Trương Minh Giảng (chữ Hán: 張明講[1]; ?-1841) là một danh thần nhà Nguyễn. Ông được đánh giá là một người "văn võ song toàn", là công thần bậc nhất của nhà Nguyễn, vừa là một võ tướng vừa là một sử gia, từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán.

Tiểu sử

Năm sinh của ông không rõ, chỉ biết ông là người làng Hạnh Thông, huyện Bình Dương, trấn Gia Định. Thân phụ của ông là Lễ bộ Thượng thư Trương Minh Thành (Thành Tín hầu).

Sự nghiệp

Ông đỗ cử nhân năm Kỷ Mão 1819, được bổ chức Tư vụ, dần thăng tới Lang trung bộ Binh, rồi đổi sang bộ Hình. Năm 1829 ông thăng chức Tham tri, được phái vào Nam công cán ở Gia Định, khi đổi về kinh ông làm Tả tham tri bộ Hộ, không lâu sau được thăng lên Thượng thư bộ Hộ, kiêm quản Khâm thiên giám.

Năm 1832, ông cùng với Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực biên soạn bộ Liệt Thánh Thực Lục. Cũng thời gian này, ông giữ chức Tổng tài Quốc sử quán, chủ trì việc biên soạn bộ Đại Nam thực lục chính biên.

Năm Quý Tị 1833, Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm giữ thành Gia Định (bấy giờ được đổi tên là thành Phiên An, còn gọi là thành Bát Quái hay thành Quy). Trương Minh Giảng được sung chức Tham tán quân vụ, cùng Thảo nghịch tướng quân Phan Văn Thúy đem quân vào dẹp loạn Lê Văn Khôi. Dựa vào thành cao hào sâu, quân Lê Văn Khôi cố thủ hữu hiệu, mãi 2 năm sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi mới bị dập tắt.

Lãnh thổ bảo hộ Chân Lạp 1818-1863

Do công thắng trận, Trương Minh Giảng được vua Minh Mạng khen thưởng một tấm bài bằng ngọc và tiền phi long bằng vàng.

Trong lúc đó, do Lê Văn Khôi cho người cầu viện Xiêm. Quân Xiêm do các tướng Chao Phraya Bodin và PhraKlang chỉ huy tiến vào xâm phạm lãnh thổ Đại Nam, ông cùng Nguyễn Xuân đẩy lui được quân Xiêm, được tấn phong tước "Bình Thành Nam". Nhân thắng lợi, Trương Minh Giảng cùng Trần Văn Năng đánh đuổi quân Xiêm, giúp Chân Lạp thu phục lại thành Nam Vang, được gia phong tước Bình Thành bá. Rất nhanh chóng sau đó, ông được phong hàm Hiệp biện đại học sĩ, lãnh chức Tổng đốc An Giang.

Không lâu sau, ông lại được phong hàm Đông các đại học sĩ, kiêm chức Bảo hộ Cao Miên.

Năm 1835, vua Chân Lập Ang Chan mất mà không có con trai nối dõi, theo lời khuyên của Trương Minh Giảng, vua Minh Mạng cho đổi đất Chân Lạp thành Trấn Tây thành, sáp nhập vào Đại Nam. Do công lao trấn giữ Trấn Tây thành, năm 1838, khi triều đình dựng bia võ công, tên ông được khắc hàng đầu đặt trong Võ miếu Huế. Như vậy, Trương Minh Giảng là vị tướng quân có uy quyền cao nhất Đại Nam lúc đương thời.

Dấu ấn triện Trấn Tây tướng quân chi ấn (鎭西將軍之印) kích cỡ 90x90, đóng vào tấu chương của hội đồng tướng quân Trấn Tây ngày 7 tháng 9 năm Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh 19 (1838).

