Thiệu Trị 紹治 | |||
---|---|---|---|
Vua Việt Nam (chi tiết...) | |||
Hoàng đế Đại Nam | |||
Trị vì | 11 tháng 2 năm 1841 – 4 tháng 10 năm 1847 (6 năm, 235 ngày) | ||
Tiền nhiệm | Minh Mạng | ||
Kế nhiệm | Tự Đức | ||
Thông tin chung | |||
Thê thiếp | Nghi Thiên Chương hoàng hậu Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm Thục phi Nguyễn Thị Xuyên Lương phi Vũ Thị Viên Đức tần Nguyễn Thị Huyên Và một số bà khác.... | ||
Hậu duệ |
| ||
Tên húy | Nguyễn Phúc Miên Tông (阮福綿宗) | ||
Niên hiệu | Thiệu Trị (紹治;: 1841 - 1847) | ||
Thụy hiệu | Chương Hoàng đế (章皇帝) | ||
Miếu hiệu | Hiến Tổ (憲祖) | ||
Triều đại | Nhà Nguyễn | ||
Hoàng gia ca | Đăng đàn cung | ||
Thân phụ | Minh Mạng | ||
Thân mẫu | Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa | ||
Sinh | 16 tháng 6 năm 1807 Huế, Việt Nam | ||
Mất | 4 tháng 10, 1847 (40 tuổi) Huế, Đại Nam | ||
An táng | Xương Lăng | ||
Tôn giáo | Nho giáo, Phật giáo |
Thiệu Trị (chữ Hán: 紹治; 16 tháng 6 năm 1807 – 4 tháng 10 năm 1847), tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông (阮福綿宗), là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1841 đến khi qua đời năm 1847, được truy tôn miếu hiệu là Hiến Tổ (憲祖).
Thân thế
Thiệu Trị tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông (阮福綿宗), ngoài ra còn có tên khác là Nguyễn Phúc Tuyền (阮福暶) và Dung. Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão, tức 16 tháng 6 năm 1807, tại Huế. Mới 13 ngày sau khi sinh hạ Miên Tông, Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa qua đời, Miên Tông được bà nội là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu chăm sóc và nuôi dưỡng.
Trị vì
Khi vua Minh Mạng qua đời, Nguyễn Phúc Miên Tông được di mệnh nối ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Vua Thiệu Trị lên ngôi ngày 20 tháng 1 năm Tân Sửu tức 11 tháng 2 năm 1841 ở điện Thái Hòa, vừa đúng 34 tuổi.
Phần nhiều sử sách nhận định vua Thiệu Trị là một người hiền hoà, siêng năng cần mẫn nhưng không có tính hoạt động như vua cha. Mọi định chế pháp luật, hành chính, học hiệu, điền địa và binh bị đều được sắp đặt khá quy củ từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị chỉ áp dụng theo các định lệ của vua cha, ít có sự cải cách, thay đổi gì mới. Quan lại lúc bấy giờ có Trương Đăng Quế, Lê Văn Đức, Doãn Uẩn, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Tiếp ra sức phò tá.
Tuy nhiên, cũng nên hiểu rằng những cuộc chiến tranh, nổi dậy thời Thiệu Trị đa phần là do hậu quả từ thời vua Minh Mạng để lại.
Văn chương
Thiệu Trị cũng nổi tiếng là một vị vua thi sĩ, có để lại rất nhiều bài thơ, nổi tiếng nhất là 2 bài thơ chữ Hán có tên là Vũ Trung Sơn Thủy (Cảnh trong mưa) và Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm (Đêm thơ ở Phước Viên). Cả hai bài không trình bày theo lối thường mà viết thành 5 vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có một số chữ, đếm mỗi bài có 56 chữ, ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú, nhìn vào như một "trận đồ bát quái", vua có chỉ cách đọc và đố là kiếm ra 64 bài thơ trong đó. Hiện nay các nhà ngôn ngữ, học giả đã tìm ra được 128 cách đọc.
Nam Kỳ
Trong năm đầu tiên khi Thiệu Trị lên ngôi, đất Nam Kỳ liên tục nổi lên các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Đa số đều là các cuộc nổi dậy của người dân tộc Khmer. Nguyên nhân đều do chính sách đồng hóa và cai trị hà khắc từ thời Minh Mạng để lại.
