Lê Đức Anh
Chức vụ
Chủ tịch nước thứ 4 Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh Việt Nam
Nhiệm kỳ 23 tháng 9 năm 1992 – 23 tháng 9 năm 1997
5 năm, 0 ngày
Tiền nhiệm Võ Chí Công
Kế nhiệm Trần Đức Lương
Vị trí Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam
Nhiệm kỳ 16 tháng 2 năm 1987 – 10 tháng 8 năm 1991
4 năm, 175 ngày
Tiền nhiệm Văn Tiến Dũng
Kế nhiệm Đoàn Khuê
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam
Nhiệm kỳ tháng 12 năm 1986 – tháng 2 năm 1987
Tiền nhiệm Lê Trọng Tấn
Kế nhiệm Đoàn Khuê
Vị trí Quân đội Nhân dân Việt Nam
Ủy viên Bộ Chính trị
Nhiệm kỳ 31 tháng 3 năm 1982 – 29 tháng 12 năm 1997
15 năm, 273 ngày
Vị trí Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Thông tin chung
Đảng phái Đảng Cộng sản Việt Nam
Danh hiệu
  • Gold Star Order.png Huân chương Sao vàng
  • Hochiminh Order.png

Huân chương Hồ Chí Minh

  • Military Exploit Order.png Huân chương Quân công hạng nhất
  • Huan-chuong-Chien-thang.jpg Huân chương Chiến thắng hạng nhất
    ...
Sinh 1 tháng 12, 1920 (96 tuổi)
Phú Lộc, Thừa Thiên, Trung Kỳ, Liên bang Đông Dương
Dân tộc Kinh
Vợ
  • Phạm Thị Anh (s. 1925-m. 2011)
  • Võ Thị Lê (s. 1928 - m. 2016)
Con cái
  • Lê Xuân Hồng (s. 1951)
  • Lê Mạnh Hà (s. 1957)
  • Lê Xuân Hồng (s. 1959)
Binh nghiệp
Thuộc Flag of the People's Army of Vietnam.svg Quân đội nhân dân Việt Nam
Năm tại ngũ 1945–1992
Cấp bậc Vietnam People's Army General.jpg Đại tướng
Chỉ huy Flag of North Vietnam (1945-1955).svg Việt Minh
FNL Flag.svg Quân Giải phóng Miền Nam
Flag of Vietnam.svg Quân đội nhân dân Việt Nam
Tham chiến
  • Chiến dịch Mậu Thân 1968
  • Chiến dịch Hồ Chí Minh
    Chiến tranh biên giới Tây Nam

Lê Đức Anh (sinh 1 tháng 12 năm 1920) là Chủ tịch nước thứ 4 của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1992–1997. Ông cũng đồng thời là một tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Đại tướng, từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (1987–1991), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1986–1987).

Quá trình công tác

Lê Đức Anh quê tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 1944, ông tổ chức và Phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.

Tháng 8 năm 1945, ông tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Tiểu đoàn, chi đội 1 và Trung đoàn 301. Từ tháng 10 năm 1948 đến năm 1950, ông là tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến 1954, giữ chức tham mưu phó, quyền tham mưu trưởng bộ tư lệnh Nam Bộ.

Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc. Tháng 5 năm 1955, ông được cử giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu; hàm Đại tá (1958). Từ tháng 8 năm 1963, ông giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2 năm 1964, ông được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam. Năm 1969, được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9.

Cuối năm 1974, ông được điều trở lại chức Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam và được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Năm 1975, ông được cử giữ chức Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Từ tháng 5 năm 1976, ông là Tư lệnh Quân khu 9. Đến tháng 6 năm 1978, là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây-Nam; được phong Thượng tướng năm 1980. Năm 1981, khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu 7, ông được phân công kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó trưởng ban, rồi Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Năm 1984, ông được phong hàm Đại tướng.

Tháng 12 năm 1986, ông được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ ngày 16 tháng 2 năm 19871 đến 10 tháng 8 năm 1991, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phó bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Năm 1991 là Thường trực Bộ chính trị. Năm 1992, ông được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bầu vào chức vụ Chủ tịch nước.

