Bình Dương
Tỉnh
Logobinhduong.PNG
Biểu trưng
Trung tâm hành chính mới Bình Dương.JPG
Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương
Địa lý
Tọa độ: 11°09′44″B 106°37′30″Đ / 11,162235°B 106,625061°ĐTọa độ: 11°09′44″B 106°37′30″Đ / 11,162235°B 106,625061°Đ
Diện tích 2.694,43 km²
Dân số (2014)  
 Tổng cộng 1.802.500 người1
 Mật độ 670 người/km²
Dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Tày
Hành chính
Quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Vùng Đông Nam Bộ
Tỉnh lỵ Thành phố Thủ Dầu Một
Thành lập 1/1/1997 (Tái lập)
Tên cũ Sông Bé
 Chủ tịch UBND Trần Thanh Liêm
 Chủ tịch HĐND Phạm Văn Cành
 Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam
 Trụ sở UBND Tầng 16, (tháp A, B), Tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Đại biểu quốc hội 8
Phân chia hành chính
Mã hành chính VN-57
Mã bưu chính 82xxxx
Mã điện thoại 650
Biển số xe 61
Website http://www.binhduong.gov.vn/

Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Tỉnh lỵ của Bình Dương hiện nay là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 30 km theo đường Quốc lộ 13. Đây là tỉnh có dân số đông thứ 7 trong 63 Tỉnh thành Việt Nam.

Bình Dương là vùng đất chiến trường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ và đặc biệt là chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên, vùng Tam giác sắt trong đó có ba làng An. Ngoài ra còn có khu du lịch Đại Nam là khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á.

Điều kiện kinh tế

Chợ Thủ Dầu Một

Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam2 , với diện tích 2694,4 km2 xếp thứ 4 trong vùng Đông Nam Bộ3 . Với tọa độ địa lý 10o51' 46" – 11o30' Vĩ độ Bắc, 106o20' – 106o58' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước. Phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai. Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh4 .

Địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống sông ngòi và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Khí hậu mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến 11, mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm 1.800 mm đến 2.000 mm. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 26,5oC.

Bình Dương là cửa ngõ giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế – văn hóa của cả nước, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á … cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 km – 15 km… thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội toàn diện. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, GDP tăng bình quân khoảng 14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng cao, năm 2010, tỷ lệ công nghiệp – xây dựng 63%, dịch vụ 32,6% và nông lâm nghiệp 4,4%. Hiện nay, Bình Dương có 28 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích hơn 8.700 ha với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động có tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ đôla Mỹ3 .

Hành chính

Bình Dương có 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện (với 41 phường, 2 thị trấn và 50 xã):

Bản đồ hành chánh tỉnh Bình Dương
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Bình Dương
Tên Diện tích (km2) Dân số (người)2013 Mật độ (người/km2) Hành chính
Thành phố (1)
Thủ Dầu Một 118,67 284.181 2.285 14 phường
Thị xã (4)
Bến Cát 234,422 224.346 868 5 phường, 3 xã
Dĩ An 60,1 394.433 6.350 7 phường
Tân Uyên 192,5 204.488 990 6 phường, 6 xã
Tên Diện tích (km2) Dân số (người)2013 Mật độ (người/km2) Hành chính
Thuận An 83,69 476.221 5.690 9 phường, 1 xã
Huyện (4)
Bắc Tân Uyên 400,08 62.481 146 10 xã
Bàu Bàng 339,15 85.653 253 7 xã
Dầu Tiếng 719.84 119.308 160 1 thị trấn, 11 xã
Phú Giáo 543 95.109 256 1 thị trấn, 10 xã

Điều kiện tự nhiên

Quang cảnh Hồ Dầu Tiếng

Bình Dương là một tỉnh nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa sườn phía nam của dãy Trường Sơn, nối nam Trường Sơn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh bình nguyên có địa hình lượn sóng từ cao xuống thấp dần từ 10m đến 15m so với mặt biển. Địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ bắc xuống nam. Nhìn tổng quát, Bình Dương có nhiều vùng địa hình khác nhau như vùng địa hình núi thấp có lượn sóng yếu, vùng có địa hình bằng phẳng, vùng thung lũng bãi bồi...

