Sông Bưởi
Đặc điểm
Dài 130 km (81 dặm)
Lưu vực 1.790 km² (691 dặm²)
Lưu lượng 52,2 m³/s (1.843 ft³/s)
Dòng chảy
Thượng nguồn Gần Mai Châu, Hòa Bình
Cửa sông Sông Mã
 Cao độ ?
Địa lý
Các quốc gia lưu vực Việt Nam

Sông Bưởi hay còn gọi là sông Sòi, phụ lưu của sông Mã.

Địa lý

Sông này ban đầu có hai nhánh, chảy gần như song song. Một nhánh bắt nguồn từ vùng Núi Chu, gần Suối Rút (huyện Mai Châu – tỉnh Hòa Bình), ở độ cao 450 m, nhánh kia bắt nguồn từ gần thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc cùng tỉnh. Cả hai nhánh này đều nằm ở phía nam hồ Hòa Bình, cách hồ này khoảng 7–10 km. Hai nhánh này chảy theo hướng tây bắc-đông nam qua địa phận huyện Tân Lạc, hợp lưu tại khu vực phía tây nam thị trấn Vụ Bản của huyện thành một dòng trước khi hợp lưu với nhánh thứ ba bên tả ngạn cách đó khoảng 2 km rồi chảy qua huyện Lạc Sơn cùng tỉnh, vượt qua phía tây Vườn quốc gia Cúc Phương. Đến gần Dốc Lào trong địa phận xã Thạch Lâm huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa, nó hợp lưu với một nhánh nhỏ phía hữu ngạn rồi chảy tiếp qua địa phận huyện Thạch Thành. Tới địa phận các xã Thạch Định, Kim Tân, nó đổi hướng thành bắc-nam và chảy ngoằn ngoèo qua địa phận huyện Vĩnh Lộc để sau cùng đổ vào bờ trái sông Mã, nơi giáp ranh các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Khang (huyện Vĩnh Lộc) và Yên Thái (huyện Yên Định), tỉnh Thanh Hóa. Tổng chiều dài 130 km. Diện tích lưu vực 1.790 km², độ cao trung bình 247 m, độ dốc trung bình 12,2%, mật độ sông suối 0,59 km/km². Tổng lượng nước 1,65 km³, tương ứng với lưu lượng bình quân 52,2 m³/s và môđun dòng chảy năm 27,7 l/s.km². Mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10, chiếm 80,4% lượng nước cả năm, lớn nhất vào tháng 9-10 (chiếm 27,9% lượng dòng chảy cả năm).

Môi trường

Ô nhiễm 2013

Ngày 20-12-2013, Sở Tài nguyên- môi trường Thanh Hóa cho biết, liên quan đến thông tin cá chết trắng trên sông Bưởi những ngày qua, giám đốc nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu của Công ty TNHH một thành viên Tân Hiếu Hưng (đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) thừa nhận đã có sự cố vỡ cống thu gom nước thải không qua hệ thống xử lý, thải trực tiếp vào môi trường, chảy ra sông Bưởi vào đêm 6- 12 và sáng 7- 12.1

Ô nhiễm 2016

Sáng ngày 5-5, ông Lê Duy Dương, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, cho biết mấy ngày qua, đoạn sông Bưởi chảy qua địa bàn xã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Theo báo cáo của UBND xã Thạch Lâm, vào ngày 4-5, chính quyền xã này nhận được tin báo từ thôn Biện, thôn Đồi cho biết dọc sông Bưởi đoạn chảy từ tỉnh Hòa Bình về xuất hiện tình trạng cá chết nổi trắng sông, nước sông có màu xanh đục, bốc mùi hôi thối và nhiều bọt trắng xóa. Người dân nơi đây khẳng định nguyên nhân làm cho nguồn nước bị ô nhiễm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là do 2 nhà máy chế biến nông sản tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình xả thải ra sông gây nên.2

Sáng 7/5, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa) cho biết, lãnh đạo Công ty CP mía đường Hòa Bình (trụ sở tại xã Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình) thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi. Việc xả thải bẩn diễn ra nhiều ngày liên tiếp trong khoảng nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Đây là nguyên nhân khiến cá trên sông chết hàng loạt. Đến chiều 6/5, ngoài cá sinh sống trong môi trường tự nhiên, đã có gần 7 tấn cá nuôi tại các lồng bè trên sông Bưởi của người dân các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Mỹ (huyện Thạch Thành) bị chết.3 Tính đến 10h ngày 7/5, tổng số lượng cá lồng bị chết là 17.385 kg, gồm 73/109 lồng và 32/49 hộ nuôi cá lồng bị chết hoàn toàn.4

Theo báo Dân trí, Bộ TN&MT vừa chỉ đạo Tổng cục Môi trường thành lập Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa. Đoàn công tác của Bộ TN&MT sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm và có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi. Đồng thời có biện pháp xử lý vi phạm đối với Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình để làm cơ sở yêu cầu công ty đền bù thiệt hại về kinh tế cho nhân dân.4

Ngày 14-5 thêm cá lồng nuôi trên sông Bưởi của các hộ dân ở xã Thạch Cẩm, Thạch Định bị chết. Đến chiều 15-5, tại xã Thạch Cẩm có 7 hộ, xã Thạch Định có 3 hộ nuôi cá lồng có cá chết, với tổng trọng lượng hơn 1,1 tấn. Phần lớn số cá bị chết là cá trắm, đã đến kỳ thu hoạch, trọng lượng 2 – 4 kg/con.5

Tham khảo

  1. ^ “Cá chết trắng sông Bưởi do nhà máy xả nước thải”. Báo Người lao động. 20 tháng 12 năm 2013. Truy cập 7 tháng 5 năm 2016. 
  2. ^ “Nước sông nổi bọt, cá chết hàng loạt”. Báo Người lao động. 5 tháng 5 năm 2016. Truy cập 5 tháng 5 năm 2016. 
  3. ^ “Cá chết trắng sông Bưởi do nhà máy xả nước thải”. vnexpress. 7 tháng 5 năm 2016. Truy cập 7 tháng 5 năm 2016. 
  4. ^ a ă “Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc vụ cá chết hàng loạt trên sông Bưởi”. doisongphapluat. 10 tháng 5 năm 2016. Truy cập 10 tháng 5 năm 2016. 
  5. ^ “Cá lồng trên sông Bưởi lại chết hàng loạt ở hai xã”. tuoitre. 15 tháng 5 năm 2016. Truy cập 16 tháng 5 năm 2016. 

(Nguồn: Wikipedia)