Tứ Kỳ
Huyện
280px
Địa lý
Diện tích 170,03
Dân số  
 Tổng cộng 200.790
 Thành thị 32%
 Nông thôn 68%
 Mật độ 102,72 km2
Hành chính
Tỉnh Hải Dương
 Chủ tịch UBND Nguyễn Ngọc Sẫm
 Trụ sở UBND Số 2 - Đường Tây Nguyên - Thị trấn Tứ Kỳ
Phân chia hành chính 25 xã, 2 thị trấn
Số điện thoại 097-6060-459
Website Hải Dương

Tứ Kỳ là huyện nằm ở rìa phía đông nam tỉnh Hải Dương, Việt Nam.

hình hành chính huyện Tứ Kỳ

Tên gọi

Tứ Kỳ 四歧(岐) theo nguyên nghĩa chữ Hán Việt còn được thấy trên các bia đá ở các đình chùa, Tứ Kỳ có nghĩa là "bốn đường rẽ (ngã rẽ)".

Giải thích về nguồn gốc tên "Tứ Kỳ", theo sách "Tứ Kỳ địa dư phong vật chí" của Nguyễn Năng Tấu, cuối thế kỉ XIX có chép: "Thành của huyện Tứ Kỳ vốn là đồn binh của nhà Lê ở xã Tứ Kỳ (thuộc xã Ngọc Kỳ ngày nay) gọi là đồn Tứ Kỳ. Về sau, nhân đó đặt tên huyện là huyện Tứ Kỳ."1

Địa lý

Tứ Kỳ là một huyện thuộc Tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Cũng giống như các huyện khác của tỉnh Hải Dương, Tứ Kỳ nằm hoàn toàn ở giữa vùng hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình, đất đai của huyện được hình thành nhờ sự bồi đắp của hệ thống sông này. phía đông bắc giáp huyện Thanh Hà (ranh giới là sông Thái Bình); phía tây Bắc giáp thành phố Hải Dương; phía tây giáp huyện Gia Lộc; phía tây nam giáp huyện Ninh Giang, đều thuộc tỉnh Hải Dương. phía đông nam giáp huyện Vĩnh Bảo (ranh giới là sông Luộc); phía đông giáp huyện Tiên Lãng (ranh giới là một đoạn sông Thái Bình), đều là các huyện của thành phố Hải Phòng; Ngã ba sông Luộc đổ vào sông Thái Bình nằm trên ranh giới này. Hầu như xung quanh huyện được bao bọc bởi các con sông nhỏ của hệ thống sông Thái Bình. Chính giữa địa bàn huyện là con sông Tứ Kỳ, con sông này chảy qua huyện Ninh Giang theo hướng từ Tây sang Đông, đổ vào huyện Tứ Kỳ ở địa phận xã Quảng Nghiệp rồi chạy dọc theo chiều dài của huyện theo hướng Tây Bắc - Đông nam, men theo thị trấn Tứ Kỳ ở đoạn giữa Thị trấn, Xã Văn Tố với xã Minh Đức, đến đoạn giữa xã Phượng Kỳ và xã Hà Thanh tách làm hai, một nhánh chảy xuống phía nam đổ vào Sông Luộc nơi tiếp giáp giữa xã Tiên Động với Vĩnh Bảo ra Cầu Quý Cao sang Huyện Tiên Lãng- Hải Phòng; một nhánh qua giữa Xã Nguyên Giáp và Tiên Động chảy ra Cầu Xe trước khi đổ vào sông Thái Bình tại địa phận giữa xã An Thanh và Quang Trung, đây là ngã ba ranh giới giữa các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và Tiên Lãng.

  • Diện tích: 170,03 km².
  • Dân số: 168.790 người (tháng 3/2008).
  • Mật độ: 970 người/km²

Hành chính

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), Tứ Kỳ là 1 phủ với 8 tổng chia làm 89 xã; lỵ sở ở xã Yên Phòng.2 3

Sau cách mạng Tháng Tám 1945, Tứ Kỳ là 1 huyện; 6 xã được cắt sang huyện Gia Lộc, 83 xã còn lại được dồn thành 22 xã lớn, năm 1956 lại được chia thành 26 xã và ổn định đến nay; huyện lỵ vẫn đặt ở thôn An Phòng xã Quang Phục; từ 1954 được chuyển về La Tỉnh.3

Hiện nay, huyện Tứ Kỳ có huyện lỵ là thị trấn Tứ Kỳ (thành lập ngày 16-6-1997 trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các xã Đông Kỳ và Tây Kỳ) và 26 xã: An Thành, Bình Lãng, Cộng Lạc, Đại Đồng, Đại Hợp, Dân Chủ, Đông Kỳ, Hà Kỳ, Hà Thanh, Hưng Đạo, Kỳ Sơn, Minh Đức, Ngọc Kỳ, Ngọc Sơn, Nguyên Giáp, Phượng Kỳ, Quang Khải, Quảng Nghiệp, Quang Phục, Quang Trung, Tái Sơn, Tân Kỳ, Tây Kỳ, Tiên Động, Tứ Xuyên, Văn Tố.

