Trà Vinh

Tỉnh
Logo Tra Vinh.PNG
Biểu trưng
Ao Bà Om.jpg
Ao Bà Om ở thành phố Trà Vinh
Hành chính
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Trụ sở UBND Số 242 Lê Lợi, phường 1, thành phố Trà Vinh
Phân chia hành chính 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện
Thành lập 1/1/1900
Đại biểu quốc hội 6
Chính quyền
Chủ tịch UBND Đồng Văn Lâm
Chủ tịch HĐND Trần Trí Dũng
Chánh án TAND Lê Văn Việt
Viện trưởng VKSND Phan Hoàng Hải
Bí thư Tỉnh ủy Trần Trí Dũng
Địa lý
Tọa độ: 9°48′50″B 106°17′56″Đ / 9,813946°B 106,298904°ĐTọa độ: 9°48′50″B 106°17′56″Đ / 9,813946°B 106,298904°Đ
Diện tích 2.358,2 km²1
Dân số (1/4/2019)
Tổng cộng 1.009.168 người1
Thành thị 173.689 người (17,2%)
Nông thôn 835.479 người (82,8%)
Mật độ 443 người/km²
Dân tộc Việt, Hoa, Khmer
Khác
Mã hành chính VN-51
Mã bưu chính 94xxxx
Mã điện thoại 294
Biển số xe 84
Website http://www.travinh.gov.vn/

Trà Vinh là một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam.

Trước đây vùng đất Trà Vinh còn được gọi là xứ Trà Vang. Tên Trà Vang vốn có nguồn gốc từ ngôn ngữ Môn-Khmer cổ mà dân gian thường gọi là Trah Păng. Tên gọi ấy phản ánh đặc điểm cảnh quan thuở xa xưa của một vùng đất mới được bồi đắp ở ven sông, ven biển, có nhiều vùng trũng, đầm lầy,... Vì vậy, Trà Vinh là tỉnh còn tương đối non trẻ.

Tỉnh lỵ là thành phố Trà Vinh, nằm trên Quốc lộ 53, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130 km và cách thành phố Cần Thơ 100 km. Thành phố Trà Vinh có quyết định thành lập đặc khu trên cơ sở toàn bộ tỉnh Trà Vinh và thị xã Trà Vinh từ tháng 3 năm 2010.

Địa lý

Vị trí địa lý

Trà Vinh là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long; vị trí địa lý giới hạn từ 9°31'46" đến 10°4'5" vĩ độ Bắc và từ 105°57'16" đến 106°36'04" kinh độ Đông. Trà Vinh cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km đi bằng quốc lộ 53 qua tỉnh Vĩnh Long, khoảng cách rút ngắn thời gian chỉ còn 130 km nếu đi bằng quốc lộ 60 qua tỉnh Bến Tre, cách thành phố Cần Thơ 95 km. Được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cung Hầu và Định An nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển2 .

Trà Vinh là tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp Vĩnh Long, phía Nam giáp Sóc Trăng, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre, có 65 km bờ biển2 .

Địa hình

Trà Vinh nằm ở phần cuối cù lao kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu. Địa hình chủ yếu là những khu đất bằng phẳng với độ cao trên dưới 1m so với mặt biển. ở vùng đồng bằng ven biển nên có các giồng cát, chạy liên tục theo bình vòng cung và song song với bờ biển. Càng về phía biển, các giồng này càng cao và rộng lớn.

Do sự chia cắt bởi các giồng và hệ thống trục lộ, kinh rạch chằng chịt, địa hình toàn vùng khá phức tạp. Các vùng trũng xen kẹp với các giồng cao, xu thế độ dốc chỉ thể hiện trên từng cánh đồng. Riêng phần phía nam tỉnh là vùng đất thấp, bị các giống cát hình cánh cung chia cắt thành nhiều vùng trũng cục bộ, nhiều nơi chỉ ở độ cao 0,5-0,8 m nên hàng năm thường bị ngập mặn 0,4-0,8 m trong thời gian 3-5 tháng.

