Tađêô Lê Hữu Từ
Đại diện Tông Tòa Giáo phận Phát Diệm (1945 - 1959)
Đại diện Tông Tòa Giáo phận Bùi Chu
(1948 -1950)
Le Huu Tu.JPG
Khẩu hiệu: "Tiếng kêu trong hoang địa"
Giáo phận Phát Diệm, Bùi Chu
Tấn phong 29 tháng 10 năm 1945
Hưu
Tiền nhiệm Giuse Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn

(Giám quản GP Bùi Chu)
Gioan Maria Phan Ðình Phùng
(Giám quản GP. Phát Diệm)

Kế vị Phaolô Bùi Chu Tạo

(GM Phát Diệm)
Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
(Giám quản Bùi Chu)

Ngày sinh 28 tháng 10 năm 1896
Ngày mất 24 tháng 4, 1967 (70 tuổi)
Nơi an táng Nghĩa trang Nhà hưu dưỡng Phát Diệm, Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
Quốc tịch Việt Nam Đại Nam
(1897- 1945)
Việt Nam Đế quốc Việt Nam
(4/1945 - 8/1945)
Việt Nam
(9/1945 - 1967)
Giáo hội Công giáo Rôma
Quê quán Quảng Trị
Thánh quan thầy Tađêô

Tađêô Lê Hữu Từ (1896 - 1967) là một giám mục Công giáo của Việt Nam, với khẩu hiệu giám mục là "Tiếng kêu trong hoang địa" ("Vox Clamantis" Mt 3:3). Ông từng là Giám mục Đại diện Tông Tòa giáo phận Phát Diệm, được xem là người thành lập và lãnh đạo lực lượng Tự vệ Công giáo chống Cộng tại Bùi Chu - Phát Diệm trong giai đoạn 1950-1954. Ông cũng được xem là lãnh đạo tinh thần của những người Công giáo di cư vào miền Nam trong suốt giai đoạn 1954-1967.

Thân thế và cuộc đời đạo nghiệp

Thân thế

Ông sinh ngày 28 tháng 10 năm 1896 tại Di Loan, Quảng Trị1 trong dòng họ Lê, dòng dõi vua Lê Hy Tông,2 gia đình ông vốn là gia đình Công giáo với tên thánh là Tađêô (Tadeus hoặc Thaddaeus).3 Cha là ông Lê Hữu Ý, thường gọi là ông Trùm Ý, mẹ là bà Inê Dưỡng. Gia đình ông có 10 anh chị em, trong đó, ngoài ông, phụng sự cho Giáo hội còn có 2 linh mục là Đôminicô Lê Hữu Luyến (anh trai) và Giuse Lê Hữu Huệ (em trai).2

Tháng 9 năm 1911, ông vào học ở Tiểu chủng viện An Ninh (Cửa Tùng), Quảng Trị. Mười năm sau, tháng 9 năm 1921, ông học Đại chủng viện Phú Xuân, Huế.4

Tháng 9 năm 1928, ông nhập Dòng Citeaux Phước Sơn tại núi Phước, Huế.4

Linh mục

Ngày 23 tháng 12 năm 1928, ông thụ phong chức linh mục.1 Sau khi thụ phong linh mục, ông được cử làm Phụ trách Nhà Tập và Bề trên Phó của Dòng Citeaux Phước Sơn từ năm 1928 đến năm 1936.4 Cũng trong thời gian này, ông lấy tên thánh thứ hai là Anselmus, vì vậy có tài liệu ghi tên đầy đủ của ông là Anselmus Tadeus Lê Hữu Từ5

Tháng 2 năm 1936, ông được giao trách nhiệm sáng lập Dòng tu khổ hạnh Châu Sơn tại Nho Quan, Ninh Bình và trở thành Bề trên tiên khởi của Dòng.4

Giám mục

Ngày 14 tháng 6 năm 1945, ông được Giáo hoàng Pius XII phong làm Giám mục Hiệu tòa Daphnusia, kiêm Giám quản Tông tòa Giáo phận Phát Diệm,1 5 thay cho Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng xin nghỉ hưu. Ông là người Việt thứ năm thụ phong giám mục cho đến thời điểm bấy giờ.