Ông cũng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa V-VIII, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; đại biểu Quốc hội khóa VI, VIII, IX.

Từ tháng 9 năm 1997, ông nghỉ chức vụ Chủ tịch nước, sau đó trở thành Cố vấn Trung ương Đảng. Đến năm đến tháng 4 năm 2001, ông chính thức nghỉ hưu.

Lịch sử thụ phong quân hàm

Năm thụ phong 1958 1974 1980 1984
Quân hàm Vietnam People's Army Senior Colonel.jpg Vietnam People's Army Lieutenant General.jpg Vietnam People's Army Colonel General.jpg Vietnam People's Army General.jpg
Cấp bậc Đại tá Trung tướng

(phong vượt cấp)

Thượng tướng Đại tướng

Phong tặng

Đại tướng Lê Đức Anh được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất,... Năm 2008, ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Năm 2013, ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.2

Gia đình

Ông lập gia đình lần đầu với bà Phạm Thị Anh (tự Bảy Anh, sinh năm 1925, mất 2011).3 4 Bà Phạm Thị Anh là con của một điền chủ nhỏ ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Ông và bà có với nhau 2 người con. Người con gái đầu mất hai ngày sau khi sinh do sinh thiếu tháng và phải chạy giặc. Người con gái thứ 2 tên Lê Xuân Hồng sinh năm 1951, là Tiến sĩ tâm lý học, nguyên là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương 3 (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh), nay đã nghỉ hưu.3 Sau hiệp định Geneva 1954, ông tập kết ra Bắc còn bà vẫn ở lại miền Nam. Sau khi ra Bắc, trong cuộc "chỉnh huấn, chỉnh quân" do cố vấn Trung Quốc chỉ đạo, ông bị kiểm điểm nặng nề do lấy vợ thuộc thành phần tư sản, địa chủ và phải tuyên bố "ly khai với gia đình vợ".4 Ở miền Nam, bà Bảy Anh nhận được tin này nhưng không đi bước nữa. Từ đó đến khi bà Bảy Anh mất ông và bà chưa bao giờ gặp lại nhau.4

Năm 1956 ông kết hôn với bà Võ Thị Lê (sinh năm 1928, tại xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - mất ngày 18 tháng 11 năm 2016 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội5 ). Bà Lê là bác sĩ y khoa, công tác tại Bệnh viện Việt Xô Hà Nội. Bà Lê có một con gái với chồng trước tên là Huỳnh Thị Lệ Hạnh, sinh năm 1950, là kỹ sư thông tin, cán bộ hàng không, nay đã nghỉ hưu.3 Ông Lê Đức Anh và bà Võ Thị Lê có với nhau 2 người con. Người con đầu là Lê Mạnh Hà (sinh năm 1957) hiện là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người con gái thứ 2 ông cũng đặt tên là Lê Xuân Hồng, sinh năm 1959, Cử nhân kinh tế, nguyên là cán bộ ngành hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, nay đã nghỉ hưu. Các con của ông đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.3 4

Câu nói

Tham khảo

  1. ^ Nghị quyết 782/ NQ/HĐNN7 năm 1987.
  2. ^ Trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lê Đức Anh, Báo điện tử Chính phủ
  3. ^ a ă â b “ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG (HỒI KÝ) (NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - HÀ NỘI 2015), Chương 11”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 12 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2017. 
  4. ^ a ă â b Sách Bên Thắng Cuộc, Phần 2 Quyền Bính, Chương XVIII: Tam nhân phân quyền
  5. ^ “Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần”. Báo điện tử Thừa Thiên Huế. 20 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2017. 
  6. ^ Ngọc Quang (9 tháng 2 năm 2012), Đại tướng Lê Đức Anh: "Sử dụng bộ đội để cưỡng chế là tuyệt đối sai", Báo Giáo dục Việt Nam.

(Nguồn: Wikipedia)