Lê Thái Tông
黎太宗
Vua Việt Nam (chi tiết...)
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì 1433 – 1442
Tiền nhiệm Lê Thái Tổ
Phụ chính Phạm Vấn
Lê Sát
Lê Ngân1
Kế nhiệm Lê Nhân Tông
Thông tin chung
Thê thiếp Tuyên Từ Văn hoàng hậu
Quang Thục Văn hoàng hậu
Hậu duệ
Tên húy Lê Nguyên Long
Niên hiệu
  • Thiệu Bình (紹平: 1434 - 1439)
  • Đại Bảo (大寶: 1440 - 1442)
Thụy hiệu Kế Thiên Thể Đạo Hiển Đức Thánh Công Khâm Minh Văn Tư Anh Duệ Triết Chiêu Hiến Kiến Trung Văn Hoàng đế
(繼天體道顯德功欽明文思英睿仁哲昭憲建中文皇帝)
Miếu hiệu Thái Tông (太宗)
Triều đại Nhà Lê sơ
Thân phụ Lê Thái Tổ
Thân mẫu Cung Từ Cao hoàng hậu
Sinh 20 tháng 11, 1423
Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa
Mất 4 tháng 8, 1442 (18 tuổi)
Lệ Chi viên, huyện Gia Định 2
An táng Hựu Lăng (祐陵)

Lê Thái Tông (chữ Hán: 黎太宗; 20 tháng 11, 1423 - 4 tháng 8, 1442), là vị Hoàng đế thứ hai của triều đại Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì Đại Việt từ năm 1433 tới năm 1442, tổng cộng 9 năm.3

Triều đại của Lê Thái Tông đánh dấu một thời kì thịnh trị, tiếp nối thành tựu của thời đại của Lê Thái Tổ. Ông lên ngôi tuy khi còn nhỏ, nhưng nhờ có các đại thần như Lê Sát, Lê Ngân, Trịnh Khả,... mà chính sự không suy, ngược lại còn đi lên. Dưới thời ông trị vì, nhân dân có cuộc sống no đủ, sung túc. Tuy nhiên, ông lại có tính hà khắc, ép chết Lê Sát cùng Lê Ngân, hà khắc anh ruột là Quận Ai vương Lê Tư Tề. Cái chết đột ngột của ông dấy lên nhiều nghi vấn trong lịch sử, và danh nhân Nguyễn Trãi vì thế bị kết án tru di, tạo thành vụ án Lệ chi viên nổi tiếng.

Tiểu sử

Lê Thái Tông tên thật là Lê Nguyên Long (黎元龍), con thứ hai của Thái Tổ Cao hoàng đế, mẹ là Cung Từ Cao hoàng hậu Phạm thị, người xã Quần Lai, huyện Lôi Dương (tức Thọ Xuân ngày nay), thuộc Thanh Hóa4 .

Ông sinh ngày 21 tháng 11 âm lịch năm 1423, tại Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam. Lúc này, Lê Thái Tổ đang chống nhau với quân Minh, phải di chuyển luôn luôn, không yên một chỗ nào, bà Phạm Thị Ngọc Trần lặn lội theo hầu, trải nhiều gian khổ. Bà Phạm Thị Ngọc Trần mất năm 1425, lúc Lê Nguyên Long được hơn 2 tuổi.5

Lê Thái Tổ không lập chính thất (vợ cả), ông chỉ có ba người vợ, hai người vợ chính là bà Trịnh Thần Phi sinh ra Lê Tư Tề và bà Phạm Thị Ngọc Trần sinh Lê Nguyên Long; bà vợ lẽ là Phạm Thị Nghiêu không có con.6 .

