Bố Cái Đại Vương
Vua Việt Nam (chi tiết...)
TuongPhungHung.jpg
Tượng đồng Phùng Hưng tại đền thờ Cam Lâm.
Vua Việt Nam thời Bắc thuộc
Ở ngôi ? – 791
Tiền nhiệm Không có
Kế nhiệm Phùng An
Thông tin chung
Hậu duệ
Tên húy Phùng Hưng (馮興)
Thụy hiệu Bố Cái Đại Vương
Thân phụ Phùng Hạp Khanh
Sinh ?
Mất 791
Việt Nam
An táng Giảng Võ, Ba Đình ngày nay

Phùng Hưng1 2 3 (chữ Hán: 馮興; ? - 7914 ) tự Công Phấn (功奮) hiệu Đô Quân (都君) là lãnh tụ một cuộc nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba (602 - 905) trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử

Thiếu thời

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: Phùng Hưng là người ở làng Đường Lâm, thuộc Giao Châu. Ông vốn con nhà hào phú, có sức vật trâu, đánh hổ.5

Theo sách Việt điện u linh: Phùng Hưng là Thế Tập Biên Khố Di Tù Trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan Lang. Phùng Hưng xuất thân gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu. Người em tên Hãi cũng có sức mạnh kì dị.2

Theo sách Việt sử tiêu án: Phùng Hưng quê ở làng Đường Lâm thuộc Phong Châu, con nhà hào phú, có sức vật trâu đánh hổ.3 6

Cho tới nay ngày sinh của ông vẫn chưa rõ. Các sách chính sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục ghi ông mất năm 802, chỉ một thời gian ngắn sau khi đuổi được giặc Bắc phương. Một nguồn dã sử cho biết ông sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (tức 5-1-761) và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức 13-9-802), thọ 41 tuổi.

Phùng Hưng vốn là cháu 7 đời của Phùng Tói Cái - người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ, thời niên hiệu Vũ Đức (618-626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh - một người hiền tài đức độ.[cần dẫn nguồn]

Khoảng năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên, Phùng Hạp Khanh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế). Sau đó, ông trở về quê chăm chú công việc điền viên, trở nên giàu có, trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người7 .

Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hãi (tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt.

Dấy nghiệp

Phùng Hưng nối nghiệp cha trở thành hào trưởng đất Đường Lâm. Cho tới nay dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện ông dùng mưu kế giết hổ dữ mang lại bình yên cho làng xóm.

Việt Nam thời thuộc Đường gọi là An Nam đô hộ phủ, khi đó đang nằm dưới ách cai trị hà khắc của bọn quan đô hộ. Các quan đô hộ nhà Đường ra sức vơ vét của cải của người dân Việt Nam, bắt người dân Việt phải đóng sưu cao thuế nặng khiến lòng người ngày càng căm phẫn.

Năm 767, Cao Chính Bình, hiệu úy châu Vũ Định (miền Việt Bắc) giúp kinh lược sứ An Nam là Trương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và (Java) ở Chu Diên, sau đó được cử làm đô hộ An Nam. Chính Bình ra sức vơ vét của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng.

Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-780), chưa rõ đích xác vào năm nào, nhân Giao Châu có loạn, Phùng Hưng cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Cao Chính Bình, lâu ngày không thắng được.5

Sách Việt điện u linh chép rằng: Giữa niên hiệu Đại lịch nhà Đường, nhân An Nam có loạn, anh em Phùng Hưng đem quân đi tuần các ấp lân cận, đánh đâu được đấy. Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão hiệu là Đô Quán, Hãi cũng đổi tên là Cự Lực, hiệu là Đô Bảo. Phùng Hưng dùng kế của người Đường Lâm là Đỗ Anh Hậu đem binh tuần hành mấy châu Đường Lâm, Trường Phong tất cả cả đều quy thuận, uy danh chấn động, muốn đánh lấy Đô Hộ Phủ.2

Phần lớn các truyền thuyết đều kể rằng: Phùng Hưng nhận thấy lực lượng chưa thật đủ mạnh để đè bẹp quân địch, ông đã cùng các tướng tỏa đi xung quanh chiêu mộ thêm binh lính và sắm thêm vũ khí, còn việc vây thành được giao cho 3 người cháu gái họ Phùng, gọi Phùng Hưng bằng bác8 .

