Nguyễn Quang Bích (tranh vẽ)

Nguyễn Quang Bích (chữ Hán: 阮光碧, 1832 – 1890), còn có tên là Ngô Quang Bích, tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong; là quan nhà Nguyễn, nhà thơ và là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Tây Bắc (Việt Nam).

Thân thế và sự nghiệp

Nguyễn Quang Bích sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (tức 7 tháng 5 năm 1832) tại làng Trình Phố, huyện Trực Định1 , phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Ông vốn họ Ngô, dòng dõi vua Ngô Quyền và khai quốc công thần nhà Hậu Lê - Ngô Từ - ông ngoại vua Lê Thánh Tông, nhưng do ông nội ông đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn nên sử sách thường gọi ông là Nguyễn Quang Bích 2 . Nguyễn Quang Bích là học trò của tiến sĩ Doãn Khuê. Năm 1861, ông đỗ cử nhân và được bổ làm Giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Năm Kỷ Tỵ (1869), thời Tự Đức, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ đình nguyên (tức Hoàng giáp). Sau đó ông được cử làm Tri phủ tại phủ Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ ngày nay), rồi Tri phủ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa ngày nay) và lần lượt làm Án sát tỉnh Sơn Tây, Tế tửu Quốc tử giám Huế, Án sát tỉnh Bình Định.

Năm Ất Hợi (1875), được vua Tự Đức giao cho duyệt bộ sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục. Cũng trong năm này, triều đình mở doanh điền Hưng Hóa (tức tỉnh Phú Thọ ngày nay) vừa khai hoang vừa phòng vệ vùng núi rừng Tây Bắc, ông được cử làm Chánh sơn phòng sứ. Đến năm sau (1876) ông kiêm thêm chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa. Tại đây, Nguyễn Quang Bích phối hợp với Tôn Thất Thuyết, Hoàng Tá Viêm vừa đánh dẹp vừa lôi kéo phân hóa các đội quân người Trung Quốc mà sử cũ gọi là "giặc khách" (tàn dư của các cuộc chống Thanh, nhưng đã biến chất). Đặc biệt, trong số người mà Nguyễn Quang Bích cảm hóa được có Lưu Vĩnh Phúc, thủ lĩnh đội quân Cờ Đen (dư đảng của Thái Bình Thiên quốc)3 .

Sự nghiệp kháng Pháp

Ngày 12 tháng 4 năm 1884, thành Hưng Hóa do Nguyễn Quang Bích cai quản bị quân Pháp đánh hạ. Noi gương Tổng đốc Hoàng Diệu, ông định tuẫn tiết, nhưng nhờ quân sĩ phá vòng vây cứu ra4 . Sau đó, ông thu tàn quân chạy về Tứ Mỹ, tiếp theo là Áo Lộc, rồi lên Tiên Động (nay thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lập căn cứ để kháng Pháp.

Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Cam Lộ (Quảng Trị), ban bố dụ Cần Vương. Biết Nguyễn Quang Bích là người có chí và có tài đức, nhà vua phong ông làm Lễ bộ thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần Trung hầu; lãnh nhiệm vụ tổ chức kháng chiến ở vùng Tây Bắc (Bắc Bộ).

Kể từ đó, với uy tín của mình, ông vừa trực tiếp chỉ huy phong trào, vừa tìm cách liên hệ để phối hợp với các phong trào khác, như của Nguyễn Thiện Thuật, Đèo Văn Trì (thủ lĩnh người Thái), Nông Văn Quang, Cầm Văn Hoan, Cầm Văn Thanh,...Ngoài ra, ông còn lôi kéo được nhiều sĩ phu, tù trưởng và đông đảo người dân (gồm các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mông) trong vùng tham gia chiến đấu hay ủng hộ.

Trong hai năm 1885-1886, ông đã hai lần sang Trung Quốc cầu viện (nhưng việc không thành, vì triều đình nhà Thanh đã thỏa hiệp với thực dân Pháp), mua vũ khí và phối hợp hoạt động với nhiều nhóm nghĩa quân khác ở Bắc Kỳ.