Tháng Giêng, năm 1428, đất nước thái bình, tháng 3 cùng năm, vua Lê Thái Tổ phong con thứ Lê Nguyên Long làm Lương quận công.7 Tháng 1, năm 14298 , vua Lê Thái Tổ sai 7 vị đại thần mang kim sách lập Lê Tư Tề làm Quốc vương và hoàng tử Nguyên Long làm Hoàng thái tử. Nhập nội kiểm hiệu bình chương sự Lê Vấn, Nhập nội đại tư mã Lê Ngân,Nhập nội thiếu phó Lê Văn Linh lập Hữu tướng quốc Khai quân công Lê Tư Tề làm Quốc vương, giúp coi việc nước; sai Nhập nội tư khấu Lê Sát, Tư không Lê Nhân Chú, Nhập nội tư mã Lê Lý, Nhập nội thiếu úy Lê Quốc Hưng lập Lương quận công Nguyên Long làm Hoàng thái tử.

Hoàng đế Đại Việt

Năm 1432, Lê Thái Tổ nhiều bệnh, chính sự nhà nước đều giao cho Quốc vương Lê Tư Tề nhưng quốc vương mắc chứng điên cuồng, giết bừa các tì thiếp, dần dần không hợp ý Lê Thái Tổ.9 Năm 1433, vua Lê Thái Tổ vời người cháu ruột là Nhập nội tư mã, Kì Lân Hổ Vệ tướng quân Lê Khôi lúc ấy đang trấn thủ Hóa châu về triều để bàn lập thái tử. Lê Khôi bàn với vua nên lập Hoàng tử Nguyên Long, vua Thái Tổ nghe lời và quyết định lập Lê Nguyên Long làm thái tử nối ngôi.10

Tháng 8 âm lịch năm 1433, Lê Thái Tổ giáng con trưởng Lê Tư Tề làm Quận vương, lấy con thứ kế thừa ngôi vua.11 Vua Lê Thái Tổ lại phong cho Nhập nội kiểm hiệu tư khấu bình chương quân quốc trọng sự Lê Sát là Dương vũ Tĩnh nạn công thần, thăng Đại tư đồ, cùng với Đô đốc Phạm Vấn và Tư khấu Lê Ngân nhận di chiếu, chịu cố mệnh giúp vua Lê Thái Tông.12 13 Ngày 22 tháng 8 âm lịch năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời. Ngày 8 tháng 9 âm lịch năm 1433, thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi vua. Ông cho đại xá thiên hạ và quyết định đổi niên hiệu thành Thiệu Bình từ năm sau. Ông còn chọn ngày sinh làm Kế Thiên thánh tiết, sau đổi làm Vạn thọ thánh tiết, và xưng hiệu là Quế Lâm động chủ.14

Lê Thái Tông cũng truy phong mẹ ruột đã mất của mình, bà Phạm Thị Ngọc Trần làm Cung Từ quốc thái mẫu, sai người đem thần chủ mới vào thờ ở Thái miếu. Ông tôn người vợ lẽ của Lê Thái Tổ là bà Phạm Thị Nghiêu làm Huệ phi.15 Lê Thái Tông mới 11 tuổi, không phải nhờ mẫu hậu nhiếp chính, mà tự mình quyết định công việc triều đình.16

Sự nghiệp

Chính trị

Khi Lê Thái Tổ hấp hối, ông đã gia phong cho Lê Sát làm "Dương Vũ tĩnh nạn công thần", thăng Đại tư đồ, cùng với Đô đốc Phạm Vấn làm cố mệnh đại thần phò giúp Lê Thái Tông mới lên ngôi khi ấy mới 11 tuổi. Lê Sát làm thủ tướng, ông hăng hái giúp vua sửa chính sự, năng can gián nhưng là võ tướng nên làm việc theo ý riêng, tính thẳng thắn, không nghĩ hậu quả về sau.

