Thị xã Phổ Yên
Logo Thị xã Phổ Yên.jpeg
Địa lý
Diện tích 258,86 km²
Dân số (2015)  
 Tổng cộng 158.619 người 1
 Mật độ 613 người/km²
Dân tộc chủ yếu là người Kinh
Hành chính
Quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Vùng Đông Bắc Bộ
Tỉnh Thái Nguyên
Thành lập 11 tháng 5 năm 2015
 Chủ tịch UBND Bùi Văn Lương
 Trụ sở UBND Đường Phạm Văn Đồng, Phường Ba Hàng, Thị xã Phổ Yên
Phân chia hành chính 4 phường và 14 xã
Website [1]

Phổ Yên là một thị xã của tỉnh Thái Nguyên. Diện tích tự nhiên: 25.886,9 ha, dân số: 158.619 người (2015).

Lịch sử

  • Tỉnh Thái Nguyên có 2 phủ là Phú Bình và Thông Hóa. Phổ Yên thuộc phủ Phú Bình, huyện lỵ đặt ở xã Lợi Xá (tổng Hoàng Đàm). Từ năm Tự Đức thứ 4 (1851), Phổ Yên do tri phủ Phú Bình kiêm lý; lỵ sở trớc đặt ở xã Lợi Xá, nay bỏ. Huyện hạt Phổ Yên cách tây phủ thành 32 dặm, phía đông giáp thôn Cầu Đông, xã Nghĩa Hưng (huyện Tam Nông); phía tây giáp hai xã Mi Khu, Đăng Cao (huyện Bình Xuyên) và xã Ký Phú (huyện Đại Từ); phía bắc giáp xã Niệm Quang (huyện Đồng Hỷ); phía nam giáp xã Nam Lý (huyện Kim Anh) và xã Đông Cao (huyện Đa Phúc), thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đông, tây cách nhau 77 dặm, nam, bắc cách nhau 63 dặm. Huyện được chia làm 6 tổng, gồm 25 xã, 1 trang:
  1. Tổng Hoàng Đàm, gồm 5 xã: Hoàng Đàm, Lợi Xá, Sơn Cốt, Đắc Hiền, Cốt Ngạnh.
  2. Tổng Thượng Vụ, gồm 4 xã: Thượng Vụ, Thượng Nhân, Đan Hạ, Hạ Đạt.
  3. Tổng Thượng Kết, gồm 3 xã: Thượng Kết, Hạ Kết, Cát Nê.
  4. Tổng thống Thượng, gồm 6 xã, 1 trang: xã Thống Thượng, Trung Năng, Phúc Thuận, Thảo Đẳng, Kim Bảng, Thống Hạ và trang Tân Yên.
  5. Tổng Vạn Phái, gồm 3 xã: Vạn Phái, Nông Vụ, Hạ Vụ.
  6. Tổng Nhã Luật, gồm 3 xã, 1 phường: xã Nhã Luật, Dương Luật, Thanh Lộc và phường Đại Hữu (Thuỷ Cơ).
  • Như vậy, cho tới thời vua Đồng Khánh nhà Nguyễn (1886-1888), các tổng Tiên Thù, Tiểu Lễ (huyện Hiệp Hòa), Thượng Giã (huyện Thiên Phúc) - phần đất cực nam và đông nam thị xã Phổ Yên ngày nay thuộc về phủ Bắc Hà, tỉnh Bắc Ninh.
  • Dưới thời Pháp thuộc: từ tháng 10/1890 đến tháng 9/1892, Phổ Yên nằm trong phủ Phú Bình, thuộc tiểu Quân khu Thái Nguyên- Đạo quan binh I Phả Lại. Từ tháng 10 năm 1892, Phổ Yên là một huyện thuộc phủ Phú Bình. Những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bỏ đơn vị hành chính cấp phủ. Phổ Yên là một huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên gồm 6 tổng, với 24 làng. Năm 1918, Phổ Yên là 1 phủ (trong số 2 phủ, 3 huyện, 3 châu của tỉnh Thái Nguyên) gồm 8 tổng, với 36 làng.
  • Theo Sắc lệnh số 148/SL ngày 25/3/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ Phổ Yên được đổi thành huyện Phổ Yên. Huyện Phổ Yên khi đó gồm có 16 xã: Đắc Sơn, Đại Xuân, Đồng Tiến, Hồng Tiến, Hợp Thành, Minh Đức, Nam Tiến, Phúc Thuận, Tân Hương, Tân Phú, Tân Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thuận Thành, Tiên Phong, Trung Thành.
