Võ Tắc Thiên
武則天
Hoàng đế Trung Hoa
Đường Cao Tông Hoàng hậu
A Tang Dynasty Empress Wu Zetian.JPG
Chân dung Võ Tắc Thiên đội Phượng quan được phục dựng vào thế kỷ 18 dựa trên một bức chân dung tưởng tượng về Võ Tắc Thiên thời nhà Minh, tức là khoảng một thiên niên kỷ sau cái chết của bà[1]
Nữ hoàng nhà Võ Chu
Tại vị19 tháng 10 năm 6902
- 22 tháng 2 năm 7053
(14 năm, 126 ngày)
Tiền nhiệmSáng lập triều đại
Kế nhiệmTriều đại kết thúc
Hoàng hậu nhà Đường
Tại vị655 – 683
Tiền nhiệmCao Tông Phế hậu
Kế nhiệmTrung Tông Vi Hoàng hậu
Hoàng thái hậu nhà Đường
Tại vị683 - 690
Tiền nhiệmHoàng thái hậu đầu tiên
Kế nhiệmVi Thái hậu
Thông tin chung
Phối ngẫuĐường Thái Tông
Đường Cao Tông
Hậu duệ
Tên đầy đủ
Tên thật: Không khảo được
Biệt danh: Võ Mị (武媚)[2]
Húy kị: Võ Chiếu (武曌)4
Thụy hiệu
Tắc Thiên Thuận Thánh Hoàng hậu5
(則天順聖皇后)
Tước hiệuThánh Thần Hoàng đế
(聖神皇帝)
Hoàng tộcVõ Chu
Nhà Đường
Thân phụVõ Sĩ Hoạch
Thân mẫuDương Phu nhân
Sinh17 tháng 2, 6246
Văn Thủy, Tinh Châu, Đại Đường
Mất16 tháng 12, 705 (81 tuổi)
Thượng Dương cung, Trường An, Đại Đường
An tángCàn lăng
huyện Càn, Thiểm Tây
Tôn giáoPhật giáo

Võ Tắc Thiên (chữ Hán: 武則天, 17 tháng 2, 624 - 16 tháng 12, 705[3]), cũng được đọc là Vũ Tắc Thiên[ten-nhan-vat 1], thường gọi Võ hậu (武后) hoặc Thiên Hậu (天后), là một phi tần ở Hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị, về sau trở thành Hoàng đế triều đại Võ Chu làm gián đoạn nhà Đường. Bà là mẹ của 2 vị Hoàng đế kế tiếp, Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán.

Cùng với tôn hiệu Thiên Hậu của bà và tôn hiệu Thiên Hoàng (天皇) của Đường Cao Tông, 2 người đã đồng trị vì nhà Đường trong một thời gian dài và cùng được gọi là Nhị Thánh (二聖). Sau khi Đường Cao Tông qua đời, Thiên Hậu trải qua các đời Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông với tư cách Hoàng thái hậu, và cuối cùng trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu, triều đại mà bà sáng lập tồn tại từ năm 690 đến năm 705. Do đó, Võ Tắc Thiên trở thành Nữ hoàng duy nhất được công nhận trong lịch sử Trung Quốc[7]. Dù vậy, Cựu Đường thư và Tân Đường thư vẫn chỉ gọi bà là Thái hậu ngay cả sau khi bà tự xưng Đế, đó là vì vấn đề không nhìn nhận địa vị của bà trong thời đại cũ.

Trong 15 năm cai trị với tôn hiệu Thánh Thần Hoàng đế (聖神皇帝), Võ Tắc Thiên mở mang lãnh thổ Trung Quốc, vươn sang Trung Á, hoàn thành cuộc chinh phục bán đảo Triều Tiên. Nội địa khuyến khích phát triển Phật giáo, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự ổn định trong nước. Tuy nhiên, do tư tưởng nam tôn nữ ti đã ăn sâu trong lòng xã hội phong kiến, lại thêm tính cách độc ác, hà khắc trong việc cai trị khiến đông đảo cựu thần nhà Đường không phục. Cuối đời, bà có hai nam sủng là anh em họ Trương, Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi, cùng họ dâm loạn trong cung, vì sủng ái hai anh em mà bà dung túng cho 2 người chuyên quyền, khiến nhiều quần thần bất bình. Tới năm 705, Tể tướng đương triều là Trương Giản Chi cùng các đại thần phát động binh biến, ép Võ hậu thoái ngôi và đưa Đường Trung Tông lên ngôi lần thứ hai. Bà bị giam lỏng ở Thượng Dương cung tại Lạc Dương cho đến khi qua đời không lâu sau đó, với tuổi thọ là khi 82 tuổi. Bà cũng trở thành 1 trong 3 vị Hoàng đế Trung Hoa có tuổi thọ cao nhất (trên 80 tuổi), bên cạnh Lương Vũ Đế Tiêu Diễn (87 tuổi) và Thanh Cao Tông Càn Long hoàng đế (89 tuổi).

Việc bà nổi lên nắm quyền cai trị bị các nhà sử học Khổng giáo chỉ trích mạnh mẽ, thường so sánh bà với Lã hậu nhà Hán bởi sự chuyên quyền và tàn độc, được gọi chung là Lã Võ (吕武)[8]. Khi đánh giá khái quát lịch sử Trung Hoa, Võ Tắc Thiên cùng 2 vị "Nữ hoàng không miện" là Lã hậu và Từ Hi Thái hậu là 3 phụ nữ nắm quyền lực tối cao nhất từng xuất hiện trong các triều đình phong kiến Trung Hoa, bị dân gian coi là những "gian hậu loạn triều" tàn ác bất nhân với cả người thân, làm nghiêng đổ xã tắc. Tuy nhiên, các nhà sử học từ sau những năm 1950 đã đánh giá bà cân bằng hơn. Võ Tắc Thiên có những chỗ dở như tàn nhẫn giết hại nhiều người thân, hà khắc làm người dân khiếp sợ, dâm loạn khiến thiên hạ chê cười, nhưng bà cũng biết trọng dụng nhân tài và có một số thành công trong việc cai trị.

Thân thế và tên thật

Chân dung mô phỏng Võ Tắc Thiên những năm 1690, tức gần 1000 năm sau cái chết của bà.

Tên thật của Võ Tắc Thiên không được ghi lại, cái tên Võ Chiếu (武曌) là bà tự sáng tạo ra, ví mình như Mặt trời, Mặt trăng trên không trung[9][10][11]. Năm sinh của bà, căn cứ theo các cuốn Cựu Đường thư, Tân Đường thư lẫn Tư trị thông giám đều có mâu thuẫn. Trong Cựu Đường thư, Võ thị được ghi qua đời khi năm 83 tuổi[12], suy ra bà ra đời ở năm Vũ Đức thứ 7 (624), tuy nhiên Tân Đường thư lại ghi nhận Võ thị qua đời khi năm 81 tuổi[13], còn Tư trị thông giám là khi năm 82 tuổi[14], đảo suy ra là sinh hạ vào năm Vũ Đức thứ 8 (625). Tuy nhiên, bản thân Tư trị thông giám vào năm Trinh Quán thứ 11 (637), Võ thị 14 tuổi nhập cung là hoàn toàn mâu thuẫn[15]. Một số đưa ra rằng Võ thị sinh ra năm Trinh Quán thứ 2 (628)[16][17], đến cuối cùng nhiều nhận định vẫn lấy năm Vũ Đức thứ 7 (624) làm năm sinh của bà.

Bà xuất thân từ gia tộc họ Võ có nguồn gốc từ vùng Văn Thủy, Tinh Châu (nay là Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc). Cha bà là Võ Sĩ Hoạch, xuất thân trong một gia đình quý tộc danh tiếng ở Sơn Tây, ông nội Võ Hoa, từng nhậm Quận thừa Lạc Dương giàu có. Mẹ bà là Kế thất phu nhân Dương thị, xuất thân từ gia đình quý tộc hoàng gia nhà Tuỳ, là con gái của tông thất Dương Đạt (楊達) - em trai của Kiến Đức vương Dương Hùng (杨雄), con trai của Dương Thiệu (杨绍), tộc huynh của Tùy Văn Đế Dương Kiên của nhà Tùy. Trong nhà bà có 2 anh trai là Võ Nguyên Khánh và Võ Nguyên Sảng là con của chính thất Lý thị đã qua đời; 1 người chị cùng mẹ là Võ Thuận và 1 em gái là phu nhân của Quách Hiếu Thuận (郭孝慎).

Ban đầu, Võ Sĩ Hoạch làm nghề buôn bán gỗ, cuộc sống gia đình tương đối khá giả, được triều Tùy ban chức "Ưng Dương phủ đội chính". Những năm Đại Nghiệp thời Tùy Dượng Đế, Đường Cao Tổ Lý Uyên khi ấy giữ tước Đường quốc công, từng nhiều lần đến vùng Phần, Tấn và thăm nhà họ Võ, hai bên có quan hệ thân thiết với nhau. Khi nhà Đường thành lập, nhà họ Võ được Đường Cao Tổ hậu đãi, ban cho bổng lộc, đất đai và trang sức rất nhiều. Về sau, Võ Sĩ Hoạch được ban nhiều chức vị quan trọng, làm đến chức Đô đốc Kinh châu[18], Thượng thư bộ Công, tước Ứng Quốc công (應國公).

Do được sinh trưởng trong một gia đình khá giả, từ nhỏ Võ thị không cần làm nhiều công việc, bản thân bà cũng không thích may vá, thêu thùa và làm việc nhà, thay vào đó bà rất quan tâm đến việc đọc sách. Cha bà Võ Sĩ Hoạch lại khuyến khích bà học chữ và đọc nhiều sách, trái ngược với tư tưởng thời bấy giờ là phụ nữ không cần phải học hành mà phải tập làm công việc nhà. Do đọc nhiều sách, bà có kiến thức uyên bác hơn nhiều phụ nữ đương thời, tinh thông về chính trị, văn học, nghi lễ và âm nhạc.

Năm Trinh Quán thứ 9 (635), Võ Sĩ Hoạch qua đời; đường huynh Võ Duy Lương, Võ Hoài Vận cùng anh cả Võ Nguyên Sảng đối xử với mẹ bà là Dương phu nhân rất vô lễ.

Phi tần của Đường Thái Tông

Năm Trinh Quán thứ 11 (637), tháng 11, Đường Thái Tông nghe nói Võ thị có tiếng xinh đẹp nên triệu Võ thị vào cung, phong làm Tài nhân, cấp bậc thứ năm trong chín bậc thuộc hậu cung[15][19][20]. Lúc đó, mẫu thân bà là Dương thị than khóc không thôi, bà cố gắng an ủi mẹ mình: "Cớ chi mẫu thân lại bảo gặp được Thiên tử không phải là phúc phận của con"[21]. Qua lời an ủi đó, Dương thị đoán ra được chí lớn của con mình, nên thôi không khóc nữa.

Khi vào cung, Võ thị được Đường Thái Tông ban cho chữ Mị (媚) làm tên, vì thế người ta cũng thường gọi bà là Võ Mị (武媚)[19][22]. Và tuy đời sau lại thường gọi thành Võ Mị Nương, nhưng đương thời không thấy ai gọi như vậy. Võ Tài nhân vào cung, bà cùng Yến Đức phi, Dương Tiệp dư cùng Sào Lạt vương phi Dương thị của Thái Tông đều có họ hàng bên ngoại. Võ thị tuy có vài lần được ngự hạnh nhưng nói chung là không được Đường Thái Tông sủng ái[23].

Sử sách ghi chép rất ít về những hành trạng của bà trong thời gian này. Sách Tư trị thông giám dẫn lời của Võ thị khi về già, kể về một sự tích thuần phục ngựa như sau:

"Thái Tông hoàng đế có một con ngựa do Tây Vực tiến cống, tên là Sử Tử Thông. Con ngựa đó rất cao to và dữ dằn, không chịu cho ai cưỡi trên lưng cả. Lúc đó trẫm chỉ là cung thiếp hầu hạ, đã bảo rằng: "Thần thiếp chỉ cần ba thứ để trị nó: Trước hết dùng roi sắt mà đánh nó bắt khuất phục; nếu không chịu thì dùng búa sắt đánh vào đầu nó; còn nếu dùng búa sắt đánh vẫn không được thì dùng dao đâm chết nó đi, vì thứ không trị được thì để làm gì?" Thái Tông hoàng đế vẫn khen ta vì việc đó. Nay ông tự thấy có đáng làm bẩn con dao găm của ta không"?[24].

Năm Trinh Quán thứ 17 (643), Đường Thái Tông phế truất Thái tử Lý Thừa Càn, lập Tấn vương Lý Trị làm Thái tử. Từ đây, Võ Tài nhân thường ở bên cạnh phụng dưỡng, hầu thuốc cho Thái Tông, liền bị Thái tử trông thấy mà say mê[25]. Năm thứ 23 (649), Đường Thái Tông qua đời. Thái tử Lý Trị lên nối ngôi, tức Đường Cao Tông[23]. Trong hơn 10 năm làm Tài nhân, Võ thị không hề sinh được một người con nào, vì thế theo di mệnh của Tiên hoàng đế, bà và tất cả các phi tần không có con khác phải cạo tóc, xuất gia làm ni cô, vào tu ở Cảm Nghiệp tự (感業寺).

Năm Vĩnh Huy nguyên niên (650), tháng 5, nhân ngày giỗ của cha, Cao Tông đến Cảm Nghiệp tự và tình cờ gặp lại bà, hai người ôm nhau mà khóc. Võ thị lúc đó đã cạo đầu song nhan sắc vẫn diễm lệ, nói năng êm tai nên tình cũ trỗi dậy, ông nảy ý rước bà về cung. Đường Cao Tông lên ngôi lúc tuổi trẻ, lại không có tài năng gì, chỉ vì hai người anh đều phạm lỗi mà mới đến lượt mình nối ngôi. Sức khỏe nhà vua lại không tốt, thường bị hoa mắt, chóng mặt, khó quản hết việc triều chính[26]. Khi ấy trong hậu cung, Vương Hoàng hậu và Tiêu Thục phi đấu đá lẫn nhau. Hoàng hậu không có con, nhận nuôi thái tử Lý Trung, còn Thục phi sinh ra Hoàng tử Lý Tố Tiết và hai Công chúa. Trông thấy Tiêu Thục phi được sủng ái, Vương Hoàng hậu ghen ghét, muốn mượn tay Võ thị giành lấy sự sủng ái của Thục phi[27], bèn xin Cao Tông cho rước về cung[28].

Năm Vĩnh Huy thứ 2 (651), tháng 5, Đường Cao Tông cáo lệnh chính thức kết thúc tang kỳ, lệnh Võ thị hoàn tục, chính thức đưa Võ thị trở lại hậu cung. Vào lúc này, Võ thị đang mang thai đứa con đầu lòng, là Lý Hoằng.

Quay lại hậu cung

Năm Vĩnh Huy thứ 3 (652), Võ thị sinh con trai Lý Hoằng. Nhiều sử sách nói bà mang thai và hạ sinh tại chùa Cảm Nghiệp, càng khiến Cao Tông muốn đưa bà hồi cung trao danh phận. Tháng 5 năm ấy, gần như ngay lập tức, Võ thị được bái làm Chiêu nghi. Từ khi về cung, Võ thị ra sức lấy lòng Đường Cao Tông và Vương Hoàng hậu. Đường Cao Tông cũng hết mực sủng ái bà, do thế mà Tiêu Thục phi thất sủng. Tuy Võ Chiêu nghi sinh hạ con trai, được Hoàng đế rất mực yêu quý, song ngôi vị Hoàng thái tử trong cung vẫn đang thuộc về Lý Trung, con trai cung nhân Lưu thị, được Vương Hoàng hậu nhận làm con nuôi[29].

Năm Vĩnh Huy thứ 5 (654), tháng giêng, Võ Chiêu nghi hạ sinh một con gái, An Định Tư công chúa. Theo Tân Đường thư và Tư trị thông giám, cả hai cuốn sách đều được soạn dưới thời nhà Tống, chỉ ra rõ ràng chính Võ thị đã giết đứa bé để tranh sủng. Một hôm, Vương Hoàng hậu đi thăm Công chúa vừa về, Võ Chiêu nghi liền đóng hết cửa rèm lại rồi bóp mũi giết chết Công chúa, sau đó lại đắp chăn lên che giấu. Khi đó, Cao Tông đến thăm Võ Chiêu nghi, khi cả hai vui vẻ mở chăn ra, phát hiện Công chúa đã chết, Võ thị bèn khóc lóc không thôi. Cao Tông buồn bực hỏi người Thị nữ, tất cả đều nói Hoàng hậu từng ở đây và rời đi, Tân Đường thư còn ghi chính Võ thị mắng: "Hoàng hậu giết con gái ta, trước cùng Phi sàm mạo, nay thực có ý tà niệm!". Đường Cao Tông phẫn uất nói: "Hoàng hậu giết con gái ta rồi!"[30][31]. Nước cờ đổ lỗi của Võ Chiêu nghi hoàn thành mỹ mãn, trong khi Vương Hoàng hậu không còn cách nào để tự biện minh. Từ đó, Đường Cao Tông nảy ý phế hậu, đưa Võ Chiêu nghi lên thay. Tuy nhiên, sự việc này có hồ nghi, bởi vì Cựu Đường thư và Đường hội yếu (唐会要) đều chỉ nói qua việc An Định Tư công chúa chết đột ngột, mà không nói nguyên nhân.

Sau sự kiện trên, Cao Tông đã có ý triển khai phế Vương Hoàng hậu, được gọi là Phế Vương lập Võ (废王立武). Lúc ấy triều đình lấy Trưởng Tôn Vô Kỵ cùng Chử Toại Lương (褚遂良) là nguyên thủ lĩnh triều, có quyền lực cực lớn, mà Đường Cao Tông lên ngôi nhiều năm vẫn luôn bị áp chế. Do vấn đề này, không ít nhận định tin tưởng Cao Tông mượn chuyện phế Hậu là nhằm công kích phe Cựu thần, chấn chỉnh triều cương. Võ Chiêu nghi từ đấy cũng trở thành "chiến hữu" của Cao Tông. Trong triều, Trung thư Xá nhân Lý Nghĩa Phủ (李義府), Lễ bộ Thượng thư Hứa Kính Tông (許敬宗) đều ủng hộ lập Võ thị, tình hình phe phái cũng càng gay gắt hơn. Thời gian sau, Đường Cao Tông đề nghị muốn phong Võ Chiêu nghi làm Thần phi (宸妃), cuối cùng vì Tể tướng Hàn Viện (韩瑗) phản đối mới bèn thôi[32].

Năm Vĩnh Huy thứ 6 (655), mùa hạ, Võ Chiêu nghi tố cáo mẫu thân của Vương Hoàng hậu là Ngụy Quốc phu nhân Liễu thị đã cùng Hoàng hậu dùng bùa phép hãm hại mình, từ đó Liễu thị không được vào cung nữa. Cậu của hoàng hậu là Trung thư lệnh Liễu Thích (柳奭) bị giáng chức. Trong lúc đó, Trung thư Xá nhân Lý Nghĩa Phủ vốn bị Trưởng Tôn Vô Kỵ ghét, vốn bị Vô Kỵ biếm chức, nhân đó dâng sớ xin phế Hậu lên Cao Tông. Cao Tông vui mừng, bèn cho triệu Lý Nghĩa Phủ vào cung, cho phục chức. Phe cánh của Võ Chiêu nghi ngày càng lớn mạnh. Mùa thu năm ấy, Cao Tông triệu Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chử Toại Lương và Lý Thế Tích vào hỏi ý kiến việc Phế hậu, Lý Thế Tích cáo ốm không tới. Trong buổi nghị sự, Chử Toại Lương đều lên tiếng can ngăn Cao Tông, còn Trưởng Tôn Vô Kỵ im lặng để tỏ ra không hài lòng. Cao Tông đến hỏi Lý Thế Tích, Tích nói: "Đó là gia sự của bệ hạ, không cần hỏi đến ngoại thần"[33]. Vấn đề "Phế Vương lập Võ" càng lúc càng có lợi cho Võ Chiêu nghi.