Dự kiến năm 2018, xã Ngọc Sơn sẽ được sáp nhập vào thành phố Hải Dương.

Giao thông

  • Đường bộ: có đường TL 391, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nối thành phố Hải Dương với thị trấn Tứ Kỳ, đi Quý Cao.
  • Có quốc lộ 10 đi Hải Phòng và Thái Bình
  • Đường 17: Từ TP Hải Dương qua huyện Gia lộc, qua huyện Tứ Kỳ (Ở đoạn xã Quảng Nghiệp, xã Quang Khải) đi huyện Ninh Giang rẽ sang đường 17B lại vào đất Tứ Kỳ (ở đoạn Xã Hà Thanh, Xã Tiên Động) nhập vào đường TL 391 và đường QL10 ở đoạn Quý Cao.
  • Đường thủy: Sông Thái Bình Chảy từ phía TP Hải Dương qua giữa Tứ Kỳ (Ở đoạn Ngọc Sơn, Kỳ Sơn, Hưng Đạo, Đại Đồng, Bình Lãng, Đông Kỳ, Tây Kỳ, Tứ Xuyên, Văn Tố, An Thanh) và Thanh Hà (Ở đoạn Thanh Hải, Tân An, Thanh Thuỷ, Thanh Hồng) qua Tiên Lãng Hải Phòng ra biển. Sông Tứ Kỳ là nhánh của Sông Luộc, chảy giữa Huyện Tứ Kỳ và Huyện Ninh Giang, qua Tiên Lãng Hải Phòng ra biển.

Thắng cảnh,di tích lịch sử và nghề truyền thống

  • Đình chùa An Thổ tại làng An Thổ xã Nguyên Giáp.
  • Chùa Đông Dương nằm trên địa bàn xã Minh Đức là một ngôi chùa khá cổ, chùa được xếp hạng di tích ịch sử năm 1994.
  • Chùa Phúc Diên tại xã Tân Kỳ được xếp hạng năm 1997.
  • Chùa Khánh Linh tại xã Phượng Kỳ.
  • Miếu Phạm Xá thuộc xã Ngọc Sơn có lễ hội hàng năm tổ chức vào 9 tháng giêng với nhiều trò chơi dân gian như bắt vịt, kéo co,... và các tục lệ truyền thống khác.
  • Đình Quỳnh Côi tại xã Tân Kỳ thờ thành hoàng là Cao Sơn Đại Vương, thời Hùng Duệ Vương, có công chống giặc Thục, giữ yên bờ cõi. Lễ hội hằng năm vào ngày 8 tháng 2.
  • Đình Ngọc Lâm (còn gọi là Đình Gậm) tại xã Tân Kỳ, thờ thành hoàng là Cao Sơn Đại Vương, thời Hùng Vương, như thành hoàng đình Quỳnh Gôi. Lễ hội hằng năm vào ngày 12-18 tháng một.
  • Thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh có nghề dệt chiếu truyền thống từ lâu đời và được công nhận làng nghề vào năm 2005.
  • Đền Mắc thuộc thôn Bích Cẩm, xã Quang Phục thờ vua Quang Trung.
  • Chùa Diên Khánh (Chốn Tổ chùa Dừa) thuộc thôn Gia Xuyên (làng Dừa), xã Văn Tố.
  • Chùa Duyên Khánh xã Đông Kỳ
  • Đền Dọc tại thôn Lạc Dục xã Hưng Đạo - di tích lịch sử văn hóa
  • Chùa An Lạc (Núi) tại thôn Đông - xã Bình Lãng - nơi vẫn còn lưu giữ nhiều bi ký đặc biệt tấm bia từ thời Mạc Đoan Thái (1588).
  • Đình Thượng - xã Bình Lãng được xây dựng khoảng thế kỉ XVI, được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2016.
  • Lăng Bà Bủi tại thôn Đông, xã Bình Lãng. Có câu "Thứ nhất cô Nghị Thanh Hoa, thứ nhì Bủi Lạng, thứ ba Thạch Sùng" - ý nói những người giàu có nhất thời xưa ở Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng trước lăng của bà Bủi có 9 tầng, nhưng bị sụt xuống hiện tại chỉ còn 2 tầng. Bà giàu có đến mức nhìn đất sét có thể biết thành vàng.
  • Cây đa cách mạng nằm trong khuôn viên Trường Trung học cơ sở Quang Phục
  • Chùa Cống thuộc thôn Cầu Xe, xã Quang Trung, đây là một ngôi chùa cổ, rất linh thiêng nằm giữa cánh đồng giáp danh hai xã Quang Trung và Tiên Động, bị tàn phá trong chiến tranh và thời kỳ cải cách ruộng đất, gần đây mới được nhân dân trong vùng đóng góp tôn tạo lại.


Tham khảo

  1. ^ Tứ Kỳ địa dư phong vật chí, Nguyễn Năng Tấu
  2. ^ Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ, Viện Viễn đông Bác cổ, 1927
  3. ^ a ă Lịch sử Đảng bộ huyện Tứ Kỳ, tập 1, năm 2000

(Nguồn: Wikipedia)