Trong thời gian làm Trấn Tây tướng quân, kiêm Tổng đốc An - Hà, Trương Minh Giảng gặp phải sự nhiều phản kháng từ người Chân Lạp. Bên cạnh đó, Xiêm cho tướng quân là Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) chiếm đóng các vùng phía Tây Chân Lạp để tranh giành ảnh hưởng. Các anh em của vua Ang Chan là Ang Em, Ang Duong được Xiêm hỗ trợ, liên tục tấn công quân Đại Nam đóng ở Trấn Tây.

Suốt thời gian làm Đại tướng quân trấn thủ Trấn Tây, Trương Minh Giảng và Chất Tri liên tục tranh giành ảnh hưởng và đối đầu. Đây có thể xem là cuộc giằng co giữa hai vị đại tướng có quyền lực nhất ở hai nước Việt - Xiêm lúc bấy giờ trên đất Chân Lạp.

Năm 1841, Minh Mạng qua đời, Thiệu Trị lên nối ngôi. Thiệu Trị không có nhiều tham vọng về lãnh thổ như vua cha.

Lúc bấy giờ, tình hình Trấn Tây đang rối ren vì gặp phải sự chống đối mãnh liệt của người Chân Lạp (Cao Miên), vua Thiệu Trị sau khi bàn bạc với quan lại trong triều đã quyết định rút quân, bỏ Trấn Tây thành (tức Phnom Penh ngày nay) và toàn bộ Trấn Tây, phục hồi vương quốc Cao Miên. Trương Minh Giảng phải theo lệnh rút quân về trấn thủ An Giang.

Sách Đại Nam thực lục ghi:

Sai các đại thần bàn rõ về công việc nên làm ở Trấn Tây. Ngoài thành Trấn Tây đều bị bọn giặc ngăn chặn, quan quân chỉ ở trong thành và các đồn chung quanh đóng quân để chống giữ mà thôi. Triều đình thường thúc giục đem quân ra đánh, nhưng cứ cho là gian hiểm quan ngại, kiếm cớ từ chối. Nhiều lần ban chiếu thư xuống nghiêm trách, bọn Trương Minh Giảng chỉ dâng sớ tạ tội mà thôi. Đại thần viện Cơ mật vâng Chỉ vua, viết thư gửi cho các quan ở tỉnh hạt ấy, đại ý nói: “Nay cứ giữ thành hạt có thể giữ được vô sự, hay là đợi tên Yểm trở về, cho nó đi chiêu dụ các thổ dân, trong hai kế ấy, nên làm kế nào ? Hoặc là nay tạm hãy lui quân về giữ tỉnh An Giang, chuyên đi tiễu diệt hai ngả An Giang và Hà Tiên, còn bọn giặc chỗ khác để sau sẽ liệu”.

Đến đây, bọn Phạm Văn Điển, Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Công Nhàn và Cao Hữu Dực dâng tập tâu mật nói: “Trước đây xin tha cho tên Yểm về, tưởng cũng là một cơ hội để cho nó đi chiêu phủ bọn thổ dân. Nhưng từ khi tên Yểm được tha về, không thể tự lập được, cũng chỉ dựa vào ta cả, nếu không dùng đến đại binh thì không bao giờ xong việc, mà biền binh thì khó nhọc đã lâu, số người bị ốm đau mỗi ngày thêm nhiều. Cứ giữ mãi thành không, chỉ tổn hại, chứ không ích gì. Xin rút hết quân về tỉnh An Giang, để cho binh lính được đỡ nhọc, mà dân ở Nam Kỳ cũng được nghỉ ngơi”.

