Vị trí Hành chính

Can Lộc là một huyện đồng bằng lớn, nằm ở trung tâm tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam.

Vị trí địa lý

Về phía bắc giáp huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh

Phía Tây Bắc giáp huyện Đức Thọ

Phía Tây Nam giáp huyện Hương Khê.

Phía Nam giáp huyện Thạch Hà

Phía Đông và Đông Nam giáp huyện Lộc Hà.

Can Lộc cách thủ đô Hà Nội 330 km, cách thành phố Vinh khoảng 30 km về phía Bắc, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 20 km về phía Nam.

Đây cũng là địa phương có dự án Đường cao tốc Hà Tĩnh – Quảng Bình đi qua đang được xây dựng.

Diện tích - Dân số

Diện tích(2010) 378 km².

Dân số (2003) 180.931 người.

Lịch sử

  • Thời vua Hùng dựng nước, nước Việt được chia làm 15 bộ, bộ Cửu Đức là vùng đất Nam Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay, huyện Can Lộc nằm trong lãnh thổ bộ này.
  • Huyện đã hình thành từ xưa và đã từng mang nhiều tên gọi: huyện Phù Lĩnh (thời thuộc Ngô - 271), huyện Việt Thường (thời thuộc Đường - 679), huyện Hà Hoàng thuộc về đất Hoan Châu.
  • Thời nhà Trần, Can Lộc có tên là huyện Phỉ Lộc thuộc Nghệ An phủ.
  • Thời Lê Sơ huyện Thiên Lộc được thành lập gồm 27 xã. Tên huyện Thiên Lộc cùng với địa giới huyện này được hoạch định rành mạch bắt đầu từ đó. Lúc đó huyện Thiên Lộc thuộc phủ Đức Quang, xứ Nghệ An.
  • Đến thời nhà Nguyễn, năm Tự Đức thứ 15 (1862), vua ra chỉ dụ: ở đâu địa danh có chữ "thiên" phải đổi chữ khác để tỏ lòng tôn kính trời. Từ đó, huyện Thiên Lộc phải đổi thành huyện Can Lộc.
  • Năm 1976, huyện Can Lộc thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh, gồm 32 xã: An Lộc, Bình Lộc, Đại Lộc, Đậu Liêu, Đồng Lộc, Gia Hanh, Hồng Lộc, Ích Hậu, Khánh Lộc, Kim Lộc, Mỹ Lộc, Phú Lộc, Phù Lưu, Quang Lộc, Sơn Lộc, Song Lộc, Tân Lộc, Thanh Lộc, Thiên Lộc, Thịnh Lộc, Thuận Lộc, Thuần Thiện, Thường Lộc, Thường Nga, Tiến Lộc, Trung Lộc, Trường Lộc, Tùng Lộc, Vĩnh Lộc, Vượng Lộc, Xuân Lộc, Yên Lộc.
  • Ngày 27 tháng 10 năm 1984 một phần đất xã Đại Lộc và xã Thiên Lộc được cắt để thành lập thị trấn Can Lộc, thị trấn huyện lị huyện Can Lộc.
  • Năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh được tái lập từ tỉnh Nghệ Tĩnh, huyện Can Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, gồm 1 thị trấn Can Lộc và 32 xã: An Lộc, Bình Lộc, Đại Lộc, Đậu Liêu, Đồng Lộc, Gia Hanh, Hồng Lộc, Ích Hậu, Khánh Lộc, Kim Lộc, Mỹ Lộc, Phú Lộc, Phù Lưu, Quang Lộc, Sơn Lộc, Song Lộc, Tân Lộc, Thanh Lộc, Thiên Lộc, Thịnh Lộc, Thuận Lộc, Thuần Thiện, Thường Lộc, Thường Nga, Tiến Lộc, Trung Lộc, Trường Lộc, Tùng Lộc, Vĩnh Lộc, Vượng Lộc, Xuân Lộc, Yên Lộc.
  • Ngày 2 tháng 3 năm 1992, hai xã Đậu Liêu và Thuận Lộc nguyên thuộc huyện Can Lộc được cắt để chuyển về thị xã Hồng Lĩnh. Huyện còn lại 1 thị trấn Can Lộc và 30 xã: An Lộc, Bình Lộc, Đại Lộc, Đồng Lộc, Gia Hanh, Hồng Lộc, Ích Hậu, Khánh Lộc, Kim Lộc, Mỹ Lộc, Phú Lộc, Phù Lưu, Quang Lộc, Sơn Lộc, Song Lộc, Tân Lộc, Thanh Lộc, Thiên Lộc, Thịnh Lộc, Thuần Thiện, Thường Lộc, Thường Nga, Tiến Lộc, Trung Lộc, Trường Lộc, Tùng Lộc, Vĩnh Lộc, Vượng Lộc, Xuân Lộc, Yên Lộc.
  • Ngày 2 tháng 8 năm 1999, hợp nhất thị trấn Can Lộc và xã Đại Lộc thành thị trấn Nghèn.
  • Cuối năm 2006, huyện Can Lộc có 1 thị trấn Nghèn và 29 xã: An Lộc, Bình Lộc, Đồng Lộc, Gia Hanh, Hồng Lộc, Ích Hậu, Khánh Lộc, Kim Lộc, Mỹ Lộc, Phú Lộc, Phù Lưu, Quang Lộc, Sơn Lộc, Song Lộc, Tân Lộc, Thanh Lộc, Thiên Lộc, Thịnh Lộc, Thuần Thiện, Thường Lộc, Thường Nga, Tiến Lộc, Trung Lộc, Trường Lộc, Tùng Lộc, Vĩnh Lộc, Vượng Lộc, Xuân Lộc, Yên Lộc.
  • Ngày 7 tháng 2 năm 2007, 7 xã của huyện Can Lộc là: Ích Hậu, Hồng Lộc, Phù Lưu, Bình Lộc, Tân Lộc, An Lộc, Thịnh Lộc được cắt về cho huyện Lộc Hà.

