Huyện Kim Bảng nằm ở phía tây bắc của tỉnh Hà Nam, Việt Nam.

Địa lý

Huyện cách Hà Nội khoảng 60 km, phía bắc giáp các huyện Ứng Hoà, Mỹ Đức, Hà Nội; phía tây giáp huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; phía đông giáp huyện Duy Tiên và thành phố Phủ Lý; phía nam giáp huyện Thanh Liêm.

Lịch sử hình thành

Sách Nhất thống trí chép: huyện Kim Bảng từ đời Trần trở về trước gọi là Cổ Bảng thuộc châu Lỵ Nhân. Huyện Kim Bảng đời Trần thuộc lộ Thiên Trường. Từ năm Quang Thái 10 (1397) thuộc trấn Thiên Trường. Năm Quang Thuận 7 (1446) triều đình bỏ trấn dặt thừa tuyên, huyện Kim Bảng thuộc thừa tuyên Thiên Trường. Sau đó vài năm, năm Quang Thuận 10 (1469) vua Lê Thánh Tông cho đổi Thiên Trường thành Sơn Nam, Kim Bảng thuộc thừa tuyên Sơn Nam. Năm Hồng Đức 21 (1490), triều đình bỏ thừa tuyên đặt xứ, Kim Bảng thuộc xứ Sơn Nam. Năm Cảnh Hưng 2 (1741) Triều đình bỏ xứ, đặt lộ, chia Sơn Nam thành hai lộ: Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Huyện Kim Bảng thuộc Sơn Nam Thượng. Đời Tây Sơn (1788 - 1802) Kim Bảng thuộc trấn Sơn Nam Thượng. Năm Gia Long 3 (1804) huyện Kim Bảng thuộc trấn Sơn Nam. Năm Minh Mệnh 13 (1832), Triều đình thành lập tỉnh Hà Nội, Kim Bảng, phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội. Năm 1890, phủ Lỵ Nhân được tách ra lập thành một tỉnh riêng lấy tên là Hà Nam, huyện Kim Bảng thuộc tỉnh Hà Nam.[cần dẫn nguồn]

Sau năm 1975, huyện Kim Bảng có 20 xã: Ba Sao, Châu Sơn, Đại Cương, Đồng Hóa, Hoàng Tây, Khả Phong, Kim Bình, Lê Hồ, Liên Sơn, Ngọc Sơn, Nguyễn Úy, Nhật Tân, Nhật Tựu, Phù Vân, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thi Sơn, Thụy Lôi, Tượng Lĩnh, Văn Xá.

Ngày 1-4-1986, thành lập thị trấn Quế - thị trấn huyện lỵ huyện Kim Bảng - trên cơ sở 15 ha diện tích của xã Kim Bình, 111,13 ha diện tích của xã Văn Xá và 62,05 ha diện tích của xã Ngọc Sơn.

Ngày 25-9-2000, các xã Phù Vân và Châu Sơn được sáp nhập vào thị xã Phú Lý.

Ngày 27-8-2009, chuyển xã Ba Sao thành thị trấn Ba Sao.

Ngày 23-7-2013, một phần diện tích và dân số của huyện Kim Bảng gồm 1.090,90 ha diện tích tự nhiên và 11.108 người (gồm 628,53 ha diện tích tự nhiên và toàn bộ 5.945 người của xã Kim Bình; 462,37 ha diện tích tự nhiên và 5.163 người của xã Thanh Sơn) được điều chỉnh về thành phố Phủ Lý.1 .

Hành chính

Các đơn vị hành chính bao gồm 2 thị trấn: Quế (huyện lị), Ba Sao và 16 xã: Đại Cương, Đồng Hóa, Hoàng Tây, Khả Phong, Lê Hồ, Liên Sơn, Ngọc Sơn, Nguyễn Úy, Nhật Tân, Nhật Tựu, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thi Sơn, Thụy Lôi, Tượng Lĩnh, Văn Xá.

Giao thông

Có quốc lộ 21A, quốc lộ 21B, quốc lộ 38 chạy qua.

Thông tin liên lạc

Mạng lưới viễn thông được trang bị hiện đại với 4 tổng đài kỹ thuật số dung lượng 4.500 số, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, chất lượng cao. Toàn huyện có 100% thôn, xóm sử dụng máy điện thoại với tỷ lệ 11,5 máy trên 100 dân. 100% số xã, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở; 98% số dân được nghe đài truyền thanh bốn cấp.

Kinh tế xã hội

Cấp điện

100% số xã, thị trấn ở Kim Bảng đã có lưới điện quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện là 99,6%. Toàn huyện có 59 trạm biến áp với tổng công suất 10.930 KVA. Trong những năm qua hệ thống lưới điện hạ thế đã được chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp, góp phần giảm tổn thất điện năng, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Cấp nước

Hiện nay, 8 xã trong huyện đã có trạm cung cấp nước sạch tập trung là Đồng Hóa, Văn Xá, Nguyễn Úy, Hoàng Tây, Nhật Tựu, Nhật Tân, Lê Hồ, thị trấn Quế. Tỷ lệ số người sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện đạt trên 83%.

Du lịch

Khu du lịch Tam Chúc nằm trên địa bàn thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong được xem là điểm nhấn của du lịch Hà Nam.

Chú thích

  1. ^ Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 23 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Duy Tiên, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng để mở rộng thành phố Phủ Lý và thành lập phường thuộc thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam.


(Nguồn: Wikipedia)