Năm 1428, Lưu Nhân Chú được phong làm Suy trung Tán trị Hiệp mưu Dương vũ công thần, nhập nội kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự quyền Tể tướng, năm 1431 làm Nhập nội Tư khấu. Lê Sát ghét Lê Nhân Chú, nên vu cáo để giết đi, dời người em Lê Nhân Chú là Lê Khắc Phục ra làm quan ngoài kinh thành. Năm 1435, vị cố mệnh đại thần Đô đốc Phạm Vấn chết, như vậy hai người quyền cao chức trọng nhất trong triều đình đã chết, Lê Sát làm thủ tướng, quyết đoán mọi việc 17

Quan đồng tri Bắc đạo Bùi Ư Đài đề nghị vua chọn bậc kỳ lão vào làm cố vấn cho vua, bên ngoài đặt chức sư phó chỉ huy trăm quan. Lê Sát giận, tâu xin trị tội Ư Đài, nhà vua bất đắc dĩ phải lưu đày Ư Đài, từ đó vua Thái Tông bẳt đầu ghét Lê Sát.18 Năm 1435, khi vua 13 tuổi, Lê Sát xin cử Nguyễn Trãi, Trình Thuấn Du cùng vài đại thần khác vào dạy vua, Thái Tông trả tờ tâu không nhận.

Vua Thái Tông ngày càng lớn, có óc hiểu biết phán đoán, Lê Sát vẫn cứng xẵng, không biết nhún nhường, vua bên ngoài tỏ vẻ bao dung nhưng bên trong ngầm ghét Lê Sát. Năm 1437, Lê Thái Tông cho những người cùng vây cánh với Lê Sát, là Điện tiền đô kiểm điểm Lê Ê, Hữu quân tổng quản Lê Hiêu ra ngoài; triệu người có hiềm khích với Lê SátTrịnh Khả về triều làm Hành quân tổng quản, nắm quân Cấm binh (tức quân Thiết đột) 19 Tháng 7 âm lịch năm 1437, Thái Tông bãi chức Lê Sát, cho con gái Lê Sát là Lê Thị Ngọc Dao lúc ấy là Nguyên phi xuống làm thường dân, sau bắt Lê Sát phải tự tử tại nhà riêng, sai Lê Ngân chấp chính việc nước.

Thái Tông phong cho con gái Lê Ngân từ Chiêu nghi lên làm Huệ phi. Tháng 12, 1437, Lê Ngân sai người phù thủy làm lễ ở nhà, đúc tượng vàng Quan Thế Âm để mong con gái được yêu thương. Thái Tông nghe đến, sai người vào nhà ông tra khảo, bắt được bọn phù thủy yếm và tượng vàng. Lê Ngân hoảng hốt vào triều, tâu sớ giải bầy, nhưng Thái Tông quyết xử tử, ban cho ông tự vẫn tại nhà như Lê Sát.20

Quân sự

Văn bia Quế Lâm Ngự Chế, Lê Thái Tông, 1439.

Năm 1434, Thái Tông ra lệnh cho quân ngự tiền và các vệ quân năm đạo chuẩn bị lương ăn trong 2 tháng, hạn đến ngày 20 tháng này phải tới địa phận Đông Kinh để điểm danh và luyện tập võ nghệ. Còn quân trấn giữ ở các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa thì tới địa phận phủ, trấn mình để kiểm duyệt. Ai vi phạm sẽ bị trị tội.21 Cùng năm, người trấn Lạng Sơn làm phản, Thái Tông sai Lê Văn An mang quân Ngự tiền, Thiết đột và quân ở Bắc đạo đi đánh. Khi đến nơi thì thủ lĩnh quân phản nghịch đã bị trấn binh giết chết, Hoàng Nguyên Ý đều bỏ cả vợ con chạy trốn sang đất Minh. Lê Văn An liền chia quân lùng bắt thân thích, nô tì, tài sản, gia súc của trấn quân được tới hơn nghìn người đem về dâng nộp. Nhà vua thả hết dân thường, đem gia thuộc của bốn tên đó ban cấp cho các quan.