Hành chính

Huyện Can Lộc hiện nay gồm 1 thị trấn Nghèn và 22 xã trực thuộc: Đồng Lộc, Gia Hanh, Khánh Lộc, Kim Lộc, Mỹ Lộc, Phú Lộc, Quang Lộc, Sơn Lộc, Song Lộc, Thanh Lộc, Thiên Lộc, Thuần Thiện, Thượng Lộc, Thường Nga, Tiến Lộc, Trung Lộc, Trường Lộc, Tùng Lộc, Vĩnh Lộc, Vượng Lộc, Xuân Lộc, Yên Lộc.

Văn hóa

Can Lộc xưa kia có tên gọi là Thiên Lộc thuộc phủ Đức Quang được xem là vùng đất "địa linh nhân kiệt" của xứ Nghệ An. Trong thời kỳ phong kiến có khoảng 40 vị đỗ đại khoa (tiến sĩ) và rất nhiều danh nhân văn hóa như: Thám hoa Đặng Bá Tĩnh (đời nhà Trần); danh tướng Đặng TấtĐặng Dung (thời Hậu Trần); Quốc tử giám Tế tửu Phan Viên (1421-?); Thượng thư kiêm Sử quán Tổng tài Đặng Minh Khiêm, Đặng Chiêm, Tiến sĩ Nguyễn Hành,Trấn quốc Thượng tướng quân Tuy thọ Hầu Trần Phúc Tuy; Quan tổng trị thống lĩnh đạo Nghệ An Trần Đình Tương; Đội trưởng quản Phủ Trịnh Trần Tất Thục; La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Đô đốc Phan Văn Lân, Đại Tư mã Ngô Văn Sở (danh tướng nhà Tây Sơn), danh tướng Ngô Phúc Vạn, nhà văn hóa Hà Tông Mục, Thượng thư Hà Tông Trình; Đình nguyên, Hoàng giáp Vũ Diễm; Tể tướng Dương Trí Trạch; Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh; nhà thơ Nguyễn Huy Tự; nhà thơ Nguyễn Huy Hổ; Đình nguyên Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính; chí sĩ Ngô Đức Kế; nhà yêu nước Võ Liêm Sơn; chí sĩ Nguyễn Trạch, nhà cách mạng Đặng Văn Cáp,...