Tập tâu này được giao xuống cho văn võ đại thần họp bàn. Bọn Tạ Quang Cự, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Tăng Minh, Vũ Xuân Cẩn, Trương Đăng Quế, Lê Đăng Doanh, Hà Duy Phiên, Nguyễn Trung Mậu, Phan Bá Đạt, Doãn Uẩn và Phan Thanh Giản đều nói: “Hiện nay, sang thu, nước lớn, đường đi không thông đồng, nếu dùng binh thì lương vận không tiếp tục được, mà đóng đấy để giữ thì chỉ khó nhọc hão mà không có công trạng gì. Bọn chúng tôi đã tính đi tính lại vài ba lần, cũng không có kế sách gì hơn nữa. Chi bằng hãy tạm rút quân về An Giang, để cho vững mạnh bờ cõi căn bản của ta. Rồi sau sẽ nhân thời thế mà làm, đợi cơ hội mà hành động là hơn cả. Duy có, trong khi rút quân về, bọn Kinh lược, Tướng quân phải trấn tĩnh, chia quan quân đóng giữ các nơi, chọn đất cho bọn tên Yểm, Ngọc Vân, Ngọc Thu, Ngọc Nguyên cùng là nhân dân người Kinh và người Thổ được ở yên. Còn như các thớt voi nếu không đưa về được thì cho đem mổ thịt để khao quân lính”.

Vua cho rằng từ khi Trấn Tây có việc binh đao đến giờ, sáu tỉnh Nam Kỳ, binh và dân đều nhọc mệt, triều đình cũng khó nhọc tổn phí không biết đâu mà kể, ý đã chán việc binh đao, vả lại sang năm sau có việc tuần du ra Bắc, hãy tạm xếp việc Trấn Tây lại không nghĩ đến, cũng chẳng hại gì, mới dụ rằng: “Sự thế hiện nay buộc phải như thế, chuẩn cho theo lời bàn mà làm. Các viên từ Kinh lược, Tướng quân cho đến Tán lý và Hiệp lý không làm được công trạng gì, đều giao cho bộ Hình nghiêm ngặt nghị tội từng viên có khác nhau”.

Tháng 9 năm Tân Sửu 1841, quan quân Đại Nam từ Trấn Tây rút về tới An Giang, Trương Minh Giảng vốn là người chỉ huy cao nhất của Đại Nam ở Trấn Tây, nay lại phải theo lệnh rút binh, khó tránh cảm thấy xấu hổ. Chưa hết, triều đình còn cho rằng ông không làm tròn bổn phận, không dẹp yên nổi loạn, hao tốn tiền bạc. Đã vậy, sợ tốn kém tiền bạc lúc rút quân về An Giang, triều đình còn chỉ dụ cho quân lính giết voi ngựa để ăn. Trương Minh Giảng thấy quá hổ thẹn, không chịu gặp mặt các quan lại khác. Sau đó ông uất ức quá mà qua đời. Vua Thiệu Trị nghe tin ấy, không những không thương xót mà lại thêm tức giận, bèn truy xét thêm tội trạng, tịch thu lại chức tước, bổng lộc. Sách Đại Nam thực lục ghi:

Tháng 9, quan quân ở Trấn Tây rút về đóng giữ ở tỉnh An Giang. Ngày hôm ấy, Trương Minh Giảng chết. Trước đây, công việc sửa sang ở Trấn Tây, công của Minh Giảng nhiều hơn cả. Đến đây, rút quân về, trong lòng uất ức, vừa xấu hổ vừa tức bực, cáo ốm không tiếp các tướng hiệu, về đến An Giang thì chết. Bọn Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ đem việc Giảng ốm chết tâu lên.

Vua nghe tin Giảng chết, phán rằng: “Giảng đảm đương sự ký thác nặng nề, chỉ vì việc trị dân và chống giặc không đúng phương pháp, cho nên thổ dân cùng nổi lên làm loạn, để triều đình phải bận đến việc phái quân đi tiễu bắt, đã lâu ngày mà chưa xong việc. Đã giao cho bộ nghiêm ngặt nghị tội. Không ngờ đại binh vừa mới về đến nơi, đã ốm chết rồi. Ta nghĩ: Giảng năm trước đây, làm Tham tán quân vụ, khiến giặc ở Biên Hoà và Vĩnh Long sợ mất vía, lại đánh được quân Xiêm ở Thuận Cảng. Công trạng rõ rệt, khắc vào bia đá cũng không thể mất được. Chuẩn cho truy đoạt lại chức Trấn Tây Tướng quân, để cho rõ tội, nhưng gia ơn cho chiếu theo phẩm hàm Đại học sĩ mà cấp cho tiền tuất; lại thưởng cho 5 cây gấm Trung Quốc, 5 cây sa các màu, 20 tấm lụa, 30 tấm vải và 1 000 quan tiền, tha cho không phải truy nghị tội nữa. Lại thu lại lương bổng hàm thất phẩm chi cho con trai là Trương Minh Thi khi trước.