Đất đai Bình Dương rất đa dạng và phong phú về chủng loại. Các loại đất như đất xám trên phù sa cổ, có diện tích 200.000 ha phân bố trên các huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, Thuận An, Thủ Dầu Một. Đất nâu vàng trên phù sa cổ, có khoảng 35.206 ha nằm trên các vùng đồi thấp thoải xuống, thuộc các thị xã Tân Uyên, huyện Phú Giáo, khu vực Thủ Dầu Một, Thuận An và một ít chạy dọc quốc lộ 13. Đất phù sa Glây (đất dốc tụ), chủ yếu là đất dốc tụ trên phù sa cổ, nằm ở phía bắc huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng, Thuận An, thị xã Dĩ An, đất thấp mùn Glây có khoảng 7.900 ha nằm rải rác tại những vùng trũng ven sông rạch, suối.

Khí hậu ở Bình Dương cũng như chế độ khí hậu của khu vực miền Đông Nam Bộ, nắng nóng và mưa nhiều, độ ẩm khá cao. Vào những tháng đầu mùa mưa, thường xuất hiện những cơn mưa rào lớn, rồi sau đó dứt hẳn. Những tháng 7,8,9, thường là những tháng mưa dầm. Có những trận mưa dầm kéo dài 1–2 ngày đêm liên tục. Đặc biệt ở Bình Dương hầu như không có bão, mà chỉ bị ảnh hương những cơn bão gần. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Bình Dương từ 26 °C–27 °C. Nhiệt độ cao nhất có lúc lên tới 39,3 °C và thấp nhất từ 16 °C–17 °C (ban đêm) và 18 °C vào sáng sớm. Vào mùa khô, độ ẩm trung bình hàng năm từ 76%–80%, cao nhất là 86% (vào tháng 9) và thấp nhất là 66% (vào tháng 2). Lượng mùa mưa trung bình hàng năm từ 1.800–2.000 mm.

Chế độ thủy văn của các con sông chảy qua tỉnh và trong tỉnh Bình Dương thay đổi theo mùa: mùa mưa nước lớn từ tháng 5 đến tháng 11 (dương lịch) và mùa khô (mùa kiệt) từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, tương ứng với 2 mùa mưa nắng. Bình Dương có ba con sông lớn, nhiều rạch ở các địa bàn ven sông và nhiều suối nhỏ khác. Về hệ thống giao thông đường thủy, Bình Dương nằm giữa ba con sông lớn, nhất là sông Sài Gòn. Bình Dương có thể nối với các cảng lớn ở phía nam và giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Tài nguyên rừng

Do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và đất đai màu mỡ, nên rừng ở Bình Dương xưa rất đa dạng và phong phú về nhiều chủng loài. Có những khu rừng liền khoảnh, bạt ngàn. Rừng trong tỉnh có nhiều loại gỗ quý như căm xe, sao, trắc, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương... Rừng Bình Dương còn cung cấp nhiều loại dược liệu làm thuốc chữa bệnh, cây thực phẩm và nhiều loài động vật, trong đó có những loài động vật quý hiếm.

Khoáng sản

Cùng với những giá trị quý giá về tài nguyên rừng, Bình Dương còn là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi chứa đựng nhiều loại khoáng sản phong phú tiềm ẩn dưới lòng đất. Đó chính là cái nôi để các ngành nghề truyền thống ở Bình Dương sớm hình thành như gốm sứ, điêu khắc, mộc, sơn mài... Bình Dương có nhiều đất cao lanh, đất sét trắng, đất sét màu, sạn trắng, đá xanh, đá ong nằm rải rác ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là ở các huyện như Dĩ An, thị xã Tân Uyên, Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một.

Dân cư

Lịch sử phát triển
dân số
Năm Dân số
1995 639.000
1996 658.500
1997 679.000
1998 700.100
1999 720.800
2000 779.400
2001 845.500
2002 910.000
2003 973.100
2004 1.037.100
2005 1.109.300
2006 1.203.700
2007 1.307.000
2008 1.402.700
2009 1.512.500
2010 1.619.900
2011 1.691.400
2012 1.748.000
2013 1.802.500
Nguồn:5

Tính đến năm 2011, toàn tỉnh có 1.691.400 người, mật độ dân số 628 người/km²6 . Trong đó dân số nam đạt 813.6007 dân số nữ đạt 877.800 người8 . Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 14,2 ‰9 . Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 1.084.200 người, chiếm 77% dân số toàn tỉnh10 , dân số sống tại nông thôn đạt 607.200 người, chiếm 23% dân số11 . Trên địa bàn Bình Dương có khoảng 15 dân tộc, nhưng đông nhất là người Kinh và sau đó là người Hoa, người Khơ Me...

