Minh Thái Tổ
明太祖
Hoàng đế Trung Hoa (chi tiết...)
明太祖.jpg
Tranh vẽ Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng đế
Hoàng đế Đại Minh
Trị vì 23 tháng 1 năm 1368 – 24 tháng 6 năm 1398
(30 năm, 163 ngày)
Tiền nhiệm Sáng lập triều đại
Kế nhiệm Minh Huệ Đế
Thông tin chung
Hoàng hậu Hiếu Từ Cao Hoàng hậu
Tên thật Tiểu danh: Chu Trùng Bát (朱 重八)
Đại danh: Hưng Tông (興宗) rồi thành Nguyên Chương (元璋)
Niên hiệu Hồng Vũ (洪武): 2 tháng 3, 1368 - 5 tháng 2, 1399
(30 năm, 340 ngày)
Thụy hiệu Khai Thiên Hành Đạo Triệu Kỉ Lập Cực Đại Thánh Chí Thần Nhân Văn Nghĩa Vũ Tuấn Đức Thành công Cao Hoàng đế
(開天行道肇紀立極大聖至神仁文義武俊德成功高皇帝)
Miếu hiệu Thái Tổ (太祖)
Triều đại Nhà Minh (明)
Sinh 21 tháng 10, 1328
Mất 24 tháng 6, 1398 (69 tuổi)
Nam Kinh, Trung Quốc
An táng Hiếu lăng (孝陵)
Minh Thái Tổ Hồng Vũ hoàng đế Chu Nguyên Chương

Minh Thái Tổ (chữ Hán: 明太祖, 21 tháng 10, 1328 – 24 tháng 6, 1398), tên thật là Chu Nguyên Chương (朱元璋), còn gọi là Hồng Vũ Đế (洪武帝), Hồng Vũ Quân (洪武君), hay Chu Hồng Vũ (朱洪武), thuở nhỏ tên là Trùng Bát (重八), về sau đổi tên thành Hưng Tông (興宗), tên chữ là Quốc Thụy (國瑞). Ông là vị hoàng đế khai quốc của vương triều nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 1368 đến 1398. Các sử gia gọi thời kỳ cai trị của ông là Hồng Vũ chi trị (洪武之治). Ông được xem như là một trong các hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ các công trạng to lớn của mình với đất nước.

Vào giữa thế kỷ 14, cùng với nạn đói, bệnh dịch và các cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra khắp nơi, Chu Nguyên Chương trở thành nhà lãnh đạo của một lực lượng đã chinh phục Trung Hoa và chấm dứt nhà Nguyên, buộc người Mông Cổ phải rút vào thảo nguyên Trung Á. Với việc chiếm được Đại Đô của nhà Nguyên, ông tuyên bố thiên mệnh thuộc về mình và lập ra nhà Minh vào năm 1368. Chỉ tin vào gia đình, ông phân phong đất đai cho các con trai thành các phiên quốc trấn thủ các vùng đầm lầy phía bắc và thung lũng sông Dương Tử. Người con cả của ông, thái tử Chu Tiêu chết sớm, việc này đã khiến ông chọn người cháu nội là Chu Doãn Văn làm người kế vị cùng với việc ban bố Hoàng Minh Tổ Huấn. Nhưng những việc này đều thất bại, khi Chu Doãn Văn quyết định ra tay với các ông chú đã dẫn đến cuộc nổi loạn thành công của Yên Vương Chu Đệ.

Chu Nguyên Chương đặt niên hiệu là Hồng Vũ (洪武). Khi qua đời, ông được truy tôn miếu hiệu là Thái Tổ (太祖) và thụy hiệu là Cao Hoàng đế (高皇帝). Tiểu sử của ông được ghi tại Minh sử, quyển 1-3, Thái Tổ bản kỷ. Ông được táng ở Hiếu lăng, Nam Kinh.

Tiểu sử

Nguyên quán của Chu Nguyên Chương vốn thuộc huyện Bái, Từ Châu tỉnh Giang Tô, về sau dời về Tứ Châu, rồi lại dời về huyện Chung Ly, Hào Châu tức Phụng Dương. Cả gia đình ông trôi nổi nhiều nơi do sinh kế thúc bách. Cha mẹ ông có tám người con, nhưng hai người đã chết yểu, còn lại sáu người, bốn trai hai gái. Chu Nguyên Chương là con út, thuở nhỏ gọi là Trùng Bát, ngay cả tên họ chính thức cũng không có, mãi đến sau khi gia nhập nghĩa quân Quách Tử Hưng, mới lấy tên là Chu Nguyên Chương, tên chữ là Quốc Thụy.

Ông xuất thân từ tầng lớp tá điền nghèo khổ, từng giữ dê chăn bò cho địa chủ1 . Đời Nguyên năm Chí Chính thứ 4 (1344), vùng đất Hoài Bắc phát sinh hạn hán và châu chấu tàn hại cùng với dịch bệnh nên cha mẹ, các anh đều nối tiếp nhau chết cả. Chu Nguyên Chương không biết lấy gì để sống, tới chùa Hoàng Giác làm thầy tu, từng khất thực ba năm tới phía tây của tỉnh An Huy, phía đông tỉnh Hà Nam, trải qua gian khổ tôi luyện2 .

Chu Nguyên Chương là người có tính quật cường, từ nhỏ chí khí đã chẳng tầm thường. Do sức ép của cuộc sống nên ông phải xuất gia đi tu, nhưng không muốn làm nhà sư nhỏ bé, vào chùa mới được 15 ngày thì đã làm nhà sư chu du khắp chốn. Trong lúc bôn ba bốn phương, ông đã bí mật tiếp xúc với Bạch Liên giáo đương thời3 , hiểu được tình thế trong thiên hạ, lòng người muốn đổi thay, khí vận triều Nguyên sắp hết. Năm Chí Chính thứ 12 (1352), Chu Nguyên Chương tham gia Hồng Cân quân (quân khăn đỏ) của Quách Tử Hưng, được Tử Hưng tin cậy, nhậm chức Tả phó Nguyên soái nghĩa quân. Năm Chí Chính thứ 16 (1356), Chu Nguyên Chương đánh chiếm Tập Khánh (Nam Kinh ngày nay), được Tiểu Minh vương Hàn Lâm Nhi tiến phong làm Ngô Quốc công. Ông lấy Ứng Thiên (Nam Kinh) làm trung tâm, phát triển rất nhanh. Từ năm 1363 đến 1367, lần lượt tiêu diệt tập đoàn Trần Hữu Lượng ở trung lưu Trường Giang và Trương Sĩ Thành ở hạ lưu Trường Giang, bao gồm cả hai bờ nam bắc.

Cuối 1367, ông xuất quân Bắc phạt. Chu Nguyên Chương phong Từ Đạt làm đại tướng quân, Thường Ngộ Xuân làm phó tướng dẫn 25 vạn đại quân bắc phạt, đã nhanh chóng chiếm được Sơn Đông. Tháng giêng năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế, đặt quốc hiệu là Minh, trở thành vua Minh Thái Tổ. Cùng năm đó, công phá Đại đô (Bắc Kinh), lật đổ ách thống trị của nhà Nguyên, từng bước thực hiện thống nhất đất nước. Năm Hồng Vũ thứ 31 (1398), Minh Thái Tổ bệnh mất, hưởng thọ 70 tuổi, ở ngôi 31 năm, chôn tại Hiếu lăng ở phía nam chân núi Chung Sơn thành phố Nam Kinh.