Phùng Hưng đem quân đánh với Cao Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Phùng Hưng dùng kế của Đỗ Anh Hàn, đặt đại bản doanh ở làng Triều Khúc, Thanh Trì đem quân vây phủ.5

Quan đô hộ Cao Chính Bình đem binh ra đánh, không hơn được, ưu phẫn phát bệnh vàng da rồi chết.2

Phùng Hưng vào Đô hộ phủ trị vì 7 năm rồi mất.2 . Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết. Theo Việt sử tiêu án:Ông Hưng cùng với em là Hải, xuất phục được các làng ấp ở chung quanh, tự hiệu là Đô quân, Hải là Đô bảo, dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ, Chính Bình lo phẫn mà chết, ông Hưng vào ở trong phủ, cho Hải làm Thái úy, rồi ông mất. Dân chúng lập con Hưng là An làm Đô Phủ Quân.

Tạ thế

Chính sử chép rằng ông cầm quyền cai trị không lâu sau đó đã qua đời ngay trong năm 791. Các sử gia hiện nay xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 7919 .

Nguồn dã sử Việt điện U linh của Lý Tế Xuyên và giai thoại dân gian cho rằng: ông cầm quyền được 7 năm, nhưng lại mất năm 80210 . Thông tin này không phù hợp về logic: Năm 791 giành được Tống Bình mà mất năm 802 tức là Phùng Hưng cầm quyền trong 11 năm chứ không phải 7 năm. GS Nguyễn Khắc Thuần cho rằng: Lý Tế Xuyên và truyền thuyết dân gian đã có sự lầm lẫn: hơn 7 năm là thời gian tính từ khi Phùng Hưng làm chủ khu vực quanh Đường Lâm tới khi ông mất, chứ không phải tính từ khi ông làm chủ Tống Bình11 .

Theo sách Việt sử tiêu án: Ông Hưng đồng lòng với dân chúng, lập em là Hải. Bồ Phá Lặc có sức khỏe đẩy được núi, không chịu theo Hải, lánh ở động Chu Nham. Bồ Phá Lặc lập An là con ông Hưng. An tôn cha là Hưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha mẹ là Bố Cái), dân Thổ cho là linh dị, lập đền thờ ở phía tây đô phủ để thờ Hưng.

Theo sách Việt điện u linh, con của Phùng Hưng là Phùng An khi lên ngôi tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương, bởi quốc tục xưng cha là Bố, mẹ là Cái, nên mới gọi như vậy.

Di sản

Phùng Hưng đồng lòng với dân chúng, lập em là Hải kế vị. Bồ Phá Lặc có sức khỏe đẩy được núi, không chịu theo Hải, lánh ở động Chu Nham. Bồ Phá Lặc lập Phùng An, con của Phùng Hưng. Phùng An tôn cha làm Bố Cái Đại Vương.3

Nhà Đường cho Lý Phục làm Tiết độ sứ Lĩnh Nam, khi Lý Phục đã đến nơi, người An Nam đều yên lặng. Nhà Đường cho Triệu Xương làm Đô hộ. Xương đến nơi, sai sứ dụ Phùng An. Phùng An đem quân đầu hàng.3

Sách Việt điện u linh chép: Phùng Hưng chết rồi, phụ tá đầu mục là Bồ Phá Lặc, sức có thể bài sơn cử đỉnh, dũng lực tuyệt luân, có ý không theo lập con Phùng Hưng là Phùng An, đem quân chống Phùng Hãi. Phùng Hãi tránh Bồ Phá Lặc, dời qua ở động Chu Nham, sau không biết ra sao nữa.2

Phùng An kế vị được hai năm, vua Đường Đức Tông phong Triệu Xương sang làm An nam đô hộ/ Triệu Xương đến nơi, sai sứ đem nghi vật dụ Phùng An; Phùng An sửa sang nghi vệ, đem quân nghênh hàng Triệu Xương, các thân thuộc họ Phùng giải tán hết.2