Lịch sử hình thành

Nhà cổ Đốc phủ Đẩu
Dân số tỉnh Bình Dương 196712
Quận Dân số
Bến Cát 23.469
Châu Thành 95.705
Lái Thiêu 45.992
Phú Hòa 48.913
Phú Giáo 13.397
Trị Tâm (Dầu Tiếng) 22.946
Tổng số 250.422

Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một xưa kia. Tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập tháng 12 năm 1899 từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Tháng mười năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Thủ Dầu Một để thành lập các tỉnh Bình Dương, và một phần tỉnh Bình Long. Như vậy Bình Dương là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956. Tỉnh lị là Phú Cường, Thủ Dầu Một. Tỉnh Bình Dương bao gồm 5 quận, 10 tổng, 60 xã (ngày 30 tháng 8 năm 1957) trong đó các quận là quận Châu Thành, Lái Thiêu, Bến Cát, Trị Tâm, Phú Giáo.

Năm 1957, lập mới quận Củ Chi từ các tổng Long Tuy Thượng, Long Tuy Trung và Long Tuy Hạ của quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định cắt sang.

Năm 1959, cắt một phần đất, cùng với phần đất của 2 tỉnh Biên Hòa và tỉnh Phước Long lập ra tỉnh Phước Thành. Tỉnh này tồn tại đến năm 1965 thì giải thể. Ngày 18 tháng 12 năm 1963, quận Củ Chi tách thành hai quận Củ Chi và Phú Hòa. Đồng thời, quận Củ Chi được chuyển về tỉnh Hậu Nghĩa mới thành lập. Quận lị Phú Hòa đặt tại Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, đến ngày 18 tháng 5 năm 1968 dời về xã Tân Hòa. Sau năm 1975, quận Phú Hòa lại nhập với quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa thành huyện Củ Chi thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1976, chính quyền mới hợp nhất tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (gồm hai tỉnh Bình Long và tỉnh Phước Long cũ) thành tỉnh Sông Bé, nhưng đến ngày 1 tháng 1 năm 1997 lại tách ra thành hai tỉnh như cũ.

Khi tách ra, tỉnh Bình Dương có diện tích 2.718,5 km², dân số 646.317 người (tính cả năm xã và thị trấn của huyện Đồng Phú của tỉnh Bình Phước chuyển sang), gồm thị xã Thủ Dầu Một và 3 huyện Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An.

Ngày 28 tháng 5 năm 1997, Chính phủ ra Nghị định 54-CP thành lập một số phường, thị trấn thuộc thị xã Thủ Dầu Một và huyện Tân Uyên13

Đến ngày 23 tháng 7 năm 1999, huyện Thuận An được chia tách thành 2 huyện Thuận An và Dĩ An, huyện Bến Cát được chia tách thành 2 huyện Bến Cát và Dầu Tiếng, huyện Tân Uyên được chia tách thành 2 huyện Tân Uyên và Phú Giáo. Như vậy, từ tháng 8 năm 199914 , Bình Dương có tất cả bảy đơn vị hành chính cấp huyện. Cùng năm này, thành lập xã An Bình thuộc huyện Dĩ An và xã Định An thuộc huyện Dầu Tiếng.

Ngày 10 tháng 12 năm 2003, Chính phủ ra Nghị định 156/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập phường, xã thuộc thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Dĩ An, tỉnh Bình Dương15 .

Ngày 17 tháng 11 năm 2004, Chính phủ ra Nghị định 190/2004/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập xã thuộc các huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo, tỉnh Bình Dương16 .

Ngày 9 tháng 6 năm 2008, Chính phủ ra Nghị định 73/2008/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường; thành lập phường thuộc thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương17 .

Ngày 11 tháng 8 năm 2009, Chính phủ ra Nghị quyết số 36/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát, huyện Tân Uyên để mở rộng thị xã Thủ Dầu Một; thành lập phường thuộc thị xã Thủ Dầu Một; thành lập thị trấn Thái Hòa thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương18 .

