Trần Thái Tổ
陳太祖
Thái thượng hoàng Việt Nam (chi tiết...)
Thái thượng hoàng nhà Trần
Nhiếp chính 1225 – 1234
Tiền nhiệm Không có
Thái thượng hoàng đầu tiên của triều đại
Kế nhiệm Trần Thái Tông
Thông tin chung
Thê thiếp Lê Thị
Hậu duệ
Tên húy Trần Thừa (陳承)
Thụy hiệu Khai Vận Lập Cực Hoằng Nhân Ứng Đạo Thuần Chân Chí Đức Thần Vũ Thánh Văn Thùy Dụ Chí Hiếu Hoàng Đế
(開運立極弘仁應道純真至德神武聖文垂裕至孝皇帝)
Miếu hiệu Huy Tông (徽宗)
Thái Tổ (太祖)[a]
Triều đại Nhà Trần
Thân phụ Trần Lý
Thân mẫu Tô phu nhân
Sinh 1184
hương Tức Mặc, Hải Ấp (nay là huyện Mỹ Lộc, Nam Định)
Mất 17 tháng 2, 1234
Phụ Thiên cung (附天宮), Đại Việt
An táng mùa thu, 28 tháng 8
Huy Lăng (徽陵)

Trần Thừa (chữ Hán: 陳承, 1184 – 17 tháng 2, 12341 ), hay đôi khi còn được gọi là Trần Thái Tổ (陳太祖) hoặc Trần Huy Tông (陳徽宗), là Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần. Ông tại vị Thái Thượng hoàng khi con ông, Trần Thái Tông trở thành Hoàng đế và lập ra nhà Trần. Khi ấy, Thái Tông còn nhỏ, ông cùng Thái sư Trần Thủ Độ làm nhiếp chính, nắm quyền từ khi lên ngôi 1225 đến khi qua đời, tổng cộng là 9 năm.

Ông nổi tiếng là cha của Trần Thái Tông, và việc trở thành một trong hai Thái thượng hoàng chưa từng làm Hoàng đế trong lịch sử Việt Nam, người kia là Sùng Hiền hầu, cha của Lý Thần Tông.

Thân thế

Trần Thừa là người hương Tức Mặc, Hải Ấp (nay là huyện Mỹ Lộc, Nam Định), con trai cả của Trần Lý (陳李) và Tô phu nhân, anh ruột6 của Trần Tự Khánh và Linh Từ quốc mẫu. Ông còn là anh họ của Trần Thủ Độ và là cháu gọi Tô Trung Từ là cậu.

Ông tổ của Trần Thừa là Trần Kinh (陳京) vốn người đất Mân (có người nói là Quế Lâm), sau chuyển tới hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường1 (nay thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), đến đời ông dời về sinh sống tại phủ Long Hưng (Thái Bình).7 Gia đình ông, cho tới đời ông, đều làm nghề đánh cá.

Phụ chính nhà Lý

Trần Thừa lớn lên khi cơ nghiệp nhà Lý đã suy yếu. Lý Cao Tông chơi bời vô độ, dân chúng bị cùng khốn, nổi dậy khởi nghĩa. Các tướng lĩnh địa phương cũng nhân lúc loạn lạc nuôi ý định xây dựng lực lượng riêng, trong đó có cha Trần ThừaTrần Lý ở Hải Ấp.

Năm 1209, xảy ra Loạn Quách Bốc, thiên hạ đại loạn. Lý Cao Tông chạy lên Quy Hoá, Thái tử Sảm chạy về Hải Ấp, nơi Trần Lý cai quản. Thái tử Sảm lấy con gái của Trần Lý, em Trần Thừa là Trần Nhị Nương[b] làm vợ. Nhân có chính lệnh của Thái tử Sảm và có em vợ là Tô Trung Từ làm quan trong triều, Trần Lý có lý do phát triển lực lượng để đánh Quách Bốc. Trần Thừa cùng Trần Tự Khánh giúp cha và cậu thực hiện ý định đó.

Năm sau (1210), Tô Trung Từ và Trần Lý đánh bại Quách Bốc. Trong khi đánh dẹp, Trần Lý bị tử trận[c]. Không lâu sau Cao Tông băng hà, Thái tử Sảm lên ngôi, tức là Lý Huệ Tông. Huệ Tông lập Trần Nhị Nương làm Nguyên phi (元妃). Cậu Trần Thừa là Tô Trung Từ nắm quyền điều hành triều chính.

Tháng 7 năm 1211, Trung Từ đang đêm sang Gia Lâm tư thông với Thiên Cực công chúa, bị quan nội hầu Vương Thượng là chồng của Công chúa giết chết[d]8 . Con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Ma La (cũng gọi là Nguyễn Đà La) thấy cha vợ bị giết, triều đình nghiêng ngả, bèn sang nói với Trần Thừa, xin tiến binh dẹp yên ấp Khoái. Nguyễn Ma La cùng với vợ là Tô thị (em họ Trần Thừa) lên thuyền sang đạo Thuận Lưu để gặp bộ tướng của Tô Trung Từ là Nguyễn Trinh thì bị Nguyễn Trinh giết rồi cướp lấy Tô thị đem về. Tô thị bèn sai người tố cáo với Trần Thừa. Ông lập mưu sai Tô thị dụ Nguyễn Trinh đến và giết chết. Thiên hạ hỗn loạn, nhiều hào trưởng nổi dậy tranh hùng.

