Tiền Lý Nam Đế

Ở ngôi 7 năm [541-547].

Vua có chí diệt giặc cứu dân, không may bị Trần Bá Tiên sang đánh chiếm, nuốt hận mà chết. Tiếc thay !

Vua họ Lý, tên húy là Bí1 , người Thái Bình [phủ] Long Hưng2 . Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc [15a] hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên3 .

Tân Dậu, năm thứ 1 [541], (Lương Đại Đồng năm thứ 7). Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư, vì hà khắc tàn bạo, mất lòng người. Vua vốn con nhà hào trưởng, thiên tư lỗi lạc, làm quan không được vừa ý. Lại có người là Tinh Thiều giỏi từ chương từng đến [kinh đô nhà Lương] xin được chọn làm quan. Thượng thư bộ Lại nhà Lương là Sái Tôn cho rằng họ Tinh trước không có ai hiển đạt, nên chỉ bổ cho chức Quảng Dương môn lang. Thiều lấy làm nhục, trở về làng, theo vua mưu việc dấy binh. Vua bấy giờ làm chức Giám quân ở châu Cửu Đức4 , nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Diên5 phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo về. Tiêu Tư biết việc, đem của đến hối lộ cho vua, rồi chạy về Quảng Châu. Vua ra chiếm giữ châu thành (tức là Long Biên).

năm thứ 2 [542], (Lương Đại Đồng năm thứ 8). Mùa đông, tháng 12, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng [15b] sang xâm chiếm. Quýnh lấy cớ là chướng khí mùa xuân đương bốc, xin đợi đến mùa thu. Bấy giờ Thứ sử Quảng Châu là Tân Dụ hầu Hoán6 không cho, Vũ Lâm hầu cũng thúc giục. Bọn Tử Hùng đi đến Hợp Phố, 10 phần chết đến 6, 7 phần, quân tan rã mà về. Tiêu Tư tâu vu [với vua Lương] rằng Quýnh và Tử Hùng dùng dằng không chịu đi, đều bị buộc phải tự tử.

Quý Hợi, năm thứ 3 [543], (Lương Đại Đồng năm thứ 9). Mùa hạ, tháng 4, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức.

Giáp Tý, [Thiên Đức] năm thứ 1 [544], (Lương Đại Đồng năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái Phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn, tướng võ.

[16a] Ất Sửu, [Thiên Đức] năm thứ 2 [545], (Lương Đại Đồng năm thứ 11). Mùa hạ, tháng 6, nhà Lương cho Dương Thiêu7 làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, đem quân sang xâm, sai Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với bọn Thiêu ở Giang Tây8 . Bột biết các quân lính sợ đi đánh xa, nhân đó nói dối để giữ Thiêu ở lại. Thiêu học các tướng để hỏi kế. Bá Tiên nói: "Giao Châu làm phản, tội do người tông thất9 để mấy châu hỗn loạn, trốn tội đã nhiều năm nay. [Thứ sử] Định Châu chỉ muốn trộm yên trước mắt, không nghĩ đến kế lớn. Tiết hạ10 vâng chiếu đi đánh kẻ có tội, phải nên liều sống chết, há nên dùng dằng không tiến để nuôi cho thế giặc thêm mạnh mà làm ngăn trở quân mình hay sao?" Rồi Bá Tiên đem quân đi trước, Thiêu cho Bá Tiên làm tiên phong. Khi [quân của Bá Tiên] đến Giao Châu, vua đem 3 vạn quân ra chống cự, bị thua ở Chu Diên, lại thua ở cửa sông Tô Lịch, vua chạy về thành Gia Ninh11 . Quân Lương đuổi theo vây đánh.

[16b] Bính Dần, [Thiên Đức] năm thứ 3 [546], (Lương Đại Đồng năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, bọn Bá Tiên đánh lấy được thành Gia Ninh. Vua chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương. Quân Lương đóng ở cửa sông Gia Ninh. Mùa thu, tháng 8, vua lại đem 2 vạn quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt12 , đóng nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào. Trần Bá Tiên bảo các tướng rằng: "Quân ta ở đây đã lâu, tướng sĩ mỏi mệt, vả lại thế cô không có tiếp viện. Tiến sâu vào trong lòng [nước] người, nếu một đánh mà không thắng, thì đừng mong sống sót. Nay nhân lúc bọ họ vừa thua luôn mấy trận, lòng người chưa vững, mà người Di Lạo ô hợp, dễ đánh giết, chính nên cùng ra tay liều chết, cố sức đánh lấy, không có cớ gì mà dừng lại thì lỡ mất thời cơ". Các tướng đều im lặng, không ai hưởng ứng. Đêm hôm ấy nước sôngmạnh, dâng cao 7 thước, tràn đổ vào hồ. Bá Tiên đem quân bản bộ theo dòng nước tiến trước vào. Quân Lương đánh trống reo hò mà tiến. Vua vốn không [17a] phòng bị, vì thế quân vỡ, phải lui giữ ở trong động Khuất Lạo13 để sửa binh đánh lại, ủy cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên.

Đinh Mão, [Thiên Đức] năm thứ 4 [547], (Lương Thái Thanh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, nhật thực. Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông, Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch148. Đầm này ở huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết. Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày [17b] tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được. Người trong nước gọi là Dạ Trạch Vương. (Tục truyền thời Hùng Vương, con gái Hùng Vương là Tiên Dung Mỵ Nương14 ra chơi cửa biển. Thuyền về đến bãi ở hương Chử Gia, Tiên Dung lên trên bãi, gặp Chử Đồng Tử trần truồng núp trong bụi lau, tự cho là Nguyệt lão xe duyên, bèn cùng nhau làm vợ chồng, sợ tội phải ở lánh trên bờ sông, chỗ ấy trở thành nơi đô hội. Hùng Vương đem quân đến đánh. Đồng Tử và Tiên Dung sợ hãi đợi tội. Bỗng nửa đêm mưa gió dữ dội làm rung chuyển nơi ở, rường cột tự bốc lên, người và gà chó trong một lúc cùng bay lên trời, chỉ còn lại cái nền không ở giữa đầm. Người bấy giờ gọi bãi ấy là bãi Tự Nhiên, đầm ấy là đầm Nhất Dạ, nay vẫn còn tên gọi cũ).

Trở lên là Tiền Lý Nam Đế, từ năm Tân Dậu đến năm Đinh Mão, tất cả 7 năm (541- 547).

Bài viết cùng thư mục