Điện Biên | ||||
---|---|---|---|---|
Tỉnh | ||||
Tượng đài chiến thắng Điện Biên | ||||
Địa lý | ||||
Tọa độ: 21°23′00″B 103°01′00″Đ / 21,383333°B 103,016667°ĐTọa độ: 21°23′00″B 103°01′00″Đ / 21,383333°B 103,016667°Đ | ||||
Diện tích | 9.541,2 km²1 | |||
Dân số (2013) | ||||
Tổng cộng | 527.300 người2 | |||
Mật độ | 55 người/km² 1 | |||
Dân tộc | Việt, Thái, H'Mông, Dao, Giáy, Tày, Hà Nhì, Lào, Cống, Si La | |||
| ||||
Hành chính | ||||
Quốc gia | Việt Nam | |||
Vùng | Tây Bắc | |||
Tỉnh lỵ | Thành phố Điện Biên Phủ | |||
Thành lập | 26 tháng 11, 2003 | |||
Chủ tịch UBND | Mùa A Sơn | |||
Chủ tịch HĐND | Lò Văn Muôn | |||
Bí thư Tỉnh ủy | Trần Văn Sơn | |||
Đại biểu quốc hội | Trần Thị Dung, Sùng A Hồng, Vi Thị Hương, Lò Văn Muôn, Dương Ngọc Ngưu, Đỗ Bá Tỵ | |||
Phân chia hành chính | 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện | |||
Mã hành chính | VN-71 | |||
Mã bưu chính | 38xxxx | |||
Mã điện thoại | 215 | |||
Biển số xe | 27 | |||
Website | dienbien.gov.vn |
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Việt Nam, có tọa độ địa lý 20°54’ – 22°33’ vĩ độ Bắc và 102°10’ – 103°36’ kinh độ Đông. Nằm cách Thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, phía Đông và Đông nam giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Là tỉnh có chung đường biên giới với 2 quốc gia: Trung Quốc (dài 38,5 km) và Lào (dài 360 km). Trên tuyến biên giới Việt – Lào, ngoài 2 cửa khẩu đã được mở là Huổi Pôc và Tây Trang, còn 3 cặp cửa khẩu phụ khác sắp tới sẽ được mở. Trên tuyến biên giới Việt – Trung sẽ mở cặp cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú thành cửa khẩu Quốc gia. Đặc biệt, cửa khẩu Tây Trang từ lâu đã là cửa khẩu quan trọng của vùng Tây Bắc và cả nước, được Chính phủ hai nước thỏa thuận nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và Khu kinh tế cửa khẩu đang được xây dựng. Đây là điều kiện và cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng khu vực này thành địa bàn trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Myanmar.3 Đây là tỉnh có diện tích lớn thứ 9 cả nước.
Tên gọi
Tên gọi Điện Biên do Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên; Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên Phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó.
Địa lý
Địa hình
Do ảnh hưởng của các hoạt động kiến tạo nên địa hình của Điện Biên rất phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200m đến hơn 1.800m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Ở phía Bắc có các điểm cao 1.085m, 1.162 m và 1.856 m (thuộc huyện Mường Nhé), cao nhất là đỉnh Pu Đen Đinh cao 1.886m. Ở phía Tây có các điểm cao 1.127m, 1.649m, 1.860m và dãy điểm cao Mường Phăng kéo xuống Tuần Giáo. Xen lẫn các dãy núi cao là các thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc. Trong đó, đáng kể có thung lũng Mường Thanh rộng hơn 150km2, là cánh đồng lớn và nổi tiếng nhất của tỉnh và toàn vùng Tây Bắc. Núi bị bào mòn mạnh tạo nên những cao nguyên khá rộng như cao nguyên A Pa Chải (huyện Mường Nhé), cao nguyên Tả Phình (huyện Tủa Chùa). Ngoài ra còn có các dạng địa hình thung lũng, sông suối, thềm bãi bồi, nón phóng vật, sườn tích, hang động castơ,... phân bố rộng khắp trên địa bàn, nhưng diện tích nhỏ.3
Khí hậu
Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa Đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến thất thường, phân hoá đa dạng, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21o – 23oC, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau (từ 14o – 18oC), các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất từ tháng 4 - 9 (25oC) - chỉ xảy ra các khu vực có độ cao thấp hơn 500m. Lượng mưa hàng năm trung bình từ 1.300 - 2.000mm, thường tập trung theo mùa, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Độ ẩm trung bình hàng năm từ 76 - 84%. Số giờ nắng bình quân từ 158 – 187 giờ trong năm; các tháng có giờ nắng thấp là tháng 6, 7; các tháng có giờ nắng cao thường là các tháng 3, 4, 8, 9.3
Lịch sử
Thời thượng cổ
Điện Biên là vùng đất cổ. Các di tích như hang Thẩm Khương, Thẩm Púa (ở Tuần Giáo) đã chứng minh thời thượng cổ đã có mặt người Việt cổ.