Sông ngòi

Kênh trong thành phố Trà Vinh

Trên địa bàn Trà Vinh có hệ thống sông chính với tổng chiều dài 578 km, trong đó có các sông lớn là sông Hậu và sông Cổ Chiên. Các sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn Trà Vinh hợp lưu đổ ra biển chủ yếu qua hai cửa sông chính là cửa Cổ Chiên hay còn gọi là cửa Cung Hầu và cửa Định An.

Khí hậu

Nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh cũng có những thuận lợi chung như: có điều kiện ánh sáng bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định, Tuy nhiên, do đặc thù của vùng khí hậu ven biển tỉnh Trà Vinh có một số hạn chế về mặt khí tượng như gió chướng mạnh, bốc hơi cao, mưa ít. Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình từ 26 - 27OC, độ ẩm trung bình 80 - 85%/năm, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. mùa mưa từ tháng 5 - tháng 11, mùa khô từ tháng 12 - tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình từ 1.400 - 1.600 mm có điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất, kinh doanh và du lịch2 .

Hàng năm Hạn hán thường xảy ra gây khó khăn cho sản xuất với số ngày không mưa liên tục từ 10 đến 18 ngày, trong đó các huyện như Cầu Kè, Càng Long, Trà Cú là các huyện ít bị hạn. Huyện Tiểu Cần hạn đầu vụ khoảng tháng 6 và tháng 7 là quan trọng trong khi các huyện còn lại như Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải hạn giữa vụ nhưng tháng 7 và 8 thường nghiêm trọng hơn.

Trà Vinh cũng gặp một khó khăn hiện nay đó chính là bị ngập mặn vào một số mùa khô trong năm.

Lịch sử

Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh

Thời nhà Nguyễn độc lập

Thời nhà Nguyễn, Trà Vinh là tên 1 huyện (trước đó là phủ) thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long được lập ra năm 1832.

Vùng đất và tên gọi "Trà Vang"3 , tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này đã có từ trước khi Chúa Nguyễn lập Châu Định Viễn, dựng Dinh Long Hồ vào năm 1732. Như vậy, lúc bấy giờ đất Trà Vinh thuộc Châu Định Viễn.

Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long bắt tay ngay vào việc sắp xếp và phân định lại ranh giới các đơn vị hành chính trên toàn quốc. Từ đó, Gia Định phủ được đổi thành Gia Định Trấn. Lãnh thổ Gia Định Trấn được phân chia thành 4 dinh và 1 trấn phụ, vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc Dinh Vĩnh Trấn.

Năm 1803, vua Gia Long cho lập địa đồ các dinh thuộc Gia Định Trấn và đổi Dinh Vĩnh Trấn thành Dinh Hoằng Trấn. Vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc Dinh Hoằng Trấn.

Năm 1808, Gia Long đổi Gia Định Trấn thành Gia Định Thành, Dinh Vĩnh Trấn được đổi thành Trấn Vĩnh Thanh. Lúc bấy giờ, vùng đất Trà Vinh thuộc Trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1825, vùng đất Trà Vinh được Vua Minh Mạng lập thành Phủ Lạc Hóa trực thuộc Gia Định Thành gồm hai huyện Trà Vinh và Tuân Mỹ.

Đến năm 1832, Trấn Vĩnh Thanh được đổi tên là Trấn Vĩnh Long. Sau đó, Vua Minh Mạng cho đổi các trấn thành tỉnh. Vùng đất Nam Bộ được chia thành sáu tỉnh, gọi là "Nam Kỳ lục tỉnh" gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Lúc này, Trà Vinh là một huyện thuộc Phủ Lạc Hóa tỉnh Vĩnh Long.

Thời Pháp thuộc

Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định phân chia toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn. Trên cơ sở phân chia đó, khu vực hành chính lớn Vĩnh Long gồm 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc. Tiểu khu Trà Vinh là tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này.

Trà Vinh được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province) kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900. Tỉnh Trà Vinh là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Năm 1917, tỉnh Trà Vinh có năm quận là Châu Thành, Bắc Trang, Bàng Đa, Càn Long (ban đầu chữ Càn Long được viết như vậy) và Ô Lắc.

