Nhâm Ngọ , [622], (Đường Vũ Đức năm thứ 5). Trước đây, cuối thời nhà Tùy, Khâu Hòa làm Thái thú Giao Châu, cậy uy thế của nhà Tùy, thường đi tuần các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm, Lâm Ấp và các nước2 tặng cho Hòa những ngọc minh châu, sừng tê văn và vàng bạc của báu, cho nên Hòa giàu như vương giả. Năm này nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam đô hộ phủ3 .
[3b] Mậu Tý , [628], (Đường Thái Tông Thế Dân, Trinh Quán năm thứ 2). Tông thất nhà Đường là Lý Thọ làm Đô đốc Giao Châu tham ô phải tội. Vua Đường thấy Thứ sử Doanh Châu là Lư Tổ Thượng có tài gồm văn võ, gọi vào triều, dụ rằng: "Giao Châu đã lâu không được người giỏi, các đô đốc trước sau đều không xứng chức. Khanh có tài lược dẹp yên biên giới, hãy vì ta sang trấn đất ấy, chớ lấy đường xa mà từ chối". Tổ Thượng lạy tạ, rồi lại hối, lấy cớ đau ốm mà từ chối. Vua Đường sai Đỗ Như Hối bảo cho Tổ Thượng biết ý vua. Tổ Thượng vẫn cố từ. Lại sai Chu Phạm là anh vợ của Tổ Thượng đến dụ rằng: "Người thường đã hứa với nhau còn biết giữ chữ tín, khanh đã hứa trước mặt trẫm, há trái lời hay sao? Nên sớm lên đường, sau ba năm tất gọi về, trẫm không nuốt lời". Tổ Thượng trả lời rằng: "Đất Lĩnh Nam lam chướng, dịch lệ, đó là cái lẽ đã ra đi thì không trở về". Vua Đường tức giận nói: "Ta sai người không đi, còn làm chính lệnh thế nào được nữa". Sai chém ngay ở triều đường. Sau hối lại, cho khôi phục quan tước và ấm phong.
[4a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua sai bề tôi lấy lễ, bề tôi thờ vua lấy trung. Đường Thái Tông sai bề tôi không chịu đi, dỗ đến hai lần, có thể gọi là có lễ. Tổ Thượng được vua sai lại tránh khó nhọc, thế là thất tiết; đã nhận rồi lại hối, thế là thất tín; lời nói giận dỗi, thế là thất lễ. Thái Tông giết đi, tuy là quá, song Tổ Thượng đủ ba lỗi ấy, thì tội ra sao?
Ất Mùi , [635], (Đường Trinh Quán năm thứ 9). Tông thất nhà Đường là Lý Đạo Hưng làm Đô đốc Giao Châu vì bệnh chướng khí chết ở nơi làm quan.
Đinh Hợi , [687], (Đường Trung Tông Triết, Tự Thánh năm thứ 4). Mùa thu, tháng 7, các hộ người Lý ở Lĩnh Nam theo như lệ cũ nộp nửa thuế, Đô hộ Lưu Diên Hựu bắt phải nộp cả. Các hộ người Lý mới oán giận, mưu làm loạn. Lý Tự Tiên làm [4b] chủ mưu, Diên Hựu giết đi. Dư đảng là bọn Đinh Kiến họp quân vây phủ thành. Trong thành binh ít không chống nổi, đóng cửa thành cố giữ để đợi quân cứu viện. Đại tộc ở Quảng Châu là Phùng Tử Do muốn lập công, đóng quân không đến cứu, Kiến giết Diên Hựu. Sau Tư mã Quế Châu là Tào Trực Tĩnh4 đánh giết được Kiến.
Nhâm Tuất, [722], (Đường Huyền Tông, Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10). Tướng giặc là Mai Thúc Loan5 chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn6 . Vua Đường sai nội thị tả giám môn vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách7 đánh dẹp yên được.
Mậu Tuất, [758], (Đường Túc Tông Hanh, Chí Đức năm thứ 3)ường đổi An Nam Đô Hộ Phủ làm Trấn Nam Đô Hộ Phủ.
Đinh Mùi [767], (Đường Đại Tông Dự, Đại Lích thứ 2). [Người] Côn Lôn8 , Chà Bà9 đến cướp, đánh lấy châu thành. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi cầu cứu với Đô úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình. Quân cứu viện đến, đánh tan quân Côn Lôn, [5a] Chà Bà ở Chu Diên. Bá Nghi đắp lại La Thành10 . Khi ấy có người tiết phụ họ Toàn11 là mẹ của Đào Tề Lượng ở Giao Châu, thường lấy trung nghĩa dạy Lượng, nhưng Lượng ngoan cố không chịu nghe, mới dứt tình với con, tự cày lấy mà ăn, dệt lấy mà mặc, người trong làng xóm đều noi theo. Vua Đường xuống chiếu cho 2 người đinh đến hầu nuôi, sai quan bản đạo bốn mùa đến thăm hỏi.
