Lagi | |||
---|---|---|---|
Thị xã | |||
Địa lý | |||
Tọa độ: 10°42′49″B 107°39′30″Đ / 10,71361°B 107,65833°ĐTọa độ: 10°42′49″B 107°39′30″Đ / 10,71361°B 107,65833°Đ | |||
Diện tích | 182.82 km² | ||
Dân số (2015) | |||
Tổng cộng | 131.602 người | ||
Thành thị | 88.802 người | ||
Nông thôn | 42.800 người | ||
Mật độ | 702 người/km² | ||
Dân tộc | Kinh, Chơ Ro, Cơ Ho, Hoa... | ||
| |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Nam Trung Bộ | ||
Tỉnh | Bình Thuận | ||
Thành lập | 5/9/2005 | ||
Chủ tịch UBND | Phạm Trọng Nhân | ||
Bí thư Thị ủy | Nguyễn Thanh Nam | ||
Trụ sở UBND | 26 Hoàng Diệu - phường Tân An | ||
Phân chia hành chính | 5 phường 4 xã | ||
Mã hành chính | 0010 |
La Gi (phát âm: /la-zi/) là một thị xã thuộc tỉnh Bình Thuận. La Gi vốn là tên thị trấn huyện lị của huyện Hàm Tân và được nâng cấp, mở rộng thành đô thị loại IV theo quyết định số 1222/QĐ-BXD ngày 3 tháng 6 năm 2005 của bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam1 . Và chính thức thành lập thị xã La Gi theo nghị định 114/2005/NĐ-CP về việc thành lập Thị Xã La Gi ngày 05 tháng 09 năm 20052 . Năm 2017, Lagi chính thức được công nhận là đô thị loại III, đô thị lớn thứ 2 tỉnh Bình Thuận .Tính tới ngày 05 tháng 09 năm 2005 La Gi có diện tích là 18.282,64 ha và 112.558 nhân khẩu. Mật độ dân cư: 616 người/km²
Năm 2017, thị xã La Gi chính thức trở thành đô thị loại III, định hướng trở thành thành phố La Gi trước 2020
La Gi có các thắng cảnh: Đồi Dương, Bãi Dương Cam Bình, Ngảnh Tam Tân, Hòn Bà, Dinh Thầy Thím. Cảng La Gi là một trong những Cảng cá biển vào loại lớn nhất Tỉnh Bình Thuận và khu vực.
Năm 2017, Thị Xã Lagi chính thức lên đô thị loại III, trở thành đô thị lớn thứ 2 tỉnh Bình Thuận. Mục tiêu quy hoạch đô thị của chính phủ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Thuận, là trung tâm kinh tế, văn hoá phía Nam tỉnh Bình Thuận
Vị trí Thị Xã La Gi
- Đông giáp huyện Hàm Thuận Nam;
- Tây giáp huyện Hàm Tân;
- Nam giáp biển Đông;
- Bắc giáp huyện Hàm Tân. Các xã giáp ranh: xã Tân hải giáp xã Tân Thuận và xã Tân Thành huyện Hàm Thuận Nam; Xã Tân Phước giáp xã Sơn Mỹ huyện Hàm Tân, Bình Thuận; Xã Tân Bình giáp xã Tân Hà và xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, Bình Thuận.
Các xã, phường ven biển: Phường Phước Lộc, phường Bình Tân, các xã Tân Hải, Tân Tiến, Tân Bình, Tân Phước.
Thị xã Lagi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 63 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 170 km về phía Tây và cách thành phố Vũng Tàu 93 km về phía Tây Nam. Thị xã La Gi có 28 km chiều dài bờ biển, chiều dài quốc lộ 55 đi qua là 10 km, chiều dài tỉnh lộ 719 đi qua dài 18 km cùng với nhiều tuyến đường khác chạy qua đã tạo cho La Gi một vị trí đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển kinh tế năng động và bền vững, hội nhập nhanh với việc phát triển kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 3
Tọa độ địa lý
- Từ 10°40'54" đến 10°46'35" vĩ độ Bắc
- Từ 107°40'45" đến 107°53'59" kinh độ Đông
Nghị Định Thành Lập Thị Xã
1. Thành lập phường Phước Hội trên cơ sở 160,38 ha diện tích tự nhiên và 18.445 nhân khẩu của Thị trấn Lagi; 16,62 ha diện tích tự nhiên và 1.115 nhân khẩu của xã Tân Thiện.
