Mạc Tuyên Tông
莫宣宗
Vua Việt Nam (chi tiết...)
Statue of Emperor <a class=Mạc Tuyên Tông.jpg" src="/images/wiki/mac-phuc-nguyen/794ea634eedc043088f0e06f13e92d6c.jpg" />
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì 1546 - 1561
Tiền nhiệm Mạc Hiến Tông
Nhiếp chính Mạc Kính Điển
Kế nhiệm Mạc Mậu Hợp
Thông tin chung
Tên húy Mạc Phúc Nguyên
Niên hiệu Vĩnh Định (1547)
Cảnh Lịch (1548-1553)
Quang Bảo (1554-1561)
Thụy hiệu Anh Nghị Duệ Hoàng đế
Miếu hiệu Tuyên Tông (宣宗)
Triều đại Nhà Mạc
Thân phụ Mạc Hiến Tông
Mất Tháng 12, 1561
Việt Nam

Mạc Tuyên Tông (莫宣宗) tên thật là Mạc Phúc Nguyên (chữ Hán: 莫福源, ? - 1561), là hoàng đế thứ tư nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ năm 1546 đến 1561, trị vì 15 năm. Ông là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách), tỉnh Hải Dương, Việt Nam.

Tiểu sử

Mạc Phúc Nguyên là con trai của Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải), cháu nội của Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh). Năm Bính Ngọ (1546) Mạc Phúc Hải lâm bệnh mất vào ngày 8 tháng 5, Mạc Phúc Nguyên lên thay khi còn nhỏ tuổi. Tất cả công việc triều chính đều trông cậy vào chú ruột là Khiêm vương Mạc Kính Điển. Minh thực lục ghi tên Mạc Phúc Nguyên là (莫宏瀷 - Mo Hong-yi - Mạc Hoành Dực).1

Thiếu đế thời loạn lạc

Binh biến Phạm Tử Nghi

Giữa lúc Mạc Hiến Tông mới mất, Lê Trang Tông được sự phò trợ của Trịnh Kiểm đang gây lại việc binh đao thì trong triều Mạc lại nảy sinh sự bất hòa. Tướng Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi bàn:

“Trong lúc nước còn loạn lạc nên lập vua lớn tuổi là Mạc Chính Trung2 .”

Nhưng những người trong tông tộc nhà Mạc không nghe theo, Mạc Kính Điển và đại thần Nguyễn Kính cũng không ưng thuận. Không được toại nguyện, Phạm Tử Nghi sinh lòng khác, bí mật họp một số tướng làm việc phản loạn. Mạc Phúc Nguyên được Mạc Kính Điển đưa đi lánh về miền Đông, Nguyễn KínhMạc Kính Điển sau đó lại phải đem quân về cứu Phúc Nguyên. Phạm Tử Nghi phải rút khỏi kinh đô đem Mạc Chính Trung về chiếm cứ vùng Hoa Dương, Phủ Tiên Hưng (nay là huyện Ngự Thiên (Thái Bình)) và lập Chính Trung lên ngôi nhưng không được các quan văn võ thuận theo.

Mạc Kính Điển, Nguyễn Kính tiếp tục đuổi đánh Tử Nghi mấy trận chưa xong, Mạc Phúc Nguyên sai Phụng Quốc công Lê Bá Ly hợp binh cùng Kính Điển đánh Tử Nghi. Phạm Tử Nghi thua phải rút chạy ra An Quảng. Sau khi thất thế Mạc Chính Trung phải đem gia quyến và thuộc hạ chạy sang Lưỡng Quảng và an cư ở Thanh Viễn.

Năm 1548, Lê Trang Tông chết, Trịnh Kiểm đưa Lê Trung Tông con của Trang Tông lên nối nghiệp ở Thanh Hoa và lấy niên hiệu Thuận Bình thứ nhất, tức là vua Lê Trung Tông.