Năm 1841, Lâm Sâm khởi binh ở phú Lạc Hóa (nay là Vĩnh Long và Trà Vinh), Sơn Tốt và Trần Lâm nổi dậy ở Ba Xuyên (này là Sóc Trăng), dân Khmer ở Thất Sơn nổi loạn với sự trợ giúp của quân Chân Lạp và Xiêm La.
Triều đình phải vất vả cử binh đi dẹp loạn, tới cuối năm 1842 mới tạm bình định đất Nam Kỳ.
Chân Lạp
Không như vua cha Minh Mạng, Thiệu Trị ít có tham vọng về mở rộng lãnh thổ và khuếch trương thanh thế.
Năm 1841, Thiệu Trị vừa ngôi, thấy tình hình Chân Lạp bất ổn, dân Chân Lạp chống đối quan lại Đại Nam cai trị, còn đất Nam Kỳ liên tiếp có nổi loạn. Nhân có lời tâu của Tạ Quang Cự xin bỏ đất Trấn Tây Thành, rút quân về giữ An Giang. Vua Thiệu Trị liền nghe theo, truyền cho tướng quân trấn thủ Trấn Tây là Trương Minh Giảng rút quân về. Ngoài ra, Thiệu Trị cũng cho bỏ luôn phủ Quảng Biên và huyện Khai Biên (nay thuộc tỉnh Kampot và Sihanoukville).
Nước Cao Miên được lập lại, vua mới là Sá Ong Giun (Ang Duong - em trai của vua cũ Nặc Chăn - Ang Chan II) làm Cao Miên quốc vương, cháu gái là Ngọc Vân (Ang Mey - con gái Ang Chan II) làm Cao Miên quận chúa. Nước Xiêm hùng mạnh thay thế Đại Nam để bảo hộ nước Cao Miên.
Việc làm này cũng đánh dấu sự từ bỏ tham vọng sáp nhập phần lãnh thổ phía Đông Chân Lạp vào bản đồ Đại Nam. Trương Minh Giảng vì việc này mà quá uất ức nên đã sinh bệnh, qua đời khi vừa rút binh về tới An Giang. Thiệu Trị nhân đó lại giáng thêm tội cho Trương Minh Giảng.
Nước Xiêm và Chân Lạp nhân đó tiếp tục gây hấn, xúi giục người dân tộc nổi loạn trong phần đất Nam Kỳ. Năm 1842, quân Xiêm nhân cơ hội Nam Kỳ có loạn, tiến đến tận Vĩnh Tế để phá rối Đại Nam, dẫn đến cuộc chiến Việt - Xiêm lần tiếp theo.
Đến tận năm 1845, sau khi quân Nguyễn tiến công truy đuổi quân Xiêm ngược lên lãnh thổ Cao Miên, hai nước Việt - Xiêm mới ký hòa ước, chấp nhận cùng bảo hộ nước Cao Miên.
Nước Pháp và Đạo Thiên Chúa
Từ khi Thiệu Thị lên ngôi thì việc cấm đạo Thiên Chúa bớt đi, nhưng triều đình vẫn không có cảm tình với Thiên Chúa giáo, và những giáo sĩ ngoại quốc vẫn còn bị giam ở Huế. Có người báo tin đó cho trung tá Pháp là Favin Lévêque coi tàu Héroïne. Trung tá Favin Lévêque đem tàu vào Đà Nẵng xin cho năm người giáo sĩ được tha. Năm Thiệu Trị thứ 5 – Ất Tỵ 1845, có người Giám mục tên Lefèbvre phải án xử tử. Thiếu tướng nước Pháp là Cécile biết, sai quân đem tàu Alcmène vào Đà Nẵng đón Giám mục ra.
Năm Đinh Vị 1847, khi người Pháp biết rằng ở Huế không còn giáo sĩ bị giam nữa, mới sai đại tá De Lapierre và trung tá Rigault de Genouilly đem hai chiếc chiến thuyền vào Đà Nẵng, xin bỏ những chỉ dụ cấm đạo và để cho người trong nước được tự do theo đạo mới.