Hoàng hậu nhà Đường

Giành lấy quyền lực

Năm Vĩnh Huy thứ 6 (655), ngày 13 tháng 10 (tức ngày 27 tháng 11 dương lịch), Đường Cao Tông lấy tội danh Âm mưu hạ độc (阴谋下毒), ra chỉ phế truất Hoàng hậu Vương thị, Tiêu Thục phi làm thứ nhân và giam vào Biệt viện, đày gia tộc đến Lĩnh Nam.

Sau đó 7 ngày, tức ngày 20 tháng 10 (âm lịch), Đường Cao Tông lần nữa hạ chiếu đem lập Võ Chiêu nghi làm Hoàng hậu. Từ khi bị phế, Tiêu thị và Vương thị bị giam ở biệt viện, Cao Tông chưa dứt hẳn tình, nhiều lần đến thăm. Tiêu phế phi nhân đó khóc lóc xin Cao Tông thương tình. Võ hậu tức giận, sai chặt hết tay chân hai người, đem đi ngâm giấm. Sau này Võ hậu bị ám ảnh bởi cái chết của Tiêu phế phi, thường gặp ác mộng. Thời gian về sau bà cùng Cao Tông thường di giá đến Lạc Dương và ở đó rất lâu[34][35].

Đầu năm Hiện Khánh nguyên niên (656), Hoàng thái tử Lý Trung bị phế truất. Trước đó, đại thần Hứa Kính Tông dâng sớ xin thay luôn ngôi Hoàng thái tử, phế Lý Trung mà lập con trai cả của Võ Hoàng hậu là Lý Hoằng. Vì lý do này, Đường Cao Tông ép Thái tử viết biểu nhường ngôi, Thái tử bất đắc dĩ phải nghe theo. Tháng 2 năm ấy, Cao Tông lập Đại vương Lý Hoằng làm Hoàng thái tử, giáng Thái tử Lý Trung làm Lương vương (梁王), cho nhậm lĩnh Đô đốc Lương châu, như thông lệ của tất cả các Phiên vương nhà Đường.

Từ năm Hiện Khánh thứ 2 (657), Võ hậu cùng phe đảng tìm cách trả thù những người không ủng hộ mình, ban đầu là Chử Toại Lương và Hàn Viện. Cùng năm ấy, Đường Cao Tông hạ chỉ giáng Chử Toại Lương làm Đô đốc Đàm Châu[36][37]. Cuối cùng, Chử Toại Lương bị biếm đến Quế Châu rồi Ái Châu, An Nam, cuối cùng uất ức mà chết vào tháng 10 (ÂL) sang năm, tức năm 658 công lịch. Vào năm Hiện Khánh thứ 4 (659), Võ hậu giật dây cho Hứa Kính Tông và Lý Nghĩa Phủ hãm hại Trưởng Tôn Vô Kỵ cùng các thế lực chống đối khác dứt điểm. Lúc đó, có người tố cáo hai viên quan là Vi Quý Phương (韋季方) và Lý Sào (李巢) mưu làm việc trái phép, Đường Cao Tông giao cho Hứa Kính Tông điều tra. Kính Tông dụ dỗ Quý Phương khai rằng Triệu Quốc công Trưởng Tôn Vô Kỵ có thông đồng với mình. Cao Tông bất ngờ về việc này, lại sai Kính Tông đưa Vô Kị ra tra xét. Cuối cùng, Vô Kị bị bãi bỏ phong ấp và chức Thái úy, giáng làm Dương Châu Đô đốc, đày đến Kiềm Châu[38]. Hứa Kính Tông nhân đó tố cáo Chử Toại Lương cùng Hàn Viện và Liễu Thích. Viện và Thích bị bãi chức, còn Chử Toại Lương tuy đã chết cũng bị trừ quan tước. Cuối cùng, Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng bị bức tử trong năm đó[39]. Kết cuộc của Hàn Viện cũng không khá hơn, sau khi bị đoạt chức tước thì ông bị biếm làm Thứ sử Ái Châu. Những người khác như Vu Chí Ninh (于志寧) và Lai Tế (來濟), khi trước cũng thuộc phe Cựu thần phản đối lập Võ thị, nay cũng đều bị điều đi khỏi kinh sư.

Đến tận đây, Đường Cao Tông Lý Trị mới bắt đầu công cuộc "quân chủ tập quyền", nắm được quyền lực tuyệt đối cho các Hoàng đế nhà Đường. Từ khi Tào Ngụy và nhà Tấn đến khi sự kiện Phế Vương lập Hậu diễn ra, quân chủ Trung Quốc chịu thời gian dài bị tầng lớp quan lại kiềm chế. Nhờ sự kiện này, chính quyền quân chủ một lần nữa được cải thiện, đối với cục diện lịch sử về sau cũng ảnh hưởng rất lớn.

Tranh chấp gia tộc

Trước kia, Võ Sĩ Hoạch lấy vợ cả là Tương Lý thị, sinh hai con trai Nguyên Sảng, Nguyên Khánh; sau lại lấy Dương thị sinh ba con gái: người con đầu là Võ Thuận lấy Hạ Lan An Thạch (賀蘭安石), thứ hai là Võ hậu, người thứ ba lấy Quách Hiếu Thân (郭孝慎) và mất sớm. Sĩ Hoạch chết, Nguyên Sảng, Nguyên Khánh cùng con người anh Sĩ Hoạch là Võ Duy Lương (武惟良), Võ Hoài Vận (武懷運) tỏ ra bất kính với Dương thị nên bị bà ta ghét. Khi đó, An Thạch và Hiếu Thận cũng đã chết, vợ An Thạch sinh ra Hạ Lan Mẫn Chi (賀蘭敏之) và một người con gái. Võ hậu từ khi được lập, Dương thị trở thành Vinh Quốc phu nhân (榮國夫人); vợ An Thạch là Võ Thuận làm Hàn Quốc phu nhân (韓國夫人), bọn Nguyên Sảng đều được phong chức vị cao. Vào một hôm, Vinh Quốc phu nhân bày tiệc rượu trong gia đình, bọn Duy Lương tỏ thái độ bất mãn, phu nhân rất giận[40]. Võ hậu biết chuyện, liền đày bọn Duy Lương làm Thứ sử các Châu xa. Nguyên Khánh, Nguyên Sảng lo buồn mà chết.

Gia tộc hiển quý, Hàn Quốc phu nhân Võ Thuận và con gái Hạ Lan thị thường ra vào cung, có tin đồn cả hai là tình nhân của Cao Tông. Khi Hàn Quốc phu nhân đột ngột qua đời, Cao Tông phong cho con gái Võ thị là Hạ Lan thị làm Ngụy Quốc phu nhân (魏國夫人), lại muốn nạp vào cung để tư thông. Võ hậu nảy sinh ghen tuông, tỏ ra không bằng lòng. Khi bọn Duy Lương, Hoài Vận về kinh và dâng đồ ăn, Võ hậu bí mật bỏ độc vào đó và đem đến cho Ngụy Quốc, khiến Hạ Lan thị bị trúng độc mà chết. Sau đó, Võ hậu quy tội cho Duy Lương, Hoài Vận và giết hết đi[40]. Khi mẹ Võ hậu là Dương phu nhân qua đời, Võ hậu bắt tất cả đại thần phải đến đưa tang và khóc tang. Cuối năm này, trong nước hạn hán, Võ hậu dâng sớ nói việc đó là do mình, xin từ bỏ ngôi vị, Cao Tông không chấp nhận. Sau đó, Võ hậu xin biểu truy phong Võ Sĩ Hoạch, vốn là Chu Định công, nay trở thành Thái Nguyên Quận vương (太原郡王), Dương thị là Thái Nguyên Quận vương phi (太原郡王妃)[40].

Con trai Hàn Quốc phu nhân là Hạ Lan Mẫn Chi, vốn được cải họ Võ làm kế tự cho Võ Sĩ Hoạch, nên được kế tập tước Chu Quốc công (周國公) từ trước. Sau khi mẹ và em gái chết, Mẫn Chi ngày càng trở nên phóng túng, Võ hậu sinh lòng chán ghét. Mẫn Chi cư nhiên tư thông với con gái Dương Tư Kiệm (杨思俭) - vốn đang chờ tuyển làm Thái tử phi cho Thái tử Lý Hoằng. Biết tin, Võ hậu tức giận mà đem Mẫn Chi đày đi Lôi Châu, đổi sang họ cũ là họ Hạ Lan, tước đi tước hiệu Chu Quốc công. Con trai Võ Nguyên Sảng là Võ Thừa Tự (武承嗣) được triệu về kinh kế thừa tước Chu Quốc công thay thế Mẫn Chi[41].

Nhị Thánh lâm triều

Năm Hiện Khánh thứ 5 (660), Võ hậu cùng với Cao Tông đi tuần du vùng quê nhà là Bân Châu[42]. Bà tổ chức yến tiệc thật lớn, mời hàng xóm và thân tộc đến dự[33]. Cuối năm này, Đường Cao Tông phát chứng đau đầu, sức khỏe suy yếu nghiêm trọng, có lời đồn việc đó là do Võ hậu ngầm bỏ thuốc độc bộc phát chậm vào đồ ăn của ông.

Nhân việc này, Võ hậu can dự vào triều chính, quyết định nhiều việc trong triều, bắt đầu lấn át Cao Tông. Sử sách ghi nhận bà tinh thông văn sử, giải quyết công việc hiệu quả nhanh gọn; quyền lực của Cao Tông từ đây bị thu hẹp. Việc Võ hậu can thiệp vào công việc triều chính quá nhiều khiến Đường Cao Tông không hài lòng, dần dần giữa hai người xuất hiện mâu thuẫn. Bởi vì khi trước Võ hậu luôn nhu thuận, làm đúng ý niệm của Cao Tông, cho nên Cao Tông luôn muốn lập bà làm Hậu để chứng tỏ quyền hạn của mình. Đến đây khi Võ hậu bộc lộ rõ khả năng của mình, đối với Đường Cao Tông hẳn nhiên là cảm giác không hài lòng.

Năm Lân Đức nguyên niên (664), đạo sĩ Quách Hành Chân (郭行真) thường ra vào cung cấm làm tà thuật. Đường Cao Tông biết việc này là do Võ hậu chủ mưu nên rất tức giận, triệu đại thần Thị lang Thượng Quan Nghi (上官儀) vào cung. Nghi tâu rằng: "Hoàng hậu chuyên quyền, không giữ đạo làm vợ, cần phải phế đi". Cao Tông chấp thuận, lệnh cho Nghi tìm cơ hội mà ra tay. Có quan viên hầu trực đem chuyện này tố cáo với Võ hậu, bà bèn đến chỗ Cao Tông kêu khóc thảm thiết. Cao Tông không biết trả lời ra sao, bèn đổ hết mọi chuyện cho Thượng Quan Nghi. Tháng 12 năm đó, Võ hậu sai Hứa Kính Tông tố cáo Thượng Quan Nghi và Phế Thái tử Lương vương Lý Trung phản nghịch, bắt Nghi hạ ngục rồi ban rượu độc cho Lương vương Lý Trung. Sang đầu năm sau (665), mùa xuân, Thượng Quan Nghi và con là Thượng Quan Đình Chi (上官庭芝) bị chém đầu. Tuy nhiên, sau này Võ hậu trọng dụng cháu của Nghi là Thượng Quan Uyển Nhi, vời vào cung cho làm chức Nữ quan thân cận[43]. Từ đây mỗi khi Cao Tông thiết triều, Võ hậu đều ở bên cạnh cùng tham dự. Thời Đường hay xưng Thiên tử là Thánh nhân (聖人)[44], nên khi Võ hậu cũng cùng Cao Tông lâm triều, tự nhiên có tới 2 Thánh nhân. Do đó, lịch sử gọi giai đoạn này là Nhị Thánh lâm triều (二聖臨朝)[40][40][45][46].

Từ khi nắm chính quyền, triều đình Cao Tông dưới bàn tay của Võ hậu ngày càng hưng thịnh. Do đó, bà tích cực khuyên ông tiến hành khuếch trương thế lực cùng địa vị của hai người bằng cách tiến hành đại lễ Phong thiện (封禅) ở núi Thái Sơn. Cái gọi là "phong thiện", là một loại đại lễ cổ đại, xảy ra vào lúc thái bình thịnh thế, các Thiên tử vì muốn chứng tỏ quyền uy mà tiến hành các loạt lễ tế cáo Trời và Đất - hai nhân tố tối cao trong văn hóa Trung Hoa. Theo quy tắc, Thiên tử sẽ tế Sơ hiến (初献), còn Công khanh là Á hiến (亚献), nhưng Võ hậu vì thấy lý do Thiên tử biểu thị Hoàng Thiên, còn Hậu vị biểu thị Hậu Thổ, do đó muốn tự mình đảm nhận vị trí "Á hiến" sau Cao Tông. Ý kiến này của bà nhanh chóng được Cao Tông đồng thuận. Vì thế vào năm Lân Đức thứ 2 (665), tháng 10, Đường Cao Tông dẫn suất Văn võ bá quan, còn Võ hậu suất dẫn Mệnh phụ, đồng thời từ Đông Đô Lạc Dương xuất phát đến Thái Sơn. Đi cùng đến dự có các đặc sứ Đột Quyết, Nhật Bản, Ba Tư,... để chứng kiến đại lễ vinh hiển này của vợ chồng Đế-Hậu[47].

Tôn xưng Thiên Hậu

Năm Thượng Nguyên nguyên niên (674), tháng 8, Đường Cao Tông đổi xưng là Thiên Hoàng (天皇), gọi Võ hậu là Thiên Hậu (天后)[41]. Thiên Hậu dâng lên Thiên Hoàng một danh sách gồm 12 điều để trị quốc, được gọi là Kiến ngôn thập nhị sự (建言十二事), tất cả đều được Thiên Hoàng thông qua. Do tư liệu thiếu khuyết, không có bất kỳ thông tin nào về sự hiệu quả của 12 điều này. Nội dung đại khái:

  1. Đẩy mạnh việc làm ruộng, chăn tằm, giảm bớt khó nhọc cho trăm họ.
  2. Bỏ thuế cho các trấn miền bắc.
  3. Phục hồi đạo đức chung sống hòa bình.
  4. Không được xa xỉ lãng phí.
  5. Bớt lấy lính.
  6. Cho phép trình bày ý kiến nguyện vọng riêng.
  7. Loại bỏ quan lại tham nhũng và những kẻ chỉ biết làm theo lệnh trên một cách nịnh bợ ngu dốt.
  8. Mọi con cháu họ Lý và trăm quan phải học tập "Đạo Đức kinh"(nhà Đường coi Lý Nhĩ (Lão Tử) là Tổ Xa).
  9. Để tang bố mẹ thời gian như nhau (cùng ba năm).
  10. Quan lại về hưu được giữ nguyên phẩm hàm.
  11. Tăng lương cho quan lại từ bát phẩm trở lên.
  12. Những quan lại lâu năm được xét thăng trật, bổng nếu có công trạng.

Sang năm sau (675), Thiên Hoàng bị bệnh đau đầu rất nặng. Do ông không thể quản lý triều chính, liền cùng các đại thần thương nghị, thảo luận việc cho phép Thiên Hậu tiến hành nhiếp chính. Các đại thần là Tể tướng Hác Xử Tuấn (郝處俊) và đồng liêu Lý Nghĩa Diễm (李義琰) can ngăn, việc bèn thôi. Khi Thiên Hậu biết chuyện, liền triệu tập rất nhiều văn nhân học sĩ, soạn nhiều sách cổ như Liệt nữ truyện, Hiếu tử truyện (孝子傳),... rồi mật lệnh các Học giả này dâng sớ tham quyết triều đình, làm cho quyền lực Tể tướng bị ảnh hưởng. Đó gọi là Bắc Môn học sĩ (北門學士).

Thay ngôi Thái tử

Thiên Hoàng sức khỏe ngày càng suy yếu, có ý nhường ngôi cho Thái tử Lý Hoằng, nhưng Thiên Hậu không đồng tình. Về phần mình, Thái tử không hài lòng việc Thiên Hậu nắm quyền, muốn đoạt lại quyền lực. Lúc nhỏ, thái tử chơi thân với hai con gái của Tiêu thục phi là Tuyên Thành công chúa và Nghĩa Dương công chúa; nay thấy họ bị Thiên Hậu giam lỏng trong Dịch Đình, liền xin Thiên Hoàng thả ra và cho lấy chồng. Thiên Hậu do vậy sinh oán.

Năm Thượng Nguyên thứ 2 (675), Thái tử cùng Thiên Hoàng và Thiên Hậu dự yến ở Hợp Bích cung thì đột ngột qua đời, chỉ mới 28 tuổi. Trong triều có lời đồn cái chết này là do Thiên Hậu hạ độc. Thiên Hoàng quá đau lòng vì cái chết của con trai, bèn truy tặng làm Hiếu Kính hoàng đế (孝敬皇帝). Sau đó, Thiên Hoàng ra chỉ Lập Hoàng lục tử là Ung vương Lý Hiền làm Thái tử[41]. Theo Tư trị thông giám, Ung vương Lý Hiền là con của Hàn Quốc phu nhân Võ Thuận, tức chị ruột của Thiên Hậu. Khi Lý Hiền còn chưa biết đi thì Hàn Quốc phu nhân chết, nên Thiên Hậu nhận nuôi[41]. Thái tử Lý Hiền tuy là người hiền minh nhưng có nhiều việc làm trái khuấy nên không được lòng Thiên Hậu. Khi ấy, trong cung có lời đồn đãi Thái tử vốn do Hàn Quốc phu nhân sinh ra, Thái tử Hiền biết chuyện này trong lòng cảm thấy bất an, thái độ tỏ ra ngoài nét mặt. Thiên Hậu nghe vậy càng ghét hơn. Đạo sĩ Minh Sùng Nghiễm (明崇儼) được Thiên Hoàng và Thiên Hậu coi trọng, thường gièm pha với bà: "Thái tử không thể thừa kế được, Anh vương (Lý Triết) có dung mạo giống Thái Tông"; lại nói: "Tương vương (Lý Đán) về sau sẽ đại quý". Khi Lý Hiền lên ngôi Thái tử, Thiên Hậu cho soạn Thiếu Dương chánh phạm (少陽政範) và Hiếu tử truyện ban cho ông, lại nhiều lần quở trách ông ta vô cớ, nên Thái tử khi ấy trong lòng luôn rất bất an.

Năm Điều Lộ thứ 2 (680), Minh Sùng Nghiễm bị cuồng bạo đánh giết, Thiên Hậu nghi ngờ là do Thái tử Hiền làm, nên càng ghét hơn. Không lâu sau, các phe cảnh Tiết Nguyên Siêu (薛元超), Bùi Viêm (裴炎), Cao Trí Chu (高智周) với sự giật dây của Thiên Hậu đã tố cáo Thái tử Hiền mưu đồ bất chính. Thiên Hoàng sai điều tra, lục soát được trong phủ Thái tử nhiều đồ binh khí. Khi biết được, Thiên Hoàng không nỡ trị tội thế nhưng Thiên Hậu nói: "Là con dân mà mưu nghịch, thiên địa bất dung; nay đại nghĩa diệt thân, có thể nào xá được ?". Thiên Hậu liền hạ lệnh phế Thái tử, đày ra Ba Thục[48].

Sau đó, Thiên Hậu lập tức chọn lập Anh vương Lý Triết làm Thái tử thay thế, đổi tên thành Lý Hiển[49]. Khi còn là Chu vương, Lý Hiển kết hôn với Triệu thị, con gái Thường Lạc công chúa (常樂公主) - cô của Thiên Hoàng, đồng thời là con gái út của Đường Cao Tổ Lý Uyên, so với Lý Hiển thì Triệu thị là biểu cô. Thiên Hoàng rất tán thành cuộc hôn nhân này, song Thiên Hậu không ưa con gái nhà họ Triệu. Vào một dịp, Triệu thị do đắc tội với Thiên Hậu, liền bị giam lỏng trong Nội thị tỉnh, chỉ được đưa rau, thịt sống cho tự nấu ăn. Dần dần Triệu thị chết đói, Thiên Hậu bèn đày cha Triệu thị là Triệu Côi (趙瑰) cùng Thường Lạc công chúa ra đến Hoạt Châu[50][51].