Phường Phước Hội có 177 ha diện tích tự nhiên và 19.560 nhân khẩu.
Địa giới hành chính phường Phước Hội: Đông giáp phường Bình Tân; Tây giáp xã Tân Phước; Nam giáp phường Phước Lộc, Bắc giáp các phường Tân Thiện, Bình Tân.
2. Thành lập phường Phước Lộc trên cơ sở 145 ha diện tích tự nhiên và 17.873 nhân khẩu của thị trấn La Gi.
Phường Phước Lộc có 145 ha diện tích tự nhiên và 17.873 nhân khẩu.
Địa giới hành chính phường Phước Lộc: Đông giáp phường Bình Tân; Tây giáp xã Tân Phước; Nam giáp biển Đông; Bắc giáp phường Phước Hội.
3. Thành lập phường Tân Thiện trên cơ sở 377,98 ha diện tích tự nhiên và 9.710 nhân khẩu của xã Tân Thiện.
Phường Tân Thiện có 377,98 ha diện tích tự nhiên và 9.710 nhân khẩu.
Địa giới hành chính phường Tân Thiện: Đông giáp phường Bình Tân; Tây giáp xã Tân Phước; Nam giáp phường Phước Hội và xã Tân Phước; Bắc giáp các phường Tân An, Bình Tân.
4. Thành lập phường Tân An trên cơ sở 601,82 ha diện tích tự nhiên và 14.178 nhân khẩu của xã Tân An.
Phường Tân An có 601,82 ha diện tích tự nhiên và 14.178 nhân khẩu.
Địa giới hành chính phường Tân An: Đông giáp phường Bình Tân và xã Tân Bình; Tây giáp xã Tân Phước; Nam giáp phường Tân Thiện và xã Tân Phước; Bắc giáp các xã Tân Phước, Tân Bình.
5. Thành lập phường Bình Tân trên cơ sở 326 ha diện tích tự nhiên và 20.788 nhân khẩu của xã Tân Bình.
Phường Bình Tân có 326 ha diện tích tự nhiên và 20.788 nhân khẩu.
Địa giới hành chính phường Bình Tân: Đông giáp biển Đông; Tây giáp các phường Tân Thiện, Phước Hội; Nam giáp phường Phước Lộc và biển Đông; Bắc giáp phường Tân An và xã Tân Bình.
6. Thành lập xã Tân Phước trên cơ sở 390,16 ha diện tích tự nhiên và 2.100 nhân khẩu của thị trấn La Gi; 1.469,40 ha diện tích tự nhiên và 6.331 nhân khẩu của xã Tân Thiện; 1.413,61 ha diện tích tự nhiên và 167 nhân khẩu của xã Tân An.
Xã Tân Phước có 3.273,17 ha diện tích tự nhiên và 8.598 nhân khẩu.
Địa giới hành chính xã Tân Phước: Đông giáp các phường Tân An, Tân Thiện, Phước Hội, Phước Lộc; Tây giáp huyện Hàm Tân; Nam giáp biển Đông; Bắc giáp xã Tân Bình và huyện Hàm Tân.
7. Thành lập xã Tân Tiến trên cơ sở 4.171,50 ha diện tích tự nhiên và 9.183 nhân khẩu của xã Tân Hải.
Xã Tân Tiến có 4.171,50 ha diện tích tự nhiên và 9.183 nhân khẩu.
Địa giới hành chính xã Tân Tiến: Đông giáp xã Tân Hải; Tây giáp xã Tân Bình; Nam giáp biển Đông; Bắc giáp huyện Hàm Thuận Nam.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã Tân Tiến, xã Tân Hải còn lại 3.427 ha diện tích tự nhiên và 8.084 nhân khẩu.
8. Thành lập xã Tân Bình Sáp nhập toàn bộ 983,57 ha diện tích tự nhiên còn lại của xã Tân An vào xã Tân Bình.
Xã Tân Bình có 5.783,17 ha diện tích tự nhiên và 4.584 nhân khẩu.
