Bắc Chu Văn Đế
北周文帝
Hoàng Đế Bắc Chu
Tại vịThụy phong
Kế nhiệmBắc Chu Hiếu Mẫn Đế
Thông tin chung
Hậu duệVũ Văn Giác
Thụy hiệu
Văn Hoàng Đế (文皇帝)
Miếu hiệu
Thái Tổ (太祖)
Sinh507
Mất556

Vũ Văn Thái (chữ Hán: 宇文泰; 507-556), họ kép Vũ Văn (宇文), tự Hắc Thát (黑獺) là Thượng trụ nhà Tây Ngụy thời Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho sự ra đời của nhà Bắc Chu. Đương thời, ông là người đối trọng với Cao Hoan (Thượng trụ nhà Đông Ngụy - người có vai trò như Vũ Văn Thái tại Đông Ngụy) sau khi Bắc Ngụy phân liệt. Sau khi ông mất, năm 557, cháu là Vũ Văn Hộ ép Tây Ngụy Cung đế nhượng ngôi cho con Vũ Văn Thái là Vũ Văn Giác, tức Hiếu Mẫn Đế, lập ra nhà Bắc Chu. Ông được truy tôn miếu hiệu là Thái tổ, thụy hiệu là Văn Hoàng đế

Thân thế và quá trình thăng tiến

Họ Vũ Văn vốn người Nam Hung Nô, sau dời đến Liêu Đông, đứng đầu 12 bộ lạc, đa số là Tiên Ti. Đến đời Vũ Văn Hầu Quy Đậu, bị Mộ Dung Hoảng nhà Tiền Yên tấn công chinh phạt. Hầu Quy Đậu chạy sang Cao Ly, con là Lăng Sĩ Yến hàng Mộ Dung Hoảng.

Về sau, Mộ Dung Bảo nhà Bắc Yên bị diệt, bèn hàng Thác Bạt Khuê, tức Đạo Vũ đế nhà Bắc Ngụy. Nhà Ngụy lập 6 tiền đồn (lục trấn) phòng cự người Nhuyễn Nhuyễn ở phía bắc, họ Vũ Văn bị dời đến Vũ Xuyên Trấn, thuộc Đại Quận.

Sau khi nhà Bắc Ngụy dời đô từ Bình Thành, Đại Quận đến Lạc Dương, mâu thuẫn giữa giới quý tộc Bắc Ngụy và người Lục trấn mỗi ngày sâu hơn. Đến đời Hiếu Minh đế, người Ô Dã trấn là Phá Lục Hàn Bạt Lăng khởi loạn, và dần lan ra các trấn khác.

Bộ hạ Bạt Lăng là Vệ Khả Côi vây trấn Hoài Sóc, Hạ Bạt Độ Bạt (賀拔度拔) cùng cha Thái là Vũ Văn Quăng vốn giữ chức nhỏ về quân sự ở trấn, tổ chức hào kiệt trong trấn đi giải vây cho Hoài Sóc, giết được Vệ Khả Côi. Đây là đầu mối mối quan hệ giữa Vũ Văn Thái và Hạ Bạt Nhạc, con Độ Bạt.

Sau, Vũ Xuyên mất, Vũ Văn Quăng cùng các con theo về với Tiên Vu Tu Lễ, là một trong số các thủ lĩnh nổi dậy. Quăng chết trận. Về sau, bộ hạ Tu Lễ là Cát Vinh giết Tu Lễ tự lên thay, cho Vũ Văn Thái, khi ấy mới 18 tuổi, làm tướng.

Đến khi Cát Vinh bị Nhĩ Chu Vinh diệt, anh em Thái lại theo Nhĩ Chu Vinh. Vinh không tin anh em họ Vũ Văn, giết anh Thái là Lạc Sinh. Thái phải van xin mới được tha mạng.

Đến đời Hiếu Trang đế, Vinh sai cháu là Nhĩ Chu Thiên Quang làm chánh tướng cùng Hạ Bạt Nhạc và Hầu Mạc Trần Duyệt bình định Quan Trung (Cam Túc, Thiểm Tây), khi ấy có Mặc Kỷ Xú Nô và một số phiến quân khác cát cứ. Thái đi theo, làm thuộc tướng dưới trướng Hạ Bạt Nhạc. Diệt được các phiến quân như Mặc Kỷ Xú Nô, Vương Khánh Vân - vùng Quan Lũng nhờ vậy tạm yên ổn.