Lâm triều xưng chế

Phế truất Trung Tông

Năm Vĩnh Thuần thứ 2 (683), Thiên Hoàng di giá Phụng Thiên cung (奉天宮) lâm bệnh. Biết mình không xong, ông bèn triệu Hoàng thái tử Lý Hiển từ Trường An về Lạc Dương, mệnh Thái tử giám quốc và giao cho đại thần Bùi Viêm cùng Lưu Cảnh Tiên (劉景先) và Quách Chính Nhất (郭正一) cùng phụ chính. Sau đó, ông chuyển về Lạc Dương, bệnh chuyển nặng hơn, Tể tướng cùng đại thần đều không thể tấn kiến.

Ngày 4 tháng 12 (tức ngày 27 tháng 12 dương lịch), Thiên Hoàng băng hà ở Trinh Quán điện (貞觀殿). Khi ông lâm chung, cho cận thần viết di chiếu: "Sau 7 ngày tạm quàn, Hoàng thái tử tức Hoàng đế vị trước Linh tiền. Về chế độ Viên lăng, nên chủ trương tiết kiệm. Quân quốc đại sự có việc không thể quyết định, liền nhờ Thiên Hậu quyết định" (七日而殯,皇太子即位于柩前。園陵制度,務從節儉。軍國大事有不決者,取天后處分。)[52][53]. Hoàng thái tử Lý Hiển nối ngôi, tức là Đường Trung Tông. Thiên Hậu trở thành Hoàng thái hậu, là Hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Đường, và cũng là Thái hậu đầu tiên của triều đại này thực hiện Lâm triều xưng chế (臨朝稱制)[54]. Lúc mới lên ngôi, Trung Tông phải chịu tang, căn cứ theo di chiếu của Cao Tông, mọi việc trong triều đều do Võ Thái hậu quyết đoán[55].

Năm Tự Thánh nguyên niên (684), tháng 2 (ÂL), Trung Tông muốn tạo đối trọng với Võ Thái hậu trong triều, nên phong nhạc phụ Vi Huyền Trinh làm Thị trung trông coi Môn hạ tỉnh, quyền uy quá lớn trong khi họ Vi không có tài cán. Tể tướng Bùi Viêm hết sức can ngăn nhưng Trung Tông không nghe, nói lại: "Ta đem cả thiên hạ cho Vi Huyền Trinh còn được, huống hồ một chức Thị trung lang sao?!". Bùi Viêm cố cãi lại không được, bèn mật cáo với Thái hậu. Ngày 26 tháng 2 (dương lịch), Thái hậu được Bùi Viêm, Lưu Y Chi, Trình Vụ Đĩnh, Trương Kiền Úc... đưa vào triều, tuyên chiếu phế truất Trung Tông làm Lư Lăng vương. Khi bị lôi xuống, Trung Tông cố hỏi: "Con có tội gì?!", Võ Thái hậu đanh thép đáp: "Nhà ngươi đem thiên hạ đưa cho Vi Huyền Trinh, còn không có tội ư?!", do đó Thái hậu bèn giam Trung Tông vào biệt cung. Thái hậu đưa Dự vương Lý Đán lên ngôi, tức là Đường Duệ Tông, cải niên hiệu thành Văn Minh.

Võ Thái hậu tên Lư Lăng vương là "Triết", mệnh lệnh đày ra Quân Châu rồi Phòng Châu, ở ngôi nhà mà Bộc vương Lý Thái từng ở sau khi bị Thái Tông giáng tước. Sau khi lập Duệ Tông, bà tiếp tục xưng Chế, tự mình chuyên chính như trước. Bà lập tức hạ chiếu nói Vi Huyền Trinh mưu nghịch, tước tất cả chức vị, giáng làm thứ dân và tống vào ngục, sau cũng bị lưu đày. Đường Duệ Tông Lý Đán khi ấy tuy ở ngôi vị, nhưng bị ép phải sống ở cung riêng, không được tham gia chính sự. Việc lớn nhỏ trong triều đều do Võ Thái hậu quyết đoán. Bà còn cho phế con trai của Lư Lăng vương là Lý Trọng Chiếu làm Thứ nhân, cho lập con trai của Tân Đế là Lý Thành Khí kế thừa vị trí Trữ quân.

Độc bá triều cương

Ngày Giáp Tý tháng ấy (ÂL), Võ Thái hậu ngự ở Võ Thành điện (武成殿), Duệ Tông suất Vương công đến dâng tôn hiệu. Mấy hôm sau, sai Võ Thừa Tự công bố chế sách lập Hoàng đế mới. Từ lúc này, Thái hậu lên triều nghe chính ở Tử Thần điện (紫宸殿), không cần phải buông rèm, cứ ra thẳng ghế rồng mà nghe quần thần tấu sự[52]. Vừa yên vị, Võ Thái hậu mệnh Thái thường khanh, Kiểm giáo Dự vương phủ Vương Đức Chân làm Thị trung, Trung thư Thị lang Lưu Y Chi và Lễ bộ Thượng thư Võ Thừa Tự làm Đồng trung thư Môn hạ Bình chương sự. Lúc này Thái tử bị truất phế trước đây, Lý Hiền, đã bị ép phải uống rượu độc mà chết, Thái hậu liền đổ hết trách nhiệm cho Khâu Thần Tích, biếm làm Thứ sử Điệp Châu (nhưng không lâu sau thì phục chức), rồi truy tặng Lý Hiền là Ung vương.

Tháng 9 (ÂL) cùng năm, Thái hậu cải nguyên là Văn Minh, đổi Đông Đô Lạc Dương thành Thần Đô. Cung riêng của bà gọi là Thái Sơ cung (太初宮), ngự chế cờ xí đều dùng sắc vàng, lại cho cải Thượng thư tỉnh là Văn Xương đài, Tả hữu bộc xạ là Tả Hữu tướng; Lục tào thành Lục quan; Trung thư tỉnh đổi là Phụng các; Thị trung là Nạp ngôn; Trung thư lệnh là Nội sử lệnh; Ngự sử đài thành Tả túc chánh đài[56]. Từ năm đầu Thùy Củng (685), Võ Thái hậu bắt đầu dan díu với tên Hòa thượng giả danh, gọi là Tiết Hoài Nghĩa. Sau đó, Tiết Hoài Nghĩa dần được phong các chức vụ cao, cùng với Thái hậu làm nhơ bẩn hậu cung[52][57][58]. Tiết Hoài Nghĩa là người đất Hộ, nguyên danh là Phùng Tiểu Bảo, một lần được con gái nuôi của Thái hậu là Thiên Kim công chúa tiến cử, Thái hậu nhìn thấy liền rất ưa thích, bèn cho giả làm Tăng sư với tên Hoài Nghĩa, cho theo họ với Phò mã Tiết Thiệu. Được sủng ái, Tiết Hoài Nghĩa tự do ra vào cung cấm, thế lực rất lớn; đến cả Võ Thừa Tự, Võ Tam Tư cũng tìm cách lấy lòng. Hoài Nghĩa tụ tập nhiều bọn côn đồ giả làm tăng, hoành hành bá đạo khắp nơi không coi ai ra gì. Có Hữu đài Ngự sử Phùng Tư Úc lên tiếng chỉ trích, liền bị bọn này đánh chết[52].

Năm Thùy Củng thứ 2 (686), mùa xuân, Võ Thái hậu hạ cảm thấy muốn xoa dịu tình hình, bèn hạ chiếu giao lại chính quyền do Duệ Tông. Thế nhưng Duệ Tông biết mẫu hậu không thực tâm, nên không dám chấp nhận, vẫn "cố gắng" khuyên mẹ mình tiếp tục tại vị. Võ Thái hậu nhân danh nghĩa đó mà tiếp tục lâm triều xưng chế[59].

Loạn đảng chống đối

Tượng Phật bằng đá được tạc dưới thời Võ Chu.

Cuối năm Tự Thánh (684), Thứ sử Mi Châu, Anh Quốc công Lý Kính Nghiệp (gọi Từ Kính Nghiệp), cháu của Anh Trinh Vũ công Lý Tích, cùng em là Lý Kính Du và các thuộc tướng như Đường Chi Kỳ, Lạc Tân Vương, Đỗ Cầu... hợp nhau nổi dậy ở Dương Châu[60], lấy danh nghĩa khôi phục Đường Trung Tông.

Bọn họ loan tin trưởng sử Trần Kính Chi mưu phản để Kính Chi bị bắt vào ngục, mấy hôm sau thì Kính Nghiệp tiến hành nổi dậy, xưng niên hiệu cũ là Tự Thánh, xưng Khương phục phủ Thượng tướng, Dương Châu đại đô đốc; sai Lạc Tân Vương viết hịch kể tội Thái hậu gửi đi khắp nơi. Kính Nghiệp lại trá xưng là Thái tử Lý Hiền vẫn còn sống và đang ở chỗ mình. Thái hậu sai Lý Hiếu Dật làm Tương Châu đại tổng quản, dẫn 300.000 quân cùng Lý Tri Sĩ, Mã Kính Thần làm phó, thảo phạt Kính Nghiệp. Khi bà hỏi Bùi Viêm về kế sách đối với quân phản loạn, Viêm nói rằng Hoàng đế đã lớn tuổi, chỉ cần Thái hậu giao trả quyền chính thì tất vô sự. Thái hậu tức giận, giam Viêm vào ngục, đưa Kiến Vị Đạo, Lý Cảnh Kham lên thay; sau đó khép Bùi Viêm vào tội chết; lại lưu đày những người nói hộ cho Viêm[52]. Lý Kính Nghiệp đưa quân đánh sang Nhuận Châu. Thái hậu tước chức quan của ông ta, bắt trở về họ Từ. Lúc này quân của Lý Hiếu Dật không thu được thành quả nào, Hiếu Dật tỏ ra nao núng. Nhưng có tướng dưới quyền Ngụy Nguyên Trung khích lệ, Hiếu Dật mới quyết tâm hơn, cho quân đánh mạnh vào lực lượng của Từ Kính Nghiệp. Sau đó Kính Nghiệp đại bại, phải bỏ trốn. Tướng Vương Na Tướng làm phản giết anh em Kính Nghiệp, Lạc Tân Vương rồi ra hàng, cuộc nổi dậy bị dẹp tan.

Sau vụ của Từ Kính Nghiệp, Thái hậu sợ rằng các đại thần và tông thất oán mình chuyên quyền, nên tìm cách trừ khử bớt đi. Vào cùng năm ấy, Võ Thái hậu sai chế ra một cái hộp bằng đồng đặt trước triều đường, để cho những người hiến kế hay hoặc dự báo được tinh tượng, hoặc muốn tố cáo gian ác, hoặc muốn tiến cử nhân tài... mà ngại không dám nói thì cho bỏ thư vào đó. Ý của Thái hậu là để cho người ta bỏ thư tố cáo bí mật của người khác, nhất là các đại thần đang bị Thái hậu nghi ngờ để bà có cớ xử tội họ. Thường thì những người bị tố cáo, Thái hậu xử tội mà không cần tra xét gì cả.

Có người Hồ là Sách Nguyên Lễ đoán biết ý, nên dùng chuyện cáo mật mà được phong làm Du kích tướng quân. Nguyễn Lễ tính tình tàn nhẫn, thích dùng ngục hình, thường thì một người bị tố cáo thì lôi ra cái mà hắn gọi là "đồng đảng" hơn 10 người, dùng hình rất nặng khiến ai ai cũng bất an. Lại có bọn ngục lại là Chu Hưng, Lai Tuấn Thần cũng thừa cơ mượn gió bẻ măng; Hưng được phong Thu quan thượng thư còn Tuấn Thần làm tới Ngự sử trung thừa. Bọn này hè nhau mượn việc cáo mật mà vu oan, hãm hại người khác, làm triều chính mấy phen điên đảo; lại còn chế ra nhiều cực hình tàn khốc để hành hạ phạm nhân: định bách mạch, đột địa hống, tử trư sầu, cầu phá gia, phụng hoàng sái sí, lư câu bạt quyệt, ngọc nữ đăng thê. Mỗi lần có đại xá, Tuấn Thần lại ra giết hết người phạm tội nặng rồi mới ban lệnh xá, thế mà Thái hậu vẫn cho là trung thành và càng tín nhiệm[61]. Đại thần Lưu Y Chi lúc này được phong làm Tể tướng. Vào năm Thùy Củng thứ 3 (687), ông ta dâng biểu đề nghị Thái hậu giao trả chính quyền. Thái hậu rất tức giận, lúc đó lại có tin đồn là Y Chi tư thông với thiếp của Hứa Kính Tông, thế là Võ Thái hậu sai người bắt ông ta vào ngục. Đường Duệ Tông nghe vậy muốn cứu Tể tướng, nhưng Y Chi cho rằng hành động của Duệ Tông sẽ càng làm mình chết chóng. Quả nhiên ông ta liền bị Thái hậu xử tử[57].

Dần dần, Võ Thái hậu đã lộ rõ có ý soán ngôi, nên tìm cách loại trừ một số tôn thất nhà Đường mang họ Lý, như Hàn vương Lý Nguyên Gia, Hoắc vương Lý Nguyên Quỹ, Lỗ vương Lý Linh Quỳ, Việt vương Lý Trinh, Giang Đô vương Lý Tự, Phạm Dương vương Lý Ái, Đông Hoàn công Lý Dung và Lang Tà vương Lý Xung - con Việt vương. Việt vương Lý Trinh cũng biết ý đó, tỏ ra bất an và muốn nổi dậy. Mùa thu năm Thùy Củng thứ 4 (688), tháng 8 (ÂL), Lang Tà vương Lý Xung triệu tập quân các nơi cùng đánh vào Thần Đô Lạc Dương, Thái hậu sai Khâu Thần Tích dẫn quân thảo phạt, ngay sau đó thì Việt vương Lý Trinh khởi binh từ Dự Châu[62], còn Lý Xung từ Bác Châu[63]. Tuy nhiên các lộ chư hầu khác vẫn chưa kịp khởi binh, do đó lực lượng của ông bị đè bẹp nhanh chóng. Cuối cùng Lý Xung bị tên giữ thành Bác Châu giết chết, hơn 1000 quan lại cũng bị liên can và bị Khâu Thần Tích giết chết, Lý Trinh cũng bị đánh bại liên tục và phải tự tử trong thành. Thái hậu hạ chiếu đổi họ của cha con Việt vương thành họ Hủy, rồi còn nhân đó bắt tội Hàn vương, Lỗ vương, Thường Lạc Công chúa, Hoàng công Lý Soạn, bắt họ tự sát rồi đổi tất cả sang họ Hủy hết thảy[57]. Phò mã Tiết Thiệu cùng hai anh là Tiết Nghĩ, Tiết Tự cũng bị liên can, Nghĩ và Tự bị giết, Thiệu bị đánh 100 trượng rồi cũng chết trong ngục.

Truy phong họ Võ

Năm Quang Trạch nguyên niên (684), tháng 9, người trong họ Võ Thái hậu là Võ Thừa Tự dâng biểu xin truy phong cho tổ tiên họ Võ lên tước Vương, lập nên Võ thị Thất miếu (武氏七廟), có ý khuếch trương dòng dõi nhà họ Võ.

Thái hậu nghe thế mà bằng lòng, thế nhưng truy phong tước Vương là thuộc điều cấm kị của rất nhiều triều đại, trong đó có nhà Đường. Tể thần là Bùi Viêm lại dẫn câu chuyện Lã hậu thời nhà Hán khi trước ra can ngăn, nói rằng: "Thái hậu mẫu lâm thiên hạ, nên chí công vô tư mới phải. Ngài quên cái bại của họ Lã khi xưa chăng?!". Hoàng thái hậu không nghe, nói lại: "Lã hậu đó là cậy quyền phong cho người sống. Nay ta truy phong người chết, có hại gì?"; bèn truy phong tổ 6 đời là Võ Khắc Kỷ làm Lỗ Tĩnh công; tổ 5 đời là Võ Cư Thường làm Thái úy, Bắc Bình Cung Túc vương; tằng tổ Võ Kiệm là Thái úy, Kim Thành Nghĩa Khang vương; tổ phụ Võ Hoa là Thái uý, Thái Nguyên An Thành vương. Còn thân phụ Võ Sĩ Hoạch làm Thái sư, Ngụy Định vương, không lâu sau lại cho đổi thành Ngụy Trung Hiếu vương; còn tất cả các nữ quyến, đều truy phong làm Phi; cho người xây Từ đường Ngũ đại tại quê nhà Văn Thủy[64].

Năm Vĩnh Xương nguyên niên (689), mùa xuân, Võ Thái hậu tôn Ngụy Trung Hiếu vương thành Chu Trung Hiếu Thái hoàng, vợ là Trung Hiếu Thái hậu, thiết mộ gọi là Chương Đức lăng (章德陵). Lỗ công là Thái Nguyên Tĩnh vương; Bắc Bình vương là Triệu Cung Túc vương, Kim Thành Nghĩa Khang vương là Ngụy Nghĩa Khang vương; Thái Nguyên vương là Chu An Thành vương[65].

Lập triều Võ Chu

Thánh Thần Hoàng đế

Chữ "Chiếu" được Võ hậu sáng tạo.

Từ năm Thùy Củng thứ 4 (688), Võ Thái hậu bắt đầu xây Minh đường (明堂). Vào lúc này, quyền lực của Võ Thái hậu đã lớn, khiến nhiều kẻ xu nịnh bắt đầu tạo những thứ gọi là "điềm lành", hòng mua chuộc và lấy lòng bà. Người cháu trong họ là Văn Xương Tả tướng Võ Thừa Tự đã cho làm giả bảo thạch, trên có khắc 8 chữ "Thánh mẫu lâm nhân, Vĩnh xương Đế nghiệp" (聖母臨人,永昌帝業。), có ý đề cao việc bà đích thân quản lý chính sự thay Duệ Tông.

Đối với những thứ này, Võ Thái hậu không ngần ngại tỏ ra cực kỳ thích thú, đặt tên viên bảo thạch là Bảo đồ (寶圖), sau đó còn tự xưng tôn hiệu Thánh mẫu Thần hoàng (聖母神皇), đại xá thiên hạ, sau lại nghĩ ra tên khác, cho bảo thạch thành Thiên thụ Thánh đồ (天授聖圖). Cũng trong thời gian này là sự kiện nổi loạn của hai cha con Lang Tà vương. Sau khi đánh bại phe phái chống đối mấu chốt này, sự "thần thánh" của Võ Thái hậu ngày càng lớn và không còn ai đủ sức có thể ngăn chặn con đường tự lập của Võ Thái hậu nữa. Cùng năm ấy, Minh đường hoàn thành, ấy là Vạn Tượng Thần Cung (萬象神宮) nổi tiếng, cao 394 xích, gồm 3 tầng. Liền ngay đó, bà cho cải niên hiệu thành Vĩnh Xương, theo tên Thánh đồ của bà, nhưng được hết năm thì lại cho đổi thành Tái Sơ[66].

Năm Tái Sơ nguyên niên (690), Võ Thái hậu lâm hạnh Minh đường, đại xá thiên hạ. Trong lần này, bà cho ban chữ Chiếu làm tên húy kị của mình. Chữ Chiếu được đề cập có chữ Hán là "曌", với hình Mặt trời (日), Mặt trăng (月) trên không (空), để tỏ quyền uy tối thượng. Chữ Chiếu này cùng 11 chữ khác về sau được gọi là Võ hậu tân tự.

Mùa hạ năm đó, Võ Thừa Tự bàn với Chu Hưng tố cáo các Trạch vương Lý Thượng Kim và Hứa vương Lý Tố Tiết có mưu phản, Thái hậu sai bắt trị tội, thắt cổ giết Tố Tiết; Thượng Kim cũng phải tự tử, lúc này hoàng thất họ Lý đã không còn ai có thể đe dọa Võ hậu nữa. Lại nói từ khi Tiết Thiệu bị giết, Thái Bình công chúa đi khắp nơi tìm kiếm nam sủng. Võ Thái hậu sợ mang tiếng, nên đem Công chúa gả cho cháu họ của mình là Võ Du Kỵ. Không lâu sau, bà giết chết các đại thần gồm Bùi Cư Đạo và Trương Hành Liêm, giết hai con của Chương Hoài Thái tử Lý Hiền và Nam An vương Lý Dĩnh. Tông thất nhà Đường bị diệt gần hết, số còn nhỏ tuổi cũng bị lưu đày đến Lĩnh Nam. Năm đó, sư Pháp Minh dâng bốn quyển Đại vân kinh (大雲經) ca ngợi Thái hậu là Phật Di Lặc xuống trần, là chủ của thiên hạ. Thái hậu sai in rồi phát ra khắp nơi, đề cao Phật giáo trên Đạo giáo.

