Võ Giàng là một huyện cũ của Việt Nam, nay là một phần huyện Quế Võ và một phần thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Phía Bắc giáp huyện Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang, phía Nam giáp huyện Gia Lương, phía Đông giáp huyện Chí Linh của tỉnh Quảng Yên, phía Tây giáp huyện Quế Dương.
Thời phong kiến
Huyện Võ Giàng thời vua Lê Thánh Tông có tên là huyện Vũ Ninh, là một trong năm huyện của phủ Từ Sơn, thuộc thừa tuyên Kinh Bắc1 2 . Đến đầu đời Lê trung hưng (năm 1533), vì kiêng húy của vua Lê Trang Tông (Lê Duy Ninh) nên đổi huyện Vũ Ninh thành Vũ Giang, sau lại kiêng húy của Uy Nam vương Trịnh Giang nên đọc chệch âm là Vũ Giàng hay Võ Giàng.
Năm 1804, vua Gia Long chuyển trấn lỵ của trấn Kinh Bắc từ Đáp Cầu về địa điểm tiếp giáp của 3 xã Đỗ Xá (thuộc Võ Giàng), Khúc Toại (thuộc Yên Phong), Hoà Đình (thuộc Tiên Du). Địa điểm này được đặt làm tỉnh lỵ cho đến năm 19632 .
Năm 1895, sau khi tỉnh Bắc Ninh được tách thành hai tỉnh Bắc Ninh (mới) và Bắc Giang, huyện Võ Giàng thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Các tổng và xã thời Nguyễn
Đầu thế kỷ 19, huyện Võ Giàng có 6 tổng với 43 xã thôn3 :
STT | Tên tổng | Các xã |
---|---|---|
1 | Đỗ Xá | 8 xã: Đỗ Xá, Y Na, Cô Mễ, Vĩ Vũ, Đại Vũ, Thanh Sơn, Thị Cầu, Đáp Cầu. |
2 | Đạo Du | 4 xã: Đạo Du, Kim Đôi, Quỳnh Đôi, Ngọc Đôi. |
3 | Quế Tân | 7 xã: Quế Tân, Yên Lâm, Bằng Lâm, Hoàng Xá, Xuân Thuỷ, Lễ Độ, Đông Viên 4 . |
4 | Đại Liễn | 7 xã: Đại Liễn Thượng, Vĩnh Thế, Đồng Xuyết, Việt Vân, Cung Kiệm, Đô Thống, Đại Liễn Hạ5 . |
5 | Bất Phí | 7 xã: Bất Phí, Xuân Lôi, Hà Liễu, Giang Liễu, Phương Cầu, Miêu Nha, Yên Ngô 6 . |
6 | Phù Lương | 10 xã: Phù Lương, Cựu Tự, Minh Lương, Đồng Sài, Phù Lãng, Thất Gian, An Xá, Phùng Dực, Yên Đinh, Văn Phong. |
Năm 1886, huyện Võ Giàng có 6 tổng với 47 xã, thôn. Trong đó một số tổng, xã được đổi tên: Đại Vũ đổi là Đại Tráng, Vĩ Vũ đổi là Phương Vĩ, Đạo Du đổi là Đạo Chân, Hoàng Xá đổi là Lạc Xá, Đô Thống đổi là Thống Thiện, An Xá đổi là An Trạch, Văn Phong đổi là Hữu Bằng, Phùng Dực đổi là Bằng Dực3 .
Đầu thế kỷ 20, huyện Võ Giàng có 6 tổng: tổng Đỗ Xá có 8 xã thì 3 xã Đỗ Xá, Đáp Cầu, Thị Cầu thuộc thị xã Bắc Ninh; tổng Đạo Chân có 4 xã, tổng Quế Tân có 6 xã thôn, tổng Đại Liễn có 7 xã, tổng Bất Phí có 7 xã; nhập thêm các tổng Quảng Lãm, Sơn Nam và Vân Mẫu từ huyện Quế Dương (năm 1905) và tổng Khắc Niệm từ huyện Tiên Du (năm 1890). Tổng Châm Khê trước 1890 thuộc huyện Yên Phong nay lại trở về Võ Giàng, tách tổng Phù Lương về huyện Quế Dương, tách tổng Đỗ Xá về thị xã Bắc Ninh để trở thành phố Đỗ Xá3 .
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, các xã được giữ nguyên và trực thuộc huyện Võ Giàng3 .
Năm 1946, hai xã Vân Khám và Hiên Ngang thuộc huyện Võ Giàng sáp nhập vào huyện Tiên Du7 .
