Bàn thờ Lê Chất trong Lăng Ông (Bà Chiểu)

Lê Chất1 (chữ Hán: 黎質, 1769 - 1826còn gọi là Hậu Quân Chất là danh tướng của triều Tây Sơn, sau theo triều Nguyễn.

Tiểu sử

Lê Chất có nguyên danh là Lê Tông Chất (黎宗質), sinh quán tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Lúc đầu, ông theo Tây Sơn, lập nhiều chiến công, được phong tới chức Đô đốc, thuộc quyền của Tư lệ Lê Trung. Vì mến tài ông, vị quan này đã đem con gái của mình là Lê Thị Sa gả cho.

Sau khi vua Quang Trung mất (1792), nội bộ vương triều Tây Sơn dần suy yếu, rạn nứt. Trước tình cảnh đó, Lê Chất lo sợ triều vua Cảnh Thịnh sẽ sớm tan vỡ từ bên trong, nên nhiều lần bàn với cha vợ đầu hàng Nam triều, nhưng Lê Trung chần chừ chưa quyết. 2

GS. Nguyễn Khắc Thuần thuật chuyện:

Nhân thấy tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Nguyễn Văn Tính đóng quân gần đấy nên bàn với cha vợ ra hàng. Nhận thấy Lê Trung cứ chần chừ không quyết. Thấy không thể thuyết phục được, Lê Chất bèn viết thư xin hàng gửi cho Nguyễn Văn Tính. Thư được dâng lên, Nguyễn Phúc Ánh nói: "Lê Chất là đứa giảo hoạt, cho nên, lời này chưa hẳn đã là lời thực đâu."
Sau, Lê Trung biết chuyện gửi thư, bèn chỉ mặt Lê Chất quát mắng...3 .

Bị khiển trách, Lê Chất không dám bỏ đi, mãi cho đến năm 1798, khi ấy Lê Chất đang đóng quân ở Trà Khúc (Quảng Ngãi) thì nội bộ nhà Tây Sơn lại xảy ra nhiều chuyện lục đục.

Sử gia Trần Trọng Kim kể:

Năm Mậu Ngọ (1798) Tiểu triều4 là Nguyễn Bảo căm tức vua Cảnh Thịnh là Nguyễn Quang Toản chiếm giữ mất đất Quy Nhơn, bèn định bỏ về hàng Nguyễn Triều. Vua Cảnh Thịnh biết mưu ấy, sai tướng vào bắt Nguyễn Bảo đưa về dìm xuống sông giết đi.
Lại có người nói gièm rằng việc Tiểu Triều làm phản5 là tại quan trấn thủ Lê Trung. Vua Cảnh Thịnh triệu Lê Trung về Phú Xuân, sai võ sĩ bắt chém đi. Được ít lâu quan Thiếu phó Nguyễn Văn Huấn cũng bị giết. Từ đó quân Tây Sơn ai cũng nản lòng, có nhiều người bỏ theo về Nguyễn Vương.
Bấy giờ có người con rể Lê Trung là Lê Chất vốn là người đánh trận giỏi có tiếng, quan làm đến chức đại đô đốc; đến khi thấy vua Tây Sơn hay nghi kỵ mà giết hại các công thần như vậy, bèn bỏ trốn sang hàng nhà Nguyễn. Nguyễn Vương trọng dụng cho làm chức Tướng quân.6

Sử gia Ngô Giáp Đậu chép:

Gặp lúc có biến của Tiểu triều, Quang Toản nghi ngờ Trung có dự vào mưu đó, lệnh cho bắt mà giết đi. Lại xuống lệnh lùng bắt Chất rất gấp. Chất phải chọn lấy một tên đầy tớ có mặt mũi gần giống mình, cho uống thuốc độc chết khiến cho quân của Quang Toản tưởng mình đã tự tử, rồi trốn vào ẩn náu trong núi Trà Bồng (là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi).
Một người bạn của Chất, chơi thân với Tổng quản Tây Sơn là Lê Văn Thanh, giới thiệu Chất vào giúp việc trong trướng. Chất vẫn ngầm có ý quy thuận Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh), gặp lúc quân Nam triều ra đánh, Chất dẫn hơn hai trăm quân bản bộ tới trước quân doanh của Võ Tánh xin hết sức lập công...2

GS. Nguyễn Khắc Thuần kể thêm:

Năm 1799, Lê Chất đem 200 người đến Quy Nhơn, gặp tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Võ Tánh để xin hàng. Nguyễn Phúc Ánh cho Lê Chất làm thuộc tướng của Võ Tánh, đồng thời cho người đón mẹ và vợ con của Lê Chất vào Gia Định để nuôi nấng. Từ đây, Lê Chất gắn bó với Nguyễn Phúc Ánh đến hết đời...3 .