Chữ Quân (君) biểu thị Vua dưới thời Võ Chu.

Tháng 9 (ÂL) năm ấy, Thị ngự sử Phó Du Nghệ cùng hơn 900 đại thần đến Thần Đô, dâng thư xin Võ Thái hậu xưng làm Hoàng đế, đổi quốc hiệu thành Chu (周), sửa quốc tính thành họ Võ. Võ Thái hậu khước từ. Thấy vậy, đủ loại quan lại, tông thích, thậm chí là nhiều Tù trưởng các Di tộc đều lần lượt xin dâng biểu mời Võ Thái hậu đăng vị. Trước tình thế ấy, cả Đường Duệ Tông cũng đành phải xin bà cho đổi thành họ Võ, quan viên trong triều cũng tâu thỉnh, nói thấy Phượng hoàng bay vào Thượng Dương cung (上陽宮), tắc là điềm lành. Những điều này càng lúc càng thúc đẩy, khiến Võ Thái hậu quang minh chính đại soán vị.

Thế rồi vào ngày 9 tháng 9 (ÂL) năm ấy, Võ Thái hậu chính thức lên ngôi ở Tắc Thiên môn (則天門), đổi nhà Đường thành Chu, đổi niên hiệu làm Thiên Thụ (天授). Ngày 12 (ÂL) tháng ấy, quần thần tôn hiệu là Thánh Thần Hoàng đế (聖神皇帝). Vừa lên ngôi, Võ Hoàng cho giáng Duệ Tông làm Hoàng tự (皇嗣), Hoàng thái tử Lý Thành Khí giáng làm Hoàng tôn (皇孫), đều cho đổi làm họ Võ. Sau đó, Võ Hoàng còn phong cho Văn Xương tả tướng Võ Thừa Tự là Ngụy vương; Thiên Quan Thượng thư Võ Tam Tư làm Lương vương, lại gia phong các cháu trong họ cộng 10 người làm Quận vương, cô dì phong là Trưởng công chúa[67]. Con gái của Đường Cao Tổ Lý Uyên là Thiên Kim công chúa, nhanh chóng lấy lòng Võ Hoàng, tự nhận làm con, tự đổi thành họ Võ thị, do đó Công chúa được phong làm Diên An Đại Trưởng công chúa[68].

Võ Hoàng chính thức cho lập miếu tổ tiên họ Võ ở Thần Đô, tiến hành truy tặng:

  • Chu Văn vương là Thủy Tổ Văn Hoàng đế (始祖文皇帝), Thái Tự là Văn Định Hoàng hậu (文定皇后);
  • Con trai nhỏ của Chu Bình vương là Cơ Võ tôn làm Duệ Tổ Khang Hoàng đế (睿祖康皇帝), vợ là Khương thị làm Khang Huệ Hoàng hậu (康惠皇后);
  • Thái Nguyên Tĩnh vương Võ Khắc Dĩ làm Nghiêm Tổ Thành Hoàng đế (嚴祖成皇帝); Triệu Cung Túc vương Võ Cư Thường là Cung Tổ Chương Kính Hoàng đế (肅祖章敬皇帝); Ngụy Nghĩa Khang vương Võ Kiệm là Liệt Tổ Chiêu An Hoàng đế (烈祖昭安皇帝); Chu An Thành vương Võ Hoa là Hiển Tổ Văn Mục Hoàng đế (顯祖文穆皇帝); Trung Hiếu Thái hoàng Võ Sĩ Hoạch cải tôn Thái Tổ Hiếu Minh Cao Hoàng đế (太祖孝明高皇帝). Tất cả các phi, vợ của các ông đều cải tôn là Hoàng hậu.

Lý thuyết chính trị Trung Quốc truyền thống không cho phép một phụ nữ được lên ngôi Đế vị, Võ Tắc Thiên quyết định dẹp yên chống đối và đưa các quan lại trung thành vào triều. Thời cai trị của bà để dấu ấn về sự xảo quyệt tài tình và chuyên quyền hung bạo. Dưới thời cai trị, Võ Hoàng lập ra tuần tra mật để đối phó với bất kỳ chống đối nào có thể nổi lên, với cái tên khét tiếng Lai Tuấn Thần, Chu Hưng, nhưng đồng thời cũng có những hiền tài như Địch Nhân Kiệt.

Quan hệ đối ngoại

Phạm vi lãnh thổ Trung Hoa dưới triều đại Võ Tắc Thiên.

Ở biên cương, nhà Chu đang có xung đột với Thổ Phiên và Đột Quyết, thực tế những vấn đề này đã tồn tại từ trước ở thời Đường Cao Tông, khi Võ Hoàng lên ngôi, những vấn đề biên giới tiếp tục gia tăng.

Năm Như Ý nguyên niên (692), tháng 2, bộ lạc Đảng Hạng của Thổ Phồn quy phục nhà Chu. Võ Hoàng cả mừng, đem tộc thuộc đều phân trí riêng ra khắp 10 Châu trong cả nước. Tháng 5 cùng năm, thủ lĩnh Hạt Tô (曷苏) cũng dẫn tộc nhân quy phụ nhà Chu, Võ Hoàng cho Trương Huyền Ngô (张玄遇) xuất tinh binh 20.000 quân ra nghênh đón. Nhưng Hạt Tô sau đó bị người Thổ Phồn bắt về, lại gặp đúng lúc một tộc người Khương dẫn 8000 người quy phụ, Trương Huyền Ngô mới đem an trí Xuyên Châu[69]. Cùng năm ấy, tháng 9, đại tướng Vương Hiếu Kiệt (王孝杰) và A Sử Na Trung (阿史那忠) xuất chinh Tây Bắc, đại phá được Thổ Phồn, thu phục 4 địa phương và cho đổi thành An Tây Tứ trấn (安西四镇)[70]. Cục diện phía Tây tạm yên, thẳng đến đời Đường Huyền Tông.

Mùa xuân năm Trường Thọ thứ 3 (694), tháng giêng, Thất Vi tạo phản, Võ Hoàng phái Đại tướng quân Lý Đa Tộ bình định được. Tháng 2, quân Chu do Vương Hiếu Kiệt công phá liên minh hơn 300.000 người giữa Bột Phác Luận Tán Nhuận của Thổ Phồn và Đồi Tử Khả hãn của Đột Quyết, lại thắng lợi[71]. Tháng 8, Lương vương Võ Tam Tư lĩnh suất "Tứ di Tù trưởng" thỉnh lấy đồng thiết đúc Thiên trụ (天枢), đặt ngoài Đoan Môn, để biểu thị công đức của Võ Hoàng[72]. Triều đình gom hết đồ đồng trong nước, sau khi hoàn thành thì liền cho khắc tên của bách quan cùng vua của các chư hầu. Sau đó, chính tay Võ Hoàng đích thân đề cái tên Đại Chu vạn quốc tụng đức Thiên trụ (大周萬國頌德天樞), ngụ ý Võ Chu triều là trung tâm của thiên hạ, thống lĩnh vạn quốc[73].

Năm Chứng Thánh nguyên niên (695), tháng giêng, tôn hiệu của bà được đổi thành Từ Thị Việt Cổ Kim Luân Thánh Thần Hoàng đế (慈氏越古金輪聖神皇帝). Ngày 16 (ÂL) tháng ấy, Tiết Hoài Nghĩa vì thất sủng mà đốt Thiên đàng cùng Minh đường (là Vạn Tượng Thần Cung), chạy rụi trọn đêm, khiến Võ Hoàng chỉ có thể xây lại Minh đường, còn chỗ Thiên đàng sửa thành chùa Phật Quang[74]. Cùng tháng ấy, Võ Hoàng phái Vương Hiếu Kiệt đánh vào Đột Quyết, khiến vào tháng 10 cùng năm đó, Khả hãn là Mặc Xuyết (默啜) phải hàng và quy phụ Đại Chu. Võ Hoàng mừng, làm lễ phong thiện ở Tung Sơn, đại xá thiên hạ, đổi tôn xưng thành Thiên Sách Kim Luân Thánh Thần Hoàng đế (天冊越古金輪聖神皇帝), cải niên hiệu mới làm Thiên Sách Vạn Tuế, sau lại đổi thành Vạn Tuế Đăng Phong. Cùng năm đó, quân Chu do Vương Hiếu Kiệt và Lâu Sư Đức chỉ huy giao chiến với hai tướng Thổ Phiên là Luận Khâm Lăng và Luận Tán Bà ở núi Tố La Hãn và đại bại, bà bèn giáng chức Sư Đức và Hiếu Kiệt[58].

Năm Vạn Tuế Đăng Phong nguyên niên (696), tháng 3, Võ Hoàng cho trùng kiến và xây dựng thêm Minh đường, thiết đặt Thông Thiên cung (通天宮). Mật độ xây dựng của Đại Chu vào lúc này lên đến đỉnh điểm, nhằm biểu thị uy quyền mà Võ Hoàng khao khát. Liền sau đó, bà cho đổi niên hiệu mới Vạn Tuế Thông Thiên. Dù đang ở đỉnh cao quyền lực, Đại Chu của Võ Hoàng vào ngay lúc ấy gặp một chiến loạn lớn ở phương Bắc. Khi ấy, Tùng Mạc Đô đốc Lý Tận Trung và anh vợ là Thành Châu Thứ sử Tôn Vạn Vinh vốn là người Khiết Đan, oán hận vì sự ngược đãi của nhà Đường đối với Khiết Đan từ trước, nên khi võ Hoàng lên ngôi đã chính thức nổi loạn, công hãm Doanh Châu[75], giết Thứ sử là Triệu Văn Hối. Lý Tận Trung tự xưng là Vô Thượng Khả hãn (無上可汗). Võ Hoàng cử quân đến đàn áp, đổi gọi Lý Tận Trung làm Tận Diệt (盡滅), Tôn Vạn Vinh là Vạn Trảm (萬斬). Tuy nhiên lực lượng nhà Chu bị Khiết Đan đánh bại vào mùa thu cùng năm, liên tiếp các tướng, trong đó có Vương Hiếu Kiệt được phục chức, đều chết trận. Dưới tình thế ấy, Khã hãn Đột Quyết là Mặc Xuyết trong lúc này lại đem quân đánh Lương Châu, bắt đô đốc Hứa Khâm Minh. Tháng 10 (ÂL) cùng năm, Lý Tận Trung chết, Tôn Vạn Vinh lên thay để tiếp tục công cuộc chống đối nhà Chu. Mặc Xuyết Khả hãn lúc này thân thiện với nhà Chu được tin liền dẫn quân tấn công Khiết Đan, bắt được thê tử Tận Trung và Tôn Vinh. Võ Hoàng bằng lòng, ban cho Mặc Xuyết nhiều vàng, lụa, sắt cùng công cụ cày cấy. Về sau Tôn Vạn Vinh phát triển thế lực, lại tiếp tục chống Chu. Mãi đến mùa hạ năm Vạn Tuế Thông Thiên thứ 2 (697), Mặc Xuyết Khả hãn lại đem quân tấn công Khiết Đan, giết Tôn Vạn Vinh thì, hình Khiết Đan mới tạm yên[24]. Sau đó, Mặc Xuyết Khả hãn đòi hòa thân với nhà Chu. Võ Hoàng cho cháu mình là Võ Diên Tú thành hôn với Công chúa Đột Quyết, Mặc Xuyết không chịu và bắt giam Võ Diên Tú, sau đó gây hấn với Chu, tiến đánh đến tận Triệu Châu[76] rồi mới rút lui.

Năm Thánh Lịch thứ 2 (699), Quốc chủ Thổ Phồn giết chết Luận Khâm Lăng, con Khâm Lăng là Cung Nhân cùng Luận Tán Bà đầu hàng Chu. Kể từ lúc đó, Thổ Phồn lâm vào tình cảnh rối ren, xung đột và trong một thời gian không còn gây hấn với nhà Chu (sau là Đường) như trước nữa.

Tranh chấp Lý-Võ

Bản dập Thăng Tiên Thái tử bi (升仙太子碑) cục bộ.

Không bao lâu sau khi chiếm ngôi, Võ Hoàng cho xây chùa Đại Vân ở Trường An và Lạc Dương, đồng thời phong cho 9 nhà sư lên tước Công. Có thể nói, vào thời Võ Hoàng lâm triều trị quốc, Phật giáo luôn chiếm địa vị độc tôn trong hệ thống tư tưởng ở Trung Quốc. Về tổ tiên của mình, bà cho đem bài vị tổ tiên trong vòng 7 đời vào thờ ở Thái miếu, tuy nhiên bà vẫn tiếp tục cúng bái 3 vị Hoàng đế họ Lý là Đường Cao Tổ, Đường Thái Tông và Đường Cao Tông của nhà Đường[57].

Mặc dù Duệ Tông được lập làm Hoàng tự, nhưng thế lực của Thân vương khác là Võ Thừa Tự, Võ Tam Tư cũng rất lớn mạnh. Năm Thiên Thụ thứ 2 (691), các đại thần Trương Gia Phúc, Vương Khánh Chi muốn lấy lòng Võ Hoàng, nên dâng thư xin bà lập Võ Thừa Tự làm Thái tử, vì người họ Võ thì nên truyền ngôi cho người họ Võ. Bà ban đầu có vẻ bằng lòng. Tháng 7 (ÂL) cùng năm ấy, các Tể tướng Sầm Trường Sai, Cách Phụ Nguyên và Tư lễ khanh kiêm Phán Nạp ngôn sự Âu Dương Thông lên tiếng phản đối một cách gay gắt. Võ Thừa Tự ghét lắm, bày mưu với Lai Tuấn Thần vu hãm cả ba cùng các quan viên ủng hộ 3 người, đến tháng 10 cùng năm thì toàn bộ đều bị giam và giết hại[57][77]. Đại thần Lý Chiêu Đức cũng vì bất bình với Võ Thừa Tự, liền sau đó bị lưu đày và bị giết, rất có thể do Võ Thừa Tự hãm hại[78]. Tuy nhiên Võ Hoàng vẫn chưa lập Võ Thừa Tự làm thái tử, chỉ cho Thừa Tự có thể tự do vào cung thỉnh an. Về sau do Vương Khánh Chi vào cung quá nhiều và tỏ ra vô lễ, bà bàn với tướng Lý Hiếu Dật trừng phạt hắn ta. Lý Du Đạo nhân cơ hội đó, cho đánh chết Vương Khánh Chi và khuyên bà giữ lại ngôi kế vị cho họ Lý, vì nếu họ Võ làm Hoàng đế thì 3 vị Hoàng đế nhà Đường sẽ không còn được thờ ở Thái miếu[57]. Võ Hoàng bằng lòng, sau đó bà còn hạ lệnh tước quyền tể tướng của Võ Thừa Tự, chỉ trao cho các chức vụ trên danh nghĩa, không nắm thực quyền[58].

Lúc này thế lực của bọn Lai Tuấn Thần ngày càng lớn mạnh, ngoi lên chức Tả Thái trung thừa. Mùa xuân năm Trường Thọ nguyên niên (692), Tuấn Thần tố cáo 3 vị Bình chương sự là Nhậm Tri Giả, Địch Nhân Kiệt và Bùi Hành Bổn cùng bọn đại thần Bùi Tuyên Lễ, Lư Hiến, Ngụy Nguyên Trung, Lý Tự Chân mưu phản. Bảy người này đều bị tống vào ngục. Địch Nhân Kiệt ở trong ngục bí mật viết sớ kêu oan, rồi tìm cơ hội gửi cho con ông ta là Địch Quang Viễn để trình lên trên cho Võ Hoàng xem xét. Cuối cùng, 7 vị đại thần thoát chết nhưng bị lưu đày. Về sau các Tể tướng Lý Du Đạo, Chu Kính Tắc, Chu Củ ra sức kiềm chế bọn Tuấn Thần nên thế lực không còn được như trước[58].

Năm Trường Thọ thứ 2 (693), người phụ nữ được Võ Tắc Thiên sủng ái là Vi Đoàn Nhi oán hận Hoàng tự Võ Đán vì dụ dỗ không thành, thường gièm pha trước mặt Võ Hoàng. Sau đó Vi thị vu cáo vợ Hoàng tự là Lưu thị cùng người thiếp của ông, Đậu thị, lập đàn bùa phép mưu hại Võ Hoàng. Do đó Võ Hoàng nhân lúc hai người vào thỉnh an, đã bí mật giết chết. Hoàng tự rất lo sợ, mình sẽ bị liên lụy, do đó ông không dám khóc thương cho hai người, sinh hoạt vẫn tiến hành như bình thường. Tuy nhiên sau đó Đoàn Nhi lại tiếp tục tìm cớ hãm hại Hoàng tự, Võ Hoàng không còn tin ả nữa, sai giết đi. Cũng trong lúc đó, mẹ của Đậu Đức phi là Bàng thị bị người đến tố cáo, Bàng thị bị khép tội chết, cho giảm một bậc. Có lời đồn các đại thần Bùi Phỉ Cung, Phạm Nhân Tiên bí mật gặp Hoàng tự, Võ Hoàng liền cho xử tử cả hai. Lai Tuấn Thần còn tố cáo Hoàng tự mưu phản, Võ Hoàng liền tin mà tức giận, sai giam lỏng ông trong phủ, không cho đại thần gặp mặt, đồng thời phế các con ông từ Thân vương làm Quận vương. Những người bị nghi đồng mưu đều bị Lai Tuấn Thần tra tấn dã man. Bấy giờ có An Kim Tàng tự mổ bụng của mình để giải oan cho Hoàng tự. Bà nghe tin cảm động, cho ngự y tới chữa trị Kim Tàng và xá miễn cho Hoàng tự khỏi phải mang tội nữa[58][79].

Võ Hiển về kinh

Kim giản của Võ Chiếu. Vào ngày 7 tháng 7 (ÂL) năm Cửu Thị (700), Võ Tắc Thiên đến Tung Sơn, sai Thái giám Hồ Siêu lập kim giản để cầu tiêu trừ hết mọi tội lỗi.

Đối với Võ Hoàng, cháu trai Võ Thừa Tự thực sự được tín nhiệm, từ khi Võ Hoàng lên ngôi đến khi Thừa Tự chết, các tôn hiệu dành cho bà đều do Thừa Tự đích thân vận động. Cũng những dịp này, Võ Hoàng rất cao hứng mà nhiều lần đại xá. Trong sự kiện chọn lựa lập Lý hay lập Võ kế thừa, Võ Thừa Tự cũng nằm trong danh tuyển.

Nhưng vì vấn đề của Lý Chiêu Đức và Địch Nhân Kiệt, Võ Hoàng do dự và quyết định hủy bỏ tư cách của Võ Thừa Tự, hạn chế đi quyền lực đáng kể của ông ta trong triều. Sau khi loại Võ Thừa Tự, thế lực của Lý Du Đạo trở nên lớn mạnh, nên Võ Hoàng có phần e ngại, bèn bãi chức ông ta. Mùa thu năm Diên Tải (694), Lai Tuấn Thần từng bị biếm làm Tham quân Đồng Châu, Vương Hoằng Nghĩa bị đày ra Quỳnh Châu rồi bị giết. Nhưng không lâu sau đó, Lai Tuấn Thần và Lý Du Đạo lại được Võ Hoàng bổ dụng. Năm Thần Công (697), Tuấn Thần lập mưu tố cáo Du Đạo làm phản, nhân cơ hội đó sẽ tìm cách hãm hại hai Hoàng tử (Lý Triết và Lý Đán) cùng Thái Bình công chúa, công chúa bèn liên kết với người họ Lý và họ Võ, tố cáo ngược lại Tuấn Thần. Cuối cùng, Võ Hoàng cho giết cả Lai Tuấn Thần và Lý Du Đạo. Từ đó thế lực của Lai Tuấn Thần từng tác quái nhiều năm trong triều đã bị đánh đổ[24].

