Lê Liêm (sinh năm 1922 - 1985) nhà cách mạng Việt Nam, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam thời kỳ mới thành lập, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông tên thật là Trịnh Đình Huấn, người huyện Thường tín tỉnh Hà Đông, trước năm 1945 hoạt động ở tỉnh Phúc Yên, từng bị tù ở Sơn La, được cử làm Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, năm 1945 cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Đức Quỳ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Hải Dương. Ông cũng tham gia Ban lãnh đạo giành chính quyền ở Hà nội.

Lãnh đạo công tác chính trị trong quân đội

Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động công tác chính trị trong quân đội. Ông làm Chính trị uỷ viên trong Uỷ ban Kháng chiến chiến Khu 1. Năm 1947, ông làm Phó phòng dân quân (sau là Cục phó Cục Dân quân) Bộ tổng chỉ huy. 1

Năm 1948 ông được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Dân quân thay ông Khuất Duy Tiến2 , năm 1949 kiêm thêm chức Cục trưởng Cục Chính trị thay Thiếu tướng Văn Tiến Dũng. Chủ nhiệm đầu tiên của Báo Quân đội Nhân dân. 3 Ủy viên Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới năm 1950.

Năm 1950, khi Cục Chính trị được nâng lên thành Tổng cục Chính trị trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam, ông được cử làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn 4 , sau đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục5 . Chủ nhiệm là ông Nguyễn Chí Thanh.

Năm 1954, ông là Đảng ủy viên Bộ Tư lệnh Mặt trận Điện Biên (gồm các đồng chí: Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng, Lê Liêm – Chủ nhiệm chính trị, Đặng Kim Giang – Chủ nhiệm hậu cần)

Công tác dân sự

Sau năm 1954, ông chuyển sang lĩnh vực dân sự trước khi có đợt phong quân hàm năm 1958. Ông được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Văn hóa phụ trách điện ảnh, Bí thư Đảng đoàn Bộ dưới thời Bộ trưởng Hoàng Minh Giám. Ông kiêm chức Hiệu trưởng Trường Lý luận nghiệp vụ (thuộc Bộ Văn hóa, nay là Trường Đại học Văn hóa) trong thời gian 1959 - 1960.

Ông là người công tâm hết sức ủng hộ văn nghệ sĩ, trong phong trào Nhân văn Giai phẩm Lê Liêm không viết một dòng nào chống lại những người trong nhóm Nhân văn Giai phẩm.

Năm 1960 tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam III, ông được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương,6

Tháng 1 năm 1963 ông giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Văn hóa giáo dục Phủ Thủ tướng (trên cả Bộ trưởng) thay ông Tố Hữu 7 đến tháng 10 năm 1965 thì ông Trần Quang Huy kế nhiệm

Năm 1965, ông làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Bí thư đảng đoàn Bộ, Chánh Thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam 8 kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị Bộ Giáo dục. 9 . Năm 1968 ông kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương 10 .

Trong những năm 1960, ông phản đối việc thân Trung quốc, chống Liên Xô, và trong một bài diễn văn về việc cải tạo giáo dục, năm 1968, ông trở lại quan điểm chính thống. Có liên quan trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, ông bị khai trừ Đảng vào tháng 5 năm 1968.

Sau Đại hội Đảng V (1982) ông trở lại công tác ở Ban Khoa giáo Trung ương.

Ông mất năm 1985.

Gia đình

Vợ ông là bà Lê Thu Trà, tham gia cách mạng năm 1938 khi là giáo viên tiểu học, sau đó giữ các trọng trách: Trưởng đoàn Phụ nữ Cứu quốc, Phó Hội trưởng Hội phụ nữ Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Ông bà có các con là Trịnh Thanh Đoan (giảng viên ĐHBKHN), Trịnh Dân, Trịnh Kháng chiến, Trịnh Thành Công, Trịnh Hồng Hà, Trịnh Hồng Anh (Đại tá, Chính trị viên Viện Tên lửa), Trịnh Thanh Hương.

Sáng tác

Năm 1964 khi Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn, ông làm bài ca Nguyễn Văn Trỗi.

Chú thích

  1. ^ “S¾C LÖNH”. Truy cập 23 tháng 10 năm 2015. 
  2. ^ http://laws.dongnai.gov.vn/1945_to_1950/1948/194804/194804250001[liên kết hỏng]
  3. ^ http://laws.dongnai.gov.vn/1945_to_1950/1949/194910/194910180005/lawdocument_view[liên kết hỏng]
  4. ^ “Sắc lệnh 123/SL bổ nhiệm cán bộ Bộ, Vụ, Cục Bộ tổng tư lệnh quân đội quốc gia Việt Nam”. Truy cập 23 tháng 10 năm 2015. 
  5. ^ http://vbqppl.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=54[liên kết hỏng]
  6. ^ “DCSVN”. Truy cập 23 tháng 10 năm 2015. 
  7. ^ http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/thanhvienchinhphuquacacthoiky?governmentId=610
  8. ^ “Cong doan giao duc Viet Nam”. Truy cập 23 tháng 10 năm 2015. 
  9. ^ http://www.ajc.edu.vn/Desktopdefault.aspx?tabid=214&ItemID=1248[liên kết hỏng]
  10. ^ “Quá trình hình thành và phát triển của Ban Khoa giáo Trung ương”. Truy cập 23 tháng 10 năm 2015. 

(Nguồn: Wikipedia)