Lý Chiêu Hoàng 李昭皇 | |||
---|---|---|---|
Vua Việt Nam (chi tiết...) | |||
Nữ hoàng Đại Việt | |||
Tại vị | 1224 - 1225 | ||
Tiền nhiệm | Lý Huệ Tông | ||
Nhiếp chính | Trần Thủ Độ | ||
Kế nhiệm | Triều đại sụp đổ | ||
Hoàng hậu Đại Việt | |||
Tại vị | 1225 - 1237 | ||
Tiền nhiệm | Không có Hoàng hậu đầu tiên của nhà Trần | ||
Kế nhiệm | Hiến Từ Thuận Thiên Hoàng Hậu | ||
Thông tin chung | |||
Phu quân | Trần Thái Tông Lê Phụ Trần | ||
Hậu duệ |
| ||
Tên húy | Lý Thiên Hinh (李天馨) | ||
Tước hiệu | Chiêu Thánh công chúa Chiêu Hoàng Hoàng hậu Chiêu Thánh công chúa | ||
Niên hiệu | Thiên Chương Hữu Đạo (天彰有道) | ||
Triều đại | Nhà Lý | ||
Thân phụ | Lý Huệ Tông | ||
Thân mẫu | Linh Từ Quốc mẫu | ||
Sinh | Tháng 9, 1218 Thăng Long | ||
Mất | Tháng 3, 1278 Cổ Pháp | ||
An táng | rừng Báng | ||
Tôn giáo | Phật giáo |
Lý Chiêu Hoàng (chữ Hán: 李昭皇; Tháng 9, 1218 - Tháng 3, 1278), còn gọi là Lý Phế hậu (李廢后) hay Chiêu Thánh hoàng hậu (昭聖皇后), vị Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý từ năm 1224 đến năm 1225. Trong lịch sử Việt Nam, bà là vị Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất1 , đặc biệt hơn là được chính Phụ hoàng Lý Huệ Tông ra chỉ truyền ngôi, dù bên trong là sự sắp đặt đầy cưỡng ép của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, hiện đang nắm quyền lực trong triều.
Năm 1225, Chiêu Hoàng được Trần Thủ Độ sắp xếp nhường ngôi cho Trần Thái Tông, triều đại nhà Lý cai trị Đại Việt hơn 200 năm đã chính thức kết thúc. Sau khi nhượng vị, Chiêu Hoàng trở thành Hoàng hậu của Thái Tông cho đến khi bị phế truất vào năm 1237, vì bấy giờ bà không sinh được con nối dõi. Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu, người kế vị ngôi Hoàng hậu sau đó, chính là chị ruột của bà.
Sau năm 1258, bà tái giá lấy Lê Phụ Trần, một viên tướng có công cứu giúp Thái Tông. Hai người sống với nhau hơn 20 năm và sinh được 1 trai, Thượng vị hầu Lê Tông và 1 gái, Ứng Thụy công chúa Ngọc Khuê. Bà qua đời ngay sau Thái Tông khoảng 1 năm.
Thân thế
Chiêu Hoàng ban đầu có tên là Lý Phật Kim (李佛金), sau đổi là Lý Thiên Hinh (李天馨); con gái thứ hai của Huệ Tông Hoành Hiếu hoàng đế và Linh Từ quốc mẫu Trần thị, sinh vào tháng 9 năm Mậu Dần (1218) tại kinh đô Thăng Long, Đại Việt, tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa (昭聖公主). Mẹ bà (tức Linh Từ quốc Mẫu Trần Thị Dung) là em gái ruột của Trần Thừa, cha của Trần Cảnh và Trần Liễu.
Bà có một chị gái là Thuận Thiên công chúa (順天公主), sau được gả cho Khâm Minh đại vương Trần Liễu, là con trưởng của Thái Tổ Chí Hiếu hoàng đế Trần Thừa, và là anh trưởng của Trần Thái Tông.