Những người nổi tiếng ngày nay có: nhà thơ Xuân Diệu, nữ anh hùng La Thị Tám, Giáo sư vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Tứ, Giáo sư toán học Phan Đình Diệu, Giáo sư, TS, NGND Trần Văn Huỳnh (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ- Địa chất); Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thụ (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội); Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ; Trung tướng, phó giáo sư Trần Văn Độ (phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), Thiếu tướng, Giáo sư Lê Năm (Giám đốc Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác); Giáo sư TSKH Nguyễn Tử Cường; phó Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Trường Cửu; TSKH Phan Xuân Dũng-Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội; Tiến sĩ Trần Hồng Hà- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Giáo sư TSKH toán học Nguyễn Tử Cường...và nhiều chính khách, nhà khoa học, doanh nhân khác.

Tôn giáo

Công giáo và phật giáo là hai tôn giáo chính tại Can lộc. Can Lộc nổi tiếng bởi chùa Hương Tích, đại diện tiêu biểu cho phật giáo nơi đây. Chùa Hương Tích được mệnh danh là Hoan Châu đệ nhất danh thắng, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia. Chùa không có các Tăng ni, hay tu sĩ phật giáo cư ngụ.

Riêng Công giáo, Can Lộc là một huyện có đông đồng bào Công giáo sinh sống với gần 18.000 giáo dân, chiếm gần 14% dân số toàn huyện, sinh hoạt tại 7 giáo xứ, 23 giáo họ và sinh sống tại 31 xóm, trong đó có 16 xóm giáo toàn tòng.1

Di tích và danh thắng nổi tiếng

  • Nhà thờ họ Trần (陈) ở làng Thượng Hà,xã Phú lộc,huyện Can Lộc,tỉnh Hà Tĩnh.
  • Nhà thờ Trần Phúc Tuy ở Xóm Yên Đình Xã Thiên Lộc Huyện Can Lộc, dòng họ Trần ở Thiên Lộc là những người lập địa nên xã Thiên Lộc ngày nay, đóng góp 3 vị tướng tài ba lỗi lạc xây dựng và bảo vệ đất nước vào thời Hậu Lê và nhà Nguyễn. Ba vị tướng đó là: Trần Phúc Tuy, Trần Đình Tương, Trần Tất Thục.
  • Đền thờ Đặng Tất, Đặng Dung: thuộc xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, thờ hai vị tướng có công lao lớn trong cuộc khởi nghĩa chống quân nhà Minh xâm lược.
  • Miếu Biên Sơn: được xây dựng thời nhà Lêhuyện Can Lộc, thờ Phan Thị Sơn, một nữ tướng trong cuộc khởi nghĩa chống quân nhà Minh.
  • Mộ trạng nguyên Bạch Liêu: thuộc xã Thiên Lộc, Can Lộc. Bạch Liêu sinh năm 1236 quê ở làng Yên Xá, huyện Đông Thành, Nghệ An. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1266 nhưng không ra làm quan. Sau này, ông giúp Trần Quang Khải trấn Nghệ An và có công lớn trong cuộc chống quân Nguyên Mông.
  • Ngã ba Đồng Lộc nằm ở giao điểm 2 tỉnh lộ số 5 và 15. Trong Chiến tranh Việt Nam, nơi đây đã phải hứng chịu hàng ngàn trận bom của máy bay Mỹ và đã chứng kiến sự hy sinh của tiểu đội nữ thanh niên xung phong gồm 10 người.
  • Chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc: Di tích danh thắng thế kỷ 14
  • Nhà thờ Nguyễn Viết Phúc ở xã Quang Lộc: Danh nhân lịch sử thế kỷ 16
  • Nhà thờ Hà Tông Mục ở xã Tùng Lộc: Danh nhân lịch sử thế kỷ 17
  • Nhà thờ Phan Kính ở xã Song Lộc: Danh nhân lịch sử - văn hóa thế kỷ 18
  • Nhà thờ Ngô Phúc Vạn ở xã Đại Lộc: Danh nhân lịch sử - văn hóa thế kỷ 17
  • Nhà thờ Nguyễn Thiếp ở xã Kim Lộc: Danh nhân lịch sử - văn hóa thế kỷ 18
  • Mộ và nhà thờ Nguyễn Huy Oánh ở xã Trường Lộc: Danh nhân lịch sử - văn hóa thế kỷ 18
  • Nhà thờ Nguyễn Huy Tự ở xã Trường Lộc: Danh nhân lịch sử - văn hóa thế kỷ 18
  • Nhà thờ Nguyễn Huy Hổ ở xã Trường Lộc: Danh nhân văn hóa thế kỷ 19
  • Ngã ba Nghèn ở Thị trấn Nghèn: Di tích lịch sử cách mạng (phong trào Xô viết Nghê-Tĩnh) giai đoạn 30-31.
  • Đền làng Nam và chùa Mộ Nghĩa ở xã Thanh Lộc
  • Chùa Bụt Sơn ở xã Phú Lộc
  • Di tích lưu niệm Ngô Đức Kế ở Thị trấn Nghèn.

