Bát Nàn, có nơi gọi là Bát Nạn hay Bát Não (?-43) là một nữ tướng thời Hai Bà Trưng trong lịch sử Việt Nam. Bà được xem là một trong những tướng lĩnh có đóng góp lớn cho cuộc khởi nghĩa.

Tên gọi

Theo dân gian, Bát Nàn tướng quân tên là Thục, tục gọi Thục Nương, khởi nghĩa ở vùng Tiên La (nay thuộc Thái Bình). Đến thời nhà Lê thì thần phả làng Tiên La được sửa chữa, tên bà được ghi chép là Vũ Thị Thục hay Vũ Thục Nương.

Sự tích

Theo thần phả, Vũ Thị Thục xuất thân trong một gia đình nhà Nho, bố là Vũ Công Chất làm nghề thầy thuốc, thầy giáo, mẹ là Hoàng Thị Màu.1 Sinh thời, bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đẹp người, đẹp nết, giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân. Năm 18 tuổi, bà đính hôn với Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Châu.1 Thái thú Tô Ðịnh háo sắc, bạo tàn đã ép bà làm vợ, bị bà từ chối. Tô Định bèn trả thù bằng cách giết cha và chồng chưa cưới của bà và cho quân lùng bắt1 . Không để rơi vào tay Tô Ðịnh, bà đã phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La nương thân, về sau dựng cờ khởi nghĩa mang 4 chữ vàng "Bát Nạn tướng quân" (Tướng quân phá nạn).1 2

Một thuyết khác kể rằng bà là con của hào trưởng vùng Phượng Lâu. Sau bà lấy Lạc hầu Trương Quán, một tướng lĩnh dưới quyền Thi Sách. Bấy giờ có tên hào mục là Trần căm tức vì không cưới được Thục Nương có ý “làm phản”, nên bắt giết đi. Năm 39, Thi Sách bị sát hại, chồng bà cũng bị giết. Quân Tô Định vây dinh trại, bà bèn mở đường máu chạy đến làng Tiên La, đến khi Trưng Trắc dựng cờ khởi nghĩa thì bà hưởng ứng.

Bà được Trưng Vương phong làm Bát Nàn tướng quân, Trinh Thục công chúa. Về sau bà tham gia chống quân xâm lược nhà Hán của Mã Viện, cuối cùng tử tiết năm 43.1

Sắc phong

Các đời vua sắc phong:

  • Đời vua Lê Thánh Tông sắc phong: Ý Đức Đoan Trang Trinh Thục Công Chúa.
  • Đời vua Minh Mạng sắc phong: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi Thần.
  • Đời vua Khải Định sắc phong: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Thượng Đẳng Thần.

Thờ phụng

Đền Bát Nàn

Đền Bát Nàn nằm ở xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại đây đã tổ chức lễ kỷ niệm 1997 năm ngày sinh Bát Nàn đại tướng quân và 500 năm ngày sinh danh nhân bảng nhãn Trần Toại.3 Cây đa trước cửa đền được công nhận Cây Di sản Việt Nam của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) vào ngày 8/9/2014.4 Đền còn được tế lễ trong nghi lễ rước kiệu trong dịp Lễ hội đền Hùng, nhằm ghi nhớ công ơn vị thần thờ phụng.5

Đền Tiên La

Quần Thể Di Tích Thờ Thánh Mẫu Tiên La tọa lạc tại 2 xã Đoan Hùng và Tân Tiến (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Lễ hội Tiên La để tưởng nhớ công ơn Bát Nạn Tướng Quân, được tổ chức vào các ngày 15 đến 17 tháng 3 âm lịch. Ngày nay để phục vụ đông đảo du khách về dự hội ban tổ chức lễ hội đã mở hội từ ngày 10 đến 20 tháng 3 âm lịch. Chính hội là ngày 17, trùng ngày hy sinh của bà tướng là ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43).

Đền Tân La

Đền Tân La thuộc địa phận thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên. Năm 1992, đền đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận xếp hạng là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Lễ hội đền ngày nay được tổ chức đơn giản, thời gian hội diễn ra vào các ngày 15, 16, 17 tháng 3 âm lịch.6

Xem thêm

  • Hai Bà Trưng

Chú thích

  • Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức (2010), Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

Tham khảo

  1. ^ a ă â b c 1970 năm ngày mất của Ðông Nhung Ðại tướng quân Vũ Thị Thục
  2. ^ Về Tiên La tưởng nhớ công ơn Bát Nạn Tướng quân
  3. ^ Xã Phượng Lâu: đón nhận bằng công nhận cây di sản
  4. ^ Thêm 2 cây cổ thụ nghìn tuổi vùng đất tổ Hùng Vương được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
  5. ^ HƯỚNG ĐẾN NGÀY GIỖ TỔ 10/3 ÂM LỊCH: TƯNG BỪNG LỄ HỘI ĐỀN HÙNG
  6. ^ Đền Tân La

(Nguồn: Wikipedia)