Năm Thánh Lịch nguyên niên (698), hai người cháu dòng họ Võ của bà là Võ Thừa Tự và Võ Tam Tư muốn giành ngôi Thái tử, kết bè kết cánh chống lại nhau và cùng âm mưu lật đổ Hoàng tự Lý Đán. Với vấn đề này, Võ Hoàng luôn cảm thấy bất an, không biết giải quyết ra sao. Đại thần Địch Nhân Kiệt dâng sớ nói rằng Cao Tông lúc chết đem hai con phó thác cho bà, nay dù Võ Hoàng lên ngôi nếu như muốn đem thiên hạ giao cho người cùng họ là trái ý trời, mà không có tiền lệ gì mà cô nhường ngôi cho cháu. Nếu lập con thì sau này bà còn được vào Thái miếu, nếu lập cháu thì về sau không biết địa vị của bà sẽ ở đâu. Bà nghe theo. Sau đó Nhân Kiệt lại khuyên bà triệu Lư Lăng vương Lý Triết về kinh, được Vương Phương Khánh và Vương Cập Thiện ủng hộ theo. Võ Hoàng cũng bắt đầu suy nghĩ việc này[80]. Lúc đó U Châu tướng Tôn Vạn Vinh cũng muốn tôn lập Lý Triết, Võ Hoàng cuối cùng xiêu lòng. Tháng 4 (ÂL) năm ấy, Võ Hoàng ra lệnh rằng Lư Lăng vương Lý Triết trong người có bệnh, đặc cách cho về kinh, lại cho phép Thê tử, con cái đi theo. Không lâu sau ông về tới Trường An[24]. Tháng 10 (ÂL) cùng năm, Hoàng tự Võ Đán dâng sớ xin nhường ngôi kế vị cho Lý Triết. Bà bằng lòng, đổi Hoàng tự là Tương vương và phong Lý Triết làm Hoàng thái tử, đổi tên là Hiển như cũ, nhưng phải đổi sang họ Võ[24]. Điều này khiến Võ Thừa Tự uất ức thống hận và qua đời không lâu sau đó.

Sau khi Võ Hiển được làm Thái tử, Võ Hoàng do sợ rằng sau khi mình qua đời thì hai nhà Lý, Võ sẽ không dung nhau, nên hạ lệnh bắt Võ Hiển, Võ Đán, Thái Bình công chúa và phò mã Võ Du Kỵ phải thề độc rằng không làm hại họ Võ[24]. Lúc này, Võ Hoàng dần dần sa vào hưởng lạc. Từ sau khi Tiết Hoài Nghĩa thất sủng, Thái Bình công chúa còn tiến cử Trương Xương Tông có tài thổi sáo, rất đẹp trai lại có tài trong phòng the khiến Võ Hoàng rất vui. Xương Tông lại tiến cử anh mình là Trương Dịch Chi vào hầu hạ, không lâu sau hai người được phong lên tới tước Công[24][81]. Không những thế, họ Trương còn liều lĩnh cặp ngay với một nha đầu thân cận của Võ Hoàng. Vào một ngày bị Võ Hoàng bắt gặp, bà đã rút gươm và chém sượt qua đầu. Tuy nhiên sau đó chuyện này đã được giải quyết êm vì Thái Bình công chúa có ý kiến rằng: "Không nên làm to chuyện, làm trò cười cho thiên hạ". Lúc này bà tuổi cao, anh em họ Trương dần tìm cách can dự vào triều chính. Điều này khiến các con của Võ Hiển là Thiệu vương Lý Trọng Nhuận, Vĩnh Thái công chúa Lý Tiên Huệ, Phò mã Võ Diên Cơ (con trai Võ Thừa Tự) đều rất bất bình. Anh em họ Trương nhân đó gièm pha, Võ Hoàng phái người ban chết[81][82][83][84].

Năm Trường An thứ 3 (703), anh em họ Trương oán giận tể tướng Ngụy Nguyên Trung vì Nguyên Trung không coi trọng bọn Trương Xương Nghi và Trương Xương Kỳ, anh em họ của Dịch Chi. Hai người này cũng lo sợ sau khi bà chết đi thì Nguyên Trung sẽ tìm cách hại mình, nên đã cáo buộc Nguyên Trung cùng Cao Tiển, thân cận của Thái Bình công chúa, ngày đêm mong cho bà chóng chết. Anh em họ Trương còn thuyết phục Trương Thuyết ra làm chứng, nhưng Trương Thuyết nói hết âm mưu của hai tên đó trước mặt Võ Hoàng. Nhưng rốt cục, Võ Hoàng vì mải mê nam sủng nên vẫn lưu đày Ngụy Nguyên Trung, Cao Tiển và Trương Thuyết. Mùa thu năm thứ 4 (704), nhiều quan lại lên tiếng cáo buộc Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông và anh em họ là Đồng Hưu, Xương Kỳ nhận hối lộ; Võ Hoàng bèn giáng chức Đồng Hưu và Xương Kì nhưng lại giật dây cho Tể tướng Dương Tái Tư không được động tới hai nam sủng của mình, nên anh em họ Trương được vô sự.

Thoái vị và qua đời

Chính biến Thần Long

Năm Trường An thứ 4 (704), tháng 12 (ÂL), Võ Hoàng lâm bệnh ở Trường Sinh viện (長生院). Các đại thần đều không được gặp mặt, chỉ có anh em họ Trương được vào hầu mà thôi. Nhiều đại thần e ngại bọn họ Trương sẽ tìm cách chiếm ngôi, nên lũ lượt dâng sớ tố cáo chúng về tội phản quốc. Sau khi bệnh tình của bà có thuyên giảm, Tể tướng Thôi Huyền Vĩ đề nghị chỉ nên cho Thái tử Võ Hiển và Tương vương Võ Đán được vào hầu mà thôi, nhưng bà không theo. Về sau còn có Hoàn Ngạn Phạm và Tống Cảnh dâng sớ cáo buộc, bà cho Tống Cảnh điều tra việc đó, nhưng không được bao lâu lại hạ lệnh xá miễn cho bọn họ Trương[85]. Sang mùa xuân năm sau (705), cải niên hiệu là Thần Long (神龍).

Sau khi cải nguyên không lâu, Võ Hoàng lại lâm bệnh, thường xuyên ở Nghênh Tiên cung (迎仙宮) và không hỏi đến chính sự. Anh em Dịch Chi và Xương Tông tiếp tục trông giữ mọi việc, lúc này cả hai lần lượt được ghi đảm nhiệm Lân đài giám (麟台監) cùng Xuân Quan Thị lang (春官侍郎). Các đại thần là Phụng Các Thị lang Trương Giản Chi, Loan Đài Thị lang Thôi Huyền Vĩ, Trung Đài Hữu thừa Kính Huy, Tư Hình Thiếu khanh Hoàn Ngạn Phạm, Tương vương phủ Tư mã Viên Thứ Kỷ, Hữu Vũ Lâm vệ Tướng quân Lý Đa Tộ và Tả Tán kỵ Thị lang Lý Trạm muốn diệt trừ hai tên gian thần này, khôi phục lại nhà Đường. Đấy gọi là Thần Long cách mệnh (神龍革命) hay Chính biến Thần Long.

Để dễ bề hành động, Giản Chi tiến Hoàn Ngạn Phạm và Kính Huy đều là Tả/ Hữu Tướng quân của Vũ Lâm vệ, nắm lấy binh quyền. Dịch Chi sinh nghi, để cho đồng đảng là Võ Du Nghi làm Hữu Vũ Lâm Đại tướng quân. Việc vẫn không dừng lại, Giản Chi và Kính Huy bèn đến Đông Cung, nơi Thái tử Võ Hiển cư trú để bàn định kế sách, đều thông qua. Ngày Quý Mão, tức ngày 22 tháng 1 (nhằm ngày 20 tháng 2 dương lịch), Trương Giản Chi, Hoàng Ngạn Phạm cùng Tả Uy vệ Tướng quân Tiết Tư Hành, cùng tất cả quan lại ủng hộ (hơn 10 người) dẫn hơn 500 quân Thiết kỵ tiến vào Huyền Vũ môn, sai Lý Đa Tộ và Phò mã Đô úy Vương Đồng Hiệu đến Đông Cung nghênh đón Hoàng thái tử Võ Hiển vào cung. Thái tử nghi ngờ, do dự, bọn họ nói: "Thần phụng mệnh Tiên Đế phò tá điện hạ, không may sự bị phế, chúng thần đều đau buồn, ròng rã 23 năm trời! Nay thời cơ đến, Bắc môn, Nam nha, tất đều đồng tâm hiệp lực, khôi phục cơ đồ xã tắc họ Lý. Mong điện hạ tạm di giá Huyền Vũ môn, đừng làm chúng thần thất vọng!", thế rồi Võ Hiển lên ngựa đến Huyền Vũ môn, trảm quan gác cổng để vào cung.

Trong khi ấy, bọn người Trương Giản Chi tiến vào trong cung, giết chết anh em Dịch Chi và Xương Tông rồi kéo nhau vào Trường Sinh điện (長生殿), nơi ở của Võ Hoàng. Khi bên ngoài ồn ào, Võ Hoàng thất kinh, hỏi rằng: "Bọn loạn giả là ai?!", Giản Chi nói: "Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông mưu phản, chúng thần phụng mệnh Thái tử mà giết chết. Sự việc nguy cấp, nên làm có chút hồ đồ. Xưng binh cung cấm, tội đương vạn tử!". Võ Hoàng thấy Võ Hiển thì biết rõ cơ sự, bảo: "Tiểu tử đã giết được rồi, mau về Đông Cung đi". Ngạn Phạm không đồng ý, tiến lên nói rằng: "Thái tử an đắc canh quy! Cố nhớ Thiên Hoàng năm xưa để cho con trai ký thác bệ hạ. Nay ngài đã lớn tuổi, vẫn mãi ở Đông Cung, trong khi thiên hạ nhân tâm đều thương nhớ họ Lý. Chúng quần thần không quên ân đức của Thái Tông và Thiên Hoàng, nên cố trừ đi bọn loạn thần. Nay xin bệ hạ truyền ngôi cho Thái tử, ấy là thuận theo ước vọng của thiên hạ!". Võ Hoàng trầm ngâm hồi lâu, nhìn thấy Lý Trạm, vốn là con trai Lý Nghĩa Phủ, bà bèn nói: "Ngươi cũng tham gia chuyện này, giết đi Dịch Chi tướng quân của ta?! Ta đối với cha con ngươi không bạc, hà cớ lại phản ta?!", Trạm sợ hãi không dám đáp, bà bèn nói với Giản Chi: "Bọn chúng ai cũng đều là kẻ khác tiến cử, duy có khanh là do ta cất nhắc! Thế mà khanh cũng hùa theo sao?!". Giản Chi xúc động nói: "Thần làm thế là để bảo vệ đại ân đại đức của bệ hạ". Sau đó, trảm hết tất cả những thân thuộc họ Trương[86].

Tôn xưng Tắc Thiên Hoàng đế

Ngày hôm sau, Giáp Thìn (ÂL), Võ Hoàng mệnh Thái tử giám quốc, đại xá thiên hạ. Tất cả các đại thần đều trọng thưởng, trong đó có năm người đi đầu: Trương Giản Chi, Thôi Huyền Vĩ, Kính Huy, Hoàn Ngạn Phạm và Viên Thứ Kỷ về sau đều phong làm Quận vương. Sang ngày Ất Tị (ÂL), Võ Hoàng chính thức thiện nhượng, thế là Thái tử Võ Hiển lên ngôi lần thứ hai, Đường Trung Tông, đổi quốc tính từ họ Võ lại thành họ Lý như cũ[81]. Ngày 4 tháng 2 (tức ngày 3 tháng 3 dương lịch), quốc hiệu "Đường" chính thức được khôi phục, nhà Võ Chu chấm dứt. Tổng cộng Võ Hoàng chính thức tiếm ngôi 15 năm.

Ngày Đinh Mùi (ÂL) tháng 1 năm ấy, sau khi Trung Tông lên ngôi, Võ Chiếu được dời qua Thượng Dương cung (上陽宮). Sang hôm sau, Trung Tông dẫn đầu bá quan đến Thượng Dương cung để dâng tôn hiệu, là Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế (則天大聖皇帝)[87]. Theo như vậy mà nói, dẫu không được đề cập, nhưng Võ Chiếu đã vẫn giữ vị trí Hoàng đế sau khi thiện nhượng, hẳn được xem là Thái thượng hoàng nữ giới duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ngày 26 tháng 11 (tức ngày 16 tháng 12 dương lịch)[88], Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế triệu chế lệnh về chuyện xưng hô ra sao, lệnh bỏ đi Đế hiệu, phục lại hai họ Vương, họ Tiêu của Vương Hoàng hậu cùng Tiêu Thục phi, nhân đó cũng cho con cháu của Chử Toại Lương và Hàn Viện về kinh sư phục mệnh. Cũng trong ngày, bà băng hà tại Tiên Cư điện (仙居殿) trong Thượng Dương cung. Theo Cựu Đường thư, Võ Chiếu hưởng thọ 83 tuổi, trong khi Tân Đường thư ghi là 81 tuổi[89]. Do Võ Chiếu đã tự lệnh bỏ đi Đế hiệu, vì vậy thụy hiệu của bà là Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng hậu (則天大聖皇后). Sang tháng 5 (ÂL) năm sau (706), chính thức làm lễ hợp táng với Đường Cao Tông ở Càn lăng[90].

Có thể thấy vào lúc cuối đời, Võ Chiếu mới có được tôn xưng Tắc Thiên. Người đời sau hay sử dụng 2 chữ này ghép với họ Võ của bà thành tên gọi Võ Tắc Thiên (武則天).

Lăng mộ

Bia không chữ trong Càn lăng.

Theo di nguyện trước lúc băng hà, di hài của bà được hợp táng vào Càn lăng cùng với Đường Cao Tông. Bia mộ của bà là một tấm bia để trống hoàn toàn, được gọi là Vô tự bia (無字碑).

Ngôi Càn lăng nhà Đường đã ít nhất 17 lần bị âm mưu đục phá, trong đó có 3 lần nghiêm trọng nhất. Lần đầu trong loạn Hoàng Sào, có tới 40 vạn binh sĩ đào bới tây đồi Lương Sơn, vạt hẳn một nửa quả đồi. Lần thứ 2 do Ôn Thao, tiết độ sứ tại Diệu Châu thời Ngũ Đại Thập Quốc, kẻ trước đó đã đào trộm 17 ngôi hoàng lăng nhà Đường. Lần thứ 3 do quân Quốc Dân đảng của Tôn Liên Trọng thời Trung Hoa Dân Quốc, đã dùng cả thuốc nổ để phá. Nhưng cả ba lần đều không thành, và Càn lăng vẫn nguyên vẹn cho tới ngày nay, trở thành di tích khảo cổ và tham quan quý báu. Về điểm này, Võ Tắc Thiên và chồng đã may mắn hơn những vị hoàng đế nổi tiếng khác, khi mà Mậu lăng của Hán Vũ đế, Chiêu lăng của Đường Thái Tông... đã bị phá sạch trong thời chiến loạn.

Đầu tháng 5 năm 2008, khi các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật lăng mộ Võ Tắc Thiên tại Huyện Càn cách 80 km về phía Tây Bắc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, họ đã tìm được hơn 500 tấn văn vật trong mộ. Việc tìm ra mộ phần và các cổ vật trong mộ Võ Tắc Thiên đã giúp các nhà sử học xác định được nhiều thông tin xung quanh thân thế, sự nghiệp của vị nữ hoàng này. Các nhà khảo cổ phát hiện thấy Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên cùng hợp táng ở tầng ngầm sâu cuối cùng của lăng mộ. Khu lăng tẩm này có ba cửa Đông, Bắc, Tây. Ba cửa này có kết cấu giống nhau, đều có các đài tế lễ trước cửa cung điện, có hành lang đặt Võ khí gươm giáo và cửa cung điện. Tại cửa phía Bắc, các nhà khảo cổ phát hiện thấy rất nhiều ngựa đá, hổ đá, tảng đá trạm trổ điêu khắc, trong đó hổ đá đặc trưng của đời Đường vẫn còn nguyên vẹn. Khu lăng tẩm có quy mô rất lớn với những bức tường bao quanh được xây theo hình vuông rất vững chắc, mỗi cạnh có chiều dài tới 380 mét vuông.

Viện trưởng danh dự Viện nghiên cứu khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, Thạch Hưng Bang, đã cho biết, qua những văn vật khai quật được trong mộ cho thấy, thời kỳ Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên trị vì là thời kỳ hưng thịnh nhất của triều đại nhà Đường. Khi Đường Cao Tông chết, giá trị của vật tùy táng quý báu chôn theo vua chiếm tới 1/3 quốc khố. Hơn 20 năm sau, khi Võ Tắc Thiên qua đời, triều đình cũng chôn theo số báu vật trị giá tới 1/3 quốc khố trong mộ bà[91].

Đánh giá

Tượng Đại phật tại Long Môn

Các vụ hành quyết tập thể, xử tử hay lưu đày là quy tắc của Võ Tắc Thiên để loại bỏ đối thủ, kể cả là người thân và những triều thần từng ủng hộ bà. Theo cuốn “Võ Tắc Thiên chính truyện” của học giả Lâm Ngữ Đường, ông kiệt kê rằng: cả đời Võ Tắc Thiên đã mưu sát hoặc ra lệnh giết 93 người (không kể những người thân của họ phải chết theo), trong số đó có 23 người là người thân của bà, 34 người là tôn thất nhà Đường, 36 sáu người là triều thần. Trong số này có bao nhiêu người chết đích đáng, có bao nhiêu bị oan, có bao nhiêu người bị Võ Tắc Thiên cố ý hãm hại, khó có thể xác định được.

Sau khi Võ Tắc Thiên qua đời, các sử gia thời Thịnh Đường, Trung Đường và Vãn Đường đều không chỉ trích nặng nề những việc làm của Võ Tắc Thiên, bởi vì những vị Hoàng đế nhà Đường sau này đều là con cháu trực hệ của bà. Chỉ khi đến thời nhà Tống, quan điểm Nho giáo dưới học thuyết Chu Hi lấy Tuân Tử làm nền tảng, mà Tuân Tử lại xếp "Nữ chủ chuyên chính" làm 1 trong 3 lý do khiến một quốc gia suy vong, nên các sử gia thời kỳ này về sau mới bắt đầu có những lời chỉ trích Võ Tắc Thiên. Tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào trong lòng xã hội phong kiến, nên không bao giờ chấp nhận để một người phụ nữ "Vượt quá giới hạn" mà bước lên đỉnh cao quyền lực.

Có thể nói Võ Tắc Thiên là hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử. Những vị Nữ chủ nổi tiếng từ cổ chí kim ở Trung Hoa, có thể kể đến Tuyên Thái hậu nhà Tần, Phùng Thái hậu Bắc Ngụy, Tiêu Xước triều Liêu, và kể cả Từ Hi Thái hậu nhà Thanh tuy đều có thực quyền cai trị, song đều phải có danh nghĩa của một Hoàng đế đại diện (thường là con trai/cháu trai của họ) mà không một ai dám làm việc công khai xưng làm Hoàng đế như bà. Người có thể so sánh gần nhất với Võ Tắc Thiên, ấy chính là Lã hậu nhà Hán, vì tuy bà phải nắm quyền dưới danh nghĩa Lưu Cung và Lưu Hồng, song bà đã thực sự nắm trọn quyền hành triệt để, và cũng chỉ có Lã hậu có thời kỳ trị vì được biên thành "Kỷ" như Võ Tắc Thiên mà thôi.

Võ Tắc Thiên còn được cho là đã sử dụng tuyên truyền tôn giáo để đảm bảo vị trí hoàng đế của mình. Vốn tôn sùng Phật giáo, bà đã ra lệnh đục các tượng Phật tại khu vực hang đá Long Môn. Tại đây pho tượng chính giữa lớn nhất là tượng Phật Đại Nhật (Tỳ lô giá na - Vairocana) được điêu khắc theo khuôn mặt của bà.