Mậu Thân, [768], (Đường Đại Lịch năm thứ 3). Nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam Đô Hộ Phủ.
Giáp Tý, [784], (Đường Đức Tông Quát, Hưng Nguyên năm thứ 1). Người quận Cửu Chân là Khương Công Phụ làm quan thời Đường, đậu tiến sĩ, bổ làm Hiệu Thư Lang. Vì có bài chế sách hơn người, cho làm Hữu thập di Hàn Lâm học sĩ, kiêm chức Kinh triệu hộ tào tham quân, từng xin giết Chu Thử, vua Đường không nghe. Không bao lâu Kinh sư có loạn, vua Đường từ cửa Thượng Uyển đi ra, Công Phụ giữ ngựa lại can rằng: "Chu Thử từng làm tướng ở đất Kinh đất Nguyên, được lòng quân lính, [5b] vì Chu Thao làm phản nên bị vua cất mất binh quyền, ngày thường vẫn uất ức, xin cho bắt đem đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón được". Vua Đường đương lúc vội vàng không kịp nghe, trên đường đi lại muốn dừng lại ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật. Công Phụ can rằng: "Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy, nhưng là quan văn, quân đột kỵ ở Ngư Dương do ông ta quản lĩnh đều là bộ khúc của Chu Thử. Nếu Thử thẳng đến Kinh Nguyên làm loạn, thì ở nơi ấy không phải kế vạn toàn". Vua Đường bèn đi sang Phụng Thiên. Có người báo tin Thử làm phản, xin vua phòng bị. Vua Đường nghe lời Lư Kỷ xuống chiếu cho quân các đạo đóng cách xa thành một xá12 , muốn đợi Thử đến đón. Công Phụ nói: "Bậc vương giả không nghiêm việc vũ bị thì lấy gì để oai linh được trọng. Nay cấm binh đã ít người mà quân lính người ngựa đều ở bên ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm". Vua Đường khen là phải, cho gọi hết vào trong thành. Quân của Thử quả nhiên kéo đến, đúng như lời của Công Phụ. Vua Đường bèn thăng cho Phụ làm Gián Nghị Đại Phu, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự13 . Sau [6a] vì việc can vua chôn cất công chúa Đường An quá hậu, trái ý vua, Lục Chí tâu gỡ cho, nhưng không được, cuối cùng vẫn phải xuống chức làm Thái tử tả thứ tử, lại bị biếm là Tuyền Châu biệt giá. Đường Thuận Tông lên ngôi, cho làm Thứ sử Cát Châu, chưa đến nơi nhận chức thì chết. Em là Khương Công Phục cũng đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Bắc bộ thị lang14 .
Tân Mùi, [791], (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng gópMùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc)176là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-780] đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng [6b] kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết. Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái, cho nên lấy [Bố Cái] làm hiệu). Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế (tức là Phu hựu chương tín sùng nghĩa Bố Cái Đại Vương. Đền thờ nay ở phường Thịnh Quang15 , ở phía đông nam16 ruộng tịch điền).
Tháng 5, ngày Tân Tỵ, nhà Đường đặt quân Nhu Viễn ở phủ trị. Mùa thu, tháng 7, ngày Canh Thìn, nhà Đường lấy Triệu Xương làm đô hộ. Xương vào cõi, lòng dân bèn yên. Xương sai sứ dụ An, An đem quân hàng. Xương đắp thêm La Thành kiên cố hơn trước, ở chức 17 năm, vì đau chân xin về. Vua Đường chuẩn cho, lấy Lang trung bộ Binh là Bùi Thái thay Xương.
Quý Mùi, [803], (Đường Trinh Nguyên năm thứ 19). Đô đốc Bùi Thái sai lấp bỏ những hào rãnh ở trong thành, hợp làm một [7a] thành17 . Tướng ở châu là Vương Quý Nguyên đuổi Bùi Thái đi. Vua Đường vời Xương hỏi tình trạng. Xương đã ngoài 70 tuổi, mà tâu việc rõ ràng. Vua Đường cho là giỏi, lại sai làm Đô hộ Giao Châu. Xương đến, người trong châu đều mừng, loạn bèn yên.
Mậu Tý, [808], (Đường Hiến Tông Thuần, Nguyên Hòa năm thứ 3). Trương Chu làm Đô hộ Giao Châu (trước Chu làm Kinh lược phán quan, đến nay thăng làm Đô hộ), đắp thêm thành Đại La, đóng 300 chiếc thuyền mông đồng (loại thuyền ngắn), mỗi thuyền có 25 chiến thủ, 23 tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, nhanh như gió. Lại đắp hai thành ở châu Hoan, châu Ái, vì các thành ấy trước bị Hoàn Vương (vua Chiêm Thành) phá hủy.