Ngày 13 tháng 1 năm 2011, Chính phủ ra Nghị quyết 04/NQ-CP thành lập 2 thị xã mới là Dĩ An và Thuận An, trên cơ sở 2 huyện Dĩ An và Thuận An cũ19 .

Ngày 2 tháng 5 năm 2012, Chính phủ ra Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Dầu Một trên cơ sở thị xã Thủ Dầu Một cũ20 .

Ngày 29 tháng 12 năm 2013, Chính phủ ra Nghị quyết 136/NQ-CP chia huyện Bến Cát thành thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, chia huyện Tân Uyên thành thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên; đồng thời thành lập phường, thị trấn thuộc các huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một21 . Như vậy, từ tháng 1 năm 2014, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện.

Ngày 8 tháng 7 năm 2014, Quyết định 1120/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương22 .

Chính trị

Cơ quan chính trị cao nhất của tỉnh Bình Dương là Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương, hay Đảng ủy tỉnh Bình Dương, gọi tắt Tỉnh ủy Bình Dương, là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ tỉnh Bình Dương giữa hai kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Đứng đầu Tỉnh ủy là Bí thư Tỉnh ủy và thường là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương hiện nay là Trần Văn Nam.

Lịch sử

Tháng 2 năm 1936 thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ nhất đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ hiện tại Xứ ủy Nam Kỳ đã chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một gồm 5 ủy viên. Đến tháng 1 năm 1937, Trung ương Đảng chính thức công nhận Tỉnh ủy lâm thời, với tên gọi chính thức là Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một.

Khi Thế chiến II bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp trấn áp các phòng trào đòi độc lập. Tháng 11 năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra bất thành, chính quyền thực dân Pháp khủng bố ác liệt, nhiều đảng viên phải lẩn tránh nhiều nơi. Tỉnh ủy Thủ Dầu Một bị xóa sổ.

Giữa năm 1942, nhiều đảng viên tập hợp quay trở lại, tháng 3 năm 1943 Tỉnh ủy Thủ Dầu Một được tái lập. Tháng 5 năm 1943, Bí thư các Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tây Ninh họp lại thành lập Liên Tỉnh ủy miền Đông để chỉ đạo chung các phong trào tại địa phương.

Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra, Tỉnh ủy chức tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh và thành lập Ủy ban nhân dân tỉnh. Giữa tháng 9, Ủy ban nhân dân tỉnh đổi tên thành Ủy ban Hành chánh kháng chiến tỉnh.

Cuối tháng 9 năm 1945, Liên quân Anh - Pháp nổ súng quân tái chiếm Nam Bộ. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Nam BỘ quyết định Nam Bộ kháng chiến. Thực hiện chủ trương "giải tán" của Đảng ngày 11/11/1945, Tỉnh ủy cũng tiến hành tự "giải tán", thực chất phát triển phong trào cách mạng dưới tên Việt Minh.

Theo chủ trương tháng 3 năm 1951 của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Tỉnh ủy Biên Hòa sát nhập thành Tỉnh ủy Thủ Biên, hoạt động đưới sự chỉ đạo của Phân liên khu ủy miền Đông gồm đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, và 5 tỉnh Gia Định Ninh, Thủ Biên, Bà Rịa - Chợ Lớn, Mỹ Tho, Long Châu Sa. Đại diện cho Trung ương là cơ quan Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo hoạt động trên toàn miền Nam.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký, Tỉnh ủy Thủ Biên chuẩn bị lực lượng thi hành Hiệp định. Theo các thảo thuận về tập kết 2 bên, Xứ ủy Nam Bộ quyết định phân chia lại địa bàn các tỉnh để phù hợp với tình hình mới. Cuối năm 1954 Tỉnh Thủ Biên tách lại 2 tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Tháng 1/1955 Hội nghị Ban Chấp hành tỉnh Thủ Dầu Một được tổ chức.

Sau khi Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại làm Tổng thống, thực thực hiện chính sách "tố cộng, diệt cộng". Từ năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm nhiều cuộc càn quét quy mô lớn khiến cho Tỉnh ủy Thủ Dầu Một tổn thất rất lớn. Đầu năm 1960, phong trào Đồng khởi tại Bến Tre nổ ra. Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thành lập Ban chỉ đạo đồng khởi của tỉnh và tiến hành đồng khởi tại tỉnh tháng 2 năm 1960. Tuy nhiên, đồng khởi nhanh chóng bị trấn áp và thất bại.