Trước khi Võ Tắc Thiên chính thức xưng Đế, có cuộc nổi dậy của Từ Kính Nghiệp, sự oán hận dành cho bà được bộc lộ công khai rất hiếm hoi. Một thiên hịch văn do văn sĩ đương thời là Lạc Tân Vương (駱賓王) khi tham gia cuộc khởi nghĩa đã viết ra để kể tội ác của bà. Câu hịch này được tìm thấy trong Cổ văn quan chỉ (古文观止), quyển thứ 7, nội dung như sau:

Nhưng thái độ của Võ Tắc Thiên khi đọc bài hịch văn trên khá kỳ lạ. Võ Tắc Thiên hịch lên đọc, rồi nói với cận thần: "Ai là người viết bài hịch này?". Có người đáp: "Kẻ đó là Lạc Tân Vương". Võ hậu lại hỏi: "Người này trước kia đã từng làm chức Thị ngự sử, nhưng sau lại phải biếm". Lại nhìn các đại thần hồi lâu, rồi phán: "Người có tài văn chương thế này, mà để họa phải lưu lạc không được dùng, đó là lỗi của Tể tướng trước kia vậy".

Mặc dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn, theo một số nhà sử học, nhà Võ Chu đã có được một hệ thống bình đẳng giới tốt hơn so với nhà Đường giai đoạn tiếp sau nó. Nhiều người đời sau xem Võ Tắc Thiên là điển hình của sự độc ác, khi mà vì quyền lực, bà sẵn sàng hạ thủ người thân, thậm chí bà sát hại ngay cả con ruột của mình (một số người cháu nội ruột, cháu họ cũng bị bà ra lệnh sát hại). Nhìn vào các sự kiện trong cuộc đời bà theo ám chỉ trong văn chương có thể mang lại nhiều ý nghĩa: "Một phụ nữ đã vượt qua những giới hạn của mình một cách không thích hợp, thái độ đạo đức giả khi thuyết giáo về lòng trắc ẩn, trong khi cùng lúc ấy lại tiến hành mô hình tham nhũng và hành xử một cách xấu xa, tàn nhẫn ngay cả với người thân và cai trị bằng cách điều khiển từ phía sau hậu trường".

Tuy nhiên, trong triều cũng có nhiều người ủng hộ bà, vì phục bà là người quyết đoán, có tài trị nước. Trong số đó có cả những đại thần hiền năng, được trọng vọng như Lâu Sử Đức, Địch Nhân Kiệt, Tống Cảnh; và bà biết tin dùng những người đó, nên việc chính không rối loạn, dân chúng vẫn yên ổn làm ăn, coi những vụ lộn xộn ở triều chỉ là việc riêng của họ Lý. Khi đọc bài Hịch dẹp Võ Chiếu, trong đó Lạc Tân Vương mạt sát bà thậm tệ, bà đã không giận, còn khen Lạc là có tài và trách viên Tể tướng đã không biết thu phục. Bà cũng là người tạo ra nền móng cho nền thịnh trị Khai Nguyên, do nhiều đại thần tài năng thời Huyền Tông là những người được bà được trọng vọng.

Sử gia Tư Mã Quang đánh giá về bà trong Tư trị thông giám[58]:

Học giả người Tây là Denis C. Twitchett, tên chữ Hán Thôi Thụy Đức (崔瑞德), đã bình luận về bà:

Tôn hiệu và Thụy hiệu

Võ Tắc Thiên rất thích các tôn hiệu mỹ miều, do đó đã nhiều lần thay đổi, thêm bớt chữ vào tôn hiệu, bao gồm:

  • Năm 688, tôn xưng Thánh Mẫu Thần Hoàng (聖母神皇).
  • Năm 690, tôn xưng Thánh Thần Hoàng đế (聖神皇帝).
  • Năm 693, tôn xưng Kim Luân Thánh Thần Hoàng đế (金輪聖神皇帝).
  • Năm 694, tôn xưng Việt Cổ Kim Luân Thánh Thần Hoàng đế (越古金輪聖神皇帝).
  • Năm 695, tôn xưng Từ Thị Việt Cổ Kim Luân Thánh Thần Hoàng đế (慈氏越古金輪聖神皇帝).
  • Tháng 9 năm 695, đổi xưng Thiên Sách Kim Luân Thánh Thần Hoàng đế (天册金輪聖神皇帝).
  • Năm 705, tôn xưng Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế (則天大聖皇帝).

Các thụy hiệu của đời sau tôn phong:

  • Năm 705, đời Đường Trung Tông, thụy ban đầu Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng hậu (則天大聖皇后).
  • Năm 710, đời Đường Thương Đế, cải tôn thụy thành Thiên hậu (天后).
  • Cũng năm 710, đời Đường Duệ Tông, cải tôn thụy Đại Thánh Thiên Hậu (大聖天后).
  • Năm 712, đời Đường Duệ Tông, cải thành Thiên Hậu Thánh Đế (天后聖帝). Sau lại cải thành Thánh hậu (聖后).
  • Năm 716, đời Đường Huyền Tông, tôn thụy thành Tắc Thiên Hoàng hậu (則天皇后).
  • Năm 749, đời Đường Huyền Tông, cải tôn thụy thành Tắc Thiên Thuận Thánh Hoàng hậu (則天順聖皇后).

Nhà Chu (690 - 705)

Quy ước: Sử dụng tên riêng
Miếu hiệu Họ và Tên Giai đoạn cai trị Niên hiệu và khoảng thời gian sử dụng
Không có Võ Chiếu (武曌) 690-705

Thiên Thụ (天授): 16, tháng 11, 690 - 21 tháng 4, 692 (18 tháng)
Như Ý (如意): 22 tháng 4- 22 tháng 10, 692 (6 tháng)
Trường Thọ (長壽): 23 tháng 10, 692 - 8 tháng 6, 694 (19 ½ tháng)
Duyên Tái (延載): 9 tháng 6, 694 - 21 tháng 1, 695 (7 ½ tháng)
Chứng Thánh (證聖): 22 tháng 1 - 21 tháng 10, 695 (9 tháng)
Thiên Sách Vạn Tuế (天冊萬歲): 22 tháng 10, 695 - 19 tháng 1, 696 (3 tháng)
Vạn Tuế Đăng Phong (萬歲登封): 20 tháng 1 - 21 tháng 4, 696 (3 tháng)
Vạn Tuế Thông Thiên (萬歲通天): 22 tháng 4, 696 - 28 tháng 9, 697 (17 tháng)
Thần Công (神功): 29 tháng 9 - 19 tháng 12, 697 (2 ½ tháng)
Thánh Lịch (聖曆): 20 tháng 12, 697 - 26 tháng 5, 700 (29 tháng)
Cửu Thị (久視): 27 tháng 5, 700 - 14 tháng 2, 701 (8 ½ tháng)
Đại Túc (大足): 15 tháng 2 - 25 tháng 11, 701 (9½ tháng)
Trường An (長安): 26 tháng 11, 701 - 29 tháng 1, 705 (38 tháng)
Thần Long (神龍): 30 tháng 1 - 3 tháng 3, 705 (Nhà Chu bị bãi bỏ vào ngày 3 tháng 3 năm 705 và nhà Đường được tái lập ngay ngày hôm đó, nhưng giai đoạn Thần Long kéo dài tới tận năm 707)

Gia đình


  • Thân phụ: Võ Sĩ Hoạch (武士彠), truy tặng Hiếu Minh Cao Hoàng đế (孝明高皇帝).
  • Thân mẫu: Vinh Quốc phu nhân Dương thị (榮國夫人楊氏), truy tặng Hiếu Minh Cao Hoàng hậu (孝明高皇后).
  • Phối ngẫu: Đường Thái Tông Lý Thế Dân, Đường Cao Tông Lý Trị.
  • Hậu duệ: Thời gian làm Tài nhân của Đường Thái Tông, Võ Tắc Thiên không sinh hạ cho ông một người con nào. Về sau khi lấy Đường Cao Tông thì bà sinh được 6 người con, gồm 4 hoàng tử và 2 công chúa.
  1. Hiếu Kính Hoàng đế Lý Hoằng (李弘), sơ phong Đại vương (代王), đến năm 656 được lập làm Thái tử. Qua đời ở cung Hợp Bích, ngờ là do Võ hậu độc hại, được Đường Cao Tông truy tặng thụy hiệu Hiếu Kính Hoàng đế (孝敬皇帝), miếu hiệu Nghĩa Tông (義宗).
  2. An Định Tư công chúa (安定思公主), theo truyền thuyết là do Võ hậu hại chết để vu cáo Vương Hoàng hậu.
  3. Chương Hoài Thái tử Lý Hiền (李賢), sơ phong Lộ vương (潞王), Phái vương (沛王) rồi Ung vương (雍王). Ông bị đồn là con trai do Hàn Quốc phu nhân Võ Thuận hạ sinh, nhưng không có tài liệu nào chính xác xác minh. Ông bị Võ Tắc Thiên ép phải uống rượu độc tự tử.
  4. Đường Trung Tông Lý Hiển (李顯), sơ phong Chu vương (周王), rồi Anh vương (英王). Năm 680, sau khi đường huynh Lý Hiền bị phế, ông được lập làm Thái tử. Đường Trung Tông có tám con trai và tám con gái, 2 người trong số đó bị Võ Tắc Thiên ra lệnh giết hại là Lý Trọng Nhuận và Lý Tiên Huệ.
  5. Đường Duệ Tông Lý Đán (李旦), sơ phong Dự vương (豫王), rồi cải thành Tương vương (相王).
  6. Thái Bình công chúa (太平公主), hạ giá lấy Tiết Thiệu, sau lấy Võ Du Kỵ.
  • Nghĩa nữ: Thiên Kim công chúa (千金公主), hạ giá lấy Ôn Đĩnh (溫挺), tái giá Trịnh Kính Huyền (鄭敬玄). Bà là con gái của Đường Cao Tổ Lý Uyên. Hết sức lấy lòng Võ Tắc Thiên, tiến nam sủng, tự xin đổi họ Võ, do vậy dưới triều Võ Chu, bà không bị Võ Tắc Thiên xem là người cần tiêu diệt.

Như vậy, Võ Tắc Thiên đã ra lệnh giết hại 1 người con ruột và 2 người cháu nội ruột của chính mình (chưa kể 2 người con ruột chết không rõ nguyên nhân, dư luận đồn rằng cũng do bà giết hại).

Theo cuốn “Võ Tắc Thiên chính truyện” của Lâm Ngữ Đường, ông kiệt kê rằng cả đời Võ Tắc Thiên đã mưu sát hoặc ra lệnh giết hại 23 người là người thân, họ hàng của bà.

Các giai thoại

Sợ mèo

Khi lên được ngôi Hoàng hậu rồi, Võ Tắc Thiên trả thù Vương Hoàng hậu và Tiêu Thục phi bằng cách sai chặt hết chân tay họ rồi bỏ vào chum rượu ngâm để họ không chết ngay. Tương truyền, khi Vương thị bị phế, đã chỉnh tề đến trước Cao Tông từ biệt, nói rằng: "Bệ hạ vạn tuế! Chiêu nghi Võ thị thừa hoan ân sủng, thiếp hẳn phải chết không còn nghi ngờ gì nữa!". Tiêu thị thì quát mắng to: "Võ thị hồ ly! Mê hoặc thánh chủ, hãm hại ta thê thảm thế này! Ta khi chết phải hóa thành mèo, nhảy vào cắn đứt cổ họng của nhà ngươi mới hả dạ!". Từ đó, Võ hậu sai cung nhân đuổi đi và không cho nuôi mèo nữa[34][93].

Võ Tắc Thiên sợ mèo vì đã giết chết con mèo mà bà từng yêu quý nhất. Nhưng nó đã phản bội bà đi theo Vương Hoàng hậu khi bà bị bắt vào lãnh cung. Do đó, bà thẳng tay giết nó và luôn luôn bị ám ảnh bởi tiếng mèo kêu, đêm đêm thấy hình ảnh con mèo hiện về trong giấc ngủ. Lời nguyền của Tiêu Thục phi khi xưa tuy nhiên vẫn ám ảnh bà, có thuyết nói việc bà luôn ở Lạc Dương mà không phải Trường An chính là vì sợ lời rủa của Tiêu Thục phi.

Thượng uyển giục hoa

Theo Đường thi kỷ sự (唐诗纪事), vào năm Thiên Thụ thứ 2 (691), Võ Tắc Thiên vào một ngày cuối đông ra vườn ngự uyển thấy cỏ cây xác xơ trơ trọi, liễu đào ủ rũ điêu tàn, liền truyền lệnh bằng bài tứ tuyệt khắc ngay cửa vườn:

Nguyên văn
...
明朝游上苑,
火急报春知。
花须连夜发,
莫待晓风吹
Phiên âm
...
Minh triêu du thượng uyển,
Hỏa cấp báo xuân tri
Hoa tu liên dạ phát
Mạc đãi hiểu phong xuy.
Dịch thơ
...
Bãi triều du thượng uyển,
Gấp gấp báo xuân haỵ.
Hoa nở hết đêm nay,
Đừng chờ môn gió sớm.

Sau khi viết xong, Võ hậu sai sứ giả đi trước Thượng uyển tuyên chiếu, lấy báo cho Hoa thần. Chỉ trong một đêm bừng nở khắp vườn, mùi thơm sực nức nhân gian, sang ngày Lạp bát tiết (腊八节) đã nở đầy Thượng uyển. Võ Tắc Thiên lấy làm tự mãn cho rằng mình quyền uy tột đỉnh, sai khiến được cả tạo hóa[94].

Câu chuyện này về sau được ghi lại trong tác phẩm gian dân tên Khổng Hạc giám bí ký (控鹤监秘记), đem liên họa sự tích hoa mẫu đơn liên đới với truyền thuyết này. Đó là một ngày đông, Võ Tắc Thiên hứng làm bài thơ trên, cũng cho truyền Sứ giả đem tuyên cáo Hoa thần, cả Thượng uyển đều nở rộ và Võ Tắc Thiên hãnh diện đưa quần thần tham quan. Bỗng dưng Võ Tắc Thiên nhìn một cây mẫu đơn cứng đầu cứng cổ bất tuân thượng mệnh, thân cây khẳng khiu cứng cỏi, không hoa không lá. Máu giận sôi lên, Võ Tắc Thiên ra lệnh đày loài mẫu đơn ngoan cố xuống tận Lạc Dương. Lạ kỳ thay, vừa xuống phía Nam, mẫu đơn đâm chồi nảy lộc, bung mình thành những cánh hoa đỏ thắm. Võ Tắc Thiện càng giận, cho người đốt chết cây hoa này. Mẫu đơn tuy bị đốt trọi, nhưng đến năm thứ hai, mẫu đơn ngược lại nở càng tăng lên. Đấy là sự tích Võ Tắc Thiên nộ biếm Mẫu đơn (武则天怒贬牡丹), và loài Lạc Dương Mẫu đơn (洛暘牡丹) từ đó trở thành biểu tượng cương liệt[95]

Đấy là sự tích giải thích vì sao từ đó vùng Giang Bắc vắng hẳn loài hoa vương giả, biểu trưng cho quốc sắc thiên hương thường được ví với những trang tuyệt sắc giai nhân. Người đương thời thấy vậy dệt bài "Phú Ngọc Lâu Xuân Tứ" để ca tụng, tôn thờ khí khái của loài hoa bé nhỏ này, thà chịu cảnh phong trần lưu lạc chứ không khuất phục giam cầm nơi cung vua phủ chúa. Mẫu đơn cứ thế ban phát hương sắc cho người đời để ai cũng hưởng phúc phần cao quý. Giai thoại này còn được hiểu một cách khác là Võ Tắc Thiên luôn ghen ghét với những giai nhân tuyệt sắc khác, thường kiếm cớ giết hại hoặc hủy hoại nhan sắc của họ để bảo vệ vị trí của mình trong lòng quân vương. Câu chuyện đày hoa mẫu đơn này cũng thường được liên tưởng đến mỗi khi nhắc lại câu chuyện Võ hậu trả thù tình địch và đóng dấu lên trán Thượng Quan Uyển Nhi.

Vết sẹo của Thượng Quan Uyển Nhi

Thượng Quan Uyển Nhi là cháu của Thượng Quan Nghi, Võ Tắc Thiên dùng làm nữ quan lo tất cả các việc văn thư trong hoàng cung và ngoài triều đình.

Bấy giờ, sủng nam Trương Xương Tông tuy hầu hạ Võ Tắc Thiên nhưng lại có tư tình với Uyển Nhi, một lần hai người lén lút gặp nhau thì Võ Tắc Thiên bắt gặp. Tức giận, Võ Tắc Thiên đã ném cái bát vào giữa trán Uyển Nhi (một thuyết khác là Võ Tắc Thiên sai người dùng dao rạch), tạo thành một cái sẹo lớn chính giữa trán. Tuy nhiên vết sẹo lại làm cho Thượng Quan Uyển Nhi trông xinh đẹp hơn. Thế là từ đó lan truyền ra, các tiểu thư, mệnh phụ đều bắt chước vẽ chấm đỏ hoặc hình hoa mai vào giữa trán, trở thành một kiểu trang điểm rất được ưa chuộng dưới triều nhà Đường[96].

Một dị bản khác kể rằng trong một lần ngồi ăn sáng với Võ hậu, Thượng quan Uyển Nhi và Trương Xương Tông bất chấp Võ hậu, liên tục liếc mắt đưa tình với nhau. Võ Tắc Thiên nổi giận quơ dao kề lên trán Thượng Quan Uyển Nhi, khiến Uyển Nhi khiếp hãi vội quỳ xuống cầu xin Võ Tắc Thiên thương xót. Võ Hậu ra lệnh giam Thượng Quan Uyển Nhi và phạt bằng cách khắc dấu lên trán Uyển Nhi nhằm hủy hoại nhan sắc nàng cho nàng sợ mà không dám tái phạm. Tuy nhiên, sau khi khắc xong, trên trán Uyển Nhi lại là hình một bông hoa chứ không phải vết sẹo xấu xí và bông hoa này càng khiến Uyển Nhi trở nên quyến rũ hơn. Đến cả Võ Hậu sau khi gặp lại Uyển Nhi cũng phải thốt lên rằng: "Uyển Nhi, trông ngươi không giống bị khắc dấu chút nào mà ngược lại càng xinh đẹp hơn! Xem ra ông trời đã bảo vệ cho ngươi!".

Sự thật trong những câu chuyện này đến đâu hậu thế khó lòng định đoán nhưng đã phần nào làm chứng minh cho những ghi chép từ xưa về một Võ Tắc Thiên có tính cách mạnh mẽ đến khắc nghiệt, chuyên quyền độc đoán, đầy mưu mô thâm độc và nhất là luôn lạnh lùng, tàn nhẫn mỗi khi ra tay thanh toán địch thủ.

Nuôi dưỡng nam sủng

Có nhiều câu chuyện về sự dâm loạn của Võ Tắc Thiên, một phần do đời sau thêu dệt, một phần là sự thật. Bấy giờ, Võ Tắc Thiên được con gái nuôi là Thiên Kim công chúa tiến cử một kẻ lực lưỡng là Phùng Tiểu Bảo, giả bắt hắn tu làm sư để thường xuyên gọi vào cung thông dâm, đổi gọi là Tiết Hoài Nghĩa. Võ Tắc Thiên vô cùng sủng ái, gọi hắn là chú để có cớ cho vào cung. Hoài Nghĩa với danh nghĩa nhà sư đã ra vào cung tự do, lên điện không chào, chính là người dựng Minh Đường, tạo tác tượng Phật Di Lặc khổng lồ và một ngôi chùa rất vĩ đại để vui lòng Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên sau đó Võ Tắc Thiên có Thẩm thái y thì lạnh nhạt với Hoài Nghĩa, khiến gã tức giận nổi lửa đốt cháy toàn bộ tượng và chùa. Võ Tắc Thiên không tiện trị tội, đánh đến chết. Xác của Hoài Nghĩa được đem đến đền Bạch Mã và hỏa táng, sau đó trộn lẫn vào trong đống đất bùn được sử dụng để xây một ngôi chùa.