Khi hai bên còn đang thương nghị về việc này thì quan nước Pháp thấy thuyền của Đại Nam đóng gần tàu của Pháp và ở trên bờ lại thấy có quân đắp đồn lũy, nghĩ rằng có âm mưu bèn phát súng bắn đắm cả những thuyền ấy, rồi nhổ chạy ra biển. Vua Thiệu Trị thấy vậy tức giận, có dụ ra cấm người ngoại quốc vào giảng đạo và trị tội những người trong nước đi theo đạo. Những sự kiện này mở đầu "đường lối ngoại giao pháo hạm" của thực dân Pháp, báo hiệu trước những hành động xâm lược về sau này.
Một vài tháng sau Thiệu Trị lâm bệnh nặng.
Qua đời
Theo sử nhà Nguyễn, con trai trưởng của ông là Nguyễn Phúc Hồng Bảo, một người ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành. Vì vậy khi gọi các quan Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Hiệp vào trăng trối, Thiệu Trị để di chiếu truyền ngôi cho con thứ là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Hồng Bảo được tin đem binh vào, nhưng bị quan Phạm Thế Lịch giữ lại. Một mình Hồng Bảo vào lạy lục vua cha Thiệu Trị, nhưng ông quay mặt đi không trả lời. Hồng Bảo bị Phạm Thế Lịch và Vũ Văn Giải đưa vào hậu cung và giữ ở đó.
Theo sách "Truyện cũ cố đô" của Nguyễn Đắc Xuân, vào đời cháu nội của Nguyễn Phúc Ánh là Nguyễn Phúc Miên Tông làm vua, tức là Thiệu Trị (1841-1847), có sứ giả nhà Thanh đến. Vốn là người hay chữ, Thiệu Trị ra vế đối cho hai hoàng tử là Nguyễn Phúc Hồng Bảo và Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (sau là vua Tự Đức) rằng:
Bắc sứ lai triều
Không cần suy nghĩ, Hồng Bảo đọc ngay:
Tây Sơn phục quốc
Vế đối về chữ nghĩa thì thật chỉnh không thể bắt bẻ nhưng về nội dung thì thật "phản nghịch". Thiệu Trị nghe như sét đánh ngang tai, chỉ mặt Hồng Bảo mắng:
"Tây Sơn mà phục quốc thì còn đâu ngai vàng cho mày nữa!"
Sau đó một phần vì việc này mà Thiệu Trị truất ngôi con trưởng của Hồng Bảo, lập Hồng Nhậm làm thái tử, sau Nhậm trở thành vua Tự Đức.
Thiệu Trị qua đời ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức 4 tháng 11 năm 1847, hưởng thọ 41 tuổi, miếu hiệu là Hiến Tổ(憲祖). Thụy hiệu của ông là Thiệu thiên Long vận Chí thiện Thuần hiếu Khoan minh Duệ đoán Văn trị Vũ công Thánh triết Chương Hoàng đế (紹天隆運至善純孝寬明睿斷文治武功聖哲章皇帝). Sau khi mất, bài vị nhà vua được đưa vào thờ trong Thế Miếu. Lăng của ông là Xương Lăng, tọa lạc tại làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.
Gia quyến
Vợ
Vua Thiệu Trị có rất nhiều vợ. Hoàng hậu của ông là Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu Phạm Thị Hằng, con ngài Lễ bộ thương thư Phạm Đăng Hưng. Lăng của Thái hoàng thái hậu phía trái điện Xương Lăng. Hoàng hậu được tôn thờ tại Hữu Nhất Án tại Thái Miếu trong Đại nội của Kinh thành Huế.
Ngoài ra; ông còn các bà khác:
Phi
- Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm, người An Giang, con của Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhân, tiến cung cùng lúc với bà Nghi Thiên hoàng hậu; nhưng chức tước của cha bà lớn hơn của cha bà Nghi Thiên, nên ban đầu bà ở trên bà Nghi Thiên. Nhưng về sau Nghi Thiên hoàng hậu sinh được 1 hoàng tử và 3 công chúa liên tiếp, còn bà chỉ sinh được một công chúa là Nguyễn Phúc Nhàn Yên; phong hiệu An Thạnh công chúa; nên bà Nghi Thiên được phong Hoàng quý phi, tiếp quản hậu cung, ở trên bà.
- Ý Thuận Thục phi Nguyễn Thị Xuyên (24/7/1808 - 30/9/1885), mộ tại Dương Xuân Thượng, Hương Thủy, Thừa Thiên.