Thống nhất Trung Quốc

Gia nhập nghĩa quân

Chùa Hoằng Giác nơi Chu Nguyên Chương trú thân chẳng mấy chốc bị phá hủy bởi chiến tranh. Năm 1352, ông tham gia một lực lượng nổi dậy ở địa phương chống lại triều đại Mông-Nguyên. Qua các chiến công trên chiến trường, ông rất nhanh trở thành một vị tướng với lực lượng riêng của mình. Lực lượng của ông gia nhập với quân Hồng Cân, một lực lượng bắt nguồn từ Bạch Liên Giáo, những người thờ Phật và thần Lửa. Cả lực lượng Bạch Liên Giáo và Chu Nguyên Chương đều cố gắng đánh đuổi người Mông Cổ để khôi phục lại Trung Hoa của người Hán.

Đánh bại các đối thủ

Năm 1356, Chu Nguyên Chương đánh hạ được Kim Lăng (Nam Kinh), nơi đây trở thành căn cứ địa của ông và là kinh đô nhà Minh trong suốt thời gian ông trị vì. Chính quyền của ông bắt đầu nổi tiếng và nạn dân khắp nơi bắt đầu đổ về đây, trong 10 năm tiếp theo dân số Nam Kinh tăng gấp 10 lần. Trong khoảng thời gian này, quân Hồng Cân bị chia năm xẻ bảy, Chu Nguyên Chương đứng đầu một nhánh nhỏ (gọi là Minh), còn Trần Hữu Lượng đứng đầu nhánh lớn, kiểm soát vùng trung tâm thung lũng sông Dương Tử.

Năm 1360, Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng cùng đối đầu quyết chiến để giành được quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của quân Hồng Cân cũ. Thời khắc quan trọng nhất của cuộc chiến là trận hồ Bà Dương năm 1363. Trận đánh kéo dài 3 ngày, kết thúc với việc hạm đội hơn trăm chiến thuyền của Trần Hữu Lượng bị đốt sạch, lực lượng 60 vạn quân của Trần Hữu Lượng bị đánh tan tác buộc ông phải rút lui và chết trận một tháng sau đó. Trận đánh được xem như một trong hai trận thủy chiến lớn nhất lịch sử Trung Quốc, trận đánh còn lại là trận Xích Bích, cả hai trận đánh đều có điểm tương đồng là lực lượng phía nam yếu thế hơn đã thắng lực lượng phía bắc mạnh hơn và cả hai trận đánh đều có tính chất quyết định lịch sử Trung Quốc lúc đó. Chu Nguyên Chương khải hoàn về Nam Kinh, từ đó không trực tiếp thân chinh nữa mà chỉ đạo các tướng lĩnh từ kinh đô.

Năm 1367, Chu Nguyên Chương đánh bại Trương Sĩ Thành, kẻ vốn chiếm giữ kinh đô nhà Tống ở Hàng Châu. Chiến thắng này giúp chính quyền Chu MInh giành quyền kiểm soát toàn bộ các vùng đất bắc và nam sông Dương Tử. Việc này khiến các thủ lĩnh nghĩa quân nhỏ nhanh chóng đầu hàng. Tháng 1 năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế, lập ra nhà Minh, lấy niên hiệu là Hồng Vũ, định đô ở Nam Kinh. Nhiệm vụ của triều đại của ông là đánh đuổi người Mông Cổ, khôi phục giang sơn của người Hán.

Năm 1368, Chu Nguyên Chương hạ lệnh cho Từ Đạt xuất quân bắc phạt đánh đuổi người Mông Cổ. Người Mông Cổ nhanh chóng bị đánh bại và buộc phải bỏ Đại Đô cùng toàn bộ phía bắc Trung Hoa và rút lui vào thảo nguyên vào tháng 9. Năm 1381, quân Minh dưới sự chỉ huy của Mộc Anh đánh chiếm vùng đất cuối cùng của nhà Nguyên là Vân Nam và Trung Hoa hoàn toàn được thống nhất dưới triều đại nhà Minh.

Kế sách

Đối với chính thể chuyên chế của phong kiến Trung Hoa, quân đội là trụ cột của triều đình. Cho nên hầu hết các vua khai quốc đều lập được nhiều chiến công hiển hách. Cũng có thể nói, chiến tranh đã tôi luyện nên trí dũng và tầm nhận thức của một vĩ nhân. Chu Nguyên Chương vạch ra chiến lược Bắc phạt, đã nói rõ ông là người thông minh tài trí hơn người. Đại tướng quân Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân kiến nghị dùng đại quân đánh thẳng vào kinh đô triều Nguyên ngay từ đầu, Chu Nguyên Chương đã nhận thấy không thích hợp. Ông đã chỉ ra:

Đạo quân đơn độc đánh sâu vào lòng địch thực tế là một điều cấm kỵ của nhà quân sự. Xem xét kỹ tình thế, ông đã vạch ra chiến lược cẩn thận mà tất thắng:

Việc phân tích và bố trí chiến lược kiệt xuất này, hoàn toàn căn cứ theo dự liệu mà phát triển, việc Bắc phạt vì vậy đã thành công.

Nguyên nhân thắng lợi

Bất cứ sự thành công nào của một vĩ nhân, không phải chỉ ngồi đợi ơn ban, mà là nắm lấy vận mệnh của mình. Chu Nguyên Chương đã không có quyền thế, lại không có trình độ văn hóa, ông ta mượn quân đội của Quách Tử Hưng để thâu tóm thiên hạ, sự thành công của ông khái quát lên trong ba điểm chủ yếu:

Hoãn xưng đế

Nghĩa quân các lộ phá thành chiếm đất, chưa lập được căn cứ ổn định đã vội xưng vương. Chu Nguyên Chương đã sử dụng lời khuyên của nho sĩ Lý Thiện Trường:

Năm 1359, ông đã sớm trở thành một trang hào kiệt ngất ngưởng binh hùng tướng mạnh, nhưng ông vẫn không xưng vương mà nhận sự thụ phong của Tiểu Minh vương Hàn Lâm Nhi chính quyền nhà Tống, làm Tả thừa tướng hành tỉnh Giang Tây, năm 1361 được tấn phong tước Ngô Quốc công. Năm 1363, ông rước Tiểu Minh vương về an trí ở Trừ Châu, mượn tay thiên tử ban lệnh cho chư hầu, nhưng vẫn không xưng vương. Năm 1364, Chu Nguyên Chương tiêu diệt tập đoàn quân sự lớn nhất ở lưu vực Trường Giang của Trần Hữu Lượng, lúc này mới xưng là Ngô vương, nhưng vẫn tôn trọng Tiểu Minh vương nhà Tống.

Đợi thời cơ tránh mũi nhọn quân Nguyên

Trước kia, khi thực lực của Chu Nguyên Chương chưa lớn mạnh, ông luôn tránh chạm trán với quân chủ lực nhà Nguyên. Ông đã từng đánh bại quân Nguyên ở huyện Lục Hợp (tỉnh An Huy), nhưng đương thời lực lượng của ông rất yếu, không thể đánh nhau với quân chủ lực nhà Nguyên, thế là nộp lại chiến lợi phẩm thu được, hướng dẫn quân Nguyên đi tấn công quân Trương Sĩ Thành, ông luôn giữ mối giao hảo với nhà Nguyên, uyển chuyển tránh né các cánh quân hùng mạnh, sách lược này được vận dụng rất thành công.

Nắm chắc thời cơ để thôn tính dần Giang Nam

Chu Nguyên Chương lợi dụng các cánh quân lớn phản Nguyên ở các lộ làm yểm trợ, không để mất thời cơ phát triển ở vùng trung lưu Trường Giang. Ông mượn vây cánh của Đại Tống, cam chịu phận dưới của Tiểu Minh vương, không xuất đầu lộ diện, mà âm thầm tích lũy phát triển lương thực, mở rộng địa bàn. Ông chọn Tập Khánh làm trung tâm, phía Bắc có Lưu Phúc Thông chống trả quân Nguyên, phía Đông lại có Từ Thọ Huy che chắn. Chu Nguyên Chương lợi dụng thời cơ này để phát triển vùng Giang Nam trước, đánh chiếm những vùng bỏ trống. Trong lúc quân Nguyên đang bận truy quét quân Lưu Phúc Thông và Từ Thọ Huy thì Chu Nguyên Chương cũng đã thống nhất được Giang Nam.