Địa giới hành chính xã Tân Bình: Đông giáp xã Tân Tiến; Tây giáp phường Tân An, xã Tân Phước và huyện Hàm Tân; Nam giáp phường Bình Tân và biển Đông; Bắc giáp huyện Hàm Tân.
9. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập thị xã La Gi và các phường, xã trực thuộc:
Tính tới ngày 05 tháng 09 năm 2005, Thị xã La Gi có 18.282,64 ha diện tích tự nhiên và 112.558 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường Phước Hội, Phước Lộc, Tân Thiện, Tân An, Bình Tân và các xã Tân Phước, Tân Tiến, Tân Hải, Tân Bình.4
Diện tích và Dân số Các Đơn Vị Hành chính
Thị xã Lagi có 9 phường, xã trực thuộc, bao gồm:
STT | Tên đơn vị hành chính | Diện tích (km2) | Dân số (người) | Mật độ |
---|---|---|---|---|
1 | Phường Phước Hội | 1,77 | 21.321 | 12.045 |
2 | Phường Phước Lộc | 1,45 | 19.752 | 13.622 |
3 | Phường Tân An | 6,02 | 15.013 | 2.493 |
4 | Phường Tân Thiện | 3,78 | 10.873 | 2.876 |
5 | Phường Bình Tân | 3,26 | 21.843 | 6.698 |
6 | Xã Tân Phước | 32,73 | 12.441 | 380 |
7 | Xã Tân Hải | 34,27 | 11.880 | 347 |
8 | Xã Tân Tiến | 41,72 | 12.464 | 299 |
9 | Xã Tân Bình | 57,83 | 6.015 | 104 |
- Ghi chú: đơn vị diện tích: km²; mật độ: người/km²; số liệu năm 2015.
Định hướng phát triển
Theo quyết định số 1659/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ ngày 07 tháng 11 năm 2012, định hướng trong giai đoạn 2015-2020, thị xã La Gi hoàn thành các tiêu chí, nâng cấp lên đô thị loại III, định hướng phát triển thành lập Thành phố La Gi, trung tâm kinh tế - du lịch phía Nam tỉnh Bình Thuận5
Địa hình
Thị xã La Gi có địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc vào Nam, được chia thành 4 dạng địa hình chính như sau:
1. Địa hình núi cao trung bình: Có độ cao từ 500 đến 600 m phân bố ở phía Bắc Thị xã và phía Đông Nam giáp với huyện Hàm thuận Nam, Hàm Tân. Bao gồm các ngọn núi Nhọn cao 478 m, núi Đất (452 m), núi Bể (570 m).
2. Địa hình đồi núi thấp: Có độ cao dao động từ 100 đến 200 m tập trung ở phía nam của Thị xã.
3. Địa hình đồi thoải lượn sóng: Có độ cao từ 20 đến 150 m bao gồm đồi đất xám, đất đổ vàng, chạy theo hướng Bắc -Nam, hoặc xen kẽ những vùng đất thấp.
4. Dạng địa hình đồng bằng: gồm hai loại
- Bậc thềm sông: Có độ cao 2–5 m, có nơi cao 5–10 m, phân bố dọc theo sông Dinh.
- Đồng bằng phù sa: Phân bố ở dọc các sông và các nhánh suối nhỏ, là vùng trọng điểm Thủy sản, Du lịch của tỉnh Bình Thuận.
Trong khu vực đất đồng bằng, đất có địa hình trung bình thấp và thấp trũng chiếm diện tích kha lớn, trên địa hình này thuận lợi cho việc tưới nước, song thường hay ngập lụt vào mùa mưa.
Khí hậu
Khí hậu của La Gi mang tính chất chuyển tiếp giữa chế độ mưa của vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Hay nói cách khác khí hậu La Gi là vùng đệm giữa trung tâm mưa lớn của Miền Nam và đồng bằng ven biển. Tuy nhiên khí hậu ở đây vẫn diễn biến theo 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
- Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 lượng mưa trung bình năm 2.185 mm có khi cao tới 2.894 mm. Mùa mưa cây trồng sinh trưởng và phát triển mạnh, đây là mùa sản xuất chính. Tuy nhiên mưa lớn thường tập trung vào các tháng 7, 8 và 9, nên thời gian này thường gây ra lũ quét, ngập úng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp nhất là những vùng sản xuất lúa và cây công nghiệp hàng năm.
- Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thường mưa ít hoặc không có mưa nên gây thiếu nước nghiêm trọng, cây cối sinh trưởng và phát triển kém, nhiều sâu bệnh ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng.
- Nhiệt độ không khí cao đều quanh năm và tương đối ổn định. Nhiệt độ trung bình năm: 22–26 °C. Tổng tích ôn trung bình năm là 9.300 °C.
- Độ ẩm không khí trung bình năm 70-85%. Từ tháng 6 đến tháng 12 độ ẩm không khí 84,3-86,9%. Các tháng 1, 2 và 3 độ ẩm trung bình 75,6-76,9%. Hàng năm độ ẩm không khí trung bình cao nhất vào khoảng 91,8%. Độ ẩm trung bình thấp nhất là 61,3%. Độ ẩm thấp nhất tuyệt đối xuống dưới 15% vào mùa khô.
- Gió mùa: Có 2 hướng gió chính là Tây Nam và Đông Bắc, gió Tây nam từ tháng 5 đến tháng 10. Gió Đông Bắc (gió mùa đông) từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tốc độ gió trung bình 2–3 m/s.
Lịch sử hình thành
Bên bờ con sông Dinh có dịch trạm Thuận Phước ở làng Phước Lộc nằm trong hệ thống dịch trạm dưới triều Nguyễn trung hưng. Địa giới La Gi thời ấy bao trùm phần đất thị trấn La Gi và một số vùng lân cận của Tân Thiện, Tân An, Tân Lý bây giờ… Khi thành lập huyện tại đây có 2 làng Phước Lộc và Hàm Tân, trụ sở huyện đặt trên làng Hàm Tân nên trở thành tên huyện và cũng từ đó không còn trực thuộc tổng Đức Thắng phủ Hàm Thuận nữa.
Quá trình hình thành dân cư ở La Gi mang tính đặc thù của một vùng đất tụ nghĩa. Với tiềm năng thiên nhiên phong phú, địa thế hẻo lánh, La Gi là nơi thu hút nhiều người dân miền Trung phiêu tán, tha phương cầu thực và không ít những người bất mãn chống đối nhà cầm quyền phong kiến địa phương về đây nương náu, khai phá, định cư lập nghiệp.
Thuở đầu triều Nguyễn trung hưng, những xóm làng lần lượt mọc lên ở các cửa sông Tam Tân, La Gi có đặt các dịch trạm như trạm Thuận Phước ở Phước Lộc, trạm Thuận Trình ở Tam Tân và trạm Thuận Lâm ở Khe Cả. Một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số như Cơ Ho, Raglai, Châu Ro... từ phía Đông Di Linh di cư xuống vùng Suối Kiết, Bà Giêng, Sông Phan. Trước đó, đã có một nhóm người Chăm lánh nạn chiến tranh dạt về phía Nam, lập làng định cư ở Hiệp Nghĩa, Phò Trì.
Năm 1867, khi 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, nhiều đồng bào Nam bộ "tị địa" ra Bình Thuận đã dừng chân sinh sống tại La Gi.
Năm 1877, doanh điền sứ Nguyễn Thông đã thân chinh về vùng đất hoang dã phía nam của tỉnh Bình Thuận rồi trình bức “nghĩ thĩnh thượng du khẩn sự nghi sớ” (Sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng thượng du) có nhắc đến: “… thuyền đi lúc rạng đông từ cửa tấn LaDi nếu thuận gió xuôi buồm thì đến cửa biển Phan Thiết phủ Hàm Thuận vào giờ ngọ hoặc giờ mùi. Xin chọn đất ở xóm Hàm Tân dựng tạm một kho đồn điền khai khẩn, tính toán số gạo muối tiền thóc cần thiết rồi đem thuyền chở nộp cho tỉnh, thì chở đến kho tạm ở Hàm Tân rồi dùng thuyền đến đó chở đi cũng tiện”.
Từ đó, với sức khai phá và tính cần cù, những người tứ xứ nói trên đã biến vùng đất màu mỡ này thành các làng mạc sầm uất.