Về già, Võ Tắc Thiên không khỏe, mời Thái y Thẩm Nam Cầu (沈南璆) vào bốc thuốc, nhân đó hỏi về thuốc kích dục. Thẩm Thái y dâng phương thuốc có công hiệu, Võ Tắc Thiên bắt ông phục vụ mình. Dù bồi bổ thế nào, Thẩm Thái y cũng không đáp ứng nổi, cuối cùng lao lực mà chết. Sau khi Thẩm Thái y chết, Thái Bình công chúa liền tiến cử Trương Xương Tông có tài thổi sáo, rất đẹp trai lại có tài trong phòng the khiến Võ Tắc Thiên rất vui. Trương Xương Tông lại tiến cử anh mình là Trương Dịch Chi vào hầu hạ, được phong chức tước bổng lộc cực hậu. Các quan thấy Võ Tắc Thiên đa dâm lụy tình cũng tiến cử con em, thậm chí chính mình vào để hầu Võ hậu hòng kiếm lợi lộc.

Vào năm Thánh Lịch nguyên niên (698), Võ Tắc Thiên bèn lập ra chức Khổng Hạc giám (控鶴鑑), với danh nghĩa là nuôi chim hạc, là nơi tập hợp các thanh niên tuấn tú khỏe mạnh nhằm thỏa mãn mình. Từ "Khổng Hạc giám", Võ Tắc Thiên lại sửa thành Phụng Chấn phủ (奉震府), giao cho Dịch Chi đảm nhậm để quản lý các nam sủng được tiến cung. Ấy là như Hoàng hậu quản lý hậu cung vậy. Những thanh niên bị thất sủng sẽ bị giết để diệt khẩu và ném xuống hồ. Sau này cháu nội là Đường Huyền Tông cho khai quật đã phát hiện hàng đống xương người dưới hồ.

Trong văn hóa đại chúng

Điện ảnh

Nhân vật Võ Tắc Thiên xuất hiện trong nhiều bộ phim điện ảnh Trung Quốc:

  • Võ Tắc Thiên (1939) với sự tham gia của diễn viên Cố Lan Quân vai Võ Tắc Thiên.
  • Võ Tắc Thiên (1949), bộ phim Hồng Kông. Nhân vật chính do Khổng Tú Vân thủ vai.
  • Võ Tắc Thiên (1963), phim điện ảnh Hồng Kông. Diễn viên Lý Lệ Hoa thủ vai Võ Tắc Thiên.
  • Lục Tổ Tuệ Năng truyện (1987), phim Đài Loan. Nhân vật Võ Tắc Thiên do diễn viên Lăng Ba thủ diễn.
  • Địch Nhân Kiệt thông thiên đế quốc (2010): Lưu Gia Linh
  • Địch Nhân Kiệt chi thần đô long vương (2013)

Truyền hình

  • Võ Tắc Thiên (1976), phim Hồng Kông, diễn viên Lý Thông Minh và Tương Y vào vai Võ Tắc Thiên.
  • Võ Tắc Thiên (1984): Phùng Bửu Bửu
  • Nhất đại nữ hoàng (Đài Loan, 1985): Phan Nghinh Tử
  • Đường Minh Hoàng (1990)
  • Võ Tắc Thiên (1995): Lưu Hiểu Khánh
  • Kính Hoa duyên truyền kỳ (Hồng Kông ATV, 2000): Uông Minh Thuyên
  • Đại Minh cung từ (2000): Quy Á Lôi
  • Đại Đường tình sử (2001): Tần Lam
  • Thiên tử tầm long (Hồng Kông TVB 2003): La Quán Lan
  • Chí Tôn hồng nhan (Đài Loan, 2004): Giả Tịnh Văn
  • Thần Thám Địch Nhân Kiệt: Lã Trung
  • Vô tự bi ca (2006): Tư Cầm Cao Oa
  • Trinh Quán chi trị (2006): Trương Địch
  • Nhật nguyện lăng không (2007): Lưu Hiểu Khánh
  • Thịnh thế Nhân Kiệt (Hồng Kông TVB, 2009): Trần Tú Châu
  • Võ Tắc Thiên bí sử (2011). Nhân vật Võ Tắc Thiên được thể hiện bởi ba diễn viên nữ Ân Đào, Lưu Hiểu Khánh và Tư Cầm Cao Oa.
  • Thái Bình Công chúa bí sử (2011). Nhân vật Võ Tắc Thiên được thể hiện bởi hai diễn viên nữ Lưu Võ Hân và Lý Tương.
  • Đại Đường nữ tuần án (2011): Vương Cơ
  • Đường cung mỹ nhân thiên hạ (2011): Trương Đình
  • Đường cung yến chi nữ nhân thiên hạ (2013): Huệ Anh Hồng
  • Chế tạo mỹ nhân (2014): Đặng Tụy Văn
  • Thiếu niên thần thám Địch Nhân Kiệt (2014): Lâm Tâm Như
  • Võ Mỵ Nương truyền kỳ (2014): Phạm Băng Băng.
  • Tùy Đường Anh Hùng 5 - Tiết Cương Phản Đường: Huệ Anh Hồng.

Xem thêm

  • Những chữ Trung Quốc do Võ Tắc Thiên phát minh
  • Nhà Đường
  • Công chúa Thái Bình

Chú thích

  1. ^ Năm được suy ra từ tuổi khi chết được ghi trong Tân Đường thư (新唐書), biên soạn vào năm 1045-1060, là năm được các nhà sử học hiện đại lựa chọn. Năm sinh được tính từ Cựu Đường thư (舊唐書), soạn vào năm 941-945, là 623. Năm sinh được tính ra từ Tư trị thông giám được soạn vào năm 1065-1084, là 624. Được Đường Thái Tông đặt tên vào cuối những năm 630 sau khi bà đã vào hoàng cung (xem trong bài).
  2. ^ Tên bà tự chọn, không phải tên thật. Bà đã phát minh ra ký tự Trung Quốc này vào tháng 12, 689 và lấy đó làm tên. Trở thành tên húy của bà khi bà lên ngôi vào năm sau. Một số nguồn xác nhận rằng từ này được viết trên thực tế Chiếu (瞾). Một số nguồn cũng cho rằng tên gốc bà được đặt là Chiếu (照), và rằng năm 689 bà chỉ đổi những phần cấu thành tên bà, nhưng điều này không được xác nhận trong Cựu Đường thư và trong Tân Đường thư.
  3. ^ Bà đã nắm một phần quyền lực vào năm 660, và nắm hoàn toàn quyền lực từ tháng 1, 665 (xem bài bên trong). Nhà Chu được tuyên bố thành lập vào 16 tháng 10, 690, và xưng đế vào 19 tháng 10, giáng con bà Đường Duệ Tông làm người thừa tự.
  4. ^ Mất quyền lực sau cuộc đảo chính trong hoàng cung 10 tháng 2, 705. Sau đó vào 22 tháng 2 bị bắt buộc phải trao lại chức vị cho con trai lớn, được lập làm Đường Trung Tông vào 23 tháng 2
  5. ^ Nhà Chu bị bãi bỏ trước khi bà chết, và bà bị giáng xuống cấp ngôi hoàng hậu khi chết, vì thế bà không có miếu hiệu. Tại Trung Quốc, hoàng hậu không giống như các hoàng đế cai trị, không được trao miếu hiệu.
  6. ^ Tắc Thiên là người đầu tiên được trao huy hiệu (徽號) vào tháng 2, 705 bởi người con trai được tái lập làm vua là Trung Tông. Huy hiệu đã được sử dụng làm thụy hiệu của bà tên khi bà chết mười tháng sau đó.
  7. ^ Tên thụy cuối cùng của bà được đặt vào tháng 7, 749.

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ Võ Tắc Thiên 武則天 cũng được Nguyễn Danh Phiệt trong sách Hồ Quý Ly; bản dịch năm 2004 của sách Quốc sử toản yếu của Nguyễn Huy Oánh; sách Thơ văn Lý-Trần, Tập 3 của Viện Văn học đọc là Vũ Tắc Thiên.[4][5][6]

