai sứ sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương, Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tỉnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ. (Lời chế đại lược nói: "[Họ Đinh] đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hoá Trung Hoa, thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang11 , bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ lễ phiên thần, vậy ban cho cha ngươi theo lối cắt đất phong tước, xếp phẩm trật cho vào hạng được cầm quân, được hưởng mức "tỉnh phú"12 . Như thế là để khen thưởng đức tốt của người già, há chỉ hạn chế trong điển chương thường lệ đâu?".

Giáp Tuất, [Thái Bình] năm thứ 5 [974] , (Tống Khai Bảo năm thứ 7). Muà xuân, tháng hai, quy định về quân mười đạo: mỗi đạo có 10 quân, 1 quân 10 lữ, 1 lữ 10 tốt, 1 tốt 10 ngũ, 1 ngũ 10 người, đầu đội mũ bình đính13 vuông bốn góc (loại mũ này làm bằng da, chóp phẳng, bố bên khâu liền, trên hẹp dưới rộng, quy chế này đến đời bản triều khởi nghĩa vẫn còn dùng, đời sau vẫn theo thế).

Hoàn thứ tử là Toàn sinh.

[4b] Ất Hợi, [Thái Bình] năm thứ 6 [975] , (Tống Khai Bảo năm thứ 8). Mùa xuân, quy định áo mũ cho các quan văn võ. Sai Trịnh Tú 14 đem vàng lụa, sừng tê, ngà voi sang nhà Tống.

Mùa thu, nhà Tống sai Hồng lô tự khanh Cao Bảo Tự dẫn đầu bọn Vương Ngạn Phù đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt Vương Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ Quận Vương. Từ đó về sau, sai sứ sang nhà Tống đều lấy Liễn làm chủ.

Bính Tý, [Thái Bình] năm thứ 7 [976] , (Tống Khai Bảo năm thứ 9. Từ tháng 10 trở về sau thuộc về Tống Thái Tông [Triệu] Khuông Nghĩa, niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc năm thứ nhất). Muà xuân, thuyền buôn của các nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ. Sai Trần Nguyên Thái sang đáp lễ nhà Tống.

Mùa đông, tháng 10, Tống Thái Tổ băng.

Đinh Sửu, [Thái Bình] năm thứ 8 [977] , (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 2). Sai sứ sang nhà Tống mừng Thái Tông lên ngôi.

Mậu Dần, [Thái Bình] năm thứ 9 [978] , (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, động đất. Lập con nhỏ là Hạng Lang [5a] làm hoàng thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ Vương. Tháng hai, mưa đá.

Mùa hạ, tháng sáu, nắng hạn.

Kỷ Mão, [Thái Bình] năm thứ 10 [979] , (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 4). Mùa xuân, Nam Việt Vương Liệt giết hoàng thái tử Hạng Lang. Liễn là con trưởng của vua, thuở hàn vi cùng chịu gian khổ, đến khi định yên thiên hạ, ý vua muốn truyền ngôi cho, mới phong làm Nam Việt Vương, lại từng xin mệnh và nhận tước phong của nhà Tống. Sau vua sinh con nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, lập làm thái tử. Liễn vì vậy bất bình, sai người ngầm giết đi.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nối ngôi dùng con đích là đạo thường ôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng không gây loạn. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, thì trước hết chọn người có công, [5b] hoặc con đích trưởng quá ác phải bỏ thì sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng đắn, người xưa vẫn từng làm. Nam Việt Vương Liễn là con trưởng, lại có công, chưa thấy lầm lỗi gì. Tiên hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng, cho như thế mới đủ tỏ tình yêu quý, không biết như thế là làm hại con. Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em, thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc họa chết thiệt thân, còn liên lụy cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay! Không thế thì tội đại ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm được?

Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích262giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, [6a] Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua 3 ngày, khác lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Đinh quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh, chia cho người trong nước ăn, chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt. Ngày trước, khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngũ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngũ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: "Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài".

Lại vào năm Thái Bình thứ 5 [974], có lời sấm ngữ: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi263, đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện [6b], thập bát tử đăng tiên, kế đô15 nhị thập thiên" (Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nỗi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, đường sá người vắng tanh. Mười hai xưng đại vương, toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên, sao kế đô hai chục ngày)265. Người ta cho là số trời đã định như thế. Khi ấy Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn gọi vua là Tiên Hoàng Đế, tôn mẹ đẻ [vua mới] là Dương Thị làm Hoàng thái hậu. Rước linh cữu Tiên Hoàng Đế về táng ở sơn lăng Trường Yên16 .

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đế vương dấy nghiệp không ai không nhờ ở trời. Nhưng thánh nhân không cậy có mệnh trời mà làm hết phận sự của mình. Việc đã thành, lại càng lo nghĩ đề phòng. Sửa sang lể nhạc hình án chính sự là để phòng giữ lòng người. Đặt nhiều lần cửa, đánh hiệu canh là đề phòng kẻ hung bạo. Bởi vì [7a] lòng dục không cùng, việc đời không bến, không thể không đề phòng trước. Đó là nghĩ xa cho đời sau, mưu tính cho con cháu cũng chính là ở đó. Cho nên Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc ngừơi, không phải mệnh trời không giúp. Cũng vì vua không giữ được trọn đời khiến cho cái thuyết sấm đồ16 đắc thắng, đời sau không thể không bị mê hoặc vì điều đó.

(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)