Đỗ Thích (chữ Hán: 杜釋; ?-979) là một vị quan nhà Đinh, là người làng Đại Đê, huyện Thiên Bản, nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đỗ Thích từng làm quan ở Đồng Quan (Ninh Bình ngày nay), rồi giữ chức Chi Hậu Nội Nhân dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng.[cần dẫn nguồn]
Giết Vua
Các chính sử đều ghi ông là thủ phạm giết vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn với ý định tự lập mình làm vua. Theo đó, tháng 10 năm Kỉ Mão, 979 Đỗ Thích vì mơ thấy có sao rơi vào miệng mình, cho đó là điềm báo nên nảy ra ý định giết vua. Thừa dịp vua Đinh Tiên Hoàng say sau một bữa tiệc, Đỗ Thích vào giết nhà vua và cả Nam Việt Vương Đinh Liễn. Sau đó Đỗ Thích bị Đinh Quốc Công là Nguyễn Bặc bắt được và giết chết 1 .
Khi Đỗ Thích bị bắt, Nguyễn Bặc đem chém rồi đập tan xương và cắt thịt chia cho nhân dân bắt họ phải ăn.2 . Cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự kết thúc của nhà Đinh, mở đầu nhà tiền Lê. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, Đỗ Thích có thể chỉ là người bị hàm oan trong mưu đồ hãm hại vua Đinh của Lê Hoàn và Dương Vân Nga (xem chi tiết vấn đề này tại phần đề cập cái chết của Đinh Tiên Hoàng trong bài viết về Đinh Tiên Hoàng).
Nghi án
Trong cuốn "Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng". Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội 1996, trang 33 và 34 ghi là: "Những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này: chỉ bởi một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích trở thành tên sát nhân. Đằng sau Đỗ Thích còn ai không? Tại sao khi Lê Hoàn thế chân thì quân Tống lại can thiệp". Cũng theo trang 57, 58 sách trên: "Lê Hoàn giành được thế nhiếp chính đã cùng thuộc hạ mưu sự chiếm ngôi. Nếu không có công chống Tống vào năm Tân Tỵ (981) thì Lê Hoàn đã phạm tội bất trung và lịch sử vẫn giữ nguyên nghi án"3
Theo văn bản Nôm Hoa Lư tự sự phổ biến từ lâu ở Ninh Bình, văn bản này giáo sư Chương Thâu đọc trong hội nghị Khoa học về Định quốc công Nguyễn Bặc ở Ninh Bình, có đoạn như sau:
- Dương Thị Vân phản bội chồng
- Từ lâu vốn đã tư thông Lê Hoàn
- Đặt mưu hiểm lập chước gian
- Đầu độc giết chết Tiên Hoàng cha con
- Đỗ Thích tri nội hậu quan
- Đi tuần về thấy tâm can hãi hùng
- Nhẩy ngay lên mái điện rồng
- Bụng đói miệng khát long đong ba ngày
- Trời mua hứng nước dơ tay
- Triều đình hô hoán lôi ngay xuống đình
- Đổ cho tội thí Đinh Đinh
- Để Lê gia xuất thánh minh trị vị.
Đỗ Thích làm chức nhỏ, thế lực mỏng manh, nếu giết vua chỉ đem lại cái chết, còn kẻ khác tọa hưởng. "tứ trụ triều đình" đầy tài ba, đầy sự trung thành còn ngồi đấy làm sao một kẻ tầm thường như Đỗ Thích có thể giết được vua nếu không có một lược lượng mạnh hơn "tứ trụ" rất nhiều?3 Hơn thế, nếu Đỗ Thích giết vua rồi ông ta có thể xưng vương được không? Do không có chính danh cộng với áp lực từ các trung thần của chế độ, một thừa tướng quyền uy chỉ dưới vua còn khó mà xưng vương huống chi một viên quan tầm thường như Đỗ Thích. Do vậy, viên quan này hoặc vì bị điên nên bày mưu giết Đinh Tiên Hoàng, hoặc vì tham lam nên thông đồng, hoặc bị vu oan.
Gia phả họ Đỗ ở Đại Đê, huyện Vụ Bản và sự tích đền Thảo Mã (tức đền Gạo ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) có nói tới việc Đỗ Thích có công cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương đuổi.3
Chú thích
- ^ Sách Đại Việt sử ký toàn thư bản kỉ, quyển 1 chép: Mùa đông, tháng mười [năm Kỉ Mão, 979], quan giữ chức Chi Hậu Nội Nhân là Đỗ Thích giết chết nhà vua (Đinh Tiên Hoàng) ở trong cung. (Đỗ Thích người làng Đại Đê, huyện Thiên Bản, nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Trước đó, Đỗ Thích từng có lúc làm quan ở Đồng Quan (nay thuộc Ninh Bình). Một hôm, nhân nằm chơi rồi ngủ lại trên cầu, Đỗ Thích mơ thấy có vì tinh tú từ trên trời rơi xuống và hắn đã nuốt được. Đỗ Thích lấy đó làm điềm tốt, bèn nẩy ra ý định giết Vua. Đến đây, thấy nhà vua dùng yến tiệc vừa xong, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình, Đỗ Thích bèn lẻn vào giết chết Nhà vua, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Đinh Liễn. Bấy giờ, lệnh lùng bắt thủ phạm rất gấp, Đỗ Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, Đỗ Thích thò tay hứng nước mà uống, cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Đinh Quốc Công là Nguyễn Bặc sai người bắt xuống và đem đi chém đầu.
- ^ Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX-Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông tin, 2002, tr 174
- ^ a ă â Góp phần làm sáng tỏ hình ảnh Đinh Điền - Nguyễn Bặc qua một số tư liệu Hán Nôm và dân gian
(Nguồn: Wikipedia)