Sau khi Vinh chết, em họ Vinh là Nhĩ Chu Thế Long, vốn cầm quyền ở Lạc Dương gọi Thiên Quang về cùng đối phó với Cao Hoan. Liên quân Nhĩ Chu thua trận tại Hàn Lăng, Thiên Quang bị phe trung thành với vua Ngụy ở Lạc Dương đứng đầu có Hộc Tư Xuân và anh Nhạc là Hạ Bạt Thắng bắt, giao cho Cao Hoan, sau bị chém đầu. Nhạc âm mưu cùng Thái, thông đồng với Duyệt, chạy đến Trường An tự thế vào quyền vị của Thiên Quang.

Hiếu Vũ đế, do có Hộc Tư Xuân bày mưu, muốn mượn Nhạc làm vây cánh đối phó với Cao Hoan, khi ấy làm chủ khắp các châu quận bắc sông Hoàng Hà, nên phong Nhạc chức lớn, đi lại mật thiết. Cao Hoan gởi mật thư cho Hầu Mạc Trần Duyệt, bảo giết Hạ Bạt Nhạc.

Năm 534, Nhạc tụ quân đánh Thứ sử Linh Châu là Tào Nê, sai Duyệt dẫn bộ khúc làm tiên phong. Duyệt nhân dịp Nhạc đến bàn việc quân, giết Nhạc. Tướng sĩ vùng Quan Trung mất đầu, hoảng loạn. Duyệt ban đầu muốn tự lên thay, nhưng sợ, bất quyết, bèn dẫn bản bộ chạy về giữ Tần Châu. Tướng sĩ vùng Quan Tây ban đầu tôn Đô đốc Khấu Lạc, vốn lớn tuổi nhất, lên thay Nhạc, nhưng Lạc ít uy nên tự xin lui. Đô đốc Triệu Quý đề nghị mời Vũ Văn Thái, khi ấy là Thứ sử Hạ Châu làm chủ tướng thay Nhạc.

Cao Hoan khi ấy biết tin, sai Hầu Cảnh đến thống lĩnh binh tướng vùng Quan Tây. Cảnh đến không kịp, lại bị Thái dằn mặt, đành trở về.

Việc đầu tiên Thái làm là đánh Hầu Mạc Trần Duyệt, Duyệt bỏ thành lui dựa núi rừng hiểm trở cự thủ, tướng dưới trướng Duyệt là Lý Bật muốn hàng Thái, gian mưu làm thế lực Duyệt tan rã, Duyệt bỏ trốn, sau bị giết.

Hiếu Vũ đế muốn dùng Thái làm vây cánh cự Cao Hoan, ban Thái làm Quan Tây Đại hành đài, Đại đô đốc. Hiếu Vũ đế mộ quân phao tin để đánh nhà Lương của Tiêu Diễn ở phía nam, nhưng thực chất muốn diệt Cao Hoan phía bắc. Cao Hoan bèn dẫn quân tiến đến Lạc Dương. Hiếu Vũ đế biết mình không địch nỗi, cứu quân không đến kịp, bèn cùng Hộc Tư Xuân, Vương Tư Chính chạy đến Trường An. Cao Hoan lập Tĩnh đế lên thay, từ đó phân chia ra Đông Ngụy và Tây Ngụy.

Chính trị

Ban đầu, vùng Quan Hữu kém phát triển, do loạn lạc cát cứ liên miên từ cuối đời Đông Hán. Năm 542, Vũ Văn Thái cho thi hành cải cách về quân sự, kinh tế, giảm xa hoa, lãng phí, tham nhũng trong giới quan tước để có thể đương đầu với Đông Ngụy của Cao Hoan, sẵn vốn giàu mạnh hơn, đặt 6 Điều thư căn bản:

  1. Thanh tâm tư (清心思): quy định các quan chức phải có tâm trong sáng, không được ham muốn quá đáng. Lấy lễ giáo của Nho gia để giáo hóa bá tánh.
  2. Đôn giáo hóa (敦教化): Nhà nước tăng cường mở rộng giáo dục.
  3. Tận địa lợi (盡地利): Khuyến khích sản xuất nông nghiệp, khai thác hết đất đai canh tác. Quy định quan lại các nơi khi làm vụ mùa xuân thì phải đi tuần tra, bắt buộc những tráng đinh có thể cầm nông cụ đều phải ra đồng canh tác, những người đi muộn về sớm sẽ bị xử phạt.
  4. Trạc hiền lương (擢賢良): Tìm kiếm những người có năng lực, không kể nguồn gốc xuất thân, không đóng khung trong phạm vi môn đệ.
  5. Tuất dục tụng (恤獄訟): Thận trọng về tư pháp, cấm các hình phạt tra tấn, dùng các biện pháp để ép cung.
  6. Quân phủ dịch (均賦役): Bình quân trong gánh vác sưu dịch, mọi người đều phải thực hiện các nghĩa vụ về nộp thuế và lao dịch, giới quý tộc không được trốn tránh các nghĩa vụ này.

Về quân sự, dùng chế độ Phủ Binh, tức dùng binh phương trấn luân phiên phòng thủ kinh đô, bình thường và khi không có chiến tranh lui về cày cấy. Đây chính là cải cách gây dựng sức mạnh quân sự không riêng cho Tây Ngụy và Bắc Chu, mà cả Tùy và Đường sau này. Về kinh tế và thống trị, Thái dùng chế độ Phủ Điền, lại biết dùng những người có khả năng như Tô Xước, Chu Huệ Đạt vào các vị trí quan trọng. Vũ Văn Thái ngưỡng mộ Chu công Đán, quan chế cũng đổi phỏng theo nhà Chu. Về mặt xã hội, để giảm mâu thuẫn giữa người Hoa và dị tộc, đặc biệt Tiên Ti, Thái bắt triều thần mang cả họ: Hán và Tiên Ti. Các phong tục Tiên Ti đã bị phế bỏ từ thời Hiếu Văn đế gây bất bình trong tộc chúng Tiên Ti cũng được tái tồn.

Năm 535, bất bình với việc loạn luân của Hiếu Vũ đế, Thái cho người đầu độc Hiếu Vũ đế, lập Nam Dương vương Nguyên Bảo Cự lên thay, tức Văn đế. Năm 551, Văn đế chết, Thái lập Thái tử Khâm lên thay, tức Phế đế. Phế đế lấy con gái Thái làm Hoàng hậu. Tuy tiếng là vua, nhưng thực chất Phế đế chỉ là bù nhìn.

Chiến cuộc giữa Đông và Tây Ngụy

Mùa xuân năm 537, sau vài năm chuẩn bị chu đáo, Cao Hoan mở chiến dịch tấn công Tây Ngụy, chia làm 3 cánh do Đậu Thái, Cao Ngang và Cao Hoan chỉ huy. Ý định Cao Hoan muốn giữ chân Vũ Văn Thái để Đậu Thái đi vòng đánh sâu vào nội địa Tây Ngụy. Nắm được ý định này Thái tập trung lực lượng bất ngờ tấn công Đậu Thái tại Tiểu Quan, đại thắng. Đậu Thái tự vẫn, Cao Hoan và Cao Ngang đành rút lui.

Đến mùa thu, Vũ Văn Thái thân dẫn quân phản công, chiếm Hoằng Nông, vừa cũng để tránh nạn đói ở Trường An. Cao Hoán bèn dẫn quân từ Tấn Dương men theo sông Phần, muốn đánh thọc vào phía sau Thái. Thái phải rút quân, gặp Cao Hoan tại Sa Uyển. Thái ít quân, phải bày trận men theo bờ cỏ. Cao Hoan theo lời Hầu Cảnh, cậy quân đông, không dùng hỏa công, cũng không chia quân đi vòng tấn công Trường An, tấn công trực diện, không ngờ thua to, phải rút.

Mùa đông, Thái sai Độc Cô Tín phản công, chiếm được Lạc Dương.