Thiết lập sự cường thịnh của triều Minh

Khi nhà Minh mới thành lập, do hậu quả của chính sách cai trị của triều Nguyên và gần 20 năm chiến tranh, nền kinh tế Trung Quốc bị phá hoại nghiêm trọng, đời sống nhân dân rất khốn khổ.

Trước tình hình ấy, mặc dầu từ lâu không còn là đại biểu của giai cấp nông dân nữa, nhưng Chu Nguyên Chương vẫn thông cảm được các nổi khổ của nhân dân đồng thời cũng hiểu rõ sức mạnh của quần chúng. Vì vậy ông nói:

Quán triệt tư tưởng đó, Minh Thái Tổ đã thi hành những chính sách sau đây4 :

  • Trả tự do cho những người bị biến thành nô tì trong thời gian loạn lạc, đồng thời cấm cưỡng bức hoặc mua bán dân tự do làm nô tì.
  • Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp như kêu gọi nhân dân khai khẩn đất hoang, cho họ có quyền sở hữu vĩnh viễn và không đánh thuế; kêu gọi dân lưu tán trở về quê quán, cấp cho họ ruộng hoang đồng thời cấp bò cày, nông cụ, thóc giống, lương thực để gíup họ vượt qua những khó khăn ban đầu. Triều đình còn chú ý đến vấn đề thủy lợi, giảm nhẹ thuế khóa, cứu tế cho dân những nơi bị mất mùa.
  • Bỏ những hình phạt tàn khốc thời Nguyên như thích chữ vào mặt, cắt mũi, chặt chân, thiến v.v... đồng thời dùng nguyên tắc khoan hồng trong xét xử.
  • Nghiêm trị những quan lại tham nhũng bằng các cực hình như chém bêu đầu, tùng xẻo, giết cả họ v.v... Nhờ những chính sách nói trên, trong vòng 30 năm đầu đời Minh, kinh tế được khôi phục nhanh chóng và bước đầu phát triển, tình hình chính trị được ổn định, đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện.

Cải cách ruộng đất

Vì xuất thân từ một gia đình nông dân, Minh Thái Tổ đã biết được sự khốn khó của nông dân nghèo khi luôn bị bóc lột bởi bọn quan lại và cường hào. Bọn thổ hào địa phương luôn dựa vào mối quan hệ với quan viên triều đình mà chiếm đoạt ruộng đất của nông dân và hối lộ quan chức để chuyển gánh nặng thuế má sang cho người nghèo. Để ngăn ngừa những việc này, Hồng Vũ hoàng đế đã cho ban hành hai hệ thống để vừa bảo đảm thu nhập của triều đình từ tô thuế ruộng đất và xác nhận rằng nông dân không bị mất đất.

Tuy nhiên, các cải cách đã không diệt được mối đe dọa cho nông dân đến từ bọn tham quan, thay vào đó, sự mở rộng và sự gia tăng uy tín của quan liêu đã được chuyển thành tài sản và sự miễn thuế cho những ai phục vụ trong bộ máy chính quyền. Các quan chức đạt được nhiều đặc quyền hơn và một số trở thành những kẻ cho vay nặng lãi bất hợp pháp và quản lý các sòng bạc. Bằng cách sử dụng quyền lực của mình, quan lại mở rộng điền sản của mình với chi phí là ruộng đất của nông dân thông qua việc mua đứt các khoảnh đất đó hoặc tịch thu đất đai dựa trên thế chấp của nông dân cứ mỗi khi chúng cần thêm đất đai. Nông dân bây giờ phải đi ở thuê hoặc làm lao dịch, hoặc đi tìm việc làm ở nơi khác.

Vào những ngày đầu hình thành chính quyền nhà Minh vào năm 1357, Minh Thái Tổ đã đặt rất nhiều sự quan tâm của mình vào việc phân phát đất đai cho nông dân. Một cách để thực hiện việc đó là cưỡng ép di dân đến những vùng dân cư thưa thớt hơn, có người còn bị trói vào cây mà mang đi. Các công trình công cộng như hệ thống thủy lợi và đê điều đều được thực hiện để trợ giúp nông dân. Ngoài ra, Hồng Vũ hoàng đế còn cho giảm các loại lao dịch lên nông dân. Năm 1370, nhà vua hạ chiếu cho hai tỉnh An Huy và Hồ Nam phải giao đất cho nông dân trẻ đã đến tuổi trưởng thành để cày cấy. Chiếu lệnh này là để ngăn chặn địa chủ chiếm đất của nông dân, nó cũng bao gồm việc mảnh đất đó trên danh nghĩa là không thể thuyên chuyển. Vào giữa thời Hồng Vũ, nhà vua thông qua một đạo luật, cho phép những ai đi khai khẩn đất hoang để trồng trọt được giữ lại đất như tài sản mà không phải đóng thuế. Chính sách này được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt và vào năm 1393, đất canh tác tăng đến 8,804,623 khoảnh và 68 mẫu, điều này chưa hề có trong các triều đại trước.

Hồng Vũ hoàng đế còn phát động việc trồng 50 triệu cây cối khắp phụ cận Nam Kinh, sửa sang lại kênh rạch thủy lợi, và cho di dân từ nam lên bắc để bổ sung dân số. Nhà vua đã thành công trong việc gia tăng dân số từ 60 triệu lên đến 100 triệu.

Quân sự

Minh Thái Tổ nhận ra rằng người Mông Cổ vẫn là một mối đe dọa thường trực cho Trung Hoa, dù rằng chúng đã bỏ chạy sau sự sụp đổ của nhà Nguyên. Nhà vua quyết định đánh giá lại quan điểm chính thống của Nho gia là giai cấp võ nhân luôn phải ở mức độ kém hơn giai cấp văn nhân bắt nguồn từ thời Tống. Minh Thái Tổ cho giữ vững một đội quân hùng mạnh mà vào năm 1384, nhà vua đã tổ chức lại theo hệ thống "vệ sở". Mỗi đơn vị quân sự bao gồm 5,600 người được chia vào 5 sở và 10 binh đoàn. Đến năm 1393, tổng quân số vệ sở đã đạt đến 1,200,000 người. Quân lính được phân phát đất đai để trồng trọt và chức vụ được thế tập. Loại hình vệ sở có thể được truy ngược lại chế độ phủ binh của thời Tùy Đường. Trong khi quân đội nhà Minh thời kì đầu cực kì thiện chiến, đội quân này đã mất khả năng thực hiện các chiến dịch tấn công sau cái chết của Minh Thành Tổ, cuối cùng quân Minh đã bị quân Mông Cổ đánh bại trong sự biến Thổ Mộc Bảo vào năm 1449 thời Chính Thống của Minh Anh Tông.

Việc huấn luyện quân sự được thực hiện ngay tại địa phương. Vào thời chiến, quân lính được điều động từ khắp nơi trên đế quốc theo lệnh của Binh bộ, còn các chỉ huy thì được chỉ định để dẫn dắt quân lính ra trận. Sau khi kết thúc chiến tranh, quân đội được chia thành nhiều nhóm nhỏ và được điều về địa bàn quận huyện của mình, còn tướng lĩnh thì phải giao lại binh quyền cho triều đình. Việc này nhằm ngăn chặn tướng lĩnh nắm quyền lực quá lớn, khó mà khống chế. Tuy nhiên, nó cũng có hệ quả là quân đội lại nằm dưới sự chỉ huy của một quan viên dân sự chứ không phải một tướng lĩnh quân sự.