Kỷ Hợi, [819], (Đường Nguyên Hòa năm thứ 14). Mùa đông, tháng 10, Đô hộ là Lý Tượng Cổ vì tham bạo hà khắc mất lòng dân chúng. Tướng của Cổ là Dương Thanh đời đời làm tù trưởng Man, khoảng niên hiệu Khai Nguyên [713-742] nhà Đường làm Thứ sử Hoan Châu18 , [7b] Tượng Cổ vẫn kiêng dè, gọi cho làm nha tướng, đến đai sai đi đánh người Man ở Hoàng Động. Thanh nhân thấy lòng người oán giận Tượng Cổ, đang đêm trở về đánh úp châu, chiếm được, giết Tượng Cổ (Thanh là người Giao Châu, Tượng Cổ là người tôn thất nhà Đường). Vua Đường sai Quế Trọng19 đánh Dương Thanh mà không thắng. Thanh vào trong người Man Lạo làm loạn, cướp phá phủ thành, Đô hộ Lý Nguyên Gia đánh không được, dụ không đến. Do đấy người Man Hoàng Động dẫn Hoàn Vươngvào cướp.
Giáp Thìn , [824], (Đường Mục Tông Hằng, Trường Khánh năm thứ 4). Mùa đông, tháng 11, Lý Nguyên Gia21 thấy trước cửa thành có dòng nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, vì thế dời đến đóng ở thành hiện nay. (Bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị22 đến sông Tô Lịch, mới đắp thành nhỏ thôi, có người thầy tướng bảo rằng: Sức ông không đắp nổi thành lớn, sau 50 năm nữa ắt có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ. Đến đời Hàm Thông [860-874], Cao Biền đắp thêm La Thành, đúng như lời người ấy. Lại xét: Phủ thành đô hộ trước đó ở ngoài thành Đông Quan ngày nay, gọi là La Thành, sau Cao Biền đắp thành hiện nay, thành bên ngoài cũng gọi là La Thành).
[8a] Mậu Thân, [828], (Đường Văn Tông Hàm, Thái Hòa năm thứ 2). Đô hộ Hàn Ước đánh Vương Thăng Triều ở Phong Châu, thắng được, sau bị Dương Thanh đuổi, chạy về Quảng Châu.
Tân Dậu, [841], (Đường Vũ Tông Viêm, Hội Xương năm thứ 1). Vua Đường xuống chiếu lấy Vũ Hồn làm Kinh lược sứ thay Hàn Ước.
Quý Hợi, [843], (Đường Hội Xương năm thứ 3). Kinh lược sứ Vũ Hồn bắt tướng sĩ đắp sửa thành phủ, tướng sĩ làm loạn, đốt lầu thành, cướp kho phủ. Hồn chạy về Quảng Châu. Giám quân là Đoàn Sĩ Tắc vỗ yên được quân làm loạn.
Bính Dần , [846], (Đường Hội Xương năm thứ 6). Người Nam Man23 vào cướp. Vua Đường sai Kinh Lược Sứ là Bùi Nguyên Hựu24 đem quân các đạo lân cận đánh dẹp được.
Đinh Sửu, [857], (Đường Tuyên Tông Thầm, Đại Trung năm thứ 11). Mùa hạ, tháng 4, nhà Đường lấy Hữu thiên ngưu vệ đại tướng quân [8b] là Châu Nhai25 là Kinh lược sứ Giao Châu.
Mậu Dần, [858], (Đường Đại Trung năm thứ 12). Mùa xuân, tháng giêng, vua Đường lấy Khang Vương phó26 là Vương Thức làm Giao Châu kinh lược đô hộ sứ. Thức là người có tài lược, đến phủ sai trồng cây táo gai27 làm rào, bên ngoài đào hào sâu để thoát nước trong thành, bên ngoài hào trồng tre gai, giặc không thể xâm phạm được, kén chọn dạy bảo quân lính rất tinh nhuệ. Không bao lâu, người Nam Man (tức Nam Chiếu) kéo đến đông, đóng ở bến đò Cẩm Điền, cách châu độ nửa ngày đường. Ý tứ của Thức vẫn an nhàn như thường, sai người phiên dịch đến dụ, bày tỏ lợi hại, chỉ một đêm người Man lại kéo đi, sai người đến từ tạ nói: "Chúng tôi chỉ đến bắt bọn người Lạo làm phản, chứ không phải đến cướp".