Tháng 8 năm 1928, Thống đốc Nam kỳ ra Nghị định phân chia lại địa giới hành chính. Theo đó, tỉnh Trà Vinh bãi bỏ quận Bàng Đa (nhập vào quận Châu Thành) - lỵ sở đặt tại làng Minh Đức, đổi thành Long Đức); đổi tên quận Ô Lắc thành quận Cầu Ngan (ban đầu chữ Cầu Ngan viết như vậy) - lỵ sở dời từ Ô Lắc về làng Minh Thuận; lập quận Tiểu Cần, lỵ sở đặt tại làng Tiểu Cần; dời lỵ sở quận Bắc Trang từ Bắc Trang về Thanh Xuyên; lỵ sở của quận Càng Long đặt tại An Trường (phần đất này nay thuộc thị trấn Càng Long).

Tháng 11 năm 1940, Thống đốc Nam kỳ lại có Nghị định đổi tên quận Bắc Trang thành quận Trà Cú.

Ngày 27 tháng 6 năm 1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định nhập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành một tỉnh có tên là tỉnh Vĩnh Trà. Huyện Tiểu Cần được nhập vào huyện Càng Long. Tuy nhiên, tên gọi tỉnh Vĩnh Trà không được chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và chính quyền Việt Nam Cộng hòa công nhận. Tỉnh Vĩnh Trà tồn tại đến năm 1954, sau đó lại trả về tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh như cũ.

Thời Việt Nam Cộng hòa

Sau năm 1954, theo phân cấp hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Trà Vinh vẫn gồm 5 huyện là: Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần và Trà Cú. Trong khi đó, theo sự phân chia hành chính của chính quyền kháng chiến ngoài 5 huyện này, tỉnh Trà Vinh lại có thêm thị xã Trà Vinh.

Ngày 9 tháng 2 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh 16-NV thành lập tỉnh Tam Cần trên cơ sở các quận Vũng Liêm, Trà Ôn, Cầu Kè của tỉnh Vĩnh Long (Trà Ôn, Cầu Kè được tách ra từ tỉnh Cần Thơ và nhập về tỉnh Vĩnh Long từ năm 1948) và quận Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh.

Ngày 21 tháng 7 năm 1956, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập quận Long Toàn thuộc tỉnh Trà Vinh, quận lỵ đặt tại xã Long Toàn.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh 143-NV về việc giải thể và sáp nhập tỉnh Tam Cần vào tỉnh Trà Vinh, đồng thời đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình; đổi tên xã Long Đức thành xã Phú Vinh và chọn làm lỵ sở của quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Bình. Theo đó, Vĩnh Bình là một trong 43 tỉnh của "lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa" và là một trong 22 tỉnh của Nam phần Việt Nam Cộng hòa. Lúc này, tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Bình cũng bị đổi tên tên là "Phú Vinh", do lấy theo tên xã Phú Vinh thuộc quận Châu Thành là nơi đặt tỉnh lỵ.

Năm 1957, tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh) có 9 quận là Trà Ôn, Vũng Liêm, Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Long Toàn. Đến ngày 14 tháng 1 năm 1967 theo sắc lệnh số 06/SL/ĐUHC chính quyền Đệ Nhị Cộng hoà, tách hai quận Vũng Liêm và Trà Ôn ra khỏi tỉnh Vĩnh Bình để nhập vào tỉnh Vĩnh Long, do đó tỉnh Vĩnh Bình cho đến năm 1975 chỉ còn lại bảy quận: Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Long Toàn. Đồng thời, tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Bình vẫn giữ nguyên tên là "Phú Vinh" cho đến năm 1975.

Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Vĩnh Bình mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Trà Vinh.

Tháng 4 năm 1957, xuất phát từ yêu cầu củng cố lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định sáp nhập huyện Tiểu Cần vào huyện Cầu Kè. Tháng 2 năm 1961, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định tách xã Long Đức (chính quyền Việt Nam Cộng Hòa gọi là xã Phú Vinh) ra khỏi huyện Châu Thành để nhập vào thị xã Trà Vinh. Tháng 2 năm 1962, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập huyện Duyên Hải có địa giới trùng với quận Long Toàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Năm 1967, Liên Tỉnh ủy Miền Tây cũng quyết định tách hai huyện Vũng Liêm và Trà Ôn từ tỉnh Trà Vinh để nhập về tỉnh Vĩnh Long. Từ giai đoạn này, tỉnh Trà Vinh cơ bản có địa giới hành chính trùng với hiện nay, bao gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Trà Vinh và 7 huyện: Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải.