Không chỉ trách tội Trương Minh Giảng, vua Thiệu Trị sau này còn đổ hết tội lỗi cho ông:

Vua thân dụ rằng: “Cõi xa ở phía tây nam, đời cổ gọi là Thuỷ Chân Lạp, Lục Chân Lạp, sau hợp làm một nước Cao Miên, truyền đến 12 đời, đều làm tôi thờ bản triều. [Bản triều] hậu gia vun trồng cho, không việc gì là không chu đáo. Huống chi, khi nước Xiêm La ăn hiếp, thì [quan quân] đuổi đi cho; khi nước Đồ Bà lại xâm lấn, và những khi các tù trưởng người Mên đến Nam Kỳ nương tựa, thì các tiên đế ta rộng ra ơn huệ, xây dựng lại cho và tỏ được cái đức vỗ yên các nước nhỏ. Rồi đến Nặc Ong Chăn một lòng kính thuận, nghìn dặm lặn suối trèo non, Hoàng tổ Thế tổ Cao hoàng đế ta phong cho làm Cao Miên quốc vương, đời giữ chức cống. Năm Gia Long Tân Mùi [1811], nước Xiêm La lại cậy mạnh hiếp yếu, Ong Chăn sợ chạy, đến nương náu ở tỉnh Gia Định, mang cái roi đến xin chịu tội, ngậm cỏ cầu ơn. Hoàng tổ ta sai Thượng tư bộ Binh Ngô Nhân Tĩnh đem vạn quân đến sát cõi, truyền hịch đẩy lùi được người Xiêm; Ong Chăn lại trở về nước cũ. Năm Minh Mệnh Quý Tỵ [1833], người Xiêm La 3 lần lại xua đuổi; Ong Chăn bôn ba đến tỉnh Vĩnh Long, chiếc thân nương tựa. Hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ta sai bọn Bình khấu tướng quân Lương Tài hầu Trần Văn Năng đánh tan người Xiêm La, đón phiên vương về nước. Chưa bao lâu, Ong Chăn chết, chỉ có con gái là Ngọc Vân lên nối ngôi nhưng không thể trông coi được việc nước. Liêu thuộc phiên xin mệnh lệnh ở triều đình, được đội ơn vua phong Ngọc Vân làm Cao Miên quận chúa để giữ lấy cơ nghiệp. Rồi [Hoàng khảo ta] sai Trương Minh Giảng lưu trấn đất ấy, để vỗ về dân Mên. Các con gái phiên vương cũng đều được phong làm huyện quân; các người Phiên mục cũng đều được bổ cho quan chức. Liêu thuộc Phiên lại xin đổi thổ quan mà bổ lưu quan đến. Nhân đó đặt tên là thành Trấn Tây. Khi ấy đã không có nước Cao Miên rồi, mới đổi phong Ngọc Vân là Mỹ Lâm quận chúa. Ân trạch của triều đình chu chuân biết là chừng nào ! Thế mà quan ngoài biên là Trương Minh Giảng và Dương Văn Phong lại chấp nhặt những việc nhỏ trong tờ thư để lại, gây ra mối hiềm khích. Không ngờ cái tính cầm thú khó dạy, cái thói rợ mọi hung tợn, cắn trả lại, đưa đến chỗ mở cửa rước giặc, cùng bọn giặc Xiêm dựa dẫm nhau ! Năm Canh Tý [1840], sinh sự ở chốn biên thuỳ, giở giáo can phạm mệnh lệnh, chợt lại xảy ra việc to ! Vừa lúc ta mới lên ngôi, đức hoá chưa ban, ân uy chưa khắp, ngoài thì người Chân Lạp chưa bị tội cứ nấp quân nơi bụi rậm, trong thì phủ Ba Xuyên, phủ Lạc Hoá, bắt chước mà để quân trong rừng ? Sợ hãi khôn xiết, ta tự xét mình để trù tính công việc, kíp lo toan công việc ngoài biên. Bọn Minh Giảng giữ không một chỗ đất hoang, không biết làm thế nào, dâng sớ tự kể tội mình, xin rút quân về. Việc giao xuống cho đình thần bàn. Họ đều nói: hãy tạm cho yên, xin triệt quân về để nghỉ ngơi. Ta nghĩ: làm việc khó, trước phải tính việc dễ, yên mình rồi mới lo đến người. Hai phủ Ba Xuyên, Lạc Hoá thứ đệ dẹp yên, nước Chân Lạp, thành Trấn Tây lại mở mang ra cũng chưa lấy gì làm muộn. Hãy tạm y lời xin, triệt quân ở An Giang về, rồi lại trù tính sẽ bàn.