Lại có Đô hiệu La Hành Cung (Đô hiệu cũng như Đô tướng) chuyên quyền ở phủ đã lâu, quân tinh nhuệ dưới cờ đến 2 nghìn người mà ở phủ đô hộ chỉ có vài trăm quân gầy yếu. Thức đến phủ, đánh trượng vào lưng [Hành Cung] rồi đuổi ra nơi biên viễn.
Trước đó, Đô hộ là Lý Trác làm chính sự tham [9a] lam tàn bạo, mua hiếp bò ngựa của người Man, mỗi chỉ trả cho một đấu muối, lại giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành, dân Man oán giận, dẫn đường cho người Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới. Đất Tây Nguyên, Đào Lâm, thuộc Phong Châu, từ xưa vẫn có quân phòng đông28 6.000 người, tù trưởng Man Động Thất Quán bên cạnh là Lý Do Độc, thường giúp đỡ việc đóng giữ và thu tô thuế. Viên Tri Châu Phong Châu (không rõ họ tên) nói với Tác xin bỏ quân đóng thú, chuyên ủy cho Do Độc ngăn phòng. Từ đó Do Độc thế cô, không thể đứng vững được. Thác đông tiết độ của Nam Chiếu (Thác đông: ý nói khai thác cõi đông; Giao Chỉ ở phía đông nước Nam Chiếu, cho nên đặt chức ấy) gửi thư sang dụ Do Độc, đem con gái gả cho con trai của Do Độc, bổ làm Thác đông thác nha29 . Do Độc bèn đem dân chúng làm tôi nước Nam Chiếu. Từ đấy Giao Châu mới có mối lo về người Man [Nam Chiếu].
Tháng 5 năm ấy, người Man [Nam Chiếu] đến cướp, Thức đánh lui được.
Mùa thu, tháng 7, có bọn dân xấu nhiều lần nổi loạn, nói phao rằng: "Nghe đồn Kinh lược sứ Châu Nhai (Châu Nhai ở Quảng [9b] Châu)30 sai quân Hoàng đầu (quân bịt đầu bằng khăn vàng) vượt biển sang đánh úp châu ta". Rồi bọn họ đang đêm kéo nhau đến vây thành, đánh trống reo hò: "Xin đuổi Thức về để chúng tôi đóng ở thành này chống giữ quân Hoàng đầu phía Bắc". Lúc ấy Thức đang ăn, có người khuyên nên tránh đi. Thức nói: "Tôi động chân một chút thì thành này vỡ ngay". Rồi cứ thong thả mà ăn, ăn xong, mặc áo giáp dẫn tả hữu lên mặt thành, dựng cờ đại tướng ngồi mà trách mắng. Bọn làm loạn quay đầu bỏ chạy. Ngày hôm sau, Thức sai bắt giết hết.
Bấy giờ đói kém loạn lạc liên tiếp, 6 năm không nộp thượng cung (thượng cung là tiền, lụa nộp sang Kinh sư để cho vua [Trung Quốc] chi dùng), trong quân không có khao thưởng. Thức bắt đầu sửa sang việc thuế khóa, khao thưởng quân lính. Chiêm Thành, Chân Lạp đều thông sứ trở lại.
Canh Thìn, [860], (Đường Ý Tông Thôi, Hàm Thông năm thứ 1). Mùa xuân, giặc ở Chiết Đông là Cừu Phủ làm loạn. Nhà Đường bàn chọn tướng đi đánh dẹp. Hạ Hầu Tư nói: "Vương Thức tuy là con nhà nho, nhưng trước ở An Nam đã từng uy phục được cả người Hoa và người Di, [10a] cõi xa đều nghe danh tiếng, có thể đảm nhiệm được". Vua Đường bèn gọi Thức về trao cho chức Chiết Đông quan sát sứ.
Mùa đông, tháng 12, ngày Mậu Thân, người thổ man dẫn quân Nam Chiếu hợp lại hơn 3 vạn người, nhân khi sơ hở đến đánh chiếm phủ [trị] của châu ta. Đô hộ Lý Hộ cùng với viên giám quân chạy về Vũ Châu.
Tân Tỵ, [861], (Đường Hàm Thông năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng vua Đường xuống chiếu phát quân Ung Quản31 và các đạo lân cận sang cứu Lý Hộ, đánh lại Nam di [Nam Chiếu]. Mùa hạ, tháng 6, ngày Quý Sửu, vua Đường sai Phòng ngự sứ Diêm Châu là Vương Khoan làm Kinh lược sứ An Nam. Bấy giờ Lý Hộ từ Vũ Châu thu nhặt quân người địa phương [Giao Châu] đánh bọn Man [Nam Chiếu], lấy lại được phủ thành. Vua Đường trách tội thất thủ, biếm làm Tư hộ Đạm Châu, sau đày đi Châu, lấy Vương Khoan làm Đô hộ kinh lược sứ. Hộ khi mới đến giết tù trưởng người Man là Đỗ Trừng32 , cho nên họ hàng nhà Trừng xui giục và dẫn đường cho người Man [Nam Chiếu] đánh lấy châu.