Có thể coi địa danh La Gi và Hàm Tân đã song hành suốt chiều dài lịch sử hình thành một vùng đất giàu sự tích cho đến hôm nay.
Địa hình La Giđược thiên nhiên cấu tạo đa dạng gồm nhiều mỏm đồi thoai thoải, lượn sóng thấp dần theo hướng Bắc Nam tạo ra mạng lưới sông suối rải khắp đồng bằng ven biển. Sông lớn có sông Phan (còn gọi là sông Đợt) ở Tân Hải, sông Dinh, sông Cô Kiều, sông Trạm, sông Chùa ở Tân Phước.
Núi tương đối cao có núi Bể (874m) và núi Nhọn (570m). Ngày trước vốn rừng tự nhiên ở Hàm Tân (cũ) rất lớn, hầu như bao bọc cả huyện, tiếp giáp tận bờ biển và nối liền với rừng miền Đông Nam bộ.
Ngày nay rừng La Gi vẫn còn các loại gỗ quí như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, bằng lăng, sao, dầu... và lâm sản dầu rái, lá buông, song mây là nguồn nguyên liệu phổ biến trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và cung ứng nhu cầu sửa chữa ghe thuyền.
Sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, các thời kỳ địch di dân lập ấp cư dân phát triển và khai thác bừa bãi, nên rừng bị đẩy lùi cạn kiệt, độ che phủ rất thấp. Động vật rừng ngày xưa có nhiều như voi, cọp, beo, nai, đỏ, khỉ và các loại chim, bò sát nhưng nay trở nên hiếm hoi.
Đồng ruộng La Gi không rộng, địa hình lại bị chia cắt bởi những quả đồi lượn sóng có độ cao từ 50 – 190 m, tạo ra những lòng chảo cục bộ, độ phì nghèo, khả năng bị rửa trôi lớn.
Sản xuất nông nghiệp chỉ tập trung ở hạ lưu các sông, suối xen kẽ theo chân núi, sườn đồi theo thời vụ, lệ thuộc nguồn nước mưa. Về hệ thống thủy lợi, những đập thời vụ có từ trước: Suối Dứa, Láng Đá với khoảng 6.500m kênh; nhưng kinh tế chủ yếu vẫn là Thủy sản và dịch vụ du lịch,
hiện tại ở La Gi có Cảng Cá Biển, trong tương lai không xa khi La Gi trở thành trung tâm dịch vụ dầu khí của cả nước với Cảng nước sâu Khe Gà và Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Sơn Mỹ hình thành cách La Gi không xa thì đô thị này sẽ vươn vai lớn mạnh.
Ven biển La Gi có Hồ Tôm (Tân Phước), Bà Đăng (Tân Hải), Hà Lãng (Tân Tiến) và nhiều ao, mặt nước có những điều kiện sinh thái tự nhiên rất thuận lợi cho việc khai thác nuôi tôm nước lợ và sản xuất muối với quy mô lớn. Đây cũng là tiềm năng kinh tế đáng kể của La Gi.
Khoáng sản đa dạng về chủng loại như Ilmenit, ziacon, sỏi đỏ, cát trắng, than bùn, đá ốp lát (Núi Nhọn)... với trữ lượng tập trung, là nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và xây dựng.
La Gi có đặc điểm khí hậu, thủy văn khá điển hình, trữ lượng nước mặt cũng như nước ngầm không lớn, nên nông nghiệp chậm phát triển.
Nhưng với bờ biển dài 29 km kéo dài từ Tân Hải đến Tân Phước, chiếm một phần ba chu vi toàn thị xã và lãnh hải rộng 13.000 km2,
La Gi giàu về ngư nghiệp. Biển La Gi nằm trong khu vực thềm lục địa bằng phẳng thuộc hệ nhiệt đới, hội tụ bởi hai dòng nước chảy nóng lạnh, được tiếp nhận nhiều nguồn phù sa từ sông suối đổ ra tạo nên môi trường sinh sản phong phú cho các loài hải sản; ngư trường La Gi có nhiều bãi cá tôm, mật độ dày, đa dạng.
