Bùi Tá Hán (1496-1568)1 , là một danh tướng có công khôi phục nhà Hậu Lê (thời Lê Trung Hưng, 1533-1789) trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử

Bùi Tá Hán là người ở Châu Hoan (nay là Nghệ An). Chưa rõ thân thế của ông, chỉ biết ông là cận thần của danh tướng Nguyễn Kim.

Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc. Trung thành với nhà Hậu Lê, Bùi Tá Hán theo ngọn cờ "phù Lê diệt Mạc" của Nguyễn Kim, lập được nhiều công tích.

Sau khi nhà Hậu Lê được khôi phục (sử gọi là thời Lê Trung Hưng), năm 1545, dưới triều vua Lê Trang Tông, ông được phong làm Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự, trấn nhậm ở Thừa tuyên Quảng Nam 2 , rồi được ban tước Trấn quốc công (1546).

Theo "Phủ tập Quảng Nam ký sự" của Mai thị, thì Bùi Tá Hán là người có công lấy lại đất Quảng Nam từ tay nhà Mạc. Sau đó, ông đã thực hiện một số chính sách an dân, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân ở vùng đất này.

Ông mất năm 1568, không rõ nguyên nhân,3 như bia văn đã viết:

Nhân mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu.

Có nghĩa là:

Người, ngựa chẳng biết đi về nơi nào
Chỉ có áo bào thấm máu lưu lại lời bia.

Sau khi mất, Bùi Tá Hán được truy tặng tước Thái bảo. Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832), gia phong ông là Khuông quốc Tịnh biên Thọ phục thượng đẳng thần. Đến đời Tự Đức, các quan địa phương có dựng bia bên mộ ông, trên bia có khắc mấy chữ: "Cố Lê đô đốc Trần Quận Công chi mộ". Người con thứ của ông là Bùi Phụ Phang, sau làm đến Bố chính tỉnh Sơn Tây trong đời Thiệu Trị 4 .

Theo quan điểm của các sử gia nhà Nguyễn, Bùi Tá Hán đã được liệt vào "nhân vật xứ Quảng Ngãi" 5 .

Di tích

Lăng mộ Bùi Tá Hán được xây dựng tại khu rừng (là nơi đã tìm thấy áo bào của ông) ở làng Thu Phổ, nên gọi là Rừng Lăng. Đền thờ ông được xây dựng trên đỉnh núi Phước ở làng Thu Phổ nên gọi là Núi Ông.

Năm 1962, khi xây dựng Nhà máy Đường Thu Phổ, đền thờ ông được dời vào Rừng Lăng, nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi. Trong đền có bức tượng thờ ông và người hầu (thường gọi là Xích Y) với nhiều sắc phong của triều Tây Sơn và triều Nguyễn; nhiều thơ, liễn đối phúng điếu của các quan lại và các bậc túc nho trong tỉnh.

Đền thờ Bùi Tá Hán đã được cấp bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 168 ngày 2 tháng 3 năm 1990. Ở nhiều nơi trong tỉnh và trong vùng cũng có một số di tích và miếu thờ liên quan đến Bùi Tá Hán6 .

Sách tham khảo

  • Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí (Tập 2). Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Nhà xuất bản Thuận hóa. Huế. 1997.
  • Mai Thị, "Phủ tập Quảng Nam ký sự" (Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà dịch) in trong Tư liệu thư tịch về di tích nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán (1496-1568). Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi, 1996.
  • Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và xã hội. Hà Nội. 1992.

Chú thích

  1. ^ Theo Phủ tập Quảng Nam ký sự (tr. 19).
  2. ^ Thừa tuyên là đơn vị hành chính như cấp tỉnh. Thừa tuyên Quảng Nam tương đương với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần tỉnh Phú Yên ngày nay (theo website Quảng Ngãi [1].
  3. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam thì Bùi Tá Hán bị quân Chiêm Thành bắt giết tại khu Rừng Lăng. Dân chúng chôn cất ông ngay tại khu rừng này (tr. 51).
  4. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 51.
  5. ^ Theo Đại Nam nhất thống chí (Tập 2, tr. 443), và Đại Nam dư địa chí ức biên (Nhà xuất bản Văn học, 2003, tr. 112).
  6. ^ Theo website Quảng Ngãi, địa chỉ đã dẫn.

(Nguồn: Wikipedia)