Hoàng đế cuối cùng
Năm 1224, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ chuyên quyền, mọi việc triều chính đều do ông nắm hết. Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải lập Chiêu Thánh công chúa làm Hoàng thái nữ (皇太女), rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo (天彰有道), với tôn hiệu là Chiêu Hoàng (昭皇).
Năm 1225, họ Trần do nắm quyền hành, lần được ban tước quan trọng cho con em trong họ. Trần Bất Cập là cháu gọi Trần Thủ Độ bằng chú được phong Cận thị thự lục cục chi hậu2 , Trần Thiêm làm Chi ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ.
Trần Cảnh là con quan Thái úy Trần Thừa, mới 8 tuổi được đưa vào hầu gần Chiêu Hoàng. Trần Cảnh cùng gần tuổi với Chiêu Hoàng, được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Từ đó, nhà Trần được thành lập.
Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:
“ | "...Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn chầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?". Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn chầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh". Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng: "Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết". | ” |
— Đại Việt Sử ký Toàn thư |
Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (tức 22 tháng 11 năm 1225), Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Ngày mồng 1 tháng 12 năm ấy (tức 31 tháng 12 năm 1225), Chiêu Hoàng bỏ hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế ở điện Thiên An, dựng lên nhà Trần, sử gọi là Trần Thái Tông. Chiêu Hoàng được Thái Tông phong làm Hoàng hậu.
Từ đây, nhà Lý hoàn toàn chấm dứt sau 215 năm cai trị.
Hoàng hậu bất hạnh
Sau khi nhường ngôi, Lý Thiên Hinh được phong làm Hoàng hậu, trở thành vị Hoàng hậu trẻ tuổi nhất trong lịch sử, vì khi đó bà mới 7 tuổi. Bà chung sống với Thái Tông hoàng đế hơn 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Thái Tông rất yêu thương và kính trọng.
Năm 1233, Lý hoàng hậu hạ sinh ra Thái tử Trần Trịnh (陳鄭), nhưng Thái tử chết ngay sau khi sinh không lâu.
Năm 1237, Thái sư Trần Thủ Độ cùng Quốc mẫu lo sợ huyết thống hoàng gia bị đứt đoạn, nên ép Thái Tông phải bỏ Lý Thiên Hinh để lấy chị dâu là Thuận Thiên công chúa đang có thai 3 tháng. Thái Tông hoàng đế phản đối, đang đêm trốn khỏi kinh thành để lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử nương nhờ. Thái sư vừa dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng hoàng đế cũng phải chịu nghe theo.
Thuận Thiên công chúa được lập làm Hoàng hậu thay thế. Thiên Hinh bị giáng làm Chiêu Thánh công chúa và bị giam lỏng trong cung cấm 20 năm.
Vì chuyện này, Hoài Vương Trần Liễu nổi loạn ở sông Cái, nhiều năm nhiều tháng không ngừng. Cuối cùng, Trần Liễu đến xin Thái Tông tha tội, hai anh em ôm nhau khóc thảm thiết, tuy nhiên Trần Thủ Độ dựa vào tội trạng của Liễu mà giáng Liễu làm An Sinh vương (安生王), được ban các vùng Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang làm ấp thang mộc. Những tướng sĩ, quân lính đi theo làm loạn đều bị xử tử.
Phu nhân của Lê Phụ Trần
Năm 1259, sau cuộc chiến với quân đội Mông Cổ vào năm 1258, Trần Thái Tông gả Chiêu Thánh công chúa cho Lê Phụ Trần, một thuộc tướng dòng dõi của Minh Càn Quảng Hiếu hoàng đế nhà Tiền Lê. Lê Phụ Trần vốn tên Lê Tần (黎秦), người Ái Châu, con của danh tướng Lê Khâm có công giúp Trần Thái Tổ đánh dẹp Hoài Đạo vương Nguyễn Nộn.
Lý Thiên Hinh sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, sinh ra con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư của nhà Hậu Lê chê trách nặng lời việc vua Trần Thái Tông mang bà là vợ cũ gả cho Lê Phụ Trần là bầy tôi.