Tham khảo

  1. ^ Hết hồn với dung mạo thực sự của Võ Tắc Thiên
  2. ^ Tên này là do Đường Thái Tông ban cho.
  3. ^ Academia Sinica - Chuyển hoán Trung Tây lịch
  4. ^ Nguyễn Danh Phiệt, Hồ Quý Ly, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, trang 91.
  5. ^ Nguyễn Huy Oánh, Quốc sử toản yếu, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Thừa Thiên - Huế, 2004, trang 216.
  6. ^ Viện Văn học, Thơ văn Lý-Trần, Tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, trang 220.
  7. ^ Thời Bắc Ngụy, Hồ Thái hậu từng đưa một người cháu gái của mình lên ngôi, nhưng nói dối là con trai và chỉ được vài ngày thì bị phế truất, do đó công chúa Nguyên thị này thường không được coi là Hoàng đế
  8. ^ 《宋史演义》:彼刘美人以色得幸,专宠后宫,亦何尝不自私欲所致乎?幸刘氏有吕武之才,无吕武之恶,其事郭后也以谨,其待杨妃也以和;即宫中侍儿,得幸生子,饰为己有,迹近诡秘,但上未敢欺罔真宗,下未忍害死李侍,第不过借此以攫后位,希图尊宠,狡则有之,而恶尚未也。然后世已深加痛嫉,至有狸奴换主之讹传,归罪郭槐,归功包拯,捕风捉影,全属荒唐。
  9. ^ Paludan, 100
  10. ^ 《全唐文·卷九十六》○改元载初赦文......朕又闻之,人必有名者,所以吐情自纪,尊事天人......朕宜以曌为名。自卦演龙图......
  11. ^ 曌(汉语拼音:zhào),是“照”在则天文字中的写法,取“日月当空”之意。又作“瞾”,取“双目当空”之意。
  12. ^ 《旧唐书·卷六·本纪第六》神龙元年……冬十一月壬寅……是日,崩于上阳宫之仙居殿,年八十三,谥曰则天大圣皇后……
  13. ^ 《新唐书·卷七十六 列传第一·后妃上》神龙元年……是岁,后崩,年八十一。遗制称则天大圣皇太后……
  14. ^ 《资治通鉴·卷二百八·唐纪二十四》(神龙元年)十一月……壬寅,则天崩于上阳宫,年八十二。遗制……
  15. ^ a ă 《资治通鉴·卷一百九十五·唐纪十一》(贞观十一年)十一月,辛卯,上幸怀州;丙午,还洛阳宫。故荆州都督武士彟女,年十四,上闻其美,召入后宫,为才人。贞观十二年......
  16. ^ 陈洋. 解密武则天的出生时间和出生地. 编辑:蒲刚. 广元新闻网,来源:市图书馆. 2008-11-03 [2017-02-16] (简体中文).
  17. ^ 628年,其母杨氏为49周岁。
  18. ^ Giang Lăng, Hồ Bắc, Trung Quốc ngày nay
  19. ^ a ă Tân Đường thư, quyển 76.
  20. ^ Cựu Đường thư, quyển 51
  21. ^ 《舊唐書·卷51》:“后獨自如,曰:‘見天子庸知非福,何兒女悲乎?’”
  22. ^ 《新唐书 卷七十六 列传第一》:“既见帝,赐号武媚。及帝崩,与嫔御皆为比丘尼。”
  23. ^ a ă Tư trị thông giám, quyển 199
  24. ^ a ă â b c d đ Tư trị thông giám, quyển 206
  25. ^ 《唐会要·卷三》:“贞观十年,文德皇后崩天。太宗闻武士箺女有才貌,召入宫,以为才人。时上在东宫,因入侍,悦之。太宗崩,随嫔御之例出家,为尼感业寺。上因忌日行香,见之。武氏泣,上亦潸然。”
  26. ^ Paludan, 96
  27. ^ Bá Dương, Outlines of the History of the Chinese (中國人史綱, vol. 2, p. 520.
  28. ^ 《舊唐書·卷五十一·后妃上》:“初,武皇后貞觀末隨太宗嬪御居於感業寺,后及左右數為之言,高宗由是復召入宮,立為昭儀。”
  29. ^ 《旧唐书·本纪·卷六》:大帝于寺见之,复召入宫,拜昭仪。时皇后王氏、良娣萧氏频与武昭仪争宠,互谗毁之,帝皆不纳。
  30. ^ 《新唐书·卷七十六·列传第一》: 昭仪生女,后就顾弄,去,昭仪潜毙儿衾下,伺帝至,阳为欢言,发衾视儿,死矣。又惊问左右,皆曰:"后适来。"昭仪即悲涕,帝不能察,怒曰:"后杀吾女,往与妃相谗媢,今又尔邪!"由是昭仪得入其訾,后无以自解,而帝愈信爱,始有废后意。
  31. ^ 《资治通鉴·卷第一百九十九》: 王皇后、萧淑妃与武昭仪更相谮诉,上不信后、淑妃之语,独信昭仪。后不能曲事上左右,母魏国夫人柳氏及舅中书令柳奭入见六宫,又不为礼。武昭仪伺后所不敬者,必倾心与相结,所得赏赐分与之。由是后及淑妃动静,昭仪必知之,皆以闻于上。后宠虽衰,然上未有意废也。会昭仪生女,后怜而弄之,后出,昭仪潜扼杀之,覆之以被。上至,昭仪阳欢笑,发被观之,女已死矣,即惊啼。问左右,左右皆曰:“皇后适来此。”上大怒曰:“后杀吾女!”昭仪因泣诉其罪。后无以自明,上由是有废立之志。又畏大臣不从,乃与昭仪幸太尉长孙无忌第,酣饮极欢,席上拜无忌宠姬子三人皆为朝散大夫,仍载金宝缯锦十车以赐无忌。上因从容言皇后无子以讽无忌,无忌对以他语,竟不顺旨,上及昭仪皆不悦而罢。昭仪又令母杨氏诣无忌第,屡有祈请,无忌终不许。礼部尚书许敬宗亦数劝无忌,无忌厉色折之。
  32. ^ 《新唐书·后妃传》:久之,欲进号“宸妃”,侍中韩瑗、中书令来济言:“妃嫔 有数,今别立号,不可。”昭仪乃诬后与母厌胜,帝挟前憾,实其言,将遂废之。 长孙无忌、褚遂良、韩瑗及济濒死固争,帝犹豫;而中书舍人李义府、卫尉卿许敬 宗素险侧,狙势即表请昭仪为后,帝意决,下诏废后。
  33. ^ a ă Tư trị thông giám, quyển 200
  34. ^ a ă 《资治通鉴·唐纪十六》:故后王氏、故淑妃萧氏,并囚于别院,上尝念之,间行至其所,见其室封闭极密,惟窍壁以通食器,恻然伤之,呼曰:“皇后、淑妃安在?”王氏泣对曰:“妾等得罪为宫婢,何得更有尊称!”又曰:“至尊若念畴昔,使妾等再见日月,乞名此院为回心院。”上曰:“朕即有处置。”武后闻之,大怒,遣人杖王氏及萧氏各一百,断去手足,捉酒甕中,曰:“令二妪骨醉!”数日而死,又斩之。王氏初闻宣敕,再拜曰:“愿大家万岁!昭仪承恩,死自吾分。”淑妃骂曰:“阿武妖猾,乃至于此!愿他生我为猫,阿武为鼠,生生扼其喉。”由是宫中不畜猫。寻又改王氏姓为蟒氏,萧氏为枭氏。武后数见王、萧为祟,被发沥血如死时状。后徙居蓬莱宫,复见之,故多在洛阳,终身不归长安。
  35. ^ Cựu Đường thư, quyển 6
  36. ^ Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc hiện nay
  37. ^ Cựu Đường thư, quyển 80
  38. ^ Nay thuộc địa phận Quý Châu
  39. ^ Tân Đường thư, quyển 105
  40. ^ a ă â b c Tư trị thông giám, quyển 201
  41. ^ a ă â b Tư trị thông giám, quyển 202
  42. ^ Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc hiện nay
  43. ^ 《资治通鉴·唐纪十七》:初,武后能屈身忍辱,奉顺上意,故上排群议而立之;及得志,专作威福,上欲有所为,动为后所制,上不胜其忿。有道士郭行真,出入禁中,尝为厌胜之术,宦者王伏胜发之。上大怒,密召西召侍郎、同东西台三品上官仪议之。仪因言:“皇后专恣,海内所不与,请废之。”上意亦以为然,即命仪草诏。左右奔告于后,后遽诣上自诉。诏草犹在上所,上羞缩不忍,复待之如初;犹恐后怨怒,因绐之曰:“我初无此心,皆上官仪教我。”自是上每视事,则后垂帘于后,政无大小皆与闻之。天下大权,悉归中宫,黜陟、生杀,决于其口,天子拱手而已,中外谓之二圣。
  44. ^ Đỗ Phủ, 《自京赴奉先县咏怀五百字》:“圣人筐篚恩,实愿邦国活。” 仇兆鳌 注:“ 唐 人称天子皆曰圣人。”
  45. ^ Cựu Đường thư, quyển 6,: 帝自顯慶已後,多苦風疾,百司表奏,皆委天后詳決。自此內輔國政數十年,威勢與帝無異,當時稱為「二聖」
  46. ^ Tân Đường thư, quyển 76:初,元舅大臣怫旨,不閱歲屠覆,道路目語,及儀見誅,則政婦房帷,天子拱手矣。群臣朝、四方奏章,皆曰「二聖」。
  47. ^ 《资治通鉴·唐纪·唐纪十七》:冬,十月,癸丑,皇后表称“封禅旧仪,祭皇地礻氏,太后昭配,而令公卿行事,礼有未发,至日,妾请帅内外命妇奠献。”诏:“禅社首以皇后为亚献,越国太妃燕氏为终献。”壬戌,诏:“封禅坛所设上帝、后土位,先用藁秸、陶匏等,并宜改用茵褥、罍爵,其诸郊祀亦宜准此。”又诏:“自今郊庙享宴,文舞用《功成庆善之乐》,武舞用《神功破陈之乐》。” 丙寅,上发东都,从驾文武仪仗,数百里不绝。列营置幕,弥亘原野。东自高丽,西至波斯、乌长诸国朝会者,各帅其属扈从,穹庐毳幕,牛羊驼马,填咽道路。时比岁丰稔,米斗至五钱,麦、豆不列于市。
  48. ^ Cựu Đường thư, quyển 86
  49. ^ Tân Đường thư, quyển 4
  50. ^ Chiết Giang, Giang Tô, Trung Quốc hiện nay
  51. ^ Cựu Đường thư, quyển 51
  52. ^ a ă â b c Tư trị thông giám, quyển 203
  53. ^ 舊唐書/卷5:... 宣遺詔:「七日而殯,皇太子即位于柩前。園陵制度,務從節儉。軍國大事有不決者,取天后處分。」
  54. ^ Paludan, 97
  55. ^ 《旧唐书》:弘道元年十二月丁巳,大帝崩,皇太子显即位,尊天后为皇太后。既将篡夺,是日自临朝称制。庚午,加授泽州刺史、韩王元嘉为太尉,豫州刺史、滕王元婴为开府仪同三司,绛州刺史、鲁王灵夔为太子太师,相州刺史、越王贞为太子太傅,安州都督、纪王慎为太子太保。元嘉等地尊望重,恐其生变,故进加虚位,以安其心。甲戌,刘仁轨为尚书左仆射,岑长倩为兵部尚书,魏玄同为黄门侍郎,并依旧知政事。刘齐贤为侍中,裴炎为中书令。嗣圣元年春正月甲申朔,改元。
  56. ^ 《资治通鉴·唐纪十九》:九月,甲寅,赦天下,改元。旗帜皆从金色。八品以下,旧服青者更服碧。改东都为神都,宫名太初。又改尚书省为文昌台,左、右仆射为左、右相,六曹为天、地、四时六官;门下省为鸾台,中书省为凤阁,侍中为纳言,中书令为内史;御史台为左肃政台,增置右肃政台;其馀省、寺、监、率之名,悉以义类改之。
  57. ^ a ă â b c d Tư trị thông giám, quyển 204
  58. ^ a ă â b c d Tư trị thông giám, quyển 205
  59. ^ 《舊唐書·本紀第六·則天皇后》: 二年春正月,皇太后下詔,復政于皇帝。以皇太后既非實意,乃固讓。皇太后仍依舊臨朝稱制,大赦天下。初令都督、刺史並准京官帶魚。
  60. ^ Nay thuộc Dương Châu, Giang Tô, Trung Quốc
  61. ^ 《资治通鉴·唐纪十九》:垂拱二年……春,正月,太后下诏复政于皇帝。睿宗知太后非诚心,奉表固让;太后复临朝称制。辛酉,赦天下。三月,戊申,太后命铸铜为匦,置之朝堂,以受天下表疏铭。其东曰“延恩”,献赋颂、求仕进者投之;南曰:“招谏”,言朝政得失者投之;西曰:“伸冤”,有冤抑者投之;北曰:“通玄”,言天象灾变及军机秘计者投之。命正谏、补阙、拾遗一人掌之,先责识官,乃听投表疏。
  62. ^ Trú Mã Điếm, Hà Nam, Trung Quốc hiện nay
  63. ^ Liêu Thành, Sơn Đông, Trung Quốc hiện nay
  64. ^ 《资治通鉴·卷二百三·唐紀十九》: 武承嗣請太后追王其祖,立武氏七廟,太后從之。裴炎諫曰:「太后母臨天下,當示至公,不可私於所親。獨不見呂氏之敗乎!」太后曰:「呂後以權委生者,故及於敗。今吾追尊亡者,何傷乎!」對曰:「事當防微杜漸,不可長耳。」太后不從。己巳,追尊太后五代祖克己為魯靖公,妣為夫人;高祖居常為太尉、北平恭肅王,曾祖儉為太尉、金城義康王,祖華為太尉、太原安成王,考士擭為太師、魏定王;祖妣皆為妃。裴炎由是得罪。又作五代祠堂於文水。
  65. ^ 《资治通鉴·卷二百四·唐紀二十》: 春,正月,乙卯朔,大饗萬象神宮,太后服袞冕,搢大圭,執鎮圭為初獻,皇帝為亞獻,太子為終獻。先詣昊天上帝座,次高祖、太宗、高宗,次魏國先王,次五方帝座。太后御則天門,赦天下,改元。丁巳,太后御明堂,受朝賀。戊午,布政於明堂,頒九條以訓百官。己未,御明堂,饗群臣。二月,丁酉,尊魏忠孝王曰周忠孝太皇,妣曰忠孝太后,文水陵曰章德陵,咸陽陵曰明義陵。置崇先府官。戊戌,尊魯公曰太原靖王,北平王曰趙肅恭王,金城王曰魏義康王,太原王曰周安成王。
  66. ^ 《旧唐书·本紀第六·則天皇后》:四年春二月,毀乾元殿,就其地造明堂。山東、河南甚饑乏,詔司屬卿王及善、司府卿歐陽通、冬官侍郎狄仁傑巡撫賑給。夏四月,魏王武承嗣偽造瑞石,文云:「聖母臨人,永昌帝業。」令雍州人唐同泰表稱獲之洛水。皇太后大悅,號其石為「寶圖」,擢授同泰遊擊將軍。五月,皇太后加尊號曰聖母神皇。秋七月,大赦天下。改「寶圖」曰「天授聖圖」,封洛水神為顯聖,加位特進,並立廟。就水側置永昌縣。天下大酺五日。八月壬寅,博州刺史、琅邪王沖據博州起兵,命左金吾大將軍丘神勣為行軍總管討之。庚戌,沖父豫州刺史、越王貞又舉兵於豫州,與沖相應。九月,命內史岑長倩、鳳閣侍郎張光輔、左監門大將軍鞠崇裕率兵討之。丙寅,斬貞及沖等,傳首神都,改姓為虺氏。曲赦博州。韓王元嘉、魯王靈夔、元嘉子黃國公譔、靈夔子左散騎常侍范陽王藹、霍王元軌及子江都王緒、故虢王元鳳子東莞公融坐與貞通謀,元嘉、靈夔自殺,元軌配流黔州,譔等伏誅,改姓虺氏。自是宗室諸王相繼誅死者,殆將盡矣。其子孫年幼者咸配流嶺外,誅其親党數百餘家。十二月己酉,神皇拜洛水,受「天授聖圖」,是日還宮。明堂成。
  67. ^ 《資治通鑑·卷二百四·唐紀二十》: 九月,丙子,侍御史汲人傅遊藝帥關中百姓九百餘人詣闕上表,請改國號曰周,賜皇帝姓武氏,太后不許;擢遊藝為給事中。於是百官及帝室宗戚、遠近百姓、四夷酋長、沙門、道士合六萬餘人,俱上表如遊藝所請,皇帝亦上表自請賜姓武氏。戊寅,群臣上言:「有鳳皇自明堂飛入上陽宮,還集左台梧桐之上,久之,飛東南去;及赤雀數萬集朝堂。庚辰,太后可皇帝及群臣之請。壬午,御則天數,赦天下,以唐為周,改元。乙酉,上尊號曰聖神皇帝,以皇帝為皇嗣,賜姓武氏;以皇太子為皇孫。立武承嗣為魏王,三思為梁王,攸寧為建昌王,士擭兄孫攸歸、重規、載德、攸暨、懿宗、嗣宗、攸宜、攸望、攸緒、攸止皆為郡王,諸姑姊皆為長公主。
  68. ^ 《資治通鑑·卷二百四·唐紀二十》: 惟千金長公主以巧媚得全,自請為太后女,仍改姓武氏;太后愛之,更號延安大長公主。
  69. ^ 《资治通鉴·唐纪·唐纪二十一》:二月,己亥,吐蕃党项部落万馀人内附,分置十州。夏,四月,丙申,赦天下,改元如意。五月,吐蕃酋长曷苏帅部落请内附,以右玉钤卫将军张玄遇为安抚使,将精卒二万迎之。六月,军至大渡水西,曷苏事泄,为国人所擒。别部酋长昝捶帅羌蛮八千馀人内附,玄遇以其部落置莱川州而还。
  70. ^ 《旧唐书·本纪·卷六》:冬十月,武威军总管王孝杰大破吐蕃,复龟兹、于阗、疏勒、 碎叶镇。
  71. ^ 《资治通鉴·唐纪二十一》:正月,室韦反,遣右鹰扬卫大将军李多祚击破之。二月,武威道总管王孝杰破吐蕃孛攵论赞刃、突厥可汗俀子等于泠泉及大岭,各三万馀人,碎叶镇守使韩思忠破泥熟俟斤等万馀人。
  72. ^ 《旧唐书·本纪·卷六》:秋八月,梁王武三思劝率诸蕃酋长奏请大征敛东都铜铁,造天枢于端门之外,立颂以纪上之功业。
  73. ^ 《资治通鉴·唐纪二十一》:天枢成,高一百五尺,径十二尺,八面,各径五尺。下为铁山,周百七十尺,以铜为蟠龙麒麟萦绕之;上为腾云承露盘,径三丈,四龙人立捧火珠,高一丈。工人毛婆罗造模,武三思为文,刻百官及四夷酋长名,太后自书其榜曰“大周万国颂德天枢”。
  74. ^ 《旧唐书·礼仪志》:时则天又于明堂后造天堂,以安佛像,高百余尺。始起建构,为大风振倒。俄又重营,其功未毕。证圣元年正月丙申夜,佛堂灾,延烧明堂,至曙, 二堂并尽。寻时又无云而雷,起自西北。
  75. ^ Thuộc khu vực Triều Dương, Liêu Ninh hiện nay
  76. ^ Thuộc khu vực Thạch Gia Trang, Hà Bắc hiện nay
  77. ^ Tân Đường thư, quyển 198
  78. ^ 《旧唐书》:天授元年,于东都创置武氏七庙,追尊周文王为始祖文皇帝,王子武为睿祖康皇帝,云武氏之先也。后五代祖赠太原靖王居常为严祖成皇帝,高祖赠赵肃恭王克己为肃祖章敬皇帝,曾祖赠魏康王俭为烈祖昭安皇帝,祖赠周安成王华为显祖文穆皇帝,考忠孝太皇为太祖孝明高皇帝,妣皆随帝号曰皇后。元庆为梁宪王,元爽为魏德王。又追封伯父及兄弟俱为王,诸姑姊为长公主。于是封承嗣为魏王,元庆子夏官尚书三思为梁王,后从父兄子纳言攸宁为建昌王,太子通事舍人攸归为九江王,司礼卿重规为高平王,左卫亲府中郎将载德为颍川王,右卫将军攸暨为千乘王,司农卿懿宗为河内王,左千牛中郎将嗣宗为临川王,右卫勋二府中郎将攸宜为建安王,尚乘直长攸望为会稽王,太子通事舍人攸绪为安平王,攸止为恒安王。又封承嗣男延基为南阳王,延秀为淮阳王,三思男崇训为高阳王,崇烈为新安王,后兄子赠陈王承业男延晖为嗣陈王,延祚为咸安王。
  79. ^ 《资治通鉴·唐纪二十一》:户婢团儿为太后所宠信,有憾于皇嗣,乃谮皇嗣妃刘氏、德妃窦氏为厌咒。癸巳,妃与德妃朝太后于嘉豫殿,既退,同时杀之,瘗于宫中,莫知所在。皇嗣畏忤旨,不敢言,居太后前,容止自如。团儿复欲害皇嗣,有言其情于太后者,太后乃杀团儿。……甲寅,前尚方监裴匪躬、内常侍范云仙坐私谒皇嗣,腰斩于市。自是公卿以下皆不得见。
  80. ^ Cựu Đường thư, quyển 89
  81. ^ a ă â Tư trị thông giám, quyển 207
  82. ^ Cựu Đường thư, quyển 86
  83. ^ Tân Đường thư, quyển 81
  84. ^ Tân Đường thư, quyển 4
  85. ^ 《舊唐書·卷二百七·唐紀二十三》: 太后寢疾,居長生院,宰相不得見者累月,惟張易之、昌宗侍側。疾少間,崔玄暐奏言:「皇太子、相王,仁明孝友,足侍湯藥。宮禁事重,伏願不令異姓出入。」太后曰:「德卿厚意。」易之、昌宗見太后疾篤,恐禍及己,引用黨援,陰爲之備。屢有人爲飛書及榜其事於通衢,云「易之兄弟謀反」,太后皆不問。 辛未,許州人楊元嗣,告「昌宗嘗召術士李弘泰占相,弘泰言昌宗有天子相,勸於定州造佛寺,則天下歸心。」太后命韋承麇慶及司刑卿崔神慶、御史中丞宋璟鞫之。神慶,神基之弟也。承慶、神慶奏言:「昌宗款稱『弘泰之語,尋已奏聞」,准法首原;弘泰妖言,請收行法。」璟與大理丞封全禎奏:「昌宗龐榮如是,復召術士占相,志欲何求!弘泰稱筮得純《乾》,天子之卦。昌宗倘以弘泰爲妖妄,何不即執送有司!雖雲奏聞,終是包藏禍心,法當處斬破家。請收付獄,窮理其罪!」太后久之不應,璟又曰:「儻不即收系,恐其搖動眾心。」太后曰:「卿且停推,俟更檢詳文狀。」璟退,左拾遺江都李邕進曰:「向觀宋璟所奏,志安社稷,非爲身謀,願陛下可其奏。」太后不聽。尋敕璟揚州推按,又敕璟按幽州都督屈突仲翔贓污,又敕璟副李嶠安撫隴、蜀;璟皆不肯行,奏曰:「故事,州縣官有罪,品高則侍御史、卑則監察御史按之,中丞非軍國大事,不當出使。今隴、蜀無變,不識陛下遣臣出外何也?臣皆不敢奉制。」 司刑少卿桓彥范上疏,以爲:「昌宗無功荷寵,而包藏禍心,自招其咎,此乃皇天降怒;陛下不忍加誅,則違天不祥。且昌宗既雲奏訖,則不當更與弘泰往還,使之求福禳災,是則初無悔心;所以奏者,擬事發則雲先已奏陳,不發則俟時爲逆。此乃奸臣詭計,若雲可捨,誰爲可刑!況事已再發,陛下皆釋不問,使昌宗益自負得計,天下亦以爲天命不死,此乃陛下養成其亂也。苟逆臣不誅,社稷亡矣。請付鸞臺鳳閣三司,考竟其罪!」疏奏,不報。 崔玄暐亦屢以爲言,太后令法司議其罪。玄□弟司刑少卿忭,處以大辟。宋璟復奏收昌宗下獄。太后曰:「昌宗已自奏聞。」對曰:「昌宗爲飛書所逼,窮而自陳,勢非得已。且謀反大逆,無容首免。若昌宗不伏大刑,安用國法!」太后溫言解之。璟聲色逾厲曰:「昌宗分外承恩,臣知言出禍從,然義激於心,雖死不恨!」太后不悅,楊再思恐其忤旨,遽宣敕令出,璟曰:「聖主在此,不煩宰相擅宣敕命!」太后乃可其奏,遣昌宗詣台,璟庭立而按之;事未畢,太后遣中使召昌守特敕赦之。璟歎曰:「不先擊小子腦裂,負此恨矣!」太后乃使昌宗詣璟謝,璟拒不見。 左台中丞桓彥范、右台中丞東光袁恕己共薦詹事司直陽嶠爲御史。楊再思曰:「嶠不樂搏擊之任如何?」彥范曰:「爲官擇人,豈必待其所欲!所不欲者,尤須與之,所以長難進之風,抑躁求之路。」乃擢爲右台侍御史。嶠,休之之玄孫也。 先是李嶠、崔玄暐奏:「往屬革命之時,人多逆節,遂致刻薄之吏,恣行酷法。其周興等所劾破家者,並請雪免。」司刑少卿桓彥范又奏陳之,表疏前後十上,太后乃從之。 中宗大和大聖大昭孝皇帝上
  86. ^ 《舊唐書·卷二百七·唐紀二十三》: 癸卯,柬之、玄□、彥范與左威衞將軍薛思行等,帥左右羽林兵五百餘人至玄武門,遣多祚、湛及內直郎、駙馬都尉安陽王同皎詣東宮迎太子。太子疑,不出,同皎曰:「先帝以神器付殿下,橫遭幽廢,人神同憤,二十三年矣!今天誘其衷,北門、南牙,同心協力,以今日誅凶豎,復李氏社稷,願殿下暫至玄武門,以副眾望。」太子曰:「凶豎誠當夷滅,然上體不安,得無驚怛!諸公更爲後圖。」李湛曰:「諸將相不顧家族以徇社稷,殿下奈何欲納之鼎鑊乎!請殿下自出止之。」太子乃出。同皎扶抱太子上馬,從至玄武門,斬關而入。太后在迎仙宮,柬之等斬易之、昌宗於廡下,進至太后所寢長生殿,環繞侍衞。太后驚起,問曰:「亂者誰邪?」對曰:「張易之、昌宗謀反,臣等奉太子令誅之,恐有漏洩,故不敢以聞。稱兵宮禁,罪當萬死!」太后見太子曰:「乃汝邪?小子既誅,可還東宮!」彥范進曰:「太子安得更歸!昔天皇以愛子托陛下,今年齒已長,久居東宮,天意人心,久思李氏。群臣不忘太宗、天皇之德,故奉太子誅賊臣。願陛下傳位太子,以順天人之望!」李湛,義府之子也。太后見之,謂曰:「汝亦爲誅易之將軍邪?我於汝父子不薄,乃有今日!」湛慚不能對。又謂崔玄暐曰:「他人皆因人以進,惟卿朕所自擢,亦在此邪?」對曰:「此乃所以報陛下之大德。」。於是收張昌期、同休、昌儀等,皆斬之,與易之、昌宗梟首天津南。是日,袁恕己從相王統南牙兵以備非常,收韋承慶、房融及司禮卿崔神慶繫獄,皆易之之黨也。初,昌儀新作第,甚美,逾於王主。或夜書其門曰:「一日絲能作幾日絡?」滅去,復書之,如是六七。昌儀取筆注其下曰:「一日亦足。」乃止。
  87. ^ 《舊唐書·本紀第六》: 甲辰,皇太子監國,總統萬機,大赦天下。是日,上傳皇帝位於皇太子,徙居上陽宮。戊申,皇帝上尊號曰則天大聖皇帝。
  88. ^ Academia Sinica-Chuyển hoán Trung Tây lịch
  89. ^ 《新唐書·卷七十六》: 是歲,后崩,年八十一。遺制稱則天大聖皇太后,去帝號。謚曰則天大聖后,祔乾陵。
  90. ^ 《舊唐書·本紀第六》: 冬十一月壬寅,則天將大漸,遺制祔廟、歸陵,令去帝號,稱則天大聖皇后;其王、蕭二家及褚遂良、韓瑗等子孫親屬當時緣累者,咸令復業。是日,崩于上陽宮之仙居殿,年八十三,諡曰則天大聖皇后。二年五月庚申,祔葬於乾陵。
  91. ^ Tình tiết bất ngờ về thân thế Võ Tắc Thiên | Thâm cung | Kienthuc.net.vn
  92. ^ 伪临朝武氏者,性非和顺,地实寒微。昔充太宗下陈,曾以更衣入侍。洎乎晚节,秽乱春宫。潜隐先帝之私,阴图后房之嬖。入门见嫉,蛾眉不肯让人。掩袖工谗,狐媚偏能惑主。践元后于翚翟,陷吾君于聚麀。加以虺蜴为心,豺狼成性。近狎邪僻,残害忠良。杀姊屠兄,弑君鸩母。人神之所同嫉,天地之所不容。犹复包藏祸心,窥窃神器。君之爱子,幽在别宫。贼之宗盟,委以重任。呜呼!霍子孟之不作,朱虚侯之已亡。燕啄皇孙,知汉祚之将尽;龙漦帝后,识夏庭之遽衰。敬业皇唐旧臣,公侯冢子。奉先君之成业,荷本朝之厚恩。宋微子之兴悲,良有以也。袁君山之流涕,岂徒然哉!是用气愤风云,志安社稷,因天下之失望,顺宇内之推心,爰举义旗,以清妖孽。南连百越,北尽三河。铁骑成群,玉轴相接。海陵红粟,仓储之积靡穷。江浦黄旗,匡复之功何远!班声动而北风起,剑气冲而南斗平。喑呜则山岳崩颓,叱吒则风云变色。以此制敌,何敌不摧?以此图功,何功不克?公等或居汉地,或协周亲,或膺重寄于话言,或受顾命于宣室。言犹在耳,忠岂忘心。一抔之土未干,六尺之孤何托?倘能转祸为福,送往事居,共立勤王之勋,无废大君之命,凡诸爵赏,同指山河。若其眷恋穷城,徘徊歧路,坐昧先机之兆,必贻后至之诛。请看今日之域中,竟是谁家之天下
  93. ^ 《新唐书·卷七十六·列传第一》:初,诏旨到,后再拜曰:“陛下万年!昭仪承恩,死吾分也。”至良娣,骂曰:“武氏狐媚,翻覆至此!我后为猫,使武氏为鼠,吾当扼其喉以报。”后闻,诏六宫毋畜猫。
  94. ^ 《唐诗纪事》:天授二年腊,卿相欲诈花发,请幸上苑,有所谋也。许之,寻疑有异图,乃遣使宣诏云云。于是凌晨名花布苑,群臣咸服其异。
  95. ^ 《控鹤监秘记》:武后怒曰:“朕曲予宽容,犹不一律遵旨着花,殊堪痛恨,上苑中岂容栽此玩旨花卉,岂能更容此花,将牡丹掘起,解赴洛阳,着节度使每岁采贡丹皮若干,以供药料,亦使牡丹永受剥皮之创。”而由是洛阳牡丹日渐滋生,以志盛。
  96. ^ “Chuyện trả thù kinh hãi của nữ hoàng dâm tặc”. Báo điện tử Người đưa tin. Truy cập 21 tháng 3 năm 2015.

Đọc thêm

  • Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc.
  • Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương, Lịch sử Trung Quốc 5000 năm.
  • Cựu Đường thư
  • Tân Đường thư
  • Tư trị thông giám

(Nguồn: Wikipedia)