Năm 538, Hầu Cảnh và Cao Ngang vây Lạc Dương. Thái cùng Ngụy Văn Đế dẫn quân cứu. Hầu và Cao lui, Vũ Văn Thái đuổi theo, ngựa trúng tên chết, Thái phải cởi bào phục lẫn vào tàn quân mới khỏi bị bắt. Về trại, hôm sau tái chiến, giết được Cao Ngang. Cùng ngày, Đông Ngụy phản kích, Tây Ngụy thua to. Thái và Ngụy Văn Đế chạy về Hoằng Nông. Ở Trường An lại có Triệu Thanh Tước khởi loạn, Châu Huệ Đạt cùng Ngụy Thái tử phải bỏ thành chạy, Thái vội dẫn quân về Trường An, diệt được Triệu Thanh Tước.

Năm 543, thứ sử Bắc Dự Châu của Đông Ngụy là Cao Thận (anh Cao Ngang) vốn bất hòa với Thôi Tiêm, là trưởng sử của Cao Trừng - con trưởng Cao Hoán, lại giận Cao Trừng muốn hiếp vợ mình, đem đất Hổ Lao hàng Tây Ngụy. Vũ Văn Thái thân dẫn quân đến cứu Cao Thận. Đại chiến với quân Đông Ngụy tại Lạc Dương nhưng thua to, bị tướng ngụy là Bành Nhạc truy đuổi bức bách, Thái bảo Nhạc "Tao mất liệu mày có sống được không?" Lại cởi đai vàng thảy cho Nhạc, Bành Nhạc bèn quay về. Hôm sau, tái chiến, Cao Hoan bị truy bức bởi tướng Tây Ngụy là Hạ Bạt Thắng may mắn thoát chết chỉ vì ngựa Thắng hụt hơi. Thế bất lợi, Vũ Văn Thái rốt cuộc đành rút quân. Lần này Tây Ngụy thiệt hại nặng, ông dâng biểu xin tự giáng chức nhưng vua Tây Ngụy không phê chuẩn.

Năm 546, Cao Hoan tấn công Ngọc Bích, do tướng Tây Ngụy là Vi Hiếu Khoan trấn giữ. Sau đó Cao Hoan bị bệnh, đành rút lui.

Năm 547, Cao Hoan chết, Hầu Cảnh phản Đông Ngụy, đem các quận vùng Hà Nam đến Hoài Bắc hàng Tây Ngụy. Vũ Văn Thái theo lời Vương Tư Chính, sai Lý Bật và Triệu Quý đến cứu Cảnh, đổi lấy 4 châu dưới quyền Cảnh. Sau, Cảnh và Bật nghi kỵ lẫn nhau, Cảnh bèn đem đất hàng Lương. Về sau, Cảnh bị Mộ-dung Thiệu Tông đánh bại, phải chạy đến Thọ Xuân.

Năm 548, Đông Ngụy dùng Cao Nhạc, em họ Cao Hoan, đánh Dĩnh Xuyên, Vũ Văn Thái sai Triệu Quý đến cứu nhưng không được. Dĩnh Xuyên mất.

Năm 550, Cao Dương, con Cao Hoán, soán ngôi Đông Ngụy Tĩnh Đế, lập Bắc Tề. Nghe nói Dương trẻ, tính tình ngờ nghệch, Vũ Văn Thái mở chiến dịch đánh Tề, đánh đến Kiến Châu, Dương thân dẫn quân ngăn trở, quân ngũ chỉnh tề. Khi ấy Vũ Văn Thái mới biết Cao Dương có tài cầm quân. Gặp thời tiết bất lợi, mưa lớn, lương thảo, súc vật thiệt hại nhiều, Thái bèn rút quân. Cao Dương phản công thu lại đất đã mất.

Đối sách với nhà Lương

Năm 549, Hầu Cảnh chiếm Kiến Khang, nhà Lương đại loạn, các vương thất nhà Lương cùng Hầu Cảnh đánh lẫn nhau. Nhạc Dương vương nước Lương là Tiêu Sát đánh nhau với chú là Tương Đông vương Tiêu Dịch thất thế, bèn đem thành Tương Dương cầu cứu Tây Ngụy.

Vũ Văn Thái phái Dương Trung dẫn quân đến cứu, đánh bại tướng Dịch là Lưu Trọng Lễ, bèn phong Tiêu Sát làm Lương vương, chư hầu của Ngụy.