[10b] Nhâm Ngọ, [862], (Đường Hàm Thông năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, Nam Chiếu lại vào cướp phá. Vương Khoan mấy lần sai sứ cáo cấp. Vua Đường sai Hồ Nam quan sát sứ trước là Sái Tập thay thế, đem binh các đạo Hứa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tương, Đàm, Ngạc, hợp lại được 3 vạn, giao cho Tập để chống cự. Thế quân đã mạnh, quân Man bèn rút lui.
Mùa hạ, tháng 5, Lĩnh Nam tiết độ là Sái Kinh thấy Tập đem quân các đạo đến chống cự với quân Man, sợ Tập lập được công, có ý ghen ghét, nhân đó tâu rằng: "Bọn Nam Man đã trốn xa, biên giới không đáng lo nữa. Kẻ vũ phu cầu công, xin càn quân đóng thú, tổn phí quân lương và chuyên chở, vì góc lánh đường xa khó bề kiểm soát, nên tha hồ làm việc gian trá. Xin bãi quân đóng giữ, cho đạo nào lại về đạo ấy". Vua Đường nghe theo. Tập nhiều lần tâu rằng: "Bọn người Man rình lúc sơ hở đã lâu, không thể không phòng bị, xin lưu lại 5 nghìn thú binh". Vua Đường không nghe, Tập cho là giặc Man [Nam Chiếu] ắt lại đến, mà quân lính và lương thực đều thiếu, trí lực [11a] hai mặt đều quẫn, mới làm tờ sớ "Thập tất tử trạng" [10 tình trạng ắt phải chết] trình lên tòa Trung thư. Nhưng tể tướng thời bấy giờ tin lời Sái Kinh, cuối cùng vẫn không xét đến.
Mùa thu, tháng 7, Sái Kinh ở trị sở, chính lệnh hà khắc thảm độc, cả cõi đều oán, bị quân sĩ đuổi, phải biếm làm Tư hộ Nhai Châu, không chịu đi nhận chức, vua Đường xuống sắc bắt phải tự tử.
Mùa đông, tháng 10, bọn Man Nam Chiếu 5 vạn người đến cướp, Tập cáo cấp. Vua Đường sai lấy quân hai đạo Kinh Nam, Hồ Nam 2 nghìn người và con em nghĩa chinh ở Quế Quản (vì họ ứng mộ tòng quân nên gọi là nghĩa binh) 3 nghìn người đến Ung Châu chịu lệnh tiết chế của Trịnh Ngu để sang cứu [Sái Tập]. Tháng 12, Tập lại xin thêm quân, vua Đường sắc cho Sơn Nam đông đạo đem 1 nghìn quân tay nỏ sang cứu. Khi ấy quân Nam Chiếu đã vây phủ, quân cứu viện không thể đến được. Tập chỉ cố thủ xung quanh thành mà thôi.
Quý Mùi, [863], (Đường Hàm Thông năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Ngọ, quân Nam Chiếu đánh chiếm phủ thành, tả hữu của Tập [11b] đều chết hết. Tập chạy bộ, cố sức đánh, người trúng mười mũi tên, muốn xuống thuyền của giám quân nhưng thuyền đã đi xa bờ, bèn nhảy xuống biển chết, cả nhà 70 người. Liêu thuộc là Phàn Xước đem ấn tín binh phù của Tập sang sông trước, được thoát. Tướng sĩ các châu Kinh Nam, Giang Tây, Ngạc, Nhạc, Tương, hơn 4 trăm người chạy đến phía đông thành giáp sông. Ngu hầu Kinh Nam là bọn Nguyên Duy Đức bảo quân sĩ rằng: "Bọn ta không có thuyền, xuống nước tất chết, chi bằng lại quay về thành đánh nhau với người Man, một người của ta đổi lấy hai người Man, cũng có lợi". Bèn trở lại thành, vào cửa Đông La (tức là cửa đông La Thành An Nam). Người Man không phòng bị, bọn Duy Đức tung quân đánh, giết quân Man hơn 2 nghìn. Đến đêm, tướng Man là Dương Tư Tấn từ trong tử thành (tức thành nhỏ ở trong thành) đem quân ra cứu, bọn Duy Đức đều chết cả. Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 15 vạn người. [Khi rút lui] lưu lại 2 vạn quân, sai Tư Tấn giữ [12a] thành Giao Châu ta. Người Di Lão ở các khe động không cứ xa gần đều hàng phục cả. [Vua] Nam Chiếu cho thuộc hạ là Đoàn Tù Thiên làm Tiết độ sứ phủ [Giao Châu] ta. Vua Đường xuống chiếu gọi viện binh các đạo về chia giữ Tây Đạo ở Lĩnh Nam33 .