  • Ngày 1/7/1956, Khu tự trị Việt Bắc được thành lập (theo Sắc lệnh 268-SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh), huyện Phổ Yên tách khỏi Thái Nguyên, để trở thành một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 15/6/1957, huyện Phổ Yên được nhập lại về Thái Nguyên, thuộc Khu Tự trị Việt Bắc và xóm Thông tách khỏi xã Thuận Thành (huyện Phổ Yên), sáp nhập vào xã Hồng Kỳ, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội).
  • Năm 1965, hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái, huyện Phổ Yên thuộc tỉnh Bắc Thái.
  • Ngày 26/10/1967, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 416/NV thành lập thị trấn Nông trường Bắc Sơn (từ năm 2011, chuyển thành thị trấn Bắc Sơn).
  • Ngày 26/11/1970, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 72-BT sáp nhập xã Đại Xuân vào xã Tiên Phong thuộc huyện Phổ Yên.
  • Ngày 9/9/1972, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 41-BT thành lập các thị trấn Mỏ Chè, Ba Hàng, Bãi Bông, thuộc huyện Phổ Yên.
  • Ngày 7/4/1974, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 136/ NV đổi tên các xã Hợp Thành thành Vạn Phái, Tân Tiến thành Đông Cao, Thắng Lợi thành Cải Đan.
  • Ngày 1/10/1983, các xóm Tân Thắng, Đồng Đẳng tách khỏi xã Phúc Thuận để hợp nhất với xã Phúc Thọ (huyện Đại Từ), xóm Yên Ninh (xã Phúc Trìu, huyện Đồng Hỷ) thành xã Phúc Tân, thuộc huyện Đồng Hỷ.
  • Ngày 2/4/1985, các xã Phúc Tân, Bình Sơn, Bá Xuyên, Tân Quang tách khỏi huyện Đồng Hỷ, sáp nhập về huyện Phổ Yên.
  • Ngày 11/4/1985, thị trấn Mỏ Chè và 3 xã: Cải Đan, Tân Quang, Bá Xuyên tách khỏi huyện Phổ Yên để thành lập thị xã Sông Công (theo Quyết định số 113-HĐBT).
  • Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Thái tách thành 2 tỉnh là Bắc Kạn và Thái Nguyên, huyện Phổ Yên trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.
  • Ngày 10/4/1999, xã Bình Sơn được sáp nhập vào thị xã Sông Công.
  • Cuối năm 2014, huyện Phổ Yên có 3 thị trấn: Ba Hàng, Bắc Sơn, Bãi Bông và 15 xã: Đắc Sơn, Đông Cao, Đồng Tiến, Hồng Tiến, Minh Đức, Nam Tiến, Phúc Tân, Phúc Thuận, Tân Hương, Tân Phú, Thành Công, Thuận Thành, Tiên Phong, Trung Thành, Vạn Phái.
  • Ngày 15/5/2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập thị xã Phổ Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Phổ Yên hiện có, đồng thời thành lập 4 phường: Ba Hàng, Bắc Sơn, Bãi Bông, Đồng Tiến thuộc thị xã Phổ Yên.

Địa lý

Phổ Yên giáp thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công về phía bắc; giáp huyện Phú Bình về phía đông; huyện Đại Từ về phía tây, tỉnh Vĩnh Phúc về phía tây nam, tỉnh Bắc Giang về phía đông nam và thành phố Hà Nội phía nam.