Về với Nguyễn Phúc Ánh, Lê Chất lần lượt trải chức:

Năm 1801, ông được phong Quận công, lãnh nhiệm vụ đánh nhau với quân Tây Sơn.

Năm 1802, ông làm Khâm sai chưởng hậu quân Bình Tây tướng quân, dẫn bộ binh đi đánh chiếm Bắc Hà.

Năm 1803, ông cùng Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Khiêm trông coi việc xây dựng kinh thành Huế.

Năm 1810, ông làm Hiệp tổng trấn Bắc Thành, cùng với Nguyễn Huỳnh Đức, Phạm Như Đăng.

Năm 1818, ông lên làm Tổng trấn Bắc Thành. Trong khoảng thời gian giữ chức này, dưới triều Minh Mạng, ông có biên soạn bộ Bắc Thành dư địa chí (gồm 12 quyển viết bằng chữ Hán) với sự tham gia của các nho sĩ Bắc Hà7 .

Năm 1826, trong lúc đang tại chức, hay tin mẹ là bà Đào Thị qua đời ở quê, ông liền xin về. Lo chôn cất mẹ và sửa sang mộ cha vừa xong, bệnh cũ của ông tái phát, chữa trị mãi không khỏi.

Lê Chất mất vào ngày 10 tháng 7 năm Bính Tuất (tức 14 tháng 8 năm 1826), hưởng thọ 57 tuổi, được truy tặng Thiếu phó, thụy là Trung Nghị.

Vụ án Lê Chất

Mặc dù có thực tài, lập được nhiều công lao, nhưng mỗi lần Lê Chất được trọng thưởng là mỗi lần ông bị kèn cựa, xoi mói. "Đại Nam chính biên liệt truyện" có chép chuyện ông bị phe phái của tướng Đặng Trần Thường buông lời gièm pha8 , đến nỗi vua Gia Long đem vụ việc ra cho triều thần bàn nghị là một ví dụ.

Nhưng đại họa - vụ án do Minh Mạng thi hành đối với ông - chỉ xảy đến sau khi ông mất đã 10 năm9 .

Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:

Án Lê Văn Duyệt phát ra năm trước thì năm sau (Bính Thân, 1836) có quan Lại bộ tả thị lang Lê Bá Tú dâng sớ truy hặc Lê Chất phạm những 16 tội. Vua Minh Mạng dụ rằng:
...Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giả thử bổ áo quan giết thây, cũng không là quá. Song lại nghĩ Chất tội cũng như Duyệt, trước kia Duyệt đã không bổ áo quan giết thây, thì nắm xương khô của Chất nay cũng chẳng màng bắt tội.
Vậy cho Tổng đốc Bình Phú Võ Xuân Cẩn san phẳng mộ của hắn, khắc bia dựng lên trên đề to mấy chữ "Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp" để làm gương cho kẻ gian tặc muôn đời. Còn vợ hắn là Lê Thị Sai cùng ở một nhà, dự biết mưu bạn nghịch, xử vào cực hình, cũng là phải, song kẻ đàn bà chẳng cần vội vàng chính pháp. Vậy Lê Thị Sai cùng con là Lê Cẩn, Lê Trương, Lê Thường, Lê Kỵ, đều cải làm trảm giam hậu. Lại tịch biên gia sản, được hơn 12.000 quan tiền, giao tỉnh chứa cả vào kho.