Cố vấn Tối cao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ngay sau khi biết tin ông được bổ nhiệm chức giám mục, tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng ông. Trong thư có đoạn: "có một nhà lãnh đạo mới của người Công giáo đi theo chân Đức Giê-su, chịu đóng đinh hầu giúp giáo dân biết hy sinh và chiến đấu bảo vệ tự do và độc lập của đất nước".6

Vốn là người có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, ông ủng hộ việc giành độc lập cho Việt Nam từ tay người Pháp. Chính ông là người dẫn đầu đoàn các giáo dân Công giáo đến dự lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình, một cách thể hiện sự ủng hộ ban đầu của ông đối với chính quyền Việt Nam mới.7

Ngày 29 tháng 10 năm 1945, lễ tấn phong chức giám mục cho ông được tổ chức tại nhà thờ Phát Diệm do Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng chủ phong và Giám mục Giuse Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn phụ phong. Tham dự lễ thụ phong còn có cả phái đoàn chính phủ gồm 4 vị bộ trưởng đến tham dự, trong đó có cả Phạm Văn ĐồngVõ Nguyên Giáp, và vị Cố vấn tối cao của chính phủ là cựu hoàng Bảo Đại.8 Ngày 1 tháng 11 năm 1945, ông chính thức trở thành Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm.

Do là vị chủ chăn của một giáo phận lớn, có vai trò quan trọng đối với tín đồ Công giáo Việt Nam,9 ngày 25 tháng 2 năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến Phát Diệm, chính thức mời ông làm "Cố vấn tối cao của Chính phủ".8 Ông cùng với cựu hoàng Bảo Đại là hai người giữ chức vụ này trong chính phủ lâm thời.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông đối với chính quyền Việt Minh đã nhanh chóng thay đổi. Là một tín đồ Công giáo với đức tin mãnh liệt, ông kịch liệt chống đối chủ nghĩa vô thần của những người Cộng sản. Bên cạnh đó, chịu ảnh hưởng từ thông điệp của Giáo hoàng Piô XI, với nội dung chống lại chế độ vô thần Cộng sản, ông chuyển từ ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang chống lại chính quyền mà ông từng ủng hộ.

Xây dựng Giáo khu Bùi Chu - Phát Diệm tự trị

Hội Công giáo Cứu quốc, về nguyên tắc là một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của mình, Giám mục Từ đã tách dần tổ chức này ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền Việt Minh. Với danh nghĩa Công giáo cứu quốc, ông chỉ đạo cho các giáo dân vũ trang và tổ chức thành những đội vũ trang Tự vệ Công giáo, biến các giáo khu thành những chính quyền tự trị, ngoài sự kiểm soát của chính quyền Việt Minh.

Hồi ký của ông có chép lại việc này như sau:10

Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, chính phủ Việt Minh dời lên Việt Bắc. Dưới sự kích động của người Pháp, cùng với sự quá khích của dân chúng, một số cuộc xung đột đã nổ ra giữa lương dân và giáo dân. Để xoa dịu những xung đột và tránh những ảnh hưởng bất lợi, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cũng như gửi các đặc phái viên để giải quyết xung đột, cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Giám mục Lê Hữu Từ cũng như giới Công giáo.11 Tuy nhiên, những nỗ lực đều bất thành.12

Giám mục Lê Hữu Từ gửi Thư chung gửi cho các linh mục ngày 23 tháng 3 năm 1947, như sau:

Các cha biết một vài người cộng tác của chúng ta và nhiều giáo dân đã bị bắt và giam giữ nhiều ngày, vì họ đã bị nghi là đảng viên của các đảng phái chống Chính phủ. Nhiều người bị bắt do ông Huệ, một thầy giảng địa phận Thanh Hóa ẩn núp trong địa phận chúng ta, tung ra những tin đồn lung tung và thậm chí dám mạo danh tôi đánh lừa dân chúng. Cảnh sát truy nã ông ấy khắp nơi. Các cha đừng để nó tự do qua lại trong các xứ đạo của mình và nếu phát hiện thì hãy bắt và nạp giải cho tôi. Kẻ nào tiếp tục liên lạc với ông ấy, hoặc che giấu nó thì đừng phân bua rằng mình vô tội khi bị cảnh sát bắt làm khó dễ. Hơn bao giờ hết, toàn dân phải một lòng đoàn kết chiến đấu chống lại bọn xâm lược. Hãy để vấn đề các đảng phái sang một bên, đừng bận tâm tới. Tôi đã nói đi nói lại nhiều lần với các cha, lần này nữa, tôi xin các cha hãy nghe lời tôi sau khi nhận được thư của Hồ Chí Minh.10