Nguyên quán

  • Sách Việt điện u linh (1329) chép:Vương họ Phùng tên Hưng, thế tập Biên Khố Di Tù Trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan

Lặng (màn tục này còn)..2

  • Sách An Nam chí lược (1335) viết về Ngô Quyền, một nhân vật được sử sách chép là ở Đường Lâm, cùng quê với Phùng Hưng:Qua đời Ngũ-Đại (907-959), người đất Ái-Châu là Ngô-Quyền, chiếm giữ quận Giao-Chỉ.12

Quyển Đệ nhất, sách An Nam chí lược viết về Phủ lộ Thanh Hóa: Phủ Lộ Thanh Hoá Đời Tây Hán là quận Cửu Chân, đời Tuỳ, Đường là Ái Châu, những thuộc ấp của châu ấy hiện nay, gọi là giang trường, giáp và xã.

  • Sách Việt sử tiêu án chép:Tại làng Đường Lâm thuộc Phong Châu có Phùng Hưng một nhà hào phú có sức mạnh kéo trâu, đánh hổ.
  • Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu là Phùng Hưng dấy binh vây phủ.
  • Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) trong Đại Việt địa dư toàn biên大 越 地 輿 全 編, Địa chí loại, quyển 5, tỉnh Sơn Tây, phủ Quảng Oai, huyện Phúc Thọ, tr. 402 có viết: "Xét huyện Phúc Thọ là đất Phúc Lộc đời xưa. Cựu sử chép rằng: Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc. (Mà) Xét Đường địa lý chép rằng: châu Phúc Lộc có ba huyện Nhu Viễn, Phúc Lộc và Đường Lâm. Từ Hoan Châu đi về phía đông hai ngày đến huyện Ninh Viễn (tức Nhu Viễn) châu Đường Lâm. Đi về phía nam qua sông Cổ La hai ngày đến nước Hoàn Vương... Lịch triều hiến chương lại chép rằng:... ‘Nhu Viễn bây giờ là huyện Gia Viễn. Đường Lâm nay là đất huyện Hoài An, huyện Mỹ Lương...’ Nay xét sử cũ chép: Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có hai đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông-1390) mùa xuân tháng 2, ngày 18 làm bia này. Thì Đường Lâm là Phúc Thọ ngày nay, nên lấy sử cũ cũng như văn bia là đúng (văn bia thời Trần ở Sơn Tây). Xét lời chú trên này (của Đường địa lý) là thuyết sai lầm, xem Đường thư có một câu: ‘Phúc Lộc tiếp Hoan Châu’ có thể biết là lầm. Trí Châu có sông Trí, tức là xã Phúc Lộc đất Hà Thanh, Cầu Dinh ngày nay.
  • Trần Quốc Vượng viết bài Về quê hương Ngô Quyền, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 101, 8/1967, tr. 60 - 62: Theo các sử cũ, quả thật ở thời thuộc Đường (thế kỷ VII-X) miền đất nước ta có huyện Đường-lâm (đầu đời Đường là châu Đường-lâm rồi đổi thành quận Đường-lâm) thuộc châu Phúc-lộc (có cả huyện Phúc-lộc) thuộc phía nam tỉnh Hà-tĩnh ngày nay. Nhưng cũng theo một bài văn bia đề ngày 18 tháng 2 năm thứ ba niên hiệu Quang-thái đời Trần Thuận-tông (1390) – bia hiện để ở trong đền thờ Phùng Hưng tại xã Đường-lâm, huyện Tùng-thiện tỉnh Hà-tây – thì ở thời Trần nước ta có xã Cam-tuyền thuộc huyện Phúc- lộc, phủ Quốc-oai[iii]. Văn bia ghi rõ: Nguyên bản xã đất nhiều rừng rậm xưa gọi là Đường-lâm, đời đời sản sinh nhiều vị anh hùng hào kiệt.

