Thành phố Tây Ninh | |||
---|---|---|---|
Thành phố trực thuộc tỉnh | |||
Địa lý | |||
Tọa độ: 11°22′4″B 106°07′8″Đ / 11,36778°B 106,11889°ĐTọa độ: 11°22′4″B 106°07′8″Đ / 11,36778°B 106,11889°Đ | |||
Diện tích | 140 km²1 | ||
Dân số (2013) | |||
Tổng cộng | 153.537 người1 | ||
Mật độ | 1.097 người/ km² | ||
Dân tộc | Kinh,... | ||
| |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đông Nam Bộ | ||
Tỉnh | Tây Ninh | ||
Thành lập | 2013 | ||
Chủ tịch HĐND | Nguyễn Thị Thu Thủy | ||
Phân chia hành chính | 7 phường và 3 xã | ||
Mã hành chính | 7031 | ||
Website | Tỉnh Tây Ninh |
Thành phố Tây Ninh được thành lập năm 2013, hiện là đô thị loại III và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, hành chính của tỉnh Tây Ninh cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 100 km về phía Tây Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi giao nhau giữa các quốc lộ 22B, đường đi đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát.
Vị trí địa lý
- Phía Đông giáp huyện Dương Minh Châu
- Phía Tây giáp huyện Châu Thành
- Phía Nam giáp huyện Hòa Thành
- Phía Bắc giáp huyện Tân Biên và Tân Châu
Hành chính
Thành phố Tây Ninh gồm 7 phường: 1, 2, 3, 4, Hiệp Ninh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh và 3 xã: Bình Minh, Tân Bình, Thạnh Tân.
Lịch sử
Với Hoà ước Giáp Tuất ngày 15 tháng 3 năm 1874, Nam Kỳ Lục tỉnh trở thành thuộc địa của Pháp. Ngày 5 tháng 6 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ là Đuyprê ra Nghị định chia Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac, thời điểm này Tây Ninh thuộc Sài Gòn.
Ngày 19 tháng 5 năm 1942, Tỉnh trưởng của tỉnh Tây Ninh có Tờ trình số 2206/A01 gửi Thống đốc Nam kỳ đề nghị thành lập tại xã Thái Hiệp Thạnh khu thị tứ (thị xã) Tây Ninh. Dân số vào thập niên 1930 là 3.700.2
Ngày 9 tháng 12 năm 1942, Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định 8345 ấn định ranh giới Tây Ninh. Sau Cách mạng Tháng Tám tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên ranh giới cũ. Năm 1950, cắt một phần đất của Thái Hiệp Thạnh cũ thành lập thị xã Tây Ninh, nhưng do chưa đủ điều kiện hoạt động nên sau đó giải thể. Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, thành lập lại Thị xã Tây Ninh trên địa bàn cũ, do Võ Văn Truyện làm Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính. Thị xã chỉ giới hạn trong phạm vi xã Thái Hiệp Thạnh và bao gồm phần thị tứ nhất của ba xã Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh chấm dứt. Tỉnh tổ chức thành 7 huyện và 01 thị xã. Trong đó, thị xã Tây Ninh có 3 phường: 1, 2, 3. Ngày 26 tháng 9 năm 1983, thành lập xã Bình Minh3 . Thực hiện Nghị định 46/2001/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ, Thị xã Tây Ninh được mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở sáp nhập 5 xã: Tân Bình, Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thạnh Tân, Hiệp Ninh và 139 ha diện tích tự nhiên với 7.815 nhân khẩu của xã Hiệp Tân thuộc huyện Hòa Thành; thành lập phường 4 trên cơ sở 139 ha diện tích tự nhiên với 7.815 nhân khẩu của xã Hiệp Tân (phần điều chỉnh diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Hiệp Tân về thị xã Tây Ninh quản lý); chuyển xã Hiệp Ninh thành phường Hiệp Ninh.
Ngày 12 tháng 12 năm 2012, Bộ Xây dựng có Quyết định số 1112/QĐ-BXD, công nhận thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, là đô thị loại III4 .
Ngày 29 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết 135/NQ-CP chuyển 2 xã Ninh Sơn, Ninh Thạnh thành các phường có tên tương ứng và nâng cấp thị xã Tây Ninh thành thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh.5
Tên đường của Tây Ninh trước 1975
Đường Gia Long, Võ Duy Dương và Phan Thanh Giản nay là đường Cách Mạng Tháng 8
Đường Huyện Vĩnh nay là đường Trần Quốc Toản
Đường Trưng Nữ Vương nay là đường 30 tháng 4
Đường Lãnh Binh Định nay là đường Trương Định
Đường Yết Ma Lượng nay là đường Nguyễn Văn Cừ
Đường Tự Đức nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai
Đường Nguyễn Trãi nay là đường Lê Văn Tám
Đường Võ Tánh nay là đường Lê Lợi
Đường Hồ Huân Nghiệp và công trường Duy Tân nay là đường Nguyễn Đình Chiểu
Đường Trương Huệ nay là đường Trương Quyền
Đường Huỳnh Văn Lai nay là đường Ngô Gia Tự
Đường Nguyễn Văn Buôn nay là đường Yết Kiêu
Kinh tế
Là tỉnh lỵ của tỉnh Tây Ninh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và vùng lân cận.
Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2011, giá trị sản xuất của thị xã Tây Ninh luôn ở mức cao, đạt bình quân 15,3%/năm, thu ngân sách năm 2011 là 297 tỷ đồng,trong đó khu vực thương mại, dịch vụ đạt bình quân 16,8%/năm; công nghiệp, xây dựng đạt 13,8%/năm, nông lâm, ngư nghiệp đạt 8,5%/năm6 .
Theo định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Tây Ninh là đô thị quan trọng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một cực tăng trưởng chủ đạo trong hệ thống đô thị Việt Nam với Thành phố Hồ Chí Minh, là đô thị động lực chính. Đô thị này còn nằm trong vùng đối trọng phát triển kinh tế phía Bắc, định hướng đến năm 2020 sẽ nâng lên đô thị loại II6 .
Du lịch
- Núi Bà Đen
- Chùa Điện Bà
- Chùa Linh Sơn Tiên Thạch
- Đền Quan lớn Trà Vong
- Đình Thái Bình
- Đình Hiệp Ninh
- Miếu Quan Đế
- Đền Trần Hưng Đạo
- Miếu Thiên hậu thánh mẫu
- Giếng mạch Thiên nhiên
- Khu du lịch Long Điền Sơn
- Trung ương Cục
- Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh
Chú thích
- ^ a ă â “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012.
- ^ Gauthier, Julien. L'Indochine au travail dans la paix française. Paris: Eyrolles, 1949. Tr 198
- ^ QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 93/HĐBT NGÀY 26-9-1981 VỀ VIỆC PHÂN VẠCH ĐỊA GIỚI MỘT SỐ XÃ THUỘC TỈNH TÂY NINH
- ^ Quyết định 1112/QĐ-BXD năm 2012 công nhận thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh là đô thị loại III, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
- ^ Nghị quyết 135/NQ-CP năm 2013 thành lập các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh thuộc thị xã Tây Ninh và thành lập thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh
- ^ a ă Thị xã Tây Ninh được công nhận đô thị loại III, Đài phát thanh và truyền hình Bình Dương - BTV.
(Nguồn: Wikipedia)