Đỗ Tuệ Độ hay Đỗ Huệ Độ (tiếng Trung: 杜慧度; bính âm: Dù Huìdù, 374 – 423), sinh quán Chu Sương, Giao Chỉ, nguyên quán Kinh Triệu1 , là quan nhà Đông Tấn và Lưu Tống trong lịch sử Trung Quốc. Ông giữ chức thứ sử Giao Châu (quan cai trị đứng đầu Giao châu - tức phần lớn lãnh thổ Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay) trải qua 2 triều đại này.
Thân thế
Đỗ Tuệ Độ là con thứ năm của Đỗ Viện - thứ sử Giao châu của nhà Đông Tấn. Năm 410, khi Viện mất, Tuệ Độ được thay cha đảm nhiệm chức Thứ sử Giao Châu.
Dẹp khởi nghĩa Lư Tuần
Tuệ Độ ban đầu làm Châu bộ, Lưu dân đốc hộ, dời sang làm thái thú Cửu Chân. Viện mất, quan lại trong châu cho rằng Giao Châu nhiều giặc cướp, không dám nhận chức, cùng nhau đưa Tuệ Độ lên nắm quyền, từ chối không được.
Năm Nghĩa Hi thứ 7 (411), ông được ban chức Sứ trì tiết, Đốc Giao Châu chư quân sự, Quảng vũ tướng quân, Giao Châu thứ sử. Chiếu thư chưa đến, mùa xuân năm ấy, Lư Tuần tập kích phá được Hợp Phố, nhắm đến Giao Châu. Tuệ Độ bèn soái 6000 người chống lại Tuần ở Thạch Kì, bắt được Trưởng sử Tôn Kiến Chi của địch.
Tuần tuy thua, nhưng vẫn còn hơn 3000 người, đều được tập luyện việc binh. Con Lý Tốn là bọn Lý Dịch, Lý Thoát trốn đến Thạch Kì, bàn nhau liên kết với các bộ lạc Lý, Lão. Tuần biết họ Lý với họ Đỗ có oán cũ (xem bài Đỗ Viện), sai sứ đến chiêu dụ. Bọn Dịch đưa 5000 người đến quy phục Lư Tuần. Ngày Canh Tý tháng 6, Tuần đến Nam Tân từ sớm, mệnh cho ba quân vào thành ăn uống. Tuệ Độ đem hết tài sản của cả họ để thưởng cho quân đội. Các em trai Giao Chỉ thái thủ Tuệ Kì, Cửu Chân thái thú Chương Dân chỉ huy quân thủy bộ, Tuệ Độ tự lên cao hạm, hợp sức chiến đấu. Quân Tấn đốt đuốc trĩ vĩ ném ra, quân bộ ở 2 bên bờ cùng bắn, thuyền của nghĩa quân đều cháy. Nghĩa quân tan rã, Tuần trúng tên, đâm đầu xuống nước mà chết 2 . Ông chém đầu Tuần, cha của Tuần là Hỗ, hai con trai của Tuần và bộ hạ là lục sự tham quân Nguyễn Tĩnh, trung binh tham quân La Nông Phu cùng bọn Lý Thoát, truyền về Kinh ấp. Tuệ Độ được phong Long Biên huyện hầu, thực ấp 1000 hộ.
Đánh Lâm Ấp
Lưu Dụ lên ngôi, là Lưu Tống Vũ đế, Tuệ Độ được tiến hiệu Phụ quốc tướng quân. Năm ấy, ông soái hàng vạn văn võ đi đánh Lâm Ấp, giết hơn nửa người nước ấy, những đất đai đã bị cướp đi trước đây, đều lấy lại được. Lâm Ấp xin hàng, dâng súc sản, voi lớn, vàng bạc, vỏ sỏ… Ông nhận lấy, rồi sai Trưởng sử Giang Du dâng biểu hiến tiệp.
Đỗ Tuệ Độ mất vào năm Cảnh Bình đầu tiên (423) đời Lưu Tống Thiếu đế, thọ 50 tuổi, được truy tặng Tả tướng quân. Triều đình lấy con trưởng của ông là Viên ngoại tán kị thị lang Hoằng Văn làm Chấn uy tướng quân, thứ sử.
Đánh giá
Tấn Thư đánh giá: Tuệ Độ ăn mặc đơn giản, tiết kiệm trong sạch. Giỏi đánh đàn, rất thích học thuyết Trang, Lão, cấm việc thờ cúng dâm loạn, khuyến khích học tập, năm mất mùa dân đói thì lấy của nhà ra chẩn cấp. Ông làm việc chặt chẽ, trị Châu cũng như trị nhà, do đó ơn uy đằm thắm, trộm cướp không còn, nhờ vậy ban đêm thành không đóng cửa, trên đường người không nhặt của rơi.
Sách Đại Việt sử lược đời nhà Trần đã nhận xét như sau về Đỗ Tuệ Độ: "Tuệ Độ thi hành chính sự, dân chúng nể sợ những vẫn mang lòng yêu mến. Cửa thành ban đêm vẫn mở, trên đường không ai nhặt của rơi" 3 .
Xem thêm
- Bắc thuộc lần 2
- Đỗ Viện
- Lư Tuần
Tham khảo
- Tống thư quyển 92, liệt truyện 52 - Lương lại truyện: Đỗ Tuệ Độ truyện
Chú thích
- ^ Quận Kinh Triệu bao gồm có kinh đô Tràng An
- ^ Tấn thư, sách đã dẫn
- ^ Chủ nhân mộ cổ Ciputra là người Việt?
(Nguồn: Wikipedia)