Và có lời bình:

Quan quân bình xong giặc Lê Văn Khôi rồi vua Thánh Tổ sai phá thành Phiên An đi, xây lại chỗ khác và ngài xuống chiếu định truy tội Lê Văn Duyệt và tội Lê Chất. Cứ bình tĩnh mà xét, thì chẳng qua là vua Thánh Tổ vốn có ý không ưa hai ông ấy, rồi đình thần lại nhân đó mà bới việc ra để chiều ý ngài, cho nên thành ra hai cái án thật là không đáng.10

Mãi đến năm Mậu Thìn (1868), vua Tự Đức mới truy phục chức tước cho ông. Sau này, nhà văn Phan Khôi khi đến viếng mộ Lê Chất, có làm một bài thơ cảm hoài sau:

Viếng mộ ông Lê Chất
Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu,
Ấy cỏ mờ rêu đất một u.
Ấy dũng ấy trung là thế thế!
Mà ân mà nghĩa ở mô mô?
Chim gào hờn sót xuân ầm ỹ;
Hùm thét oai lưa gió vụt vù,
Cái chuyện anh hùng ai nhắc nữa,
Hồ Tây văng vẳng tiếng chuông bu!
(báo Thực Nghiệp, 1921)

Thông tin liên quan

Lúc còn sống, Lê Chất là quan đồng triều, là bạn thân của Lê Văn Duyệt, và cùng chịu án oan như nhau. Có lẽ đó là lý do chính, khiến Hội Thượng Công Quý Tế lập bàn thờ ông tại Lăng Ông Bà Chiểu11 .

Năm 1910, khi sở công chánh Hà Nội đào quãng đường từ đền Quán Thánh đến phủ Toàn quyền Đông Dương để đặt trụ điện, đã cho bốc mộ Lê Chất; và người ta đã tìm thấy cân đai, áo mũ hãy còn nguyên vẹn. Hài cốt của ông sau đó được cải táng ở bên vườn Bách thú Hà Nội. Ông còn chính quyền thời Pháp thuộc đặt tên đường với tên Hậu Quân Chất. Sau Cách mạng Tháng 8,chính quyền Việt Minh đổi tên thành đường Mai Xuân Thưởng.

Xem thêm

  • Bắc Thành dư địa chí

Sách tham khảo

  • Ngô Giáp Đậu, Hoàng Việt hưng long chí. Nhà xuất bản Văn học, 1993.
  • Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
  • Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
  • Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại (tập 8). Nhà xuất bản Giáo dục, 1988.

Chú thích

  1. ^ Ghi theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 318). GS. Nguyễn Khắc Thuần, sách ở mục tham khảo (tr. 60), ghi ông sinh năm 1774. Ngoài ra, có sách còn chép tên ông là Lê Văn Chất (Hoàng Lê nhất thống chí), Lê Tôn Chất (Gia Định thành thông chí) hay Lê Công Chất (Bắc Thành dư địa chí)
  2. ^ a ă Theo Hoàng Việt hưng long chí, sách ở mục tham khảo, tr. 238-239. Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “Ho.C3.A0ng_Vi.E1.BB.87t” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác
  3. ^ a ă Theo Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr.60 và 75.
  4. ^ Nguyễn Nhạc mất rồi, Vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân phong cho Nguyễn Bảo làm Hiến Công, cho ăn lộc một huyện, gọi là Tiểu triều.
  5. ^ Sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi là do Nguyễn Quang Thiệu (em vua Quang Toản) gây biến (quyển 2, tr. 222).
  6. ^ Việt Nam sử lược (bản điện tử) [1].
  7. ^ Theo THS. Bùi Văn Vượng, Tiểu dẫn cho quyển "Bắc Thành dư địa chí" in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 3). Nhà xuất bản Thanh Niên, 2012.
  8. ^ Thí dụ như câu: "Lê Chất mà Bình Tây thì ai bình Chất? Lê Chất mà Quận công thì lũ ta phải mười lần Quận công" (sơ tập, quyển 24).
  9. ^ Triều Minh Mạng cầm quyền có ba vụ án lớn xảy ra: vụ Mỹ Đường (tức Hoàng tôn Đán, 1824), vụ Lê Văn Duyệt (1835) và vụ Lê Chất (1836).
  10. ^ Việt Nam sử lược, tr.455-446.
  11. ^ Xem: [2].

(Nguồn: Wikipedia)