+ Nhà thờ Nguyễn Văn Mạo ở Phúc Giang Vĩnh Lôc Can lộc. Một vị tướng thời Tây sơn

Lễ hội truyền thống

  • Lễ chùa Hương Tích: Lễ hội được tổ chức tại chùa Hương Tích thuộc xã Thiên Lộc. Chùa thờ Phật và con gái vua Sở Trang Vương. Hàng năm cứ đến ngày 18/2 âm lịch, nhân dân ở khắp mọi nơi đến hội chùa cúng Phật, cầu yên và thăm cảnh đẹp của chùa.
  • Lễ Kỳ phúc và Hội thi vật ở Thuần Thiện. Thời gian: Đầu Xuân và Rằm tháng Sáu
  • Kỷ niệm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh ở Khu di tích Ngã 3 Nghèn, thị trấn Nghèn. Thời gian: 12 tháng 9 dương lịch

Đời sống kinh tế

  • Người dân làng Vĩnh Hoà (nay thuộc huyện Lộc Hà) mưu sinh với các nghề: nấu gang; đúc lưỡi cày; dệt võng.
  • Làng Trường Lưu (xã Trường Lưu), huyện Can Lộc trước đây đã hình thành phường vải và hát ví phường vải cũng phát triển ở đây nhưng nay nghề dệt vải ở đây đã mai một.
  • Làng Phù Lưu Thượng (nay thuộc huyện Lộc Hà), huyện Can Lôc thì mưu sinh với nghề trồng chè, chè ở đây ngon, và được đi vào ca dao, tục ngữ: "Lá dày bé bé, gấp bẻ thì giòn".
  • Nghề dệt chiếu Trảo Nha (thị trấn Can Lộc).
  • Nghề làm áo tơi ở xóm Yên Lạc - Quang Lộc, áo tơi là một biểu tượng của người dân xứ nghệ.