Cuối năm 1886, Nguyễn Quang Bích trở về nước. Xét thấy địa thế Tiên Động khá hẹp, lại do yêu cầu mới về chiến lược, chuẩn bị cho việc đón vua Hàm Nghi ra Bắc, nên ông và Nguyễn Văn Giáp (tức Bố Giáp, một cộng sự đắc lực) bèn đem quân lên Nghĩa Lộ (trước thuộc châu Văn Chấn, nay là thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái) xây dựng căn cứ mới.

Tháng 4 năm 1888, Soái phủ Nam Kỳ gửi thêm viện binh ra Bắc Kỳ. Ngay sau đó, quân Pháp chia làm hai đạo mở cuộc hành quân lên Nghĩa Lộ. Đạo thứ nhất gồm 400 quân do Thiếu tá Bose chỉ huy, đi từ Ngòi Hút (tức Đại Lịch). Đạo thứ hai gồm 384 quân do Thiếu tá Berger chỉ huy tiến từ Ngòi Lao. Dọc đường cả hai đạo quân đều chịu thiệt hại nặng vì bị mai phục và dịch bệnh, nên mặc dù chiếm được một số nơi mà vẫn phải triệt hồi.

Cầm cự ở đây thêm ít tháng nữa, thì Nguyễn Quang Bích mang một số quân rời Nghĩa Lộ đến Yên Lập, là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, để củng cố phong trào kháng chiến tại vùng này. Từ nơi đây, ông đã phái nhiều đạo quân đi đánh phá nhiều nơi. Công cuộc đang thu được một số kết quả, thì bất ngờ ông lâm bệnh nặng rồi mất tại núi Tôn Sơn, (thuộc xã Mộ Xuân, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) ngày rằm tháng 12 năm Canh Dần (tức 24 tháng 1 năm 1890) 5

Phong trào kháng Pháp ở vùng Tây Bắc (Việt Nam) vì thế bị giảm sút nặng nề sau cái chết của Bố Giáp và ông. Tuy nhiên, công cuộc do hai ông và các đồng đội đã dày công gầy dựng vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn mà còn được tiếp tục ở miền hạ lưu sông Đà (nổi bật là cuộc khởi nghĩa Thanh Sơn do Đốc Ngữ làm thủ lĩnh) cho đến năm 1893 mới chấm dứt hẳn.

Sự nghiệp văn chương

Nguyễn Quang Bích để lại Ngư phong thi tập (Tập thơ Ngư Phong), gồm 97 bài thơ bằng chữ Hán phần lớn theo các thể Đường luật, sáng tác trong những năm ông lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, biểu lộ tiếng nói bi phẫn, đặc trưng cho một giai đoạn lịch sử. Ngoài ra, ông còn có các bài văn, câu đối, liễn điếu viếng các đồng đội tử trận, và "Thư trả lời quân Pháp" với lời lẽ khẳng khái, ý chí quyết hi sinh vì độc lập, dân tộc 6 .

Giới thiệu một bài thơ ông làm khi đang đi chinh chiến:

Phiên âm Hán-Việt:
Hữu chinh mại chi cảm
Kim triêu tiểu trú Quế Sơn bằng,
Khứ tuế kim triêu tại Bản Tăng.
Ưu phẫn nhất tâm đồng bộ uất,
Sơn nham đáo xứ cộng tằng lăng.
Khởi ưng cử thế tư vi quỷ,
Tối hữu ô nhân khả úy dăng.
Cận nhật bất kham tần đối kính,
Minh tu bạch đắc kỷ hành tăng.
Dịch nghĩa:
Cảm xúc về ngày tháng trôi qua
Hôm nay tạm trú trong nhà sàn đất Quế Sơn,
Nhớ lại khi ở Bản Tăng, cũng đúng ngày rày năm ngoái.
Trong lòng buồn bực, ở hai nơi nông nỗi giống nhau,
Đâu cũng núi non, bao lớp đá chập chồng cao ngất.
Nghĩ không lẽ khắp trần đời đều là những hạng tinh ma,
Duy phải tránh xa, rất dơ bẩn đáng khinh là bọn ruồi nhặng.
Gần đây khó chịu không muốn soi gương,
Vì râu tóc mấy chòm đã thấy bạc thêm ít nữa7 .