Luật pháp

Bộ luật được viết nên dưới thời Hồng Vũ được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của cả thời đại. Bộ Minh sử nói rằng vào những năm 1364 thì chính quyền Minh của Chu Nguyên Chương đã bắt đầu phác thảo một bộ luật pháp. Đây chính là Đại Minh luật (大明律). Nhà vua dành rất nhiều thời gian cho công trình này và huấn thị các thượng thư của mình rằng bộ luật phải thật toàn diện và dễ hiểu, tránh cho quan lại khai thác các lỗ hổng bằng cách cố ý hiểu sai nghĩa. Đại Minh luật đặt trọng tâm vào các mối quan hệ trong gia đình. Bộ luật cũng là một sự cải thiện to lớn so với luật pháp thời Đường Sơ về các vấn đề nô lệ. Theo luật pháp nhà Đường, nô tì bị đối xử như súc vật trong nhà, nếu lỡ có người dân nào giết đi thì người dân ấy không phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Còn Đại Minh luật bảo vệ cả người dân và nô tì.

Đối với Nho giáo

Được sự hỗ trợ bởi các Nho sĩ, Minh Thái Tổ chấp nhận ý kiến của giới Nho sĩ rằng thương nhân chỉ giống như bọn ăn bám. Nhà vua tin rằng nông nghiệp mới là nguồn thu nhập chính của quốc gia, trong khi thương nghiệp chỉ dành cho bọn ti tiện. Như một hệ quả, nên kinh tế của nhà Minh đặt trọng tâm vào nông nghiệp, trái ngược với hệ thống kinh tế của nhà Tống, những người đi trước người Mông Cổ và chú trọng vào thương nhân và buôn bán để gia tăng thu nhập cho quốc gia. Minh Thái Tổ còn duy trì việc thành lập các cộng đồng nông nghiệp tự cung tự cấp.

Tuy nhiên, định kiến của nhà vua đối với thương nghiệp không làm giảm số lượng thương nhân. Trái lại, số lượng thương nhân tăng vọt trong suốt thời Hồng Vũ cùng với sự phát triển về công nghiệp trên khắp đế quốc. Sự gia tăng trong buôn bán một phần là do điều kiện đất đai cằn cỗi và sự quá tải dân số ở một vài vùng đã buộc người dân phải tìm kiếm vận may trong buôn bán.

Đối với Hồi giáo

Minh Thái Tổ đã hạ chiếu cho xây dựng một số nhà thờ Hồi giáo ở Nam Kinh, Vân Nam, Quảng Đông và Phúc Kiến, và cho khắc những lời ca tụng nhà tiên tri Muhammed trong các nhà thờ. Nhà vua cho xây lại nhà thờ Jinjue ở Nam Kinh và một lượng lớn người Hồi chuyển vào thành phố trong thời Hồng Vũ.

Một số tư liệu cho thấy Minh Thái Tổ giữ mối quan hệ thân cận với người Hồi, và có khoảng 10 vị tướng dưới trướng nhà vua là người Hồi giáo, trong đó có Lam Ngọc, Mộc Anh, Hồ Đại Hải,....Hoàng đế còn cho viết một bài văn 100 chữ ca ngợi đạo Hồi, thánh Allah và nhà tiên tri Muhammed.

Chính sách ngoại giao

Minh Thái Tổ là người không thích xen vào việc nội bộ của quốc gia khác và phản đối dùng quân sự đối với các nước láng giềng. Ngay từ năm 1369, vua Trần Dụ Tông (Minh thực lục ghi là Trần Nhật Khuê) đã sai sứ sang triều cống Minh Thái Tổ, trở thành vua lân bang đầu tiên cử sứ sang triều cống nhà Minh.5 Minh Thái Tổ từ chối can thiệp vào Chămpa khi Đại Việt tấn công người Chăm, chỉ thể hiện một sự trách cứ người Việt. Ông đặc biệt căn dặn các hoàng đế tương lai chỉ nên phòng thủ trước các bộ tộc phương bắc, không nên thực hiện việc tấn công nhằm mở rộng bờ cõi và tìm kiếm vinh quang. Trong Hoàng Minh Tổ Huấn viết vào năm 1395, Minh Thái Tổ viết rõ rằng nhà Minh không nên tấn công các quốc gia sau: Chămpa, Campuchia và An Nam (Việt Nam). Minh Thái Tổ khuyên rằng không nên tấn công Nhung Địch ở phía bắc mà chỉ nên tập trung vào việc phòng thủ.

Thế nhưng Minh Thái Tổ có những phản ứng rất gay gắt đối với những kẻ cố gắng đe dọa Trung Hoa. Ông cho sứ thần đến Nhật Bản với lời cảnh cáo rằng quân đội của ông sẽ "bắt và diệt sạch bọn cướp các ngươi, tiến thẳng đến nước các ngươi và trói vua của các ngươi lại", do việc đánh phá liên tục của cướp biển Oa Khấu Nhật Bản.

Sự phát triển của nhà Minh

Mặc dù thời Hồng Vũ nhà Minh đã bắt đầu sử dụng tiền giấy, việc phát triển tiền giấy bị bóp nghẹt khi chưa bắt đầu. Do không hiểu về lạm phát, Minh Thái Tổ đã phát hành ra rất nhiều tiền giấy như những phần thưởng và vào năm 1425, triều đình phải cho thu hồi tiền giấy và áp dụng lại tiền đồng vì tiền giấy đã bị tụt giá chỉ còn 1/70 giá trị ban đầu.

Trong suốt thời Hồng Vũ, nhà Minh sơ được đặc trưng bởi sự gia tăng dân số đều đặn và đáng kể, phần nhiều là do sự gia tăng lương thực nhờ vào những cải cách nông nghiệp của hoàng đế. Thời Minh mạt, dân số đã tăng tới 50%. Việc này được thúc đẩy bởi những cải tiến quan trọng trong kỹ thuật nông nghiệp, nhờ vào một nhà nước vốn chuyên về nông canh lên nắm quyền vào giữa lúc có một cuộc khởi nghĩa nông dân thân Nho giáo. Trong suốt thời cai trị của nhà vua, mức sống của người dân đã được cải thiện đáng kể.

Quan chế

Để cho vương triều Minh của họ Chu kế tục lâu dài, Minh Thái Tổ trước mắt tăng cường chế độ trung ương tập quyền. Năm Hồng Vũ thứ 9 (1376) bãi bỏ Hành trung thư tỉnh, thiết lập Bố chính sứ ty, Đề hình Án át sứ ty, Đô chỉ huy sứ ty phân ra để quản lý hành chính tư pháp, quân sự. Năm Hồng Vũ thứ 13 (1380) hủy bỏ chức Trung thư tỉnh ở trung ương, bãi bỏ chế độ Tể tướng, phân quyền cho sáu bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Thiết lập Đô sát viện giám sát trăm quan, lập Cẩm y vệ là những cơ cấu đặc vụ có nhiệm vụ khống chế thần dân. nhưng sau tể tướng Hồ Duy Dung làm phản, ông ban lệnh hành quyết, đồng thời bãi bỏ chức Tể tướng Trung Quốc, ông cho rằng tể tướng có quyền lực gần bằng hoàng đế, nên có thể tạo phản bất cứ lúc nào.

Thái Tổ đã cố gắng và khá thành công trong việc tập trung quyền lực, kiểm soát hết mọi mặt của triều đình để không có đảng phái nào đủ mạnh để lật đổ ông. Ông còn cho củng cố sức mạnh phòng thủ chống lại người Mông Cổ và ngày càng tăng cường thu thập quyền lực vào trong tay. Nhà vua cho bỏ chức vụ tể tướng là vị trí đầu não trong triều đình đã có từ ngàn năm bằng cách vu cho tể tướng của mình mưu phản. Bằng cách bãi bỏ chức vụ tể tướng và thu hết quyền lực của triều đình vào trong tay một mình nguyên thủ, Hồng Vũ hoàng đế đã bỏ đi tấm lá chắn cuối cùng có thể chống lại những hoàng đế vô năng đời sau. Trong lịch sử, quân chủ nhà Minh là kém nhất, không hôn (Minh Thế Tông, Minh Thần Tông) thì bạo (Minh Thành Tổ), giỏi lắm cũng được cho là bình thường (Minh Tuyên Tông, Minh Hiếu Tông), còn lại là bọn lười biếng ham chơi (Minh Hiến Tông, Minh Vũ Tông), đến lúc có người muốn làm việc thì khí số đã hết (Minh Tư Tông)6 .