Để phù hợp tình hình mới, Xứ ủy Nam Bộ sát nhập 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên. Tháng 9/1960 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thủ Biên được chỉ định. Đầu năm 1961 Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay thế cho Xứ ủy Nam Bộ. Trung ương Cục quyết định tách ra, tái lập lại 2 tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một và thành lập tỉnh Phước Thành để phù hợp với chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ. Tháng 6/1961 Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Tỉnh ủy Phước Thành được thành lập.

Tháng 10/1967 Bộ Chính trị phê chuẩn Nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền về tiến hành tổng công kích-tổng khởi nghĩa, còn gọi "Nghị quyết Quang Trung". Trung ương Cục quyết định sắp xếp lại các lực lượng để tiến hành Tổng khởi nghĩa. Tổ chức thành 5 phân khu hướng tiến công Sài Gòn-Gia Định và khu vực xung quanh. Căn cứ vào tình hình chiến trường, Trung ương Cục quyết định thành lập Ban Chấp hành các phân khu thay cho các Tỉnh ủy. Tỉnh ủy Thủ Dầu Một được sát nhập vào Ban chấp hành Phân khu ủy Phân khu 5.

Tháng 6/1969 Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Để đáp ứng nhiệm vụ mới, tháng 5/1971 Trung ương Cục quyết định sát nhập Phân khu 5 và tỉnh Biên Hòa thành Phân khu Thủ Biên, Trung ương Cục chỉ định Ban chấp hành Phân khu ủy Thủ Biên. Đến cuối năm 1972, Trung ương Cục quyết định tổ chức lại chiến trường miền Đông Nam Bộ, giải thể các Phân khu, thành lập lại các tỉnh. Tháng 9/1972 Phân khu Thủ Biên được giải thể, tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập. Trung ương cục chỉ định Tỉnh ủy Thủ Dầu Một.

Tháng 12/1975 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về phát triển đất nước sau chiến tranh. Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã ban hành các nghị quyết giải thể khu, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Tháng 2/1976 tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước được sát nhập thành tỉnh Sông Bé, đồng thời Trung ương Cục cũng chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Sông Bé. Tháng 11/1976, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ nhất (vòng 1) diễn ra từ ngày 10-20/11/1976, nhiệm vụ chính là tham gia thảo luận ý kiến chính trị, bầu đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Ngày 19/4/1977, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ nhất (vòng 2) được khai mạc. Đại hội đã chính thức bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé với nhiệm kỳ 1976-1979. Sau Đại hội, Tỉnh ủy tiến hành đại hội Đảng vòng 2 ở các Đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy.

Tại kỳ họp thứ 10 (15/10-12/11/1996) Quốc hội khóa IX ra nghị quyết về việc chia tách tỉnh và điều chỉnh địa giới hành chính, trong đó có tỉnh Sông Bé. Ngày 1/1/1997 tỉnh Bình Dương được tái lập. Trước đó ngày 12/12/1996 Bộ Chính trị ra Nghị quyết 118-QĐNS/TW thành lập Đảng bộ Bình Dương và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Bình Dương.

Thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn 06-HD/TC-TW ngày 23/7/1997 của Ban Tổ chức Trung ương về việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố mới được chia tách. Tỉnh ủy lâm thời tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VI từ 17-19/12/1997. Đại hội chính thức bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa VI gồm 47 ủy viên.

