Lê Đức Thọ
Lê Đức Thọ.jpg
Chức vụ
Bí thư Thường trực kiêm Trưởng ban Chính trị Đặc biệt
Nhiệm kỳ 1980 – 1983
Vị trí Flag of Vietnam.svg Việt Nam
Trưởng ban Tổ chức trung ương
Nhiệm kỳ 1956 – 1973
Tiền nhiệm Lê Văn Lương
Kế nhiệm Lê Văn Lương
Vị trí Flag of Vietnam.svg Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Trưởng ban Tổ chức trung ương
Nhiệm kỳ 1976 – 1982
Vị trí Flag of Vietnam.svg Việt Nam
Ủy viên Bộ Chính trị
Nhiệm kỳ 1955 – 1986
Vị trí Flag of Vietnam.svg Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Flag of Vietnam.svg Việt Nam
Thông tin chung
Đảng phái Đảng Cộng sản Việt Nam
Sinh 10 tháng 10 năm 19111 2 3
Nam Trực, Nam Định, Liên bang Đông Dương
Mất 13 tháng 10, 1990 (79 tuổi)
Nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh
Tôn giáo Không
Họ hàng Đinh Đức Thiện
Mai Chí Thọ
Vợ Nguyễn Thị Chiếu
Con cái Lê Nam Thắng
Phan Đình Dũng

Lê Đức Thọ, tên khai sinh Phan Đình Khải, (10 tháng 10 năm 1911 theo số liệu chính thức1 2 3 , 30 tháng 12 năm 1911 theo gia phả (xem ở dưới)– 13 tháng 10 năm 1990) là chính khách Việt Nam, giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt một thời kỳ dài 1956-1982. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Thọ từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger vào năm 1973 nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam. Đó là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt cho đến nay.

Lê Đức Thọ được xem là một nhân vật vô cùng quan trọng trong việc trợ giúp Lê Duẩn trong suốt tiến trình thâu tóm quyền lực.4

Tiểu sử

Gia phả họ Phan (Nam Vân) ghi: Phan Đình Khải là con giai thứ 2 ông Đình Quế, sinh giờ Tý, ngày 11 tháng 11 năm Tân Hợi, hoàng hiệu Duy Tân thứ 8 (1911) (bà chính thất sinh ra), học chữ Tây thi không đỗ, theo Đảng Cộng sản, năm Canh Ngọ phải can án khổ sai 10 năm phát vãng ở đảo Côn Luân, đến tháng 6 năm Bính Tý được ân sá về nhà. Ngày 11 tháng 11 năm Tân Hợi là ngày 30 tháng 12 năm 19115 .

Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh tại thôn Địch Lễ,xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định nay là xã Nam Vân (TP Nam Định). Tham gia các hoạt động cách mạng (tổ chức bãi khóa, dự lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh...) và bị Pháp bắt giam hai lần (1930-1936 và 1939-1944). Sau khi được thả tự do lần thứ hai, ông trở về Hà Nội hoạt động và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1944 ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1948, ông vào miền Nam Việt Nam làm Phó Bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Xứ ủy Nam Bộ cho tới Hiệp định Genève được ký kết năm 1954.

Sau khi tập kết ra Bắc năm 1955, ông được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Việt Nam) và đắc cử.

Đầu năm 1968, ông trở lại miền Nam làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam một thời gian ngắn. Đến tháng 5 cùng năm, ông làm cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trong các năm từ 1956 đến 1973 và 1976 đến 1982, ông làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, theo William Duiker, ông đã nhanh chóng làm cho ban này "biến thành bộ máy hiệu quả để điều tra và kiểm soát các đảng viên."4 Ở vị trí này, Lê Đức Thọ chính là người tạo ra vụ án "xét lại chống Đảng", bắt giam nhiều nhà cách mạng và người bất đồng chính kiến trong khoảng 1967 - 1973, được mô tả một phần trong sách Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên.

Cuối năm 1977 đến tháng 1 năm 1979, Bộ Chính trị phân công ông phụ trách Ban Công tác Đặc biệt.

Năm 1980, ông làm Bí thư Thường trực Ban bí thư, phụ trách tổ chức. Đến tháng 10 năm 1980 kiêm Trưởng ban Chính trị Đặc biệt.

Từ tháng 3 năm 1983, ông là Bí thư phụ trách Tư tưởng, Nội chính và Ngoại giao.

Năm 1983, ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng.

Năm 1986, ông là Trưởng Tiểu Ban Nhân sự Đại hội VI.

Từ tháng 12 năm 1986, ông là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trao tặng

Ông được trao tặng giải Nobel năm 1973 cùng với Henry Kissinger vì thương thảo thành công Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, nhưng ông từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam. Tên ông được đặt cho nhiều tuyến đường phố tại các Tỉnh, thành ở Việt Nam trong đó có thủ đô Hà Nội.

"Ông là nhà ngoại giao khổng lồ. Ông khổng lồ ở chỗ đối phương đối thoại với Lê Đức Thọ là Kissinger, một học giả rất lớn của Mỹ thời đó. Lúc đó, Kissinger rất ngạo mạn, những tưởng có thể đè bẹp Lê Đức Thọ nhưng không thể được. Ví như làm thế nào để thống nhất được với Mỹ về vấn đề Mỹ phải rút quân. Mỹ muốn nếu Mỹ rút quân thì miền Bắc cũng phải rút quân khỏi miền Nam, đánh đồng như thế không thể được. Cuối cùng đồng chí Lê Đức Thọ đưa ra một công thức đó là vấn đề quân đội Việt Nam ở lãnh thổ Việt Nam do các bên Việt Nam giải quyết với nhau. Còn việc Mỹ rút quân là chuyện Mỹ phải rút. Tôi nghĩ trí tuệ của ông ở chỗ tìm một giải pháp đúng với lợi ích của mình" - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

Tác phẩm

Ông cũng là một nhà thơ với một số tập thơ như Trên những nẻo đường (1956), Đường ngàn dặm (1977), Nhật ký đường ra tiền tuyến (1978), Thơ Lê Đức Thọ (1983).

Gia đình

Ông có người anh ruột là Phan Đình Đỗ, sinh năm 1905, là thú y Đại học sỹ Đông Dương (tức là bác sĩ thú y ngày nay) là Viện trưởng Viện chăn nuôi đầu tiên (thời kỳ 1952-1954), Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Chăn nuôi -Thú y - Viện Khảo cứu Nông Lâm (1955-1957), Viện trưởng Viện Khảo cứu Chăn nuôi (1957-1959)

Ông là anh ruột của Thượng tướng Đinh Đức Thiện và của Đại tướng Mai Chí Thọ, Đại tướng Công an Nhân dân đầu tiên của Việt Nam.

Con trai của ông là Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Thắng là con trai của ông Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Chiếu, tức Tám Chiếu, người Nam Bộ. Với người vợ trước, quê Hải Phòng, ông Lê Đức Thọ có một người con trai tên là Phan Đình Dũng, đã qua đời.

Tham khảo

  1. ^ a ă Khánh thành khu tưởng niệm Lê Đức Thọ, ngày 05/10/2014.
  2. ^ a ă “Lê Đức Thọ - nhà ngoại giao chiến lược tài ba”. Người Lao động. 10 tháng 10 năm 2001. Truy cập 7 tháng 4 năm 2017. 
  3. ^ a ă “Tạp chí Cộng sản”. Truy cập 7 tháng 4 năm 2017. 
  4. ^ a ă Kỳ 4: Một di sản gây tranh cãi, BBC, 19 Tháng 5 2006
  5. ^ đổi âm-dương lịch.

(Nguồn: Wikipedia)