Do có vị trí thuận lợi nên Phổ Yên là địa phương rất có tiềm năng và là nơi được nhiều nhà đầu tư tin chọn.và cũng là mục tiêu đã vào tầm ngắm sáp nhập vào địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, kể từ 2/2013.Khi bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy Samsung tại yên bình,phổ yên.Thái nguyên.

Dân cư, dân tộc

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp dân số Phổ Yên là 28.400 người. Sau hòa bình lập lại (tháng 7/1954), toàn thị xã có 7.525 hộ, với 34.234 người. Theo tổng điều tra dân số ngày 01/4/1989 dân số Phổ Yên là 118.596 người. Năm 2006 dân số toàn thị xã là 139.961 người (có 70.000 nam và 69.961 nữ; 126.456 người sống ở nông thôn, 13.505 người sống ở đô thị); Người kinh 92,42%, người Sán Dìu 6,25%, người Tày 0,59%, Người Dao và người Nùng đều 0,29%, người Mường 0,06%, còn lại 0,1% là người các dân tộc khác... Trừ người Dao sống chủ yếu ở các xã chân dãy núi Tam Đảo, còn người các dân tộc khác sống xen kẽ với nhau.

Mật độ dân số trung bình toàn thị xã tăng từ 514 người/km2 (năm 2002) lên 545,27 người/km2 (năm 2006); phường Ba Hàng có mật độ dân số cao nhất 3.382 người/km2, xã Phúc Tân có mật độ dân số thấp nhất (89 người/km2). Cư dân ở Phổ Yên gồm nhiều dân tộc khác nhau, có bộ phận đã định cư từ lâu đời, có bộ phận là dân được bọn địa chủ các đồn điền người Pháp và người Việt tuyển mộ vào làm thuê cho chúng; có bộ phận là đồng bào các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)... di cư, phiêu bạt lên, sinh cơ, lập nghiệp. Nhân dân các dân tộc Phổ Yên đã sống xen kẽ với nhau từ lâu đời và có truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Hiện nay dân cư đô thị của thị xã vào khoảng trên 40.000 người.

Hành chính

Thị xã Phổ Yên có 18 đơn vị hành chính cấp xã/phường gồm 4 phường Ba Hàng, Bãi Bông, Bắc Sơn, Đồng Tiến và 14 xã: Đắc Sơn, Đông Cao, Hồng Tiến, Minh Đức, Nam Tiến, Phúc Thuận, Phúc Tân, Tân Hương, Tân Phú, Thành Công, Thuận Thành, Tiên Phong, Trung Thành, Vạn Phái.

Đường phố chính

Đường Phạm Văn Đồng

Đầu tư

Tập tin:Khach san grace pho yen.jpg
Khách sạn Grace Phổ Yên ****
Một con đường trong khu công nghiệp Yên Bình

Thị xã Phổ Yên là một trong những trung tâm công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên với nhiều khu công nghiệp cả cũ và mới xây dựng. Ngoài các dự án công nghiệp như khu công nghiệp nam Phổ Yên, khu công nghiệp tây Phổ Yên,... còn có nhiều dự án về các lĩnh vực du lịch, phát triển đô thị như: khu du lịch đồi Trinh Nữ, khu du lịch hồ Suối Lạnh, khu đô thị mới Thái Thịnh,... và nhiều dự án khác. Hiện nay dự án Tổ hợp khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Yên Bình đang được khẩn trương xúc tiến tại thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, là tiền đề quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã.

Tháng 3 năm 2012, tập đoàn Samsung đã chính thức tổ chức lễ khởi công "Khu Tổ hợp Công nghệ cao" tại thị xã Phổ Yên, (tại KCN Yên Bình, phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, cách Hà Nội 61 km, cạnh phường Ba Hàng) với tổng số vốn đầu tư bước đầu 2 tỷ Đô la Mỹ, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ có công suất thiết kế đạt khoảng 100 triệu sản phẩm mỗi năm.2

Chú thích

  1. ^ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Hà Nội, 6-2010. Biểu 2, tr.11.
  2. ^ Samsung khởi công nhà máy lớn nhất thế giới tại Thái Nguyên, VTV

(Nguồn: Wikipedia)