Ở Từ Sơn (Bắc Ninh) vẫn còn câu ca dao thác lời Chiêu Hoàng trách Trần Cảnh về việc này:
- Trách người quân tử bạc tình
- Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!3
Qua đời
Đầu năm 1278, bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh). Tháng 3 âm lịch năm đó, bà mất, thọ 61 tuổi4 .
Tương truyền khi qua đời, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào5 . Bà được táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng). Sở dĩ Chiêu Hoàng không được thờ chung tại đền Đô mà phải thờ riêng vì bà là người bị xem là có tội với dòng họ Lý khi để mất nhà Lý5 .
Đền thờ của bà hiện nay tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, (tỉnh Bắc Ninh), còn gọi là Đền Rồng. Tháng 1 năm 2009, đền được nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tháng 4 năm 2009, đền đã bị đập bể hoàn toàn để chuẩn bị xây dựng mới, gây đau lòng cho người dân6 .
Nhà thơ Tản Đà có bài thơ Vịnh Lý Chiêu Hoàng như sau:
- Quả núi Tiên Sơn có nhớ công
- Mà em đem nước để theo chồng
- Ấy ai khôn khéo tài dan díu
- Những chuyện hoa tình có biết không?
- Một gốc mận già7 thôi cũng phải
- Hai trăm năm lẻ thế là xong
- Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo8
- Khách khứa nhà ai áo mũ đông
Quan hệ với Trần Bình Trọng
Sử sách không ghi chép giữa bà với Trần Bình Trọng có quan hệ ruột thịt gì hay không, ngoài yếu tố Bình Trọng là con cháu hậu duệ vua Lê Đại Hành còn Phụ Trần thì mang họ Lê. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Lê Phụ Trần là cha của Trần Bình Trọng và Trần Bình Trọng có thể là con của Lê Phụ Trần với Lý Chiêu Hoàng9 .
Tham khảo
- Nhiều tác giả (2006), Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nhà xuất bản Hà Nội
- Lê Thái Dũng (2008), Giở trang sử Việt, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chú thích
- ^ Lý Chiêu Hoàng là vị nữ hoàng duy nhất nhưng không phải là vị vua là nữ duy nhất, bởi trước đó Trưng Trắc đã lên làm Trưng Nữ Vương - Là vị vua nữ đầu tiên của nước ta. Việc này có thể giải thích như sau: "Nữ Vương" và "Nữ hoàng" đều có nghĩa là vị vua nữ, nhưng "Hoàng đế" thì lớn hơn "Vương" nên Trưng nữ Vương là vị vua nữ đầu tiên còn Lý Chiêu Hoàng là vị nữ hoàng đầu tiên của nước ta.
- ^ Chức chi hậu ở sáu cục của cận thị thự, là thự giữ việc hầu cận Hoàng đế
- ^ Tuyển tập Nguyễn Tường Phượng, Nhà xuất bản Văn học, 1996, tr 585
- ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư: Bản kỷ - Kỷ nhà Trần: Thánh Tông hoàng đế
- ^ a ă Lê Thái Dũng, sách đã dẫn, tr 69
- ^ Vụ đập nát để xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng... trên báo Thanh Niên ra ngày 12 tháng 4 năm 2009
- ^ Mận là chữ Lý, ám chỉ nhà Lý đã suy
- ^ Chùa Chân Giáo là nơi Lý Huệ Tông đi tu sau khi bị Trần Thủ Độ ép rời ngôi
- ^ Trần Bá Chi (2005), "Bàn thêm về sự nghiệp cứu nước và hậu duệ của Lê Hoàn", trong cuốn Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nhà xuất bản Hà Nội.
Xem thêm
- Nhà Lý
- Nhà Trần
- Trần Thái Tông
- Trần Thủ Độ
- Trần Liễu
- Lý Huệ Tông
- Hoàng hậu Thuận Thiên
- Lê Phụ Trần
(Nguồn: Wikipedia)