Các đời Bí thư Tỉnh ủy

Giai đoạn 1936-1976
STT Tên Nhiệm kỳ Chức vụ Ghi chú
1 Trương Văn Nhâm 2/1936-12/1936 Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ
Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một
nhận nhiệm vụ khác
2 Hồ Văn Cống 1/1937-2/1943 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một bị Pháp bắt
3 Văn Công Khai 3/1943-3/1946 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một
Trưởng ban Ủy ban khởi nghĩa tỉnh (1945)
4 Nguyễn Văn Tiết 3/1946-4/1948 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một
Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh
5 Vũ Duy Hanh 4/1948-9/1949 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một
6 Nguyễn Quang Việt 10/1949-5/1951 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một
5/1951-1/1955 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Biên
7 Lê Đình Nhơn 1/1955-9/1956 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt
8 Võ Văn Đợi 10/1956-9/1960 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một
9 Lê Quang Chữ 9/1960-6/1961 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Biên
10 Nguyễn Văn Trung 6/1961-5/1965 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một
11 Trần Quốc Ân 5/1965-11/1965 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một
10 Nguyễn Văn Trung 11/1965-10/1967 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một
12 Hoàng Minh Đạo 10/1967-6/1969 Bí thư Phân khu ủy kiêm Chính ủy lực lượng vũ trang Phân khu 5
10 Nguyễn Văn Trung 6/1969-5/1971 Bí thư Phân khu ủy Phân khu 5
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thủ Dầu Một
5/1971-9/1972 Bí thư Phân khu ủy Phân khu Thủ Biên
9/1972-10/1974 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một
13 Nguyễn Văn Luông 10/1974-12/1975 Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một

Kinh tế

Sân vận động Gò Đậu, trận đấu giữa U23 Việt Nam và Bangu Atlestico Clube

Bình Dương là một trong những địa phương năng động trong kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Với chủ trương tạo ra một môi trường đầu tư tốt nhất hiện nay tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2006, tỉnh đã có 1.285 dự án FDI với tổng số vốn 6 tỷ 507 triệu USD. Năm 2007, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút trên 900 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng hơn 2,5 lần so với năm 2006. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2006, tỉnh Bình Dương đứng đầu cả nước với 76,23 điểm, trong khi thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, lần lượt xếp thứ thứ 40 với 50,34 điểm và xếp thứ 7 với 63,39 điểm.

Bình Dương có khoảng 28 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó nhiều khu công nghiệp đã cho thuê gần hết diện tích như Sóng Thần I, Sóng Thần II, Đồng An, Nam Tân Uyên, Tân Đông Hiệp A, Việt Hương, VSIP - Việt Nam Singapore, Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và 5. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 938 dự án đầu tư, trong đó có 613 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3,483 triệu USD và 225 dự án đầu tư trong nước có số vốn 2.656 tỷ đồng. Nhằm tăng sự thu hút đầu tư, địa phương này đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ thi công các khu công nghiệp mới để phát triển công nghiệp ra các huyện phía bắc của tỉnh.

Tháng 10 năm 2012, Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp đảm bảo an sinh xã hội. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký đơn hàng và khai thác thị trường mới đối với các mặt hàng và nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực như sản phẩm gỗ, hàng dệt may, hàng giày dép, mủ cao su,…). So với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ 178 triệu đô la Mỹ, tăng 5% và tăng 11,9% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 987 triệu đô la Mỹ, tăng 5,9% và tăng 7,2% so với cùng kỳ23 .

Lũy kế 10 tháng năm 2012, đầu tư trong nước có 1.375 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới và 418 doanh nghiệp tăng vốn 11.010 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 2 tỷ 589 triệu đô la Mỹ, gồm 96 dự án mới với tổng vốn đầu tư 1 tỷ 568 triệu đô la Mỹ và 107 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 1 tỷ 021 triệu đô la Mỹ23 . Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 108.941 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ, so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện đạt 5.702 tỷ đồng, tăng 1,2%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,51%, thu ngân sách 19.500 tỷ đồng, đạt 72,2% dự toán hội đồng nhân dân tỉnh giao, trong đó thu nội địa đạt 13.500 tỷ đồng, thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu 6.000 tỷ đồng. Tổng vốn huy động tín dụng ước đạt 71,206 tỷ đồng, tăng 1,19% so với tháng trước, tăng 24,1% so với đầu năm, dư nợ cho vay đạt 52.390 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu khoảng 1.368 tỷ đồng, chiếm 2,51%23 .

Văn hóa

Chùa Bà, Bình Dương

Bình Dương có các làng nghề truyền thống, như điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài. Từ xa xưa các sản phẩm gốm mỹ nghệ, sơn mài và điêu khắc của Bình Dương đã tham gia hội chợ quốc tế, đồng thời cũng đã xuất khẩu sang Pháp và nhiều nước trong khu vực.