Đóng góp của người Can Lộc trong lịch sử

  • Đầu tiên phải kể đến công lao lớn của dòng họ Trần ở Thiên Lộc là những người lập địa nên xã Thiên Lộc ngày nay, đóng góp 3 vị tướng tài ba lỗi lạc xây dựng đất nước vào thời Hậu Lê và nhà Nguyễn. Ba vị tướng đó là: Trần Phúc Tuy, Trần Đình Tương, Trần Tất Thục.
  • Sự đóng góp của người Can Lộc với dân tộc có thể tính từ sự nghiệp của hai cha con hậu duệ của Thám hoa Đặng Bá Tĩnh là Đặng TấtĐặng Dung- những danh tướng tài năng thời nhà Hậu Trần.
  • Thế kỷ 17 nhân dân Can Lộc đã ủng hộ nhà Lê xây dựng sự nghiệp của một quốc gia. Ở Can Lộc nổi bật lên một dòng thế tướng, truyền suốt mấy thế hệ gần 300 năm, đó là dòng họ Ngô với các tên như: Ngô Phúc Vạn, Ngô Văn Sở,...
    Thế kỷ này các văn thần ở Can Lộc cũng rất nhiều. Tể tướng Nguyễn Văn Giai (nay thuộc huyện Lộc Hà) là trọng thần coi sóc đến sáu bộ; Dương Trí Trạch đi sứ Trung Quốc; Hà Tông Mục kinh lý đất Tuyên Quang...
  • Sang thế kỷ 18 người Can Lộc đã đóng góp tích cực nhất cho văn hoá. Danh tiếng "Thiên Lộc tứ hổ" không kém gì "Tràng An tứ hổ". Kinh thành Thăng Long còn lưu truyền câu phương ngôn "Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc". Có rất nhiều người làm quan và đỗ Thám hoa, Bảng nhãn: Phan Kính, Đặng Văn Kiều, Nguyễn Huy Oánh, Vũ Diễm,... Giai đoạn này Can Lộc có rất nhiều ẩn sĩ nổi tiếng, giúp ích nhiều cho đất nước như Nguyễn Thiếp.
  • Phần đóng góp quan trọng nhất của Can Lộc đối với văn hóa cuối thế kỷ 17 là Can Lộc cùng với Nghi Xuân đã tạo ra một điểm giao lưu văn hóa có ảnh hưởng lớn trong văn học. Can Lộc có làng Trường Lưu, quê hương của hát phường vải nổi tiếng. Nguyễn Huy Oánh là một cây đại thụ trong nền văn hóa Hồng Lam. Nguyễn Huy Tự soạn cuốn Hoa Tiên tạo điều kiện mở đầu cho người chú vợ là Nguyễn Du sáng tác nên tác phẩm vĩ đại Truyện Kiều[cần dẫn nguồn].

Nguyễn Huy Hổ lại tiếp nhận ảnh hưởng Hoa Tiên - Kiều viết nên Mai Đình Mộng ký. Đến bây giờ ý kiến về có một Hồng Sơn văn phái đã được chấp nhận[cần dẫn nguồn].

Can Lộc còn cung cấp ba dòng họ văn hóa nổi tiếng cho truyền thống dòng họ văn hóa đặc biệt của Hà Tĩnh, đó là dòng họ Ngô ở Trảo Nha, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu và dòng họ Nguyễn Chi ở Ích Hậu.

  • Những năm đầu thế kỷ 20 là những năm sôi nổi mãnh liệt nhất của người dân Can Lộc. Đỉnh cao là phong trào chống thuế 1908 hạt nhân của Nghệ Tĩnh do Nguyễn Hàng Chi cầm đầu, rồi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Can Lộc do Đội Khởi nghĩa vũ trang thuộc Đoàn Thanh niên cứu quốc Can Lộc (mà một trong ba người lãnh đạo là nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi) đã giành chính quyền sớm hơn 3 ngày so với các địa phương khác tại Việt Nam trong cao trào Cách mạng tháng Tám (16/8/1945). Ngã ba Đồng Lộc là bản hùng ca về tinh thần bất khuất của người dân Can Lộc anh hùng.

Hình ảnh

Chú thích

  1. ^ “Huyện Can Lộc, Hà Tĩnh: Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 

(Nguồn: Wikipedia)