Ghi nhận công lao

Sử gia Phạm Văn Sơn viết:

Ngày nay, tên Nguyễn Quang Bích được đặt cho một con phố thuộc quận Hoàn Kiếm Hà Nội (nguyên vào thời Pháp thuộc là hai phố: phố Phạm Phú Thứ và phố Hội Tin lành. Phố Nguyễn Quang Bích dài khoảng 120 m, nối phố Phùng Hưng với phố Nguyễn Văn Tố)9 . Ngoài ra, tên ông còn được đặt cho các đường phố ở các địa phương khác, như ở quận Tân Bình - thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Rạch Giá10 v.v...

Xem thêm

  • Nguyễn Văn Giáp
  • Đốc Ngữ và Khởi nghĩa Thanh Sơn

Chú thích

  1. ^ có nơi ghi "người làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Chân Định. Xem Nguyễn Quang Bích (107)"
  2. ^ Đến đời con trai của Nguyễn Quang Bích lại lấy lại họ Ngô, gọi là Ngô Quang Đoan. Theo báo Sài Gòn giải phóng online [1].
  3. ^ Theo sử gia Phạm Văn Sơn thì: Biết họ Lưu là một tay hiệt kiệt và có óc bài Pháp nên Nguyễn Quang Bích đã tiến cử họ Lưu về triều đình để phong làm chức Bảo Thắng phòng ngự sứ. Đối lại, Lưu thấy ông có lòng ái quốc nồng nhiệt, sở học lại quảng bác, đạo đức cao nên coi ông vào bậc thầy (sách đã dẫn, tr. 212). Bài thơ Quá Lưu quân đệ trạch cảm tác (Cảm tác khi qua nhà ông Lưu Vĩnh Phúc) do Nguyễn Quang Bích làm, đã nói lên phần nào mối giao tình của ông đối với họ Lưu.
  4. ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới), tr.1178.
  5. ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới. Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1178) và Văn học Việt Nam thế kỷ 19 do Hoàng Hữu Yên biên soạn (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004, tr. 773). Lịch sử Vĩnh Phú (tr. 117) và Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 616) đều ghi ông mất vào cuối năm 1889. Thông tin thêm: Thi hài ông được binh sĩ chôn cất trên núi Tôn Sơn (hay Tân Sơn). Ba năm sau, con trai ông đến mang di hài ông về chôn tạm ở làng Cát Trù (quê của Đề Kiều); rồi hai năm sau nữa mới chuyển về chôn cất tại quê nhà (theo Từ điển Văn học, bộ mới, tr. 1178).
  6. ^ Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ "Nguyễn Quang Bích".
  7. ^ Chép theo Văn học thế kỷ 19 do PGS. Hoàng Hữu Yên chủ biên. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004, tr. 777-778.
  8. ^ Lược theo Việt sử tân biên (sách đã dẫn, tr. 212-215).
  9. ^ Xem Phố Nguyễn Quang Bích
  10. ^ Quyết định số: 20/2008/QĐ-UBND của tỉnh Kiên Giang về đặt tên đường phố ở Rạch Giá

Sách tham khảo chính

  • Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập trung). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1963.
  • Hoàng Văn Lân-Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt Nam [1858-cuối XIX], quyển 3, tập 1, phần 1. Nhà xuất bản Giáo dục, 1979.
  • Lê Tượng-Vũ Kim Biên, Lịch sử Vĩnh Phú. Ty Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú xuất bản, 1980.
  • Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học-Xã hội, 1992.
  • Nguyễn Huệ Chi, mục từ Nguyễn Quang Bích in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.

(Nguồn: Wikipedia)