Năm 1549, Mạc Chính Trung chạy sang Trung Quốc, tự nhận mình là người thừa kế ngôi vị hợp pháp. Nhà Minh ngờ vực Mạc Tuyên Tông không phải dòng dõi Mạc Thái Tổ nên sai sứ đưa thư sang hỏi. Mạc Kính Điển cùng Lê Bá Ly hộ vệ Mạc Tuyên Tông lên ải Trấn Nam gặp sứ nhà Minh. Theo Đại Việt thông sử, quan nhà Minh tại Lưỡng Quảng chấp thuận công nhận Mạc Tuyên Tông3 . Còn theo Minh thực lục, ngày 8 tháng 3 năm 1550, thượng thư bộ Lễ nhà Minh đòi phải tra xét lại trước khi phong Mạc Tuyên Tông.4

Sau Tử Nghi lại đem Chính Trung quay về Yên Quảng định đánh Đông Kinh. Năm 1551, Mạc Kính Điển mang quân đi dẹp Phạm Tử Nghi, sai kẻ dưới quyền lừa bắt được Tử Nghi đem chém. Mạc Chính Trung bỏ chạy sang Trung Quốc và bị giết. Có thuyết nói Tử Nghi chết về tay người Minh. Đầu tháng 11 năm 1551, quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Âu Dương Tất Tiến (Ou-yang Bi-jin - (歐陽必進) theo lệnh đã tặng thưởng cho người của Mạc Phúc Nguyên vì giúp bắt giữ và mang đầu Phạm Tử Nghi sang giao nộp.5 6

Tháng 2 năm 1551, nhà Minh chấp thuận việc xin phong của Mạc Phúc Nguyên.6

Vụ ly khai của hai nhà Lê, Nguyễn

Phạm Quỳnh, Phạm Giao là người được Mạc Kính Điển tin dùng7 , thấy Lê Bá Ly lập công lớn và cũng được Kính Điển trọng dụng, có thanh thế nên Phạm Quỳnh, Phạm Giao đem lòng ghen tỵ, dèm pha để Kính Điển khỏi tin dùng Bá Ly. Song vốn là người trung nghĩa Mạc Kính Điển không tin lời dèm, Phạm Quỳnh, Phạm Giao lại đem ý gièm pha với Mạc Tuyên Tông. Tuyên Tông còn nhỏ tuổi, tin theo lời cha con Phạm Quỳnh.

Tháng 2 năm 1551, ngày 12 Phạm Quỳnh, Phạm Giao tự ý đem quân vây đánh Lê Bá Ly nhưng bị Lê Bá Ly liên kết với thông gia Nguyễn Thiến đánh bại. Mạc Phúc Nguyên bèn cho quân tiếp ứng đánh Lê Bá Ly. Lê Bá Ly một mặt cho quân kháng cự với nhà vua song một mặt dâng sớ tâu lên nhà vua là không giám có sự mưu phản, song Mạc Phúc Nguyên không tin. Vì vậy, Lê Bá Ly tức giận, cùng gia đình Nguyễn Thiến đem quân về Thanh Hoa đầu hàng Lê Trung Tông. Trung Tông vui mừng liền phong Lê Bá Ly tước Phụng Quốc công. Nhà Mạc bị mất một lúc nhiều tướng giỏi là cha con Lê Bá Ly - Lê Khắc Thận, cha con Nguyễn Thiến - Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn.

Giằng co với quân Lê - Trịnh

Tháng 5 năm 1552 Lê Trung Tông lại sai Thái sư Trịnh Kiểm xuất quân đánh Phúc Nguyên, Phúc Nguyên phải bỏ Kinh thành rút về Kim Thành. Lê Bá Ly thấy thế Phúc Nguyên đã giảm dâng sớ xin đón Trung Tông về Đông Đô, nhưng Trịnh Kiểm lượng sức thấy chưa thể thắng nổi Phúc Nguyên nên không thuận theo lối bàn của Lê Bá Ly. Thắng được trận đánh song Trung Tông lại lui binh về Thanh Hoa. Phúc Nguyên chiếm lại Đông Đô nhưng vẫn đóng ở Bồ Đề và sai Kính Điển đóng ở Yên Mô và các tướng khác trấn giữ các trấn: Sơn Nam, Sơn Tây. Phúc Nguyên xuống chiếu cấm các quan quân ở mọi vùng không được nhiễu dân nên trên dưới vẫn yên, kỷ cương lại đúng đắn. Thấy cõi bờ đã yên, năm 1555 Phúc Nguyên lại sai Mạc Kính Điển đem quân vào Thanh Hoa tiếp tục đánh Trung Tông nhưng không thắng lại rút quân về.

