Hoàng Trung Nam
Hoangtrung06.jpg
Tên
Tên thật Hoàng Trung (黄忠)
Tự Hán Thăng (汉升)
Thông tin chung
Thế lực Đông Hán→Lưu Biểu→Tào Tháo→Thục Hán
Sinh 145
Nam Dương, Kinh Châu
(nay là Nam Dương, Hà Nam)
Mất 220
Thành Đô, Ích Châu
(nay là Thành Đô, Tứ Xuyên)
Thụy hiệu Cương Hầu
Con cái [Hoàng Tự]

Hoàng Trung (黄忠, bính âm: Huáng Zhōng; Wade-Giles: Huang Chung), (145-221), là một vị tướng cuối thời Đông Hán nhà Đông Hán đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Hoàng Trung được Tam Quốc diễn nghĩa miêu tả là một lão tướng nhưng sức địch muôn người, đã lập nhiều công lao cho Lưu Bị và là một trong Ngũ hổ tướng của quân Thục gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung và Triệu Vân.

Cuộc đời

Hoàng Trung tự Hán Thăng (汉升), quê ở quận Nam Dương1 thuộc Kinh châu.

Lúc đầu ông theo Lưu Biểu, cùng với Lưu Bàn (cháu Lưu Biểu) trấn thủ huyện Du thuộc quận Trường Sa. Về sau Tào Tháo đánh chiếm Kinh châu, lệnh cho Hoàng Trung thay chức Tỉ tướng quân, theo thái thú Trường Sa là Hàn Huyền.

Khi Lưu Bị đem quân đến lấy Kinh Châu, Hoàng Trung theo về với Lưu Bị.

Lưu Bị mang quân vào Tây Xuyên đánh Lưu Chương, Hoàng Trung nhận lệnh theo vào, tham chiến tại cửa ải Hà Manh. Ông thường dũng cảm xung phong đi đầu trước các sĩ tốt, được đánh giá là can đảm cương nghị2 .

Sau khi đánh chiếm được Ích châu, Lưu Bị phong ông làm Thảo lỗ tướng quân.

Cuối năm 218, Hoàng Trung cùng Lưu Bị tấn công lên Hán Trung - vùng đất Tào Tháo mới chiếm được của Trương Lỗ. Quân Thục nhanh chóng lấy cửa ải Dương Bình, sang đầu năm 219, vượt qua sông Miện Thủy3 . Lưu Bị đóng quân hạ trại tại núi Định Quân, Hoàng Trung được lệnh cầm một cánh quân mai phục ở phía sau đỉnh núi này4 .

Tướng Tào Ngụy là Hạ Hầu Uyên không biết là mưu kế, mang toàn quân tới đánh doanh trại của Lưu Bị. Trong khi hai bên đang xô xát kịch liệt, đột nhiên Hoàng Trung từ trên cao thúc trống đánh xuống, khí thế rất mạnh vào sườn quân Tào. Quân Tào bị đánh tan nát không còn hàng trận. Hoàng Trung chém được Hạ Hầu Uyên và giết được thứ sử Ích châu của Tào Tháo là Triệu Ngung4 .

Nhờ chiến công ở trận này, Hoàng Trung được phong là Chinh Tây tướng quân.

Tháng 7 năm 219, Lưu Bị tự xưng là Hán Trung vương, bổ nhiệm ông làm Hậu tướng quân, ngang hàng với Quan Vũ (Tiền tướng quân), Mã Siêu (Tả tướng quân) và Trương Phi (Hữu tướng quân). Ban đầu Quan Vũ trấn thủ Kinh châu nghe tin ông là người mới mà có địa vị ngang hàng tỏ ra không bằng lòng, sau vì Phí Thi thuyết phục giải thích, Quan Vũ mới thôi bất bình5 . Hoàng Trung còn được ban tước Quan nội hầu.

Năm 221, Hoàng Trung lâm bệnh mất, được đặt tên thụy là Cương hầu. Đời sau khi nhắc đến người già mà sức còn dẻo dai thường ví với Hoàng Trung6 .

Trong Tam Quốc diễn nghĩa

Hoàng Trung trong Tam Quốc diễn nghĩa được hư cấu khá nhiều, dù về tính cách chân dung thì gần với sử sách nhưng có nhiều tình tiết được sáng tác. Ông xuất hiện từ hồi 53 đến hồi 81.