Tháng 4 âm lịch năm 1434, khi vua Lê Thái Tổ vừa chết, vua nước Chiêm là Bố Đề ngờ Đại Việt có biến loạn, tự mình cầm quân áp sát biên giới, chưa rõ thực hư, mới đem quân vào Cửa Việt bắt 6 người. Thái Tông sai Nhập nội tư mã Lê Liệt, tổng đốc các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, đi tuần tra các nơi thuộc Tân Bình, Thuận Hóa, nếu gặp quân Chiêm Thành vào cướp biên giới, mà có ai vi phạm quân lệnh hay sợ hãi rút lui thì cho phép chém trước tâu sau. Lại sai Nhập nội thiếy úy Lê Khôi và Hành khiển tổng quản Lê Truất cùng đốc suất các quân ở Tân Bình và Thuận Hóa đi theo. Bố Đề thấy Đại Viêt không có sự biến gì đã rút quân từ trước. Đinh Liệt đưa quân đến châu Hóa, định trở về, gặp lúc người Man ở châu Hóa là Đạo Thành bị Đạo Luận đánh, đến xin cứu viện. Liệt bèn đem quân đánh giúp, bắt được hơn nghìn người và vài chục con voi mang về.22

Năm 1435, nhà vua cho thao diễn quân đội 5 đạo đánh bộ, lại diễn tập thủy chiến ở sông Hồng.23 Sai tư mã Tây đạo Lê Bôi làm Tổng quản; hữu bật Lê Văn Linh làm Tham đốc, đốc suất các vệ quân năm đạo và hai vạn trấn quân Nghệ An đi đánh Cầm Quý, một tù trưởng địa phương có 1 vạn quân, bắt được Cầm Quỹ giải về triều.

Năm 1437, Thái Tông khảo xét võ nghệ của các tướng hiệu. Phép khảo xét: bắn cung là một môn, ném tên là một môn, đánh mộc là một môn. Cả ba môn đều được thì cấp lương toàn phần, ai không được môn nào thì bị giảm lương, sau coi đó làm lệ thường.

Năm 1439, Thái Tông tăng cường quân đội và tổ chức duyệt quân binh lớn cả nước. Cùng năm họ Cầm ở châu Phục Lễ làm loạn, tướng Ai Lao là Nữu Hoa đem 3 vạn người sang giúp họ Cầm chống lại Đại Việt, nhà vua tự mang 6 quân đi đánh. Tháng 1 âm lịch năm 1440, ông lại đi đánh quân Hà Tông Lai ở huyện Thu Vật, thuộc huyện Tuyên Quang. Ông bắt được con Tông Lai là Tông Mậu, sau đó chém được Tông Lai. Trên đường về nhà vua cùng quân sĩ nghỉ chân tại Động La (Thẳm báo ké), Lê Thái Tông thấy nơi đây cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, nhà vua đã để lại bài thơ và lời tựa gồm 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán khắc trên vách núi, sử gọi là Văn bía Quế lâm ngự chế.

Đến tháng 3 âm lịch năm 1441, Thái Tông đánh dẹp cuộc nổi dậy của thổ quan Nghiễm ở châu Thuận Mỗi (trấn Gia Hưng). Ông đã bắt được viên tướng Ai Lao là Đạo Mông cùng vợ con ở động La, rồi bắt luôn hai con của Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Nghiễm thất thế, phải chịu quy phục triều đình.24

Giáo dục

Sau thời kỳ thuộc Minh, nước Đại Việt bị thu toàn bộ sách vở, nền văn hiến bị hủy hoại, vua Lê Thái Tổ trị vì trong 6 năm đã cho xây dựng Quốc tử giám, mở khoa thi Tiến sĩ, nay vua Lê Thái Tông tiếp nối cha mình, phục hồi và hoàn bị việc giáo dục ở Đại Việt. Năm 1434, ông tổ chức thi học trò trong nước. Khoa thi này có 1000 người đỗ đạt, được chia làm 3 bậc: bậc 1, bậc 2 được học ở Quốc tử giám, bậc 3 được đưa về học ở trường các lộ. Nhà vua cũng bổ dụng các Ngự tiền học sinh làm quan.25

Cùng năm nhà vua định khoa thi chọn học trò, xuống chiếu rằng: "Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu. Nhà nước ta từ thuở xưa loạn lạc, người anh tài như lá mùa thu, bậc tuấn kiện như sao buổi sớm. Thái Tổ ta buổi đầu dựng nước, mở mang nhà học, dùng cỗ Thái lao để tế Khổng Tử, rất mực sùng Nho, trọng đạo. Nhưng vì nước mới dựng nên chưa kịp đặt khoa thi. Trẫm nối theo chí hướng người xưa, lo được nhân tài để thỏa lòng mong đợi".