Họ cá nục, cá cơm, cá chỉ, cá mối, cá thiều, cá ngừ chiếm tỷ lệ lớn trong sản lượng khai thác. Đặc biệt trữ lượng hải sản có giá trị kinh tế và chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao như nục, tôm, sò, điệp, ốc hương phân bố dày ở độ sâu 6- 14m, tạo nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Duy các loài cá có tính đặc trưng và sinh sản nhiều trước đây như cá mòi, cá bẹ, cá đỏ dạ... dần dần không còn nữa.
Từ các phương tiện đánh bắt thô sơ: Lưới bén, lưới rừng, câu tay... ngư dân La Gi đã phát triển các thuyền nghề mành chà, lưới cảng, giã cào, vây rút chì quy mô lớn và năng suất cao.
Qua quá trình xây dựng và phát triển, La Gi đã biết khai thác lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng biển, rừng, đất đai, khoáng sản, tạo nên những bước chuyển biến đáng kể, trong đó việc xác định đúng đắn ưu thế hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn đã mang lại những hiệu quả cao trong công nghiệp chế biến xuất khẩu.
Những năm gần đây, diện mạo mới của La Gi về hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, văn hóa bắt đầu phát triển rõ rệt. Nhiều công trình có ý nghĩa phục vụ sản xuất đời sống như thủy lợi, đường sá, lưới điện quốc gia, đài truyền thanh, trạm tiếp phát truyền hình, trường học, bệnh viện... được đầu tư xây dựng. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến đã hòa nhập với nhịp độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Hàm Tân trở thành căn cứ kháng chiến chống Pháp của tỉnh Bình Thuận, mở ra một vùng chiến lược quan trọng có lúc kéo dài từ Hàm Kiệm, Tiến Lợi, Tân Thành đến Bình Châu, Thắng Hải. Đến năm 1954 được coi là thời kỳ khá ổn định của một địa bàn hậu phương, Hàm Tân có 6 xã là Tân Phước, Bình Tân, Bà Giêng, Tân Hiệp, Hiệp Hòa, Văn Mỹ. Sau ngày ký kết Hiệp định Genève tháng 7/1954 và đến khi có sắc lệnh 143 ngày 26/10/1956 của chế độ Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Bình Tuy, lấy Hàm Tân-La Gi làm trung tâm bộ máy chính quyền gồm có 3 quận Hàm Tân, Hoài Đức và Tánh Linh. Quận Hàm Tân với hiện trạng như ngày nay gồm các xã Phước Hội, Bình Tân, Bà Giêng, Hiệp Hòa, Tân Hiệp, Văn Mỹ có dân số 68.422 người. Dưới chế độ cũ chưa bao giờ có đơn vị hành chính thị xã La Gi nhưng La Gi chiếm một vị trí quan trọng là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Bình Tuy và nằm dưới tên gọi xã châu thành Phước Hội.
Trong kháng chiến chống Mỹ, do yêu cầu chỉ đạo phong trào cách mạng, tháng 8/1968 Tỉnh ủy Bình Tuy quyết định chia tách và thành lập thị xã La Gi và huyện Hàm Tân. Thị xã La Gi trên cơ sở địa bàn xã châu thành Phước Hội bao gồm các phần đất liền kề Tân Thiện, Tân An và giáp đến Tân Thắng. Khi tình hình cuộc cách mạng giải phóng dân tộc miền Nam phát triển nhanh chóng đã đẩy Mỹ-ngụy vào thế co cụm và tiếp theo là làn sóng dồn dân từ các tỉnh miền Trung-Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị đẩy vào các khu khẩn hoang lập ấp với tên mới Nghĩa Tân, Bình Ngãi (Tân Nghĩa), Phúc Âm (Tân Minh), Đông Hà (Tân Hà), Động Đền (Tân Thiện, Sơn Mỹ)… Lúc này lực lượng cách mạng địa phương đã kiểm soát được địa bàn hành lang quốc lộ 1A từ Tà Mon đến Rừng Lá Tân Minh và tuyến đường tỉnh lộ 2 nên Tỉnh ủy Bình Tuy thành lập huyện Nghĩa Lộ (tháng 11/1973) gồm xã Bà Giêng và các khu định cư mới này. Huyện Nghĩa Lộ và thị xã La Gi chỉ tồn tại đến tháng 11/1975 thì chấm dứt, nhập thành huyện Hàm Tân.