Quy hàng Lưu Bị

Trận chiến giữa Hoàng Trung và Quan Vũ tại Trường Sa được mô tả rất hấp dẫn. Tài nghệ của hai người ngang nhau, đánh không phân thắng bại. Hoàng Trung bị thái thú Hàn Huyền nghi ngờ thông đồng với Quan Vũ nên sai mang chém. Nhưng ông được Ngụy Diên đánh vào pháp trường cứu sống. Tuy vậy ông vẫn không đồng tình với việc Ngụy Diên đi giết Hàn Huyền, cuối cùng ông không ngăn cản được.

Lưu Bị, Quan Vũ phải thuyết phục nhiều lần, Hoàng Trung mới thuận đi theo.

Trận chiến tại Thiên Đăng Sơn

Hồi thứ 70, tướng Ngụy là Trương Cáp sau khi thất bại trước Trương Phi ở Ngõa Khẩu Ải được Tào Hống cấp 5.000 quân đến đánh cửa Hà Manh. Tin báo về Thành Đô. Gia Cát Lượng dùng kế khích tướng Hoàng Trung. Hoàng Trung xin cùng lão tướng khác là Nghiêm Nhan ra trận. Lưu Bị đồng ý. Các tướng khác đều không tin hai lão tướng có thể lập công.

Hoàng Trung muốn chiếm núi Thiên Đăng là nơi cất giữ lương thảo của quân Tào nên nghĩ ra một kế. Hoàng Trung giả vờ thua quân Tào mấy trận liền, rút về cửa ải. Huyền Đức lo lắng, hỏi Khổng Minh. Khổng Minh bảo là mẹo của Hoàng Trung để quân địch sinh kiêu. Các tướng không tin. Lưu Bị sai Lưu Phong ra tiếp ứng.

Đến canh 2, Hoàng Trung dẫn 5.000 quân từ cửa ải kéo xuống. Quân Tào không phòng bị nên thua lớn, chết không biết bao nhiêu mà kể. Hoàng Trung đuổi đến sáng, cướp lại được nhiều trại sau đó lại thúc quân đuổi theo. Quân Tào rút về núi Thiên Đăng. Sau đó quân Tào trở lại phản công nhưng thất bại. Hàn Hạo, Hạ Hầu Đức bị giết. Quân Tào bỏ núi Thiên Đăng chạy về núi Định Quân. Huyền Đức nhân dịp đó khởi binh đến đánh Hán Trung, thưởng cho Hoàng Trung, Nghiêm Nhan rồi sai Hoàng Trung và Pháp Chính đem quân đánh núi Định Quân.

Trận chiến núi Định Quân

Tam Quốc diễn nghĩa mô tả vai trò của Hoàng trung rất lớn. Ông đi cùng Pháp Chính, không có sự tham gia của Lưu Bị.

Cái chết

Năm 220, Lưu Bị dẫn 70 vạn đại quân đánh Đông Ngô để báo thù cho Quan Vũ, Trương Phi. Hoàng Trung dẫn quân đến Di Lăng nghênh chiến quân Ngô. Hoàng Trung gặp Phan Chương, chém chết bộ tướng của Phan Chương là Sư Tịch, Phan Chương chống cự không nổi bỏ chạy. Quan Hưng, Trương Bào đến khen ngợi Hoàng Trung và khuyên ông quay về nhưng Hoàng Trung không nghe. Ðánh được vài hiệp, Phan Chương bỏ chạy, Hoàng Trung rượt theo, được chừng vài dặm, hai đạo binh mai phục ào tới, một phía là Chu Thái, một phía là Hàn Đương xông ra một lượt. Phía trước Phan Chương phủ vây Hoàng Trung vào giữa. Hoàng trung cố sức chống cự lại tiếp tục bị trúng tên, may nhờ có Quan Hưng, Trương Bào đến cứu. Lưu Bị nghe tin Hoàng Trung trọng thương thì đến thăm. Đến nửa đêm, Hoàng Trung tắt thở. Lưu Bị đau buồn, sai đưa về Thành Đô chôn cất tử tế.

Sự thực, Hoàng Trung đã qua đời vì bệnh (không bị tử trận) trước khi Lưu Bị xưng đế và ông không tham dự chiến dịch đánh Đông Ngô.

Xem thêm

  • Quan Vũ
  • Lưu Bị

Tham khảo

  • Lê Đông Phương, (2007), Kể chuyện Tam Quốc, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân (2006), Tướng soái cổ đại Trung Hoa, tập 1, Nhà xuất bản Thanh niên.

Chú thích

  1. ^ Nay là Hà Nam, Trung Quốc
  2. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 615
  3. ^ Một nhánh của sông Hán Thủy
  4. ^ a ă Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 267
  5. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 612
  6. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 616

(Nguồn: Wikipedia)