Đặng Trần Thường (1759-1813) là công thần khai quốc nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, người huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Sự nghiệp
Đặng Trần Thường (鄧陳常1 ) đậu sinh đồ về cuối đời nhà Lê. Sau khi nhà Lê mất, ông xin ra làm quan với nhà Tây Sơn nhưng không được tiếp nhận nên vào Gia Định, theo giúp Nguyễn Ánh lập nhiều công trạng làm đến chức Tán lý. Bình định xong, lĩnh chức Binh bộ Bắc thành, rồi được triệu về kinh làm Binh bộ Thượng thư. Sau vì có lỗi, phải bắt giam trong ngục, làm bài phú Hàn Vương Tôn phú; sau bị tội giảo2 .
Trả thù Ngô Thì Nhậm
Đặng Trần Thường có tài văn học, lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Ngô Thì Nhậm thét bảo Thường:
- Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác.
Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi mang khăn gói vào Nam, phụng sự Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long), làm đến Binh Bộ Thượng thư.
Khi thay đổi triều đại, Đặng Trần Thường vì mối tư thù cá nhân trước đó với Ngô Thì Nhậm nên đã cho tẩm thuốc độc vào roi mà đánh Ngô Thì Nhậm. (Theo Việt Nam sử lược và Quốc Triều Chính Biên).
Câu đối nổi tiếng của 2 ông:
Đặng Trần Thường ra đối:
- Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Ngô Thì Nhậm đối lại:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Đặng Trần Thường giận Ngô Thì Nhậm bèn sai người dùng gậy tẩm thuốc độc đánh Nhậm. Vì thế Nhậm về đến nhà thì chết.
Cái chết
Sau này, vì làm gian Sắc phong thần cho Hoàng Ngũ Phúc, tướng của chúa Trịnh vào bậc phúc thần, triều đình kết án phải tội chém. Nhưng rồi ông lại được tha.
Đặng Trần Thường trước có hiềm khích với Lê Chất, nên Chất mới bới những việc sai phạm của Thường như khi ra coi tàu binh ở Bắc Thành, có giấu thuế đầm ao và dinh điền. Thường lại bị bắt giam. Trong ngục, Trần Thường tỏ ý mỉa mai, đến tai đình thần, nên khi kết án, đình thần xử tội giảo.
Tương truyền Đặng Trần Thường ở trong ngục có làm bài Hàn Vương Tôn Phú bằng quốc âm để ví mình như Hàn Tín đời nhà Hán.
Chú thích
- ^ s:Việt Nam sử lược/Quyển II/Tự chủ thời đại/Chương XII
- ^ Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1968; trang 103
Xem thêm
- Ngô Thì Nhậm
- Nhà Tây Sơn
- Nguyễn Phúc Ánh
(Nguồn: Wikipedia)