Trong cùng một thư đó, giám mục đã bảo các linh mục chớ nói đến chính trị trong các nhà thờ và cũng hãy cảnh giác đối với những người lạ mặt thường lảng vảng vào các xứ đạo để thám thính hay tuyên truyền ủng hộ Pháp. Bọn đó là những tên phản quốc. Ông liên tục chỉ đạo mở rộng các đội vũ trang, từ những trung đội "Vệ sĩ Công giáo" (1946), thành "Đoàn Cựu chiến binh Công giáo" (1947), rồi các đoàn "Dũng sĩ Công giáo" (1948)... Giáo khu Phát Diệm được tổ chức thành 3 khu quân sự là khu Phát Diệm, khu Phúc Nhạc và khu Gia Khánh, Gia Viễn, Nho Quan. Tất cả đều được đặt dưới quyền chỉ huy chung của "Tổng bộ Tự vệ Công giáo", do linh mục Hoàng Quỳnh làm Tổng chỉ huy.

Từ tháng 11 năm 1948, sau khi Giám mục Bùi Chu là Giuse Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn qua đời, Tòa Thánh chỉ định ông kiêm Giám quản Tông tòa Giáo phận Bùi Chu. Ảnh hưởng và tổ chức của ông tiếp tục lan ra đến Bùi Chu13 . Cả một khu vực Bùi Chu - Phát Diệm trở thành khu tự trị Công giáo với 40 vạn giáo dân, dưới sự cai quản của ông, ngoài quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Liên Pháp chống Cộng

Tuy Giám mục Từ muốn độc lập với quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặt khác ông cũng không muốn rơi vào sự kiểm soát của người Pháp. Ông nhận định rằng: "Quân lính Pháp, với một sự dã man tột độ, đã phá hủy tất cả, không trừ một thứ gì, kể cả nhà thờ. Trong vòng một năm, gần 300 nhà thờ đã bị bom đánh phá..."14 . Ông khẳng định: "Tôi đã tuyên bố nhiều lần rõ rệt thái độ của tôi: tôi vẫn đứng bên cụ Hồ để chống thực dân Pháp đến cùng"15 . Tuy vậy, bất chấp những nỗ lực của ông, ngày 15 tháng 10 năm 1949, quân Pháp tiến vào chiếm đóng Phát Diệm [cần dẫn nguồn].

Hồi ký của ông kể lại sự việc Đại úy Nguyễn Văn Vỹ16 đến tìm ông như sau:

Tuy nhiên, chính sách của chính quyền Pháp khi đó cũng có những thay đổi. "Giải pháp Bảo Đại" được đưa ra, nhằm chia rẽ và tách rời các nhóm chính trị và vũ trang chống Cộng khỏi mặt trận thống nhất chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo. Để giữ được quyền tự trị cho giáo khu Bùi Chu - Phát Diệm, ông đã chấp nhận thỏa hiệp không chống Pháp, đổi lại, người Pháp vẫn để cho ông quyền tự trị. Hơn thế nữa, họ còn chấp nhận vũ trang cho giáo dân để có thêm đồng minh chống Việt Minh. Chính hành động này, mặc dù có đưa ra những lời phân bua thiện chí, Giám mục Từ vẫn bị những người kháng chiến xem là kẻ phản bội và hợp tác với Pháp để chống lại cuộc kháng chiến, nhất là khi thấy Giám mục nhận cả súng đạn của người Pháp để trang bị cho lực lượng Tự vệ Công giáo của mình, cùng quân Pháp thực hiện các cuộc càn quét tiêu diệt quân Việt Minh [cần dẫn nguồn].

Bất chấp những nỗ lực của người Pháp trong việc chia rẽ trong hàng ngũ kháng chiến [cần dẫn nguồn], lực lượng Việt Minh vẫn ngày càng trở nên mạnh mẽ. Lực lượng họ phát triển dần đến hàng sư đoàn, nhiều lần xuyên thủng những tuyến phòng thủ của người Pháp để xâm nhập sâu vào đồng bằng Bắc Bộ, thậm chí đã tiến gần đến ngoại ô của Hà Nội. Người Pháp vội vã thành lập những đơn vị người Việt để bù vào việc thiếu nhân lực. Những chiến binh Công giáo Bùi Chu - Phát Diệm là những thành phần nòng cốt cho các tiểu đoàn Việt Nam (Batallion Vietnamien - BVN) chiến đấu cùng quân Pháp để chống lại những đoàn quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam [cần dẫn nguồn].

