Nguyễn Văn Tâm (1893 - 1990) là thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp dưới quyền quốc trưởng Bảo Đại từ tháng 6 năm 1952 đến tháng 12 năm 1953. Ông là người Tây Ninh, nguyên đảng viên Chi bộ Pháp của Quốc tế Công nhân (sau là Đảng Xã hội Pháp).
Tiểu sử
Nguyễn Văn Tâm sinh tại Tây Ninh, xuất thân từ một thầy giáo dạy trường Tây Ninh, sau được chuyển qua ngạch hành chính với chức vụ đốc phủ. Ông có học một năm quản lý hành chính tại Hà Nội, viết và nói tiếng Pháp rất hay và lưu loát.
Trong giai đoạn làm quận trưởng quận Cai Lậy khoảng những năm 1930 và đặc biệt là 1940-1941, khi khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, Nguyễn Văn Tâm tỏ ra cứng rắn đến tàn bạo, thẳng tay đàn áp những người cộng sản cách mạng, nên ông được đặt cho biệt danh "cọp Cai Lậy" hay "hùm xám Cai Lậy". Tháng 9 năm 1945, sau khi Việt Minh giành lại chính quyền từ tay người Pháp, ông bị tổ chức Thanh niên tiền phong của Việt Minh bắt ở Chợ Đệm, bị chặt ngón tay giữa và bị tống giam. Nhưng sau đó, quân Pháp nổ súng chiếm lại Sài Gòn. Ông Tâm được quân Pháp cứu ra trong một trận tảo thanh do đại tá Massu chỉ huy vào tháng 9 năm 1945.
Ông lại được người Pháp sử dụng và giao cho cai quản quận cũ Cai Lậy. Năm 1950, ông Tâm được trao chức tổng giám đốc công an Sài Gòn.
Tham gia chính trường
Sau đó, ông có mặt trong chính phủ Trần Văn Hữu chuyên trách về bảo vệ an ninh chống cộng.
Ông được bổ làm Thủ hiến Bắc Việt thay ông Nguyễn Hữu Trí của đảng Đại Việt vào tháng 12 năm 1951. Đó là một quyết định tranh cãi bởi ông Tâm là người miền nam. Tuy nhiên, Quốc trưởng Bảo Đại giải thích lý do của ông là "để tỏ là vua cầm quyền bính" và "để chứng minh sự thống nhất ba kỳ", và ông Tâm đã tỏ ra thành công trong nhiệm vụ mới [cần dẫn nguồn].
Vai trò Thủ tướng
Tháng 6 năm 1952, vì Việt Minh tấn công mạnh ở miền bắc Việt Nam nên Bảo Đại trao quyền thủ tướng cho ông. Tuy nhiên, nội các do ông Tâm thành lập, trừ ông Vũ Hồng Khanh lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng làm bộ trưởng thanh niên và thể thao, số còn lại không được người dân tín nhiệm vì xu hướng thân Pháp quá rõ ràng. Khi đó, lãnh sự Mỹ tại Hà Nội đã gửi một báo cáo cho Washington nhận xét nội các của ông Tâm sẽ trở thành "một đối tượng tuyên truyền cho Việt Minh" và chỉ là sự "trở lại khốn cùng của tiền Mỹ máu Pháp" [cần dẫn nguồn].
Ông Tâm làm thủ tướng đến tháng 12 năm 1953, thay ông là ông Nguyễn Phúc Bửu Lộc.
Sang Pháp định cư
Năm 1955, ông sang Pháp định cư. Ông qua đời ở Paris ngày 23 tháng 11 năm 1990, thọ 97 tuổi.
Gia đình
Ông có hai người vợ. Chính thất người Pháp, con gái của Jean Letourneau, Bộ trưởng Hải ngoại Pháp. Bà từng giữ chức Giám đốc Sở Xã hội. Thứ thất là ba Nguyễn Thị Cẩm Vân, con gái Ký giả Nguyễn Kỳ Nam, Chủ nhiệm Nhật báo Thần Chung.[cần dẫn nguồn]
Ông có một người con trai là Trung tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam (1952-1954), Trung tướng Không quân (Général de corps aérien), Tham mưu phó Không quân Pháp (1964-19??).
Giai thoại
Trong một bữa tiệc chiêu đãi ông thủ hiến Nguyễn Văn Tâm ở Hà Nội, có người gửi tặng một bức trướng lộng lẫy thêu bốn chữ Nho lớn "Đại điểm công thần". Nghĩa đen thì như khen ngợi ông là bầy tôi số một của quốc trưởng Bảo Đại, nhưng nếu dịch từng chữ ra là "chấm to bầy tôi", đọc lái lại là "chó Tâm bồi Tây". Không thấy có tài liệu nào nói ông Tâm đã phản ứng ra sao với người gửi bức trướng.[cần dẫn nguồn]
Tham khảo
(Nguồn: Wikipedia)