- Lương phi Vũ Thị Viên, người huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên), con gái của Phó vệ úy Vũ Hữu Linh.
Tần
- Đức tần Nguyễn Thị Huyền, là người gốc tỉnh Thừa Thiên, nhưng từ đời ông cố đã vào Gia Định. Bà là con của Khoái Châu quận công Nguyễn Đức Xuyên.
- Đoan tần Trương Thị Hận (16/2/1817 - 2/1/1889), người Tống Sơn, con gái của Vệ úy Minh Đức Hầu Trương Văn Minh, mẹ là bà Vũ Thị Tôn. Tẩm ở Dương Xuân Hạ, Hương Thủy, Thừa Thiên. Đến năm Đinh tị (1917) cải táng về Long Khê, Hương Trà, Thừa Thiên.
- Nhu tần Nguyễn Thị Yên, người Lệ Thủy (Quảng Bình), chị của Thục phi Nguyễn Thị Xuyên.
- Nhàn tần Phan Thị Kháng, người huyện Diên Phước (Quảng Nam), là con gái của Cẩm y vệ hiệu úy Phan Văn Phụng.
- Thuận tần Hoàng Thị Dĩnh, có húy là Tường Vi, người huyện Lệ Thủy, là con gái của Cẩm y thiên bộ Hoàng Văn Quý.
- Quý tần Đinh Thị Hạnh (1807 - 1838), người Gò Công.
Tiệp dư
- Nguyễn Thị Loan
Quý nhân
- Ngô Thị Xuân
Tài nhân
- Phan Thị Thục
- Đỗ Thị Trinh
- Trương Thị Thúy
- Nguyễn Văn Thị Phương
- Trương Thị Lương
- Vũ Thị Duyên
- Phan Thị Vị
- Trần Thị Sâm
- Trương Thị Vĩnh
- Nguyễn Thị Kinh
- Nguyễn Thị Khuê
- Phan Thị Diệu
- Nguyễn Thị Vị
Cung nhân
- Bùi Thị Bút
- Mai Thị Tiêm
- Nguyễn Thị Huệ
- Hồ Thị Ý Nhi
- Nguyễn Thị Hương Nhị
- Nguyễn Thị Thân
- Nguyễn Thị Lệ
Hậu duệ
Vua Thiệu Trị có 64 người con, gồm 29 hoàng tử và 35 công chúa.
Hoàng tử
- An Phong Quận vương Hồng Bảo (安豐郡王洪保; 19 tháng 4 năm 1825 – 1854), con của Quý tần Đinh Thị Hạnh. Ông quá lười học, bị đế sư của Thiệu Trị là Trương Đăng Quế dùng kế "bỏ trưởng lập thứ" dù ông đang sắp làm vua. Vợ ông là Trần Thị Thụy và bốn đứa con (3 trai, 1 gái), hai đứa cháu nội (một trai một gái) đều phải chịu chung số phận với ông.
- Hồng Nhậm (洪任; 22 tháng 9 năm 1829 – 19 tháng 7 năm 1883), tức Tự Đức đế, húy là Thì, con của Nghi Thiên Chương hoàng hậu. Là người có học, nên ông giáo (thầy của cha, tức Trương Đăng Quế) của ông đã nói với vua cha hãy lập ông làm Thái tử. Hồi nhỏ, Trương Đăng Quế rất thương vì ông bị bệnh đậu mùa. Ông có 300 vợ mà không có con. Ông chỉ nuôi ba người con, là con của Thoại Thái vương Hồng Y và Hồng Cai, là Ưng Đăng, Ưng Ái và Ưng Kỷ.
- Thái Thạnh Quận vương Hồng Phó (泰盛郡王洪佚; 20 tháng 4 năm 1833 – 8 tháng 5 năm 1890), thuỵ là Trang Cung (莊恭), con của Tài nhân Trương Thị Thúy. Có 26 con trai, 29 con gái. Con trai thứ 3 là Ung Ngân, lúc đầu được tập phong, sau có tội bị phế làm thứ nhân.
- Thoại Thái vương Hồng Y (瑞太王洪依; 11 tháng 9 năm 1833 - 23 tháng 2 năm 1877), con của Thục phi Nguyễn Thị Xuyên. Thứ thất của ông là Đoan Thục phu nhân Trần Thị Nga, mẹ vua Dục Đức. Ngoài Dục Đức, bà Nga còn sinh ra một người con lớn tuổi hơn tên là Ưng Thịnh, không rõ tên và sự nghiệp.