Tuy nhiên, Thái Tổ không thể nào điều hành cả một đế quốc Đại Minh rộng lớn chỉ bằng sức lực bản thân, vì thế ông phải thành lập thêm chế độ Đại học sĩ. Chế độ gần giống với nội các này từng bước thay thế quyền lực của chức vụ tể tướng đã bị bãi bỏ và dần dần trở nên có quyền thế không khác gì chế độ tể tướng. Nhìn vẻ bề ngoài không có thực quyền, các vị Đại học sĩ có thể có một số ảnh hưởng tác động tích cực lên ngai vàng. Bởi vì uy tín và niềm tin mà cộng đồng dành cho họ, các Đại học sĩ có thể hành động như cầu nối trung gian giữa hoàng đế và quan viên các bộ, vì thế tạo nên một lực lượng hòa giải trong triều.

Dưới thời Hồng Vũ, hệ thống quan liêu của người Mông Cổ thống trị nhà Nguyên bị thay thế bằng các quan viên người Hán. Hồng Vũ hoàng đế đã cho cải tiến lại hệ thống khoa cử để tuyển dụng quan chức dựa trên các mô hình đạo đức Nho giáo và tài năng văn chương. Các ứng cử viên cho các chức vụ quản lý dân sự và chức vụ sĩ quan quản lý quân đội đều buộc phải thông qua kỳ thi sát hạch của triều đình, dựa trên các yêu cầu của Tứ thư Ngũ Kinh. Hệ thống quan liêu Nho giáo này, vốn bị gạt ra ngoài chính quyền vào thời Nguyên, nay đã được khôi phục lại vị thế của mình trong chính quyền.

Minh Thái Tổ cũng rất chú ý đến vai trò của hoạn quan trong việc sụp đổ của các triều đại trước. Ông cho giảm mạnh số lượng hoạn quan, cấm tiệt việc hoạn quan xử lý tấu chương, nhấn mạnh rằng hoạn quan phải mù chữ và cho chém hết những hoạn quan dám có lời bàn về việc triều chính. Nhà vua có ác cảm rất mạnh với hoạn quan, tổng kết bằng câu nói ghi trên bảng sắt: "Hoạn quan không được can chính, kẻ phạm vào thì giết không tha". Tuy nhiên ác cảm này không được truyền lại cho những hoàng đế đời sau, khi việc hai vị hoàng đế Hồng Vũ và Kiến Văn đối xử tệ bạc với hoạn quan đã giúp cho Minh Thành Tổ thành công trong việc cướp ngôi nhờ các hoạn quan và Vĩnh Lạc đã sử dụng hoạn quan như là cơ sở quyền lực của mình. Minh Thái Tổ còn không chấp thuận việc cho họ hàng bên vợ của mình vào triều làm quan, chính sách này được giữ vững vào các triều đại tiếp theo.

Sát hại công thần

Giống như Lưu Bang nhà Hán, Minh Thái Tổ đã gây ra nhiều vụ án văn chương và gây ra nhiều án liên lụy đến nhiều người nhằm diệt trừ hậu họa cho con cháu.7 Ông nhận thấy Thái tử nhu nhược, khó mà điều khiển nổi những công thần bướng bỉnh không thuần, trước khi ông qua đời còn giúp cho con cháu diệt trừ tận gốc. Tống Liêm là thầy của Thái tử, từ những năm đầu đã theo làm tham mưu cho Thái Tổ vào sinh ra tử chốn quân trường, lập được nhiều công to, làm quan đến chức Học sĩ Thừa chỉ tri chế cáo. Thái Tổ cũng viện cớ để giết ông ta, Thái tử thấy thầy bị kết án chém, rơi lệ cầu xin cho thầy. Để dạy bảo Thái tử, ông cho mang một cây roi lớn có đầy gai nhọn quẳng xuống đất, bảo Thái tử nhặt lên. Thái tử có vẻ lúng túng, nhà vua liền dạy rằng:

Thái tử thông minh hiểu được ý của cha, nhưng cũng không cho là đúng, liền khuyên giải vua cha một cách khéo léo rằng:

Ngụ ý là làm vua không được tàn bạo. Thái Tổ rất giận dữ, liền tóm lấy ghế quẳng về hướng thái tử.

Việc này cho thấy Hồng Vũ Đế sau khi đã ngồi trên ngai rồng đã xem công thần là những gai nhọn cần phải loại bỏ. Thống nhất thiên hạ rồi, không thể dùng võ tướng nữa, ông đã tính kỹ cho con cháu. Dùng quan văn để trị thiên hạ, Thái Tổ vẫn không an tâm, cho nên quyền lực từ trung ương đến địa phương hầu hết đều tập trung trong tay Hoàng đế, phát triển chế độ Trung ương tập quyền đến đỉnh cao, trở thành một trong những vị vua có quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc8 .

Minh Thái Tổ luôn cho rằng thần dân của ông nên tuân lệnh ông và cực kỳ khét tiếng với việc giết chóc trong các cuộc thanh trừng của mình. Các hình phạt ưa thích của ông là lăng trì và lột da. Một tướng lĩnh của ông là Thường Ngộ Xuân đã thực hiện các cuộc thảm sát ở Sơn Đông và Hồ Nam để trả thù cho việc quân đội của ông bị chống trả. Cùng với thời gian, Minh Thái Tổ trở nên ngày càng lo sợ sẽ bị mưu phản và lật đổ, thậm chí ông còn cho hành quyết các quan viên dám chỉ trích mình. Tương truyền chỉ vì nghe một người dân có lời bất kính với mình mà Hồng Vũ hoàng đế cho tàn sát hàng nghìn người ở Nam Kinh. Vào năm 1380, sau khi đã giết chóc rất nhiều, một tia sét đã đánh thẳng vào cung điện của nhà vua, Minh Thái Tổ cực kỳ sợ hãi và đã dừng các cuộc giết chóc lại một thời gian vì nhà vua sợ bị thiên khiển (trời phạt).

Minh Thái Tổ tạo nên những vụ án lớn, văn thần võ tướng, tất cả đều bị càn quét triệt để. Năm Hồng Vũ thứ 13 (1380), Thừa tướng Hồ Duy Dung bị kết tội mưu phản, làm liên lụy đến hơn 3 vạn người vô tội. Năm Hồng Vũ thứ 26 (1393), Lam Ngọc cũng chịu chung số phận như vậy cùng với 2 vạn người. Minh Thái Tổ đã cuốn một loạt "gai góc" đến hơn 6, 7 vạn người. Ông còn để cho cơ quan đặc vụ Cẩm y vệ hoạt động công khai, từ sau bức rèm the lại nhảy lên tiền đài.9 Trong hơn 30 năm cai trị của Minh Thái Tổ, Cẩm Y vệ chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 10 vạn người.

Những năm cuối đời, Minh Thái Tổ còn ban bố điều lệ Hoàng Minh tổ huấn, yêu cầu con cháu cùng các công thần phải tuân thủ "phép tắc của tổ tông", quy định đời sau kẻ nào sửa đổi điều tổ tông đặt ra thì giết không tha. Ông đã giữ chính sách bế quan tỏa cảng, trở thành "tổ huấn", dĩ nhiên là "tổ huấn" đó đã được giữ khư khư một cách tiêu cực, làm cho nền chính trị của vương triều Minh bị ảnh hưởng một cách lâu dài.