Làng nghề, di tích, danh thắng và lễ hội truyền thống tại tỉnh Bình Dương
Làng nghề
Nghề sơn mài truyền thống tại Bình Dương
Nghề chạm khắc gỗ trên đất Thủ - Bình Dương
Làng nghề gốm Bình Dương
Lễ hội truyền thống
Miếu Bà Thiên Hậu,
Lễ hội Chùa Bà, Thủ Dầu Một,
Lễ hội Chùa Ông Bổn
Địa điểm tham quan, khu vui chơi
  1. Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến
  2. Công viên nước Bình Dương
  3. Khu du lịch Phương Nam
  4. Khu du lịch Dìn Ký
  5. Sân golf Sông Bé
  6. Sân golf Phú Mỹ
  7. Thành phố mới Bình Dương
  8. Mekong golf Villas
  9. Công viên du lịch nghỉ dưỡng Mắt Xanh
Di tích - danh thắng
  1. Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát
  2. Chợ Thủ Dầu Một
  3. Núi Cậu - Lòng Hồ Dầu Tiếng
  4. Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh
  5. Chiến khu Đ
  6. Nhà ông Trần Văn Hổ (Tự Đẩu)
  7. Nhà cổ Trần Công Vàng
  8. Chùa Hội Khánh
  9. Núi Châu Thới
  10. Nhà tù Phú Lợi
  11. Di tích Cù Lao Rùa (Cù Lao Thạch Hội)
  12. Di tích Dốc Chùa
  13. Di tích Mỹ Lộc (gò Đá, gò Chùa)
  14. Di tích Phú Chánh
  15. Nhà máy xe lửa Dĩ An
  16. Chiến khu Thuận - An - Hòa
  17. Di tích lịch sử rừng Kiến An
  18. Di tích Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh

Giáo dục

Đại học Bình Dương

Danh sách các trường Cao đẳng, Đại học, trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương:

  • Đại học Bình Dương
  • Đại học Thủ Dầu Một
  • Đại học Kinh tế- Kỹ thuật Bình Dương
  • Đại học quốc tế Miền Đông
  • Đại học Việt - Đức
  • Đại học Mở Tp.HCM (Cơ sở Bình Dương)
  • Đại học Thủy lợi (Cơ sở Bình Dương)
  • Trường Sĩ quan Công binh - Đại học Ngô Quyền (Quyết định số 1359/QĐ-TTg).
  • Cao đẳng Y tế Bình Dương
  • Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore
  • Cao đẳng nghề Đồng An
  • Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ
  • Trường Trung cấp nghề tỉnh Bình Dương
  • Trường Trung cấp nghề Thủ Dầu Một
  • Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp
  • Trường Trung cấp Kinh tế Tài chính
  • Trường Trung cấp Bách Khoa
  • Trường Trung cấp nghề Việt - Hàn Bình Dương
  • Trường trung cấp kinh tế và công nghệ Đông Nam
  • Trường Trung cấp Mỹ thuật Văn hóa Bình Dương

Giao thông

Một con đường tại thị xã Dĩ An, Bình Dương

Bình Dương là một tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy rất quan trọng nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Trong hệ thống đường bộ, Quốc lộ 13 là con đường chiến lược cực kỳ quan trọng xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, chạy suốt chiều dài của tỉnh từ phía nam lên phía bắc, qua tỉnh Bình Phước và nối Vương quốc Campuchia xuyên đến biên giới Thái Lan và Lào. Đây là con đường có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và kinh tế. Đường Quốc lộ 14, từ Tây Ninh qua Dầu Tiếng đi Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đăng thuộc tỉnh Bình Phước xuyên suốt vùng Tây Nguyên, là con đường chiến lược quan trọng cả trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước. Ngoài ra còn có Tỉnh lộ 741 từ Thủ Dầu Một đi Phước Long... và hệ thống đường nối thị xã với các thị trấn và điểm dân cư trong tỉnh24 .

Về hệ thống giao thông đường thủy, Bình Dương nằm giữa ba con sông lớn, nhất là sông Sài Gòn. Bình Dương có thể nối với các cảng lớn ở phía nam và giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long24 .