- Hồng Kiệm (洪儉; 5 Tháng 10 năm 1834 – 28 tháng 5 năm 1842), chết yểu, con của Tài nhân Đỗ Thị Trinh.
- Hoằng Trị vương Hồng Tố (弘治王洪傃; 25 tháng 10 năm 1834 – 18 tháng 9 năm 1922), con của Quý nhân Ngô Thị Xuân. Ông là hoàng tử sống thọ nhất trong số những hoàng tử của vua Thiệu Trị. Khải Định đế đã truy tôn ông làm Hoằng Trị vương, táng tại Hương Thuỷ, Thừa Thiên. Có bốn con trai, 10 con gái.
- Vĩnh Quốc công Hồng Phi (永国公洪伾; 12 Tháng Hai 1835 – 19 tháng 4 năm 1863), con của Tài nhân Nguyễn Văn Thị Phương, chết không có con nối dõi, thụy là Lương Mẫn (良敏).
- Gia Hưng vương Hồng Hưu (嘉兴王洪休; 2 tháng 10 năm 1835 – 9 tháng 5 năm 1885), có tên khác là Hồng Thuyên (洪佺), con của Lương phi Vũ Thị Viên. Sau vì tội thông đồng với người Pháp, lại tội loạn dâm với em gái khác mẹ Phục Lễ công chúa nên bị hạch tội. Năm Thành Thái thứ nhất, khôi phục làm Gia Hưng quận vương, thụy là Cung Túc (恭肅), dựng đền thờ ở huyện Hương Trà. Đến năm Khải Định, tái truy làm Gia Hưng vương.
- Phong Lộc Quận công Hồng Kháng (豐祿郡公洪伉; 5 tháng 5 năm 1837 – 19 tháng 2 năm 1865), con của Đoan tần Trương Thị Hận. Năm Tự Đức thứ 7, mùa xuân, vua ngự thăm nhà Thái học, công theo hầu, vâng lệnh ứng chế 6 bài thơ Thị học. Thụy là Cung Hậu (恭厚), không con thừa tự, lấy Ưng Hiệp - con trai thứ hai của Hiệp Hoà làm con nối, đổi tên thành Ưng Học.
- An Phước Quận vương Hồng Kiện (安福郡王洪健; 6 Tháng 5 năm 1837 – 15 tháng 7 năm 1895), con của Lương phi Vũ Thị Viên. Vương tính tình hào phóng, thường lấy hoa cỏ làm vui, ưa thích văn sĩ, cùng đàm luận thâu canh. Cùng Hải Ninh công Miên Tằng (hoàng tử thứ 42 của Minh Mạng) có thiện cảm, đi lại thân mật. Về già lắm bệnh, thành ra ông mắc bệnh hút thuốc phiện. Qua đời được truy thuỵ là Trang Cung (莊恭), con trưởng Ưng Di tập phong làm An Phước Quận công. Có 12 con trai, 10 con gái.
- Hồng Thiệu (洪佋; 6 Tháng 5 năm 1837 – 12 tháng 9 năm 1837), chết non, con của Tài nhân Trương Thị Lương.
- Tuy Hòa Quận vương Hồng Truyền (綏和郡王洪傳; 3 Tháng 9 năm 1837 – 18 tháng 7 năm 1889), con của Nhu tần Nguyễn Thị Yên. Qua đời được truy thuỵ là Trang Cung (莊恭), con thứ 8 là Ưng Đồng tập phong làm Tuy Hòa Quận công. Có tám con trai, bốn con gái.
- Hồng Bàng (洪傍; 30 tháng 6 năm 1838 – 21 tháng 7 năm 1853), chết trẻ, con của Lương phi Vũ Thị Viên, em cùng mẹ với Gia Hưng vương Hồng Hưu và An Phước Quận vương Hồng Kiện.
- Hồng Sâm (洪傪; 15 tháng 9 năm 1838 – 28 tháng 8 năm 1839), chết non, con của Tài nhân Phan Thị Thục.
- Hồng Trước ? (洪㒂), chết non, không rõ mẹ.
