Lê Phụng Hiểu (chữ Hán: 黎奉曉, 982? - 1059?) là một đại tướng nhà Lý, phụng sự ba triều vua đầu tiên của nhà Lý đó là vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông. Ông là người có công rất lớn trong việc phò vua Lý Thái Tông tức Lý Phật Mã lên ngôi.
Tiểu sử
Lê Phụng Hiểu sinh ngày 8 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (4 tháng 2 năm 982).Ông quê ở hương Băng Sơn tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hoá. Nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hiện không rõ năm sinh năm mất. Theo sử sách ghi lại được, ông thọ tới tuổi 77 1 . Ông không được đi học, nhưng thuở hàn vi đã nổi tiếng là người sức khỏe muôn địch, là đô vật có tiếng với nghệ danh đô Bưng (Băng).
Phò tá nhà Lý
Dẹp loạn Tam Vương
Theo sử sách ghi lại, ngày mùng 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), sau khi vua Thái Tổ vừa mất, chưa làm lễ táng, các hoàng tử Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử. Lê Phụng Hiểu lúc ấy đang giữ chức võ vệ tướng quân cùng một số tướng khác như Lý Nhân Nghĩa, Dương Bình, Quách Thịnh... đưa quân ra ngăn chặn. Khi quân của Thái Tử và quân của các vương giáp trận, Lê Phụng Hiểu đã tuốt gươm chỉ vào Võ vương: "Bọn Vũ Đức Vương ngắp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng".2
Dứt lời Phụng Hiểu vung gươm chém chết Võ Vương. Quân của ba hoàng tử vì thế mà loạn. Từ đó, vua Thái Tông dẹp được phản nghịch và ngôi nhà Lý từ đó mới ổn định.
Nhậm chức Đô thống Thượng tướng quân
Sau khi làm lễ đăng quang, vua Lý Thánh Tông thăng luôn cho Lê Phụng Hiểu lên chức Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu.
Từ đó cho đến cuối đời, Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu một lòng phò tá nhà Lý, lập được nhiều công trạng lớn. Đánh đuổi Chiêm Thành (1044), giữ vững ổn định cho đất nước Đại Việt bên trong cũng như bên ngoài.
Giai thoại
Một mình địch lại cả một làng
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại câu chuyện về việc giành đất giữa 2 làng Cổ Bi và Đàm Xá. Làng Đàm Xá cậy đông người đã chiếm hẳn doi đất màu mỡ mà lẽ ra phải thuộc về làng Cổ Bi. Lê Phụng Hiểu lúc đó chưa làm quan, đứng ra giúp làng Cổ Bi. Dân làng Cổ Bi bày ra nhiều mâm cỗ to để thiết đãi. Ông đủng đỉnh ăn hết rồi ngủ một giấc no say.
Chờ đến khi dân làng Đàm Xá đến tranh đất, Phụng Hiểu tỉnh dậy rồi cứ đứng thế xông ra giữa đám trai tráng làng Đàm Xá mà đánh. Ông nhổ những cây bên đường làm vũ khí. Sức khỏe của ông khiến cả làng Đàm Xá khiếp sợ. Từ đó, Đàm Xá không dám ỷ thế cậy đông mà chèn ép làng Cổ Bi nữa.1
Sự tích "thác đao điền"
Sau khi đánh Chiêm Thành, vua muốn thưởng cho Lê Phụng Hiểu. Ngài không muốn nhận tước, mà chỉ xin vua đứng trên núi Băng Sơn ném đao, đao đi xa đến đâu lấy làm đất biệt nghiệp đến đấy. Sử kể lại rằng đao đi xa đến hơn mười dặm. Từ đó, người vùng Thanh Hóa gọi ruộng thưởng công là ruộng thác đao.
Tưởng nhớ
Mặc dù sinh ra ở đất Thanh Hóa, nhưng GS Vũ Khiêu vẫn xếp Lê Phụng Hiểu vào một trong những danh nhân đất Hà Nội. Một phần là do phong tục Hội thề đền Đồng Cổ - đến nay vẫn duy trì đều đặn, thiêng liêng, ở phường Bưởi, Hà Nội - với lời thề độc xuất phát từ lời thề của ông khi chém Võ Vương trong loạn tam vương.
Ngày nay, ở Hà Nội, Thanh Hóa và nhiều đô thị khác đều có những con đường mang tên ông.
Chú thích
- ^ a ă Danh nhân xứ Thanh
- ^ Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ toàn thư 2
Xem thêm
- Lý Thánh Tông.
- Nhà Lý.
- Hoằng Hóa.
Tham khảo
- Các triều đại Việt Nam. Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng. Nhà xuất bản Thanh Niên.
(Nguồn: Wikipedia)