Cũng trong chiếu này, Lê Thái Tông đã đặt ra thể lệ thi cử như sau: bắt đầu từ năm Thiệu Bình thứ 5 1438, thi hương ở các đạo, năm thứ 6, thi hội ở sảnh đường tại kinh đô. Từ đấy về sau, cứ 3 năm một lần thi lớn, coi đó làm quy định lâu dài, người nào thi đổ, đều được ban danh hiệu tiến sĩ xuất thân. Tất cả khoa mục của các kỳ thi quy định như sau: Kỳ thứ nhất: 1 bài kinh nghĩa, Tứ thư mỗi sách một bài, mỗi bài đều 300 chữ trở lên. Kỳ thứ hai: Chế, biếu, biểu. Kỳ thứ 3: thi, phú. Kỳ thứ 4: 1 bài văn sách từ 1000 chữ trở lên. Nhà vua còn tổ chức thi lại viên, hỏi về ám tả. Những người đỗ hạng nhất được bổ vào Quốc tử giám, hạng nhì bổ làm sinh đồ và thuộc lại bên văn.22

Ngoại giao

Việc bang giao giữa Đại Việt và nhà Minh, thời kỳ vua Thái Tông Đại Việt đã thiết lập mối bang giao tốt đẹp. Vua Thái Tông vừa lên ngôi năm 1434, triều đình Đại Việt đã cho sứ mang tờ biểu và lễ vật địa phương sang nhà Minh cầu phong và kết giao. Nhà Minh nghe tin Lê Thái Tổ mất, sai sứ mang cỗ tế của phương Bắc sang, tổng cộng 80 bàn.26 Tháng 2 âm lịch năm 1435, nhà Minh sai Lễ bộ hữu thị lang Chương Xưởng, Hành nhân ty hành nhân Hầu Tấn đi theo Nguyễn Tông Trụ sang trao sắc mệnh cho vua Lê Thái Tông quyền coi việc nước. Năm 1437, nhà Minh sai chánh sứ là Binh bộ thượng thư Lý Úc, phó sứ là Thông chính ty hữu thông chính Lý Hanh mang chiếu sắc ấn vàng sang phong vua Lê Thái Tông làm An Nam Quốc Vương (ấn nặng 100 lạng, núm hình con lạc đà, làm bằng vàng).

Cuộc sống cá nhân

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ vời người cháu ruột là Lê Khôi vào triều, Lê Khôi khuyên nên lập người con thứ 2, tức vua Lê Thái Tông mà phế bỏ người anh là Lê Tư Tề. Đến năm 1438, vua Thái Tông phế truất anh mình làm dân thường.27

Theo lệ vua Lê Thái Tổ, trong cung không lập hoàng hậu, khi con của bà phi nào lên làm vua, vị vua đó mới dâng tôn hiệu cho mẹ. Việc kén chọn vợ cho vua, thường lấy con em các dòng họ công thần lớn và con nhà tử tế.28