Vào thế kỷ thứ 6 – 7 ở vùng Vân Nam (Trung Quốc), quốc gia Nam Chiếu ra đời. Sau đó, những cuộc tranh chấp giữa Nam Chiếu và các tộc người khác thường xuyên diễn ra, khiến cho cả vùng Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương bất ổn định. Thời kỳ này đất Mường Thanh cũng trải qua nhiều biến động lớn.4
Đến thế kỷ 9 – 10, người Lự ở Mường Thanh đã phát triển khá mạnh, và ảnh hưởng mạnh sang các khu vực: Sìn Hồ, Mường Lay, Tuần Giáo... Đến thế kỷ 11-12, người Tày Đăm (Thái đen) theo từ Mường Ôm, Mường Ai tràn xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) và từ Mường Lò thời gian sau đó, những cư dân này theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng để tràn qua Than Uyên, Văn Bàn... và cuối cùng làm chủ cả một vùng từ Mường Lò (Nghĩa Lộ) qua Mường La (Sơn La), tới Mường Thanh (Điện Biên).4
Thời Bắc thuộc, nhà Lý, nhà Trần
Vào thời kỳ Bắc thuộc, Điện Biên thuộc huyện Lâm Tây, quận Tân Hưng. Vào đời Lý, đất Điện Biên nằm trong hạt châu Lâm Tây; vào đời Trần, Điện Biên thuộc lộ Đà Giang, cuối thời Trần là trấn Thiên Hưng; thời Minh thuộc lại chia làm 2 châu Gia Hưng và Quy Hoá. Năm 1463, trấn Hưng Hóa được thành lập, bao gồm ba phủ: Quý Hóa, Gia Hưng, An Tây. Mặc dù vậy, các thủ lĩnh người Lự cơ bản vẫn làm chủ Mường Thanh. Từ 1466 về sau, Lê Thánh Tông đặt làm 12 thừa thừa tuyên, trong đó Hưng Hóa bao gồm 3 phủ, 4 huyện và 17 châu. Năm 1831, Minh Mạng đổi thành tỉnh Hưng Hóa, tỉnh lị đặt ở thị trấn Hưng Hoá huyện Tam Nông (nay thuộc Phú Thọ).4
Thời Pháp thuộc
Thời Pháp thuộc, Hưng Hóa được chia thành các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và tách một số huyện nhập vào Phú Thọ. Năm 1890, thực dân Pháp mới đặt được ách cai trị ở Lai Châu (bao gồm Điện Biên và Lai Châu ngày nay). Lai Châu trừ Phong Thổ thuộc Đạo quan binh thứ Tư, trực tiếp nằm trong khu quân sự Vạn Bú. Ngày 28 tháng 6 năm 1909, ngày Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu, nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu.4
Dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, Phủ Điện Biên (nay là Điện Biên Phủ) trở thành trung tâm điều hành, hành chính phía của khu vực phía nam tỉnh Lai Châu. Năm 1954, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Navarre đã đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ với ý đồ xây dựng căn cứ chiến lược quân sự, khống chế và thôn tính Đông Dương và phía Nam Trung Quốc, phía bắc Lào.4
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Điện Biên đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được coi là "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", chấm dứt 80 năm nô lệ dưới ách thực dân phong kiến. Để tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc ở Tây Bắc tiến bộ mau chóng về mọi mặt, trung ương đã quyết định lập khu vực tự trị của các dân tộc ở Tây Bắc, gọi là Khu tự trị Thái - Mèo theo Nghị quyết của Quốc hội vào ngày 29 tháng 4 năm 1955. Trước đó, theo Sắc lệnh số 143-SL ngày 28 tháng 1 năm 1953 của Chủ tịch nước, Khu Tây Bắc được thiết lập gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Lai Châu, tách khỏi Liên khu Việt Bắc.4
Đương đại
Ngày 27 tháng 9 năm 1962, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa II đã quyết định thành lập lại 3 tỉnh Sơn La, Nghĩa Lộ và Lai Châu. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Sìn Hồ, Phong Thổ và thị trấn Lai Châu. Khu tự trị lúc đó có diện tích 67.300 km², với số dân 438.000 người.