Tuy nhiên, biện pháp đó của người Pháp không mang lại được nhiều kết quả [cần dẫn nguồn]. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, trận Điện Biên Phủ kết thúc với chiến thắng hoàn toàn của những người Việt Minh. Người Pháp phải chấp nhận Hiệp định Genève, 1954 để có thể rút quân về nước [cần dẫn nguồn].

Lo sợ trước sự trả thù của những người Cộng sản, vốn giành được quyền kiểm soát vùng lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 17, ngày 30 tháng 6 năm 1954, Giám mục Từ cùng với 143 linh mục và 80.000 giáo dân Phát Diệm thực hiện cuộc di cư vào Nam.17 18 Một sĩ quan Việt Minh trẻ là Vũ Ngọc Nhạ đã giúp đỡ ông trong việc tổ chức di cư này.

Vị chủ chăn của Công giáo di cư

Bia mộ Giám mục Tađêô Lê Hữu Từ

Sau khi vào Nam, ông thu xếp cho các giáo dân định cư tại vùng Xóm Mới (nay thuộc Gò Vấp) và Bình An (nay thuộc Quận 8). Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã cử ông làm Giám đốc Trung tâm Công giáo Việt Nam tại Sài Gòn và giữ chức Tổng tuyên úy Công giáo Quân đội Quốc gia Việt Nam. Với cương vị này, ông đã lãnh đạo lực lượng Công giáo di cư ủng hộ thủ tướng Diệm, một tín đồ Công giáo, thực hiện trưng cầu dân ý phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, một người theo Phật giáo, vị cựu "Cố vấn Tối cao" cùng với ông trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người mà ông cho rằng không đủ khả năng lãnh đạo quốc gia [cần dẫn nguồn].

Tuy nhiên, không lâu sau, cuối năm 1955, ngay khi Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống, đã thực hiện việc tiêu diệt hoặc giải thể các nhóm vũ trang. Hành động này của Tổng thống Diệm là nhằm loại trừ khả năng tự trị và cát cứ của mọi phe phái. Tổng bộ Tự vệ Phát Diệm cũng cùng chung số phận đó. Đây chính là mâu thuẫn đầu tiên giữa Tổng thống Diệm và Giám mục Từ, một người vẫn giữ quan điểm tự trị với chính phủ.

Một mâu thuẫn khác giữa Giám mục Từ và Tổng thống Diệm lúc đó là khi Giám mục Giáo phận Sài Gòn là Jean Cassaigne được triệu hồi. Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục và ông là hai giám mục người Việt được đề cử cho ngôi giám mục trống tòa này[cần dẫn nguồn]. Tuy ông có uy tín lớn và được Tòa Thánh tán đồng, nhưng Ngô Đình Diệm đã gây áp lực để anh mình có thể vào ngôi vị này. Để tránh mâu thuẫn này bùng nổ, Tòa Thánh đã chọn giải pháp dung hòa là bổ nhiệm tân Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Hiệu tòa Sagalasse, làm Đại diện Tông tòa Giáo phận Sài Gòn [cần dẫn nguồn].

Những mâu thuẫn này, và không ai có thể nghi ngờ, lại chính là yếu tố quyết định để người sĩ quan Việt Minh trẻ ngày xưa, Vũ Ngọc Nhạ, khai thác và về sau trở thành một trong những điệp viên huyền thoại của Việt Nam [cần dẫn nguồn].

Do những va chạm nêu trên, ông xin từ chức và lui về tĩnh dưỡng tại tu viện Châu Sơn Đơn Dương, một chi nhánh của dòng Citeaux Phước Sơn. Không lâu sau, ông về hưu dưỡng tại nhà An dưỡng Phát Diệm ở Gò Vấp. Tại đây, ông vẫn tỏ ra quan tâm đến tình hình chính trị của miền Nam Việt Nam. Thông qua người phụ tá Vũ Ngọc Nhạ, ông vẫn tiếp tục chỉ đạo các phong trào Công giáo di cư cho đến khi nổ ra cuộc đảo chính. Trước đó, tháng 8 năm 1963, ông cùng Giám mục Ngô Đình Thục được Tòa Thánh triệu tập đến Roma để tránh các ảnh hưởng của cuộc đảo chính.

Mộ phần Giám mục Tađêô Lê Hữu Từ

Sau một thời gian dài ở Roma, đầu năm 1967, ông trở về Việt Nam. Tuy nhiên, lần này do sức khỏe kém, ông không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào nữa. Ngày 24 tháng 4 năm 1967, ông qua đời và được an táng tại nghĩa trang nhà hưu dưỡng Phát Diệm ở Xóm Mới, Gò Vấp, thọ 74 tuổi.