Người vợ thứ nhất của vua Lê Thái Tông là con gái Đại tư đồ Lê Sát, Lê Thị Ngọc Dao. Ngọc Dao được phong làm Nguyên phi vào năm 1434. Năm 1437,Lê Sát bị xử tội, bà bị phế làm dân thường.29 Người vợ thứ hai là con gái Lê Ngân, tên Lê Lệ, lúc đầu được phong làm Chiêu nghi. Khi Lê Sát bị bãi chức, Lê Ngân lên thay, Lê Lệ được phong làm Huệ phi, đến năm 1437, Lê Ngân bị xử tội, bà bị phế làm tu dung.30 Người vợ thứ là bà Nguyễn Thị Anh, tính hiền dịu sáng suốt, được phong làm Thần phi, sinh ra vua Lê Nhân Tông, vua Nhân Tông lên ngôi mới 3 tuổi, bà nhiếp chính trong 10 năm, thiên hạ thịnh trị.31 Bà vợ thứ 4 là Chiêu nghi Dương Thị Bí, ban đầu phong làm Phi (妃), sau tính kiêu ngạo bị giáng làm Chiêu nghi. Về sau Dương thị tiếp tục bị giáng làm thứ nhân, giam vào lãnh cung.

Cái chết

Ngày 27 tháng 7 âm lịch năm 1442, vua Thái Tông đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời nhà vua ngự chùa Côn Sơn, ở hương của Nguyễn Trãi. Đến ngày 4 tháng 8 âm lịch, vua Thái Tông đi chơi ở vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, ông thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi qua đời, các quan bí mật đưa thi hài vua về kinh sư.

Ngày 12 tháng 8 âm lịch năm 1442, các đại thần là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ, Đinh Liệt, Lê Bôi nhận di mệnh tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi, mới 2 tuổi. Ngày 16 tháng 8, triều đình giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ.32

Nhận định

Theo Đại Việt sử ký toàn thư:33

Gia đình

  • Cha: Thái Tổ Cao hoàng đế Lê Lợi.
  • Mẹ: Cung Từ Cao hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần (恭慈高皇后范氏玉陳; ? - 24 tháng 3, 1425).
  • Vợ:
  1. Tuyên Từ Văn hoàng hậu (宣慈文皇后) Nguyễn Thị Anh (1422 - 1459), người làng Bố Vệ, Thanh Hóa. Nhập cung phong làm Thần phi, sau sinh ra Nhân Tông. Bà nhiếp chính hơn 10 năm thời Nhân Tông.
  2. Quang Thục Văn hoàng hậu (光淑文皇后) Ngô Thị Ngọc Dao (1421 - 1469), người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Nhập cung phong làm Tiệp dư, sau sinh ra Thánh Tông. Cha bà là Thái bảo Chương Khánh công Ngô Từ, gia thần hầu gần của Lê Thái Tổ. Mẹ bà là Đinh phu nhân, có họ hàng với Thái bảo Trung Mục vương Đinh Liệt.
  3. Nguyên phi Lê Ngọc Dao, con gái Đại tư đồ Lê Sát. Ban đầu được phong Nguyên phi, đứng đầu trong cung, rất được sủng ái. Sau khi Tư đồ Lê Sát chết, bà bị phế làm thứ nhân.
  4. Tu dung Lê Nhật Lệ, con gái Tư khấu Lê Ngân. Ban đầu phong làm Huệ phi, sau Lê Ngân bị phát giác làm bùa phép cho con gái được sủng ái, bị ép tự sát vào năm 1437, Huệ phi bị giáng xuống làm Tu dung.
  5. Chiêu nghi Dương Thị Bí, ban đầu phong làm Phi (妃), sau tính kiêu ngạo bị giáng làm Chiêu nghi. Về sau Dương thị tiếp tục bị giáng làm thứ nhân, giam vào lãnh cung.
  6. Quý nhân Bùi thị, con gái của Ngự sử trung thừa Bùi Cầm Hổ.
  • Hậu duệ:
  1. Lê Nghi Dân, mẹ là Dương Chiêu nghi. Ban đầu là Thái tử, sau phế làm Lạng Sơn Vương (諒山王). Năm 1459, lẻn vào cung sau phế Lê Nhân Tông, về sau bị quần thần phế truất, khi chết thụy là Lệ Đức hầu.
  2. Lê Khắc Xương, mẹ là Bùi Quý nhân. Ban đầu phong Tân Bình Vương, sau cải làm Cung vương, tự sát năm 1476.
  3. Lê Bang Cơ, tức Nhân Tông Tuyên hoàng đế, mẹ là Tuyên Từ hoàng hậu.
  4. Lê Tư Thành, tức Thánh Tông Thuần hoàng đế, mẹ là Quang Thục hoàng hậu.
  5. Vệ Quốc công chúa, công chúa cả, sinh năm 1439, theo dã sử thì chúa tên là Ngọc Đường. Công chúa bị câm từ nhỏ, lên 10 tuổi thì gả cho Lê Quát, con trai Thái úy Lê Thụ.
  6. An Quốc công chúa, gả cho Trịnh Bá Nhai, con trai Nhập nội thiếu phó Trịnh Khắc Phục.
  7. Đà Quốc công chúa, gả cho Lê Bộc, con trai của Nhập nội thiếu úy Lê Lăng.
  8. Thao Quốc công chúa, huý là Ngọc Phương, con gái thứ 5 của Thái Tông, mẹ là Quang Thục hoàng hậu. Công chúa là chị ruột của Lê Thánh Tông.