Thời Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn duy trì tỉnh Trà Vinh cho đến đầu năm 1976.

Tháng 2 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Cửu Long, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Vĩnh Long. Năm 1986, sau nhiều lần sáp nhập và chia tách, tỉnh Cửu Long bao gồm thị xã Vĩnh Long (tỉnh lỵ tỉnh Cửu Long), thị xã Trà Vinh và 12 huyện: Bình Minh, Cầu Kè, Cầu Ngang, Càng Long, Châu Thành, Duyên Hải, Long Hồ, Tam Bình, Tiểu Cần, Trà Cú, Trà Ôn, Vũng Liêm.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết giải thể tỉnh Cửu Long để tái lập tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh như cũ. Khi tách ra, tỉnh Trà Vinh có diện tích 2363,03 km², dân số 961.638 người, bao gồm thị xã Trà Vinh và 7 huyện: Càng Long, Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Tiểu Cần, Trà Cú..

Ngày 4 tháng 3 năm 2010, chuyển thị xã Trà Vinh thành thành phố Trà Vinh trực thuộc tỉnh Trà Vinh4 .

Ngày 15 tháng 5 năm 2015, thành lập thị xã Duyên Hải trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của huyện Duyên Hải5 .

Ngày 15 tháng 2 năm 2016, thành phố Trà Vinh được công nhận là đô thị loại II6 .

Tỉnh Trà Vinh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Tiểu Cần, Trà Cú.

Dân cư

Trên địa bàn Trà Vinh có 3 dân tộc, đó là người Kinh (69%) và người Khmer (29%) và người Hoa chiếm phần còn lại7 .

Dân số Trà Vinh là 1.009.168 người, chiếm 5,84% Đồng bằng sông Cửu Long (theo điều tra dân số năm 2019), trong đó 17,2% dân số sống ở khu vực đô thị và 82,8% dân số sống ở khu vực nông thôn. Mật độ dân số 414 người/km², tỷ lệ tăng dân số năm 2019 là 0,06.

Theo tài liệu tổng điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 1999, trên địa bàn Trà Vinh có trên 290,9 nghìn người Khmer, chiếm 30,1% dân số toàn tỉnh và chiếm 27,6% số người Khmer của cả nước8 .

Đây là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng dân tộc người Khmer có nền văn hóa dân tộc đặc trưng tiếng nói, chữ viết, món ăn và đặc biệt là hệ thống chùa rất đặc thù7 .

*Ngôn ngữ phổ biến ở Trà Vinh là tiếng Việt, mặc dù có các dân tộc khác nhưng tiếng nói chung vẫn là tiếng Việt.

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh có 12 tôn giáo khác nhau đạt 569.999 người, nhiều nhất là Phật giáo có 498.930 người, tiếp theo là Công giáo đạt 54.370 người, đạo Cao Đài có 15.366 người, đạo Tin Lành có 634 người, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam có 318 người, Hồi giáo chiếm 195 người, Phật giáo Hòa Hảo đạt 142 người. Còn lại các tôn giáo khác như Bửu Sơn Kỳ Hương có 19 người, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có 16 người, Minh Sư Đạo có bảy người Minh Lý Đạo và Baha'i giáo mỗi đạo chỉ có một người.9

Giáo dục

Hiện tại toàn tỉnh Trà Vinh có tổng cộng 402 trường học các cấp phổ thông. Trong đó có 184 trường Tiểu học, 143 trường THCS, 75 trường THPT, ngoài ra còn có 223 trường mẫu giáo, 1 trường liên cấp. Với hệ thống trường học như thế thì nền giáo dục trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng tương đối hoàn chỉnh, góp phần làm giảm thiểu nạn mù chữ trong địa bản tỉnh. Dưới đây là danh sách các trường Đại học, Cao đẳng và một số trường nổi tiếng tại Trà Vinh:

  • Trường Tiểu học Lê Văn Tám
  • Trường Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng
  • Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh (287, Đường Phạm Ngũ Lão, Phường 1, TP. Trà Vinh, Trà Vinh)
  • Trường Trung học Phổ thông Phạm Thái Bường
  • Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành
  • Trường Đại học Trà Vinh
  • Trường Cao đẳng Sư phạm Trà Vinh (Lê Lợi, phường 1, tp. Trà Vinh, Trà Vinh)
  • Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh (07 Nguyễn Thiện Thành, phường 5, tp. Trà Vinh, Trà Vinh)
  • Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh ( Long Đức, Trà Vinh, Trà Vinh)

Hành chính

Tỉnh Trà Vinh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện được chia thành 85 xã, 11 phường và 10 thị trấn.

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Trà Vinh
Tên Dân số (người)2019 Hành chính
Thành phố (1)
1. Trà Vinh 160.310 9 phường, 1 xã
Thị xã (1)
2. Duyên Hải 56.241 2 phường, 5 xã
Huyện (7)
3. Càng Long 287.955 1 thị trấn, 13 xã
Tên Dân số (người)2015 Hành chính
4. Cầu Kè 125.969 1 thị trấn, 10 xã
5. Cầu Ngang 132.514 2 thị trấn, 13 xã
6. Châu Thành 148.000 1 thị trấn, 13 xã
7. Duyên Hải 94.925 1 thị trấn, 6 xã
8. Tiểu Cần 59.034 2 thị trấn, 9 xã
9. Trà Cú 167.637 2 thị trấn, 15 xã

Kinh tế

Chợ Trà Vinh tại thành phố Trà Vinh

Năm 2012, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 13,5% trở lên. Trong đó, giá trị nông nghiệp tăng 2%, lâm nghiệp tăng 5,7%, thủy sản tăng 9%, công nghiệp tăng 15%, xây dựng tăng 27,3% và dịch vụ tăng 20%10 .

Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,325 triệu đồng, tương đương 920 USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, tăng 15,4% so với năm 2011. Thu ngân sách 827 tỷ đồng, tăng 27,2% so năm 2011. Tổng chi ngân sách 4.169 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 8.700 tỷ đồng10 .

Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu một số chỉ tiêu xã hội như tạo việc làm mới cho 22.000 lao động, trong đó có 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng chiếm 35%. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%, trong đồng bào dân tộc Khmer 4%10 ...

  • Biển Trà Vinh là một trong những ngư trường lớn của Việt Nam với trữ lượng 1,2 triệu tấn hải sản các loại, cho phép đánh bắt 63 vạn tấn/năm.

Tài nguyên thiên nhiên

Tỉnh Trà Vinh có khoảng 24.000 ha diện tích rừng và đất rừng, chủ yếu nằm dọc bờ biển tại các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú với các loại cây như bần, đước, mắm, dừa nước, chà là,… đất bãi bồi có diện tích 1.138 ha2 .

Diện tích đất 229.200 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 186.170 ha, đất lâm nghiệp chiếm 6.922 ha, đất chuyên dùng chỉ có 9.936 ha, còn lại là đất ở nông thôn chiếm 3.108 ha, đất ở thành thị chiếm 586 ha, đất chưa sử dụng chiếm 85 ha,...

Trà Vinh có 3 nhóm đất chính trong đó đất cát giồng chiếm 6,65%, đất phù sa chiếm 58,29% và đất phèn chiếm 24,44%. Diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm 62.000 ha trong đó diện tích nuôi tôm sú 25.000 ha. Hiện nay sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của tỉnh có bước phát triển, nên nhu cầu về đầu tư nhà máy chế biến thủy hải sản xuất khẩu rất cần thiết.

  • Tổng sản lượng thủy, hải sản bình quân đạt 157.000 tấn/năm. Trong đó, sản lượng hải sản khai thác 54.000 tấn, nuôi trồng 90.000 tấn, khai thác nội đồng 12.000 tấn, Sản lượng tôm sú toàn tỉnh đạt trên 19.000 tấn/năm, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng 3.000 tấn/năm.
  • Sản lượng cá đạt 52.000 tấn/ năm. Trong đó cá da trơn 30.000 tấn/năm. Sản lượng Cua đạt tổng 5.200 tấn/năm, sản lượng Nghêu đạt sản lượng 3.800 tấn/năm2 .