Năm 1948, thị xã Bắc Ninh bị giải tán, địa hạt thị xã Bắc Ninh và các xã thuộc huyện Võ Giàng ở bên trái đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn được sáp nhập vào huyện Yên Phong về phương diện hành chính và kháng chiến; địa hạt thị xã Bắc Ninh ở bên phải đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn sáp nhập vào huyện Võ Giàng về phương diện hành chính và kháng chiến8 .
Cũng trong năm 1948, một số xã nhỏ được hợp nhất lại thành xã lớn: Kim Quỳnh Ngọc, Cộng Hòa, Quế Lạc, Bất Phí, Đông Viên, Đô Thống, Khắc Niệm, Vân Dương, Nam Sơn, Tân Dân, Hán Quảng, Bằng An, Đại Phúc, Vũ Ninh3 .
Năm 1949, tiếp tục hợp nhất một số xã9 :
- 3 xã Hòa Đình, Xuân Ổ, Bồ Sơn hợp nhất lại lấy tên là xã Võ Cường;
- xã Kim Quỳnh Ngọc hợp nhất với xã Phương Châm lấy tên là xã Kim Chân;
- 3 xã Giang Liễu, Hà Liễu, Ro Thượng hợp nhất lấy tên là xã Quốc Thắng;
- 3 xã Ngọc Liên, Xuân Lôi, Xuân Hòa hợp nhất lấy tên là xã Đại Xuân;
- xã Cộng Hòa hợp nhất với xã Quế Lạc lấy tên là xã Công Lạc;
- xã Bất Phí đổi tên là xã Nhân Hòa;
- xã Đông Viên hợp nhất với xã Đô Thống lấy tên là xã Việt Thống.
Tám xã còn lại được giữ nguyên, gồm các xã: Khắc Niệm, Vân Dương, Nam Sơn, Tân Dân, Hán Quảng, Bằng An, Đại Phúc, Vũ Ninh.
Năm 1957, những thôn sáp nhập vào thị xã Bắc Ninh trong thời kỳ kháng chiến được trả về các huyện cũ10 , gồm các thôn: Bồ Sơn, Hoà Đình, Khả Lễ thuộc xã Võ Cường; thôn Phúc Đức thuộc xã Đại Phúc. Riêng thôn Phương Vĩ thuộc xã Kim Chân huyện Võ Giàng vẫn để ở thị xã Bắc Ninh.
Cũng trong năm 1957, thôn Xuân Ổ trước đây được nhập vào xã Vân Tương huyện Tiên Du nay được trả về xã Võ Cường huyện Võ Giàng11 .
Cuối năm 1961, huyện Võ Giàng có 13 xã: Bằng An, Đại Phúc, Đại Xuân, Hán Quảng, Kim Chân, Nam Sơn, Nhân Hòa, Phương Liễu, Quế Tân, Vân Dương, Việt Thống, Võ Cường, Yên Giả.
Sáp nhập
Năm 1962, sáp nhập huyện Võ Giàng và huyện Quế Dương thành huyện Quế Võ3 12 .
Xem thêm
- Vũ Ninh (châu)
- Quế Dương
- Quế Võ
Chú thích
- ^ Thừa tuyên Kinh Bắc sau được đổi là xứ Kinh Bắc rồi trấn Kinh Bắc.
- ^ a ă Nguyễn Quang Khải. “Quá trình thay đổi tên gọi đơn vị hành chính, địa giới hành chính tỉnh Bắc Ninh - Phần 1”. Báo điện tử Bắc Ninh. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2010.
- ^ a ă â b c d Nguyễn Quang Khải. “Quá trình thay đổi tên gọi đơn vị hành chính, địa giới hành chính tỉnh Bắc Ninh - Phần 4”. Báo điện tử Bắc Ninh. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2010.
- ^ Xã Đông Viên phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi.
- ^ Hai xã Đô Thống và Đại Liễn Hạ phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi.
- ^ Xã Yên Ngô phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi.
- ^ Sắc lệnh số 201 ngày 15 tháng 10 năm 1946 của Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
- ^ Sắc lệnh số 162-SL ngày 14 tháng 4 năm 1948 của Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
- ^ Quyết định số 422PC/2 ngày 09 tháng 7 năm 1949 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu I
- ^ Nghị định số 078-TTg ngày 9 tháng 3 năm 1957 của Chính phủ.
- ^ Nghị định số 176-TTg ngày 26 tháng 4 năm 1957 của Chính phủ.
- ^ Theo một số tài liệu khác, ngày sáp nhập là 05/07/1961.
(Nguồn: Wikipedia)