Tháng 6, bỏ An Nam đô hộ phủ, đặt chức Hành Giao Châu ở trấn Hải Môn34 , cho Hữu giám môn vệ tướng quân là Tống Nhung giữ chức Hành Giao Châu thứ sử, cho Vũ Nghĩa tiết độ sứ35 là Khang Thừa Huấn kiêm lĩnh chức Lĩnh Nam cập chủ quân hành doanh36 .
Mùa thu, tháng 7, lại đặt An Nam đô hộ phủ ở Hành Giao Châu, cho Tống Nhung làm Kinh lược sứ, đem quân Sơn Đông một vạn người đến trấn giữ. Khi ấy quân các đạo của nhà Đường đến cứu viện, đều đóng lại ỡ Lĩnh Nam không tiến, hao phí lương thực, vận chuyển, người Nhuận Châu là Trần Bàn Thạch dâng sớ xin đóng loại thuyền nghìn hộc để chở gạo từ Phúc Kiến đi đường biển, không đầy một tháng thì đến Quảng Châu. Vua Đường nghe theo, lương ăn của quân lính nhờ đó được đầy đủ. Nhưng [12b] bọn quan lại mượn tiếng thuê thuyền để cướp đoạt thuyền của người buôn, vứt hàng hóa của họ lên bờ: khi thuyền ra biển có chiếc nào bị sóng gió làm chìm đắm thì bắt giam cương lại37 và chủ thuyền để bắt đền số gạo bị mất, [vì thế] người ta rất khổ sở.
Giáp Thân, [864], (Đường Hàm Thông năm thứ 5). Vua Đường cho Tổng quản38 kinh lược sứ là Trương Nhân kiêm coi giữ việc Giao Châu, tăng thêm quân ở trấn Hải Môn cho đủ số 2 vạn 5 nghìn người, sai Nhân tiến quân lấy lại phủ thành.
Mùa thu, tháng 7, Nhân dùng dằng không dám tiến. Hạ Hầu Tư tiến cử Kiêu vệ tướng quân là Cao Biền thay, bèn cho Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ, bao nhiêu quân sĩ của Nhân đều trao cho Biền cả. Biền tiểu tự là Thiên Lý, cháu của Nam Bình Quận Vương [Cao] Sùng Văn, đời đời coi giữ cấm binh. Biền đổi chí vào việc học, thích bàn luận việc xưa nay, người trong quân đều [13a] khen ngợi. Lúc còn ít tuổi, theo giúp Chu Thục Minh. [Một hôm] có hai con diều sóng đôi bay qua, Biền giương cung nhắm bắn, khấn rằng: "Nếu ta sau này được quý hiển thì phải bắn trúng" rồi bắn một phát tên trúng cả hai con. Mọi người cả kinh, nhân đó gọi là "Lạc điêu thị ngự sử" [quan thị ngự sử bắn rơi chim điêu]. Sau Biền được thăng dần đến chức Hữu thần sách đô ngu hầu. Người Đảng Hạng làm phản, Biền đem hơn 1 vạn cấm binh đến đóng ở Trường Vũ, nhiều lần lập công, thăng chức Tần Châu phòng ngự sử, lại có công nữa. Bấy giờ Nam Chiếu chiếm đất ta, cho nên sai Biền sang thay [Trương Nhân].
Ất Dậu , [865], (Đường Hàm Thông năm thứ 6). Mùa thu, tháng 7, Cao Biền sửa quân ở trấn Hải Môn chưa tiến. Giám quân là Lý Du ghét Biền muốn tống đi, nhiều lần giục Biền tiến quân. Biền đem hơn 5 nghìn quân vượt biển đi trước, hẹn Duy Chu đem quân ứng viện. Biền đi rồi, Duy Chu cầm quân còn lại không tiến phát. Tháng 9, Biền đến Nam Định39 , Phong Châu, quân Man gần 5 vạn đương gặt lúa, Biền ập đến [13b] đánh tan, chém được bọn Trương Thuyên, thu lấy số lúa đã gặt dùng để nuôi quân.