Trong bối cảnh đất nước bị thực dân, đế quốc xâm lược qua các đợt di dân, di cư, La Gi lần lượt tiếp nhận hàng vạn người tứ xứ đến sinh sống làm ăn: 6.000 đồng bào công giáo miền Bắc di cư năm 1955, 5.000 Việt kiều từ Campuchia hồi hương năm 1970, khoảng 25.000 đồng bào Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam di dân năm 1973 theo kế hoạch lấn chiếm của chính quyền Sài gòn, làm cho dân số La Gi tăng nhanh; năm 1975 đã có 68.422 người.
Đến tháng 6/1982, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập huyện Hàm Thuận Nam, tách 3 xã Tân Lập, Tân Thuận, Tân Thành của huyện Hàm Tân và Hàm Tân còn lại 10 xã và thị trấn La Gi. Đầu năm 2004, chia tách thêm 3 xã Tân Phúc, Tân Đức, Sông Phan và thị trấn Tân Minh. Nghị định 114 của Thủ tướng Chính phủ thành lập thị xã La Gi với diện tích tự nhiên 18.282,64 ha và 112.558 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chánh trực thuộc là các phường Phước Hội, Phước Lộc, Tân Thiện, Tân An, Bình Tân và các xã Tân Phước, Tân Tiến, Tân Hải, Tân Bình. Như vậy huyện Hàm Tân còn lại có 72.952 ha và 70.515 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính là các xã Tân Thắng, Sơn Mỹ, Tân Hà, Tân Nghĩa, Sông Phan, Tân Đức, Tân Phúc và thị trấn Tân Minh.
Địa danh La Gi ngày nay có chiều dài lịch sử của một vùng đất giàu tiềm năng và truyền thống đấu tranh của dân tộc cùng với quá trình phát triển trong thời kỳ đổi mới xứng tầm với một thị xã mới là điều tất yếu. Những tên xã, tên làng ngày xưa qua các thời kỳ được đặt tên cho các xã, phường mới như một bước tiếp nối có ý nghĩa sâu sắc đối với các thế hệ sống trên vùng đất rất đỗi tự hào và cũng không ít thăng trầm ở đây.
Năm 2005, thị trấn La Gi tách ra khỏi huyện Hàm Tân (cũ) thành thị xã trực thuộc tỉnh. Một đô thị mới ra đời với nhiều triển vọng mới.
Tài nguyên
Đất đai
Đất đai La Gi hình thành trên tập hợp đá mẹ và mẫu chất sau:
1. Đá granit bao phủ một diện tích khá lớn trên địa bàn. Đá Granite có thành phần hóa học với hàm lượng SiO2 tương đối cao (60-70%), Fe2O3 thấp (0,2-1,4%), chứa nhiều K2O. Đá bị phong hóa tạo nên sườn tích rất thô, gồm có cát silic với mảnh đá vụn trôi thành lớp, nằm theo triền và vây quanh chân núi. Đá granit hình thành ra 3 nhóm đất là đất đỏ vàng, đất xám và đất xói mòn trơ sỏi đá, trong đó nhóm đất xám và đất đỏ vàng là chủ đạo, với đặc tính rửa trôi, hoạt tính thấp và thành phần cơ giới nhẹ, chủ yếu là cát pha, thịt nhẹ.
2. Đá sét phát hiện thấy trong lớp vỏ thổ nhưỡng ở Bình Thuận nói chung và La Gi nói riêng, chiếm khoảng 5-6% diện tích lãnh thổ. Đá sét rất cổ (tuổi Mezôzôi), là nền móng của lãnh thổ nhưng một phần lớn diện tích bị Aluvi Neogen và bazan phủ lấp lên. Đá có màu thay đổi, mức độ phong hóa cao. Đất trên đá sét thường có màu đỏ vàng hay vàng nhạt, thành phần cơ giới trung bình đến nặng, các chất dinh dưỡng khá. Tuy nhiên do phong hóa mạnh cùng với quá trình xói mòn rửa trôi mạnh nên đất thường có tầng mỏng, nhiều nơi đất trơ sỏi đá hoặc đá non mục nát trơ trên mặt đất.
