Tỉnh Phú Khánh trên bản đồ hành chính Việt Nam năm 1976

Phú Khánh là một tỉnh cũ của Việt Nam tồn tại từ ngày 29 tháng 10 năm 1975 đến 30 tháng 6 năm 1989.

Vị trí địa lý

  • Phía Bắc giáp tỉnh Nghĩa Bình.
  • Phía Nam giáp tỉnh Thuận Hải.
  • Phía Đông giáp biển Đông.
  • Phía Tây giáp 3 tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Hình thành

Tỉnh Phú Khánh được hợp nhất từ tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa, thị xã Nha Trang và Thị xã Cam Ranh thời Việt Nam Cộng Hòa.

Sau khi thành lập tỉnh Phú Khánh, các huyện mới cũng được thành lập thông qua sáp nhập: Vạn Ninh và Ninh Hòa thành huyện Khánh Ninh; Diên Khánh và Vĩnh Xương thành huyện Khánh Xương; Vĩnh Khánh và một nửa huyện Vĩnh Sơn thành huyện Khánh Vĩnh; Khánh Sơn và số xã còn lại của huyện Vĩnh Sơn thành huyện Khánh Sơn; Sơn Hòa và Sông Hinh thành huyện Tây Sơn; hợp nhất quận I và quận II của thành phố Nha Trang (cũ) thành thị xã Nha Trang1 ...

Tỉnh Phú Khánh vào cuối năm 1975 gồm thị xã Nha Trang (tỉnh lị), thị xã Tuy Hòa và 9 huyện: Cam Ranh, Đồng Xuân, Khánh Ninh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Khánh Xương, Tây Sơn, Tuy An, Tuy Hòa1 .

Tháng 3 năm 1977, thành lập các huyện lớn như sau2 :

  • 2 huyện Cam Ranh và Khánh Sơn được hợp nhất thành huyện Cam Ranh;
  • 2 huyện Khánh Xương và Khánh Vĩnh được hợp nhất thành huyện Diên Khánh;
  • 2 huyện Tuy An, Đồng Xuân và 4 xã: Sơn Long, Sơn Đỉnh, Sơn Xuân, Phú Mỗ của huyện Tây Sơn được hợp nhất thành huyện Xuân An;
  • huyện Tuy Hòa và thị xã Tuy Hòa được hợp nhất thành huyện Tuy Hòa, thị xã Tuy Hòa chuyển xuống thành thị trấn Tuy Hòa thuộc huyện Tuy Hòa.
  • 7 xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Thanh, Vĩnh Trung, Vĩnh Lương, Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Ngọc của huyện Vĩnh Xương được sáp nhập vào thị xã Nha Trang. Thị xã Nha Trang được gọi là thành phố Nha Trang thuộc tỉnh Phú Khánh.

Tháng 9 năm 1978, huyện Tuy Hòa được chia thành huyện Tuy Hòa (mới) và thị xã Tuy Hòa. Huyện Xuân An được chia thành 2 huyện là Tuy An và Đồng Xuân. Các xã: Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định của huyện Xuân An được chuyển về huyện Tây Sơn3 .

Tháng 3 năm 1979, huyện Khánh Ninh được chia thành huyện Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh4 .

Tháng 12 năm 1982, huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai được sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh5 .

Tháng 12 năm 1984, huyện Tây Sơn được chia thành hai huyện là Sông Hinh và Sơn Hoà6 .

Ngày 27 tháng 6 năm 1985, chia huyện Cam Ranh thành 2 huyện: Cam Ranh và Khánh Sơn; chia huyện Diên Khánh thành 2 huyện: Diên Khánh và Khánh Vĩnh; chia huyện Đồng Xuân thành 2 huyện: Đồng Xuân và Sông Cầu7 .

Đến cuối năm 1988, tỉnh Phú Khánh có 15 đơn vị hành chính gồm: thành phố Nha Trang (tỉnh lị), thị xã Tuy Hòa và 13 huyện: Cam Ranh, Diên Khánh, Đồng Xuân, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Sơn Hòa, Sông Cầu, Sông Hinh, Trường Sa, Tuy An, Tuy Hòa, Vạn Ninh.

Chia tách

Ngày 30 tháng 6 năm 1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Phú Khánh để tái lập tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa7 . Tỉnh Khánh Hòa gồm thành phố Nha Trang và 7 huyện: Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Trường Sa, Vạn Ninh. Tỉnh Phú Yên gồm thị xã Tuy Hòa và 6 huyện: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Cầu, Sông Hinh, Tuy An, Tây Hòa.

Chú thích

  1. ^ a ă Tư liệu lịch sử đảng bộ tỉnh Phú Khánh. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập 03/5/2011.
  2. ^ Quyết định số 49-CP ngày 10 tháng 03 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Phú Khánh.
  3. ^ Quyết định số 241-CP ngày 22 tháng 09 năm 1978 của Hội đồng Chính phủ về việc chia một số huyện thuộc tỉnh Phú Khánh.
  4. ^ Quyết định số 85-CP ngày 05 tháng 03 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ về việc chia huyện Khánh Ninh thuộc tỉnh Phú Khánh thành hai huyện lấy tên là huyện Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh
  5. ^ Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ngày 28 tháng 12 năm 1982 về việc sáp nhập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và tỉnh Phú Khánh
  6. ^ Quyết định số 179-HĐBT ngày 27 tháng 12 năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng về việc chia huyện Tây Sơn, tỉnh Phú Khánh
  7. ^ a ă Quyết định số 199-HĐBT ngày 27 tháng 6 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện thuộc tỉnh Phú Khánh Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “PK3” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác

Xem thêm

  • Phú Yên
  • Khánh Hòa

(Nguồn: Wikipedia)