Mất

Vào ngày 24 tháng 6 dương lịch năm Hồng Vũ thứ 31 (1398), Minh Thái Tổ băng hà ở Nam Kinh, hưởng thọ 71 tuổi. Sau khi ông chết, các ngự y của ông đã bị lưu đày. Khi hai hoàng đế Hoằng Trị và Gia Tĩnh băng hà thì ngự y của họ đều bị xử tử. Ông được táng ở Hiếu lăng, miếu hiệu là Thái Tổ, thụy là Cao hoàng đế. Vì con trai trưởng của ông là thái tử Chu Tiêu mất sớm, Thái Tổ bỏ qua những người con trai đã trưởng thành của mình mà lập đứa cháu nội Chu Doãn Văn làm Hoàng thái tôn để lên kế vị, tức là vua Minh Huệ Đế. Thái Tổ trong tổ huấn đã viết rằng không phải con trai trưởng thì không được kế vị, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên sự yếu kém ở các quân chủ nhà Minh đời sau.

Hậu thế

Sau khi qua đời, Minh Thái Tổ được chôn cất ở Minh Hiếu lăng.

Minh Thái Tổ đã vì giang sơn muôn đời của Đại Minh mà khổ tâm sắp đặt, trừ hậu họa cho con cháu, ban bố tổ huấn, nhưng sự việc cuối cùng lại không theo như ý muốn. Sau khi ông qua đời, mộ phần chưa ráo, thì chú cháu tranh đoạt quyền lực lẫn nhau, "tổ huấn" của ông đã bị người con thứ tư của ông là Chu Đệ phá hoại, chính là Thành Tổ sau này. Thành Tổ chiếm ngôi hoàng đế, dời đô từ Nam Kinh về Yên Kinh, dù trước đó Thái Tổ từng dặn dò con cháu phải đề phòng các rợ tộc phương Bắc xâm chiếm, không được đóng đô ở gần phương Bắc mà phải ở phương Nam.

Minh Thái Tổ giết hại công thần, không còn ai để giao việc, tự mình chọn trưởng tôn Chu Doãn Văn làm người kế vị nhưng đã bị chết trong binh lửa. Ông còn dựng bảng sắt cấm chỉ hoạn quan can dự chính sự, mà đến đời Thành Tổ có đến 24 nha môn lọt vào tay hoạn quan, hoạn quan đã nắm giữ cơ quan đặc vụ, triều Minh đã trở thành triều đại mà hoạn quan gây họa kịch liệt nhất.

Minh Thái Tổ đặt một cánh quân hùng mạnh trấn giữ Liêu Đông, dặn dò con cháu trấn thủ biên cương phía bắc, nhưng sau này triều Minh lại bị một dân tộc thiểu số ngoài quan ải tiến vào lật đổ là người Nữ Chân.

Vai trò lịch sử

Chu Nguyên Chương tay không dựng nghiệp lớn, đánh đuổi được người Mông Cổ, giành lại quyền tự chủ của người Hán. Bản thân không có một tấc đất nương thân, nhưng qua tự lực phấn đấu mà khai sáng được giang sơn Đại Minh gần 300 năm, vì vậy trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại lạ lùng về ông, chính là thuật lại một cách tôn kính về sự nghiệp và mức độ thông minh tài trí của ông. Thái Tổ lập nghiệp ở phía nam sông Trường Giang mà xuất quân bắc phạt đánh đuổi người Mông Cổ, lấy được thiên hạ là lần duy nhất mà một lực lượng phía nam có thể thống nhất được toàn bộ quốc gia. Các triều đại trước ông như Tần, Hán, Tấn, Tùy, Đường, Tống, Nguyên và sau ông như người con Chu Đệ từ Bắc Kinh đánh xuống phía nam và nhà Thanh đều xuất thân từ phía bắc. Trước và sau ông không ai có thể làm được như thế.

Trong chùa Long Hưng huyện Phụng Dương tỉnh An Huy có một cặp đối khái quát khá thần tình cả cuộc đời mà Thái Tổ nếm trải [cần dẫn nguồn]:

Tuy vậy, sự lạc hậu của Trung Quốc so với phương Tây bắt đầu từ đời Minh.7 Sự lạc hậu này thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có biện pháp thống trị chuyên chế bảo thủ của Thái Tổ, đặc biệt là thể chế chính trị tập quyền cao độ, quyền lực về kinh tế nằm dưới cực quyền chính trị, mà các chế độ về cửa ải bến sông, chế độ cấm buôn bán trên biển, chế độ hộ làm nghề thủ công, chế độ lưu thông hàng hóa... là nguyên nhân chủ yếu kìm hãm sự phát triển của kinh tế. Những hạn chế này là do xuất thân của Thái Tổ. Ngoài ra, cách chọn nhân tài bằng lối văn bát cổ (một thể văn dùng trong các kỳ thi thời phong kiến, chỉ chuộng phô trương hình thức, ít chuộng giá trị đích thực của nội dung) và chủ trương văn hóa chuyên chế của triều Minh cũng là nguyên nhân chủ yếu để tạo nên sự đình trệ của xã hội Trung Quốc10 . Công và tội của Thái Tổ đối với lịch sử đều đáng được suy ngẫm.

Miếu và thuỵ hiệu

  • Hồng Vũ thứ 31, tháng 6, năm Giáp Thìn: Khâm minh Khải vận Tuấn đức Thành công Thống thiên Đại hiếu Cao hoàng đế, miếu hiệu Thái Tổ (欽明啟運俊德成功統天大孝高皇帝) 11
  • Vĩnh Lạc nguyên niên, ngày 11 tháng 6, năm Đinh Tị: Thánh thần Văn vũ Khâm minh Khải vận Tuấn đức Thành công Thống thiên Đại hiếu Cao hoàng đế (聖神文武欽明啟運俊德成功統天大孝高皇帝) 12
  • Gia Tĩnh thứ 17, tháng 11: Khai thiên Hành đạo Triệu kỉ Lập cực Đại thánh Chí thần Nhân văn Nghĩa vũ Tuấn đức Thành công Cao hoàng đế (開天行道肇紀立極大聖至神仁文義武俊德成功高皇帝) 12

Các tể tướng

  • Lý Thiện Trường
  • Từ Đạt
  • Lý Văn Trung
  • Uông Quảng Dương
  • Hồ Duy Dung

Các danh tướng

  • Chu Đệ
  • Lưu Bá Ôn
  • Thôi Tụ
  • Trần Hiệp
  • Lý Đằng
  • Lý Lượng
  • Đặng Dũ
  • Thang Hòa
  • Mộc Anh
  • Hồ Đại Hải
  • Du Thông Hải
  • Phó Hữu Đức
  • Lam Ngọc
  • Cao Bân
  • Trương Phụ
  • Hạ Bình
  • Lý Khánh
  • Lương Minh
  • Triệu Quân Dụng
  • Vương Thông
  • Mộc Thạnh
  • Liễu Thăng
Tào Quốc Trưởng công chúa Chu Phật Nữ, chị của Minh Thái Tổ

Gia đình

  • Thân phụ: Chu Thế Trân [朱世珍, 1281 - 1344], thụy phong Nhân Tổ Thuần hoàng đế (仁祖淳皇帝).
  • Thân mẫu: Thuần hoàng hậu Trần thị [淳皇后陳氏, 1286 - 1344].

Anh chị em

  1. Nam Xương Vương Chu Hưng Long [朱興隆; 1344]. Con trai là Chu Văn Chính (朱文正).
  2. Hu Di Vương Chu Hưng Thịnh [朱興盛].
  3. Lâm Hoài Vương Chu Hưng Tổ [朱興祖].
  4. Thái Nguyên công chúa [太原公主], trưởng tỉ, lấy Vương Thất Nhất (王七一).
  5. Tào Quốc công chúa [曹國公主; 1317 - 1351], nhị tỉ, tên Chu Phật Nữ (朱佛女), lấy Lý Trinh (李贞), mẹ của Lý Văn Trung (李文忠).

