Bá Thước
Huyện
Địa lý
Diện tích 777.2
Dân số  
Hành chính
Tỉnh Thanh Hóa
 Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Quy
 Chủ tịch HĐND Hà Thanh Khứt
 Trụ sở UBND Thị trấn Cành Nàng
Phân chia hành chính 22 xã, 1 thị trấn

Bá Thước là một huyện miền núi phía tây của tỉnh Thanh Hóa.

Vị trí địa lý

Bá Thước có ranh giới phía Đông giáp các huyện: Thạch Thành (ở góc phía Đông Bắc) và Cẩm Thủy (mặt phía Đông), phía Nam giáp các huyện: Ngọc Lặc (góc Nam Đông Nam) và Lang Chánh (mặt phía Tây Nam), phía Tây giáp các huyện: Quan Sơn (góc phía Tây) và Quan Hóa (mặt Tây Bắc), đều là các huyện của tỉnh Thanh Hóa. Riêng mặt phía Bắc, Bá Thước giáp với các huyện của tỉnh Hòa Bình gồm: Mai Châu (góc phía Tây Bắc), Tân Lạc và Lạc Sơn (mặt phía Bắc Đông Bắc).

Lịch sử

Thị trấn Cành Nàng, huyện lỵ Bá Thước, Thanh Hóa
  • Nguyên ủy xưa thuộc vùng Đô Lung, thuộc quận Cửu Chân, Trường Lâm, từ thời Bắc thuộc.
  • Đến thời Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 (1397), vùng này thuộc huyện Lỗi Giang, châu Thanh Hóa, trấn Thanh Đô.
  • Thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vùng thuộc châu Quan Gia, phủ Thanh Đô, thừa tuyên Thanh Hóa. Đến năm Hồng Đức thứ 21 (1490), thì thuộc phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hoá.
  • Thời Minh Mạng là vùng đất thuộc châu Quan Hóa, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1843), thì thuộc phủ Quảng Hóa. Đến năm Khải Ðịnh thứ 10 (năm 1925) thì đặt châu Tân Hóa, lấy đất từ 4 tổng của châu Quan Hóa là Thiết Ống, Cổ Lũng, Sa Lung và Ðiền Lư.
  • Năm 1945, châu Tân Hóa được đổi tên thành huyện Bá Thước để vinh danh một thủ lĩnh phong trào Cần Vương là Cầm Bá Thước và giữ nguyên tên này cho đến ngày nay, gồm 7 xã: Ban Công, Hồ Điền, Lâm Sa, Lương Trung, Quốc Thành, Thiết Ống, Văn Nho.
  • Ngày 2-4-1964, chia xã Quốc Thành thành 5 xã: Lũng Cao, Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Niêm và Cổ Lũng; chia xã Hồ Điền thành 4 xã: Điền Lư, Điền Quang, Điền Thượng, Điền Hạ; chia xã Lương Trung thành 4 xã: Lương Trung, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Nội; chia xã Văn Nho thành 3 xã: Văn Nho, Thiết Kế và Kỳ Tân; chia xã Lâm Sa thành 2 xã: Ái Thượng và Lâm Sa.
  • Ngày 9-2-1965, thành lập một xã lấy tên là xã Tân Lập.
  • Ngày 14-12-1984, chia xã Điền Lư thành hai xã lấy tên là xã Điền Lư và xã Điền Trung.
  • Ngày 23-8-1994, chia xã Lâm Sa thành xã Lâm Sa và thị trấn Cành Nàng. Từ đó, huyện Bá Thước có 1 thị trấn và 22 xã, giữ nguyên trạng đến nay.

Diện tích và dân số

Bá Thước

Vị trí huyện Bá Thước trên bản đồ tỉnh Thanh Hóa

  • Diện tích tự nhiên của huyện Bá Thước là 777,2 km².
  • Dân số: 96.300 người (2004)
  • Mật độ dân số: 124 người/km2

Thành phần dân tộc

Các dân tộc gồm: Mường, Thái, Kinh,...trong đó người Kinh hầu hết không phải là dân bản xứ gốc mà là di dân từ vùng xuôi lên như là ở các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc... theo chương trình di dân kinh tế mới của Nhà nước hoặc dân buôn bán định cư lại.

Tài nguyên

Du lịch

Bá Thước có nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên chưa được khai thác như: khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (cụm Quốc Thành), thác Mơ ở xã Điền Quang, đập Điền Hạ, thác Hiêu (Hươu), hang Dơi (Kho Mường), Suối Cá (Văn Nho)... đi kèm với các thắng cảnh này là một hệ thống hang động rất đẹp và nhiều các sản vật quý của rừng.

Lâm sản

Bá Thước là một huyện miền núi thuộc vùng sâu vùng xa, giao thông vận tải không thuận lợi nên kinh tế còn nhiều khó khăn, tài nguyên rừng rất lớn nhưng chưa được khai thác hợp lý, nạn phá rừng còn xảy ra phổ biến. Rừng Bá Thước có rất nhiều gỗ quý như lim, lát, kiêng, ngù hương...ngoài ra còn có cây đặc trưng là cây luồng (là một loại thuộc họ tre nhưng thân thẳng, chắc được dùng nhiều trong xây dựng cơ bản...)

Đơn vị hành chính

Huyện có thị trấn Cành Nàng (tiếng Mường). Ngoài thị trấn Cành Nàng là trung tâm của huyện thì còn có Điền Lư cũng phát triển, được xem là trung tâm của khu vực Hồ Điền - Quý Lương, Điền Lư hiện nay được gọi là phố Điền Lư với 1 Bưu điện, 1 ngân hàng và khu chợ Điền Lư nhộn nhịp. Ngoài ra còn có phố Đồng Tâm thuộc xã Thiết Ống với 1 Bưu điện và 1 Chợ. Ngoài ra còn có Quốc lộ 217 và Quốc lộ 15 nối liền với các Huyện lân cận.

Tổ chức hành chính: gồm 22 xã: Ái Thượng, Ban Công, Cổ Lũng, Điền Hạ, Điền Lư, Điền Quang, Điền Thượng, Điền Trung, Hạ Trung, Kỳ Tân, Lâm Sa, Lũng Cao, Lũng Niêm, Lương Ngoại, Lương Nội, Lương Trung, Tân Lập, Thành Lâm, Thành Sơn, Thiết Kế, Thiết Ống, Văn Nho và 1 thị trấn Cành Nàng.

Giáo dục

Huyện Bá Thước có 3 trường phổ thông trung học là Trường Trung học phổ thông Hà Văn Mao, THPH Bá Thước và Bá Thước 3. Ngoài ra, huyện còn có một trường bổ túc văn hóa.

Tham khảo

(Nguồn: Wikipedia)