Khoáng sản chủ yếu của tỉnh Trà Vinh là những loại cát dùng trong công nghiệp và xây dựng. Trong đó, trữ lượng cát sông đạt 151.574.000 m3. Đất Sét gạch ngói được Phân viện nghiên cứu địa chất công nhận là đạt yêu cầu dùng trong xây dựng, phục vụ cho công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có Mỏ nước khoáng đạt tiêu chuẩn khoáng cấp quốc gia, nhiệt độ 38,5OC, khả năng khai thác cấp trữ lượng 211 đạt sản lượng 240 m3/ngày, cấp tài nguyên 333 đạt 19.119 m3/ngày phân bổ tại thị xã Duyên Hải2 .

Văn hóa

Chùa Kompong Ksan ở trung tâm thành phố Trà Vinh

Tuy là vùng đất trẻ nhưng Trà Vinh có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer. Người Khmer có chữ viết riêng, các lễ hội truyền thống như Chol chnam thmay (mừng năm mới), Dolta (lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (lễ cúng trăng), Dâng bông, Dâng phước và các phong tục tập quán có giá trị văn hoá khác của người Kinh, người Hoa như Lễ hội nghinh Ông tại Mỹ Long (lễ hội nghinh ông diễn ra vào ngày 10 đến 12 tháng 5 hằng năm), Vu lan thắng hội, Tiết Trùng Cửu,...

Người Khmer còn xây dựng trên địa bàn Trà Vinh nhiều chùa có kiến trúc độc đáo và hoà quyện thiên nhiên, tiêu biểu là chùa Âng, toạ lạc tên khu đất rộng 4 ha, trong thắng cảnh Ao Bà Om.Theo thống kê trên địa bàn Trà Vinh có tới 142 chùa Khmer, vượt xa số lượng của người Kinh, người Hoa và của các dân tộc khác hiện có trên địa bàn Trà Vinh cộng lại.

Chùa Kompông Chrây (chùa Hang) ở huyện Châu Thành, Trà Vinh

Ngoài ra có chùa Hang, ở khu đất 10 ha với những cây cổ thụ xum xuê rộn tiếng chim gọi bầy; chùa Nôdol còn gọi là chùa Cò vì trên khuôn viên chùa rộng 3 ha đã hơn 100 năm nay trở thành nơi cư trú của hàng ngàn con cò và nhiều loại con chim quý khác; chùa Samrônge, tương truyền được xây dựng lần đầu vào năm 642 và xây dựng lại năm 1850 với nhiều biểu tượng bằng đá quý và những tấm bia cổ khắc chữ Khmer.

Lễ hội cúng ông (Phúc Đức Chính Thần, địa phương gọi là "ông Bổn", tiếng Hoa là Bửng Thào Côn) của người Hoa gốc Triều Châu vào rằm tháng 7 hàng năm tại huyện Cầu Kè.

Vài nơi tập trung khu xóm theo Thiên Chúa Giáo như Bãi San, Đức Mỹ... Nhà thờ tại thành phố Trà vinh có kiến trúc đẹp và cổ điển. Giáo xứ Nhị Long huyện Càng Long có Cha cố rất trẻ thụ phong Linh mục lúc 28 tuổi (Cha Sơn).

Giao thông

Giao thông đường bộ

Đường Lê Thánh Tôn một trong những đoạn đường có nhiều cây xanh nhất Trà Vinh

Toàn tỉnh có 03 quốc lộ chính là 53, 54 và 60 hiện nay đã được nâng cấp lên cấp 3 đồng bằng nối Trà Vinh với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Từ tỉnh lỵ Trà Vinh đi đường bộ đến thành phố Hồ Chí Minh 200 km, đến thành phố Cần Thơ 100 km, đến khu du lịch Biển Ba Động 60 km. Quốc lộ 53 nối liền các thị trấn trong tỉnh với Thành phố Trà Vinh và thành phố Vĩnh Long. Đây là tuyến đường bộ duy nhất từ Trà Vinh với các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam7 .