Hậu phi

  1. Hiếu Từ Cao hoàng hậu Mã thị (孝慈高皇后马氏, 1332 - 1382), người ở Túc Châu. Dã sử xưng Mã Tú Anh (马秀英), Mã Ngọc Hoàn (马玉环) hoặc Mã Đại Cước (马大脚). Sinh ra Ý Văn Thái tử Chu Tiêu, Tần Mẫn vương Chu Sảng (朱樉), Tấn Cung vương Chu Cương (朱棡), Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc Đế, Chu Định vương Chu Túc (朱橚), Ninh Quốc Công chúa và An Khánh Công chúa.
  2. Thành Mục Quý phi Tôn thị (成穆貴妃孫氏, 1343 - 1374), người Trần Châu (Hoài Dương ngày nay), cha là Tôn Hòa Khanh (孫和卿). Hồng Vũ nguyên niên, sách phong Quý phi, đứng đầu chúng phi giúp Hoàng hậu quản lý sự vụ. Tôn Quý phi tính tình hiền thuận, tư sắc diễm mỹ, được Thái Tổ và Mã hoàng hậu coi trọng, gọi là Hiền phi (贤妃). Bà sinh ra Lâm An công chúa, Hoài Khánh công chúa và 2 Hoàng nữ chết yểu. Sau khi bà qua đời, Thái Tổ lấy Chu Định vương Chu Túc trở thành con của bà, phục tang 3 năm.
  3. Lý Thục phi (李淑妃), người Thọ Châu (Hoắc Khâu ngày nay), cha là Lý Kiệt (李傑). Năm Hồng Vũ thứ 17 (1384), sách phong Thục phi, chưởng quản hậu cung sự vụ, nhưng không lâu sau thì mất.
  4. Quách Ninh phi (郭寧妃), người Hào Châu; cha là Doanh Quốc công Quách Sơn Phủ (郭山甫); xuất thân danh môn Quách thị; bà là em gái của Đại tướng quân Quách Anh (郭英). Cai quản 6 cung sau khi Lý Thục phi qua đời. Không rõ năm mất, nhiều khả năng bị Minh Thái Tổ ban chết, sinh hạ Lỗ Hoang vương Chu Đàn, Nhữ Ninh Công chúa
  5. Triệu Quý phi (赵贵妃), sinh hạ Trầm Giản vương Chu Mô
  6. Giang Quý phi (江贵妃)
  7. Quách Huệ phi (郭惠妃), sinh hạ Thục Hiến vương Chu Xuân, Đại Giản vương Chu Quế, Dục vương Chu Huệ, Vĩnh Gia Trinh Ý Công chúa, Nhữ Dương Công chúa, Đại Danh Công chúa
  8. Trang Tĩnh An Vinh Huệ phi Thôi thị (莊靖安荣惠妃崔氏)
  9. Chiêu Kính Sung phi Hồ thị (昭敬充妃胡氏), sinh hạ Sở Chiêu vương Chu Trinh
  10. Trịnh An phi (郑安妃), sinh hạ Phúc Thanh Công chúa
  11. Đạt Định phi (达定妃), sinh hạ Tề Cung vương Chu Phù, Đàm vương Chu Tử
  12. Hồ Thuận phi (胡顺妃), sinh hạ Tương Hiến vương Chu Bách
  13. Nhậm Thuận phi (任顺妃), Triều Tiên tiến cống
  14. Lý Hiền phi (李贤妃), sinh hạ Đường Định vương Chu Kính
  15. Lưu Huệ phi (刘惠妃), sinh hạ Dĩnh Tĩnh vương Chu Đống
  16. Cát Lệ phi (葛丽妃), sinh hạ Y Lệ vương Chu Di
  17. Ngạc phi (碽妃), Triều Tiên tiến cống. Có sử gia coi là mẹ đẻ của Minh Thành Tổ
  18. Hàn phi (韩妃), Triều Tiên tiến cống, sinh hạ Liêu Giản vương Chu Thực
  19. Dư phi (余妃), sinh hạ Khánh Tĩnh vương Chu Chiên
  20. Dương phi (杨妃), sinh hạ Ninh Hiến vương Chu Quyền
  21. Chu phi (周妃), sinh hạ Dân Trang vương Chu Biền, Hàn Hiến vương Chu Tùng
  22. Lý Tiệp dư (李婕妤), Triều Tiên tiến cống
  23. Thôi Mỹ nhân (崔美人), Triều Tiên tiến cống
  24. Trương Mỹ nhân (张美人), sắc đẹp mỹ miều, đặc ân không bị tuẫn táng, sinh hạ Bảo Khánh Công chúa, được Từ Hoàng hậu nuôi dưỡng
  25. Cáo thị (郜氏), không phong hiệu, sinh hạ Túc Trang vương Chu Anh
  26. Lâm thị (林氏), không phong hiệu, sinh hạ Nam Khang Công chúa

Con cái

Con trai

TT Họ tên Tước Sinh Mất Mẹ Ghi chú
1 Chu Tiêu
朱標
Ý Văn thái tử
懿文太子
10/10/1355 17/5/1392 Hiếu Từ Cao hoàng hậu Lấy con gái của Thường Ngộ Xuân làm Thái tử phi; sau lại lấy con gái của Lã Bản làm kế thất. Lã phi sinh ra con trai là Chu Doãn Văn, được lập làm hoàng thái tôn, sau này lên làm vua, tức Minh Huệ Đế
2 Chu Sảng
朱樉
Tần Mẫn vương
秦愍王
3/12/1356 9/4/1395 Hiếu Từ Cao hoàng hậu, có thuyết cho là con của phi tần khác
3 Chu Cương
朱棡
Tấn Cung vương
晉恭王
18/12/1358 22/4/1398 Hiếu Từ Cao hoàng hậu, có thuyết cho là con của phi tần khác
4 Chu Đệ
朱棣
Yên vương
燕王
2/5/1360 12/8/1424 Hiếu Từ Cao hoàng hậu, có thuyết là con của phi tần khác Sau Tĩnh Nan chi dịch thì đoạt ngôi, tức Minh Thành Tổ.
5 Chu Túc
朱橚
Chu Định vương (周定王), ban đầu phong là Ngô vương (吳王) 8/10/1361 2/9/1425 Hiếu Từ Cao hoàng hậu, có thuyết cho là con của phi tần khác
6 Chu Trinh
朱楨
Sở Chiêu vương
楚昭王
5/4/1364 22/3/1424 Hồ Sung phi
7 Chu Phù
朱榑
Tề Cung vương
齊恭王
23/12/1364 1428 Đạt Định phi bị chết oan
8 Chu Tử
朱梓
Đàm vương
潭王
6/10/1369 18/4/1390 Đạt Định phi Tự sát trong niên hiệu Hồng Vũ. Lấy con gái của Vu Hiển.
9 Chu Kỷ
朱杞
Triệu vương
趙王
10/1369 16/1/1371 không rõ Chết non
10 Chu Đàn
朱檀
Lỗ Hoang vương
魯荒王
15/3/1370 2/1/1390 Quách Ninh phi Lấy con gái của Thang Hòa.
Trực hệ của Minh Nghĩa Tông Chu Dĩ Hải nhà Nam Minh
11 Chu Xuân
朱椿
Thục Hiến vương
蜀獻王
4/4/1371 1423 Quách Huệ phi Lấy con gái của Lam Ngọc.
12 Chu Bách
朱柏
Tương Hiến vương
湘獻王
12/9/1371 1399 Hồ Thuận phi Tự sát trong niên hiệu Kiến Văn.
13 Chu Quế
朱桂
Đại Giản vương (代簡王), ban đầu phong là Dự vương (豫王) 25/8/1374 29/12/1446 Quách Huệ phi Lấy con gái thứ của Từ Đạt.
14 Chu Anh
朱楧
Túc Trang vương (肅莊王), ban đầu phong là Hán vương (漢王) 10/10/1376 5/1/1420 Cáo thị
15 Chu Thực
朱植
Liêu Giản vương (遼簡王), ban đầu phong là Vệ vương (衛王) 24/3/1377 1424 Hàn phi
16 Chu Chiên
朱㮵
Khánh Tĩnh vương
慶靖王
6/2/1378 23/8/1438 Dư phi Lấy con gái của Tôn Đạt
17 Chu Quyền
朱權
Ninh Hiến vương
寧獻王
27/5/1378 1448 Dương phi
18 Chu Biền
朱楩
Dân Trang vương
岷莊王
1379 1450 Chu phi
19 Chu Huệ
朱橞
Dục vương
谷王
30/4/1379 1428 Quách Huệ phi Bị phế làm dân thường trong niên hiệu Vĩnh Lạc
20 Chu Tùng
朱松
Hàn Hiến vương
韓憲王
26/6/1380 19/11/1407 Chu phi
21 Chu Mô
朱模
Trầm Giản vương
沈簡王
1/9/1380 1431 Triệu Quý phi
22 Chu Doanh
朱楹
An Huệ vương
安惠王
18/10/1383 9/10/1417 không rõ Lấy con gái út của Từ Đạt.
23 Chu Kính
朱桱
Đường Định vương
唐定王
11/10/1386 8/9/1415 Lý Hiền phi Trực hệ của 2 anh em Minh Thiệu Tông và Minh Văn Tông nhà Nam Minh
24 Chu Đống
朱棟
Dĩnh Tĩnh vương
郢靖王
21/6/1388 14/11/1414 Lưu Huệ phi Lấy con gái của Quách Anh
25 Chu Di
朱㰘
Y Lệ vương
伊厉王
9/7/1388 8/10/1414 Cát Lệ phi
26 Chu Nam
朱楠
không phong vương 4/1/1394 1394 không rõ Chết khi vừa đầy tháng