Ông được chính phủ Việt Nam Cộng hòa truy thưởng "Bảo Quốc Huân Chương" đệ nhị hạng và "Anh Dũng Bội Tinh" đệ tam hạng[cần dẫn nguồn].

Thứ tự bổ nhiệm - tấn phong giám mục

Tiền nhiệm:
Đợt bổ nhiệm Giám mục người Việt lần IV
Gioan Maria Phan Ðình Phùng
28 tháng 5 năm 1940
Đợt bổ nhiệm Giám mục người Việt lần V
Tađêô Lê Hữu Từ

14 tháng 6 năm 1945
Kế nhiệm:
Đợt bổ nhiệm Giám mục người Việt lần VI
Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
3 tháng 2 năm 1950
Tiền nhiệm:
Giám mục người Việt thứ 4 được tấn phong
Gioan Maria Phan Ðình Phùng
3 tháng 12 năm 1940
Giám mục người Việt thứ 5 được tấn phong
Tađêô Lê Hữu Từ

29 tháng 10 năm 1945
Kế nhiệm:
Giám mục người Việt thứ 6 được tấn phong
Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
4 tháng 8 năm 1950

Chú thích

  1. ^ a ă â “Ðức Cha Tađêô Lê Hữu Từ Nguyên Giám mục Giáo phận Phát Diệm”. Catholic. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2015. 
  2. ^ a ă [1]
  3. ^ Còn gọi là Thánh Giuđa (hoặc Judas), con của ông Giacôbê (James), không phải Judas Iscariot "Kẻ phản bội", là một trong 12 thánh tông đồ.
  4. ^ a ă â b [2]
  5. ^ a ă [3]
  6. ^ Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng Tân Giám mục Lê Hữu Từ.
  7. ^ Cách mạng Tháng Tám với các Giám mục người Việt
  8. ^ a ă Linh mục Trần Tam Tỉnh, "Thập giá và lưỡi gươm". Chương II. Linh mục Trần Tam Tỉnh là Viện sĩ Viện hàn lâm Hoàng gia Canada, giáo sư Đại học Laval (Québec).
  9. ^ Bấy giờ trên toàn cõi Việt Nam có 15 giáo phận nhưng chỉ mới có 3 giáo phận là Phát Diệm, Bùi Chu và Vĩnh Long là do Giám mục người Việt cai quản.
  10. ^ a ă “BINH THÁNH GIÁ, NẠN NHÂN CỦA ĐẠO QUÂN THÁNH GIÁ”. Sach hiem. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2015. 
  11. ^ Các thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Giám mục Lê Hữu Từ đề ngày 23 tháng 1, ngày 1 tháng 2 và ngày 2 tháng 3 năm 1947).
  12. ^ Phạm Phương Thảo, "Đọc lại những bức thư Bác Hồ gửi giới chức sắc và đồng bào Công giáo Việt Nam
  13. ^ Ông giữ nhiệm vụ này cho đến ngày 3 tháng 2 năm 1950, khi Giám mục hiệu tòa Sozopolitana ở Haemimonto Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi nhậm chức Giám quản Tông tòa Giáo phận Bùi Chu.
  14. ^ Thư chung đề ngày 25 tháng 1 năm 1949 [cần dẫn nguồn].
  15. ^ Thư chung đề ngày 17 tháng 4 năm 1949.
  16. ^ Về sau được thăng đến Trung tướng Quân đội Quốc gia Việt Nam (1955).
  17. ^ Số liệu theo thống kê các giáo phận tại miền Bắc Việt Nam, do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện cuối năm 1955.
  18. ^ Cùng di cư vào Nam với ông còn có các Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (Giáo phận Bùi Chu), Giuse Trương Cao Đại (Giáo phận Hải Phòng). Lúc bấy giờ, cả miền Bắc chỉ còn ba giám mục là Giuse Maria Trịnh Như Khuê (Giáo phận Hà Nội, Đa Minh Hoàng Văn Đoàn (Giáo phận Bắc Ninh) và Gioan Baotixita Trần Hữu Ðức (Giáo phận Vinh).

Tham khảo

  • Ðức Cha Tađêô Lê Hữu Từ Nguyên Giám mục Giáo phận Phát Diệm

(Nguồn: Wikipedia)