Huệ Tông Hoàng Đế
Tên huý là Sảm1 , con trưởng của Cao Tông, mẹ là hoàng hậu họ Đàm, sinh tháng 7 năm Giáp Dần [1194], năm Mậu Thìn, Trị Bình Long Ứng thứ 4 [1208], tháng giêng, sách lập hoàng thái tử. Cao Tông băng, bèn lên ngôi báu, ở ngôi 14 năm [1211-1224], truyền ngôi cho Chiêu Hoàng, sau bị Trần Thủ Độ [28a] giết, thọ 33 tuổi [1194-1226]. Vua gặp buổi loạn lạc, giặc cướp tứ tung, mình bị bệnh nặng, không biết sớm cầu con nối, họ Lý bèn mất.
Tân Mùi, [Kiến Gia] năm thứ 1 [1211] , (Tống Gia Định năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu.
Tháng 2,, vua lại sai Phụng ngự là Phạm Bố đi đón Trần thị. Tự Khánh bèn sai bọn Phùng Tá Chu đưa Trần thị đi. Gặp khi Tô Trung Từ và Đỗ Quảng đang đánh nhau ở [bến] Triều Đông2 , Tá Chu bèn đỗ thuyền ở bến Đại Thông. Đến khi Đỗ Quang bị thua, vua sai Bố và Trung Từ đón Trần thị vào cung, lập làm nguyên phi;cho Trung Từ làm Thái uý phụ chính; phong Thuận Lưu bá Trần Tự Khánh làm Chương Thành hầu708.
Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát.
[28b] Nhâm Thân, [Kiến Gia] năm thứ 2 [1212] , (Tống Gia Định năm thứ 5).
Mùa xuân, tháng 2, sai người cùng một vú nuôi là Đoàn Thượng chiêu mộ dân châu Hồng đi bắt giặc cướp. Bấy giờ thế nước suy yếu, triều đình không có chính sách hay, đói kém luôn luôn, nhân dân cùng khốn, [Đoàn] Thượng thừa thế tự tiện làm oai làm phúc, không ai dám nói gì. Sau tội trạng tỏ rõ, bị các quan hặc, phải giam vào ngục để hỏi tội. Thượng mới rút gươm, cởi trần chạy về châu Hồng, nhóm họp bè đảng, đắp thành xưng vương, cướp bóc lương dân, triều đình không thể ngăn được.
Quý Dậu, [Kiến Gia] nămthứ 3 [1213] , (Tống Gia Định năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, Trần Tự Khánh đem quân xâm phạm cửa khuyết xin đón xa giá. Vua lấy làm ngờ, xuống chiếu lấy quân các đạo đi bắt Tự Khánh, giáng nguyên phi làm ngự nữ.
Giáp Tuất, [Kiến Gia] năm thứ 4 [1214] , (Tống Gia Định năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, Trần Tự Khánh đem quân đến [bến] Triều Đông, tự vào quân [29a] môn tạ tội, lại xin đón xa giá. Vua càng ngờ, bèn cùng với thái hậu và ngự nữ chạy đến núi Trĩ Sơn ở châu Lạng. TKhánh nghe tin xa giá long đong mà ngự nữ thì lâu nay bị thái hậu làm khổ, lại đem quân đến xin đón xa giá như trước. Vua cũng chưa tin, lại cùng với thái hậu và ngự nữ chạy sang huyện Binh Hợp3 .
Mùa hạ, tháng 5, Tự Khánh đánh Đinh Khả và Bùi Đô ở châu Đại Hoàng, phá tan được.
Bính Tý, [Kiến Gia] năm thứ 6 [1216] , (Tống gia Định năm thứ 9). Mùa xuân, sách phong ngự nữ làm Thuận Trinh phu nhân. Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua đuổi bỏ đi; lại sai người nói với phu nhân bảo phải tự sát. Vua biết mới ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân. Mỗi bữa ăn vua chia cho phu nhân một nữa và không lúc nào cho rời bên cạnh. Thái hậu lại [29] sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải chết. Vua lại ngăn không cho, rồi đêm ấy cùng với phu nhân lẻn đi đến chổ quân của Tự Khánh; gặp khi trời đã sáng, phải nghĩ lại ở nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện Yên Duyên, gặp tướng của Tự Khánh là Vương Lê đem binh thuyền đến đón. Vua mới đỗ lại ở bãi Cửu Liên710. Truyền cho Tự Khánh đến chầu.
Mùa hạ, tháng 6, hoàng trưởng nữ sinh ở bãi Cửu Liên, sau phong làm công chúa Thuận Thiên.
Mùa đông, tháng 12, sách phong [Thuận Trinh] phu nhân làm hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Thái uý phụ chính, cho anh trai Tự Khánh là Trần Thừa (tức thượng hoàng nhà Trần) làm Nội thị phán thủ. Tự Khánh cùng với Thượng tướng quân Phan Lân xếp đặt quân ngũ, chế tạo binh khí, luyện tập võ nghệ, quân thế dần dần phấn chấn.
Vua có bệnh trúng phong, chũa thuốc không khỏi mà chưa có thái tử, trong cung chỉ sinh công chúa mà thôi.
Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, châu bá là Lý Bất Nhiễm đánh phá được.