Bính Tuất, [866], (Đường Hàm Thông năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Nam Chiếu thăng chức cho Đoàn Tù Thiên làm Tiết độ sứ Thiện Xiển (Thiện Xiển là đô khác của Nam Chiếu, ở tây bắc Giao Châu)40 , sai Trương Tập41 giúp Tù Thiên đánh Giao Châu, cho Phạm Nật Ta làm Đô thống phủ ta, Triệu Nặc Mi làm Đô thống Phù Da42 . Giám trận nhà Đường sai Vi Trọng Tể đem hơn 7 nghìn quân đến Phong Châu. Biền được thêm quân, tiến đánh Nam Chiếu, nhiều lần đánh tan được. Tờ tâu thắng trận gửi đến trấn Hải Môn, Duy Chu đều giấu đi. Mấy tháng không có tin tức, vua Đường lấy làm lạ mới hỏi Duy Chu. Duy Chu tâu rằng: Biền đóng quân ở Phong Châu, ngồi nhìn giặc không chịu tiến. Vua Đường tức giận, sai Hữu vũ vệ tướng quân là Vương Án Quyền thay Biền, đòi Biền về kinh đô, ý muốn biếm phạt nặng. Tháng ấy, Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống rất [14a] nhiều. Nam Chiếu thu quân còn sót chạy vào châu thành cố giữ. Mùa đông, tháng 10, Cao Biền vây châu thành hơn 10 ngày, người Man rất khốn quẫn. Thành sắp hạ thì vừa lúc Biền nhận được văn thư của Vương Án Quyền cho biết đã cùng với Duy Chu đem đại quân xuất phát từ trấn Hải Môn. Biền liền trao việc quân cho Trọng Tể, rồi cùng với bộ hạ hơn 100 người về Bắc.
Trước đó, Trọng Tể sai tiểu sứ là Vương Tuệ Tán, Cao Biền sai tiểu hiệu là Tăng Cổn cùng mang thư báo thắng trận về nhà Đường, đến giữa biển, trông thấy cờ quạt kéo sang phía đông, hỏi những thuyền đi trên biển thì họ nói đó là quan Kinh lược sứ và Giám quân mới đến. Hai người bàn nhau rằng: "Duy Chu thế nào cũng cướp lấy tờ biểu và giữ chúng ta lại". Bèn nấp ở hải đảo chờ Duy Chu đi qua rồi mới đi gấp về kinh sư. Vua Đường được tờ tâu cả mừng, liền thăng cho Biền làm Kiểm hiệu Công bộ thượng thư, sai Biền đi đánh người Man. Biền về đến trấn Hải Môn thì quay lại.
Án Quyền là người ngu hèn, việc gì cũng xin lệnh của Duy Chu. Duy [14b] Chu là người hung bạo tham lam, các tướng không chịu giúp việc, bọn họ bèn mở vòng vây cho người Man trốn đi quá nửa. Biền đến nơi lại đốc thúc khích lệ tướng sĩ, đánh lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn 3 vạn đầu. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man dã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 1 vạn 7 nghìn.
Tháng 11, ngày Nhâm Tý, vua Đường xuống chiếu cho các lộ quân Giao Châu, Ung Châu, Tây Châu43 phải giữ bờ cõi, không tiến đánh nữa; đặt Tĩnh Hải quân ở Giao Châu, lấy Biền làm Tiết độ sứ. (Từ đây cho đến đời nhà Tống, An Nam gọi là Tĩnh Hải quân tiết trấn Từ khi Lý Trác xâm phạm quấy nhiễu, khiến cho người Man [Nam Chiếu] gây họa đến gần 10 năm, đến đấy mới yên. Cao Biền giữ phủ xưng vương44 , đắp La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao [15a] 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, bốn mặt thành đắp các nữ tường nhỏ45 trên bốn mặt thành cao 5 thước 5 tấc46 , lầu nhìn giặc 55 sở, cửa ống 6 sở, cừ nước 3 sở, đường bộ 34 sở. Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước; cao 1 trượng 5 thước; chân rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn 40 vạn gian47 .
Lê Văn Hưu nói: Một Lý Trác tham bạo mà dẫn đến mười mấy năm bị tai họa người Man, huống chi lại có kẻ bạo ngược hơn cả Lý Trác nữa. Một Cao Biền đốc suất bộ thuộc mà chém được vài vạn quân giặc mạnh, huống chi lại có người giỏi hơn Cao Biền nữa! Cho nên Trác không thể bảo toàn được mình, mà Cao Biền thì giữ thành xưng vương, người khéo trị nước phải nên cẩn thận việc chọn người.