- Hương Sơn Quận công Hồng Nghi (香山郡公洪儗; 5 tháng 8 năm 1839 – 22 tháng 10 năm 1864), con của Tài nhân Vũ Thị Duyên, thụy là Thông Lượng (通諒). Có hai người con gái nhưng không có con trai, vào năm Thành Thái lấy một người con trai trong họ làm thừa tự, đổi tên thành Bửu Lãng.
- Hồng Thị (洪侍; 10 Tháng 1 năm 1839 – 8 Tháng 7 1842), chết yểu, con của Tài nhân Nguyễn Thị Vị.
- Mỹ Lộc Quận công Hồng Tiệp (美祿郡公洪倢; 14 Tháng 3 năm 1840 – 15 tháng 8 năm 1863), con của Tài nhân Trần Thị Sâm. Có một con gái nhưng không có con trai, thụy là Đôn Thân (敦慎).
- Tảo thương
- Hồng Thụ (洪?; 22 tháng 10 năm 1842 – 26 tháng 8 năm 1843), chết non, con của Lương phi Vũ Thị Viên.
- Hồng Kỳ (洪僟; 12 tháng 1 năm 1843 – 19 tháng 5 năm 1843), chết non, con của Thục phi Nguyễn Thị Xuyên, em cùng mẹ với Thoại Thái vương Hồng Y.
- Hồng Thư (洪俆; 20 tháng 11 năm 1843 – 3 tháng 11 năm 1847), chết yểu, con của Thuận tần Hoàng Thị Dĩnh.
- Kỳ Phong Quận công Hồng Đĩnh (奇峰郡公洪侹; 2 tháng 12 năm 1843 – 18 tháng 4 năm 1884), con của Tiệp dư Nguyễn Thị Loan. Khi còn là hoàng tử có tính kiêu túng, vua thường nghiêm trách. Sau vì tự tiện đánh lính canh cửa, bị đoạt 2 năm lương. Năm Kiến Phúc thứ nhất, phần các lễ phát tang và nhận ấn báu tấn quang đều vắng mặt cả nên bị phế làm thứ nhân, đổi theo họ mẹ. Cùng năm đó ông qua đời, thụy là Cung Lượng (恭亮), được gia ơn cho khai phục Phong Hương hầu, tới năm Đồng Khánh thứ nhất mới phục tước Quận công. Có bảy con trai, ba con gái. Con trưởng là Ưng Sung tập phong làm Phong Đình hầu.
- Tảo thương
- Phú Lương Quận công Hồng Diêu (富良郡公洪?; 16 tháng 6 năm 1845 – 5 tháng 7 năm 1875), con của Đức tần Nguyễn Thị Huyên. Được truy thụy là Cung Lượng (恭亮), dựng đền ở đâu không rõ. Có năm con trai năm con gái. Con trưởng là Ưng Ngẫu được tập phong làm Kỳ Ngoại hầu. Năm Đồng Khánh thứ nhất đổi bổ làm Phó quản cơ. Sau can tội vu cáo cho người đi theo giặc để đòi hối lộ nên bị cách chức đổi theo họ mẹ.
- Kiên Thái vương Hồng Cai (堅太王洪侅; 13 tháng 12 năm 1845 – 15 tháng 5 năm 1876), con của Tài nhân Trương Thị Vĩnh. Hai vợ của ông là Bùi Thị Thanh và Phan Thị Nhàn. Bà Thanh sinh ra vua Kiến Phúc và Đồng Khánh, còn bà Nhàn sinh ra vua Hàm Nghi.
- Tảo thương
- Hồng Nghê (洪倪; 19 tháng 5 năm 1847 – 26 tháng 9 năm 1847), chết non, con của Cung nhân Bùi Thị Bút.
- Hồng Dật (洪佚; 1 tháng 11 năm 1847 – 29 tháng 11 năm 1883), tức Hiệp Hòa đế, húy là Thăng, thụy hiệu là Văn Lãng Quận vương. Mẹ sinh là Đoan tần Trương Thị Hận.
Công chúa
- Diên Phúc công chúa Tĩnh Hảo (延福公主静好; 1824 – 1847), con của Nghi Thiên Chương hoàng hậu, chị ruột của Tự Đức, hạ giá lấy Đô úy Nguyễn Văn Ninh (阮文寧). Được ban thuỵ là Đoan Nhã (端雅).