3. Mẫu chất phù sa cổ (Pleistocene) chiếm một diện tích không lớn khoảng 10-15% diện tích vùng nghiên cứu. Tầng dày của phù sa cổ từ 2-3 đến 5-7 mét, vật liệu của nó màu nâu vàng, gần lên tầng mặt chuyển sang màu xám. Cấp hạt thường thô tạo cho đất có cấp hạt cát là chủ yếu (cát pha, thịt nhẹ). Các loại đất hình thành trên phù sa cổ có thành phần cơ giới nhẹ, cùng với điều kiện nhiệt đới gió mùa, mưa lớn và tập trung, làm cho đất bị rửa trôi mạnh, nghèo dưỡng chất và có hoạt tính thấp. Nên phần lớn đất hình thành trên phù sa cổ thuộc nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất xám.
4. Phù sa sông, suối là loại trầm tích trẻ hơn cả với tuổi Holocen muộn - hiện đại (QIV). Phù sa thường có màu nâu sẫm đến nâu vàng nhạt, phân bố không liên tục làm thành các dải hẹp dọc ven các sông suối vùng nghiên cứu. Hình thành trên trầm tích này là nhóm đất phù sa sông Phan, Sông Dinh, bao gồm phần lớn khu vực Tân Phước.
Nước mặt
- Sông Dinh: Đây là con sông chính lớn nhất của thị xã và cũng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp trong vùng, là phụ lưu cấp 1 của hệ thống sông Đồng Nai[cần dẫn nguồn] bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh tỉnh Lâm Đồng. Sông Dinh chảy qua La Gi có chiều dài chừng 30 km, diện tích lưu vực khoảng 417,4 km², mực nước trung bình năm 11.699-12.163 mm.
- Ngoài sông Dinh còn có sông Phan dài 30 km, sông Cái, hồ Núi Đất, đập Đá Dựng, nhiều hồ và suối nhỏ. Các suối nhỏ chỉ có nước vào mùa mưa.
Nhìn chung La Gi có nguồn nước mặt tương đối dồi dào, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác. Tuy nhiên do sông, suối, hẹp, ngắn dốc lại chảy qua nhiều địa hình phức tạp nên vào mùa mưa thường gây ra lũ lụt, ngập úng cục bộ, nhất là những nơi có địa hình thấp, trũng. Hoặc lũ quét, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thảm thực vật
Thảm thực vật rừng tự nhiên: Rừng tự nhiên bao gồm các kiểu sau:
1. Kiểu rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm gió mùa phân bố chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc của thị xã.
2. Kiểu rừng nửa rụng lá nhiệt đới: phân bố ở vùng núi phía Nam và phía Đông của La Gi. Hình thái và cấu trúc kiểu rừng này chiếm tỷ lệ 25-75% cá thể là những loài cây rụng lá.
3. Kiểu rừng thưa cây lá rộng nhiệt đới: Phân bố ở vùng núi phía Tây và phía Đông Bắc của Thị xã gồm các cây họ đậu, tre nứa,...
4. Thảm thực vật rừng trồng: chủ yếu ở phía nam gồm các loại như keo lá tràm, bạch đàn,...
5. Thảm cây trồng nông nghiệp: bao gồm cây lúa tập trung chủ yếu ở thung lũng các sông lớn, cây ăn quả phân bố ở các khu vực bậc thềm sông và xen lẫn trong khu dân cư. Cây công nghiệp như điều, cao su, tiêu,... phân bố rải rác ở các xã trong thị xã.
Giao thông
Xe buýt
Hiện đang hoạt động các tuyến:
- La Gi - Phan Thiết
- La Gi - Tân Nghĩa (Hàm Tân)
- La Gi - Hàm Thuận Nam
- La Gi - Thắng Hải (Hàm Tân)
Y tế
Tham khảo
- ^ “Quyết định công nhận đô thị loại 4”.
- ^ “Quyết định thành lập thị xã Lagi”.
- ^ “Vị trí thị xã Lagi”.
- ^ “Thành lập các đơn vị hành chính Thị Xả Lagi”.
- ^ “Chương trình phát triển đô thị quốc gia của chính phủ”.
Bản mẫu:Danh sách phường, xã thuộc thị xã La Gi
Tham khảo
(Nguồn: Wikipedia)