Văn bia mà Trần Quốc Vượng nhắc đến, theo Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan đó là bia ngụy tạo:

Về địa danh học, văn bia này dù cố gắng ngụy tạo, nhưng vẫn vô tình để lại tên địa danh thời Nguyễn. Dòng đầu của bia ghi: 國威府福祿縣甘泉社“Quốc Oai phủ Phúc Lộc huyện Cam Tuyền xã”, dòng trên đồng thời cũng được khắc trên bia Phụng tự bi ký 奉祀碑記được khắc năm Tự Đức thứ 4 (1851). Qua khảo chứng về diên cách địa danh hành chính của Đào Duy Anh[19] thì đây có khả năng là bia ngụy tạo vào đời Gia Long hoặc Minh Mệnh, vì đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Phúc Lộc đã đổi làm Phúc Thọ.

Về mỹ thuật, bia có cùng một phong cách với nhiều bia hậu đời Nguyễn: không có trang trí diềm, trán gần như để trơn, hoa văn chỉ có mặt nhật nét mảnh và tia lửa yếu ớt.

Về quy mô, văn bia này được dựng ở cấp độ thôn xóm, cho nên rất khiêm tốn về mặt kinh phí, điều này thể hiện qua dáng vóc xinh xắn và khiêm nhường của bia: chiều cao 54cm, rộng ngang 35 cm, tức là không bằng một tờ báo Nhân dân trải rộng. Cho thấy, bia được dựng nằm ngoài điển lệ của triều đình. Điểm này làm rõ hơn động cơ của dòng niên đại “Quang Thái thứ 3” trong văn bia.

Về trật tự chữ, chữ viết trên ngạch bi đều ngang từ trái sang phải, trong khi ngạch bia đời Trần thường là sắp chữ dọc.

  • Bài viết Đường Lâm là Đường Lâm nào của soạn giả: Trần Ngọc Vương-Trần Trọng Dương-Nguyễn Tố Lan, bài viết đăng trên Tạp chí xưa và nay, SỐ 401 (4-2012). Nhóm tác giả này tham khảo, trích dẫn sách sử của Trung Quốc, Việt Nam như Thông điển, Cựu Đường thư, Việt điện u linh, An nam chí lược,...và có kết luận sau:

Châu Đường Lâm – quê của Phùng Hưng, Ngô Quyền vốn từng có tên châu Phúc Lộc (gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc), châu này nằm phía tây nam Ái Châu, gần gũi Trường Châu, về sau đã có lúc quy về Ái Châu.

Vị trí chính xác của châu Đường Lâm còn phải khảo chứng thực địa, bổ sung các cứ liệu về họ tộc, cư dân, phong tục, sản vật, ngôn ngữ bản địa, cũng như sự thờ cúng và tư liệu điền dã tại địa bàn Thanh Hóa ngày nay và các khu vực lân cận. Dù vậy, có thể khẳng định rằng quê Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa – Nghệ An(40) ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện Gia Ninh của Phong Châu) được.

Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm. Tên ‘xã Đường Lâm’ tại Sơn Tây ngày nay mới xuất hiện từ năm 1964 (ngày 21 tháng 11).

Vinh danh

  • Lăng mộ và đền thờ chính
Bàn thờ Phùng Hưng (nơi đặt linh vị của ông) tại đền thờ ở thôn Mông Phụ, Đường Lâm

Lăng mộ Phùng Hưng ngày nay nằm ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi như quê hương Đường Lâm, đình Quảng Bá (Tây Hồ), đình Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), thờ ở lăng Đại Áng, Phương Trung, Hoạch An, phủ Thanh Oai (Hà Nội); tại xã Gia Thanh, Gia Viễn tỉnh Ninh Bình có 3 ngôi đền thờ Bố Cái Đại Vương, tương truyền ông mất tại đây.

Sau này đất Đường Lâm quê ông còn xuất hiện một vị vua nữa - Ngô Quyền, người đánh bại cuộc xâm lược của Nam Hán, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc (938). Do vậy Đường Lâm còn được biết đến với tên gọi "Đất hai Vua".

  • Đình làng Đào Nguyên

Lễ hội làng Đào Nguyên là một lễ hội được tổ chức tại làng Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội. Đây là lễ hội truyền thống của làng. Tương truyền lễ hội này có từ rất lâu đời [cần dẫn nguồn]. Theo nhiều sử sách ghi lại và các cụ trong làng kể lại thì lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (dân gian gọi là thánh của làng hay Hoàng Làng).