Giao thông đường thủy

Trà Vinh có bờ biển dài trên 65 km, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cổ Chiên và Cung Hầu rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Từ Trà Vinh đi Bến Tre, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh theo tuyến sông Tiền rất thuận lợi, từ biển Đông đi qua kênh đào Trà Vinh đến cảng Cần Thơ là tuyến vận tải đường thủy chính của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long để thông thương với quốc tế7 .

Đặc sản ẩm thực

Trà Vinh có một số đồ ăn thức uống đã trở thành các đặc sản địa phương như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét Trà Cuôn, bánh tráng ba se, mắm kho, bún nước lèo, lươn um lá cách, cá cháy Cầu Quan, tôm càng nấu lẩu chua cơm mẻ, chuột đồng khìa nước dừa, vọp chong nướng lụi, bánh xèo, bánh ống, bánh canh Bến Có;Bánh tráng nướng Giáo Loan (Bánh tráng béo nước cốt dừa) tọa lạc Ấp Bến Có xã Nguyệt Hóa huyện Châu Thành (Giáp quán Hải Đăng);Tôm khô Vinh Kim, Dừa sáp Cầu Kè v.v...

Tỉnh kết nghĩa

  • Việt Nam Tỉnh Thái Bình, Việt Nam

Biển số xe cơ giới trong tỉnh

Biển kiểm soát xe môtô

  • Thành phố Trà Vinh: 84-B1 XXX.XX; 84-C1 XXX.XX
  • Huyện Châu Thành: 84-D1 XXX.XX
  • Huyện Cầu Ngang: 84-E1 XXX.XX
  • Huyện Duyên Hải: 84-M1 XXX.XX
  • Huyện Trà Cú: 84-G1 XXX.XX
  • Huyện Tiểu Cần: 84-H1 XXX.XXX
  • Huyện Cầu Kè: 84-K1 XXX.XX
  • Huyện Càng Long: 84-L1 XXX.XX
  • Thị xã Duyên Hải: 84-F1 XXX.XX

Ảnh

Chú thích

  1. ^ a ă “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập 30 tháng 9 năm 2012. 
  2. ^ a ă â b c d Điều kiện tự nhiên của Tỉnh Trà Vinh, Theo cổng thông tin điện tử Trà Vinh.
  3. ^ Trà Vang hoặc Trà Vinh xuất âm Khmer /Préah Trapéang/ nơi có nghĩa là tìm được tượng Phật bằng đá trong ao nước. Sự tích này không biết có từ bao giờ, năm đó, trong một trận nước lụt dân làng thấy một tượng Phật trôi tấp vào bờ ao, liền rước về một gò cao, cạnh đó xây chùa thờ phượng. Chùa được đặt tên Bodhisalareaj, nay gọi là chùa Ông Mẹt, tên vị sư cả đầu tiên. /Trapéang/ được Hán Việt hóa thành âm /Trà Văn/, sau bị nói trại thành Trà Vinh. Trong Monographie de la Province de Trà Vinh (1903) ở trang 6 và trang 34, có chép chuyện ao tên Préah Trapéang. Có một ông hoàng Chân Lạp chạy nạn, đến đây thuyền bị chìm, nhờ Phật độ nên thoát hiểm. Quốc vương lập chùa thờ Phật để tạ ơn, trong chùa có một cái ao to. Ao này nay vẫn còn ở xã Đôn Hóa (làng Lương Sa/ Luông Sa).
  4. ^ Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2010 thành lập thành phố Trà Vinh thuộc tỉnh Trà Vinh
  5. ^ “Nghị quyết 934/NQ-UBTVQH13 điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải để thành lập thị xã Duyên Hải và 02 phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh”. 
  6. ^ “Quyết định 241/QĐ-TTg công nhận thành phố Trà Vinh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Trà Vinh”. 
  7. ^ a ă â b Tiềm năng - triển vọng đầu tư của Tỉnh Trà Vinh, Theo Cổng thông tin điện tử Trà Vinh.
  8. ^ “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012. 
  9. ^ Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, Tổng cục Thống kê Việt Nam.
  10. ^ a ă â Trà Vinh mục tiêu GDP 2012 tăng tối thiểu 13,5%, Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích dữ liệu tài chính Gafin.

(Nguồn: Wikipedia)