Đinh Hợi, [867], (Đường Hàm Thông năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, Cao Biền đi tuần thị đến hai châu Ung, Quảng thấy đường biển có [15b] nhiều đá ngầm làm đắm thuyền, vận chở không thông, bèn sai bọn Nhiếp trưởng sử Lâm Phúng, Hồ Nam tướng quân Dư Tồn Cổ đem quân bản bộ và thủy thủ hơn nghìn người đến đục đá khai đường, bảo rằng: "Đạo trời giúp người thuận, thần linh phù kẻ ngay. Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu mình không theo lòng riêng thì có gì khó. Các đô hộ thời trước không khao thưởng quân sĩ, giữ phép không vững, làm sai lời hứa, trái ước hẹn, mưu lợi riêng, cho nên mọi người đều trễ biếng. Nay ta không như thế, chỉ cốt làm cho xong việc của nhà vua mà thôi". Biền nói xong, bọn Phúng vâng lệnh đi ra. Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 5, khởi công khơi đào, trong khoảng hơn 1 tháng, gần được thông suốt, duy ở quãng giữa có hai chỗ đá lớn quanh co chắn ngang đến mấy trượng, đục xuống thì quằn đục, dùng búa thì gãy cán, người làm việc cả ngày nhìn nhau, công việc cơ hồ bỏ dở. Ngày 26 tháng 5, đương ban ngày bỗng nhiên mây dồn, gió nổi dữ dội, trông vào rừng tối như đêm, [16a] ngửa bàn tay không nhìn thấy, chốc lát hàng trăm tiếng sét nổ vang trời ở chỗ đá lớn, chỉ trong khoảnh khắc trở lại bừng sáng. Người làm việc chạy tới xem thì thấy các khối đá đã bị tan nát cả. Về phía tây lại gặp hai chỗ đá lớn dựng đứng, người làm cũng phải chịu bó tay.
Ngày 21 tháng 6 lại có sét đánh như trước, chỉ trong một lúc đá lớn đều bị tan vụn cả. Kênh bèn đào xong, vì thế gọi là kênh Thiên Uy48 .
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Việc Cao Biền đào kênh sao mà kỳ dị thế? Đó là việc làm hợp lẽ49 , cho nên được trời giúp. Trời là lẽ phải. Đất có chỗ hiểm, chỗ bằng, đó là lẽ thường. Sức người có thể vượt hiểm được, đó cũng là lẽ thường. Nếu hiểm mà không vượt được thì trời phải nhờ đến tay người làm gì? Vua Vũ trị thủy, nếu không hợp lẽ thì trời đâu mà tác thành được? Đất do đâu mà bằng phẳng được? Công hiệu đến mức rùa sông Lạc hiện điềm lành, thế không phải là trời [16b] giúp ư ? Xem như lời của Biền nói: "Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu không theo lòng riêng thì có gì khó". Lòng thành phát ra từ lời nói, thì lời nói ấy há chẳng là thuận ư ? Lòng tinh thành thực cảm thông đến cả vàng đá, huống nữa là trời? Việc gì trời đã giúp sức là thuận. Kinh Dịch nói: "Giữ điều tín mà nghĩ điều thuận, thì trời sẽ giúp cho, đều tốt cả, không có điều gì bất lợi". Thế thì việc sét đánh đá lớn để giúp chẳng có gì là lạ cả.
Mậu Tý, [868] (Đường Hàm Thông năm thứ 9). Mùa thu, tháng 7, vua Đường lấy Cao Biền làm Hữu kim ngô vệ đại tướng quân (có sách chép là Kiểm hiệu thượng thư bộc xạ), đến đời Đường Hy Tông năm Ất Mùi niên hiệu Càn Phù năm thứ 2 [875] đổi làm Tây Xuyên tiết độ sứ. Biền thấy cháu gọi bằng ông họ là Cao Tầm trước làm tiên phong, xông pha tên đạn, được quân lính phục theo, bèn dâng biểu tiến cử Tầm thay mình trấn giữ đất ta. Vua Đường nghe theo. [Cả Biền và Tầm] ở trấn cộng 13 năm; Biền [17a] từ năm Bính Tuất đến năm Giáp Ngọ niên hiệu Hàm Thông [866-874], Tầm từ năm Ất Mùi đến năm Mậu Tuất niên hiệu Càn Phù (875-878).
Canh Tý, [880], (Đường Hy Tông Nghiễm, Quảng Minh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, quân ở phủ Đô hộ làm loạn, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ chạy khỏi thành (Cổn thay Biền, có tiếng là người biết vỗ dân50 , người [trong châu] gọi là Tăng thượng thư; Cổn từng soạn sách Giao Châu ký, 1 thiên). Các đạo quân nhà Đường đóng giữ Ung Quản thường tự ý bỏ về luôn.
Ất Sửu, [905], (Đường Ai Đế Chúc, Thiên Hựu năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, ngày Mậu Tuất, Chu Toàn Trung nhà Đường thấy Giao Châu tiết độ sứ đồng bình chương sự Chu Toàn Dục là người ngu đần chất phác, không có tài năng gì, tự xin bãi đi. Toàn Dục là anh Toàn Trung.
Trở lên là [kỷ] thuộc Tùy, Đường, từ năm Quý Hợi đến năm Bính Dần, cộng 304 năm [603-906].
(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)