Từ năm 1962 đến năm 1994, thị trấn Lai Châu sau này là thị xã Lai Châu là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu. Sau trận lũ quét lịch sử năm 1990, do địa hình thị xã không thể mở rộng, trong khi những trận mưa lũ rải rác từ trước đó, đặc biệt là trận lũ quét lịch sử đã làm sụt lở mất từ 20 – 30% diện tích các khu quần cư. Từ thực tiễn tình hình trên và khả năng thị xã sẽ bị ngập trong tương lai khi xây dựng thủy điện Sơn La. Theo Quyết định số 130/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 18 tháng 4 năm 1992 đã quyết định thành lập thị xã Điện Biên Phủ và di chuyển tỉnh lỵ về thị xã Điện Biên Phủ.
Tháng 1 năm 2002, huyện Mường Nhé được thành lập trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các huyện Mường Tè, Mường Lay.5
Tháng 9 năm 2003, thành phố Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Điện Biên Phủ.6 Tháng 11 năm 2003, Quốc hội ra Nghị quyết trong đó chia tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Tỉnh Điện Biên có diện tích tự nhiên là 955.409,70 ha và dân số hiện tại là 440.300 người, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Lai Châu (trừ phường Lê Lợi) và 6 huyện: Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Lay (trừ: xã Pú Đao, xã Chăn Nưa, xã Nậm Hàng, bản Thành Chử thuộc xã Xá Tổng).7
Tháng 1 năm 2004, địa giới hành chính huyện Mường Lay và thị xã Lai Châu được điều chỉnh lại.8 Tháng 3 năm 2005, thị xã Lai Châu được mở rộng và đổi thành thị xã Mường Lay, đổi tên huyện Mường Lay thành huyện Mường Chà, cũng đổi tên huyện lỵ Mường Lay thuộc huyện Mường Lay thành thị trấn Mường Chà.9
Ngày 14 tháng 11 năm 2006, thành lập huyện Mường Ảng trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của huyện Tuần Giáo.10
Ngày 28 tháng 8 năm 2012, thành lập huyện Nậm Pồ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của các huyện Mường Nhé và Mường Chà.11
Hành chính
Tỉnh Điện Biên gồm 1 thành phố (tỉnh lỵ), 1 thị xã và 8 huyện:3
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Điện Biên | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
|
Tỉnh Điện Biên có 130 đơn vị cấp xã gồm 9 phường, 5 thị trấn và 116 xã.3 3
Dân cư
Tính đến năm 2015, dân số tỉnh Điện Biên đạt gần 547785 người với mật độ dân số là 57 người/km2. Trong đó, số dân thành thị đạt 82691 người và số dân sống ở nông thôn đạt 465094 người. Dân số nam và dân số nữ gần ngang nhau: dân số nam đạt 273931 người; dân số nữ đạt 273854 người.3
Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, tỉnh Điện Biên có 33 dân tộc sinh sống bao gồm: Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Giáy, La Hủ, Lự, Hoa, Kháng, Mảng, Tày, Nùng, Mường,... Trong đó dân tộc Thái là dân tộc có dân số đông nhất với 186270 người, chiếm 38,4% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Mông xếp thứ hai với 170648 người, chiếm 29,6% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Kinh có dân số đông thứ ba với 90323 người, chiếm khoảng 20% dân số tỉnh.12
Giao thông
Mạng lưới giao thông đường bộ:
- Từ thành phố Điện Biên Phủ tới Hà Nội 474 km theo quốc lộ 279 và rẽ sang quốc lộ 6.