Phát triển đô thị

  1. Thành phố Thủ Dầu Một: Đô thị loại II. Trở thành đô thị loại I vào năm 2018
  2. Thị xã Thuận An: Đô thị loại III. Trở thành đô thị loại II vào năm 2019
  3. Thị xã Dĩ An: Đô thị loại III.Trở thành đô thị loại II vào năm 2019
  4. Thị xã Bến Cát: Đô thị loại IV. Trở thành đô thị loại III năm 2018
  5. Thị xã Tân Uyên: Đô thị loại IV. Trở thành đô thị loại III năm 2018
  6. Đô thị Bàu Bàng (Bàu Bàng): Đô thị loại V. Trở thành thị trấn vào năm 2018
  7. Đô thị Tân Lợi (Bắc Tân Uyên): Đô thị loại V. Trở thành thị trấn vào năm 2018
  8. Thị trấn Dầu Tiếng (Dầu Tiếng): Đô thị loại V
  9. Thị trấn Phước Vĩnh (Phú Giáo): Đô thị loại V

Phát triển thành thành phố trực thuộc trung ương

Theo quy hoạch, vào năm 2020 toàn bộ diện tích tỉnh Bình Dương sẽ trở thành thành phố Bình Dương với:

5 quận:

  • Thủ Dầu Một (phường Hòa Phú làm trung tâm) 
  • Thuận An (phường Lái Thiêu làm trung tâm)
  • Dĩ An (phường Dĩ An làm trung tâm)
  • Bến Cát (phường Mỹ Phước làm trung tâm)
  • Tân Uyên (phường Khánh Bình làm trung tâm)

4 huyện:

  • Bàu Bàng (thị trấn Bàu Bàng - một phần xã Lai Uyên hiện nay làm trung tâm)
  • Bắc Tân Uyên (thị trấn Tân Lợi - một phần xã Tân Thành hiện nay làm trung tâm)
  • Dầu Tiếng (thị trấn Dầu Tiếng làm trung tâm)
  • Phú Giáo (thị trấn Phước Vĩnh làm trung tâm).

Chú thích

  1. ^ “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2013 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015. 
  2. ^ Vùng kinh tế gồm 8 tỉnh thành, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và tỉnh Tiền Giang
  3. ^ a ă “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương”. Tổng cục thống kê Việt Nam. 
  4. ^ “Giới thiệu chung”. Trang thông tin Tỉnh Bình Dương. 
  5. ^ “Dân số trung bình phân theo địa phương qua các năm”. Theo Tổng cục thống kê Việt Nam. 
  6. ^ Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương, Theo tổng cục thống kê.
  7. ^ Dân số nam trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  8. ^ Dân số nữ trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  9. ^ Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  10. ^ Dân số thành thị trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  11. ^ Dân số nông thôn trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  12. ^ Việt Nam Cộng hòa bản đồ hành chánh. Đà Lạt: Phân cục Địa dư Quốc gia, 1967.
  13. ^ Nghị định 54-CP năm 1997 về việc thành lập các phường Phú Thọ, Phú Hòa thuộc thị xã Thủ Dầu Một và thị trấn Tân Phước Khánh thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
  14. ^ Nghị định 58/1999/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, tái lập các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Dĩ An và thành lập các xã thuộc các huyện Dầu Tiếng và Dĩ An tỉnh Bình Dương
  15. ^ Nghị định 156/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập phường, xã thuộc thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Dĩ An tỉnh Bình Dương
  16. ^ Nghị định 190/2004/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập xã thuộc các huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
  17. ^ Nghị định 73/2008/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường; thành lập phường thuộc thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
  18. ^ Nghị quyết số 36/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát, huyện Tân Uyên để mở rộng thị xã Thủ Dầu Một; thành lập phường thuộc thị xã Thủ Dầu Một; thành lập thị trấn Thái Hòa thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
  19. ^ Nghị quyết 04/NQ-CP năm 2011 thành lập thị xã Dĩ An, thành lập phường thuộc thị xã Dĩ An và thành lập thị xã Thuận An, thành lập phường thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương do Chính phủ ban hành
  20. ^ Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2012 thành lập thành phố Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương do Chính phủ ban hành
  21. ^ Nghị quyết 136/NQ-CP năm 2013 điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát để thành lập thị xã Bến Cát; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Tân Uyên để thành lập thị xã Tân Uyên và 16 phường thuộc thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
  22. ^ Quyết định 1120/QĐ-TTg 2014 công nhận thành phố Thủ Dầu Một đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương
  23. ^ a ă â Tình hình kinh tế tỉnh Bình Dương tháng 10/2012, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.
  24. ^ a ă Giao thông tại tỉnh Bình Dương, Trang thông tin tỉnh Bình Dương.

(Nguồn: Wikipedia)