Năm 1213, không chịu sự thao túng của Trần Tự Khánh, Lý Huệ Tông cùng thái sư Đàm Dĩ Mông tự làm tướng, hẹn với quân Hồng Châu của họ Đoàn đi đánh họ Trần. Hai bên chia quân, Trần Thừa đón đánh Đàm Dĩ Mông ở bến An Diên[e], còn Tự Khánh đón đánh Lý Huệ Tông ở Mễ Sở. Lý Huệ Tông thất thế phải chạy lên Lạng Châu.

Trong những năm sau, nhờ tài cầm quân của Trần Tự KhánhTrần Thừa, anh em họ Trần chiếm ưu thế trong cuộc chiến với các hào trưởng địa phương và nắm được triều đình nhà Lý. Nhờ công phò tá triều Lý, ông được Lý Huệ Tông phong làm Nội thị phán thủ năm Bính Tý (1216).6

Năm 1223, sau khi Trần Tự Khánh mất, ông được Lý Huệ Tông phong làm Thái úy Phụ chính,6 cùng với em họ ông là Trần Thủ Độ thao túng triều đình.

Thái thượng hoàng đế

Cuối năm 1225, con trai ông là Trần Cảnh mới 8 tuổi lên làm Thiên tử, mở đầu cho thời đại nhà Trần. Ông làm nhiếp chính cho con trai mình. Tháng 10 năm 1226, ông được tôn làm Thái thượng hoàng, ngự ở Phụ Thiên cung (附天宮), phường Hạc Kiều phía bên tả.1

Ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 3 (tức 17 tháng 2 năm 1234), Thái thượng hoàng băng hà, thọ 51 tuổi, táng ở Thọ Lăng (壽陵), phủ Long Hưng (nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Miếu hiệu là Huy Tông (徽宗), tên thụy là Khai Vận Lập Cực Hoằng Nhân Ứng Đạo Thuần Chân Chí Đức Thần Vũ Thánh Văn Thùy Dụ Chí Hiếu Hoàng Đế (開運立極弘仁應道純真至德神武聖文垂裕至孝皇帝).1

Tháng Giêng năm Mậu Thân (1248), Trần Thái Tông đổi miếu hiệu của ông từ Huy Tông thành Thái Tổ (太祖), đổi gọi Thọ Lăng thành Huy Lăng (徽陵).1

Gia quyến

Vợ chính thức của ông là Thuận Từ Quốc Thánh hoàng hậu Lê thị (順慈國聖皇后黎氏; ? - 1230). Ngoài ra, ông còn một người vợ không chính thức cũng không rõ họ tên, sinh ra Trần Bà Liệt.

Các con trai ông là:

  1. Khâm Minh đại vương Trần Liễu, cha của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
  2. Trần Cảnh, tức Thái Tông Nguyên Hiếu hoàng đế [太宗元孝皇帝].
  3. Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu.
  4. Hoài Đức vương Trần Bà Liệt.

Các con gái là:

  1. Thụy Bà công chúa (瑞婆公主), chị ruột Trần Thái Tông, cô Trần Quốc Tuấn, nuôi Trần Quốc Tuấn làm con.
  2. Thiên Thành công chúa (天城公主). Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tuy nhiên điều này có nghi vấn.

Xem thêm

Ghi chú

  1. ^ Sau khi mất truy tôn là Huy Tông, sau cải là Thái Tổ.
  2. ^ Vì Trần thị là con gái thứ 2 trong gia đình, nên gọi Nhị Nương (二娘). Tên gọi Thị Dung là tên dã sử mãi về sau mới đặt cho bà.
  3. ^ Sử sách chép không rõ về cái chết của Trần Lý. Có ý kiến cho rằng Trần Lý bị quân giặc cướp giết, vì lúc đó rất hỗn loạn; có ý kiến cho rằng Trần Lý chết vì quân Quách Bốc.
  4. ^ Tương truyền theo luật nhà Lý, nếu nam nữ tư thông mà bị bắt quả tang thì người chồng có thể giết chết tình địch mà không bị tội.[cần dẫn nguồn]
  5. ^ Thường Tín, Hà Nội

Tham khảo

  1. ^ a ă â b c Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, quyển V
  2. ^ a ă â Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, quyển IV
  3. ^ “Long Hưng, vùng đất phát nghiệp đế”. Hà Nội Mới. 
  4. ^ Xem Đại Việt Sử Lược, trang 95, bản điện tử.

(Nguồn: Wikipedia)