- Quốc lộ 12: Từ thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) 195 km.
- Quốc lộ 279: Nối Tuần Giáo qua thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang dài 117 km.
Đường hàng không: sân bay Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ phục vụ tuyến Hà Nội - Điện Biên Phủ - Viêng Chăn - Luông Pha Băng
Du lịch
Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờcát).
Quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn của cả nước.
Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể, với 33 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, điển hình là dân tộc Thái, dân tộc H'Mông.
Bên cạnh đó Điện Biên có nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ,...
Tiềm năng kinh tế
Bên cạnh lợi thế du lịch, tỉnh Điện Biên có quỹ đất chưa sử dụng rất lớn (55%) - mũi nhọn để phát triển nông lâm nghiệp, đặc biệt là trồng cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi đại gia súc. Cánh đồng Mường Thanh cần được định hướng thành trung tâm sản xuất lúa chất lượng cao của vùng Tây Bắc. Nhiều vùng như Mường Nhé, Si Pa Thìn và Điện Biên có khả năng chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng trang trại.3
Là tỉnh duy nhất giáp với cả CHDCND Lào và CHND Trung Hoa, Điện Biên có vị trí quan trọng trong thương mại quốc tế. Tỉnh có nhiều cửa khẩu: Tây Trang, Huổi Pôc (Lào), A Pa Chải - Long Phú (Trung Quốc)... Cửa khẩu Tây Trang đã được chính phủ Việt Nam và Lào thống nhất nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế gắn liền với khu kinh tế cửa khẩu. Đây là cơ hội lớn để Điện Biên phát triển thành địa bàn trung chuyển chính của tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền Tây Bắc Việt Nam với Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Myanmar.3
Cuối cùng, công trình thủy điện Sơn La và đồ án mở rộng ba tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tạo thêm thuận lợi cho quá trình sắp xếp dân lại dân cư, lao động, và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế.13
Tham khảo
- ^ a ă “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2013 phân theo địa phương”. Trung tâm Tư liệu Thống kê - Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập 9 tháng 12 năm 2014.
- ^ “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2013 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015.
- ^ a ă â b c d đ e ê “Tổng quan về Điện Biên”. CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐIỆN BIÊN. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2017.
- ^ a ă â b c d “Lịch sử”. CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐIỆN BIÊN. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2017.
- ^ Nghị định số 08/2002/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Tè, huyện Mường Lay để thành lập huyện Mường Nhé và chia tách huyện Phong Thổ để thành lập huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
- ^ Nghị định số 110/2003/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Điện Biên Phủ, điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng và thành lập các phường thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu.
- ^ Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh.
- ^ Nghị định số 02/2004/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Lay và thị xã Lai Châu, tỉnh Điện Biên.
- ^ Nghị định số 25/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính và đổi tên thị xã Lai Châu thành thị xã Mường Lay, đổi tên huyện Mường Lay và thị trấn Mường Lay thành huyện Mường Chà và thị trấn Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
- ^ Nghị định 135/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, huyện; thành lập xã; mở rộng và đổi tên thị trấn Mường Ẳng thuộc huyện Tuần Giáo, huyện Mường Chà; thành lập huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.
- ^ Nghị quyết 45/NQ-CP năm 2012 điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, huyện thuộc tỉnh Điện Biên.
- ^ “Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009”. Tổng cục thống kê Việt Nam. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2017.
- ^ "Rà soát Quy hoạch Phát triển KT-XH Tỉnh Điện Biên Đến Năm 2020, Tầm nhìn 2030" ngày 5/11/2014, trang 34, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh Điện Biên.
(Nguồn: Wikipedia)