- An Thạnh công chúa Nhàn Yên (安盛公主嫻嫣; ? – ?), con của Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm, hạ giá lấy Tạ Quang Ân (謝光恩). Không rõ tên thụy.
- Nguyễn Phúc Uyên Ý (阮福淵懿; 1826 – 1829), chết yểu, con của Nghi Thiên Chương hoàng hậu, chị ruột của Tự Đức.
- An Mỹ công chúa Huy Nhu (安美公主徽柔; 1828 – 1885), con của Thục phi Nguyễn Thị Xuyên. Còn nhỏ mà tính tình nhu thuận, đoan nhã, có nữ tắc, vua rất yêu mến. Thiệu Trị năm thứ 6, hạ giá lấy Đô úy Trương Quang Trụ (張光柱), con của Thái sư Trương Đăng Quế. Không rõ tên thụy, có hai con trai hai con gái.
- Nguyễn Phúc Thuý Diêu (阮福翠姚; 1830 – 1833), chết yểu, không rõ mẹ.
- Nguyễn Phúc Phương Nghiên (阮福芳妍; 1830 – 1832), chết yểu, con của Tài nhân Nguyễn Thị Kinh.
- Nguyễn Phúc Ái Chân (阮福愛嫃; 1830 – 1834), chết yểu, con của Quý tần Đinh Thị Hạnh.
- Hoài Chính công chúa Nhã Viên (懷正公主雅媛; 1832 – 1875), con của Nhu tần Nguyễn Thị Yên. Chúa là người nhàn lệ đoan thục. Tự Đức năm thứ 3, gả cho Đô úy Vũ Văn Chuyên (武文專). Được ban thuỵ là Mỹ Thục (美淑), có ba con trai một con gái.
- Thuận Chính công chúa Thanh Thị (順正公主清媞; 1833 – 1869), con của Tài nhân Nguyễn Thị Khuê. Chúa là người hòa thuận trầm tĩnh, thành khiết, vốn thuộc lời mẫu giáo. Tự Đức năm thứ 3, gả cho Trần Văn Thứ (陳文恕), có ba con trai hai con gái. Được ban thuỵ là Trang Tĩnh (莊靜).
- Nguyễn Phúc Thục Ninh (阮福淑嬣; 1833 – 1836), chết yểu, con của Quý tần Đinh Thị Hạnh.
- Nguyễn Phúc Sinh Đình (阮福娉婷; 1834 – 1836), chết yểu, con của Tài nhân Phan Thị Diệu.
- Tảo thương
- Nguyễn Phúc Tuy Tinh (阮福婑婧; 1835 – 1837), chết yểu, con của Đoan tần Trương Thị Hận.
- Tảo thương
- Quy Chính công chúa Lệ Nhàn (歸正公主麗嫻; 1836 – 1882), con của Tài nhân Nguyễn Thị Khuê, tuổi còn bé mà đoan trang dịu dàng. Tự Đức năm thứ 6, gả cho Đô úy Nguyễn Văn Duy (阮文維). Không rõ tên thụy.
- Nguyễn Phúc Trang Ly (阮福莊孋; 1837 – 1838), chết non, không rõ mẹ.
- Mậu Lâm công chúa Đoan Cẩn (茂林公主媏嫤; 1838 – 1914), con của Tài nhân Nguyễn Thị Kinh. Hạ giá lấy Đô uý Trần Khoa Kiểm (阮科檢). Được ban thuỵ là Mỹ Thục (美淑).
- Phú Lệ công chúa Đôn Trinh (富麗公主敦貞; 1838 – 1890), tên khác là Diễm Giai (艷媘), con của Đức tần Nguyễn Thị Huyên. Chúa là người hồn hậu cung kiệm, hành động có lễ giáo, có phong độ chính hòa của con gái nhà Chu. Tự Đức năm thứ 6, gả cho Nguyễn Cửu Toản (阮久纘). Không rõ tên thụy, có một con trai ba con gái.
- Nguyễn Phúc Liêu Diệu (阮福嫽妙; 1838 – 1839), chết non, con của Đoan tần Trương Thị Hận.
- Nguyễn Phúc Uyển Như (阮福婉如; 1839 – 1852), chết yểu, con của Cung nhân Mai Thị Tiêm.