Năm 550, Thiệu Lăng vương nhà Lương Tiêu Luân tấn công An Lục, Thái phái Dương Trung đến cứu. Trung đánh bại Luân, phản kích vây Luân ở Nhữ Nam, bắt được và giết.

Năm 552, Tiêu Dịch và Hầu Cảnh tương chiến. Dịch cắt Hán Trung cầu cứu Tây Ngụy. Tướng giữ thành là Tiêu Tuần quyết không dâng thành. Vũ Văn Thái cùng tướng là Đạt Hề Vũ bèn tấn công Hán Trung, chiếm được.

Năm 553, anh em Tiêu Dịch và Tiêu Kỷ đánh nhau, cùng muốn tranh ngôi. Dịch cầu cứu Tây Ngụy. Thái phái Uất Trì Quýnh dẫn quân tấn công, chiếm đất Thục, Kỷ thua chạy, sau bị Dịch giết.

Năm 554, Tiêu Dịch, bấy giờ lên ngôi ở Giang Lăng tức Nguyên đế nhà Lương, đối xử kiêu ngạo với sử giả Tây Ngụy, Vũ Văn Thái phái Vũ Văn Hộ, Vu Cẩn, và Dương Trung dẫn quân chinh phạt - chiếm Giang Lăng và bắt Nguyên đế. Lập Tiêu Sát lên thay tức Tuyên đế. Bèn đổi Giang Lăng cho Tiêu Sát, sáp nhập Tương Dương vào Tây Ngụy.

Đối sách với Nhuyễn Nhuyễn và Đột Quyết

Năm 538, vì Tây Ngụy còn yếu, Vũ Văn Thái muốn đồng minh với người Nhuyễn Nhuyễn, khuyên Ngụy Đế gả người trong hoàng tộc cho em Thiền vu Nhuyễn Nhuyễn là Yujiulü Tahan (郁久閭塔寒, Uất Cửu Lư Đáp Hàn), lại ép Ngụy đế truất Ất Phất Hoàng hậu, lập con gái Thiền vu lên thay.

Năm 545, nhận thấy chư hầu của Nhuyễn Nhuyễn là Đột Quyết cường thịnh, bèn sai An Nặc Bàn Đà đi sứ mua chuộc Đột Quyết.

Năm 551, bộ lạc Thiết Lặc tấn công Nhuyễn Nhuyễn, Đột Quyết chận đánh phá được. Tù trưởng Đột Quyết A Sử Na Thổ Môn xin cưới con gái Thiền vu Nhuyễn Nhuyễn, không được chấp thuận, bèn làm phản. Tây Ngụy nhân dịp gả công chúa cho A Sử Na Thổ Môn.

Năm 555, Đột Quyết đánh Nhuyễn Nhuyễn đại bại, Thiền Vu Uất Cửu Lư Đặng Thúc Tử trốn đến nương nhờ Tây Ngụy. Sợ Đột Quyết tấn công, Tây Ngụy bèn giao Thiền vu và thuộc hạ cho Đột Quyết - tất cả đều bị xử tử.

Nền tảng Bắc Chu

Năm 553, hoàng thân nhà Ngụy là Nguyên Liệt âm mưu giết Vũ Văn Thái. Tin lộ ra, ông bèn giết chết Nguyên Liệt. Phế đế tức giận mật mưu giết Thái, Nguyên Tán và Lâm Hoài vương Nguyên Dục can nhưng không nghe. Âm mưu bại lộ, Thái phế Phế đế, lập người em là Nguyên Khuếch lên thay, tức Cung đế. Ít lâu sau, Phế đế bị giết.

Năm 556, Vũ Văn Thái bệnh mất tại Khiên Truân sơn, phó thác trọng sự quốc gia và con thơ cho con người anh là Vũ Văn Hộ. Ít sau, Hộ ép Tây Ngụy Cung đế nhượng ngôi cho con Thái là Giác, lập nhà Bắc Chu.

Xem thêm

  • Tùy
  • Bắc Ngụy
  • Đông Ngụy
  • Tây Ngụy
  • Cao Hoan
  • Bắc Ngụy Hiếu Vũ Đế

Tham khảo

  • Bắc Sử, Quyển 9: Chu Bản kỷ - Thái Tổ Văn đế, Lý Đại Sư và Lý Diên Thọ.

(Nguồn: Wikipedia)