Xem thêm

Tham khảo

  • Đại Việt sử ký toàn thư (bản điện tử)
  • Đại Việt thông sử, Tác giả Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007.
  • Việt Nam sử lược, tác giả Trần Trọng Kim, (bản điện tử)
  • Việt sử toàn thư (bản điện tử)
  • Các triều đại Việt Nam - Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Nhà xuất bản Thanh niên, 2001.
  • Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ (2003), Nhìn lại lịch sử, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin

Chú thích

  1. ^ Đại Việt thông sử, sách đã dẫn, trang 266, Phạm Vấn
  2. ^ nay là một phần của huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc
  3. ^ Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nhà xuất bản giáo dục, 2006, 238
  4. ^ Đại việt thông sử, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1976, trang 146
  5. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, bản điện tử, trang 331
  6. ^ Đại việt thông sử, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1976, trang 148
  7. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, bản điện tử, trang 362
  8. ^ âm lịch
  9. ^ Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007, trang 179
  10. ^ Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, nhà xuất bản giáo dục,2006,trang 394
  11. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, bản điện tử, trang 371
  12. ^ Đại Việt thông sử, sách đã dẫn, trang 266, Phạm Vấn, trang 240, 247
  13. ^ Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1976, trang 240
  14. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, 1993, trang 373
  15. ^ Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, trang 148, 2007
  16. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, bản điện tử, trang 372
  17. ^ Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007, trang 240
  18. ^ Đại Việt thông sử, sách đã dẫn, trang 242
  19. ^ Đại Việt thông sử, sách đã dẫn, trang 244
  20. ^ Đại Việt thông sử, sách đã dẫn, trang 249
  21. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, quyển XI, bản điện tử, tr 374
  22. ^ a ă Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, quyển XI, bản điện tử, tr 380
  23. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, quyển XI, bản điện tử, tr 385
  24. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, quyển XI, bản điện tử, tr 403
  25. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, quyển XI, bản điện tử, tr 374, 375
  26. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, quyển XI, bản điện tử, tr 382
  27. ^ Đại Việt thông sử, Tác giả Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007, trang 180
  28. ^ Đại Việt thông sử, Tác giả Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007, trang 143
  29. ^ Đại Việt thông sử, Tác giả Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007, trang 155
  30. ^ bậc thứ 5 trong 9 bậc cung tần, dưới phi
  31. ^ Đại Việt thông sử, Tác giả Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007, trang 149
  32. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1993, bản điện tử, trang 405
  33. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Quyển XI: Kỷ nhà Lê: Thái Tông, Nhân Tông
  34. ^ tên Trung Quốc chỉ một vương quốc trung đại Palem bang ở Sumatra, người ta cũng thường đồng nhất Tam phật Tề với vương quốc Srivijaya (Thất Lợi Phật Thệ) được biết đến từ cuối thế kỷ VII ở vùng này.

(Nguồn: Wikipedia)