- Quảng Thi công chúa Thanh Cát (廣施公主清姞; 1839 – 1879), con của Tiệp dư Nguyễn Thị Loan. Tự Đức năm thứ 8, gả con cho Đô uý Trương Văn Chất (張文質), Chất sau bị tội phải phế. Chúa có sáu con trai, ba con gái, thuỵ là Mỹ Thục (美淑).
- Nguyễn Phúc Nhàn Nhã (阮福嫻雅; 1839 – 1840), chết non, con của Đoan tần Trương Thị Hận.
- An Phục công chúa Thận Huy (安馥公主慎徽; 1840 – 1857), con của Cung nga Nguyễn Thị Thân. Tự Đức năm thứ 8, gả cho Đô uý Nguyễn Đức Duật (阮德潏). Chúa còn bé đã đoan nhã, lấy chồng mới được 2 năm thì chết, có một con gái, thuỵ là Nhàn Trinh (嫻貞).
- Đồng Phú công chúa Ý Phương (同富公主懿芳; 1840 – 1909), con của Lương phi Vũ Thị Viên. Không rõ hôn sự.
- Xuân Lâm công chúa Trinh Huy (春林公主貞徽; 1841 – 1858), con của Cung nga Nguyễn Thị Lệ. Tự Đức năm thứ 10, gả cho Đô uý Trần Hương (陳香). Chúa chết khi mới 17 tuổi, thụy là Tuệ Thục (慧淑).
- Tự Tân công chúa Lương Huy (自新公主良徽; 1841 – sau năm 1899), con của Thuận tần Hoàng Thị Dĩnh. Không rõ hôn sự.
- Tuy Lộc công chúa Đoan Lương (綏祿公主端良; 1842 – 1894), con của Thuận tần Hoàng Thị Dĩnh. Tự Đức năm thứ 10, gả cho Đô uý Nguyễn Trọng Khoa (阮仲科). Không rõ tên thụy, có ba con trai, hai con gái.
- Nguyễn Phúc Trang Nhã (阮福莊雅; 1842 – 1843), chết non, con của Cung nhân Nguyễn Thị Hương Nhị.
- Nguyễn Phúc Thục Trang (阮福淑莊; 1843 – 1847), chết yểu, con của Lương phi Vũ Thị Viên.
- Nguyễn Phúc Phương Thanh (阮福芳聲; 1843 – 1850), chết yểu, con của Nhàn tần Phan Thị Kháng.
- Lạc Thành công chúa Nhàn Đức (樂成公主嫻德; ? – ?), con của Đoan tần Trương Thị Hận. Không rõ hôn sự.
- Nguyễn Phúc Minh Tư (阮福明姿; 1845), chết non, con của Lương phi Vũ Thị Viên.
- Nguyễn Phúc Điềm Uyên (阮福恬淵; 1846 – 1850), chết yểu, con của Cung nhân Nguyễn Thị Huệ.
- Thuận Mỹ công chúa Phước Huy (順美公主福徽; 1846 – 1870), con của Thuận tần Hoàng Thị Dĩnh. Tự Đức năm thứ 14, gả cho Đô uý Nguyễn Đình Tiếp (阮廷接). Chúa còn bé mà đoan trang trinh tĩnh. Sau khi lấy chồng, giữ đạo làm vợ, người ta không ai nói gì khác. Năm Tự Đức thứ 23, chúa chết, vua thương tiếc, cho thụy là Trinh Uyển (貞婉). Chúa có hai con trai, một con gái.
- Phục Lễ công chúa Gia Phúc (復禮公主嘉福; 1847 – 1877), con của Cung nhân Hồ Thị Ý Nhi. Tự Đức năm thứ 16, gả cho Đô uý Nguyễn Lâm, con trai của Nguyễn Tri Phương. Sau Lâm cùng cha tử trận, chúa ở góa, sau có tội nên bị phế làm người thường dân, đổi theo họ mẹ. Sau biết hối cải, Đồng Khánh gia ơn cho khai phục, đổi phong làm Phục Lễ công chúa. Năm thứ 3 thì chết, thụy là Mỹ Thục (美淑), có ba con trai, hai con gái.
Tham khảo
- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim
- Đại Nam Thực Lục
(Nguồn: Wikipedia)