[30a] Đinh Sửu, [Kiến Gia] năm thứ 7 [1217] , (Tống Gia Định năm thứ 10). Mùa xuân, tháng 3, vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là Thiên tướng giáng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Chính sự không quyết đoán, giao phó cả cho Trần Tự Khánh. Quyền lớn trong nước dần dần về tay kẻ khác.
Mậu Dần, [Kiến Gia] năm thứ 8 [1218] , (Tống Gia Định năm thứ 11). Mùa xuân, tháng 3, động đất.
Sao chổi mọc ở phương tây nam.
Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu bằt cư sĩở chùa Phù Đổng là Nguyễn Nộn, vì bắt được vàng ngọc mà không đem dâng.
Tháng 9, hoàng thứ nữ sinh, sau phong làm công chúa Chiêu Thánh.
Mùa đông, tháng 10, Trần Tự Khánh đi đánh người Man ở Quảng Oai4 không được.
Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, Lý Bất Nhiễm đánh tan được, thăng tước hầu, ban thực ấp 7.500 hộ, thực phong 1.500 [30b] hộ.
Kỷ Mão, [Kiến Gia] năm thứ 9 [1219](Tống Gia Định năm thứ 12). Mùa xuân, tháng 2, Trần Tự Khánh tâu xin tha cho Nguyễn Nộn, cho đi theo quân đánh giặc để chuộc tội. Vua y cho. Mùa đông, tháng 10, sai Nguyễn Nộn đem quân đi đánh người Man ở Quảng Oai.
Canh Thìn, [Kiến Gia] năm thứ 10 [1220] , (Tống Gia Định năm thứ 13). Mùa xuân, tháng 3, Nguyễn Nộn giữ hương Phù đổng, tự xưng là Hoài Đạo Vương, dâng biểu xưng thần, xin đi dẹp loạn để chuộc tội. Vua sai người đem sắc thư đến tuyên dụ. Song vì vua có bệnh phong, không thể chế ngự được.
Tân Tỵ, [Kiến Gia] năm thứ 11 [1221] , (Tống Gia Định năm thứ 14). Mùa xuân, tháng giêng, tìm khắp thầy thuốc trong nước để chữa bệnh cho vua, nhưng không hiệu nghiệm gì. Vua thì ở tít trong cung, giặc cướp bừa bãi, nhân dân ở ngoài thành lưu ly cực khổ lắm.
[31a] Nhâm Ngọ, [Kiến Gia] năm thứ 12 [1222] , (Tống Gia Định năm thứ 15). Mùa xuân, tháng 2, chia trong nước làm 24 lộ, lộ chia cho công chúa ở, lấy các hoành nô thuộc lệ và quân nhân bản lộ, chia nhau làm giáp.
Làm đồ binh khí và ghe thuyền để tuần bắt giặc cướp.
Quý Mùi, [Kiến Gia] năm thứ 13 [1223] , (Tống Gia Định năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 10, hạn, lúa bị sâu cắn.
Tháng 12, thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh.
Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương; lấy Trần Thừa làm Phụ quốc Thái uý, khi vào chầu không xưng tên.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Năm đầu niên hiệu Kiến Gia, giặc cướp đua nhau nổi dậy, Huệ Tông nhu nhược không đánh dẹp được. Trần Tự Khánh vì cớ Huệ hậu bị thái hậu làm khổ mà đem quân phạm cửa khuyết xin đón xa giá. Đương lúc bấy giờ, lòng người không thể không ngờ vực, cho nên Huệ [31b] Tông có lệnh bắt Tự Khánh mà không bắt được. Tự Khánh muốn làm cho kỳ được mới nhiều lần làm kinh động đến vua, xa giá phải dời chổ mấy lần, tội rõ ràng rồi. Nhưng mà Huệ Tông và Huệ hậu rốt cuộc phải nhờ Tự Khánh mới được yên, thì tội ấy không kể đến. Thế là việc tuy là trái nhưng tình thì thuận, sử chép không nêu lên nhưng thực cũng có nêu đấy. Nếu không thế thì chỉ là kẻ đầu sỏ giặc cướp mà thôi.
Giáp Thân, [Kiến Gia] năm thứ 14 [1224] , (Từ tháng 10 về sau là niên hiệu cuả Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1; Tống Gia Định năm thứ 17). Bệnh của vua ngày càng tăng mà không có con trai để nối nghiệp lớn, các công chúa đều được chia các lộ làm ấp thang mộc, uỷ nhiệm cho một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình.
Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu [32a] Hoàng.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo trời có khi thường có khi biến. Thánh nhân phối với trời đất, giúp việc hoá dục thì có lúc biến mà vẫn không mất phép thường. Như Đan Chu con vua Nghêu là kẻ bất tiếu5 , thì vua Nghêu tiến vua Thuấn với trời, mà thiên hạ thịnh trị. Thương Quân con vua Thuấn là kẻ bất tiếu không thể truyền ngôi, thì vua Thuấn tiến vua Vũ với trời, mà xã tắc được yên, đều là xử trí lúc biến mà không mất phép thường cả. Đời sau chỉ truyền ngôi cho con mà không truyền ngôi cho người hiền, vì là không có người nào được như Thuấn và Vũ. Nếu không may mà không có con thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy. Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không xét việc cũ mà làm theo, lại để [32b] đến sau lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không? Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý.
(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)