Hội được tổ chức vào ngày 10-2 âm lịch hàng năm (khác với các làng khác trong xã An Thượng đều tổ chức lễ hội vào ngày 12-1 âm lịch). Vậy nên lễ hội thu hút rất nhiều người từ các vùng lân cận đến xem.

Lễ rước kiệu là một nghi lễ bắt buộc trong hội. Hàng năm đều tổ chức rước kiệu lên quán (đường đi là đường trên của đê tả Đáy), nhưng chỉ là rước nhỏ, cứ 5 năm lại tổ chức rước to một lần gắn với lễ hội to.

  • Lễ rước kiệu đầu tiên được tổ chức vào xuân Nhâm Thân (1992).
  • Theo dự kiến của Làng thì lễ hội to tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm Canh Dần (2010).

Trong lễ ruớc kiệu, người ta rước tất cả bảy cái kiệu, khi rước nhỏ thì chỉ rước năm cái (gọi là rước oản), còn khi rước to thì rước tất cả bảy cái. Gồm có:

  • Quân kiệu: Lấy từ các nam nữ thanh niên trong làng và phải chưa có vợ chồng.
    • Nữ: rước 3 kiệu đầu tiên, gọi là kiệu oản và rước thêm kiệu Long Đình nếu là lễ rước to.
    • Nam: rước các kiệu còn lại.

Đánh giá

Theo Lê Tung viết trong Việt giám thông khảo tổng luận: Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm ghét sự tàn ngược của Chính Bình, anh em thừa thời quật khởi cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công, có thể gọi là bậc vua nhân hậu. Tiếc rằng con trai là an không giữ nổi được cơ nghiệp, do Phá Cần lập nên, rồi đầu hàng triệu xương; tuy có Đỗ Anh Hàn là bề tôi mưu việc nước, cũng không cứu vãn được sự bại vong của họ Phùng.13

Xem thêm

  • Lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc lần 3
  • Phùng An

Tham khảo

  • Việt điện u linh; Soạn giả Lý Tế Xuyên, Dịch giả Lê Hữu Mục, Nhà xuất bản Dâng Lạc.
  • Việt sử tiêu án, Soạn giả Ngô Thì Sĩ, Dịch giả: Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Nhà xuất bản: Văn Sử 1991
  • An Nam chí lược, soạn giả Lê Tắc, Nhà xuất bản Viện đại học Huế, 1961.
  • Đại Việt Sử ký Toàn thư
  • Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục
  • Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1991), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Đại học và giáo dục chuyên nghiệp
  • Nguyễn Khắc Thuần (2007), Danh tướng Việt Nam, tập 4, Nhà xuất bản Giáo dục

Chú thích

  1. ^ ở đây chúng tôi chép theo sách Việt điện u linh của soạn giả Trần Tế Xuyên
  2. ^ a ă â b c d đ e Việt điện u linh; Soạn giả Lý Tế Xuyên, Dịch giả Lê Hữu Mục, Nhà xuất bản Dâng Lạc
  3. ^ a ă â b Việt sử tiêu án, Soạn giả Ngô Thì Sĩ, Dịch giả: Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Nhà xuất bản: Văn Sử 1991, Chương Ngoại thuộc Tùy và Đường
  4. ^ Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục
  5. ^ a ă â Đại Việt sử ký toàn thư, Soạn giả Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên..., Dịch giả Viện sử học Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1993
  6. ^ tên châu cổ, hiện còn đang tranh cãi thuộc nơi nào
  7. ^ Theo bia Quảng Bá - BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG - Lê Văn Lan
  8. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr 174
  9. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr 175
  10. ^ Làng Đường Lâm - Hà Tây: Đất hai vua
  11. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr 173
  12. ^ An Nam chí lược, soạn giả Lê Tắc, dịch giả Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Nhà xuất bản viện Đại học Huế, 1961, phần Quận ấp.
  13. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1998, tr 121, tập 1

(Nguồn: Wikipedia)