Con gái

TT Tước phong Sinh mất Năm kết hôn Mẹ Chồng Ghi chú
1 Lâm An Công chúa
臨安公主
1360 - 17/8/1421 1376 Thành Mục Quý phi Lý Kì (李祺), con trai Lý Thiện Trường (李善長) Tên là Chu Ngọc Phượng (朱玉凤), được Mã Hoàng hậu nuôi dưỡng
2 Ninh Quốc Công chúa
寧國公主
1364 - 7/9/1434 1378 Hiếu Từ Cao hoàng hậu Mai Ân (梅殷), cháu ruột của Mai Tư Tổ (梅思祖)
3 Sùng Ninh Công chúa
崇寧公主
 ? 21/12/1384 không rõ Ngưu Thành (牛城)
4 An Khánh Công chúa
安慶公主
 ? 23/12/1381 Hiếu Từ Cao hoàng hậu Âu Dương Luân (歐陽倫)
5 Nhữ Ninh Công chúa
汝寧公主
 ? 11/6/1382 Quách Ninh phi Lục Hiền (陸賢), con trai Lục Trọng Hanh (陸仲亨)
6 Hoài Khánh Công chúa
懷慶公主
1360 - 15/7/1425 11/9/1382 Thành Mục Quý phi Vương Ninh (王寧) Có hai con trai là Vương Trinh Lương (王貞亮) và Vương Trinh Sơn (王貞慶)
7 Đại Danh Công chúa
大名公主
1368 - 30/3/1426 2/9/1382 Quách Ninh phi Lý Kiên (李堅), con trai Lý Anh (李英) Có một con trai là Lý Trang (李莊)
8 Phúc Thanh Công chúa
福清公主
1370 - 28/2/1417 26/4/1385 Trịnh An phi Trương Lân (張麟), con trai Trương Long (張龍)
9 Thọ Xuân Công chúa
壽春公主
1370 hoặc 1373 - 1/8/1388 9/4/1386 không rõ Phó Trung (傅忠), con trai Phó Hữu Đức (傅友德)
10 Thập công chúa  ? Thành Mục Quý phi Chết non
11 Nam Khang Công chúa
南康公主
1373 - 15/11/1438 1387 Lâm thị Hồ Quan (胡觀), con trai Hồ Hải (胡海) Tên là Chu Ngọc Hoa (朱玉华)
12 Vĩnh Gia Trinh Ý Công chúa
永嘉貞懿公主
1376 - 12/10/1455 23/11/1389 Quách Huệ phi Quách Trấn (郭鎮), con trai Quách Anh (郭英)
13 Thập tam công chúa  ? Thành Mục Quý phi Chết non
14 Hàm Sơn Công chúa
含山公主
1381 - 18/10/1462 11/9/1394 Cao Lệ phi Hàn thị Doãn Thanh (尹清)
15 Nhữ Dương Công chúa
汝陽公主
 ? 23/8/1394 Quách Huệ phi Tạ Đạt (謝達)
16 Bảo Khánh Công chúa
寶慶公主
1394 - 1433 1413 Trương Mỹ nhân Triệu Huy (趙輝) Được Từ Hoàng hậu nuôi dưỡng

Tiểu thuyết hoá

Tả thị xuân thu:Minh Thái Tổ được tiểu thuyết hoá trở thành một nhân vật trong truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung.

Trong truyện này ông là một giáo chúng của Minh giáo, có quen biết sâu sắc với giáo chủ Trương Vô Kỵ và tham gia khởi nghĩa chống quân Mông Cổ. Khi khởi nghĩa sắp thắng lợi ông lập mưu lừa Trương Vô Kỵ từ bỏ ngôi vị giáo chủ, ép giáo chủ tiếp theo là Dương Tiêu từ chức, giết thủ lĩnh, lừa bạn bè. Cuối cùng khi khởi nghĩa thành công, Minh Thái Tổ tự mình lên ngôi hoàng đế, phản bội Minh giáo. Tên gọi "triều Minh" là để gợi nhớ tới xuất thân Minh giáo của ông.

Xem thêm

  • Nhà Nguyên
  • Nhà Minh
  • Danh sách Hoàng đế nhà Minh

Tham khảo

  • Tiêu Lê (2000), Những ông vua nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, tập 3, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Nguyễn Hiến Lê (1997) Sử Trung Quốc, Chương VII: Nhà Minh (1368 - 1644)

Chú thích

  1. ^ Tiêu Lê, sách đã dẫn, tr 216
  2. ^ Tiêu Lê, sách đã dẫn, tr 217
  3. ^ Tiêu Lê, sách đã dẫn, tr 219
  4. ^ Tiêu Lê, sách đã dẫn, tr 260 - 271
  5. ^ “Entry”. Truy cập 8 tháng 8 năm 2016. 
  6. ^ Dịch Trung Thiên "Luận anh hùng"
  7. ^ a ă Nguyễn Hiến Lê (1997) Sử Trung Quốc, Chương VII: Nhà Minh (1368 - 1644)
  8. ^ Tiêu Lê, sách đã dẫn, tr 241
  9. ^ Tiêu Lê, sách đã dẫn, tr 250-251
  10. ^ Tiêu Lê, sách đã dẫn, tr 278
  11. ^ 明 朱鷺 建文書法儗 前编
  12. ^ a ă 明史 卷五十一 志第二十七 禮五吉禮五 加上諡號
Castle 02.svg Chủ đề Lịch sử
LocationAsia.svg Chủ đề Châu Á
China dragon.svg Chủ đề Trung Quốc

(Nguồn: Wikipedia)