Năm 1556 Lê Trung Tông chết, Thái sư Trịnh Kiểm đưa Lê Anh Tông lên ngôi.

Năm 1557 Phúc Nguyên lại sai Mạc Kính Điển đánh Thanh Hoa, năm này Lê Bá Ly ốm chết, Thiệu Quốc công Nguyễn Thiến cũng chết, con trai là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn đem quân về hàng Mạc. Mạc Tuyên Tông phong tước hầu cho hai anh em Nguyễn Quyên và sai cùng đi đánh Lê Anh Tông.

Từ khi Lê Anh Tông lên ngôi, Trịnh Kiểm liên tiếp xuất quân chống lại nhà Mạc suốt từ 1557-1564. Khi này Mạc Phúc Nguyên uy thế có yếu hơn so với thế lực Lê – Trịnh, quân Lê – Trịnh đã chiếm lại được nhiều vùng của nhà Mạc song vẫn chưa dám vào kinh đô vì nhà Mạc có giảm về thế và lực song chưa đến mức chỉ bị động đối phó mà nhiều phen Mạc Kính Điển xuất quân đánh vào tận Thanh Hoa, có trận Mạc Phúc Nguyên thân chính đốc xuất binh mã và nhiều trận thắng lớn.

Hoàng đế yểu mệnh

Trong khi chưa phân thắng bại thì tháng 12 năm 1561, Mạc Phúc Nguyên bị bệnh đậu mùa và qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Ông được truy tôn là Tuyên Tông Duệ hoàng đế.

Mạc Phúc Nguyên ở ngôi được 15 năm, sinh được người con trai duy nhất là Mạc Mậu Hợp. Khi ông mất, Mậu Hợp mới lên 2 tuổi (sinh tháng 2 năm 1560) lên ngôi, lúc này triều chính vẫn do Mạc Kính ĐiểnMạc Đôn Nhượng phụ tá. Mậu Hợp lên ngôi lấy niên hiệu là Thuần Phúc thứ nhất.

Gia quyến

Ngoài thái tử Mạc Mậu Hợp, chính sử không ghi nhận thêm người con nào khác của Mạc Tuyên Tông. Đại Việt sử ký toàn thư xác định ông có ít nhất hai người vợ:

  1. Một hoàng hậu họ Vũ8 , sau trở thành thái hậu thời Mạc Mậu Hợp, mất năm 1592 (sau Tuyên Tông 31 năm, khi đó Mạc Mậu Hợp còn sống) khi bị quân Lê Trịnh bắt do quá lo buồn9 .
  2. Một người vợ khác sinh ra vua kế vị Mạc Mậu Hợp. Bà còn sống tới năm 1600 và được các thủ hạ của Mạc Kính Cung đưa trở về kinh thành Thăng Long, tôn làm Quốc mẫu mưu khôi phục nhà Mạc. Tháng 8 năm 1600, quân Lê Trịnh đánh chiếm lại Thăng Long, bà bị bắt và bị giết10 .

Xem thêm

Tham khảo

  • Đại Việt thông sử
  • Đại Việt Sử ký Toàn thư
  • Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2001), Các triều đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên
  • Viện Sử học (1996), Vương triều Mạc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Chú thích

  1. ^ Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/entry/3089, accessed July 13, 2016.
  2. ^ Chính Trung là con thứ hai của Mạc Thái Tổ, vào hàng ông của Phúc Nguyên
  3. ^ Đại Việt thông sử, truyện Mạc Phúc Nguyên
  4. ^ Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/entry/3087, accessed July 13, 2016.
  5. ^ Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/entry/3089, accessed July 13, 2016.
  6. ^ a ă Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/entry/3109, accessed July 13, 2016.
  7. ^ Vợ Phạm Quỳnh, mẹ Phạm Giao là nhũ mẫu của Mạc Kính Điển
  8. ^ Viện Sử học, sách đã dẫn, tr 138
  9. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 17
  10. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 18

(Nguồn: Wikipedia)