Tưởng niệm

Mộ Trương Minh Giảng tại hẻm 82/5 Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Do bị vua Thiệu Trị trách phạt và tịch thu toàn bộ bổng lộc của con cháu nên sau khi mất, mộ phần Trương Minh Giảng không được chăm sóc tốt như các quan khác dù rằng tước vị của ông lúc mất là Bình Thành bá và là vị tướng uy quyền nhất Đại Nam. Mộ phần của ông và cha là Thành Tín hầu Trương Minh Thành hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh đang trở nên hoang tàn và bị chiếm dụng[2].

Trước năm 1975, ở Sài Gòn có đường mang tên Trương Minh Giảng, sau đó, đổi tên thành Lê Văn Sỹ. Ở Đà Nẵng hiện nay cũng có đường mang tên Trương Minh Giảng.

Trương Minh Giảng cũng được hậu thế tôn vinh tại di tích nhà thờ họ Trương Việt Nam thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Đền Trương là nơi thờ những người họ Trương đã khuất tại ban thờ công đồng,[3] trong hậu cung có tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế (Trương Hữu Nhân) và 14 danh nhân họ Trương tiêu biểu nhất thời phong kiến ở 3 miền Việt Nam gồm: Ban văn thờ Thái phó Trương Hán Siêu, Trạng nguyên Trương Hanh, Trạng nguyên Trương Xán, Thượng thư Trương Công Giai, Thái sư Trương Đăng Quế, Đông các học sĩ Trương Quốc Dụng, Thượng thư Trương Công Hy. Ban võ thờ Tướng Trương Hống, Tướng Trương Hát, Tướng Trương Nữu, Tăng lục võ sư Trương Ma Ni, Tướng Trương Chiến, Đại tướng quân Trương Minh Giảng và Anh hùng Trương Công Định.

Hậu duệ

Theo Đại Nam thực lục thì Trương Minh Giảng chắc chắn có một người con trai tên Trương Minh Thi. Chưa rõ các hậu duệ khác của ông.

Còn một người có chung tổ tiên với Trương Minh Giảng (đời thứ 3) là Trương Minh Ký (đời thứ 5). Ông Ký là một nhà giáo, báo, nhà văn hóa Việt Nam có tiếng vào cuối thế kỉ 19.

Chú thích

  1. ^ Việt Nam sử lược/Quyển II/Cận kim thời đại/Chương III
  2. ^ “Thăm mộ cha con Trương Minh Giảng ở Sài Gòn”. 
  3. ^ XÂY DỰNG NHÀ THỜ HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM LÀ ĐỂ LẠI MỘT CÔNG TRÌNH TÂM LINH MUÔN ĐỜI CHO CON CHÁU MAI SAU[liên kết hỏng]

Xem thêm

  • Lê Văn Khôi

(Nguồn: Wikipedia)